Xứ Nghệ ngày nay

Nhìn lại Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Nghệ An

      Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Nghệ An được tổ chức lần thứ I vào năm 2013. Đến nay, sau 3 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị trường học, nhà văn hóa trên toàn tỉnh, tạo được sân chơi bổ ích cho các em lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, để giải thưởng thực sự hiệu quả, có ý nghĩa, thời gian tới sẽ còn nhiều việc phải làm.

 

      Số lượng giảm, chất lượng tăng không đáng kể.

      Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Nghệ An được tổ chức cho đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi (theo giấy khai sinh), là người Việt Nam đang sinh sống và học tập trên địa bàn Nghệ An. Sauba lần tổ chức, cuộc thi đã nhận được lượng tranh không nhỏ từ nhiều đơn vị. Năm 2013, có 35.251 tranh gửi về, năm 2016 là 12.120 tranh và lần mới đây, năm 2018, số tranh nhận được là 9.082 tranh. Nếu không tính lần đầu tổ chức, số lượng tranh gửi về rất nhiều do chưa có vòng sơ loại thì tình trạng giảm số lượng tranh, số đơn vị tham gia của năm 2018 so với 2016[i] là dấu hiệu không mấy khả quan và nên được xem xét. Mặc dù chương trình có sự phối hợp tổ chức của nhiều cơ quan, trong đó có Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Đoàn để đảm bảo phát động rộng rãi nhưng theo báo cáo các năm có thể thấy số huyện, thành, thị tham gia chỉ chiếm khoảng 50%[ii]. Nhiều huyện không có đơn vị nào tham gia hay giảm số lượng đơn vị tham gia một cách đáng kể. Cụ thể, huyện Tương Dương, Quế Phong liên tục năm 2016, 2018 không có đơn vị nào tham gia. Năm 2018, huyện Thanh Chương, từ chỗ là huyện dẫn đầu về số đơn vị tham gia năm 2016 (39 đơn vị), đến năm 2018 chỉ còn 5 đơn vị tham gia; Huyện Diễn Châu từ 23 đơn vị tham gia năm 2016, chỉ còn 1 đơn vị tham gia năm 2018. Những huyện đồng bằng, lân cận TP. Vinh cũng không có nhiều đơn vị tham gia, đặc biệt huyện Hưng Nguyên năm 2016 có 1 đơn vị tham gia, năm 2018 không tham gia. Có trường tại TP. Vinh cũng phản ánh rất tiếc do hè không nhận được công văn nên không tham gia. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Từ lần tổ chức đầu tiên đến nay, Sở giáo dục & Đào tạo luôn phối hợp tổ chức lễ phát động, tổng kết và tiến hành gửi văn bản về các đơn vị, đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, các trường tiểu học, THCS không phải là đối tượng Sở giáo dục quản lý trực tiếp nên cũng gặp khó khăn”.

Bé Bảo Ngọc (Nhà TN Việt Đức) được ông ngoại bế lên xem bức tranh đạt Giải nhất của mình

      Ban Tổ chức giải nhận định, tuy tranh có giảm về số lượng song chất lượng tăng đáng kể, thể hiện qua số tranh được lựa chọn đưa vào chấm vòng 2[iii]. Điều này phần nào đúng khi so sánh lần tổ chức thứ II (năm 2016) với lần tổ chức đầu tiên. Lần thứ nhất, do chưa có sơ tuyển trước khi gửi về BTC nên số lượng tranh nhiều nhưng chất lượng không cao. Các lần sau, chất lượng tranh gửi về được cải thiện. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu của 2 lần thi gần đây lại thấy, số lượng tranh đạt chất lượng vào vòng 2 giảm. Năm 2016 có 1.758 tranh, chiếm khoảng 14,5%; năm 2018 có 862 tranh, chiếm chưa đến 10%. Như vậy, mặc dù đánh giá chất lượng thông qua những con số này là chưa đầy đủ nhưng phần nào chúng ta cũng có thể thấy không có sự chuyển biến nhiều về chất lượng tranh. Ông Nguyễn Đình Truyền, Trưởng ban Mỹ thuật hội LHVHNT tỉnh Nghệ An, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi nhận đinh: “Nhìn chung các tác phẩm dự thi không có xuất sắc nhưng đồng đều. Số lượng nhiều nhưng về chất lượng chưa có sự đột phá”. Ông cũng cho rằng qua ba lần tổ chức thì chưa có chuyển biến nhiều về mặt chất lượng.

      Đâu là nguyên nhân?

      Có thể khẳng định không chỉ Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi mà nhiều cuộc thi khác được phát động trong trường học (tìm hiểu về an toàn giao thông, viết thư UPU, các cuộc thi, bài thi tìm hiểu về nhân vật lịch sử,..) đều có “chung số phận”. Hầu hết các cuộc thi được tổ chức bài bản; một số cuộc thi nhận được sự tham gia rất đầy đủ nhưng chất lượng nhìn chung lại không cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này mà xét riêng ở Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi có thể kể đến những yếu tố sau.

      Trước hết, đó là ở vấn đề truyền thông cho cuộc thi, thời gian tổ chức và sức hấp dẫn của nó. Mặc dù hiện nay có sự phối hợp của nhiều đơn vị và lễ phát động, lễ trao giải được chuẩn bị, tổ chức khá công phu song thông tin chi tiết về giải thưởng còn hạn chế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, công tác truyền thông chưa phát huy được vai trò trong việc tác động đến suy nghĩ của giáo viên, học sinh để các thầy cô và các em thấy được ý nghĩa của nó. Thiết nghĩ, để gửi công văn bắt buộc các trường học tham gia đầy đủ thì không khó nhưng quan trọng là phải làm sao để các học sinh, nhà trường tự giác và thích thú tham gia. Chỉ khi đạt được điều đó ta mới hy vọng có được nhiều tranh chất lượng gửi về.

      Nguyên nhân thứ hai là bởi Mỹ thuật cũng như Âm nhạc hay Giáo dục thể chất vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các trường học, các giáo viên cũng như học sinh và phụ huynh. Chưa quan tâm có thể bởi sự chi phối của quan niệm môn chính, môn phụ hoặc do điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất chưa cho phép. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Sở GD& ĐT cũng cho rằng, nhiều đơn vị chưa tham gia hay tham gia không nhiệt tình là do vẫn còn quan niệm chú trọng đến các môn học chính, các cuộc thi học sinh giỏi hơn. Bởi thế, nhiều nơi chưa thật quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai. Trả lời về nguyên nhân không tham gia giải, Trường Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) cũng cho biết năm 2018, nhà trường tập trung xây dựng cơ sở vật chất nên công tác triển khai chậm do đó không có tranh chất lượng để tham gia. Mặt khác, trường cũng phản ánh thời gian học của học sinh chiếm thời lượng lớn (2 buổi/ngày), điều kiện còn khó khăn nên rất khó để triển khai các câu lạc bộ, các hoạt động phát triển năng khiếu cho các em.

      Bên cạnh đó, căn nguyên và sâu xa khiến cho cuộc thi chưa tạo được sức hút cũng như chưa lựa chọn được các tác phẩm thực sự xuất sắc còn nằm ở việc giảng dạy Mỹ thuật cho học sinh tại các nhà trường cũng như các cơ sở bên ngoài. Vì đang còn quan niệm, Mỹ thuật là môn học phụ nên các nhà trường chưa quan tâm đúng mức tới môn học này. Vì là môn phụ nên tâm thế của cả người dạy và người học cũng theo kiểu “học cũng được mà không học cũng chẳng sao”, cuối học kỳ, cuối năm, phần đánh giá trong học bạ chỉ một chữ “đạt” là xong. Vấn đề này sẽ được chúng tôi bàn kỹ trong bài viết kỳ sau.

      Dẫu rằng đây là cuộc thi về năng khiếu, có tính đặc thù nên khó có thể đòi hỏi một cách chủ quan về số lượng hay chất lượng tác phẩm nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận lại nghiêm túc về những hạn chế để tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Phải làm sao để đây trở thành một sân chơi thú vị cho các học sinh, góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng hội họa và khuyến khích phong trào dạy, học mỹ thuật trong nhà trường. Đặc biệt, hy vọng, thông qua các cuộc thi, giải thưởng Mỹ thuật như này, chúng ta sẽ tuyên truyền mạnh hơn để thay đổi nhận thức, tư duy về vai trò của Mỹ thuật với con trẻ cũng như với cuộc sống.

 



[i] Năm 2016 có 189 đơn vị tham gia; năm 2018 có 145 đơn vị tham gia.

[ii] Năm 2016: 11/21 huyện, thành, thị tham gia; Năm 2018: 12/21 huyện, thành thị tham gia.

[iii] Số tranh vào vòng 2 qua các năm: năm 2013: 529/35.251, năm 2016: 1.758/12.120, năm 2018: 862/9.082

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511712

Hôm nay

238

Hôm qua

2337

Tuần này

22086

Tháng này

218585

Tháng qua

121356

Tất cả

114511712