Xứ Nghệ ngày nay
Ấn tượng Cầu mây Nghệ An
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, môn Cầu mây Nghệ An thành công ngoài mong đợi với 2 tấm HCV quí giá nội đồng đội nữ và đôi nam giúp cho đoàn thể thao Nghệ An lọt vào Top 20 của ĐH. Trong nhiều năm qua, Cầu mây luôn là một “mỏ vàng”, đóng góp nhiều thành tích cho thể thao xứ Nghệ cả ở đấu trường trong nước và quốc tế.
Đoàn VĐV cầu mây Nghệ An đạt 2 HCV (đồng đội nam, đồng đội nữ), 1 HCB, 2 HCĐ
Theo HLV Hoàng Hữu Nghĩa, môn Cầu mây được chính thức đưa vào đào tạo và thi đấu thành tích cao từ năm 1998. Hồi đó môn thể thao này mới được du nhập về từ Thái Lan còn khá lạ lẫm. Sau khi Cầu mây trở thành môn chính thức trong hệ thống thi đấu của Sea Game thì Việt Nam mới đưa vào tập luyện. Xuất thân là dân bóng đá, tôi không khỏi băn khoăn vì mình mình hoàn toàn không biết gì về môn này, thế là đành lặn lội ra Hà Nội đi học hỏi, xin băng hình về nghiên cứu. Khóa đầu tiên Nghệ An chỉ tuyển được 8 VĐV cả nam lẫn nữ. Và cũng trong năm đầu tiên này, Cầu mây Nghệ An lần đầu tiên ra quân tham gia Giải vô địch trẻ toàn quốc tại Bình Định đã giành được tấm HCB đồng đội nam, thầy trò lúc đó vô cùng vui sướng. Đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm HLV của Hoàng Hữu Nghĩa và lứa VĐV đầu tiên ấy đã gặt hái rất nhiều thành công sau này.
Trong giai đoạn từ năm 2000 - 2005, Cầu mây Nghệ An đã dần dần khẳng định vị thế trong làng Cầu mây trong nước qua từng giải đấu, nhiều VĐV được gọi vào đổi tuyển quốc gia để tham gia Sea game và các giải đấu quốc tế. Với các tấm HCV liên tiếp của đội tuyển Cầu mây nữ ở các Giải vô địch quốc gia và các giải trẻ nhưng có lẽ tự hào lớn nhất đối với Cầu mây Nghệ An đó là tấm HCV thế giới năm 2005 của VĐV Phạm Viết Thành. Đây là tấm HCV thế giới đầu tiên trong lịch sử thể thao Nghệ An và tấm HCV đầu tiên đội tuyển Cầu mây quốc gia.
Ban tổ chức trao huy chương cho các đội tuyển Cầu mây
Đội tuyển Cầu mây nữ Nghệ An đạt HCV
Năm 2010, Cầu mây Nghệ An lần đầu tiên tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI đã giành 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Tiếp tục 2 kỳ ĐH VII và VIII đều giành được 4 HCV, 5 HCB, 7 HCĐ. Năm 2011 - 2017 , tại các giải Cầu mây toàn quốc, giải Cầu mây bãi biển, Cầu mây Nghệ An luôn giữ vững phong độ luôn giành được từ 1 - 3 HCV qua các giải đấu và trở thành một trong những địa phương có thành tích thi đấu tốt nhất cả nước chỉ đứng sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thi đấu ổn định, có thành tích tốt, Cầu mây Nghệ An đã đóng góp nhiều gương mặt tiêu biểu cho đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải đấu trong khu vực và quốc tế với những cái tên tiêu biểu như: Đinh Thúy Hằng, Nguyễn Thị Quyên, Trần Hồng Nhung, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị My, Trường Kiều Trinh, Nguyễn Trường Quyết, Nguyễn Quốc Anh. Trong số này, các VĐV Nguyễn Thị Quyên, Đinh Thúy Hằng và Nguyễn Thị Hòa đã từng cùng các đồng đội khác giành HCV thế giới ở nội dung đồng đội nữ và đôi nữ. Đặc biệt, HLV Hoàng Hữu Nghĩa đã được gọi làm HLV cho đội tuyển quốc gia thi đấu xuất sắc tại các kỳ Sea game 2013, 2015 và nhiều giải Cầu mây bãi biển quốc tế.
HLV Hoàng Hữu Nghĩa cho biết: “Hiện tại, môn Cầu mây của Nghệ An đang đào tạo các nội dung: đôi, đội tuyển và Cầu mây bãi biển, ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, cũng như ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Cầu mây nữ Nghệ An được ưu tiên hơn. Hiện đội Cầu mây Nghệ An có 22 VĐV đang tham gia tập luyện, gồm 12 nữ và 9 nam.”
Chứng kiến một buổi tập của các VĐV Cầu mây Nghệ An mới thấy được đây là một môn thể thao đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ngoài yêu cầu về một thể lực tốt thì cần thêm sự dẻo dai và đặc biệt là phải có phản xạ nhanh nhẹn, khéo léo. Cầu mây là một môn thể thao sử dụng quả cầu làm bằng mây (nay làm bằng nhựa tổng hợp theo tiêu chuẩn chung quốc tế). Môn này tương tự như bóng chuyền nhưng cầu thủ có thể sử dụng chân, đầu gối, ngực và đầu để chạm bóng. VĐV Nguyễn Thị My cho biết: “Trong cầu mây khó nhất là kỹ thuật bước 1- kỹ thuật đỡ cầu, là kỹ thuật cơ bản nhất mà khó nhất, thắng thua nằm ở kỹ thuật ấy”. Quan sát bằng mắt, thấy các cô gái đá cầu rất đẹp mắt và nhẹ nhàng, tuy nhiên hầu hết các VĐV từng bị chấn thương, tùy mức độ nặng nhẹ. Có VĐV từng phải nghỉ tập để điều trị tròn 1 năm.
Nhìn vào vào cơ sở vật chất phục vụ cho cầu mây có thể nói còn khá khó khăn. Hiện các VĐV Cầu mây Nghệ An vẫn chưa có chỗ tập riêng mà phải tập trong Trung tâm Thi đấu và dịch vụ TDTT tỉnh, cùng với các bộ môn Bóng chuyền, Cầu chinh, vì thế rất chật chội và các VĐV cũng dễ bị phân tán tư tưởng trong lúc tập. Bên cạnh đó, các VĐV hiện vẫn chưa có chế độ tập huấn dã ngoại để thay đổi không khí hoặc giao lưu cọ xát với các VĐV ở các tỉnh thành khác.
Chia sẻ với những điều trên, ông Nguyễn Văn Huệ - PGĐ Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT tỉnh cho biết: “Việc phát triển bộ môn này ở Nghệ An còn nhiều khó khăn. Không như các môn Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông và võ thuật, việc xã hội hóa môn Cầu mây ở Nghệ An rất hạn chế. Hiện môn này mới chỉ được phát triển tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT tỉnh, đây cũng là nguyên nhân khó tìm kiếm các tài năng. Hiện Cầu mây chưa được đưa vào các trường học cũng như các Hội khỏe Phù Đổng nên mỗi khi tìm kiếm VĐV năng khiếu, các HLV đành phải tự đến các địa phương để tuyển. Ngoài ra, so với các địa phương mạnh về Cầu mây khác, số chỉ tiêu đào tạo VĐV của môn Cầu mây là khá ít nên việc lựa chọn VĐV tham dự các giải toàn quốc gặp nhiều khó khăn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn duy trì lực lượng trên 50 VĐV).
Không chỉ riêng môn Cầu mây mà VĐV nhiều môn thể thao khác như Điền kinh, Bóng đá…, đó là cơ hội thi đấu nước ngoài để cọ xát và rèn luyện tâm lý thi đấu còn quá ít. Nguyên nhân là phần đông các môn thể thao đều do nhà nước bao cấp hoàn toàn, chi phí cho một đợt tập huấn, thi đấu nước ngoài khá lớn, chính vì vậy không thể tạo điều kiện cho VĐV giao lưu, học hỏi.
Bước vào năm 2019, Cầu mây Nghệ An lại bắt đầu với các giải đấu lớn trong năm và đóng góp VĐV cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Seagme 30. Khó khăn và thách thức còn nhiều, hy vọng rằng, môn Cầu mây được quan tâm hơn để thành tích thi đấu đạt được tốt hơn.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511701
227
2337
22075
218574
121356
114511701