Xứ Nghệ ngày nay
Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian tại huyện Yên Thành
CLB Ví, Giặm xã Đồng Thành tham gia Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2018 tại tỉnh Hà Tĩnh
Yên Thành là địa phương có vốn di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú và đa dạng, trong đó, nổi bật là các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, như: Chèo, Tuồng, Trống tế và Dân ca Ví, Giặm. Thời gian qua, huyện Yên Thành đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể này.
Thành lập và duy trì hoạt động các loại hình câu lạc bộ (CLB)
Một trong những cách làm hay, hiệu quả của việcbảo tồn các loại nghệ thuật trình diễn dân gian ở Yên Thành là thành lập và duy trì hoạt động các loại hình CLB.
Có lẽ Yên Thành là địa phương duy nhất trong tỉnh có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gianvới6 CLB Dân ca Ví, Giặm (Phúc Thành, Viên Thành, Đồng Thành, Bảo Thành, Hợp Thành và Văn Thành); 5 CLB Tuồng (Xuân Thành, Trung Thành, Bắc Thành, Long Thành, Hậu Thành); 1 CLB Chèo (xã Lăng Thành); 5 đội Trống tế (Hoa Thành, Hợp Thành, Trung Thành, Nam Thành và Xuân Thành). Các CLB hoạt động khá thường xuyên với số lượng từ 10-25 thành viên tham gia. Nổi bật trong các CLB dân ca Ví, Giặm là CLB Dân ca Ví, Giặm Đồng Thành với20 thành viên,tham gianhiều hộidiễn ở các cấp, từ huyện, lên tỉnh và liên tỉnh Nghệ - Tĩnh và lần nào cũng đều đạt giải Nhất, Nhì.“Vì yêu câu hát nên tôi đến với CLB. Để phục vụ bà con, chúng tôi sẵn sàng bỏ dở việc nhà để tập luyệnvà cảm thấy hạnh phúc khi được đem những niềm vui đến cho mọi người”, Chị Nguyễn Thị Thắng, thành viên CLB dân ca Ví, Giặm Đồng Thành nói. Hay ở CLB Tuồng xã Xuân Thành hiện có 25 thành viên tham gia. Vào dịp Tết đến, Xuân về, dịp mừng thọ ở các gia đình, lễ tế tổ ở các dòng họ, ngày thành lập các đoàn thể ở địa phương... Tuồng dường như là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây. “Được biểu diễn Tuồng, xem diễn Tuồng không chỉ là đam mê, sở thích, đem lại niềm vui trong cuộc sống, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”, anh Thái Duy Chung, thành viên CLB Tuồng Xuân Thành chia sẻ. Còn CLB Chèo Lăng Thành được thành lập từ năm 2007 với 10 thành viên tham gia, độ tuổi từ 30 - 60 tuổi. Từ khi thành lập đến nay, CLB hoạt động khá thường xuyên. Trừ những lúc mùa màng bận rộn, còn lại, lúc nhàn rỗi hay có lịch mời biểu diễn cho lễ hội, đền chùa đầu năm,…các thành viên lại tập trung tập luyện, không quản ngày đêm, mưa nắng. “Chèo Lăng Thành đã biểu diễn rất nhiều nơi: Lễ hội đền Đức Hoàng, đền - chùa Gám, giao lưu với các ban ngành ở địa phương,…”, NNƯT Hoàng Thị Loan, Phó Chủ nhiệm CLB nói trong niềm tự hào. Còn các đội Trống tế, khi đã vào hội thì cũng có sức cuốn hút lạ thường. “Các thành viên biểu diễn trống không những phải đúng nhịp mà còn phải kết hợp múa dùi trống sao cho đẹp và uyển chuyển, hợp với giai điệu của nhạc trống, lôi cuốn được mọi người, hướng con người đến với cái thiện”, cụ Nguyễn Hữu Châu, nghệ nhân Trống tế ở xã Hợp Thành cho biết.
Đưa dân ca vào trường học
Ngoài các CLB thì việc bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm được huyện Yên Thành triển khai trong trường họckhá thành công. Hiện 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã đưa Dân ca Ví, Giặm vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc và một số tiết ngoại khóa. Ngoài ra, một số Trường mầm non trên địa bàn cũng lồng ghép Dân ca Ví, Giặm vào hoạt động giảng dạy cho các cháu.
Hội thi hát dân ca trong trường học huyện Yên Thành năm 2018
Để lan tỏa phong trào hát dân ca cũng như tìm kiếm những tài năng trong nhà trường, cứ 4 năm/lần, Phòng Giáo dục huyện lại tổ chức Hội thi “Tiếng hát Dân ca trong trường học” từ cấp trường đến cấp huyện. Từ các hội thi đã phát hiện ra nhiều hạt nhân tích cực trong việc truyền dạy niềm yêu thích dân ca tronghọc sinh như cô Nguyễn Thị Mai, Trường THCS Đại Minh; cô Nguyễn Thị Hương, trường TH số 1 Phúc Thành; thầy Phan Văn Vinh, trường THCS Bạch Liêu,…. “Để truyền lửa cho các em, ngoài việc đưa dân ca vào dạy trong các tiết học âm nhạc thì tôi đã lồng ghép hát dân ca vào trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội, hội thi,.. Nhờ vậy, phong trào hát dân ca ở trường THCS Đại Minh phát triển mạnh mẽ, được các trường khác trên địa bàn đến học tập và nhân rộng”, cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên âm nhạc chia sẻ. Còn em Nguyễn Thị Bình Dương, học sinh trường THCS Đại Minh, chia sẻ: “Dân ca Ví, Giặm rất khó hát nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô Mai và các bác nghệ nhân mà em đã hát được. Em đã đạt nhiều giải tại Hội thi Tiếng hát Dân ca trong trường học, như: giải A năm 2014; giải Tài Năng năm 2018;…”. Thầy Nguyễn Văn Bình, Phó Phòng GD huyện Yên Thành cho biết “Dạy hát dân ca trong trường học đã được ngành Giáo dục Yên Thành triển khai đến tất cả các cấp học ở địa phương. Qua đó giúp học sinh hiểu và yêu hơn câu dân ca truyền thống. Nhiều trường học đã thực hiện tốt công tác này, như: Trường THPT Nam Yên Thành, Trường TH số 1 Đô Thành, Trường TH số 1 Phúc Thành, Trường THCS Hoàng Tá thốn, Trường THCS Đại Minh,…”. Nhờ vậy, huyện Yên Thành đạt giải Ba toàn đoàn(năm 2014), giải Nhì (năm 2018) tại Hội thi Tiếng hát Dân ca trong trường học cấp tỉnhvà em Nguyễn Minh Nguyệt, Trường THPT Phan Thúc Trực được đặc cách vào trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân, diễn viên
Cùng với việc thành lập các CLB thì huyện Yên Thành còn quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nghệ nhân, diễn viên ở tất cả các loại hình Dân ca, Tuồng, Chèo,…. Để làm được điều đó, hàng năm, huyện đều tổ chức Liên hoan các CLB Dân ca, Chèo, Tuồng; thi đánh Trống Tế tại các lễ hội Đền - Chùa Gám, đền Đức Hoàng; Chỉ đạo các xã tổ chức các loại hình nghệ thuật dân gian này phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân và các ngày lễ, kỷ niệm lớn. Trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen hàng năm, huyện cũng chỉ đạo các xã phải đảm bảo cơ cấu 70% chương trình là các tiết mục dân ca. Việc đưa các loại hình nghệ thuật dân gian vào các hội thi, hội diễn, giao lưu, lễ hội vừa tạo ra nhiều môi trường để các nghệ nhân và diễn viên ở các CLB thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết và khả năng sáng tạo của mình, đồng thời vừa tuyên truyền, quảng bá rộng rãi di sản văn hóa này đến với đông đảo công chúng và du khách.
Huyện cũng đã làmhồ sơ đề nghị phong tặng các danh hiệu cho các Nghệ nhân có nhiều sự đóng góp đối với các loại hình nghệ thuật dân gian. Đến thời điểm này, toàn huyện có 7 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) ở các loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Các NNƯT cũng đã được hưởng chế độ hàng tháng theo quy định của nhà nước Hằng năm, vào dịp đầu năm mới, huyện đều tổ chức gặp mặt các Nghệ nhân và nhiều cá nhân nhằm tôn vinh,ghi nhận những đóng góp của họ trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Có thể thấy rằng, các loại hình nghệ thuật dân gian ở Yên Thành được lưu giữ và lan tỏa được như hiện nay, đó là nhờ công sức đóng góp rất lớn của các Nghệ nhân. Họ là những hạt nhân góp phần “giữ lửa” và trao truyền niềm đam mê này cho thế hệ trẻ. Điển hình như NNƯT Phan Thế Phiệt ở xã Hoa Thành (72 tuổi) - tác giả của nhiều trích đoạn kịch dân ca đượccác đội văn nghệ các xã, huyện, các trường họcbiểu diễn thành công tại các hội thi. Trong số những người ông từng dìu dắt có rất nhiều người hiện được công chúng yêu mến như: NSƯTNgọc Hà, Hồng Lĩnh...; NNƯT Trần Quốc Minh (77 tuổi), từ năm 18 tuổi, ông đã tìm tòi, sưu tầm và phát triển dân ca Ví, Giặm ra cộng đồng. Chính ông là người quy tụ và gây dựng nên CLB dân ca Ví, Giặm xã Đồng Thành; Hay ông Phan Văn Lạng, một trong những nghệ nhân tích cực tham gia phong trào diễn Tuồng ở Xuân Thành. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng với lòng say mê, ông luôn dồn nhiệt huyết để tham gia truyền dạy Tuồng cho thế hệ trẻ. Chính nhờ có ông, mà hiện nay, CLB Tuồng Xuân Thành có một đội ngũ diễn viên nòng cốt như bà Nguyễn Thị Lan, chị Hoàng Thị Dung, anh Lê Khắc Tài,…; Nhắc tới Chèo Lăng Thành thì không thể không nhắc đến NNƯT Hoàng Thị Loan. Từ niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này, đồng thời muốn truyền lại cho thế hệ trẻ, bà đã trực tiếp vận động các thành viên có năng khiếu cùng tham gia, thành lập nên CLB Chèo Lăng Thành; Bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi, nhiều nghệ nhân nhỏ tuổi cũng đã bộc lộ đam mê và năng khiếu vượt trội, như: Hà Quỳnh Như - 14 tuổi và Nguyễn Minh Nguyệt – 17 tuổi, xã Phúc Thành (Dân ca), Thái Hữu Tuấn - 13 tuổi ở Xuân Thành (Trống tế),…
Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là vô cùng khó khăn đối với nhiều địa phương, vì nhiều lý do, vậy nhưng huyện Yên Thành đã có nhiều nỗ lực trong việc này và bước đầu có kết quả. Đáng trân trọng sự đam mê, tâm huyết với nghệ thuật dân gian của các nghệ nhân làng và ghi nhận sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, như: phát triển nghệ nhân dân gian, thành lập thêm nhiều CLB ở các thôn, xóm; đặc biệt là chú trọng tới công tác tuyên truyền di sản trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ”, anh Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng VH-TT huyện Yên Thành cho biết.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511710
236
2337
22084
218583
121356
114511710