Những góc nhìn Văn hoá

NHO GIÁO NHẬT BẢN VÀ NHO GIÁO VIỆT NAM

Khoảng đầu Công nguyên cùng với sự xuất hiện của đế chế nhà Hán hùng mạnh, nền văn minh Hán bùng nổ ra xung quanh, thu hút các nền văn minh bên cạnh tạo thành một vùng văn hoá rộng lớn, sau này người ta gọi nó là “Khu vực Văn hoá chữ Hán” hay vùng văn hoá Đông Á.

Việt Nam và Nhật Bản đều gia nhập Khu vực văn hoá chữ Hán vào thời gian này, vì thế cùng với bán đảo Triều Tiên, các nước trong khu vực đều có chung một mô hình văn hoá, tư tưởng: Nho, Phật, Đạo và tín ngưỡng thờ Thần bản địa. Riêng về Nho giáo, Nho giáo chi phối các nước trong khu vực từ khá sớm và càng về sau ngày càng mạnh, chiếm một phần quan trọng trong văn hoá – tư tưởng mỗi nước. Việc tìm hiểu Nho giáo của từng nước và so sánh Nho giáo giữa các nước để tìm ra những đặc điểm riêng có tính chất “tiếp biến” là một việc làm cần thiết nhằm tăng cường sự hiểu biết trong khu vực, đồng thời cũng hiểu rõ hơn bản thân dân tộc ta.

Gần đây ở nước ta việc tìm hiểu Nho giáo Nhật Bản cũng đã được quan tâm nhiều hơn trước, tuy nhiên cũng chưa có công trình nào chuyên biệt đi sâu vào vấn đề này, xứng đáng với vấn đề mà nó đòi hỏi. Bài viết này bước đầu đi vào tìm hiểu một cách tương đối có hệ thống với nhiững nét khái quát nhất: trước hết lược qua quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Nhật Bản, sau đó so sánh với Việt Nam để tìm những đặc điểm nổi bật trong Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản.
1.                      NHO GIÁO NHẬT BẢN:
1.1.           Nho giáo du nhập vào Nhật Bản:
Cổ sự ký古事記và Nhật Bản thư kỷ日本書紀, hai bộ sử tối cổ của Nhật Bản (TK.VIII) có ghi chép về sự kiện Nho giáo truyền vào Nhật Bản: Vào TK.V, thời Ứng Thần thiên hoàng/ Ojintennnô応神天皇, vua nước Bách Tế 百済([1]) là Tiêu Cổ/  Shôko肖古 có phái sứ giả là Achigi/ A Trực Kỳ阿直岐 dâng hai con ngựa tốt. Achigi là người hay đọc sách, nên khi được hỏi là “trong nước Bách Tế có học giả nào hơn ông không?”, thì Achigi trả lời rằng có người tên là Vương Nhân/ Wani 王人rất ưu tú. Vì thế triều đình Nhật Bản bèn mời Vương Nhân sang. Vua nước Bách Tế bèn dâng Vương Nhân cùng với 10 quyển Luận ngữ  論語và 1 quyển Thiên tự văn 千字文. Vương Nhân dạy cho Thái tử Uji no Wakiiratsuko/ Thố Đạo Trĩ Lang Tử菟道稚郎子kinh điển Nho gia. Câu chuyện này thường được coi là cái mốc chính thức đánh dấu sự truyền bá Nho giáo vào Nhật Bản. Tuy nhiên trong thực tế Nho giáo có thể đã vào sớm hơn. Ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên có hai quận Lạc Lãng/ Rakurô 楽浪, Đới Phương 帯方 thuộc hệ thống văn hoá Hán, Ngụy, đó là loại văn hóa sau khi Hán Vũ Đế dùng Nho giáo làm quốc giáo. Sau khi hai quận ấy diệt vong, nhiều người Trung Quốc ở đấy đã phân tán vào các địa phương ở Triều Tiên, rồi bằng nhiều con đường khác nhau họ đã đến Nhật Bản. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi biết rằng hai dòng họ chuyên lo về giấy tờ chữ nghĩa ở Nhật Bản là Yamato no fumi/ Đông Văn東文 có gốc là người Trung Quốc ở quận Đới Phương; và dòng họ Kawachi no fumi/ Tây Văn西文 lại là hậu duệ của những nhà nho ở Bách Tế.  
Từ thế kỷ VI trở đi, các “Ngũ kinh bác sĩ” (học giả về ngũ kinh) đến Nhật Bản khá đông. Theo Nhật Bản thư kỷ thì vào năm thứ 7 Kế Thể thiên hoàng/ Keitai tennô 継体天皇(năm 513), để được công nhận quyền sở hữu đất Kỷ Vấn/ Komon己汶 - vùng đất đang tranh chấp với Nhiệm Na/ Mimana 任那, nước Bách Tế đã cử sứ giả đến Nhật Bản, cống Ngũ kinh bác sĩ Đoàn Dương Nhĩ 段楊爾 (Tan Yô Ni), và đã được triều đình Nhật Bản công nhận quyền sở hữu ở đó. Năm  516 Bách Tế lại cử sứ giả sang cống Ngũ kinh bác sĩ Hán Cao An Mậu/Aya no kôanmo漢高安茂 để đổi lại Đoàn Dương Nhĩ. Lúc này nước Bách Tế giao hảo mật thiết với Nam Triều của Trung Quốc, tiếp thu khá nhiều văn hóa đương thời của họ, hẳn là nhóm Đoàn Dương Nhĩ đã truyền Nho học Lục triều vào Nhật Bản. Tình hình ấy vẫn tiếp tục trong một thời gian dài sau đó.
Vào thế kỷ VII lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện những sử liệu ghi lại rõ ràng những ảnh hưởng của Nho giáo vào Nhật Bản, ví như trong 12 cấp quan vị và trong Hiến pháp 17 điều 憲法七条 (Kenpô jùshichi jô). Bản “Hiến pháp” do nhà cách cách vĩ đại Shôtoku Taishi/ Thánh Đức Thái Tử 聖徳太子(574 - 622) soạn thảo, trong đó có thể thấy những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong khá nhiều điều. Ví dụ:
- Điều 1 nói về Hoà và Trung Hiếu: “Lấy Hoà làm quý, không hành động ngỗ ngược. Mọi người đều có bè đảng thì khó đạt được đạo, cho nên sẽ không biết hiếu thuận theo đạo Vua – Cha, lỗi đạo với xóm giềng. Cần phải hoà mục trên dưới, nhẹ nhàng bàn bạc thì mọi chuyên sẽ thông suốt, việc gì chẳng thành tựu.”
- Điều 4 nói về Lễ: “Quần thần thuộc hạ lấy Lễ làm gốc. Cái gốc của việc trị dân chính là ở Lễ. Trên phi Lễ, dưới chẳng theo; dưới phi Lễ ắt có tội. Cho nên quần thần giữ Lễ, vị thứ bất loạn; trăm họ giữ Lễ, quốc gia trị yên
- Điều 9 nói về Tín - Nghĩa: “Tín là gốc của Nghĩa, mọi việc đều phải giữ Tín. Thiện ác thành bại chủ yếu ở Tín. Quần thần giữ Tín, việc gì chẳng thành? Quần thần bất Tín, mọi việc đều bại.”([2])
Có thể thấy lúc đầu Nho giáo không phổ biến nhanh chóng như Phật giáo, phạm vi của nó chỉ hạn chế trong một bộ phận nhất định của giới thượng lưu. Điều ấy có nguyên do của nó: trước hết là do phương thức học tập dựa trên sự truyền thụ cá nhân nên việc học chỉ phổ biến cho hoàng gia và một số người trong triều; tứ hai là do Nho giáo đương thời chỉ chú trọng đến cái học huấn hổ, nên nó có vẻ chỉ phù hợp với ngưòi có học vấn cao mà lại xa rời quảng đại quần chúng. Từ sau cuộc cải cách thời Đại Hoá (Đại Hoá cải tân 大化改新, năm 646), Nhật Bản mô phỏng theo chế độ luật lệnh của nhà Tuỳ, Đường thì Nho giáo chiếm vị trí quan trọng hơn: trở thành tư tưởng chính trị quốc gia và là kiến thức bắt buộc đối với những người tham chính.
1.2.           Nho giáo Sơ kỳ trung đại([3]) ở Nhật Bản (thời Nara và Heian, TK.VIII – TK.XII):
Năm 710 triều đình Nhật Bản thiên đô đến Bình Thành kinh 平城京(Heijô kyô, tức Nara奈良). Bình Thành kinh được xây dựng theo đúng khuôn mẫu kinh đô Trường An của nhà Đường, đã mở ra thời kỳ tập quyền của chế độ phong kiến Nhật Bản. Thời Nara kéo dài gần một thế kỷ, sau đó triều đình dưới sự điểu khiển của Tể tướng Fujiwara藤原 đã đời đô đến Heian/ Bình An平安, bắt đầu thời Heian. Thời Heian được gọi là thời quí tộc, vì đó là thời kỳ dòng họ quý tộc Fujiwara nắm chính quyền, thiên hoàng chỉ là hư vị, dòng họ này đã gây ảnh hưởng lên triều đình bằng quyền lực ngoại thích (họ ngoại của vua) và bằng trình độ văn hóa cao của mình.
Nhà nước rất chú trọng học tập văn hóa Trung Hoa bằng cách thường xuyên cử các đoàn Khiển Đường sứ遣唐使sang Trường An. Trong khoảng gần 200 năm từ thời Nara đến đầu thời Heian -khi tạm bãi bỏ Khiển Đường sứ (năm 894) - có đến 18 đoàn được cử sang chính thức. Mặc dù vượt biển Nhật Bản trong điều kiện lúc bấy giờ là cực kỳ gian nan nguy hiểm, nhưng số người tham gia lưu học ở Trung Quốc vẫn rất đông, có đoàn đến 557 người.
            Về phương diện tư tưởng, thời Sơ kỳ trung đại ở Nhật Bản (thời Nara và Heian) cả ba tư tưởng Nho, Phật và Thần đạo đều cùng tồn tại, trong đó Phật giáo được coi như Quốc giáo. Nho giáo vẫn được sử dụng, nhưng phạm vi của nó rất hẹp, không ra khỏi tầng lớp quý tộc và tăng sĩ. Nơi nghiên cứu và giảng dạy Nho giáo một cách bài bản nhất là Đại học liêu 大學寮 do Thức Bộ Tỉnh 式部省 (bộ Lễ) tổ chức. Đại học liêu dành cho con em quý tộc từ ngũ vị, đôi khi là bát vị (trong 12 cấp quan vị) trở lên và con em dòng họ Sử Đông Văn/ Yamato no fumi 東文, dòng họ truyền đời lo về văn thư giấy tờ của triều đình Nhật Bản từ nhũng năm mới thành lập. Nội dung học tập được quy định khá phức tạp và có ít nhiều thay đổi, tuy nhiên ổn định nhất thì có 4 ngành – gọi là “Tứ đạo” của đại học: Kỷ Truyện 紀伝(sử Trung Quốc), Văn chương文章, Minh kinh 明経(Nho giáo), Minh pháp 明法(pháp luật), Toán đạo 算道(Toán). Thức Bộ tỉnh sẽ tổ chức sát hạch, thí sinh nào đạt tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm làm quan, một số khác tiếp tục học lên bác sĩ (tiến sĩ). Trong “Tứ đạo” thì Minh kinh đạo 明経道 chuyên dạy về Nho giáo. Sách “Tất tu” bắt buộc phải học là Luận ngữ, Hiếu kinh, còn lại người học có thể chọn một trong 7 sách để học tập: Chu dịch, Thượng thư, Lễ ký, Chu lễ, Nghi lễ, Thi kinh, Tả truyện. Nhưng chế độ khoa cử thực sự như nhà Tuỳ, Đường Trung Quốc không được du nhập vào Nhật Bản, nên Nho giáo không phát triển được, nó có khuynh hướng ngả sang “Văn chương đạo” 文章道- một ngành học thuật thuần tuý, rồi từ đó suy thoái dần. Nho giáo cùng với Đạo giáo còn bị Phật giáo công kích dữ dội. Đại sư Không Hải / Kùkai 空海([4]) đầy uy vọng đầu thời Heian mới du học từ Trung Quốc về viết sách Tam giáo chỉ quy 三教指帰, trong đó Đại sư khẳng định chỉ có Phật giáo mới là đạo tốt nhất trong tam giáo mà thôi. Điều ấy càng làm cho người Nhật tin vào Phật giáo và lạnh nhạt với Nho giáo, Đạo giáo.
1.3.           Nho giáo Trung kỳ trung đại ở Nhật Bản (thời Kamakura và Muromachi, TK.XII – TK.XVI):
Thời Kamakura/ Liêm Thương鎌倉 và Muromachi/ Thất Đinh 室町 có nhiều điểm giống nhau về mặt văn hóa xã hội, nên các nhà sử học thường xếp gọi chung là thời kỳ Trung thế, với ý nghĩa là giai đoạn điển hình nhất của thời kỳ phong kiến.
Năm 1192, tướng quân Minamoto Yoritomo 源頼朝 trở thành người chỉ huy quân đội với chức Chinh Di đại tướng quân 征夷大将軍, mở mạc phủ ở Kamakura鎌倉, một thị trấn nhỏ phía nam Tokyo東京 hiện nay. Trung tâm quyền lực của Nhật Bản cũng theo Yoritomo mà chuyển từ Kyoto 京都về đó. Dòng họ Hôjô nắm quyền thay cho họ Yoritomo, rồi đến lượt nó, đầu thế kỷ XIV,  họ Hôjô 北条suy yếu và bị Ashikaga Takauji足利尊氏cử binh đánh bại. Takauji trở thành Tướng quân và dời mạc phủ về Muromachi室町, gần Kyoto京都, tiếp tục chi phối thiên hoàng.
Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Thiền tông, một tông phái sẽ có một tương lai rộng rãi và có sức ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Nhật Bản. Từ thời Kamakura, giai tầng võ sĩ đã trở thành một giai tầng đặc biệt trong xã hội Nhật Bản với quan niệm đạo đạo đức riêng của mình, gọi là “Võ sĩ đạo”.
Việc học tập Trung Hoa sau nhiều thế kỷ bị cắt đứt, nay lại bắt đầu được tiếp tục. Nho giáo vẫn chỉ dừng lại là học vấn trong nhà chùa, sau đó là các học phái ở một số phiên phương Nam. Những người tiên phong trong việc truyền bá Chu Tử học 朱子学là các nhà nho trốn tránh ách thống trị của nhà Nguyên, từ Nam Tống đến Nhật.
Đời sống trí thức Kamakura và Muromachi tập trung ở năm ngôi chùa quyền uy nhất ở Kamakura và Kyoto gọi là Kamakura Ngũ sơn鎌倉五山, Kyoto Ngũ sơn京都五山([5]). Nhà chùa nghiên cứu và giảng dạy Chu Tử học như một môn học bắt buộc không phải nhằm tuyên truyền cho tư tưởng này, mà nhằm chống lại chủ trương “Bài Phật” của Chu Hy. Năm 1299 sư nhà Nguyên là Nhất Sơn Nhất Ninh 一山一寧(Issan ichinei)([6]) lần đầu tiên chú dịch sách Chu Tử học. Từ Kamakura, Kyoto Ngũ sơn mà Chu Tử học lan truyền ra bên ngoài. Xã hội Nhật Bản lại tiếp thu nó với mục đích khác.
Thiên hoàng Godaigo/ Hậu Đề Hồ 後醍醐天皇là nhà chính trị sớm biết giá trị của Chu Tử học trong việc giáo dục lòng Trung quân, nên rất nhiệt tâm trong việc khuyến khích Chu Tử học phát triển. Cho nên trong những hoạt động cố gắng giành lại quyền lực cho dòng họ thiên hoàng thời Nam Bắc triều với nền tân chính Kiến Vũ, người ta cho rằng ông đã dựa vào Chu Tử học để cố kết nhân tâm. Tuy nhiên cố gắng của Godaigo cũng không kéo vãn được tình thế, ông mất trong khi Kinh đô vẫn còn nằm trong tay dòng họ Tướng quân Ashikaga.
Sau thời Muromachi đến thời Chiến quốc/ Sengoku (1467 - 1573). Thời Chiến quốc hỗn loạn hơn một thế kỷ đã khuếch tán Chu Tử học đến các phiên phương Nam, tạo thành 2 học phái lớn là: Tát Nam học phái / Satsunan gakuha 薩南学派do Keian Genju/ Quế Am Huyền Thụ 桂庵玄樹 đứng đầu và Hải Nam học phái/ Kainan gakuha海南学派 do Minamimura Baiken/ Nam Thôn Mai Hiên 南村梅軒đứng đầu. Hai học giả ấy cùng với Fujiwara Seika/ Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩 là những học giả hàng đầu mở ra Chu Tử học phái trước thời Edo (Hậu kỳ trung đại).
Nói chung trong bối cảnh hỗn loạn từ cuối thời Muromachi đến Chiến quốc/ người Nhật tìm đến Chu Tữ học trước hết là mong muốn tìm ở đây một học thuyết có thể phân định được ngôi thứ, ràng buộc được nhân tâm, từ đó chấm dứt cảnh loạn lạc liên miên hàng trăm năm qua. Những học giả Chu Tử học phái nổi bật trong giai đoạn này là :
- Keian Genju/ Quế Am Huyền Thụ 桂庵玄樹 (1427 - 1508): nhà sư Lâm Tế Tông cuối thời Muromachi. Lúc đầu học ở Nam Thiền Tự (một trong 5 ngôi chùa thuộc Kyoto Ngũ sơn), năm 1467 sang nhà Minh học Chu Tử học suốt 7 năm, sau đó trở về nước. Cuối thế kỷ XV, chạy loạn xuống phương nam, được lãnh chúa dòng Shimadzu島津 phiên Satsuma 薩摩trọng đãi, mời giảng Tứ thư, Ngũ kinh cho gia thần và dòng họ. Sách Đại học chương cú của ông được truyền tụng rộng rãi, là sách tân chú Tứ thư xuất bản đầu tiên ở Nhật Bản. Môn hạ của ông rất đông, người ta tôn ông là khai tổ của Tát Nam học phái / Satsunan gakuha 薩南学派.
- Minamimura Baiken/ Nam Thôn Mai Hiên 南村梅軒: sống vào cuối thời Muromachi, học Chu Tử học từ sớm. Giữa TK.XVI (thời Chiến quốc/ Sengoku jidai) xuống Tosa giảng Chu Tử học. Trước tác có: Tam thập lục sách vấn. Ông có nhiều học trò xuất sắc như: Nonaka Kenzan 野中兼山, Kokura Sanshô小倉三省, Yamasaki Ansai山崎闇斎…
- Fujiwara Seika/ Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩(1561-1619): Xuất thân từ gia đình quý tộc, lên Kyoto từ nhỏ, vào tu học ở Tướng Quốc Tự (một trong Kyoto Ngũ sơn), học Chu Tử học. Ông dự định qua nhà Minh để học thêm, nhưng không đi được. Sau đó giao du với một nhà sư Triều Tiên tên là Khương Hàng 姜沆 (Kyôkô) mà hiểu biết về Tống học càng sâu sắc. Ông lập ra một phái Nho học riêng gọi là Kinh học phái 京学派, trong đó cơ bản là Chu Tử học, nhưng cũng bao quát cả Dương Minh học. Môn đệ của ông rất đông, xuất sắc nhất có 4 người gọi là “Tinh môn Tứ Thiên vương” 惺門四天王: Hayashi Razan/ Lâm La Sơn林羅山; Naba Kassho/ Na Ba Hoạt Sở 那波活所; Matsunaga Shakugo/ Tùng Vĩnh Xích Ngũ 松永尺五. Ông cũng từng giảng Chu Tử học cho Vũ tướng Toyotomi Hideyoshi/ Phong Thần Tú Cát 豊臣秀吉, Tướng quân Tokugawa Ieyasu/ Đức Xuyên Gia Khang徳川家康, nhưng khi Tướng quân Ieyasu mời ông ra làm quan thì ông từ chối mà tiến cử người học trò xuất sắc của mình là Hayashi Razan/ Lâm La Sơn林羅山.
1.4.           Nho giáo Hậu kỳ trung đại ở Nhật Bản (thời Edo, TK.XVII - 1868):
            Thời Edo là thời kỳ thái bình, ổn định kéo dài dưới chế độ mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên徳川. Nho giáo đã thay chỗ cho Phật giáo trong đời sống, đẩy Phật giáo xuống vị trí khiêm tốn hơn. Chu Tử học phái được Mạc phủ khuyến khích và trở thành học phái Nho giáo chính thống của nhà nước gọi là “Quan Nho phái” 官儒派.
Vậy là từ trước sau TK.XV, Việt Nam, Nhật Bản (và Triều Tiên) đều đồng loạt chuyển sang mô hình văn hóa Nho giáo.
Có thể thấy Nho giáo Nhật Bản thời Edo có hai đặc điểm chính:
-         Thứ nhất là nó phân thành nhiều khuynh hướng khác nhau, đấu tranh với nhau, và bị nhà cầm quyền đối xử khác nhau.
-         Thứ hai: có sự thâm nhập của Nho giáo vào Thần đạo và vào đời sống đô thị tạo thành hai khuynh hưóng tư tưởng trái ngược nhau một có khuynh hướng bảo thủ, một thì cách tân.
1.4.1. Các học phái Nho giáo thời Edo:
Chu Tử học phái : Trong bối cảnh đất nước Nhật Bản bị xâu xé bởi các thế lực quân sự, loạn lạc liên miên, thì Chu Tử truyền vào Nhật Bản được giới chính trị và trí thức đón nhận một cách nồng nhiệt như một phương cách xây dựng một xã hội trật tự. Đứng đầu Chu Tử học phái thời Edo là Hayashi Razan/ Lâm La Sơn 林羅山(1583 –1657). Razan xuất thân ở Kyoto, thuở nhỏ vào tu học ở Kiến Nhân Tự (một trong Kyoto Ngũ sơn), nhưng lại say mê Chu Tử học. Gặp Fujiwara Seika/ Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩 và được Seika nhận làm môn đệ. Năm 1605, được thầy giới thiệu với Tướng quân Tokugawa Ieyasu/ Đức Xuyên Gia Khang徳川家康, và được Tướng quân mời giữ chức Thị giảng của Mạc phủ. Razan trở thành quân sư, người tạo dựng điển chế cho chính quyền mới, ông soạn Vũ gia chư pháp độ, điển lễ tham bái Thần cung Ise và các đại lễ khác.
Tư tưởng của Razan phù hợp với chủ trương của Mạc phủ : “Chấn hưng Nho giáo, phát huy Tống học”. Chu Tử học phái đề cao , coi nó là căn bản và bất biến. quyết định danh phận của người ta trong xã hội. Tư tưởng này biện minh rất tốt cho trật tự xã hội của Mạc phủ (Mạc phủ chủ trương “Cấm thay đổi thành phần”). Ông là người đã quan phương hoá Nho học, được người đời tôn xưng là khai tổ của dòng “Quan nho phái”, mở đường cho cái học “Lập thân xuất thế” phục vụ cho nền “Văn trị” có tính chất Tống nho của Mạc phủ.
Về sau Chu Tử học phái cũng chia ra nhiều hệ phái khác:
-                     Hệ Hayashi林系: chủ yếu là dòng họ Hayashi, dòng họ này truyền đời làm nho quan cho Mạc phủ, trong đó có chức Đại học đầu (Hiệu trưởng đại học của Mạc phủ), giúp Mạc phủ thống nhất chính sách văn hoá, giáo dục toàn quốc.
-                     Hệ Junan順庵系: gồm Kinoshita Junan/ Mộc Hạ Thuận Am 木下順庵([7]) và các học trò của ông: Muro Kỳusô室鳩巣, Gion Nankai祇園南海…
-                     Hệ Issai一斉: Gồm Satô Issai/ Tá Đằng Nhất Trai 佐藤一斉([8]) và các học trò của ông: Sakuma Shôzan佐久間象山, Ikeda Sôan池田草庵…
Dương Minh học phái陽明学派: Nếu như Chu Tử học đề cao lòng trung thành và mong muốn xã hội yên bình trong một trật tự nghiêm khắc, thì Dương Minh học phái (học phái Vương Dương Minh) lại đề cao tâm của con người, chú trọng đến kinh tế, đến giới bình dân, thị dân, và có rất dễ dẫn đến những tư tưởng có tính cách mạng. Đứng đầu Dương Minh học phái Nhật Bản là Nakae Tôju 中江藤樹(1608 – 1648). Tôju ngưòi xứ Ômi/ Cận Giang 近江, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 9 tuổi Tôju từng bị gia đình đem cho một gia đình võ sĩ làm con nuôi để đổi lấy 150 thạch thóc. Lớn lên tiếp thu tư tưởng Dương Minh học, về quê mở trường dạy học gọi là Đằng Thụ Thư viện (Thư viện của Tôju/ Đằng Thụ), giảng dạy cái học “Trí lương tri” và “Tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh. Ông chủ trương coi khí là chủ, khí tại tâm con người, tâm nhờ khí mà có tư tưởng, tư tưởng tùy hoàn cảnh mà thích nghi biến đổi. Người ta phải sống tùy theo khítâm, nhờ thế mà có tiến bộ. Quan niệm này chống lại chính sách cố định thành phần của Mạc phủ. Tư tưởng của Tôju tấn công vào Chu Tử học, bị các phái bảo thủ phản kích kịch liệt. Tuy nhiên qua tranh luận các học phái này cũng lặng lẽ tiếp thu khá nhiều tư tưởng của Vương Dương Minh. Danh tiếng trường học của Tôju lan đi khắp nơi, không chỉ giới võ sĩ đến xin học mà còn có cả người thợ thủ công, thương nhân cũng xin vào. Đằng Thụ Thư Viện mở rộng cửa đón nhận tất cả với tinh thần bình đẳng triệt để. Ngưòi đời xưng tụng ông là “Thánh nhân xứ Ômi” (Cận Giang Thánh nhân 近江聖人).
Trong số học trò của Tôju, xuất sắc nhất có Kumazawa Banzan/ Hùng Trạch Phiên Sơn 熊沢藩山(1619-1691). Banzan xuất thân trong một gia đình võ sĩ lang thang (rônin) ở Kyoto, năm 23 tuổi trở thành môn đệ của Nakae Tôju中江藤樹- nhà Dương Minh học hàng đầu. Nhờ danh tiếng của thầy, Banzan được phiên chủ phiên Okayama mời về làm chức dịch và mở trường cho dạy Dương Minh học. Banzan tiến hành cải cách nông nghiệp và chính trị của phiên. Ông bị phái thủ cựu chống đối, nhất là phái quan học của Mạc phủ: Hayashi Razan林羅山, Hoshina Masayuki 保科正之phê phán nặng nề. Ông bị Mạc phủ theo dõi, đuổi khỏi Kyoto, phải trốn tránh xuống xứ Yamato, rồi lại bí mật quay về ẩn cư ở xứ Yamashiro, gần Kyoto. Ở đây ông tiếp tục viết sách phê phán chính sách của Mạc phủ, nhất là chính sách “Binh nông phân ly” và “Tham cần giao đại”([9]). Ông bị bệnh mất ở Koga phía bắc Edo. Ngưòi đời sau ca tụng ông là “Người anh hùng mặc áo nhà nho”. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn đến phái “Đảo Mạc” (đánh đổ Mạc phủ) cuối thời Edo do Yoshida Shôin/ Cát Điền Tùng Âm 吉田松陰 lãnh đạo.
Cổ học phái古学派: Bên cạnh các phái Chu Tử học, Dương Minh học, thời Edo còn có phái Cổ học. Nhiều học giả Nho giáo không chấp nhận cách giải thích kinh điển ít nhiều có tính “xuyên tạc” của Chu Hy, họ chống lại Chu Tử học bằng việc tìm cách giải thích kinh điển, nhất là Luận ngữ một cách trực tiếp và thực chứng. Học phái này thường được các nhà nghiên cứu chia thành 3 hệ:
-         Cổ nghĩa học do Itô Jinsai/ Y Đằng Nhân Trai伊藤人斎đứng đầu
-         Thánh học do Yamaga Sokô/ Sơn Lộc Tố Hành 山鹿素行 đứng đầu
-         Cổ văn từ học (Phục cổ học) do Ogyù Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai 荻生徂徠đứng đầu.
Tuy nhiên Yoshida Ichirô trong Lịch sử tư tưởng Nhật Bản – Khái luận lại căn cứ vào nội dung tư tưởng để coi Cổ học phái chỉ có 2 phái: Thánh học do Yamaga Sokô đứng đầu và Cổ nghĩa học do Itô Jinsai đứng đầu. Còn Cổ văn từ học của Ogỳu Sorai/ Dịch Sinh Tồ Lai, do tính chất thương mại rất mạnh của nó, nên đã tách ra  thành một phái riêng gọi là “Công lợi chủ nghĩa”(功利主義/ Kôrishugi)([10]). Trước một công trình học thuật chuyên sâu và đầy uy tín như trên, chúng tôi thấy cách chia ấy hoàn toàn có lý.
Yamaga Sokô/ Sơn Lộc Tố Hành 山鹿素行(1622-1685) là con trai một võ sĩ lang thang, nổi tiếng là nhà binh học, từng phục vụ trong lãnh chúa phiên Akô. Năm 1666 công viết Thánh giáo yếu lục, trong đó ông phê phán nặng nề Chu Tử học phái đã làm loạn đạo thống Nho giáo từ Khổng Tử lại đây.Vì quan điểm mạnh bạo ấy nên ông bị đày đi xa. Trong khi lưu đày ông viết Trích cư đồng vấn 讁居童問(Chuyện trò với trẻ em lúc lưu đầy), trong đó ông cho rằng: Chu Tử đè nén nhân dục, đi theo thiên lý (đạo trời), nhưng Khổng Tử lại thừa nhận nhân dục, dục tâm là bản năng của con người, vì thế ông đề nghị vứt bỏ Chu Tử học mà khôi phục lại Nho giáo nguyên thuỷ. Ông cho rằng con người có dục tâm thì mới có cạnh tranh, nhờ thế xã hội mới phát triển được. Những lý luận như thế đều đi ngược lại quan điểm của Mạc phủ.
Itô Jinsai伊藤人斎(1627 – 1705), con một gia đình thương nhân ở Kyoto, ông nghiên cứu Nho giáo và dạy học ở Kyoto. Năm 1664 sáng lập ra trường tư thục Cổ Nghĩa Đường, tập hợp thị dân Edo về giảng dạy. Ông viết sách: Luận ngữ cổ nghĩa, Trung dung phát huy… Ông tôn Luận ngữ là “Tập sách cao nhất trong vũ trụ” (Vũ trụ đệ nhất tối thượng chí cực thư) và gọi học phái của ông là “Cổ nghĩa học”. Tư tưởng triết học của ông dựa trên căn bản quan niệm “Nhất nguyên khí luận”: Khí tạo ra âm dương, âm dương tạo ra con người, cho nên con người bình đẳng với nhau. Bản chất của con người là “Ái” (tình yêu) chứ không phải là Lý như giải thích đơn giản của Chu Tử học. Điều này cũng khác với quan điểm của Mạc phủ.
Phái chủ trương công lợi (功利主義/ Kôrishugi): Đứng đầu là Ogyù Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai 荻生徂徠(1666 – 1728). Sorai chỉ ra những nhược điểm của phái Cổ học của Itô Jinsai, sau đó lên vùng Nihonbashi ở Edo mở trường tư thục gọi là “Huyên Viên” 蘐園. Học phái Sorai (Tồ Lai học) không phủ định Cổ học, mà phát triển thêm tư tưởng của nó. Năm 1717 ông viết các sách Biện đạo, Biện danh, đồng thời thành lập học phái “Cổ văn từ học”. Từ năm 1722 đến 1727 ông viết Chính đàm 政談, Thái bình sách dâng lên cho Tướng quân Yoshimune đúng vào lúc Tướng quân đang tiến hành cải cách Hưởng bảo nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Các bài luận Hoá tệ phẩm chất cải thiện luận, Đồng tiền đại lượng đào tạo luận trong đó đã phê phán nặng nề chính sách kinh tế xã hội của Mạc phủ. “Cổ văn từ học” không chỉ là nơi bàn về văn học mà còn là nơi truyền bá tư tưởng triết học nhân sinh. Ông cho rằng nội dung của “tính người” không chỉ là luân lý đạo đức, mà còn chính trị, kinh tế, luân lý xã hội, và cả văn học nghệ thuật nữa. Trường Huyên Viên của ông là trường tư của phái Nho học “Phục cổ”, nhưng cũng là văn thi xã của Cổ văn từ, có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với xã hội. Sorai là con người điển hình nhất cho nho giáo Nhật Bản thời cận thế. Ông là nhà kinh doanh, nhà kinh tế hơn là một nhà nho. Ông lập quán rượu bình văn, cửa hàng bán sách, cửa hàng bách hoá theo kiểu cổ phần rồi chia lời cho văn hữu. Khách hàng của ông gồm nhiều thành phần khác nhau, từ vũ sĩ cho đến thợ thủ công, thương nhân. Các cửa hàng chi nhánh của ông phát triển rộng khắp, và tiếp tục tồn tại sau khi ông qua đời.
1.4.2. Nho giáo với Thần đạo và với “Đinh nhân đạo” (đạo của người thị dân):
            “Thuỳ gia thần đạo” 垂加神道:
Ngược lại với việc Nho giáo tách ra khỏi nhà chùa gọi là “Nho Phật phân ly”, Nho giáo lại kết hợp với Thần đạo - “Thần Nho nhất trí” để hình thành nên phái “Thuỳ gia thần đạo” (垂加神道Suika shintô). Phái này do Yamazaki Ansai/ Sơn Kỳ Ám Trai 山崎闇斎 đề xướng. Ansai sinh ở Kyoto, con một võ sĩ lang thang (rônin). Thuở nhỏ vào tu ở Hiezan gần Kyoto làm sư, sau này học Chu Tử học mà say mê học thuyết này, ông quyết định hoàn tục làm nhà nho. Năm 1665 tiến hành chỉnh lý lại tự viện, thần xã, bài trừ thuyết “Thần Phật tập hợp”. ông nghiên cứu kỹ về Thần đạo nguyên thuỷ, dựa vào lý luận Chu Tử học mà hợp nhất Nho học với Thần đạo thành phái “Thuỳ gia Thần đạo”垂加神道. Phái này có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, cùng với Học phái Mito/ Thuỷ Hộ học水戸学([11]) có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào “Tôn vương nhương di” ở cuối thời Mạc phủ Edo.
“Đinh nhân đạo” - đạo đức kinh doanh của người thị dân:
            Khoảng thời gian từ niên hiệu Nguyên Lộc/ Genroku (1688-1704) đến  Hưởng Bảo/ Kyôhô (1716-1735) là thời kỳ phồn thịnh của các đô thị Nhật Bản, trong đó Osaka 大阪và Hakata 博多, hai thành phố phương nam phồn thịnh nhất. Lúc bấy giờ trong các đô thị bắt đầu nổi lên khuynh hướng yêu cầu người thị dân phải có vị trí xã hội cao hơn, đồng thời cũng phải có trách nhiệm đạo đức, xã hội – tức là Đạo, Nghĩa cao hơn. Người khởi xướng học thuyết đó là Ishida Baigan/ Thạch Điền Mai Nham石田梅岩(1685-1744). Baigan bắt đầu từ Chu Tử học mà chuyển sang Tâm học của Vương Dương Minh, đồng thời cũng có tham bác thêm Thiền học, ông trở thành người phát ngôn cho tầng lớp thị dân, thương nhân. Lúc bấy giờ Mạc phủ thực thi chính sách “cố định thành phần”, “dĩ nông vi bản”, điều ấy đi ngược với xu hướng tự do kinh doanh và kìm hãm sự phát triển của các đô thị. Quan niệm chính thống của Mạc Phủ là “Trọng nông ức thương”, được thể hiện qua các bài luận: Nông bản thương mạt luận(Bàn về chuyện nông nghiệp là gốc, thương nghiệp là ngọn), Thương nhân vô dụng luận(Bàn về việc vô dụng của thương nhân)…Ishida Baigan từ lập trường Tâm học, kết hợp với một số học thuyết khác, đưa ra thuyết Đinh nhân đạo – đạo của người thị dân. Ông cho rằng:
-                                               Cấu trúc xã hội với bốn thành phần: Sĩ, Nông, Công, Thương đã có từ xưa, trong đó mỗi giai tầng có một vai trò của nó, không thể thiếu được thành phần nào.
-                                               Cả bốn giai tầng ấy đều sống trên đất của quân vương, phục vụ quân vương, nên đều được hưởng ân trạch của quân vương. Ông dùng lại ý của Mạnh Tử, để khẳng định rằng thị dân cũng bình đẳng như các giai tầng khác: “Sĩ là bề tôi trong triều, nông là bề tôi nơi đồng ruộng, công thương là bề tôi nơi thị tứ” (Sĩ giả, thần hạ tại triều; nông giả, thần hạ tại thảo mãng; công thương giả, thần hạ tại thị tứ dã). Vì cùng là bề tôi, nên vũ sĩ được hưởng niên bổng của quân vương, nông dân được hưởng thóc lúa, thì thương nhân được hưởng lời lãi – tất cả đều là bổng lộc vua ban.
Từ chỗ khẳng định vị trí của người thị dân, Baigan đã đưa ra “đạo” – tức là chuẩn mực đạo đức của giai tầng này. Ông cho rằng: các giai tầng khác nhau đều phải tự hạn chế dục vọng và hành xử theo đạo để giữ giá trị giai tầng của mình: Sĩ có trách nhiệm khai phóng tư tưởng và cầm giữ cương thường; nông dân có bổn phận cần cù nơi đồng ruộng để cung cấp lương thực, thì người thị dân cũng phải hành xử theo đạo. Đạo của người thị dân thể hiện thành 3 Đức và 2 Nghĩa sau đây:
1.                  Tiết kiệm trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia
2.                  Tiết kiệm trong chi tiêu cho bản thân
3.                  Cần cù và sáng tạo
Hai Nghĩa là:
1.                  Chính trong kinh doanh sản xuất
2.                  Trực trong giao dịch thương mại
Về luân lý nên tránh: tửu, sắc, cờ bạc để dành thì giờ và tiền bạc cho sáng tạo và kinh doanh. Luân lý ấy không cấm việc thưởng thức xướng ca, nhưng không được sa vào trác táng. Hình mẫu lý tưởng cho đạo của người thị dân là thương gia hộ quốc đầy hùng khí Shimai Soshitsu島井宗室(1539-1615)([12]).
Ishida Baigan maát ñi, hai hoïc troø cuûa oâng vaãn tieáp tuïc con ñöôøng cuûa thaày coå xuùy cho Ñinh nhaân ñaïo, đó laø: Teshima Toan 手島堵庵 vaø Nakazawa Doâji 中沢道二.
1.5. Nho giáo trong buổi đầu thời Cận đại (1868 - 1945):
  Thiên hoàng Minh Trị/ Meiji明治 lên ngôi tuyên bố bắt đầu công cuộc duy tân để đưa nước Nhật đuổi kịp các nước phương Tây. Năm 1868 thành phố Edo được đổi tên thành Tokyo/ Đông Kinh và trở thành thủ đô của nước Nhật mới.
        Thái độ của trí thức cận đại Nhật Bản đối với Nho giáo có hai loại:
-                Một là những nhà Duy tân tự do, họ thấy được hạn chế của Nho giáo, nhất là Tống Nho đối với công cuộc duy tân, họ khuyến khích thực học, khuyến khích tinh thần tự cường. Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng này là Nhóm Minh Lục Xã/ Meirokusha 明六社và Fukuzawa Yukichi/ Phúc Trạch Dụ Cát福沢諭吉(1834-1901), nhà tư tưởng của phong trào duy tân Nhật Bản. Fukuzawa viết Khuyến học 学問のすすめđể đưa ra tư tưởng giáo dục mới, viết Thoát Á luận 脱亜論để khuyến khích Nhật Bản thoát khỏi một châu Á chậm phát triển và phải chịu ô nhục trước các nước đế quốc phương Tây.
-                Hai là triều đình và những trí thức quý tộc, một mặt họ vừa thấy được những chỗ bất cập của Nho giáo, mặt khác họ vẫn muốn sử dụng Nho giáo làm công cụ giáo dục đạo đức, nhất là giáo dục lòng trung thành với Thiên hoàng, xây dựng một nước Nhật Bản theo chủ trương “Nước giàu binh mạnh” (Phú quốc cường binh).
Theo chủ trương đó, năm 1885 Mori Arinori/ Sâm Hữu Lễ 森有礼(1847 - 1889), Văn Bộ khanh (Bộ trưởng Giáo dục) đã ban bố quy chế giáo dục đạo đức Nho giáo cho học sinh. Sau đó Nam tước Motoda Nagazane/ Nguyên Điền Vĩnh Phu 元田永孚 (1818 - 1891), Thị giảng Cung Nội tỉnh công bố bộ sách ghi những lời chỉ dụ về giáo dục của Thiên hoàng gọi là Giáo dục sắc ngữ 教育勅語. Trong đó phần đầu ghi lại những lời dạy của các Thiên hoàng trong lịch sử xác lập quan hệ giữa đạo đức và quốc gia: Lòng trung hiếu của thần dân là “tinh hoa của quốc thể”, là “ngọn nguồn của giáo dục”…Tiếp theo trình bày 12 đức mục: Hiếu với cha mẹ, Hoà vợ chồng, Tôn trọng pháp luật, Tinh thần xả thân khi quốc gia hữu sự…Tinh thần ấy về cơ bản chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo truyền thống, nhất là tư tưởng của Học phái Mito/ Thuỷ Hộ học水戸学.
2.            SO SÁNH NHO GIÁO VIỆT NAM VÀ NHO GIÁO NHẬT BẢN
2.1.           Quá trình lịch sử tương cận:
            Quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam và Nhật Bản có những nét gần giống nhau, trong đó nhu cầu trong nước và ảnh hưởng của Trung Quốc là hai yếu tố quan trọng nhất:
-                Nho giáo được du nhập vào Việt Nam và Nhật Bản đều vào khoảng những thế kỷ sau công nguyên, trước hết do sự truyền bá của các học giả nước ngoài. Ở Việt Nam khoảng TK.III với vai trò của Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp; ở Nhật vào khoảng TK.V với vai trò của 2 nhóm sử Đông Văn, Tây Văn, nhất là của học giả Vương Nhân và các “Ngũ kinh bác sĩ” sau ông.
-                Nho giáo phát triển mạnh hơn vào thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập, thống nhất. Trong giai đoạn Sơ kỳ trung đại (TK.X-XV ở Việt Nam; TK.VIII – XII ở Nhật Bản) Nho giáo cả hai nước đều nằm trong cấu trúc Tam giáo với vai trò ưu thắng của Phật giáo. Nho giáo được dùng vào việc tổ chức nhà nước, xây dựng lòng trung thành đối với quân vương và ý thức đạo đức cá nhân khác. Sự phổ biến của Nho giáo ở cả hai nước đều chỉ hạn hẹp xung quanh cơ quan giáo dục cao nhất là Quốc Tử Giám ở Việt Nam, Đại Học Liêu ở Nhật Bản và một vài trường tư hay chùa chiền khác. Nho giáo vẫn chưa tách ra khỏi nhà chùa, người nghiên cứu Nho giáo chủ yếu là các nhà sư. Sau đó diễn ra quá trình tách rời Nho với Phật, nói theo cách nói Nhật Bản là “Nho Phật phân ly”.
-                Chu Tử học đến Việt Nam và Nhật Bản đều vào khoảng TK.XIII sau khi nhà Nam Tống sụp đổ và nhà Nguyên lên thay. Người du nhập Chu Tử học vào VN là Chu Văn An, tác giả của bộ sách giải thích sách “Tứ thư” do Chu Hy biên soạn: Tứ thư thuyết  ước. Người du nhập Chu Tử học vào Nhật Bản là nhà sư triều Nguyên Nhất Sơn Nhất Ninh, người đã chú giải  sách Chu Tử học ở Nhật Bản.
-                Việt Nam và Nhật Bản đều trải qua giai đoạn phát triển điển hình của chế độ phong kiến mà chúng tôi gọi là Trung kỳ trung đại. Trong giai đoạn này ở Việt Nam, Chu Tử học lên địa vị cao nhất: quốc giáo cùng với vai trò quan trọng của tầng lớp sĩ đại phu xung quanh triều đình. Ở Nhật Bản ngược lại, Chu Tử học lại chìm xuống, nhường địa vị chi phối văn hoá tư tưởng cho Phật giáo Thiền tông.
-                Giai đoạn hậu kỳ trung đại là giai đoạn suy thoái của chế độ phong kiến và chứng kiến sự lên ngôi của tầng lớp thị dân ở các đô thị (ở Việt Nam từ TK.XVIII – giữa TK.XIX; ở Nhật Bản là thời Edo, từ đầu TK.XVII – giữa TK.XIX). Trong giai đoạn này ở các hai nước, Chu Tử học ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn để chống lại “dị học”, nhất là học thuật, tôn giáo từ phương Tây đến.
Trên đây là những điểm giống nhau chủ yếu giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Nhật Bản. Tuy nhiên Việt Nam và Nhật Bản có những điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau nên Nho giáo ở hai nước cũng có nhiều điểm rất khác. Dưới đây chúng tôi tập trung trình bày về những điểm khác nhau đó.
2.2.           “Nho học khoa cử” và “Nho học tự do”:
Nho giáo Việt Nam chủ yếu là cái học để đi thi, trong khi đó Nho giáo Nhật Bản nhất là vào thời Edo là một ngành học thuật tự do.
Nho giáo ở Việt Nam được dùng làm kiến thức căn bản để thi tuyển quan lại. Chế độ khoa cử được thực thi ở Trung Quốc từ năm 598 vào thời Tuỳ Văn Đế, để thay cho chế độ tuyển dụng thế tập quý tộc trước đó. Khoa cử được du nhập vào Việt Nam năm 1075 và vào Triều Tiên trong khoảng thời gian tương tự. Chế độ khoa cử từ chỗ rất tích cực: thể hiện tính chất dân chủ và minh bạch trong việc tuyển dụng nhân tài, nhưng dần dần suy thoái đi đến chỗ “hư học” và bệnh “chuộng bằng cấp”. Vì là kiến thức thi cử nên học vấn Nho giáo vừa chính thống, lại vừa bị cắt xén. Sách của nho gia đã ít nếu so với kinh sách Phật giáo, đến khi đi thi giới hạn bớt, lại còn ít hơn nữa. Nguyễn Thông đã từng ca thán về tình trạng thí sinh học thi chỉ học bộ sách toát yếu của Bùi Huy Bích([13]). Lê Quý Đôn tổng kết rằng người ta chỉ cần học thuộc một ngàn bài thơ, một trăm bài phú, 50 bàn văn sách là có thể đủ kiến thức để đi thi. Hệ quả là Nho giáo ở Việt Nam càng ngày càng khô cứng, trí thức thờ ơ với các học phái mới ở Trung Quốc, họ không du nhập chúng vào Việt Nam vì thấy nó không cần thiết cho con đường tiến thân. Đáng tiếc nhất là người Việt thờ ơ với tư tưởng Vương Dương Minh, một loại tư tưởng có tính “thực học”, tính đô thị và rất chú trọng vào kinh tế. Nhà nho muốn trở thành trí thức hữu ích thì sau khi thi đậu phải tự mình tích luỹ những kiến thức từ sách “ngoại thư”, nhất là những sách thực dụng. Người trí thức Việt bấy giờ có thể yên tâm với kiến thức của mình trong khuôn khổ một quốc gia chuyên chế phương Đông, nhưng lại hoàn toàn không đủ khi phải đối đầu với đội quân “Dương di” từ phương Tây lại. Cho đến trước khi người phương Tây hiện diện bằng đại bác ở cửa biển Đà Nẵng thì những trí thức Việt Nam có kiến thức mới cũng chỉ được vài người, trong số đó tiêu biểu nhất là Lê Quý Đôn. Ở ông chúng ta thấy ảnh hưởng khá rõ của Khảo chứng học đời Thanh, sách khoa học phương Tây của các “Tây nho” (như cách gọi của người Nhật). Trong Vân đài loại ngữ và một vài sách khác ông cũng nói đến thuyết trái đất hình cầu, kinh tuyến vĩ tuyến…Tuy nhiên một con người như Lê Quý Đôn có vẻ cô độc trong thời đại ông, tri thức mà ông có được chỉ là hiểu biết đơn lẻ của một cá nhân, ông không có học trò để đi tiếp con đường của mình, kể cả người học trò danh giá nhất là Bùi Huy Bích (Bùi Huy Bích sau này lại đi làm sách “luyện thi”). Ông không có nhiều bạn bè để chia sẻ, không tạo được học phong của cả một thời đại, cho nên hơn nửa thế kỷ sau ông, khi người Việt phải đối đầu với phương Tây thì giới trí thức từ thân sĩ làng quê đến trí thức khoa bảng cung đình đều ngơ ngác không biết cách nào ứng phó…
Tình hình Nho giáo ở Nhật Bản lại khác. Chu Tử học phái của Hayashi Razan dẫu là chính thống (quan nho phái), nhưng nó chỉ là một trong nhiều học phái Nho giáo khác nhau ở giai đoạn này: Dương Minh học phái với Nakae Tôju/ Trung Giang Đằng Thụ, Kumazawa Banzan/ Hùng Trạch Phiên Sơn; Cổ học phái với Itô Jinsai/ Y Đằng Nhân Trai, Yamaga Sokô/ Sơn Lộc Tố Hành; Công lợi chủ nghĩa phái với Ogyù Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai …Các học phái này về phương diện tư tưởng nhiều khi đấu tranh, phê phán nhau kịch liệt, nhưng nhờ nhờ vậy mà học thuật và xã hội mới tiến bộ. Nho giáo Nhật Bản có thể nói theo rất sát, gần như cập nhật thường xuyên tình hình Nho giáo Trung Quốc. Người Nhật không áp dụng chế độ khoa cử, họ sử dụng chế độ thế tập: quý tộc cung đình, lãnh chúa địa phương, võ sĩ truyền đời…Chủ trương “Cấm thay đổi thành phần” thời Mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên là sự thể hiện chặt chẽ nhất của tinh thần ấy. Ở các phiên khác nhau người ta có thể lựa chọn trí thức để phục vụ cho mình từ nhiều nguồn học vấn khác nhau: có phiên sử dụng trí thức Chu Tử học, có phiên lại dùng phái Cổ học hay Dương Minh học… Chính quyền trung ương không tham dự vào công việc này. Nhờ thế mà trí thức Nhật Bản không bị “đóng khuôn” kiến thức.
2.3.           Thân sĩ – nông dân và Võ sĩ – thương nhân
Thời trung đại, ở Việt Nam nhân vật trí thức đóng vai trò chính yếu là nhà nho - các thân sĩ ở làng quê, còn ở Nhật Bản là võ sĩ ở các phiên (lãnh địa) và đô thị.
Trần Đình Hượu phân các nhà nho Việt Nam ra thành ba loại: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Ông cho rằng: hai loại đầu là nhà nho chính thống, đồng thời về cơ bản cũng là nhân vật của nông thôn: xuất thân từ làng quê, đi học đi thi, thi đậu thì làm quan, không làm quan nữa thì lại về quê ẩn dật. Loại nhà nho thứ ba – “nhà nho tài tử” là sản phẩm của nền văn hoá đô thị phong kiến, nhưng người tài tử chỉ thiên về văn chương nghệ thuật, dùng sáng tác  để thể hiện cái “nhân sinh tại thế bất xứng ý” của mình. Từ khoảng TK.XVI trở đi, trong xã hội Việt Nam bắt đầu đã xuất hiện nền kinh tế thị trường, càng về sau càng phát triển mạnh. Thái độ chung của nhà nho chính thống Việt Nam là phản đối rất mạnh mẽ nền kinh tế ấy với biểu hiện của nó là đồng tiền, họ đối lập nó với đạo đức Nho giáo: “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười/ Có của thì hơn hết mọi lời” hay “Đồng tiền hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. Ít ai trong số họ trở thành thương nhân hay đưa đạo đức nho giáo vào kinh doanh để biến nho giáo trở thành đạo đức đô thị. Xu hướng đô thị hoá Nho giáo ở Việt Nam cũng có thể thấy ít nhiều trong một số nhà nho TK.XVIII-XIX, nhất là nhóm nhà nho Nam Bộ (Gia Định tam gia, hay hình tượng “Ông Quán” (Lục Vân Tiên) – một loại nhà nho ẩn dật, thay vì làm ngư tiều canh mục thì lại kinh doanh ăn uống…), nhưng cũng không trở thành một xu hướng mạnh làm thay đổi cơ cấu nhà nho truyền thống hay nền tảng kinh tế xã hội sinh ra nhà nho ấy.
Kẻ sĩ Nhật Bản là võ sĩ. Tầng lớp võ sĩ lúc đầu cũng xuất thân từ nông dân, nhưng dần dần tách ra khỏi tầng lớp này trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Đến Hậu kỳ trung đại, trước việc Mạc phủ khuyến khích phát triển Tống Nho, thì người võ sĩ chịu ảnh hưởng Nho giáo, nhất là Chu Tử học rất sâu sắc. Do võ sĩ cấm không được thờ hai chủ, nên nhiều người trong số họ sau khi chủ chết đã trở thành “rônin” (lãng nhân – võ sĩ thất nghiệp), lên các đô thị sinh sống, rồi trở thành trí thức đô thị hay thương nhân. Nho giáo Nhật Bản có tính chất đô thị là vì thế. Cho nên ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy ở Nhật Bản, tư tưởng Vương Dương Minh được tiếp thu một cách rất rộng rãi; Lan học cùng với các học giả của nó – “Tây nho” có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội; phái Công lợi chủ yếu lo chuyện kinh doanh; còn I.Baigan cùng với các học trò của ông lại đưa đạo đức Nho giáo vào kinh doanh để tạo ra đạo đức của người thị dân (Đinh nhân đạo) v.v.
Điểm khác nhau nữa về học vấn, tính cách của võ sĩ Nhật Bản và nho sĩ Việt Nam đó là: Với võ sĩ, thì võ (kiếm thuật, bắn cung, nhu đạo...) là sở trường của họ; Nho giáo chỉ là chuyện đạo đức để củng cố lòng trung thành; ngoài nho học ra họ tìm đến tôn giáo chủ yếu là Thiền tông. Với nhà nho Việt Nam thì kinh sách thánh hiền mới là sở trường của họ; võ cũng có nhưng võ là một ngạch riêng và lại không được trọng bằng văn; ngoài Nho học ra, nhà nho tìm đến sự giải thoát tinh thần chủ yếu là ở tư tưởng Lão Trang chứ không phải ở Phật giáo. Điều ấy cho thấy sự khác biệt trong thơ văn của nhà nho Việt Nam và các thiền sư, võ sĩ, thị dân Nhật Bản thời trung đại. Điều ấy cũng cho thấy nhà nho Việt Nam “vu khoát”, kém tính thực tiễn, kém mạnh mẽ hơn võ sĩ Nhật Bản. Cho nên sự trói buộc tinh thần với quá khứ của trí thức Việt Nam nặng nề hơn so với trí thức Nhật Bản khi bước vào thời cận đại.
Vấn đề cuối cùng là là tại sao võ sĩ Nhật Bản lại thành công trong công cuộc đối đầu với phương Tây, còn nho sĩ Việt Nam lại thất bại? Về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm thì các nho sĩ Việt Nam cũng không hề thua kém, dẫu chỉ là một chút so với các võ sĩ Nhật Bản. Sự khác biệt về tư tưởng Nho giáo nêu trên góp một phần không nhỏ cho sự thành bại của hai bên. Tuy nhiên nguyên nhân của sự khác nhau đó phải tìm vào cơ sở kinh tế xã hội Việt Nam thời Lê, Nguyễn và Nhật Bản vào thời Edo.
Cho đến khi đối đầu với phương Tây vào giữa TK.XIX Việt Nam thực sự ổn định chỉ khoảng hơn 50 năm (từ 1802 – 1858). Trong khi đó Nhật Bản thời Tokugawa ổn định hơn 250 năm (từ 1604 – 1868). Vì vậy, nền kinh tế Nhật Bản đã tích lũy được nhiều yếu tố tiền tư bản. Theo thống kê, thành Edo giữa TK.XIX đã có đến một triệu dân, ngang với dân số Luân Đôn bấy giờ. Các thành phố Osaka, Nagoya... đã có các công ty cổ phần, những công ty tài chính sơ khai, kỹ nghệ dệt của Nhật cũng đạt đến trình độ cơ khí hóa cao, các thuyền buôn cũng đã có một truyền thống hàng hải quốc tế lâu đời. .. Vì vậy, nước Nhật Bản cận đại hóa dễ dàng hơn rất nhiều so với nước Việt Nam chủ yếu là sống bằng nông nghiệp tự cấp tự túc.
Chúng tôi không đồng ý với Morishima Michio trong cuốn Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản([14]), khi ông cho rằng ở Nhật Bản công cuộc cận đại hóa thành công, xây dựng được chủ nghĩa tư bản Nho giáo là do võ sĩ chứ không phải do thương nhân như ở phương Tây (với mô hình chủ nghĩa tư bản Tin lành), từ đó cho rằng chủ nghĩa Marx đã không đúng trong trường hợp Nhật Bản. Quả thực người tiến hành cận đại hóa Nhật Bản là võ sĩ, nhưng võ sĩ Nhật Bản thành công được là do cơ sở kinh tế xã hội Nhật Bản đã có bước phát triển tương đối cao so với các nước phương Đông khác. Đó là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất dẫn đến sự thành công của Nhật Bản, tất nhiên còn một số yếu tố khác nữa. Điều này chứng minh học thuyết về cơ sở kinh tế xã hội của Karl Marx vẫn đúng đắn trong cả trường hợp Nhật Bản.
2.4.           “Nghĩa” và “Trung” – từ khóa về Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản:
Nho giáo các nước về cơ bản là giống nhau, đều giáo dục Tam cương, Ngũ thường, con đường tu, tề, trị, bình cho con người. Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, thì do hoàn cảnh lịch sử và truyền thống văn hoá dân tộc, Nho giáo vào mỗi nước đều khúc xạ khác đi ít nhiều hoặc được nhấn mạnh ở mặt này mặt kia. Vì thế nếu bắt buộc phải chọn một từ làm “từ khoá” để thấy sự khác nhau của Nho giáo mỗi nước thì người ta sẽ chọn từ nào? Giáo sư Tsuboi Yoshiharu trong Hội nghị Quốc tế về Nho giáo tổi chức ở Yokohama (Nhật Bản) năm 1992, cho rằng: Ở Trung Quốc đó là Hiếu, ở Triều Tiên – Hàn Quốc là Lễ hoặc Thuần, ở Nhật Bản là Trung, còn Việt Nam là Nghĩa([15]). Quan niệm này có lẽ cũng đã được các học giả phương Tây nói đến ít nhiều, nhưng được GS.Tsuboi trình bày một cách có ấn tượng trước một đối tượng chọn lọc: các học giả Nho giáo quốc tế, nên rất gây chú ý. Lúc đầu quan niệm ấy gây “shock” đối với nhiều người, nhưng càng đi sâu vào xem xét các dữ kiện lịch sử, văn hoá mỗi nước, người ta càng thấy nhận định ấy không phải là không có lý.
Ở Việt Nam “Nghĩa” là Nghĩa với nước, là tình nghĩa ở đời, và nghĩa hiệp với những người bị oan khuất, ức hiếp. Chỉ cần nhắc lại vài vài ví dụ là có thể thấy được ngay. Ví dụ như Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã theo lời khuyên của cha : hãy trở về rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là Đại hiếu. Đối với đạo đức Trung Quốc, một nền đạo đức xây dựng trên cơ sở gia đình thì hiếu là lớn nhất. Câu nói của vua Thuấn được người TQ ngàn đời ca ngợi vì đã giải quyết được mâu thuẫn giữa Hiếu và sự công chính của người cầm quyền. Khi vua Thuấn mới ban hành pháp lệnh, yêu cầu xử tội rất nặng những kẻ nào vi phạm pháp luật – không chừa bất kỳ ai, thì có người cắc cớ hỏi rằng: Nếu cha của nhà vua phạm tội thì sao? Vua Thuấn trả lời: Ta sẽ bỏ ngôi, cõng cha đi trốn. Hiếu đối với người Trung Quốc bao gồm cả ước mong phúc lộc thọ, con cháu nối dòng đông đúc, giàu có và trường thọ. Và như thế Hiếu là lớn nhất. Ở Việt Nam còn có một thứ hiếu khác lớn hơn, gọi là “Đại hiếu” – đó là hiếu với đất nước. Trong sự lựa chọn của Nguyễn Trãi cũng thấy rất rõ những tiêu chuẩn đạo đức Việt. Nguyễn Trãi đã không chọn nhà Hồ - chủ cũ, như yêu cầu của đạo đức Trung thành của nho sĩ nói chung, nhất là võ sĩ Nhật Bản; không chọn nhà Trần – họ ngoại, như chữ Hiếu của Trung Quốc; Nguyễn Trãi chọn lê Lợi, vì bằng nhãn quang sáng suốt của mình, ông hiểu rằng chỉ có Lê Lợi mới giải quyết được vấn đề của đất nước. Các nhà nho Cần vương TK.XIX cũng là tấm gương của đạo đức “Vì nghĩa” – nghĩa đối với đất nước. Họ không nghe theo lời Hoàng đế Tự Đức giải giáp đầu hàng hàng giặc (Trương Định và các văn thân Nghệ An), họ không theo Đồng Khánh là đương kim hoàng đế, họ chiến đấu một cách anh dũng và chết một cách bình thản không phải vì vua mà vì nước, và vua Hàm Nghi chỉ là một biểu tượng phù hợp với lý tưởng kháng chiến của họ. Quan niệm sống Vì nghĩa đối với nước có cơ sở từ lịch sử lâu dài chống ngoại xâm để bảo vệ cghủ quyền đất nước của người Việt. Mặc dù người Việt hay nói “trung với nước”, nhưng Trung với ý nghĩa chặt chẽ nhất của nó chỉ là trung quân mà thôi. Tình nghĩa (cái nghĩa có được từ tình cảm, nghĩa vì tình)là linh hồn của đồi sống tình cảm của người Việt, là nội dung trữ tình chủ yếu, đặc trưng của thơ ca Việt (bên cạnh cái khảng khái kích ngang, phong cốt là đặc trưng của thơ TQ; cái bi ai nhẹ nhàng kín đáo của thơ Nhật Bản)([16]). Cơ sở xã hội của lối sống tình nghĩa là đời sống của cư dân nông nghiệp gắn bó với làng quê. Nghĩa hiệp là lý tưởng sống hàng đầu của con người Việt Nam, nhất là ở những vùng đất mới cư dân còn thưa thớt, luật pháp còn lỏng lẻo – như vùng đất Nam Bộ chẳng hạn. Phương châm hành xử cao nhất của họ là “Thấy câu kiến nghĩa bất vi, làm người như thế cũng phi anh hùng” (Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) dẫu câu này có nguồn gốc Trung Quốc.
Ở Nhật Bản, chữ Trung lại là đức mục được đề cao nhất. Trong đạo đức của người samurai bao giờ lòng trung thành với chủ cũng được đề lên hàng đầu – ngưòi Nhật gọi nó là “Trung thành tâm” (忠誠心chùseishin), và quan hệ bề tôi với chủ ấy gọi là “Quan hệ chủ tòng” (主従関係shujù kankei). Lòng trung thành ấy là trung thành với chủ chứ không phải là trung quân nói chung. Nhiều nhà xã hội học đã chỉ ra cấu trúc xã hội Nhật Bản ưu tiên quan hệ hàng dọc và đơn tuyến, dựa trên lòng trung thành với người chủ trực tiếp của mình: vũ sĩ – lãnh chúa đại danh – tướng quân – thiên hoàng. Người Nhật ai cũng biết đến câu chuyện về 47 võ sĩ trong sự kiện Akô thời Nguyên Lộc (Nguyên Lộc Xích Tuệ/ Akô sự kiện - 1748). Đội trưởng Ôishi và các võ sĩ của mình đã sống theo lý tưởng: báo thù cho chủ là nguyên tắc đạo đức cao nhất. Lòng Trung còn cao hơn cả Hiếu (Ôshi thấy đám tang mẹ mà vẫn gạt nước mắt ra đi không về chịu tang), hơn cả Tình vợ chồng (Ôishi đuổi vợ đi để che mắt kẻ thù), hơn cả Liêm sỉ (bị võ sĩ đối phương nhổ vào mặt mà vẫn chấp nhận để ẩn mình kín đáo hơn). Một võ sĩ khác - Hara, đồng đội của anh ta cũng coi Trung hơn cả Tình gia đình (chia tay mẹ già, vợ trẻ, con thơ để báo thù cho chủ). Bà mẹ của anh ta cư xử như một liệt nữ Nhật Bản: bà cụ thắt cổ tự tử để cho con yên lòng thực hiện nghĩa vụ cao cả nhất của người con trai. Câu chuyện ấy được ghi trong Trung thần tàng (Chùshingura), được diễn trên sân khấu Tĩnh lưu ly, được nhiều thế hệ người Nhật từ xưa đến nay say mê.
Lòng trung thành trong một cấu trúc xã hội hàng dọc, quan hệ đơn tuyến là điều vẫn còn tiếp tục được phát huy trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Sở dĩ lòng trung thành được đưa lên hàng đầu vì trong lịch sử Nhật Bản liên tục bị cuốn vào các cuộc nội chiếntranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa, nạn “Hạ khắc thượng” (bề tôi giết chủ) hết sức trầm trọng, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Quyền lực quốc gia nằm trong tay Mạc phủ, danh phận không rõ ràng, nên việc trung thành với người chủ trực tiếp là điều cốt tử để cho xã hội tồn tại và vận hành được.
Trên đây là những nét cơ bản về Nho giáo Nhật Bản và so sánh Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản với mục đích bước đầu tìm hiểu và giải những điểm chung nhau, những đặc riêng biệt của Nho giáo hai nước và cả sự khác nhau về số phận lịch sử của hai dân tộc khi bước vào thời kỳ cận đại, và từ đó đến nay. Tuy nhiên để giải quyết thấu đáo chuyện ấy, cần phải có những công trình chuyên sâu hơn, dài hơi hơn nữa.
                                                                       Tháng 10 năm 2007
                                                                                  
THƯ MỤC THAM KHẢO CHÍNH
TIẾNG NHẬT
1.      Nihon shisoshi gairon日本思想史概論(Lịch sử tư tưởng Nhật Bản- Khái luận), Ishida Ichiro石田一郎, 吉川弘文館Cát Xuyên Hoằng Văn quán, Tokyo, 1993
2.      Bunngaku ni arawaretaru kokumin shisô nokennkỳu文学に現れたる国民思想の研究(Nghiên cứu tư tưởng quốc dân thể hiện trong văn học) – Iwanami shoten岩波書店20-30
3.      Trang web: www2.big.or.jp/yba/asia/kenpou17jou.html
TIẾNG VIỆT
1.      Thích Thiên Ân: Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, 1965
2.      Ishida Ichirô (Ishida Kazuyoshi?): Nhật Bản tư tưởng sử, Châm Vũ Nguyễn Văn Tần dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb., Sài Gòn, 1972
3.      Châm Vũ Nguyễn Văn Tần: Nhật Bản sử lược, (4 tập), Tự Do xb.Sài Gòn
4.      Đoàn Lê Giang: Văn hóa Nhật Bản, trong Đại cương văn hóa Phương Đông, Lương Duy Thứ chủ biên, NXB.Đại học Quốc gia TP.HCM, 2000
5.      Edwin O.Reichauer: Nhật Bản quá khứ và hiện tại, Nguyễn Nghị, Nguyễn Thị Bích Ngọc dịch, NXB.KHXH, 1994
6.      George Sanson: Lịch sử Nhật Bản, 3 tập, Lê Năng An dịch, NXB.KHXH, 1994
7.      G.B. Sanson: Lược sử văn hóa Nhật Bản, 2 tập, NXB.KHXH, 1989
8.      Joseph M.Kitagawa: Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Hoàng Thị Thơ, NXB.KHXH, Hà Nội 2002
9.      Michio Morishima: Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Đào Anh Tuấn dịch, Lê Văn Sang, Lưu Trọng Trịnh hiệu đính, NXB.KHXH, 1991, 249 tr
10.Vĩnh Sính: Nhật Bản cận đại, NXB.TPHCM, 1991
 


* PGS.TS.Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP.HCM)


CHÚ THÍCH
[1] Bách Tế: Một trong ba tiểu quốc ở bán đảo Triều Tiên thời ấy, cùng với Tân La, Cao Câu Ly.
[2] Dẫn theo trang web: www2.big.or.jp/yba/asia/kenpou17jou.html (nguyên văn chữ Hán).
[3] Chúng tôi chủ trương chia lịch sử văn hoá, tư tưởng, văn học trung đại của các nước Đông Á ra thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ trung đại (VN, Triều Tiên: TK.X – TK.XIV; Nhật Bản: TK.VIII – TK.XII), Trung kỳ trung đại (VN, TT: TK.XV – TK.XVII; NB: TK.XIII – TK.XVI), Hậu kỳ trung đại (VN, TT: TK.XVIII – TK.XIX, NB: TK.XVII – TK.XIX). Có thể xem thêm tài liệu của chúng tôi: Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KHXH và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), 2001; Thời trung đại trong văn học các nước Khu vực văn hoá chữ Hán, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 11/ 2006.
[4] Kùkai daishi 空海大師: Nhà  sư  đầu thời Heian, là khai tổ Chân Ngôn tông Nhật Bản. Người xứ Sanuki. Lúc đầu học Đại học, sau quy y Phật giáo, tu ở Shikoku. Năm 804 sang nhà Đường du học, học Tuệ Khả. Năm 806 trở về Nhật, truyền bá Chân Ngôn tông, Chân Ngôn Mật giáo. Viết Tính linh luận, Văn Kính mật phủ luận, Thập trú tâm luận, Tam giáo chỉ quy. Tam giáo chỉ quy三教指帰 viết theo kiểu tranh luận giữa 5 nhân vật, mỗi nhân vật tiêu biểu cho một học phái: Nho, Đạo, Phật, cuối cùng khẳng định chỉ có Phật giáo là cái học tốt hơn cả.
[5] Kamakura Ngũ sơn/ gozan鎌倉五山: Họ Hôjô học theo nhà Nam Tống mà định ra 5 ngôi chùa lớn có uy tín ở Kamakura gọi là “Kamakura Ngũ sơn” (gồm: Kiến Trường Tự, Viên Giác Tự, Trường Phúc Tự, Tịnh Trí Tự, Tịnh Diệu Tự). Tương tự như thế họ Ashikaga cũng định ra ở Kyoto “Kyoto Ngũ sơn”京都五山 (gồm: Nam Thiền Tự, Thiên Long Tự, Tướng Quốc Tự, Kiến Nhân Tự, Đông Phúc Tự, Vạn Thọ Tự). Từ đó mới có khái niệm “Ngũ Sơn văn học”, để chỉ loại văn học chữ Hán và việc nghiên cứu Hán học ở các chùa đó. Các nhà sư còn được Mạc phủ sử dụng vào việc soạn thảo những giấy tờ ngoại giáo, mậu dịch với Trung Quốc, vì thế thơ phú và văn tứ lục rất được coi trọng và phát triển phồn thịnh.
[6] Issan Ichinei 一山一寧 (1247 - 1317): Người Triết Giang, TQ. Xuất gia từ nhỏ, theo Lâm Tế Tông, được phong đến “Đại sư”, và được cử làm sứ thần sang Nhật để vận động Nhật thần phục. Hojo tức giận giam, rồi chém cả sứ bộ, nhưng vì biết ông là “Đại sư” nên tha. Sau đó ông được trọng dụng, cho trụ trì các chùa lớn ở Kamakura, được phong là “Nhất Sơn Quốc Sư”, Học trò ông rất đông. Sách của ông có Nhất Sơn Quốc sư ngữ lục.
[7] Kinoshita Junan/ Mộc Hạ Thuận Am 木下順庵(1621-1699): Nho học giả thời Edo. Xuất thân từ Kyoto, từng lên Edo. 1682 trở thành Nho quan của Mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên đời thứ 5 là Tsunayoshi 綱吉. Viết sách về sự nghiệp Mạc phủ : Vũ đức đại thành ký. Ông là một trong những ngưòi đặt nền móng cho Chu Tử học, nhưng dần dần có khuynh hướng Cổ học. Ông nổi tiếng là một nhà giáo dục, có nhiều học trò xuất sắc gọi là “Mộc môn thập triết” (Mười ngưòi tài từ học phái Mộc Hạ/ Kinoshita).
[8] Satô Issai/ Tá Đằng Nhất Trai 佐藤一斉(1772-1859): Nho học giả cuối thời Edo. Xuất thân từ xứ Minô, học Chu Tử học, sau lại có khuynh hướng theo Dương Minh học. Làm giáo sư cho trường học của họ Hayashi. Trước tác: Cổ bản Đại học bàng thích bổ, Ngôn chí tứ lục, Ái Nhật Lâu văn thi…
[9] Tham cần giao đại (sankin kôtai) 参勤交代: chủ trương của Mạc phủ bắt các lãnh chúa các phiên hàng năm phải lên Edo trình diện 6 tháng, để Mạc phủ quản lý.
[10]Ishida Ichiro石田一郎: Nihon shisoshi gairon日本思想史概論(Lịch sử tư tưởng Nhật Bản- Khái luận), 吉川弘文館Cát Xuyên Hoằng Văn quán, Tokyo, 1993
[11] Học phái Mito/ Thuỷ Hộ học 水戸学: Học phái phát triển ở phiên Mito (phía bắc Edo), từ khoảng cuối TK.XVIII – đầu TK.XIX. Học phái này chủ trương xây dựng ý thức quốc gia trên cơ sở Quốc học, sử học, Thần đạo. Bắt đầu từ việc năm 1657 lãnh chúa phiên Mito là Tokugawa Mitsukuni đặt Chương Khảo Quán (Sử cục), tự mình biên soạn bộ Đại Nhật Bản sử, đồng thời giao du với nhóm di thần “Phản Thanh phục Minh” mà có xu hướng khôi phục lại quyền lực của Thiên hoàng. Hậu duệ của ông là Tokugawa Nariaki mổ Hoằng Đạo Quán để khuếch trương học phái Mito với định hướng “Văn Vũ lưỡng đạo”, ngoài học Nho và Quốc học ra còn phải học khoa học tự nhiên như y khoa, thiên văn học…Tư tưởng của học phái Mito có ảnh hưởng rất lớn phong trào “Tôn vương nhương di” cuối thời Mạc phủ Edo.
[12] Shimai Soshitsu 島井宗室(1539-1615): Thương gia thời Azuchi-Momoyama, đầu thời Edo. Người vùng Hakata, nhờ ngoại thương mà trở nên giàu có mức vạn. Dùng tiền riêng mở rộng hải cảng Haklata để phát triển thương mại trong vùng, giúp Hideyoshi tiền bạc trong cuộc xâm lược Triều Tiên cuối TK.XVI.
[13] “Tờ sớ xin ban cấp sách vở”, trong Thơ văn Nguyễn Thông, Lê Thước- Phạm Khắc Khoan biên soạn, NXB.Văn học, HN, 1962, tr.216-218
[14] Xem thư mục số 9 ở trên.
[15]“Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam” của Tsuboi Yoshiharu, Đoàn Lê Giang dịch (từ Lịch sử và tương lai của khu vực văn hóa chữ Hán (Bản tiếng Nhật), Nhiều tác giả, Đại tu quán thư điếm xuất bản, Tokyo 1992) in trong sách Đại cương văn hoá phương Đông (Xem thư mục số 4 ở trên).
[16] Chúng tôi đã có dịp trình bày khá kỹ về chuyện này. Có thể xem thêm: So sánh quan niệm văn học trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản, “Tạp chí vănhọc” số 9 năm 1997

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529431

Hôm nay

2174

Hôm qua

2304

Tuần này

21704

Tháng này

216127

Tháng qua

0

Tất cả

114529431