Những góc nhìn Văn hoá

Xã hội học văn học của Robert Escarpit

 

Robert Escarpit (1918-2000) là một nhà trí thức người Pháp có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa thế kỷ XX. Ông là một trong những người  đi đầu trong lĩnh vực xã hội học văn học, đặc biệt là trong việc nghiên cứu vai trò của sách đối với sự nghiệp nâng cao dân trí ở Pháp nói riêng và trên thế giới nói chung. Ông cũng là người sáng lập ra ngành truyền thông thông tin tại Pháp, đồng thời có ảnh hưởng lớn tới giới báo chí và xuất bản. Để có thể thấy được phần nào các hoạt động đa dạng của nhà trí thức tiến bộ này, xin trích dẫn một đoạn trong báo Nhân đạo (Humanité) ngày 20.11.2000 thông báo tin ông qua đời dưới nhan đề Robert Escarpit – giáo sư đại học, nhà văn và nhà báo  : “ Giáo sư chuyên gia về văn học Anh, ông là tác giả của khỏang 50 tác phẩm trong đó có các nghiên cứu văn học, xã hội học, cũng như các tiểu luận và tiểu thuyết”. 

Robert Escarpit sinh ngày 24.04.1918 tại thành phố Saint-Macaire tỉnh Gironde miền Tây Nam nước Pháp. Ông theo học Trường Lớn Ecole Normale Supérieure chuyên đào tạo các giáo viên cao cấp, chuyên ngành tiếng Anh. Ông giảng dạy ở trường trung học d’Arcachon ( Gironde ) từ 1943 đến 1945. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ 2, ông đảm nhiệm chức vụ chánh văn phòng, sau đó là giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Châu Mỹ La Tinh ở Mêhicô từ 1945 đến 1949. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ văn học, ông giảng dạy tại trường Tổng hợp Bordeaux, với tư cách là trợ giảng tiếng Anh và sau đó với tư cách là giáo sư văn học so sánh, trong gần 20 năm từ 1951 đến 1970.  Ông là người sáng lập và lãnh đạo Trường cao đẳng kỹ thuật Bordeaux (IUT) thuộc trường Tổng Hợp Bordeaux từ 1970 đến 1975. Từ 1975 đến 1978, ông được giao trách nhiệm lãnh đạo trường Tổng Hợp Bordeaux III".

Là một nhà giáo và nhà nghiên cứu, Robert Escarpit vừa giảng dạy và vừa tham gia các chương trình nghiên cứu của Trung Tâm Khoa học Pháp (Centre National des Recherches Scientifiques, CNRS). Sau khi cho ra mắt tác phẩm Xã hội học văn học năm 1958, ông được giao nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học, về sau sẽ trở thành Viện nghiên cứu văn học và kỹ thuật nghệ thuật đại chúng, đồng trực thuộc CNRS và khoa Văn trường Tổng Hợp Bordeaux.

Như sẽ có dịp trình bày ở sau, Robert Escarpit luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục và văn hóa đại chúng, đặc biệt là văn hóa viết thông qua việc xuất bản sách. Ông không chỉ là một nhà giáo và một nhà nghiên cứu, mà đồng thời còn là một nhà báo : trong vòng 30 năm liên tục ông phụ trách một chuyên mục trong tờ báo tiến bộ Le Monde. Ông không chỉ là một nhà trí thức quan tâm theo dõi tình hình xã hội, mà còn trực tiếp tham gia vào đời sống xã hội và chính trị với mong muốn góp phần nâng cao dân trí cho đại đa số quần chúng. Năm 1982, sau khi rời chức vụ hiệu trưởng trường Tổng Hợp Bordeaux, ông được bầu vào Hội đồng vùng Aquitaine dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Pháp. Cần phải nói rằng trong thời gian Đại chiến thế giới thứ II, ông tham gia kháng chiến chống Đức và được nhận huân chương dành cho những người có công tham gia giải phóng nước Pháp. Những kỷ niệm thời kỳ này được kể lại trong các tiểu thuyết Người trẻ tuổi và bóng đêm (Le jeune homme et la nuit, 1972), và Những người chân đất (Les va-nu-pieds, 1982). Năm 1983 ông nhận huy chương Chevalier de la Légion d’Honneur, huy chương cao quý nhất dành cho những người có công với đất nước Pháp. Năm 1984, Robert Escarpit chính thức về hưu, nhưng vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục mà ông theo đuổi từ nhiều thập kỷ bằng việc viết cho trẻ em. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết và truyện cho trẻ em, với minh họa do chính ông vẽ, ví dụ như loạt truyện với nhân vật chính là Rouletabosse, Petit Gambu v.v.

Có thể nói Robert Escarpit là một nhà trí thức có các hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực với sự quan tâm đặc biệt dành cho sự nghiệp giáo dục và nâng cao dân trí tại Pháp vào nửa sau thế kỷ XX. Để có thể tìm hiểu một cách thấu đáo lý thuyết của ông trong lĩnh vực xã hội học văn học, trước hết cần phải có cái nhìn bao quát về toàn thể sự nghiệp nghiên cứu của ông.

Từ văn học so sánh đến khoa học truyền thông và thông tin 

Sinh ra trong một gia đình giáo viên, Robert Escarpit tiếp nối truyền thống gia đình và bắt đầu sự nghiệp nhà giáo với tư cách là giáo viên ngôn ngữ và văn học Anh. Năm 1952, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ văn học, ông được bổ nhiệm vào chức giáo sư văn học so sánh mới được sáng lập tại trường Tổng Hợp Bordeaux. Với tư cách này, ông là người góp phần quan trọng trong việc phát triển văn học so sánh trong trường đại học Pháp.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu so sánh tác phẩm một cách "trừu tượng" không làm Robert Escarpit thỏa mãn. Về sau ông nhớ lại giai đoạn đó và nói rằng : "Bàn luận về sách và tác phẩm của các nhà văn là một công việc rất dễ chịu cho bản thân người dạy và cho sinh viên ngồi nghe, nhưng điều đó không mang lại kết quả gì cụ thể"[1]. Nghiên cứu Xã hội học văn học (Sociologie de la littérature) được xuất bản trong tủ sách nổi tiếng Que sais-je ? vào năm 1958 là câu trả lời  của Robert Escarpit cho nhu cầu "làm việc có ích". Như sẽ có dịp bàn ở sau, tác phẩm này sẽ được dịch ra 23 thứ tiếng và có tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Tiếp nối nghiên cứu này và tiếp thu các thành tựu nghiên cứu của Lukacs và Goldmann, vào năm 1960 ông được tạo điều kiện thành lập Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học (Centre de sociologie des faits littéraires) về sau sẽ trở thành Viện nghiên cứu văn học và kỹ thuật nghệ thuật đại chúng (Institut de littérature et de techniques artistiques de masse, ILTAM).

Năm 1965 Robert Escarpit cho ra mắt tác phẩm Cuộc cách mạng sách (Révolution du livre) trong đó ông đưa ra các kết quả nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng sách bỏ túi dành cho độc giả đại chúng. Đây là một nghiên cứu do UNESCO đặt hàng và sẽ được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.  Năm 1972, cùng với Ronald Baker ông xuất bản một tác phẩm nổi tiếng khác có nhan đề Đói sách (La faim de lire) bàn về nhu cầu xuất bản, đặc biệt là nhu cầu trong lĩnh vực văn học, tại các nước đang phát triển. Cùng trong năm 1972, ông cùng với một tập thể tác giả và nhà nghiên cứu (trong đó có Roland Barthes) thành lập một tổ chức về sau sẽ trở thành Hội các khoa học về thông tin và truyền thông Pháp (Société française des sciences de l’information et de la communication, SFCIC).

Thông qua Hội SFSIC, cũng như Trung tâm đa chuyên ngành về thông tin và truyền thông (Unité pluridisciplinaire des sciences de l’information et de la communication, UPTEC) do chính ông sáng lập năm 1969, Robert Escarpit xây dựng cơ sở cho một ngành khoa học mới, đó là khoa học về thông tin và truyền thông. Có thể nói rằng năm 1976 là năm chính thức khai sinh ra ngành khoa học này. Đó là năm xuất bản tác phẩm Lý thuyết tổng quát về khoa học thông tin và truyền thông (Théorie générale des sciences de l’information et de la communication) trong đó Robert Escarpit trình bày lý thuyết về truyền thông do nhà toán học C. Shannon đưa ra, cũng như các nét chính của khoa điều khiển học (cybernétique), được ông áp dụng vào lĩnh vực nghiên cứu thông tin và truyền thông. Cho tới nay, tác phẩm đã trở thành kinh điển này vẫn là cuốn sách gối đầu giường đối với tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực khoa học mới mẻ này.

Vào năm 1978, trung tâm do Robert Escarpit thành lập năm 1960 với nhiệm vụ nghiên cứu các hiện tượng văn học, sau khi mở rộng đối tượng nghiên cứu ra các kỹ thuật đại chúng khác như điện ảnh và truyền hình, đổi tên và trở thành Viện nghiên cứu thông tin và truyền thông (Laboratoire des sciences de l’information et de la communication, Lasic) đồng trực thuộc trường Tổng Hợp Bordeaux và Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Năm 1982 Robert Escarpit cho ra mắt Cuốn sách trắng về truyền thông (Le livre blanc de la communication), đánh dấu chặng cuối của sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

Sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của Robert Escarpit cho thấy rằng, trong quá trình đi từ văn học so sánh tới khoa học thông tin và truyền thông, ý tưởng chủ đạo mà ông theo đuổi là nghiên cứu quá trình tiếp nhận thông tin và sử dụng thông tin của người đọc và người xem để nâng cao trình độ hiểu biết trong bối cảnh một xã hội ngày càng cần đến tri thức. Xã hội học văn học của Robert Escarpit và của nhóm cộng sự của ông cần được xem xét dưới góc độ này.

 Xã hội học văn học

Trong tác phẩm kinh điển Xã hội học văn học (1958) Robert Escarpit đặt cơ sở cho một bộ môn xã hội học mới : đó là bộ môn nghiên cứu quá trình sản xuất, phát hành và tiêu thụ văn bản viết. Ý tưởng của ông có thể tóm tắt lại như việc tìm hiểu vai trò của người đọc trong tổng thể hiện tượng văn học. Năm 1960 Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học (Trung tâm XHH) được thành lập tại Bordeaux, do đó thường được biết tới với tên gọi "trường phái Bordeaux". sẽ cho ra mắt nhiều nghiên cứu thực địa có giá trị và thường là tiên phong về văn học đứng từ góc độ người đọc và hệ thống phát hành. Trước khi trình bày về quan điểm của Robert Escarpit về quá trình đọc và người đọc trong văn học, xin giới thiệu qua chương trình nghiên cứu của Trung tâm XHH để thấy hướng nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của trường phái Bordeaux.

Tài liệu do Trung tâm XHH cho ra mắt trong tạp chí Giao tiếp (Communications) số 5 năm 1965, công bố các chương trình nghiên cứu sau :

- chương trình nghiên cứu số 1 : Xã hội học và phê bình văn học.

- chương trình nghiên cứu số 2 : Nghiên cứu việc phát hành sách.

- chương trình nghiên cứu số 3 : Nghiên cứu tâm lý xã hội người đọc vùng Bordeaux.

- chương trình nghiên cứu số 4 : Xã hội học văn học lịch sử.

- chương trình nghiên cứu số 5 : Hành vi của các quân nhân trẻ đối với việc đọc

- chương trình nghiên cứu số 6 : Nghiên cứu việc đọc trong môi trường công nhân.

- chương trình nghiên cứu số 7 : Xã hội học văn học và xã hội học tôn giáo

- chương trình nghiên cứu số 8 : Nghiên cứu nội dung xã hội

- chương trình nghiên cứu số 9 : Từ điển quốc tế các thuật ngữ văn học

Các chương trình kể trên đã cho ra mắt một loạt các nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực xã hội học văn học. Trong số các nghiên cứu đó, cần phải kể đến một số nghiên cứu có tính chất tiên phong. Ví dụ như Bản đồ việc đọc ở Bordeaux (Atlas de la lecture à Bordeaux ) được Robert Escarpit và Nicole Robine xuất bản năm 1963 là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này. Danh sách các chương trình này cho thấy rằng ngoài chương trình số 7 với nghiên cứu của M.F. Pages về "Nhân vật cha cố trong văn học Pháp từ 1918 đến 1952" và chương trình số 8 với nghiên cứu của Frugiar về "Đề tài chính trị trong các tạp chí hàng tuần cho trẻ em" và nghiên cứu của Y. Aguilar và G. Lassartesse về "Xã hội và vấn đề xã hội trong tiểu thuyết trinh thám của tủ sách Đen", các chương trình khác đều trực tiếp nghiên cứu người đọc và quá trình đọc. Ví dụ chương trình số 4 là chương trình thử nghiệm các phương pháp xã hội học văn học áp dụng vào lịch sử văn học. Chương trình này bao gồm nghiên cứu của P. Orecchioni về "Các nhà tiểu thuyết gia Pháp đối với độc giả của họ từ 1830 đến 1848", nghiên cứu của Neals về "Các độc giả người Anh của Balzac", nghiên cứu của Kubler về "Các độc giả người Đức của Sartre". Đặc biệt, chương trình số 6 về việc đọc trong môi trường công nhân không chỉ giới hạn ở việc tư duy trừu tượng với nghiên cứu của J. Boussinesq về "Việc đọc trong các thư viện của các doanh nghiệp vùng Bordeaux", mà còn được tiếp nối với các hội thảo với sự tham gia của các thủ thư thư viện, các cán bộ công đoàn, v.v. nhằm phát triển việc đọc và qua đó nâng cao dân trí cho đối tượng quần chúng công nhân.

Việc quan tâm tìm hiểu vị trí của người đọc trong quá trình đọc đến từ một câu hỏi tưởng như "Thế nào là văn học ?". Câu trả lời độc đáo do Robert Escarpit đưa ra đã góp phần phát triển xã hội học văn học một cách cụ thể với các nghiên cứu trên thực địa.

 Ba mặt của văn học

Robert Escarpit quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm. Trong một cuốn sách nhỏ với nhan đề Lịch sử văn học Pháp (Historia de la literatura francesa) được xuất bản năm 1948 tại Mêhicô khi Robert Escarpit đảm nhiệm chức vụ giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Châu Mỹ Latinh,  ông trình bày trong lời nói đầu về ba mặt của văn học như sau : người ta biết rằng trong văn học có các nhà văn (có rất nhiều tiểu sử nhà văn) ; có tác phẩm văn học (có rất nhiều sách nói về tác phẩm văn học), nhưng còn một khía cạnh khác mà thường không ai nói tới, đó là người đọc. Trong một bài báo đăng trên Le Monde vào khỏang 1950, Robert Escarpit tiếp tục phát triển ý tưởng này. Trong những năm sau đó, ông lặng lẽ đào sâu tìm hiểu quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm và độc giả. Kết quả là tác phẩm Xã hội học văn học xuất bản năm 1958. Ông đi đến kết luận rằng tính văn học (littérarité) nằm trong quá trình đọc, trong cách đọc và cách tiếp nhận văn bản viết. Nói khác đi, không có người đọc thì không có nhà văn, không có người coi tác phẩm là tác phẩm thì không có văn học. Như vậy, hiện tượng văn học về bản chất là một hiện tượng giao tiếp, được hiểu với nghĩa là hiện tượng truyền thông tin từ người phát thông tin (nhà văn) đến người nhận thông tin (người đọc) thông qua phương tiện là chữ viết và sản phẩm là sách.

 

Chữ viết và sách

Robert Escarpit cho rằng trong lịch sử loài người chữ viết, có nghĩa là một hệ thống ký hiệu nhằm mục đích ghi lại lời nói, là một phát minh vĩ đại. Ngôn từ không có vỏ bọc vật chất. Ngược lại văn tự đem lại cho ngôn từ một vỏ bọc và nhờ đó khả năng vượt qua thời gian và không gian. Điều ông muốn tìm hiểu nghiên cứu là quan hệ giữa chữ viết và các thể chế xã hội như tôn giáo, chính trị, thương mại, v.v. Đó là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lịch sử truyền thông bằng chữ viết.

Robert Escarpit đặc biệt quan tâm đến lịch sử của sách, sản phẩm của nền văn hóa chữ viết. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật của thế kỷ XX, ông dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về vai trò của sách đối với các sản phẩm văn hóa khác như photocopie và các văn bản nghe nhìn và điện tử. Đồng thời ông luôn luôn quan tâm đến việc phát hành sách, đến người đọc và nhu cầu của người đọc.

Robert Escarpit nhiều lần nhấn mạnh rằng từ thời điểm phát minh ra sách cách đây 4000 năm, sách là một bộ máy truyền thông tuyệt vời : trong sách chứa đựng các thông điệp được mã hóa và có thể được phiên bản, nhân bản, cũng như giải mã bởi bất kỳ cá nhân nào có chìa khóa giải mã, có nghĩa là biết đọc. Trong một thời gian dài, sách là phương tiện truyền thông tin tốt nhất mà loài người đã phát minh ra. Văn tự là phương tiện vượt qua thời gian, có nghĩa là chữ viết, như một ký hiệu, khi được giải mã hàng trăm năm hoặc hàng nghìn năm sau, cho phép tìm lại ý tưởng ban đầu được ghi lại bằng chữ viết.

 Nhưng Robert Escarpit cũng chỉ rõ rằng là chữ viết chỉ phát huy tác dụng khi vật thể "sách" được phát minh ra. Ông nhận xét rằng trong nhiều ngôn ngữ, "sách" về nghĩa đen là từ chỉ một vật thể gọn nhẹ cho phép ghi chép nhanh chóng các ký hiệu của thông điệp, đồng thời cho phép việc nhân bản và vận chuyển nó một cách dễ dàng. Ví dụ trong tiếng Anh «book », tiếng Đức «buch », đều có cùng gốc với từ "buis", có nghĩa là "vỏ cây". Trong tiếng Latin, "liber", cũng có cùng nghĩa đó ; và từ "livre" trong tiếng Pháp có nguồn gốc từ "liber". Có thể nói rằng việc nghiên cứu từ nguyên của từ "sách" trong nhiều ngôn ngữ khác nhau cho thấy rằng khái niệm về "sách" luôn gắn liền với khái niệm "truyền bá tư tưởng". Chính vì vậy mà Robert Escarpit luôn cho rằng việc phát minh ra chữ viết tự nó không phải là một hiện tượng đặc biệt quan trọng, mà sự kiện có tính chất cách mạng sẽ thay đổi diện mạo thế giới chính là sự xuất hiện của sách, có nghĩa là khi tư tưởng có thể được truyền bá một cách dễ dàng và rộng rãi, vượt qua không gian và thời gian. 

 Sau khi Xã hội học văn học ra đời, hai tác phẩm khác của Robert Escarpit với đề tài là sách cũng trở nên kinh điển. Năm 1965 Robert Escarpit cho ra mắt cuốn sách có tên gọi Cuộc cách mạng sách. Theo chính tác giả kể lại thì trong một lần gặp gỡ nói chuyện về tác phẩm Xã hội học văn học, ông Julian Behrstock, một người Mỹ tiến bộ, lúc đó là giám đốc Ban phụ trách về sách của UNESCO, đã phát biểu như sau : "Ông có biết không, ở UNESCO chúng tôi cũng quan tâm giống ông đến việc nghiên cứu vấn đề truyền thông bằng chữ viết, sách và vai trò của sách trong quá trình truyền thông". Sau lần gặp gỡ này, Robert Escarpit được UNESCO giao nghiên cứu hiện tượng sách bỏ túi trên thế giới, cơ chế hoạt động của nó và tác động của sách bỏ túi đến quá trình đọc nói chung. Như đã nói ở trên cuốn sách này có tiếng vang lớn và được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ.

Tác phẩm Đói sách xuất bản năm 1972 mang nhan đề có nhiều ý nghĩa. Cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác, Robert Escarpit chỉ rõ thực tế là rõ ràng có sự bất bình đẳng về sách trên thế giới : "có những vùng đủ sách, có những vùng thiếu sách và có những vùng đói sách"[2]. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng trong thời đại chúng ta hiện nay, toàn thế giới cần đến sách và cần đọc bởi tri thức chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Để truyền bá tri thức, việc truyền thông bằng chữ viết, có nghĩa là bằng vật thể sách, đóng vai trò chủ đạo. Robert Escarpit cho rằng có ba lĩnh vực có nhu cầu lớn về sách, nhưng đáng tiếc là không được cung cấp một cách đầy đủ. Trước hết đó là lĩnh vực sách giáo khoa, trong đó cũng cần phải tính đến sách ngoại khóa với mục đích giáo dục liên tục. Lĩnh vực thứ hai là sách cho trẻ em vì thói quen đọc sách cần phải được luyện tập từ lứa tuổi nhỏ. Lĩnh vực thứ ba là sách dành cho độc giả đại chúng.

Trong tác phẩm Đói sách, mặc dù các con số những năm 1970 không còn phù hợp với tình hình đầu thế kỷ XXI nữa, Điều lệ về sách (Charte du livre) do Robert Escarpit đưa ra vẫn có tính thời sự. Điều lệ với 14 đề nghị nhấn mạnh tới vai trò không thể bỏ qua của sách trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời khẳng định quyền được đọc của mọi công dân. Nhưng có lẽ cái mới của Robert Escarpit là ông đặt sách vào trong bối cảnh toàn cầu hóa : "Sách phục vụ cho mục tiêu hiểu biết lẫn nhau và hợp tác một cách hòa bình". « Sách là một trong những vũ khí bảo vệ hòa bình có hiệu quả nhất bởi chúng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một không khí trí thức, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau". Có thể đó là một ảo tưởng của những năm 1970 mang dấu ấn của cuộc đấu tranh vì hòa bình, chống chiến tranh Việt Nam. Nhưng vào đầu thế kỷ XXI, phải nói rằng mong ước của Robert Escarpit vẫn còn có tính thời sự trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

 Cần phải nói rằng Robert Escarpit rất quan tâm đến vấn đề chống nạn mù chữ trên thế giới. Ông đóng vai trò quan trọng với tư cách là cố vấn của UNESCO. Theo ông, ngoài hiện tượng mù chữ kiểu cũ (hòan toàn không biết đọc biết viết), còn có các hiện tượng mù chữ ở các cấp độ khác nhau. Đặc biệt trong xã hội hiện đại có cấp độ mù chữ rất nguy hiểm bởi không được thể hiện một cách rõ ràng. Ông gọi đó là "mù chữ chức năng" (analphabétisme fonctionnel) có đặc điểm là người "mù chữ chức năng" biết đọc biết viết, nhưng không hiểu văn bản mình vừa đọc, đồng thời không biết sử dụng các ký hiệu viết trong đời sống hàng ngày. Việc đọc, trong đó có đọc văn học, và việc viết trở thành các hoạt động rất khó khăn đối với những người này. Theo Robert Escarpit, « nếu trong số liệu thống kê người ta tính đến những người mù chữ chức năng thì số người mù chữ sẽ tăng lên rất nhiều », có nghĩa là trong thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều người không có khả năng giao tiếp bằng  chữ viết. 

 Song song với các nghiên cứu có tính chất định lượng kể trên, các nghiên cứu có tính chất định tính của Robert Escarpit tập trung nghiên cứu vấn đề văn học như một hiện tượng giao tiếp (communication).

 Văn học là một quá trình giao lưu 

Để nghiên cứu hiện tượng văn học, Robert Escarpit thường xuyên sử dụng chất liệu lịch sử văn học phương Tây. Ông đưa ra khái niệm feedback[3] có thể được gọi là hiện tượng "phản hồi", có nghĩa là khi ta gửi một thông điệp đến một người, hoặc nhóm người nào đó, thông điệp đó gây ra một phản ứng và có ảnh hưởng đến môi trường và qua đó ảnh hưởng gián tiếp tới chính bản thân ta. Robert Escarpit cho rằng hiện tượng phản hồi là hiện tượng cơ bản của mọi hoạt động giao tiếp văn hóa. Đối với ông văn học về bản chất là một hiện tượng giao tiếp. Trong một bài phát biểu vào tháng 1.1969 ông trình bày rõ hơn về ý tưởng này :   "Giả thuyết nghiên cứu cơ bản của chúng tôi từ nhiều năm nay là như sau : khi có hiện tượng phản hồi (feedback) là có hiện tượng văn học, và khi không có phản hồi thì không có văn học. Việc truyền tải thông tin một chiều không phải là văn học, nhưng khi có phản hồi thì đó là văn học"[4].

Nói cách khác đi là để có văn học, cần phải có nhà văn cũng như độc giả là người đọc tác phẩm và phản hồi lại cho nhà văn. Trong lịch sử văn học nói chung, vòng giao lưu này mới đầu được thực hiện theo truyền miệng. Khi chữ viết và sau đó là sách được phát minh ra thì vòng giao lưu giữa nhà văn, tác phẩm và độc giả được thực hiện thông qua sách. Robert Escarpit đưa ra một phân tích độc đáo về quá trình giao lưu này trên cơ sở nghiên cứu lịch sử sách ở phương Tây.

Theo ông, phát minh lớn của loài người là chữ viết và sách có một hậu quả trực tiếp tới quá trình giao lưu văn học, bởi lý do đơn giản là giữa nhà văn  và độc giả có một trung gian là sách, có nghĩa là tác phẩm có thể vượt không gian và thời gian. Thật ra vấn đề của nền văn hóa sách này lúc đầu được giải quyết khá dễ dàng, bởi sách chép tay chỉ được phát hành trong một phạm vi rất hẹp : số bản sách chép tay không bao giờ vượt quá 200 hoặc 300 bản, và chỉ có một vài cuốn sách xuất bản ở Rome đạt kỷ lục 600 bản. Số lượng bản sách ít như vậy có nghĩa là tác phẩm được đọc trong một số nhóm xã hội không đông lắm, trong phạm vi một vài thành thị, tóm lại là giới độc giả này không nhiều và gần như đều quen biết nhau. Điều này có nghĩa là việc phản hồi được thực hiện một cách dễ dàng, quá trình giao lưu giữa nhà văn và độc giả được thông suốt.

Cũng cần phải nói rằng vào thời kỳ sách chép tay này, người chép sách là một trung gian rất quan trọng và có thể đưa vào văn bản viết nhiều thay đổi theo ý mình hoặc theo nhu cầu của độc giả. Đối với nhà nghiên cứu giao lưu văn học thì những thay đổi trong các văn bản khác nhau của cùng một tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng : những chi tiết này (thay đổi từ, giải nghĩa từ hoặc lời bình) cho phép tìm hiểu quan hệ giao lưu giữa tác phẩm và độc giả. Có thể nói rằng cho đến thế kỷ XIII ở phương Tây, văn bản của tác phẩm văn học liên tục thay đổi bởi nó chịu ảnh hưởng của các nhóm độc giả khác nhau ; vào thời kỳ này có sự đọc tham dự, sự đọc một cách tích cực trong các tầng lớp xã hội khác nhau.

Việc phát minh ra kỹ thuật in có thể được coi là kết quả trực tiếp của việc gia tăng số lượng độc giả : số người đọc sách ngày càng đông đảo dẫn tới việc những người chép sách không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sách. Theo Robert Escarpit, kỹ thuật in tự thân nó không phải là một sự kiện có tính cách mạng, đó chỉ là một kỹ thuật để tăng năng suất của các xưởng chép sách mà thôi. Nhưng kết quả của việc in sách có ý nghĩa rất lớn : khác với sách được chép đi chép lại, do đó có nhiều dị bản, sách in chỉ có một bản mà thôi. Song song với việc văn bản viết được bảo vệ khỏi những thay đổi theo thời gian bởi bản in, sách in cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện của khái niệm tác giả cũng như văn bản văn học. Thật vậy, nhờ kỹ thuật in văn bản gốc được nhân bản nhiều lần một cách hòan toàn chính xác dần dần được coi là có giá trị đặc biệt, giá trị của một tác phẩm văn học, và tên của tác giả, có nghĩa là chữ ký mang lại giá trị cho tác phẩm, trở thành một yếu tố chủ chốt. Cùng với sự xuất hiện của sách in, văn học truyền miệng và khuyết danh dần dần nhường chỗ cho văn học viết và có tên tác giả.

 Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của văn học và vấn đề giao lưu, hoặc nói khác đi là sự phản hồi, yếu tố làm nên văn học. Lúc đầu số lượng sách in ra có nhiều hơn, nhưng môi trường độc giả vẫn không phải là quá đông. Vào thế kỷ XVII số bản sách cao nhất cũng không vượt quá con số 1500 bản in. Vào thế kỷ XVIII, một tác phẩm có thể được gọi là best-seller cũng chỉ được in với con số là 6000 bản và có thể đạt tới 22000 bản bán được trong vòng 40 năm. Kết quả là các tác giả vào thời kỳ này không quen biết độc giả của mình như các tác giả thời Cổ đại, nhưng họ cũng có thể hình dung ra độc giả của mình, nguồn gốc xã hội, tập quán văn hóa của họ v.v. bởi lý do đơn giản là tác giả cũng như độc giả cùng thuộc về một tầng lớp xã hội, họ có chung một nền giáo dục, một nền văn hóa. Voltaire hoặc Diderot có thể hình dung một cách rõ ràng độc giả của mình, cũng như một nhà văn như Charles Pinat Duclos có thể tuyên bố như sau vào khỏang giữa thế kỷ XVIII : « Tôi hiểu độc giả của tôi. Không có tác giả nào lại không có độc giả, có nghĩa là một bộ phận của xã hội mà trong đó có bản thân anh ta ». Khỏang nửa thế kỷ sau, có nghĩa là đầu thế kỷ XIX, câu nói này đã hòan toàn lạc hậu và không còn có ý nghĩa gì nữa. Thậm chí  tình hình còn hòan toàn ngược lại : đó là ý nghĩa của hình ảnh "vỏ chai vứt xuống biển" của Vigny mang thông điệp của nhà văn cô đơn trước sự im lặng của độc giả. 

 Theo Robert Escarpit, vào thế kỷ XIX tình hình văn học thay đổi một cách sâu sắc. Điều này có nguyên nhân trong việc thay đổi trong độc giả. Số lượng độc giả tăng nhanh đột ngột ở nhiều nước châu Âu bởi nhiều lý do. Ví dụ ở Anh, đó là lý do tôn giáo. Dòng giáo phái giám lý (méthodisme) đã phát triển việc đọc một cách nhanh chóng : đối với mục sư John Wesley sách là một phương tiện truyền đạo tuyệt vời. Các mục sư theo Wesley đã phát minh ra loại sách rẻ tiền 1 xu (1 penny) có thể được coi là tổ tiên của loại "sách bỏ túi". Dòng giáo phái giám lý rõ ràng chỉ là một trong những yếu tố phát triển việc đọc ở Anh, nhưng đó là một yếu tố quyết định. Ở Pháp, yếu tố quyết định đó là Cách mạng Pháp với nhu cầu truyền bá tư tưởng cộng hòa.

 Theo các nghiên cứu xã hội học lịch sử văn học, thực tế là vào đầu thế kỷ XIX nhu cầu người đọc ở châu Âu tăng nhanh đến nỗi cần phải cải tiến máy in Gutenberg vẫn còn đựợc sử dụng rộng rãi cho đến những năm 1780-1790. Vào cuối thế kỷ XVIII một người thợ in giỏi có thể in được tới 3 500 trang sách trong một ngày, có nghĩa là năng suất chỉ tăng hơn khỏang 40-50% so với thời kỳ mới phát minh ra máy in Gutenberg. Nhưng vào đầu thế kỷ XIX, do phải đáp ứng nhanh chóng nhu cầu ngày càng tăng về sách, một sáng kiến cách mạng đã ra đời : máy in được lắp thêm động cơ hơi nước và do đó năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Ở Đức và nhất là ở Anh, nhiều loại máy in kiểu mới này đã ra đời. Máy in hiện đại nhất thời đó là "máy in John Walter » được sáng chế ra ở Anh vào năm 1810 cho phép in tới 6 000, 7 000, 10 000 trong một ngày và nhanh chóng đạt tới con số kỷ lục là 100 000 trang, có nghĩa là gấp 30 lần so với năng suất vào cuối thế kỷ XVIII. Kết quả là số lượng sách bán được tăng lên rất nhiều. Số lượng độc giả cũng tăng nhanh. Kỷ lục sách thời đại trước đó, vào cuối thế kỷ XVIII,  là tiểu thuyết  Pamela của Samuel Richardson bán được 22 000 bản trong vòng 40 năm. Trong khi đó thì vào đầu thế kỷ XIX tác phẩm thơ Corsaire của Byron đã bán được 10 000 bản trong một ngày và 100 000 bản trong một năm ! 

 Bước cải tiến kỹ thuật này cho phép in nhiều sách hơn và càng ngày càng có nhiều độc giả hơn. Nhưng bứoc thay đổi về lượng này sẽ dẫn đến một thay đổi về chất vô cùng quan trọng. Điều đó đã dẫn tới một hậu quả là sự cắt đứt quan hệ giữa tác giả và độc giả. Thật ra điều này đã xảy ra khi chữ viết và nhất là sách được phát minh ra. Tuy nhiên, trước thế kỷ XIX, mặc dù số lượng độc giả cũng không nhỏ, tác giả vẫn có thể hình dung được người đọc của mình bởi phần lớn họ thuộc về cùng một tầng lớp xã hội. Từ thế kỷ XIX, nhà văn không còn khả năng biết được chính xác độc giả của mình là ai bởi lý do là số lượng độc giả lớn hơn rất nhiều, nhưng cũng bởi vì họ thuộc về các tầng lớp xã hội khác nhau. Để thấy rõ điều này, Robert Escarpit lấy ví dụ Byron nhận được thư của một độc giả sống tại vùng Oregon. Đối với nhà văn, điều đó cũng kỳ lạ như nhận được thư từ một thế giới khác ! Ông không thể tượng tượng được là có người đọc tác phẩm của ông ở một nơi xa đến như vậy. Nhưng thật ra điều mà Byron không ngờ tới là khỏang cách giữa ông và độc giả không chỉ là khỏang cách địa lý mà còn là khỏang cách xã hội. Thật vậy, ngay ở vùng ngoại ô Luân Đôn cũng có rất nhiều độc giả của Byron nhưng ông không biết tới sự tồn tại của họ, bởi những độc giả đó thuộc về tầng lớp xã hội bên dưới.

Kết quả của việc phát minh ra máy in hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả là vào thế kỷ XIX nhà văn dần dần đi đến kết luận là nhà văn không thể biết được độc giả của mình là ai. Robert Escarpit tóm tắt quá trình chuyển biến này như sau :

"Đó là thời điểm mà nhà văn tự nhốt mình vào tháp ngà nghệ thuật hoặc trong phòng làm việc của mình để uống càphê như Balzac hoặc trong kho chứa đồ như Hawthorne ở Mỹ… Nhà văn tự nhốt mình vì quá trình giao tiếp (với độc giả) đã bị cắt đứt"[5].

Huyền thoại "chai niếm xuống biển" thể hiện nhà văn sáng tác một cách cô đơn là biểu tượng cho nhà văn lãng mạn. Tuy nhiên, theo Robert Escarpit thì văn học với bản chất là giao lưu, là giao tiếp, không thể nào tồn tại lâu trong tình trạng này. Ông chỉ ra rằng các nhà văn thế kỷ XIX đều tìm cách thoát ra khỏi sự cô đơn đó. Theo ông, cách mà họ tìm thấy là cách mà Jean-Paul Sartre sẽ lý thuyết hóa vào thế kỷ XX, đó là sự "dấn thân" (engagement). Theo Robert Escarpit thì lịch sử văn học Pháp cho thấy rằng các nhà văn bắt đầu làm chính trị chính vào thời kỳ văn học lãng mạn :

"Các bạn hãy tự hỏi xem tại sao các nhà văn Pháp, các nhà văn lãng mạn Pháp đều làm chính trị ? Tất nhiên ta có thể nói rằng tình hình lúc đó yêu cầu phải  hành động như vậy, nhưng lịch sử cho thấy rằng tình hình các giai đoạn trước đó cũng vậy. Nhà văn thế kỷ XIX làm chính trị vì anh ta tìm cách thiết lập lại đối thoại với độc giả của mình. Các bạn hãy đọc Victor Hugo viết về nhà văn có ích và về nhà văn ngày chủ nhật : "Đừng trở thành những thiên tài vô ích". Nhà văn không thể chịu đựng tình cảnh bị cắt đứt khỏi độc giả và cộng đồng của mình, đó là điều rất quan trọng. Và nếu các bạn theo dõi các sự kiện lịch sử thế kỷ XIX thì các bạn sẽ thấy rằng khi các nhà trí thức thất vọng, vào năm 1848, họ tự giam mình vào tháp ngày nghệ thuật. Đó là giai đoạn "nghệ thuật vì nghệ thuật". Nhưng giai đoạn đó không kéo dài vì ngay sau đó xuất hiện "chủ nghĩa tự nhiên" kêu gọi đấu tranh. Bản thân khái niệm "người trí thức" (intellectuel) sinh ra từ nhu cầu hành động này. Các bạn có biết danh từ  « intellectuel » xuất hiện khi nào không ? Nếu tôi không nhầm thì nói xuất hiện ngày 1.1. 1899 trong một lời kêu gọi ủng hộ đại úy Dreyfus. Văn bản này có tên "Tuyên ngôn của những người trí thức" (Manifeste des intellectuels). Và nếu các bạn xem danh sách tên những người ký bản tuyên ngôn này thì sẽ thấy là tất cả các nhà văn thời đó đều có mặt, từ Zola đến Proust. Đây là một trường hợp cố gắng thiết lập lại quan hệ đã bị cắt đứt giữa nhà văn và độc giả"[6].

 Quá trình giao lưu và hệ thống phản hồi văn học trong thế kỷ XX

Theo Robert Escarpit thì vấn đề chủ yếu của thời đại chúng ta là hoạt động của hệ thống phản hồi. Hệ thống này tồn tại, nhưng nó chỉ đại diện cho một thiểu số độc giả. Tại các nước phát triển, các nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học, các nhà xuất bản, v.v. tóm lại là môi trường văn học cho phép bàn về văn học và nuôi dưỡng quá trình giao lưu giữa nhà văn và độc giả. Tuy nhiên, những người đưa ra ý kiến về văn học và tạo ra phản hồi chỉ chiếm một phần rất nhỏ độc giả. Với sự phát triển kỹ thuật cho phép "dân chủ hóa" sản phẩm sách, số lượng độc giả ngày càng tăng nhanh, nhưng điều đó cũng có nghĩa là có nhiều người không tham gia vào quá trình giao lưu văn học. Nói khác đi là một số lượng lớn độc giả đọc sách một cách thụ động và không có khả năng tham gia phản hồi ý kiến.

Trong nhiều nghiên cứu của trường phái Bordeaux, vấn đề đọc đã được đề cập tới từ nheièu góc độ khác nhau. Ví dụ, bản đồ phân bố các hiệu sách ở thành phố Bordeaux cho thấy rằng không một người công nhân nào có dịp đi qua hiệu sách khi hiệu sách mở cửa. Điều đó có nghĩa là người công nhân không có khả năng tiếp xúc với nơi có thể tiếp nhận phản hồi là hiệu sách, thông qua việc tìm hiểu gu thẩm mỹ của khách hàng bằng cách hỏi chuyện, đồng thời là nơi có thể truyền tải phải hồi đó đến nhà xuất bản và nhà văn thông qua quan hệ giữa hiệu sách và người đại diện cho nhà xuất bản. Kết quả là mặc dù quần chúng lao động ở các nước phương Tây đọc ngày càng nhiều hơn (theo như các số liệu sách bán được), ý kiến của họ rất ít khi đến được nhà văn và nhà xuất bản. Nói cách khác là những người tham gia vào giao lưu văn học là các nhà nghiên cứu và phê bình văn học, hoặc trí thức nói chung, chứ không phải là đại đa số độc giả.

Trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề giao tiếp văn học còn được đặt ra ở một cấp độ khác. Thật vậy trên thế giới nói chung ngày càng có nhiều độc giả, có nghĩa là các nhà văn phương Tây được dịch và được đọc bởi một số lượng độc giả vô cùng lớn ở nhiều nước trên các châu lục. Theo số liệu những năm 1970 thì khỏang 75% văn học dịch trên thế giới có nguồn gốc từ 6 nước, có nghĩa là sản phẩm văn học của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Nga (trước đây là Liên Xô) đáp ứng cho ¾ nhu cầu về sách trên toàn thế giới. Thực tế là có một số rất ít tác giả được đọc bởi một số lượng rất lớn độc giả. Rõ ràng là tác giả không còn có khả năng giao lưu với độc giả của mình như những thế kỷ trước nữa.

Theo Robert Escarpit thì đó là là một vấn đề cần phải được nghiên cứu và giải quyết với mục đích góp phần vào sự phát triển lành mạnh của văn học các nước trên thế giới. Các nghiên cứu về lịch sử văn học phương Tây cho phép ông đưa ra một mô hình giải thích sự vận động của văn học : theo ông, mỗi chuyển biến quan trọng trong lịch sử sách và văn học đều có nguồn gốc trong sự chuyển biến xã hội, nói đúng hơn là khi trong xã hội xuất hiện một nhóm độc giả mới có nhu cầu đọc khác với các nhóm độc giả truyền thống. Nhóm độc giả mới này sẽ "gây áp lực" tới nhóm độc giả thiểu số thuộc tầng lớp xã hội cao cấp nắm quyền kiểm soát hệ thống phản hồi và giao lưu văn học. Để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình, nhóm xã hội mới này sẽ tạo ra một loại văn học có thể được gọi là "thứ cấp" bước đầu được sản xuất hàng loạt với những mẫu nhân vật có sẵn. Chỉ khi loại văn học này dần dần được chấp nhận bởi văn học "chính thống" trong một quá trình giao lưu văn học lành mạnh thì nó mới có khả năng trở thành một bộ phận của văn học nói chung.

Để minh họa cho mô hình này, có thể lấy ví dụ văn học thế kỷ thứ XIII tại Pháp. Vào thời kỳ này giới tăng lữ trong các tu viện viết bằng chữ La tinh và chiếm vị trí độc quyền trong văn học, còn giới tư sản thương nhân sống ở thành thị là nhóm xã hội đang khởi sắc và có nhu cầu đọc. Giới độc giả mới này muốn đọc sách, nhưng không muốn đọc sách thần học bằng chữ La tinh bởi họ không sử dụng được ngôn ngữ này và cũng bởi vì họ có những nhu cầu khác. Giới tư sản thị dân này có nhu cầu về sách bằng thứ chữ nôm "roman", và chính vì thế mà "tiểu thuyết" tiếng Pháp gọi là "roman". Lúc đầu, người ta phải dịch sách từ chữ La tinh ra chữ roman, và sau đó mới bắt đầu có những tác phẩm được sáng tác trực tiếp bằng chữ roman là tổ tiên của tiếng Pháp hiện đại. Dần dần nhóm độc giả mới này thể hiện nhu cầu đọc sách về những chủ đề họ quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu này, các bản dịch Kinh Thánh được xuất bản, cũng như sách về luật chơi cờ vua, hoặc về kế toán, và đặc biệt là rất nhiều tiểu thuyết. Một loạt truyện về chiến tranh thành Troie, về hiệp sĩ Arthur, v.v. ra đời. Đó có thể được coi là tổ tiên của các tiểu thuyết phiêu lưu hiện đại. Loại tiểu thuyết như tác phẩm Tristan và Iseult đã trở thành kinh điển được sáng tác vào thời kỳ này và cũng có thể được coi là một thử nghiệm cho các tiểu thuyết hiện đại về sau.

Trường hợp tiểu thuyết Anh thế kỷ XVII cũng cho thấy quan hệ mật thiết giữa những biến đổi về lượng trong giới độc giả và những thay đổi về chất trong văn học. Ở Anh thời đó nhóm độc giả mới xuất hiện là tầng lớp tư sản thị dân bậc trung ; về mặt chính trị thì tầng lớp này chống lại chế độ bảo hòang và đấu tranh cho chế độ nghị viện. Gu thẩm mỹ của những độc giả này rõ ràng không phải là loại sách thần học, mà cái họ cần là hành động. Để đáp ứng nhu cầu này, một loạt sách có chủ đề là cuộc đời các tội phạm nổi tiếng ra đời. Như vậy vào thế kỷ XVII ở Anh xuất hiện một loại văn học thứ cấp, một loại tiểu thuyết hình sự với nhân vật chính là một tội phạm hoặc một kẻ giết người, được xuất bản  hàng loạt và phát hành với giá rẻ trên thị trường đen. Năm 1688 giới tư sản lên nắm quyền ở Anh và vài năm sau, Defoe, một trong những nhà văn đại diện cho giai tầng xã hội đó, đã chuyển loại văn học thứ cấp này thành văn học, có nghĩa là sáng tác những tác phẩm được ghi vào lịch sử văn học : quá trình đó được thực hiện bởi việc tham gia vào quá trình giao lưu văn học với các khâu xuất bản, phát hành và phản hồi.

Lịch sử văn học phương Tây cho thấy rằng phản ứng ban đầu của các nhóm độc giả truyền thống thường là chống lại các hình thức văn học mới xuất hiện. Tuy nhiên, quá trình giao lưu văn học khi được vận hành một cách lành mạnh, sẽ cho phép xuất hiện một loại văn học có giá trị. Đối với Robert Escarpit, đó là một điều quan trọng không chỉ đối với văn học các nước phương Tây, mà nhất là đối với các nước vẫn còn "đói sách". Bài học lịch sử  văn học phương Tây cho phép đưa ra giả thuyết rằng tình hình tương tự cũng có thể diễn ra trong thế kỷ XX ở các nước khác trên thế giới. Trong chuyến đi Pakistan năm 1968, Robert Escarpit được các nhà trí thức Pakistan, trong đó có chủ tịch Hội đồng sách quốc gia Pakistan, bày tỏ rằng văn học của nước họ quá yếu ớt không có đủ sách cho độc giả trong nước đọc, mà nếu có thì cũng không bán được sách. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Pháp với thói quen của người đi thực địa lâu năm, đã nhận thấy rằng ở ngoài chợ có rất nhiều người bán các bản sách in với giá rẻ, chủ yếu là truyện dân gian Pakistan. Với tư cách là đại diện của Unesco về sách, Robert Escarpit đã phát biểu như sau :

" Đó là nền văn học của Pakistan. Các bạn hãy tổ chức những người in và bán sách này trong một hệ thống xuất bản và phát hành. Văn học sẽ có cơ sở để phát triển. Đừng để họ ở trong tình trạng tự phát này, đừng để độc giả đọc một cách thụ động. Hãy cho độc giả có cơ hội phát biểu ý kiến của mình, hãy giúp họ có tiếng nói riêng, có dịp trình bày gu thẩm mỹ riêng của mình. Như vậy từ loại văn học vỉa hè này sẽ mọc lên một nền văn học đích thực. Trong lịch sử văn học phương Tây cũng như trong lịch sử văn học thế giới đã có những trường hợp như vậy, và chúng ta có thể hy vọng rằng văn học cũng có thể xuất hiện ở Pakistan như vậy"[7].

Rõ ràng, đối với Robert Escarpit, vấn đề của một nền văn học không chỉ là các cuộc tranh cãi nghệ thuật giữa các nhà văn, mà điều chủ chốt vẫn là người đọc. Mục đích của nhiều chương trình nghiên cứu của ông nói riêng và của trường phái Bordeaux nói chung là tìm hiểu cách đưa độc giả từ việc đọc sách một cách thụ động đến việc đọc sách một cách tích cực, có nghĩa là có khả năng trình bày về nội dung được đọc và qua đó tham gia vào quá trình giao lưu văn học. Các nghiên cứu của trường phái Bordeaux về quá trình đọc và hành vi của độc giả đã đem lại những kết quả quan trọng trong lĩnh vực xã hội học văn học.

Xã hội học văn học với quá trình đọc và độc giả

Khác với điều chúng ta thường nghĩ, việc đọc (lecture) là một quá trình phức tạp, hòan toàn mang tính cá nhân, và ít được nghiên cứu. Theo Robert Escarpit, ta có thể phân biệt việc đọc theo nhiều cấp độ, từ việc giải mã văn bản viết một cách đơn giản (ví dụ như người mới tập đọc) đến việc đọc và hiểu nội dung của văn bản viết ở các mức độ khác nhau. Trên cơ sở nhiều nghiên cứu thực địa của  trường phái Bordeaux, Robert Escarpit đưa ra giả thuyết là trong văn học cũng như trong các lĩnh vực khác, các hành vi đọc có thể được chia ra làm hai nhóm chính : nhóm thứ nhất có thể được gọi là kiểu đọc khách quan hoặc trí tuệ (lecture objective / savante) hoặc cũng còn được gọi là kiểu đọc nam giới (lecture masculine) ; nhóm thứ hai có thể được gọi là kiểu đọc "chủ quan" (lecture projective) hoặc kiểu đọc nữ giới (lecture féminine). Tính từ "nam" hay "nữ" ở đây không có nghĩa đánh giá chất lượng hành vi đọc, mà chỉ có nghĩa rằng có nhiều độc giả nam giới trong nhóm thứ nhất hơn và có nhiều độc giả nữ giới trong nhóm thứ hai hơn. Robert Escarpit cũng nhấn mạnh rằng một độc giả có thể đọc theo hai kiểu khác nhau tùy từng loại sách và tùy từng bối cảnh đọc sách.

Thông thường trong kiểu đọc "chủ quan" hoặc "nữ giới", tác phẩm văn học được coi là một trải nghiệm mà độc giả cùng sống với tác phẩm. Có nghĩa là khi đọc tác phẩm, độc giả có ý định bước vào thế giới tác phẩm và sống cùng với nhân vật ; có thể nói là độc giả hành động theo cách "dấn thân" trong tác phẩm và tác phẩm được trải nghiệm một cách cá nhân và độc nhất vô nhị. Thái độ của độc giả đọc theo kiểu này đưa đến một loạt kết quả. Trước hết, cần nhận xét rằng những người đọc theo kiểu như vậy là những người thường đọc truyện và tiểu thuyết, ít khi đọc phóng sự, tiểu luận hoặc sách lịch sử, trừ khi đó là tiểu thuyết lịch sử. Thứ hai là họ thường bao giờ cũng chọn sách theo tên tác giả, chính bởi lý do là đọc sách đối với họ đồng nghĩa với việc trải qua một cuộc hành trình với tác giả, và nếu như họ đã có những kỷ niệm khó quên với một tác giả thì họ sẽ có mong muốn tiếp tục đồng hành với tác giả đó trong những chuyến đi khác. Cuối cùng là độc giả trong nhóm này thường tìm cách tiếp tục cuộc hành trình bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như sau khi đọc truyện họ sẽ đi xem phim chuyển thể từ truyện hoặc ngược lại. Nói tóm lại, điều quan trọng đối với độc giả nhóm này là trải nghiệm cuộc sống thông qua tác phẩm. Đối với họ, cảm xúc quan trọng hơn kiến thức và trải nghiệm quan trọng hơn vật thể là sách.

Cách đọc thứ hai khác hẳn cách đọc thứ nhất, đúng hơn là ở cực đối lập. Độc giả nhóm đọc kiểu "khách quan" hoặc "nam giới" có xu hướng coi sách như một vật thể, một bộ máy thông tin, một công cụ cho phép anh ta tìm hiểu về một đề tài. Cách đọc này có nghĩa là người đọc giữ khỏang cách với tác phẩm và nội dung của nó. Độc giả nhóm này vừa sẵn sàng tiếp nhận nội dung tác phẩm, nhưng với con mắt phê bình. Họ thường ít để ý đến tên tác giả và thường chọn sách theo nội dung, theo chủ đề, hoặc theo tên sách.

Các nghiên cứu thực địa cho thấy rằng độc giả thuộc nhóm thứ nhất hay nhóm thứ hai có thể được nghiên cứu theo các tiêu chí ngành nghề và xã hội : một người tích cực tham gia các hoạt động xã hội (dân biểu, đại diện công đoàn, v.v.) sẽ không đọc giống như một người dân bình thường ; người đã có gia đình và có con thường không có thói quen đọc như người độc thân ; v.v. Nói tóm lại, nguồn gốc xã hội, trình độ văn hóa, cũng như các điều kiện xã hội và nghề nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến tới cách đọc của từng cá nhân.

Vấn đề được đặt ra ở đây, đối với Robert Escarpit và các nhà nghiên cứu trường phái Bordeaux, là tìm hiểu gu thẩm mỹ và ý kiến độc giả nói chung, độc giả thuộc về quần chúng lao động nói riêng. Mục đích này, như đã trình bày ở trên, phục vụ cho việc góp phần làm cho giao lưu văn học  được phong phú hơn. Ở Pháp những năm 1960 và 1970, trường phái Bordeaux đã tiến hành nhiều nghiên cứu thực địa có tính tiên phong nhằm tìm hiểu độc giả và quá trình đọc ở thành phố Bordeaux. Mục đích của các nghiên cứu này nhằm tiến tới việc thiết lập các phương pháp kỹ thuật tìm hiểu độc giả vô danh, hành vi, thói quen, cũng như ngôn ngữ của họ, đồng thời tìm hiểu phương pháp có thể tác động đến thói quen đọc của họ và giúp họ có khả năng phát biểu ý kiến đối với một tác phẩm văn học. Ví dụ, Marquier trong luận án về Sự hình thành và thể hiện ý kiến đánh giá văn học trong môi trường công nhân, đã cho thấy rằng "độc giả là công nhân hòan toàn không đánh giá tác phẩm theo tiêu chí thẩm mỹ về hình thức và phong cách thể hiện. Đối với họ, hình thức bao giờ cũng gắn liền với nội dung (…) Trong ngôn ngữ của người lao động, hình thức không bao giờ tách rời khỏi nội dung. Ví dụ khi một độc giả nói rằng "Cuốn sách này viết hay" thì điều đó có nghĩa rằng "Nội dung cuốn sách này hay", và khi anh ta nói "Câu này có tính thơ !" thì điều đó có nghĩa là ngôn ngữ tác phẩm phong phú hơn ngôn ngữ đời thường". Theo Robert Escarpit thì đó là "một phát hiện quan trọng bởi việc dạy văn (ở Pháp) theo kiểu truyền thống thường tách rời hình thức khỏi nội dung".

Chương trình nghiên cứu thực nghiệm mang tên "Giải thưởng của một nghìn độc giả" (Prix des mille lecteurs) cho phép hiểu rõ hơn mục đích nghiên cứu cũng như phương pháp làm việc của các nhà nghiên cứu trường phái Bordeaux. Trong nhiều năm nhóm nghiên cứu của Robert Escarpit đã tổ chức giải thưởng này ở thành phố Bordeaux để tìm hiểu quá trình đọc và tiếp nhận của độc giả là quần chúng lao động. Một hội đồng chấm giải bao gồm đại diện độc giả là công nhân viên chức được thành lập. Mục đích của giải thưởng này không phải là trao giải nhất nhì và tính toán số lượng sách bán được hay số độc giả của một nhà văn, mà vấn đề ở đây là tạo điều kiện để độc giả bình thường, người độc giả thường không có tiếng nói trong quá trình giao lưu văn học, có thể phát biểu ý kiến về các tác phẩm văn học. Cuộc thi năm 1967 được chính Robert Escarpit kể lại khá chi tiết trong một buổi thuyết trình, qua đó có thể thấy rõ ý tưởng của ông về vấn đề văn học và xã hội. Trong cuộc thi này, kết quả vòng chọn lần 1 là 12 cuốn tiểu thuyết, trong đó Robert Escarpit công nhận là có 10 tác phẩm có thể nói là rất hay theo chuẩn mực văn học, và trong 2 tiểu thuyết còn lại thì có một cuốn không hay (của cha cố Lelong viết về Trung Quốc) và một cuốn rất kém của Henri Castillou có nhan đề Intercontinental Petroleum. Cuốn tiểu thuyết "rẻ tiền" này có đề tài là giới đại tư bản quốc tế, triệu phú dầu hỏa, v.v. Kết quả không ngờ đối với các nhà phê bình văn học (nhưng đã được Robert Escarpit đoán trước) là hai cuốn tiểu thuyết "kém" đó lại được hội đồng trao giải. Robert Escarpit kể lại buổi trao giải như sau :

"Hai tác giả Lelong và Henri Castillou được mời lên sân khấu và trả lời nhiều câu hỏi của hội đồng độc giả là những người lao động. Sau khi máy tính đưa ra các con số và ý kiến của một số lượng khá lớn độc giả, hội đồng họp kín và tuyên bố ông Henri Castillou là người đoạt giải. Khi tôi nhường lời cho các nhà phê bình văn học được mời tới tham gia bàn tròn, trong đó có Max Pol Fouchet, Pierre-Henri Simon, Robert Kanters, Robert Sabatier, thì họ gần như nổi giận và nói rằng : "Đấy kết quả văn học đại chúng là thế đấy ! Kết quả của việc thử nghiệm lấy ý kiến quần chúng là thế đấy ! Rõ ràng là họ luôn chọn những cuốn sách tồi nhất ! ". Tất nhiên là ông Henri Castillou không hài lòng, mặc dù vừa được trao giải. Nhưng hội đồng trao giải có quyền trả lời và họ đã bình tình nghe các nhà phê bình và trả lời một cách thích đáng : "Chúng tôi có thể chấp nhận ý kiến cho rằng cuốn sách này là cuốn sách tồi nhất, và chúng tôi đồng ý với nhận định đó. Chỉ có điều là đó là cuốn sách duy nhất nói về vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Các tác phẩm khác nói về những vấn đề rất xa lạ với chúng tôi, về những môi trường xã hội mà chúng tôi không bao giờ có dịp làm quen, về những vấn để của những người giàu có không phải tự hỏi liệu ngày mai nhà máy Dassaut có bị đóng cửa hay không. Trong khi đó thì chúng tôi quan tâm tới vụ dầu hỏa kênh Suez, đó là một đề tài có ý nghĩa đối với chúng tôi. Cuốn tiểu thuyết của Henri Castillou không phải là một cuốn tiểu thuyết hay, nhưng là một cuốn tiểu thuyết có thể đọc được !

Đó là câu trả lời của hội đồng trao giải. Câu trả lời đó hòan toàn có cơ sở. Nó cho ta thấy rằng ngôn ngữ của độc giả đại chúng hòan toàn không giống với ngôn ngữ của độc giả "tầng lớp tinh túy". Hoặc nói khác đi là cách tư duy của hai nhóm độc giả khác nhau. Điều đó cũng cho thấy rằng cái mà độc giả đại chúng tìm trong văn học thứ cấp là cái họ có thể tìm được trong văn học, nếu văn học đáp ứng nhu cầu đó của họ"[8].

 

 

Xã hội học văn học với việc góp phần xây dựng hệ thống phản hồi

Đối với  Robert Escarpit, xã hội học văn học không chỉ đơn thuần là những nghiên cứu sách vở trừu tượng, mà còn có mục đích cụ thể là đưa ra những phương pháp tác động đến toàn bộ hệ thống văn học, trong đó có người đọc. Chính vì vậy ông cho rằng cần phải nghiên cứu để lập ra các bản đồ sách và độc giả, ví dụ như các bản đồ các điểm phân phối sách như hiệu sách và thư viện, bản đồ dân số độc giả, sơ đồ tâm lý xã hội của độc giả v.v. Theo ông các công cụ này sẽ cho phép phát hiện ra những địa điểm có thể cho phép thiết lập quá trình giao lưu văn học, cho phép đối thoại với người đọc, đặc biệt là độc giả đại chúng, và qua đó thiết lập dòng chảy văn học giữa tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản và độc giả. Ông cho rằng dòng chảy này cần được khơi thông và chảy theo hai chiều, chứ không phải luôn chảy theo một chiều duy nhất từ tác giả đến độc giả như thường gặp. Ông tin tưởng rằng quá trình giao lưu và đối thoại này là cơ sở cho một nền văn học có thể luôn vận động và phát triển đồng hành với xã hội bản thân nó cũng luôn trong quá trình biến đổi.

Để đạt được kết quả đó, nhà nghiên cứu cần phải hiểu được ngôn ngữ và hành vi của độc giả ở các giai tầng xã hội khác nhau, trên cơ sơ các nghiên cứu thực địa đã kể trên. Nhưng nhà nghiên cứu cần phải tiếp tục đi xa hơn, có nghĩa là tìm hiểu hệ thống phản hồi và các phương pháp cho phép độc giả, đặc biệt là độc giả đại chúng, có điều kiện và khả năng phát biểu ý kiến và nhận định về văn học của mình. Robert Escarpit nói về dự án xây dựng hệ thống phản hồi như sau :

"Nếu ở Pháp chúng ta có thể xây dựng một hệ thống các địa điểm văn hóa, các câu lạc bộ đọc sách, và nếu hệ thống đó phát triển tốt và áp dụng những phương pháp đã được nghiên cứu một cách khoa học để thực hiện hoạt động đọc xã hội (animation – lecture) khác với các hình thức vẫn tồn tại cho tới nay, có nghĩa là cố gắng làm cho độc giả học được cách giải thích một cuốn sách hay, nếu chúng ta có những phương pháp tốt (không chỉ được nghiên cứu ở Bordeaux mà còn ở nhiều nơi khác), nếu chúng ta đạt được kết quả là lấy được ý kiến về văn học của người độc giả trước đây vốn im lặng đó, thì lúc đó chúng ta sẽ thành công, có nghĩa là chúng ta đã vượt qua được một thử thách lớn, và chúng ta sẽ đi xa hơn, nhằm đạt tới một hình thức mới của một nền văn học, một nền văn học đầy sức sống và của tất cả mọi thành viên trong xã hội"[9].

 Ý tưởng của Robert Escarpit và những nghiên cứu của trường phái Bordeaux có thể nói là đã được phần nào đưa vào thực tế. Ở Pháp, trong lĩnh vực xuất bản và phát hành, chính sách quốc gia cũng như chính sách các địa phương có thể nói là một trong những chính sách tiến bộ nhất trong các nước phương Tây. Các thư viện công cộng là những nơi cho phép độc giả đại chúng được tiếp xúc với văn học dưới nhiều hình thái đa dạng, từ văn học cổ điển cho đến văn học đương đại, từ văn học quốc gia cho đến các nền văn học trên thế giới, từ văn học dành cho các lứa tuổi đến sách và băng ghi âm dành cho những người khuyết tật, v.v. Nhiều hoạt động văn hóa về sách, ví dụ như Ngày hội sách (La Fête du Livre) hàng năm được tổ chức ở phần lớn các thành phố và địa phương, là những dịp tạo điều kiện cho độc giả được tiếp xúc với tác phẩm và tác giả, qua đó tham gia vào quá trình giao lưu văn học. 

 

[1] Bài phỏng vấn Robert Escarpit vào tháng 7 năm 1992 do Jean Deveze và Anne-Marie Laulan thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội khoa học thông tin và truyền thông Pháp (http://www.uni-bielefeld.de/lili/personen/rwolff/interview%20Escarpit.htm)

[2] BARKER, Ronald.E et ESCARPIT, Robert. La faim de lire. Paris : Unesco, 1973.

Tài liệu này được công bố trên trang web của Unesco :
http://unesdoc.unesco.org/images/0013/001376/137662fo.pdf

[3] Robert Escarpit tự dịch ra tiếng Pháp là "réinjection", nhưng thuật ngữ được sử dụng ngày nay trong khoa học truyền thông và thông tin là "retour".

[4] Robert Escarpit, « Lecture passive et lecture active », BBF, 1969, n° 9-10, p. 359-375

[5] Robert Escarpit, 1969, bài đã dẫn.

[6] Bài đã dẫn

[7] Bài đã dẫn

[8] Bài đã dẫn

[9] Bài đã dẫn


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529450

Hôm nay

2193

Hôm qua

2304

Tuần này

21723

Tháng này

216146

Tháng qua

0

Tất cả

114529450