Những góc nhìn Văn hoá

"Min" trong Truyền kỳ mạn lục giải âm

Trong các từ điển cổ và đây đó, rải rác trong phần chú giải một số văn bản Nôm – “min” thường được một số học giả xác định với 2 đặc trưng:

1.      Đó là một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít, tức là một yếu tố trực chỉ, có quy chiếu là chính bản thân người nói, chủ thể của hành động phát ngôn trong hoạt động tương tác liên nhân.
2.      Một đặc trưng quan trọng khác chế định cách dùng “min” là ở chỗ: “min” được sử dụng khi người nói có cương vị cao hơn so với người nghe, cái chủ thể thứ 2 tham gia vào hoạt động giao tiếp. Nói khác đi, người nói sử dụng “min” khi anh ta là người bậc trên nói với người nghe là người bậc dưới. Từ điển từ cổ của Vương Lộc giải thích “min” là: “từ người trên tự xưng khi nói với người dưới; ta, tao” (trang 109) .
 
Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes giải thích: “Min” = Tôi; người trên một chút nói với người dưới – [ 149], nhưng không cho ta một ví dụ nào. Tuy nhiên, cũng có tác giả như Nguyễn Quang Hồng khi chú giải “Truyền kì mạn lục giải âm” lại chỉ xác định “min” bằng một đặc trưng đại từ ngôi thứ nhất số ít – tôi. Chính đặc trưng thứ hai vừa được nhắc đến trên đây của “min” là nhân tố cần được xem xét kỹ hơn.
2.1. Nhân tố xã hội gắn với hành động đánh giá mối tương quan về cương vị của người nói và người nghe khi sử dụng đại từ nhân xưng nói riêng và các phương tiện hô gọi nói chung vốn là một trong những nhân tố hoạt động phổ biến ở khá nhiều ngôn ngữ, nhất là các ngôn ngữ trong cộng đồng văn hoá Á đông. Ngôn ngữ học đại cương xếp những biểu hiện của nó vào phạm vi cái gọi là chiều kính trọng [J. Lyons], hoặc coi đó là hình thức lịch sự , những nhân tố thuộc khung tình thái đánh giá [Wiezbrcka].
Việc xác định sự tồn tại hiện thực của những nhân tố ngữ dụng đi kèm đại từ nhân xưng chi phối cách dùng của nó ở bình diện lịch đại, thường gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, những nhân tố, những phân biệt có tính văn hoá – xã hội gắn với phạm vi chỉ xuất (ngôi, định vị không gian, thời gian…) khá đa dạng mà chiều kính trọng chỉ là một, và có thể vận động biến đổi từ ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác, từ trạng thái này sang trạng thái khác của cùng một ngôn ngữ. Song, việc tìm hiểu và xác định nhân tố như vậy trong phạm vi liên quan với lịch đại thường gặp nhiều khó khăn. Bởi vì bản thân hiện tượng đang xét chính là một nhân tố dụng học, mang tính ngầm ẩn cao và đã trượt hẳn ra ngoài phạm vi trực giác và kinh nghiệm ngôn ngữ trực tiếp, chỗ dựa quan trọng của chúng ta ở đây chính là phân tích các ngữ cảnh rộng để phát hiện ra những nhân tố thực sự quan yếu đối với hành động phát ngôn. Trong việc này, các văn bản văn xuôi chiếm một ưu thế đặc biệt.
Khảo sát sự hoạt động của “min” trong văn bản “Truyền kỳ mạn lục giải âm” cho thấy rằng, ít nhất ở thời kỳ mà văn bản này phản ánh, cái đặc trưng người  nói có địa vị cao hơn so với người nghe không nằm trong chiều dụng học bổ sung của “min”. Bởi vì, những ngữ cảnh ở đó người nói có cương vị xã hội thấp hơn người nghe khi tự xưng “min” không phải là trường hợp ngoại lệ, cá biệt.
 

Người nói
Người nghe
Trong buổi tiếp kiến đầu tiên
Quan sứ Tông Thốc
Hạng Vương
Vua Hạng Vũ nước Sở (trang 33)
Không thể tự đặt ở địa vị cao hơn, nói với người thấp hơn.
Thuật Sĩ vào nhà (tướng quân) xin ăn.
tướng quân triều đình, họ Lý (trang 364)
 
tiểu tăng đi xin ăn
Quan hành khiển nhược chân (trang 174)
 
Người Nhuận Chi – nho sinh
Quan Trịnh Quốc, họ Thân, thượng công triều đình (trang 310)
 

 
Phân tích các ngữ cảnh trên, ta thấy hàng loạt trường hợp, rõ ràng người nói không hề và không thể tự đặt mình ở cương vị cao hơn, nói với một người có cương vị thấp hơn: một vị quan đi sứ, dẫu thế nào, cũng không thể tự đặt mình cao hơn vua Hạng Vũ, và công nhiên khẳng định địa vị đó bằng một hình thái đại từ có đánh dấu (về phương diện đó). Một nho sinh còn chờ đi thi, chưa bước vào hàng quan lộ, rõ ràng không thể ở địa vị người trên, cao hơn một quan trụ quốc, thượng công triều đình. Một tiểu tăng ghé vào cửa nhà quan Hành khiển xin ăn cũng không thể tự đặt mình ở địa vị cao hơn người đối thoại, không thể là người trên nói với người dưới.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, “min” không phải là một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất hoàn toàn trung tính, được sử dụng tự do trong mọi bối cảnh. Đặc trưng thứ nhất chi phối cách dùng “min” theo chúng tôi, trong tất cả các ngữ cảnh thu thập được, đều cho thấy rằng khi sử dụng “min” giữa người nói và người nghe đều có một sự gián cách, không gần gũi giữa người nói và người nghe. Khoảng cách đó, hoặc là do họ là những người mới gặp nhau, họ có địa vị khác nhau, không thể xưng hô như giữa những người có quan hệ thân mật, gần gũi.
            Ngươi Trung ngộ nói với một người con gái đẹp mới gặp gỡ: “Min biết tiếng vậy xin ít thử đấy” [trang 73]
            Người Nhuận Chi, một nho sinh, nói với  quan trụ quốc, một người xét cả về địa vị xã hội (nho sinh/quan trụ quốc), lẫn hoàn cảnh cụ thể (Nhuận Chi mới đến ở nhờ nhà quan trụ quốc):  “Min lấy cớ ân ái trong lòng, đường xa lại đây làm khách...” [trang 310] v.v.
Cần lưu ý rằng, đặc trưng gián cách không trùng với đặc trưng người trên, người dưới. Khoảng cách ở đây thiên về sự gần gũi. Chẳng hạn, mẹ với con, bao hàm quan hệ thứ bậc, nhưng xét về đặc trưng khoảng cách có thể lựa chọn cách ứng xử gần gũi, không khách sáo, gián cách về tình cảm; những người mới gặp nhau, mặc dù ngang nhau về tuổi tác, thậm chí biết là ngang nhau về cương vị xã hội, thường cũng phải trải quan một giai đoạn nhất định để có thể giao tiếp với nhau một cách gần gũi, không gián cách.
Các ngữ cảnh trong Truyền kỳ mạn lục, trong đó “min” xuất hiện, đều là những ngữ cảnh vốn là những người xa lạ, mới gặp gỡ, giao tiếp với nhau hoặc vẫn còn ở giai đoạn đầu tiếp xúc, chưa đủ quen biết như những người có quan hệ gần gũi, sự gián cách do địa vị chỉ là một nhân tố có thể tham gia, nhưng không phải là bắt buộc.
Đương nhiên, sự gián cách, không gần gũi, có thể không chỉ là do đó là người xa lạ, là người vừa mới gặp gỡ tiếp xúc, nhưng đó là một trong những tình huống đủ điển hình.
Đặc trưng thứ hai qui định cách dùng “min” là tính chất tự ý thức về vị thế riêng của con người trong mối quan hệ với người khác. Sử dụng “min”, người nói muốn tự thể hiện anh ta, như một cá nhân có tư thế, có vị thế riêng, có tư cách cá nhân ít nhiều tích cực nào đó, và chờ đợi sự ứng xử, nhìn nhận của người khác một cách tương thích, chứ không thể cào bằng với những người hoàn toàn không có vị thế, tư cách riêng đó.
Cho nên, thường thấy “min” xuất hiện:
1-     Trong những lời giới thiệu tự khẳng định về tư cách cá nhân, tự nói về phẩm chất của mình (để đáp ứng thắc mắc của người đối thoại) khi xác lập thái độ ứng xử.
2-     Khi nêu những nhu cầu, sở nguyện hay ý kiến riêng và chờ đợi sự đáp ứng.
3-     Khi phản ứng lại những ứng xử quá thiếu tôn trọng, xem thường, tuỳ tiện của người khác, vượt ra ngoài cái vị thế hay tư cách cá nhân mà người ta có thể chờ đợi. Ví dụ:
-Nay “min” phúc ơn rước tiếp, xin được bày lời ngay, chớ dấu dường nào.
-[người con gái] bỏ cầm mà dậy, nói rằng, muốn rửa tấm lòng nhẹn luống mỏi mượm tay gảy. Chỉn cách điệu cao, ý tứ xa. Đời chẳng có kẻ biết tiếng ... chẳng bằng lại về vậy.
Người trong Ngộ rảo đến trước tày rằng, ““min” biết tiếng vậy, xin ít thử đấy”...
-“min” vốn lấy chưng chước xem tướng người rệt danh. Xin xem xét thảy thảy.
-ngươi làm sao xa đến cõi ta [...]. Ngươi Trương rằng min là tôi cung phụng đương triều [vậy]. Lấy ngươi xa noi, nhọc vâng chưng mệnh cung tinh. Xe loan ở chốn ấy, xin ít đoái lại.
-người thuật sĩ ấy rằng: “lợi làm chẳng chi bằng lời ngay, đã tật chẳng chi bằng thuốc đắng. Chỉn ngươi hay dong chịu, khiến “min” được hết lời...”
Chúng tôi cho rằng, cái đặc tính nêu trên của “min” (tức đặc tính thể hiện mình như một cá nhân có tư thế riêng ít nhiều tích cực và chờ đợi được ứng xử thích hợp) vẫn còn được bảo lưu trong những thời kỳ muộn hơn. Chẳng hạn, trong truyện Kiều, khi Hoạn Thư nói với Kiều:
                        “Thôi, đà cướp mất chồng min đi rồi!”
Thì cái quan trọng ở đây không phải là quan hệ kẻ bề trên với kẻ bề dưới mà là cái tôi, tự ý thức về cái vị thế, tư thế riêng của mình trong những sự việc liên đới, đã bị người khác vi phạm. Mặt khác, quan hệ giữa người nói và người nghe ở đây đương nhiên là một quan hệ gián cách, không gần gũi. Kiều không chỉ là kẻ dưới đối với bà chủ mà là kẻ dưới mới mua về.
                                                         Tài liệu tham khảo
1.Từ điển Việt-Bồ -La của A. de Rhodes (Roma 1651). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb KHXH 1991.
2.Vương Lộc : Từ điển từ cổ. Nxb Đà Nẵng, 2002.
3.Truyền kì mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên âm và chú giải. Nxb KHXH, 2001.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529450

Hôm nay

2193

Hôm qua

2304

Tuần này

21723

Tháng này

216146

Tháng qua

0

Tất cả

114529450