Những góc nhìn Văn hoá
Cốt truyện của tiểu thuyết Trung Quốc trong tiểu thuyết bản địa Triều Tiên
Vị trí địa lý và đặc điểm phát triển lịch sử Triều Tiên trở thành sợi dây kết nối xứ sở này với vùng văn hóa Viễn Đông. Đầu công nguyên, chữ Hán được đưa đến và văn chương Trung Quốc bắt đầu lưu truyền ở Triều Tiên (thoạt đầu là kinh điển Nho giáo, kinh Phật và thơ ca Trung Quốc). Thời điểm này văn chương Triều Tiên cũng đã hiện hữu và người Triều Tiên bắt đầu dùng chữ Hán làm ký tự biểu âm khi dịch tác phẩm chữ Hán sang ngôn ngữ dân tộc mình. Chúng ta biết tên dịch giả đầu tiên của văn chương chữ Hán sang tiếng Triều Tiên là Sol Ch'ong (khoảng thế kỷ 7), người "... đã đọc Cửu kinh bằng ngôn ngữ bản địa"1. Hoạt động dịch thuật càng gia tăng nhất là sau khi chữ viết Triều Tiên ra đời vào năm 1446. Không chỉ tác phẩm Phật giáo và Nho giáo mà cả thơ ca chữ Hán cũng được dịch và bình chú bằng ngôn ngữ Triều Tiên. Chẳng hạn, năm 1481 Đỗ Phủ thi tập chú đã được ấn hành tại Triều Tiên.
Bên cạnh tản văn và thơ ca chữ Hán "cao nhã", tiểu thuyết chữ Hán cũng được lưu truyền rộng rãi ở Triều Tiên. Loại văn chương này - tiểu thuyết (tiếng Triều Tiên là sosol) - bị xã hội cổ truyền Viễn Đông coi là "hạ lưu". Nhưng đến thế kỷ 17-18 tiểu thuyết lại lưu truyền rộng rãi ở Triều Tiên, hiện tượng này liên hệ chặt chẽ với sự quan tâm đến đời sống riêng tư của một con người và địa vị của anh ta trong xã hội Triều Tiên đang phát triển khi đó. Thoạt đầu mối quan tâm này được thỏa mãn bởi những chuyện kể ngắn và mang tính truyền kỳ của Trung Quốc. Kim T'aejun cho rằng Tam quốc chí, Thủy hử truyện và Tây du ký là những tác phẩm được ưa chuộng nhất ở Triều Tiên2. Các tác phẩm này không chỉ được lưu truyền bằng nguyên bản chữ Hán mà cả bằng bản dịch tiếng Triều Tiên. Những bản dịch kiểu này là các bản chép tay nhiều tập có thể chỉ có rất ít bản sao. W. E. Skillend, điều tra viên văn học Triều Tiên người Anh, trong công trình Khảo sát tiểu thuyết thông tục Triều Tiên theo phong cách truyền thống của mình đã dẫn những văn bản duy nhất có trong Thư quán Cố cung3; ngoài ra ông còn dẫn các tác giả đã nói về những văn bản như thế4. Có thể những bản dịch đó được làm theo đơn đặt hàng đặc biệt. Ví dụ, Skille nd cho chúng ta biết về Yi Chongt'ae (khoảng thế kỷ 19), người đã dịch tiểu thuyết Trung Quốc theo đơn đặt hàng của triều đình5. Đáng tiếc là tôi không có trong tay một tác phẩm nào trong số này để sử dụng.
Những bản dịch từng phần tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Triều Tiên cũng được lưu truyền rộng rãi ở Triều Tiên. Theo thông lệ, những tác phẩm này đều được in theo lối khắc gỗ, thành một hai hoặc ba quyển, trên giấy mỏng rẻ tiền và đóng bìa bằng loại giấy dày. Tên sách thường là tên nhân vật chính và thể loại được thể hiện bằng chữ chon (truyện) viết ngay sau đó, nghĩa là "tiểu sử". Tôi coi những tác phẩm loại này là tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên6.
Sự xuất hiện của tiểu thuyết quốc ngữ liên quan mật thiết đến sự phát triển của văn xuôi bằng tiếng Triều Tiên. Những tiểu thuyết đang bàn đến rất phổ biến trong tầng lớp ít học của xã hội. Với hình thức bình dân, chúng thể hiện một cách giản dị những ý tưởng về sự điều hòa xã hội và khẳng định một con người nghèo khổ và khiêm nhường có thể tìm cho mình một vị trí cao trên nấc thang xã hội nhờ vào "thủ đoạn chính đính" và thiên tư của chính mình. Thế nhưng quan niệm "thủ đoạn chính đính" này lại liên quan mật thiết với những quan niệm Nho giáo về thiện và ác. Quan niệm này được làm rõ nhờ một phương pháp tương tự như trong chuyện kể dân gian: nhân vật có phẩm hạnh và vô tội nhưng không may bị hại, song rốt cục trời xanh có mắt: phẩm hạnh của anh ta được đền bù và kẻ ác bị trừng phạt. Phần lớn những tiểu thuyết này miêu tả chiến công đem lại vinh quang cho nhân vật (hoặc, nữ nhân vật) như một kỳ tích võ nghệ. "... tác phẩm viết cho những người bình thường và dường như cũng do những người bình thường chuộng chinh chiến và phẩm chất anh hùng viết ra"7. Hiện nay người ta đã biết đến khoảng 50 bộ tiểu thuyết quốc ngữ (chon). Một số trong đó vay mượn tình tiết từ tác phẩm Trung Hoa. Trong một bài viết nhỏ không thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc hấp thụ tiểu thuyết Trung Quốc ở Triều Tiên. Sự phức tạp trước hết ở chỗ tiểu thuyết thông tục Trung Quốc có nhiều bản, do đó rất khó xác định bản nào đã được các tác giả tiểu thuyết Triều Tiên chọn dùng. Tương tự, mỗi tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên cũng lưu hành với một vài dị bản mà không phải tất cả đều được các học giả biết đến. Do vậy, tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này và làm rõ cách nhìn của mình bằng các dẫn chứng cụ thể tác phẩm Triều Tiên.
Điều cần nói là khái niệm "dịch" ở đây chỉ có thể dùng đến một cách dè dặt, bởi vì trong truyền thống Triều Tiên, căn bản không có ý niệm về sự trung thực với nguyên tác. Mỗi bộ tiểu thuyết đều được xem là một sáng tạo chung, có thể thay đổi tùy thuộc vào thị hiếu của dịch giả8.
Trọng tâm của bài viết này là nghiên cứu tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên (chon : truyện) sáng tác theo cốt truyện Trung Hoa; đây là những bản khắc gỗ thế kỷ 19, lưu giữ tại Phòng văn bản thuộc Viện Đông phương học Leningrad. Tôi sẽ đề cập đến 4 tác phẩm, hy vọng có thể giúp vào việc lý giải loại tiểu thuyết Trung Hoa nào phổ biến ở Triều Tiên, hình thức văn chương Triều Tiên nào được chọn dùng để truyền bá chúng. Những tác phẩm được đưa ra bàn ở đây là:
1. Sol In'gwui chon: Truyện Sol In'gwui (Tiết Nhân Quý truyện)
2. Tang T'aejong chon (Đường Thái Tông truyện)
3. Yang Sanbaek chon: Truyện Yang Sanbaek (Lương Sơn Bá truyện)
4. Chok Songui chon: Truyện Chok Songui (Địch Thành Nghĩa truyện)
1. Sol In'gwi chon
Phòng văn bản thuộcViện Đông phương học Leningrad có hai bản khắc gỗ tác phẩm này: Ký hiệu B-2, 5 quyển, 30 tờ, khổ 22 x 17,5cm, mỗi trang có 15 dòng, mỗi dòng có 26 ký tự; và C-52, có 40 tờ, khổ 24,5 x 19, trung bình mỗi trang có 14 dòng, mỗi dòng có 26 ký tự. Hai bản nội dung rất giống nhau, nhưng bản thứ hai kể chi tiết hơn.
Kim Dong Uk, một nhà khảo cứu văn chương Triều Tiên, cho rằng những tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên mang tên Sol In'gwui chon kể lại hai tiểu thuyết Trung Quốc: Tiết gia tướng diễn nghĩa và Chinh Đông Tiết Nhân Quý truyện9.
Theo Kim T'aejun, tiểu thuyết Trung Quốc về tướng Tiết Nhân Quý rất phổ biến ở Triều Tiên. Nhiều tiểu thuyết quốc ngữ miêu tả anh hùng chiến trận đã tiếp thu sâu sắc ảnh hưởng của câu chuyện này. Tiểu thuyết về Tiết Nhân Quý cũng được dịch sang tiếng Triều Tiên. Chẳng hạn, Kim T'aejun nhắc đến một tác phẩm Triều Tiên có nhan đề "Sol In'gwi viên tướng mặc áo bào trắng" (Bạch bào tiểu tướng Tiết Nhân Quý truyện), và nói thêm rằng tác phẩm rút gọn xuống còn 2 đến 3 quyển so với nguyên tác10. Song tôi không thể tìm thấy một tác phẩm nào có tên như vậy trong các lần điều tra và trong các danh mục tác phẩm văn chương Triều Tiên. Tôi đã so sánh tiểu thuyết Triều Tiên này với một trong những tiểu thuyết Trung Quốc về tướng Tiết là Chinh Đông Tiết Nhân Quý truyện11. Kết quả nghiên cứu này được tóm tắt như sau:
Trước hết, hai tác phẩm này có độ dài khác nhau: tiểu thuyết Triều Tiên ngắn hơn bản Trung Quốc.
Thêm nữa, trong cốt truyện Trung Quốc có 11 điểm nút, hay tình tiết: 1-Giới thiệu nhân vật chính; 2-Giấc mộng của hoàng đế; 3-Nhân vật bị đuổi ra khỏi nhà của mình; 4-Anh ta được một viên quan cho vào sống trong tư gia, rồi làm quen với con gái ông ta; 5-Cha cô gái đuổi cô và Tiết Nhân Quý ra khỏi nhà; 6-Tiết Nhân Quý gặp bạn cũ trên núi; 7-Anh ta cùng họ tòng binh; 8-Viên nịnh thần ly gián anh ta và hoàng đế; 9-Nhân vật nhận được báu vật từ thần đất; 10-Nhân vật cứu được hoàng đế; 11-Hoàng đế ban quan tước và tài vật cho nhân vật.
Tiểu thuyết Triều Tiên giữ lại tất cả những tình tiết này nhưng thay đổi trật tự sự kiện. Do vậy trong tác phẩm Trung Hoa điểm khởi đầu của mưu đồ là giấc mộng của hoàng đế, trong đó ông bị viên tướng địch tấn công nhưng một chiến binh mặc áo bào trắng đã cứu sống ông. Những sự việc tiếp theo đưa nhân vật đến gặp hoàng đế và giải cứu hoàng đế. Tiểu thuyết Triều Tiên đặt giấc mơ của hoàng đế vào tình tiết thứ năm, sau khi Sol In'gwi bị đuổi khỏi nhà, nói khác đi lúc tình tiết đã được khai triển.
Bản Triều Tiên bắt đầu bằng một xung đột: người cha không ưa niềm đam mê võ nghệ của con trai mình do đó đau buồn mà chết; tiếp đó ngôi nhà của gia đình bị thiêu cháy và người mẹ cũng qua đời. Kết quả là Sol In'gwi trở thành đứa con côi khất thực qua ngày (trong bản Trung Quốc nhân vật bị mất tài sản là do lỗi của chính anh ta).
Kẻ mồ côi khất thực có phẩm cách thiên phú là loại nhân vật điển hình trong tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên. Quá trình nhân vật từ địa vị một đứa con được yêu chiều trong một gia đình quyền quý trở thành một đứa con côi khất thực diễn ra thật nhanh chóng: số trang miêu tả chỉ chiếm một phần ba mươi. Điều cần nhớ là sự vênh lệch giữa phẩm hạnh thiên phú hơn người của nhân vật với địa vị xã hội thấp hèn của anh ta là nhân tố cần thiết cho cốt truyện tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên phát triển. Do đó tình tiết được tháo gỡ theo cách đến cuối tác phẩm sự vênh lệch này bị triệt tiêu (nghĩa là nhân vật được làm quan cao) và sự hài hòa giữa phẩm hạnh và địa vị của nhân vật đã hiện hữu. Như vậy các điểm nút của cốt truyện Trung Hoa đã bị thay đổi trong tiểu thuyết Triều Tiên do sự quy định của cấu trúc tiểu thuyết Triều Tiên12.
Sự khác biệt chủ yếu của hai tác phẩm nằm ở tính cách nhân vật chính. Bản Trung Quốc chú ý đến năng lực lập kỳ tích của anh ta, còn tiểu thuyết Triều Tiên tập trung vào những phẩm chất đạo đức. Do vậy Tiết Nhân Quý của Trung Quốc là một tráng sĩ có sức khỏe khác thường và sức ăn vô địch. Chiến công dẫn anh đến với quân đội là hành động giết chết một con hổ. Sol In'gwi của Triều Tiên thuần hậu và nhẫn nại; tác phẩm không nói gì đến sức khỏe và sức ăn của anh ta, và 7 dũng sĩ đã đưa anh ta đến với quân đội không phải là thợ săn mà là những tiều phu. Có lẽ chính vì chú ý đến bản chất bên trong của nhân vật chứ không phải đến những phẩm chất bề ngoài, như sức khỏe mà trong tiểu thuyết xuất hiện những đấng thần linh trợ giúp - những nhân vật vắng mặt trong tác phẩm Trung Quốc. Những đấng trợ giúp này hiện ra bất kỳ lúc nào khi nhân vật gặp nguy hiểm: Cổ nhân và tiên nữ từ những đám mây bay xuống hoặc bất ngờ xuất hiện.
"Thiên thần" là những nhân vật đặc thù cho tiểu thuyết quốc ngữ13. Sự có mặt của họ trong cốt truyện khiến cho nhân vật thụ động trong hành động; điều này tạo nên sự khác biệt quan trọng giữa tác phẩm Triều Tiên và Trung Quốc.
Cũng có những sự không nhất quán về chi tiết. Ví dụ, có thể so sánh hai cách miêu tả chiến công chính, nghĩa là giải cứu hoàng đế, như sau: Hồi 29 của bản Trung Quốc miêu tả cuộc gặp giữa Đường Thái Tông và viên tướng địch, tình cờ diễn ra trong buổi đi săn. Hoàng đế tìm cách chạy trốn nhưng ngựa của ông bị sa vào đám sình lầy ven sông. Tướng địch ép hoàng đế viết biểu xin hàng bằng máu của mình. Đúng lúc này Tiết Nhân Quý xuất hiện, đánh đuổi kẻ thù và giúp hoàng đế thoát khỏi đám sình lầy. Đoạn này trong tiểu thuyết Triều Tiên được miêu tả rất khác. Hoàng đế hạ trại dưới chân núi. Lều của ông bị tướng địch tấn công. Một trong những cận thần là Kyongdok bắt đầu giao chiến với hắn nhưng bất phân thắng bại. Quân Đường bắt đầu tan vỡ, không ai hộ giá hoàng đế. Viên tướng địch phát hiện ra tình thế này đã xông thẳng đến chỗ ông. Thái Tông định bỏ chạy nhưng lại bị dòng sông chặn đứng. Lúc này tướng địch, Hap Somun, bắt được ông ta và buộc ông ta xuống ngựa. Hắn yêu cầu hoàng đế phải viết biểu cầu hàng bằng máu của mình, nhưng Sol In'gwi xuất hiện kịp thời, đánh đuổi kẻ thù và giúp hoàng đế thoát hiểm. Sau đó anh ta lại chiến thắng trong cuộc giao đấu với tướng địch Hap Somun và dâng lên đấng quân vương thủ cấp của kẻ thù14.
Như vậy sự khác biệt chính của hai tác phẩm văn chương liên quan đến những biến thái về cốt truyện và tính cách nhân vật. Những biến thái này biến nguyên tác Trung Quốc thành một tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên.
2. Tang T'aejong chon
Bản khắc gỗ, ký hiệu B-2, gồm 6 quyển, 26 tờ, khổ 25x18 cm, mỗi trang 14 dòng, mỗi dòng 25 ký tự.
Kim T’aejun cho rằng truyện này gần với biến văn Trung Quốc Đường Thái Tông động minh ký, một trong những văn bản phát hiện tại Đôn Hoàng15. Bản biến văn miêu tả chuyến đi xuống âm phủ của hoàng đế nhà Đường. Tiểu thuyết Triều Tiên kể nhiều sự kiện hơn biến văn: tình tiết du địa phủ của Đường Thái Tông là phần chủ yếu trong tiểu thuyết, chiếm tới 9 trang, nhưng chỉ là một trong số tình tiết được kể. Do vậy chúng tôi không nghĩ rằng tiểu thuyết Triều Tiên bắt nguồn từ biến văn.
Tiểu thuyết này có 6 tình tiết liên quan đến nhiều người khác nhau: 1-Tiều phu và ngư ông; 2-Long vương trên sông Kinh và người thầy bói; 3-Đường Thái Tông; 4-Yi Ch’unyong (Lý Xuân Anh) và vợ; 5-Cặp vợ chồng tốt bụng; 6-Pháp sư Tam Tạng. Tất cả những con người và tình tiết này đều phát triển xung quanh nhân vật trung tâm là Đường Thái Tông, cốt lõi của tiểu thuyết là chuyện về cái chết của hoàng đế và sau đó là cuộc phiêu lưu của ông ta đến xứ sở do Yamaraja (Diêm vương) cai quản.
Trang đầu tiên tiểu thuyết giới thiệu nhân vật và miêu tả sự thịnh vượng của xứ sở này dưới thời Đường Thái Tông. Tiếp đó là những sự việc xảy ra ở tiết đoạn đầu tiên: ngư, tiều tranh luận về thú vui sơn hà. Tiếp đó chủ đề chuyển sang chuyện về Long vương trên sông Kinh muốn trừng phạt người thầy bói; kết cục Long vương vi phạm luật trời và đến lượt nó lại bị trừng phạt; Long vương khiếp sợ cầu xin Thái Tông che chở. Đến đây truyện chuyển sang chủ đề trung tâm: hoàng đế không thể bảo vệ được Long vương, kết quả là bị hồn ma của Long vương tra tấn đến chết. Linh hồn hoàng đế xuống âm phủ nhưng nhờ sự giúp đỡ của quan tòa địa phủ nên được trở lại dương gian. Tiết đoạn 4 trong tiểu thuyết được dành nói về gia đình Yi Ch’unyong. Hoàng đế gửi một quả dưa hấu xuống âm phủ làm quà, do vậy cần phải tìm được một người sắp chết để thực hiện sứ mệnh đó. Yi Ch’unyong là một người như vậy. Vợ anh ta đã mất nên anh ta đang tìm cách để được chết theo vì không muốn sống thiếu nàng. Xúc động trước tình cảm chân thành ấy, Yamaraja đưa Yi và vợ anh ta trở lại dương thế. Người vợ do chết đã lâu nên linh hồn nàng phải mượn thân xác công chúa (em gái hoàng đế) vừa qua đời mới trở lại dương gian được.
Tiết đoạn thứ 5 giới thiệu một cặp vợ chồng tốt bụng có tên là Chang (Trương sinh) và Sang (Thường thị). Trước đó, lúc ở dưới âm phủ, hoàng đế đã vay của họ một món tiền và bây giờ phái một viên quan đi trả nợ, nhưng Chang và Sang đã từ chối nhận lại món tiền đó. Hoàng đế dùng số tiền ấy xây một ngôi chùa. Việc xây cất chùa đưa độc giả đến tình tiết cuối cùng: chuyến đi của nhà sư Samjang (Huyền Trang), tức Tripitaka, đến Tây Thiên lấy kinh.
Cốt truyện của tiểu thuyết Triều Tiên có thể tìm thấy dấu vết trong Tây du ký. Việc so sánh tiểu thuyết Triều Tiên với tiểu thuyết Trung Quốc dẫn tôi tới kết luận chắc chắn rằng Tang T’aejong chon là bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc (bắt đầu từ chương 10). Tiểu thuyết Triều Tiên giữ nguyên những tình tiết có trong các chương này. Tuy nhiên khi tiểu thuyết này được dịch sang tiếng Triều Tiên thì văn bản của nó lại bị tước lược. Trước hết là Tây du ký có nhiều bài thơ, còn tác phẩm Triều Tiên lại không hề có. Hai là việc miêu tả chuyến hành hương của nhà sư đến Ấn Độ và chuyến trở về của ông ta bị giảm xuống còn ở 3 trang cuối cùng của tiểu thuyết Triều Tiên, trong khi ở tiểu thuyết Trung Quốc nó chiếm 89 chương (từ chương 12 đến chương 100).
Nguyên bản chữ Hán không chỉ được rút gọn mà còn được cải biến. Ví dụ chuyện về gia đình Lưu Toàn (trong tiểu thuyết Triều Tiên nhân vật tên là Yi Ch’unyong) trong tiểu thuyết Trung Quốc bắt đầu bằng sự xuất hiện của Lưu Toàn, người tình nguyện làm sứ giả cho hoàng đế. Sau đó những chuyện liên quan mới bắt đầu. Ở tiểu thuyết Triều Tiên, mở đầu là việc giới thiệu nhân vật theo “thông lệ”: “Bấy giờ ở một nơi cách kinh đô chừng 30 dặm có một người họ Yi tên Ch’unyong, sinh ra trong một gia đình danh tiếng nhưng không làm quan lấy nghề nông làm sinh kế16. Tiểu thuyết Trung Quốc còn kể thêm rằng vợ Lưu phải tự tử vì bị chồng buộc tội là vô hạnh. Tác phẩm Triều Tiên không nói về phẩm hạnh của người vợ mà chỉ đơn giản kể rằng cô ta đột ngột qua đời. Phần kết truyện cũng bị thay đổi. Theo tiểu thuyết Trung Quốc, vợ chồng Lưu sau khi sống lại đã trở về nhà. Theo tiểu thuyết Triều Tiên, hoàng đế lưu họ lại kinh thành, ban cho họ lâu đài và tước vị cao. Kết thúc như vậy là tiêu biểu cho tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên, nơi mà các nhân vật nam nữ, sau khi trải qua ly loạn, đều đoàn tụ, quan cao lộc hậu và kết thúc cuộc đời trong viên mãn.
Để kết luận, tôi cho rằng cốt truyện của Tang T’aejong chon vay mượn từ tiểu thuyết Trung Quốc Tây du ký. Một phần của tiểu thuyết này không chỉ được dịch, hay nói chính xác hơn, được kể lại bằng tiếng Triều Tiên mà còn được tái tạo và xây dựng theo khuôn mẫu của tiểu thuyết Triều Tiên bản địa.
3. Yang Sanbaek chon
Bản khắc gỗ, ký hiệu B-2, gồm 24 tờ, khổ 20x17,5 cm, mỗi trang 14 dòng, mỗi dòng khoảng 23 ký tự. Cốt truyện của tiểu thuyết này bắt nguồn từ câu chuyện Trung Quốc nổi tiếng về cặp tình nhân Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài. Ở Trung Quốc, có rất nhiều chuyện kể dân gian, tiểu thuyết và kịch về cặp tình nhân này. Do đó rất khó nói tác phẩm nào của Trung Quốc làm nền cho tiểu thuyết Triều Tiên. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải so sánh tiểu thuyết Triều Tiên với các biến thể của cốt truyện Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài bằng chữ Hán. Dưới đây là một thử nghiệm tìm hiểu xem cốt truyện Trung Quốc đã được chuyển hóa vào tiểu thuyết Triều Tiên như thế nào.
Yang Sanbaek chon kể về một nhân vật có tên là Yang Sanbaek. Truyện mở đầu theo lối truyền thống: nhân vật đầu thai làm con một cặp vợ chồng đã lâu không có con. Tiểu thuyết chia thành hai phần. Phần đầu miêu tả tình yêu bất hạnh và sự tuẫn tiết của nhân vật nam nữ, viết dựa theo cốt truyện Trung Quốc. Phần hai nói về sự hoàn sinh nhân thế của cặp tình nhân này. Theo đó cặp tình nhân này cưới nhau, sau đó Yang Sanbaek bắt đầu làm quan, tòng chinh và tiếng tăm lừng lẫy. Tôi cho rằng phần hai ra đời là kết quả của sự tái sáng tạo câu chuyện Trung Hoa theo theo tập quán của tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên. Trong tiểu thuyết cần đến sự hài hòa tình huống để nhân vật cùng được phần thưởng ở cõi người. Đây là lý do giải thích vì sao cặp tình nhân đã chết được xếp đặt để trở về thế giới này và hưởng niềm hạnh phúc xứng đáng. Song việc cặp tình nhân đoàn tụ chỉ là một phần của quà tặng. Điển hình của đại đa số tiểu thuyết Triều Tiên là hôn nhân như một phần thưởng gộp thêm vào kết cục viên mãn mà nhân vật nam được hưởng. Vì thế, sau hôn lễ, Yang Sanbaek thi đậu và được vinh hiển.
Có thể nói rằng tiểu thuyết Triều Tiên đã thay đổi cốt truyện Trung Hoa theo cách của riêng mình và do đó Yang Sanbaek chon có thể được xem như một sáng tạo độc đáo17.
4. Chok Songui
Bản khắc gỗ, ký hiệu B-2, gồm 2 quyển, 25 tờ, khổ 21x17,5 cm, mỗi trang có 14 dòng, mỗi dòng khoảng 23 ký tự.
Đây là câu chuyện về hai anh em, người em tốt bụng còn người anh lại độc ác. Tiểu thuyết miêu tả chuyến vượt biển mạo hiểm của người em tìm ngọc trai để cứu mẹ. Skillend cho rằng: “Nhân vật có thể không phải là người Trung Quốc, và điều này có thể lý giải những biến dị về văn tự lấy làm tên nhân vật, một cái tên không thể chuyển chính xác sang chữ Hán”18. Giả thiết này hoàn toàn gần với thực tế. Nguồn gốc của cốt truyện về hai anh em có thể tìm thấy trong Báo ân kinh Phật giáo (xem quyển 4 chương 6). Cốt truyện lưu truyền trong văn chương Trung Quốc này chủ yếu dùng trong các tác phẩm thuộc thể biến văn; chẳng hạn nó xuất hiện trong Báo ân biến văn19. Rất khó xác định truyện về hai anh em đến với tiểu thuyết quốc ngữ Triều Tiên bằng cách nào. Có lẽ nó đến dưới hình thức biến văn và được các nhà sư du thuyết kể theo lối truyền khẩu; hoặc nó có thể đến với văn học đại chúng Triều Tiên từ những bài thuyết giảng bằng tiếng Triều Tiên tác phẩm Báo ân kinh đã nhắc đến ở trên. Để sang một bên vấn đề phức tạp này, tôi sẽ tự giới hạn mình trong việc so sánh tiểu thuyết Triều Tiên với biến văn Trung Quốc (biến văn không làm thay đổi nội dung jàtaka (kinh Phật giáo)20.
Mở đầu biến văn hai anh em là con trai một đấng quân vương, được giới thiệu với độc giả, có tên là Thiện Hữu và Ác Hữu (tiểu thuyết triều Tiên đặt tên nhân vật là Songui và Hyangui21). Một trong hai anh em bắt đầu đi tìm ngọc quý. Chàng tìm được ngọc nhưng trên đường về lại gặp người anh em của mình, bị người này làm cho mù mắt và cướp đi viên ngọc. Sau một loạt những phiêu lưu, chàng hoàng tử mù lạc đến một xứ sở xa lạ, cuối cùng là ở giữa hoàng cung. Chàng gặp công chúa và nàng đã đem lòng yêu chàng. Người mẹ ở quê nhà đau buồn vì vắng con đã sai một con ngỗng đem thư đi tìm chàng. Nhân vật nhận được thư và sáng mắt trở lại. Nhà vua gả con gái cho chàng và đôi trai gái trở về đất nước chàng.
Tiểu thuyết Triều Tiên đi chệch con đường của tác phẩm Phật giáo bằng cách đem lại cho các nhân vật và sự kiện màu sắc của chuyện kể dân gian. Ví dụ, trong jàtaka và biến văn, người anh tốt bụng còn người em độc ác. Ngược lại, trong tiểu thuyết, người em có đức hạnh, như thường thấy trong các chuyện kể dân gian. Rồi ở cả hai tác phẩm Phật giáo, nhân vật bắt đầu một chuyến đi nguy hiểm để cứu dân chúng thoát khỏi nghèo đói; trong tiểu thuyết, chàng muốn cứu người mẹ bị bệnh, điển hình cho các chuyện kể dân gian. Thêm nữa, kết thúc ở tác phẩm Trung Quốc và tiểu thuyết Triều Tiên có chỗ khác nhau. Theo jàtaka và biến văn, Thiện Hữu tha thứ cho người anh em độc ác của mình, hành vi của chàng biểu hiện quan niệm nhà Phật là đem lòng từ bi hỷ xả đối đãi kẻ thù địch. Theo Chok Songui chon, người em tốt bụng giao chiến với người anh độc ác và đánh bại hắn. Lối sắp xếp của tiểu thuyết Triều Tiên được tháo gỡ theo cùng một cách như chuyện kể dân gian, nơi mà cuối cùng thiện thắng ác.
Kết luận
Trên đây là những cố gắng phác họa một số tiểu thuyết Triều Tiên sử dụng cốt truyện vay mượn từ tiểu thuyết Trung Quốc. Ở đây tôi chỉ đề cập vấn đề thuộc nội dung tác phẩm văn chương, tìm cách xác định những yếu tố nào của cốt truyện Trung Quốc được giữ lại trong tiểu thuyết Triều Tiên, yếu tố nào bị thay đổi và cái gì được người Triều Tiên thêm vào. Phải nói rằng người ta cũng có thể quan sát được hiện tượng như thế trong các tác phẩm văn học bản địa viết bằng chữ hanmun (Hán văn - chữ Hán viết theo cách của người Triều Tiên). Chẳng hạn, Cửu vân mộng của Kim Manjung (1637-1692) được lưu truyền rộng rãi như một tác phẩm quốc ngữ trong dân gian22. Tiểu thuyết này không chỉ bị rút gọn lại mà còn được chuyển từ một tác phẩm có tính triết lý sâu sắc thành một truyện đọc hài hước.
Những trường hợp này cho phép tôi đưa ra những kết luận sơ bộ dưới đây: 1-Các dịch giả Triều Tiên không câu nệ việc phải trung thực với nguyên tác; 2-Tác phẩm Trung Quốc bị thay đổi và mang hình thức tiểu thuyết quốc ngữ theo lối bình dân dành cho những độc giả ít học; 3-Các “bản dịch” tiểu thuyết Trung Quốc như vậy được lưu truyền dưới dạng ấn bản rẻ tiền như các tác phẩm tiểu thuyết quốc ngữ. Do vậy, với công chúng bình thường, chúng trở thành tài sản của văn học Triều Tiên; 4-Nó không chỉ là bản dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác mà còn là sự chuyển dịch từ một dạng thức văn chương này sang một hình thức văn chương khác, cũng như chuyển từ một cấp độ văn chương cao hơn xuống một cấp thấp hơn.
1. Kim Pusik, Samguk sagi (Tam quốc sử ký), Pyong yang (Bình Nhưỡng), 1958, tập 2, tr.415.
2. Kim T’aejun, Choson sosol sa (Triều Tiên tiểu thuyết sử), Seoul (Hán Thành), 1939, tr.90-95.
3. W. Ee. Skillend, Kodae Sosol: A Survey of Korean Traditional Style Popular Novels (Kodae Sosol: Khảo sát tiểu thuyết bình dân Triều Tiên theo phong cách truyền thống), London, 1968, tr.99.
4. Skillend , Đã dẫn, tr.107, 124.
5. Skillend, Đã dẫn, tr.99.
6. Thể loại tiểu thuyết quốc ngữ được bàn đến trong tác phẩm Korejskaja srednevekovaja povest (Tiểu thuyết Trung đại Triều Tiên) của A.F. Trotcevich, Moscow, 1975.
7. W. Eberhard, Guilt and Sin in Traditional China (Tội lỗi và tội ác trong xã hội Trung Hoa cổ truyền), Berkeley và Los Angeles, 1967, tr.82.
8. Trotcevich, Đã dẫn, tr.61-63.
9 . Kim Dong Uk, History of Korean Literature (Lịch sử văn học Triều Tiên), Tokyo, 1980, tr.183.
10 . Kim T’aejun, Đã dẫn, tr.106.
11 . Chinh Đông Tiết Nhân Quý truyện, Thượng Hải, 1939; nội dung của tác phẩm này được B.L. Riftin kể lại trong Dunganskie narodnie skazki (Truyện cổ Đôn Hoàng), Moscow, 1977, tr.494-502. tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến B.L. Riftin vì những chỉ bảo của ông về nội dung của cuốn tiểu thuyết Trung Quốc viết về Tiết Nhân Quý này.
12 . Trotcevich, Đã dẫn, tr.64-85.
13 . Trotcevich, Đã dẫn, tr.86-88.
14 . Sol In’wi chon, MDIOS (Phòng văn bản thuộc Viện Đông phương học Leningrad, ký hiệu B-2 (5 quyển), quyển 1, tr.20-22.
15 . Kim T’aejun, Đã dẫn, tr.97.
16 . Tang T’aejong chon, MDIOS, B-2, 6 quyển, quyển 1, tờ 16a.
17 . Rõ ràng cốt truyện Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được biết đến nhiều và cũng được truyền khẩu ở Triều Tiên. Chẳng hạn, trong các chuyện dân gian Triều Tiên do nhà văn Nga N.G.Garin sưu tầm vào cuối thế kỷ 19 có một truyện tên là Thệ ngôn (Lời nguyền). Chuyện dân gian này, giống như tiểu thuyết đang nói đến, mở đầu bằng việc giới thiệu Yang Sanbaek (tên trong chuyện dân gian là Yansan-pogi) và kết thúc với sự tái sinh của các nhân vật sau khi chết. Xin xem N.G.Garin, Iz dnevnikov krugosvetnogo puteshestvija (Nhật ký chuyến đi vòng quanh thế giới tuyển chọn), Moscow, S1950, tr.417.
18 . Skillend, Đã dẫn, tr.392.
19 . Bjanwen o vozdajanii za milosti (Báo ân biến văn), Moscow, 1972, phần 1.
20 . Như trên, tr. 60-65.
21 . Theo tôi có vẻ như những cái tên Triều Tiên này là kết quả của sự nhầm lẫn những chữ Hán thiện hữu (sonzu trong tiếng Triều Tiên) và ác hữu (ak-u trong tiếng Triều Tiên). Có thể lối phát âm chính xác những từ này đã bị biến đổi trong quá trình truyền miệng.
22 . Kuunmong, MDIOS, B-2, 3 quyển, 32 tờ.
Nguồn: Theo Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20), Claudine Salmon biên soạn, Trần Hải Yến dịch. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004
tin tức liên quan
Videos
Thể loại phim
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Quá trình chuyển biến của một phong cách
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529448
Hôm nay
2191
Hôm qua
2304
Tuần này
21721
Tháng này
216144
Tháng qua
0
Tất cả
114529448