Xứ Nghệ ngày nay
Nghệ nhân Ưu tú Cao Bích Lâm: Thành công từ sự đam mê
Ca nương Cao Bích Lâm tại Liên hoan Ca trù toàn Quốc tổ chức ở Hà Tĩnh, 2018. Ảnh Cảnh Yên
Trong Liên hoan Ca trù toàn quốc tháng 11/2018 tại thành phố Hà Tĩnh, có những giây phút khán giả và cả BGK lặng người trước giọng hát của ca nương Cao Bích Lâm. Chị hát những khúc Ca trù kinh điển như “Tỳ bà hành”, “36 giọng” bằng chất giọng trong trẻo, nẩy hạt, luyến láy điệu nghệ và một kỹ xảo gõ phách rền rã kết hợp với tiếng đàn đáy nỉ non, tiếng trống chầu điểm xuyết tạo nên một hòa âm ma mị, quyến rũ đến thổn thức. Tiết mục diễn xong mà cả hội trường vẫn lặng ngắt rồi như chợt tỉnh òa lên tiếng vỗ tay tán thưởng. Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Thanh Hoài, thành viên BGK nói với mọi người: “Tôi cảm động rưng rưng khi nghe học trò cưng của mình hát, hay quá”. Tổng kết Liên hoan, CLB Ca trù Diễn Châu đạt giải A sánh ngang với các TP Hà Nội, Hải Phòng. Đây là công lao chung của toàn đoàn nhưng trong đó sự đóng góp của NNƯT Cao Bích Lâm là rất lớn. Chị không chỉ tham gia nhiều tiết mục liên hoan mà trong quá trình luyện tập còn tích cực góp ý uốn nắn cho anh chị em khác nâng cao trình độ. Chị cũng đạt giải A trong cuộc thi tài năng ca nương. Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy mươi trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Cao Bích Lâm đạt giải thưởng cao nhất, đem vinh quang về cho cá nhân chị và cho phong trào Văn nghệ huyện Diễn Châu.
Nghệ nhân Ưu tú Cao Bích Lâm sinh năm 1965 tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật với đội tuồng “Mới nu” và đội chèo “Chợ Đình” vang bóng một thời. Từ nhỏ, chị đã có một năng khiếu thanh nhạc bẩm sinh với chất giọng trong trẻo ấm áp, âm vực rộng lại sở hữu một nét đẹp nền nã, một khả năng nhạc cảm tinh tế và diễn xuất nhạy bén. Ai cũng nghĩ lớn lên chị sẽ là ca sĩ tài danh của một đoàn Văn công chuyên nghiệp nào đó. Nhưng không hiểu sao chị lại không chọn con đường ca nhạc chuyên nghiệp, mặc dù đã có lần nhạc sĩ Hồ Hữu Thới khi còn làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT Nghệ Tĩnh đã đồng ý tuyển thẳng chị vào khoa thanh nhạc, nhưng chị đã từ chối. Tuy không chọn ca nhạc làm “nghề” nhưng cái duyên ca hát lại gắn bó với chị và trở thành “nghiệp” từ thuở thiếu thời cho mãi đến ngày nay.
Ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường giọng hát của cô học trò Cao Bích Lâm đã bay ra khỏi lũy tre làng với những giải thưởng, lời khen qua các đợt liên hoan, hội diễn của ngành Giáo dục. Vì thế mới 14 tuổi (1979), chị đã trở thành cộng tác viên đắc lực của Nhà Văn hóa (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông) huyện cho mãi đến ngày nay. Với không biết bao nhiêu lần tham gia hội diễn, giao lưu, chào mừng đại hội, lễ hội. Hễ có sự kiện cần triệu tập đến văn nghệ thì tên chị được nhắc đến đầu tiên, và bao giờ chị cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình
Điều làm nên thành công của chị là tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài cái năng khiếu và vẻ đẹp bẩm sinh đã nói trên thì lòng đam mê và tính kiên trì khổ luyện là điều quyết định. Hình như ca hát đối với Cao Bích Lâm là một đòi hỏi tự bản thân, phải “nhịn hát” đối với chị còn khổ hơn nhịn ăn, nhịn uống. Hầu như chị mê tất cả các thể loại ca nhạc từ nhạc hiện đại đến dân ca Ví, Giặm, tuồng, chèo, cải lương, chị mê là lao vào luyện tập nghiêm túc, say sưa chứ không lớt phớt theo kiểu tài tử. Nếu ai đó một lần được nghe chị hát chèo hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy làn điệu nào chị cũng biết, chẳng những giọng hay mà nhịp phách rất vững vàng. Đến như cái món Ca trù một thể loại ca nhạc “bác học thính phòng” rất khó và khắt khe về kỹ thuật. Chị là người đến sau nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong làng Ca trù không chỉ ở Diễn Châu mà đến cả các nghệ sĩ, nghệ nhân Ca trù quốc gia cũng nể phục. Trong các loại hình nghệ thuật thì Dân ca Ví, Giặm được chị ưu tiên số một và bỏ công sức tập luyện nhiều nhất. Ngay từ những năm 1980, chị đã sắm tròn các vai trong các vở “Không phải tôi”, “Khi ban đội đi Vắng”, “Bần hát ghẹo”, v.v… và nhận về không ít bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện.
Tuy không được đào tạo bài bản chính quy nhưng bù lại chị có đức tính kiên trì khổ luyện và luôn đòi hỏi tự hoàn thiện bản thân. Trước một tiết mục mới sắp biểu diễn, ngoài thời gian tập theo đội bao giờ về nhà chị cũng tự tập đến quên ăn, quên ngủ. Ngày mới tập Ca trù, đi ngang nhà chị vào buổi tối bao giờ cũng nghe tiếng gõ phách lách cách, tiếng ứ hự, nhiều người ngạc nhiên ngó vào rồi lè lưỡi thán phục.
Đam mê luyện tập phục vụ cho phong trào với biết bao giải thưởng, nhưng nếu có ai hỏi về thù lao thì chị chỉ cười. Chị Hồng Thắm, một người hàng xóm và cũng là bạn văn nghệ của chị nhận xét: “Ả Lâm nghèo vì quá ham mê văn nghệ”. Có lẽ đúng vậy, nhìn ngôi nhà cấp 4 chị đang sống cùng chồng (các con đều đã trưởng thành) lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng quê chị, nhiều người cũng ái ngại. Nhưng hễ gặp chị, chưa kịp chào đã thấy nụ cười tươi rói đon đả và nếu được nghe chị hát thì sẽ bị cuốn hút ngay. Giọng ca truyền cảm, vẻ đẹp nền nã, phong thái sang trọng, gặp chị ai cũng nghĩ là chị giàu có lắm. Đúng vậy, chị rất giàu có về giải thưởng và luôn hạnh phúc vì sự vô tư, thanh thản để cống hiến cho nghệ thuật. Ai đã từng đi diễn hoặc sống gần gũi với chị đều có chung nhận xét Cao Bích Lâm luôn là người dễ gần, biết thông cảm với bạn bè. Chính điều đó dã tạo ra sự thanh thản tâm hồn, một điều tối cần thiết cho người hoạt động nghệ thuật.
Là hạt nhân chính của phong trào văn nghệ xã, là cộng tác viên gạo cội của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Diễn Châu và của nhiều ngành khác, thành tích biểu diễn thật đáng nể và đã là Nghệ nhân Ưu tú nhưng chị không bao giờ có biểu hiện kiêu căng, tự mãn. Hễ tổ chức nào cần đến, nếu có điều kiện là chị sẵn sàng ngay, không ra giá đòi hỏi.
Đã ở tuổi ngoài năm mươi, nhưng Cao Bích Lâm vẫn sở hữu một giọng hát trẻ trung, sâu lắng và trên môi luôn thường trực nụ cười ấm áp, dễ mến. Chị như con chim sơn ca giữa cánh đồng ca nhạc trên quê hương Diễn Châu.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511705
231
2337
22079
218578
121356
114511705