Xứ Nghệ ngày nay
Nam Đàn phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu
Một góc huyện Nam Đàn. Ảnh Thanh Lê (baonghean.vn)
Trong hai lần về thăm quê và trong những bức thư gửi cho quê hương, Bác Hồ luôn dành cho quê hương những lời căn dặn đầy tâm huyết và luôn đau đáu một mong ước“Nghệ An phải trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc, Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu, Kim Liên trở thành xã kiểu mẫu của cả nước”. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã nỗ lực xây dựng thành công huyện Nông thôn mới (NTM) và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.
Từ nông thôn mới
Năm 2010, Nam Đàn được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước triển khai xây dựng NTM. Với điểm xuất phát khá thấp, việc xây dựng NTM gặp không ít khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã rất nỗ lực, quyết tâm hiện thực hóa các tiêu chí của NTM. Rõ nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Từ xuất phát điểm là huyện thuần nông, ngành nghề, dịch vụ ít, Nam Đàn đã cơ cấu lại nông nghiệp cả về sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Toàn huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó, vẫn giữ ổn định diện tích lúa, đầu tư phát triển rau màu hàng hóa với diện tích từ 3.500-3.700 ha rau mỗi năm. Nhiều mô hình sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật đảm bảo an toàn và cho hiệu quả cao được xây dựng và nhân rộng như: mô hình bí đỏ xã Nam Trung, bí đỏ, hoa cây cảnh tại xã Vân Diên,rau mầm xã Nam Cát, các loại rau màu xã Nam Anh, Nam Xuân,... Đặc biệt, Nam Đàn đã xây dựng được một số mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Nam Thanh, Vân Diên, Xuân Hòa; mô hình rau trong nhà lưới tại các xã Nam Anh, Nam Phúc...; Mô hình rau thủy canh tại Nam Anh, rau an toàn tại xã Xuân Hòa; Mô hình trồng cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới tiên tiến tại xã Nam Giang, Nam Thái, Nam Hưng, Nam Lộc; Đưa cây ăn quả (táo, ổi, cam, bưởi, nhãn) thâm canh trên vùng đất bãi tại Nam Tân, Nam Lộc, Hồng Long; Đồng thời tiếp tục duy trì được các vùng sản xuất có liên kết như: sản xuất lạc giống tại Nam Lộc, lúa giống Bắc Thịnh tại Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát,… Đưa một số cây trồng hàng năm có giá trị kinh tế cao như: Nghệ, gừng, riềng, hành tăm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả tại các xã vùng bán sơn địa Nam Hưng, Nam Nghĩa, Nam Thanh,… Cùng với trồng trọt, hình thức chăn nuôi cũng ngày càng đa dạng, trong đó chăn nuôi trang trại được chú trọng phát triển với trên 800 trang trại và các loại hình như trang trại. Nghề nuôi trồng thủy sản cũng được duy trì ổn định với diện tích trên 1.800 ha. Trong đó, một số mô hình cho hiệu quả tốt như: mô hình nuôi cá leo lồng tại xã Nam Lộc, mô hình nuôi cá truyền thống tại xã Nam Tân, Nam Thanh; mô hình ươm nuôi cá giống tại xã Xuân Hòa...
Ngoài sản xuất nông nghiệp, Nam Đàn duy trì và phát triển nhiều làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập. Tiêu biểu như làng nghề bún bánh Quy Chính xã Vân Diên với quy mô gần 200 hộ, làng nghề tương truyền thống ở thị trấn, làng nghề mộc xã Xuân Hòa và thị trấn,… Nhiều sản phẩm có thương hiệu của Nam Đàn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, như: bột nghệ, bột sắn dây hương vị gừng, bột sắn dây hương vị chanh, bánh bún..
Cơ sở hạ tầng ở nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, như: đường giao thông nông thôn, kênh mương, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà văn hóa xã, sân vận động xã,… Nhiều dự án đã và đang triển khai: Nhà máy may, Khu kinh doanh tổng hợp tại xã Nam Cường, Trung tâm thương mại Vincom và Trường mầm non tư thục tại xã Vân Diên, Nhà máy chế biến nông, lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại xã Nam Giang,...
Trong xây dựng đời sống văn hóa, trên nền tảng của một huyện điểm văn hóa, Nam Đàn tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí văn hóa trong NTM. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thông tin - thể thao tương đối đồng bộ. 24/24 xã, thị trấn đã quy hoạch đất cho hoạt động VHTT-TDTT. Trụ sở mới của Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện đã đi vào hoạt động tạo thuận lợi lớn cho huyện nhà trong việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn. 306 (chiểm 92%) nhà văn hóa xóm, khối được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trên 600 sân thể thao được hoàn thiện đảm bảo phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi của nhân dân; Hệ thống truyền thanh phủ kín, đồng bộ 24/24 xã, thị, trong đó có 22 đài truyền thanh không dây. Ngoài ra, huyện đã xây dựng được hai trung tâm văn hóa thể thao tại xã Nam Cát và Nam Tháibằng nguồn vốn xã hội hóa góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân,...
Với nỗ lực và quyết tâm cao, Nam Đàn đã về đích chỉ sau 7 năm thực hiện. Ngoài sự bề thế, khang trang của cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ: giảm tỷ trọng nông nghiệp(từ 49,23%/năm 2011 xuống còn 37,46%/2018);Tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (từ 20,9%/2011 lên 29,97% /2018);dịch vụ từ 29,87%/2011 lên 33,75%/2018); Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/2018, tăng 2,46 lần so với năm 2010; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,16%, giảm 14,04% so với năm 2010).
Đến Nông thôn mới kiểu mẫu
Đạt chuẩn NTM, Nam Đàn lại được ban Chỉ đạo TƯ chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu và mục tiêu hướng đến của Nam Đàn là trở thành huyện NTM kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch” và là một “Trung tâm du lịch quốc gia” vào năm 2025. Mục tiêu đã rõ và các chỉ tiêu cụ thể cũng đã được xác định: Đến năm 2025, có 100% số xã của huyện đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 6/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; cùng với đó, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42-43% cơ cấu kinh tế của huyện. Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn lại bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng NTM kiểu mẫu. Vừa tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ. Làm thí điểm nên cái khó của huyện Nam Đàn là vừa hành quân vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nâng cao chất lượng các tiêu chí của NTM là công việc tất yếu, đương nhiên trên con đường phát triển còn phát triển văn hóa gắn với du lịch rồi làm sao để đến năm 2025, Nam Đàn trở thành trung tâm du lịch quốc gia, đưa tỷ trọng về du lịch - dịch vụ tăng hơn 9-10% so với năm 2018 thật không đơn giản.
Nam Đàn giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương tại Festival ẩm thực du lịch quốc tế 2019 tổ chức tại TP Vinh
Bắt đầu từ du lịch, nhằm xây dựng hình ảnh con người và mảnh đất Nam Đàn trong mắt du khách, huyện đã triển khai xây dựng nétđẹp người dân Nam Đàn thông qua những việc làm cụ thể. Đó là, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử văn minh, nhất là tại các điểm du lịch; Gắn pa nô hình ảnh về bộ quy tắc ứng xử văn minh tại các nơi công cộng, các nhà hàng, các điểm du lịch; Tổ chức tập huấnvề văn hóa ứng xử chocác hộ kinh doanh dịch vụ tại Khu Di tích Kim Liên. Cảnh quan môi trường cũng được chú trọng từ việc phát động phong trào Sáng - xanh - sạch - đẹp trong nhân dân; Trồng các đường hoa, cây xanh tại khu dân cư và các tuyến đường giao thông; Quy hoạch điểm đổ rác và phân loại rác thải sinh hoạt... Các di tích danh thắng trên địa bàn được tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Nam Đàn là huyện có khá nhiều di tích, trong đó có tới 3 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh. Huyện đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, du lịch làng cổ Khánh Sơn và đình Hoành Sơn để đưa vào chuỗi điểm đến du lịch. Đồng thời, ngoài những điểm đến quan trọng trên địa bàn huyện (Khu Di tích Kim Liên, Mộ Bà Hoàng Thị Loan, Quần thể di tích vua Mai, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu), các di tích tâm linh như chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, chùa Đức Sơn,... cũng được đưa vào khai thác trong các tour, tuyến du lịch. Tư duy, phong cách làm du lịch của Nam Đàn đã dần có sự thay đổi. Việc tuyên truyền, quảng bá được làm bài bản, có chiều sâu hơn như: lắp đặt Wifi tại Nhà văn hóa các xóm của xã Kim Liên; Xây dựng Website với tên miền: www.dulichnamdan.com.vn; Đưa Trung tâm Thông tin du lịch Nam Đàn tại quê nội Bác Hồ vào hoạt động để giới thiệu và trưng bày các sản phẩm, ấn phẩm quảng bá điểm đến Nam Đàn nhằm liên kết tour từ quê nội đi các điểm tham quan khác trên địa bàn; Làm tờ gấp, bản đồ du lịch Nam Đàn... Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như: lạc (Nam Cường, Vân Diên), hồng và bột sắn dây hương gừng, hương chanh (Nam Anh), chanh (Nam Kim), tinh bột nghệ, bơ lạc, kẹo khô dầu lạc, rượu (Làng Sen), miến Quy Chính đang được sản xuất thành hàng hóa phục vụ du khách. Hướng du lịch sinh thái miệt vườn (vườn hồng), gắn với tham quan di tích chùa Đại Tuệ cũng được huyện chú trọng thí điểm tại xã Nam Anh,...
Về văn hóa, Nam Đàn đang tiếp tục huy động từ nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, từ sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao mới đáp ứng yêu cầu của NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa và quan trọng là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về kinh tế và văn hóa tinh thần của người dân.
Trên con đường xây dựng NTM kiểu mẫu, Nam Đàn phải đối diện với khá nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục huy động một lượng lớn về kinh phí đầu tư trong dân mà sức dân cũng có hạn vì vừa mới huy động khá lớn trong quá trình xây huyện NTM. Việc sáp nhập xóm, xã theo chủ trương chung cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nam Đàn đã lường trước được những khó khăn để có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng huyện NTM kiểu mẫu được chú trọng hàng đầu. Huyện ủy Nam Đàn có hẳn mộtđề án về xây dựng Tổ tự quản tại cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Từ đề án này, 2.055 tổ tự quản đã ra đời với 100% số hộ sinh sống trên 330/330 khối, xóm tham gia. Tổ tự quản đã phát huy rất tốt vai trò của người dân trong việc thực hiện các chủ trương của nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, bài trừ các TNXH, giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm; nâng cao hiệu quả sản xuất; chung tay xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, tổ chức các sinh hoạt văn thể, v.v... Chỉ tính sau 2 tháng ra mắt (năm 2018), các tổ tự quản đã huy động được trên 11 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi tại cơ sở. Đặc biệt, phong trào“xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp” được các tổ tự quản duy trì thường xuyên, góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo nông thôn Nam Đàn trong thời gian gần đây.
Còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phía trước phải vượt qua. Huyện Nam Đàn xác định: Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu là một nội dung quan trọng trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ông Nguyễn Lâm Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Đàn nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định, trong giai đoạn hiện nay, việc học tập Bác một cách thiết thực nhất là quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Hy vọng rằng, với quyết tâm này, Nam Đàn sẽ sớm trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác hằng mong ước.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511673
2336
2336
22047
218546
121356
114511673