Những góc nhìn Văn hoá

Lòng dân - vận nước

Gần hai tháng qua, tình hình Biển Đông vô cùng căng thẳng. Trung Quốc ngang nhiên đưa nhiều tàu thuyền xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại vùng biển Tư Chính.

Hành động này của họ là sự tiếp nối có hệ thống các sự kiện mà họ đã từng gây hấn để thôn tính biển đảo của Việt Nam, từ Hoàng Sa năm 1974 đến Gạc Ma và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.

Chiến thuật gặm nhấm trên biển đang được họ áp dụng một cách triệt để nhằm từng bước hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp, biến Biển Đông thành ao nhà của mình, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Năm năm trước, tháng 5 năm 2014, họ đã từng khiến dư luận trong nước và thế giới dậy sóng bằng hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Những liều thuốc thử như vụ giàn khoan Hải Dương 981 luôn luôn được giới cầm quyền Trung Quốc áp dụng đối với chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông trong suốt hơn mười năm qua.

Hơn bao giờ hết, chủ quyền biển đảo, sự toàn vẹn của lãnh thổ Đất Nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Lịch sử dân tộc hàng ngàn năm qua cho thấy, đã không ít lần vận nước lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng bằng ý chí quật cường, bằng trí tuệ siêu phàm và cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, cha ông ta đã hóa giải một cách tài tình, dạy cho kẻ xâm lược những bài học đích đáng, giữ vẹn toàn đất nước cho muôn đời con cháu. 

Không cần ngược dòng lịch sử xa xôi, cách đây 73 năm, khi đất nước vừa thoát cảnh nô lệ lầm than, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối phó với đủ loại thù trong, giặc ngoài. Năm 1946 là năm thử thách cam go đối với vận mệnh đất nước trong cái thế ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ cần một sơ suất nhỏ - “sai một li đi một dặm” - là thành quả đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc gần 100 năm qua với biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ sẽ tan thành mây khói.

Nhưng với tài thao lược của mình, Hồ Chí Minh và các cộng sự lúc bấy giờ đã khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác dữ ghềnh hiểm, bảo toàn được chính quyền nhân dân để rồi không bao lâu sau, bước vào cuộc trường chinh giữ nước với tư thế của một dân tộc vừa mới “rũ bùn đứng dậy, sáng lòa”.

Ở thời điểm năm 1946 lịch sử ấy, tài thao lược của Hồ Chí Minh và những đồng chí của Người đã hợp lưu với lòng dân, hai mươi triệu đồng bào đang cháy bỏng khát khao tự do, độc lập. Vận nước từ chỗ ngàn cân treo sợi tóc, chuyển thế đi lên để rồi kết thúc bằng “vành hoa đỏ” bằng “thiên sử vàng” của chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lịch sử dân tộc cũng đã cho ta thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai phạm trù “lòng dân” và “vận nước”. Mỗi khi lòng dân cố kết, đồng thuận thì vận nước đi lên, Tổ quốc trường tồn, đất nước hùng mạnh. Mỗi khi lòng dân đồng thuận thì thế nước vững chãi, ít vẫn địch nhiều, yếu vẫn thắng mạnh.

Sự đồng thuận của lòng dân làm nên sức mạnh vô biên đã có từ thuở xa xưa khi Thánh Gióng vươn mình đứng dậy; khi Hai Bà Trưng cưỡi voi xông thẳng vào quân thù; khi Triệu Thị Trinh cất lời khảng khái: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!…”; khi Lý Thường Kiệt đọc lời hiệu triệu non sông: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/… Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/…Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”); khi các bô lão tham dự hội nghị Diên Hồng hô vang lời non nước: “Đánh!”,…

Thế kỷ XX, sự đồng thuận của lòng dân cũng đã tạo nên sức mạnh vô biên với tinh thần “Thà chết chứ nhất định không chịu mất nước…”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.Mùa xuân năm 1979, lại một lần nữa lòng dân - vận nước hợp lưu thành sóng nước căm thù, dâng trào nhấn chìm quân xâm lược bành trướng khắp dải biên cương phía Bắc.

Đó là sức mạnh làm nên mạch ngầm trong dòng chảy muôn đời của dân tộc, giữ cho đất nước muôn thuở vững bền.

Đó là bài học vỡ lòng cho những ai gánh lấy phần trách nhiệm đối với Dân với Nước.

Vận nước nguy nan khi kẻ thù lăm le xâm chiếm. Mối nguy ấy sẽ hóa hung nếu lòng dân không thuận, không yên.

Năm 1405 trong cuộc họp bàn với các tướng về kế sách chống quân Minh, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói với Vua rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”. Chẳng bao lâu sau, lời Hồ Nguyên Trừng đã được minh chứng. Hồ Quý Ly lúc bấy giờ dù nắm trong tay binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân nhưng vẫn không đương nổi quân xâm lược Minh vì một điều đơn giản, “lòng dân không theo”.

600 năm trước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi nhận ra: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết dân như nước) để rồi từ đó mà dốc hết sức lực, trí tuệ phò tá Lê Lợi thực hiện chân lý “yên dân trừ bạo”, khơi dậy lòng dân “bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “tướng sỹ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong thế tiến công “sấm vang chớp giật”, sau mười năm thu giang san về một mối, sạch bóng quân xâm lược cuồng Minh.

Bài học lòng dân mãi mãi là bài học đầu tiên để giữ yên vận nước và sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528686

Hôm nay

267

Hôm qua

2275

Tuần này

2959

Tháng này

215382

Tháng qua

0

Tất cả

114528686