Xứ Nghệ ngày nay

Những người đang gùi gánh bản sắc

Nhừng người phụ nữ Thái ở bản Na Sai xã Hạng Dịch, huyện Quế Phong nỗ lực gìn giữ các điệu múa truyền thống

Trong xã hội truyền thống của người Thái, phụ nữ là những người đã góp phần quan trọng vào việc kiến tạo nên bản sắc văn hóa. Họ là những người thợ thủ công khéo tay với các nghề dệt may, thêu, tạo ra những sản phẩm đặc sắc như áo váy, đồ thổ cẩm... Và họ cũng là những nghệ nhân không chuyên của những điệu múa nổi tiếng như nhảy sạp, múa xòe, hay hát những bài dân ca truyền thống. Hiện nay, khi bản sắc văn hóa truyền thống đang bị mai một, mất mát thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc lại được đặt lên đôi vai của những người phụ nữ Thái. Một vài cuộc khảo sát của chúng tôi ở Bản Cắm (Quế Phong) hay Bản Nưa (Con Cuông) phần nào thể hiện rõ vấn đề đó.

Kiến tạo và gìn giữ bản sắc

Hiện tại, phần lớn đàn ông Thái và những người trẻ tuổi đã chuyển sang sử dụng trang phục từ người Kinh thì sự mất còn của trang phục truyền thống đặt lên vai những người phụ nữ trung tuổi và lớn tuổi. Ở Bản Cắm, phần lớn những người phụ nữ có gia đình vẫn mặc trang phục truyền thống. Chỉ có một số phụ nữ trẻ đi làm công nhân ở công ty chanh leo trên địa bàn hay làm việc ở xã thì mặc đồ của người Kinh. Những người càng lớn tuổi thì mặc thường xuyên còn những cô gái trẻ thì chủ yếu chỉ mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, tết. Ở Bản Nưa, trang phục truyền thống cũng chỉ được một số phụ nữ lớn tuổi mặc và mức độ cũng không thường xuyên. Phần lớn phụ nữ trong bản đều mặc đồ mua từ chợ. Họ chỉ mặc trang phục truyền thống trong ngày tết hay khi biểu diễn văn nghệ cho khách du lịch xem. Ngày thường vào bản rất ít khi bắt gặp được những bộ trang phục truyền thống. Trước tình trạng mất dần những trang phục truyền thống, những người phụ nữ lớn tuổi bày tỏ sự lo ngại và cũng khao khát hơn trong việc mong lớp trẻ học các nghề truyền thống và mặc trang phục truyền thống. Những người đàn ông vẫn thích vợ, con mình mặc đồ truyền thống nhưng cũng chấp nhận sự thay đổi mà ít ý kiến phản đối. Những người lớn tuổi muốn mặc trang phục truyền thống vì họ xem đó là một giá trị quan trọng của phụ nữ Thái và cũng là dấu hiệu để phân biệt với các dân tộc khác. Và họ chính là những người đang cố gắng tìm những con đường để bảo tồn trang phục của mình.

Một phụ nữ Thái ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông vẫn miệt mài thêu may trang phục truyền thống

Phụ nữ Thái cũng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn một số nghề thủ công truyền thống như dệt, may, thêu và nó gắn liền với việc bảo tồn trang phục truyền thống. Trước đây các nghề này phát triển chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nghề dệt, may, thêu thổ cẩm của người Thái phát triển sớm, không chỉ phục vụ nhu cầu của họ mà còn tạo ra hàng hóa để trao đổi với các cộng đồng bên cạnh, thậm chí bán qua Lào, Thái Lan... Và những nghề này phát triển là dựa vào sự tài hoa, khéo léo của những người phụ nữ Thái. Trong xã hội truyền thống, một cô gái Thái lúc còn nhỏ đã được mẹ dạy cho nghề dệt, may và thêu thổ cẩm. Trước khi lấy chồng, họ phải dệt may và thêu được hàng chục bộ chăn, đệm, gối và váy để về biếu bên nhà chồng. Họ cũng tự may, thêu cho mình những bộ váy đẹp nhất và đó cũng là một tiêu chí khi người ta lựa chọn tình nhân, bạn đời. Nhưng hiện nay, những nghề này đang bị mất mát nhanh chóng. Ở Bản Cắm vẫn còn nhiều khung dệt và nhiều người vẫn dệt để phục vụ nhu cầu của gia đình, chủ yếu là những người lớn tuổi. Còn ở Bản Nưa, tình hình khó khăn hơn khi cả bản chỉ còn vài khung dệt và cũng rất ít người làm nghề dệt, thêu. Chỉ có vài người già làm và bán cho các người già khác hay những gia đình có con gái chuẩn bị đi lấy chồng. Như cụ Lang Thị Hoàng (75 tuổi), một trong số rất ít người còn làm nghề thêu ở Bản Nưa chia sẻ: “Lớp trẻ giờ thích đi làm việc khác đơn giản hơn và thu nhập cao hơn. Nghề thêu thổ cẩm và dệt may của người Thái cần phải kiên trì, mà thu nhập thấp nên ít người làm. Tôi thì già rồi, sức khỏe kém nên chỉ còn cách làm nghề này để kiếm sống”.

Một vai trò quan trọng khác của người phụ nữ Thái là việc bảo tồn các yếu tố văn hóa dân gian như các điệu múa truyền thống, các khúc dân ca như hát lăm, hát khắp, hát giao duyên.... Những điệu múa xèo, nhảy sạp của người Thái sở dĩ hấp dẫn người xem là nhờ vào sự uyển chuyển của những người phụ nữ kết hợp với những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ. Hay những khúc hát dân ca Thái được nhiều thế hệ truyền lại cho nhau cũng có vai trò to lớn của người phụ nữ. Khi lên nương họ hát những khúc hát gọi bạn; khi lễ hội, ngày tết nam nữ lại hát những khúc giao duyên; khi đám cưới thì hát những khúc chúc mừng nhau còn khi đám tang họ cũng có những khúc hát để tiễn bạn về Mường Trời... Khi hát thường có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ, nhưng có nhiều khi phụ nữ lại giữ vai trò quan trọng hơn trong việc bảo tồn một số khúc hát. Trong các cuộc liên hoan văn nghệ văn hóa dân tộc hiện nay thì phụ nữ tham gia nhiều hơn. Nhiều người còn bỏ công đi sưu tầm lại và mong muốn dạy cho lớp trẻ các bài hát của mình. Như bà Vi Thị Quyết (68 tuổi) ở Bản Cắm tâm sự: “Để khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, tôi phải đi tìm những cụ lớn tuổi để sưu tầm lại những khúc hát truyền thống và các cụ già cũng rất vui dạy lại cho tôi. Nhưng giờ làm sao để dạy lại cho lớp trẻ thì lại gặp khó khăn do lớp trẻ đi vắng hết và họ cũng không thích việc này lắm. Bởi họ cũng phải đi làm việc để kiếm sống nên những sinh hoạt này cũng ít thu hút được người trẻ”. Ở Bản Nưa, tình hình cũng không khả quan hơn. Từ năm 2008, những người phụ nữ trong bản đã thành lập Câu lạc bộ dân ca Thái, được nhiều người trong bản ủng hộ và đóng góp để tổ chức sinh hoạt văn nghệ nhằm để những người lớn tuổi dạy lại cho những người trẻ các bài dân ca của dân tộc mình và cũng để biểu diễn những lúc có khách vào bản có nhu cầu thưởng thức văn nghệ. Tuy nhiên, sau một thời gian thì câu lạc bộ cũng rơi vào bế tắc, bởi nguyên nhân chính là lớp trẻ đi làm việc xa quê nhiều hơn và số còn lại ở quê cũng không hào hứng lắm với các sinh hoạt này khi họ không tìm thấy lợi ích kinh tế từ đó.

Những thách thức phải vượt qua

Hiện nay, tình hình kinh tế, xã hội và văn hóa đang có những thay đổi nhanh chóng, nên việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người phụ nữ Thái đang gặp nhiều thách thức. Xin nhấn mạnh đến hai nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp:

Trước hết là ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Nhìn vào thực tại Bản Cắm và Bản Nưa cho thấy kinh tế thị trường có ảnh hưởng lớn và ở nhiều mức độ khác nhau. Ở Bản Cắm, kinh tế thị trường phát triển chậm, du lịch chưa xuất hiện và sự giao lưu văn hóa vẫn ở mức thấp nên các yếu tố văn hóa truyền thống vẫn còn được giữ lại nhiều hơn. Trong khi đó, ở Bản Nưa kinh tế thị trường phát triển hơn, du lịch cộng đồng xuất hiện và sự giao lưu văn hóa với người Kinh mạnh mẽ hơn nên văn hóa truyền thống cũng bị mai một nhanh hơn. Những yếu tố văn hóa truyền thống ít hiện hữu trong cuộc sống thường nhật hơn và chỉ xuất hiện trên phương diện là những màn biểu diễn để phục vụ du khách. Nói cách khác, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống tộc người vẫn còn khá phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người phụ nữ ở Bản Cắm nhưng còn rất ít trong đời sống của phụ nữ ở Bản Nưa. Nếu không có sự thay đổi về nhận thức thì rồi Bản Cắm cũng sẽ như Bản Nưa, văn hóa truyền thống sẽ mất dần và đến một lúc nào đó không còn hiện hữu trong đời sống thường nhật. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện tại, lợi ích kinh tế cũng đẩy con người đến những lựa chọn khác nhau. Con người phải quay cuồng, chạy theo sự phát triển kinh tế, đi xa quê kiếm ăn hay tham gia vào các hoạt động có lợi ích kinh tế hơn là chạy theo các hoạt động văn hóa không đem lại lợi ích trực tiếp mà họ nhận ra được. Phát triển kinh tế thị trường là xu hướng không cưỡng lại được, nhưng không có nghĩa kinh tế thị trường sẽ làm mất bản sắc văn hóa tộc người. Vấn đề là sự chủ động của chủ thể văn hóa mà ở đây là những người Thái (đặc biệt vai trò của những người phụ nữ) và sự hỗ trợ từ các lực lượng khác như chính quyền, các tổ chức phi chính phủ... Trường hợp phát triển kinh tế thị trường một cách đúng đắn và chủ động thì văn hóa truyền thống trở thành một nguồn lực để phát triển. Và khi đó, kinh tế thị trường sẽ còn là động lực và cơ sở để khôi phục lại một số yếu tố văn hóa truyền thống. Như ở Bản Nưa, nhiều yếu tố văn hóa đã bị mất mát thì hiện nay một số người đang tìm cách khôi phục để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng như nhảy sạp, múa xòe, hát dân ca, ẩm thực.

Thách thức thứ hai là sự đứt đoạn về hệ giá trị và sự trải nghiệm của các thế hệ khác nhau, mà cơ bản ở đây là giữa người già và người trẻ tuổi. Những người già (tính trên 50 tuổi) là những người đang lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Họ được trải nghiệm trong xã hội truyền thống, thừa hưởng các yếu tố văn hóa truyền thống và cũng bị quy định từ các giá trị văn hóa truyền thống. Vậy nên họ luôn cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của mình và mong muốn truyền đạt lại cho lớp trẻ. Nhưng những người trẻ (tính dưới 30 tuổi) hiện nay lại không tiếp nhận được nhiều các yếu tố truyền thống và đang có xu hướng tiếp nhận nhiều các yếu tố văn hóa mới từ người Kinh và từ cuộc sống hiện đại. Lý do là những người trẻ được trải nghiệm trong xã hội khác, mà gần đây là trải nghiệm về kinh tế thị trường, về cuộc sống hội nhập, giao lưu văn hóa với nhiều cộng đồng khác nhau. Họ không được hay ít được trải nghiệm trong xã hội truyền thống và ít chịu sự quy định, ảnh hưởng của các giá trị chuẩn mực văn hóa truyền thống nên họ có suy nghĩ khác về việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa truyền thống. Ví dụ trước đây, một cô gái Thái mà không biết dệt may hay thêu thổ cẩm thì bị chê là kém cỏi, sẽ khó lấy được chồng như ý và cũng khó tham gia vào các hoạt động khác, nhưng hiện nay thì những quan điểm đó không còn nhiều giá trị trong kinh tế thị trường. Những người lớn tuổi cũng tiếp xúc ít hơn với các cộng đồng khác trong khi những người trẻ lại đi ra hội nhập với các cộng đồng khác nhiều hơn nên họ muốn hòa nhập hơn là muốn quay lại văn hóa truyền thống. Điều này càng ngày càng trở thành một rào cản lớn đối với việc bảo tồn văn hóa tộc người. Giải quyết vấn đề này cần phải trông chờ nhiều vào ý chí và con đường, năng lực tiếp nhận và phát triển của những người phụ nữ trung tuổi (khoảng 30 đến 50 tuổi). Đây là là tầng lớp trung gian, được trải nghiệm cả trong xã hội truyền thống và trong xã hội thị trường. Họ vừa có yếu tố văn hóa truyền thống, vừa có sự tiếp nhận các yếu tố văn hóa thị trường. Nếu họ kết nối được hai thế hệ già và trẻ thông qua các hoạt động văn hóa có tính kinh tế/hoặc và vừa hoạt động kinh tế trên nền tảng văn hóa thì bản sắc văn hóa dân tộc Thái sẽ có cơ hội được phục hưng và phát huy. Khi người già và người trẻ đều tìm được lợi ích từ các hoạt động văn hóa thì người già sẽ có cảm hứng truyền đạt lại những kỹ năng, những yếu tố văn hóa truyền thống cho lớp trẻ và lớp trẻ cũng có động lực để học tập, tái phục các yếu tố văn hóa truyền thống và xem đó là nguồn vốn để bước vào thị trường. Những người đang đi tìm các mô hình để phát triển dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống ở Bản Cắm hay những người đang xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Nưa đều thuộc vào độ tuổi này, và nếu họ thành công thì có lẽ mọi chuyện sẽ có sự thay đổi tích cực hơn.

Vẻ đẹp của người phụ nữ nhìn từ phía sau lưng

Phụ nữ Thái miền Tây Nghệ An bên khung cửi. Ảnh An Thư

Người ta thường hay ngắm nhìn một người phụ nữ từ phía trước để chiêm ngưỡng cái đẹp. Vẻ đẹp của khuôn mặt xinh xắn, của làn da trắng trẻo, của đôi mắt cuốn hút, hay vẻ đẹp của bầu ngực căng tràn sức sống, của mái tóc đen nhánh hay là màu hạt dẻ, vẻ đẹp của số đo ba vòng cân đối hay thân hình bốc lửa. Nhưng chẳng mấy ai đủ tinh tế để biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một người phụ nữ từ phía sau lưng. Với người phụ nữ Thái thì nhìn phía trước là chưa đủ, thậm chí là mới chỉ nhìn thấy được một chút nhỏ mà thôi. Vẻ đẹp phía sau lưng của người phụ nữ Thái Đó là một vẻ đẹp vĩ đại của những người phụ nữ miền sơn cước. Lúc trẻ đi gùi gạo, gụi thóc, gùi củi giúp cha mẹ, địu em sau lưng vẫn làm việc nhà, vẫn học bài. Lớn lên lấy chồng, về gùi công việc của nhà chồng. Sinh con cái ra lại gùi thêm phía sau lưng nhiều cuộc đời khác nữa. Trong nền văn hóa truyền thống, chính đôi vai họ đã gùi theo bao nhiêu là nét đẹp, chính đôi vai đó đã kiến tạo nên nhiều nét văn hóa trở thành đặc trưng cho cả cộng đồng. Rồi khi xã hội chuyển đổi, người phụ nữ là trở thành một thành trì cho các yếu tố văn hóa truyền thống sinh sôi nảy nở. Họ vẫn âm thầm gìn giữ vẻ đẹp truyền thống trong quá trình cùng cộng động tiếp xúc với các nền văn hóa mới. Họ cũng âm thầm cố gắng để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, vốn là kết quả mà họ đã đã bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi công sức để hình thành nên. Họ cũng là những người đau đáu ruột gan đi tìm mọi cách để gìn giữ. Trước mặt họ vẫn e lệ, tránh nói về bản thân, nhưng sau lưng người phụ nữ Thái vẫn mang nặng cả một xã hội, cả một truyền thống. Gánh nặng đó, không làm cho người phụ nữ lùn đi, không làm cho người phụ nữ xấu đi, trái lại còn làm cho họ trở nên cao thượng hơn, trở nên đẹp đẽ hơn. Vẻ đẹp phía sau lưng người phụ nữ Thái nói riêng và những người phụ nữ nói chung, là vẻ đẹp thầm lặng, khuất sâu hơn nhưng các giá trị về thẩm mĩ hay nhân sinh đều không thua kém bất cứ vẻ đẹp nào. Bởi đó là vẻ đẹp của sự hy sinh./.

 

 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511648

Hôm nay

2311

Hôm qua

2336

Tuần này

22022

Tháng này

218521

Tháng qua

121356

Tất cả

114511648