Xứ Nghệ ngày nay

Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Mai và duyên nghiệp với Ca trù

NNƯT Ngọc Mai tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2004

 

“Duyên trăm năm lòng chưa rũ sạch

Khách phong trần nặng nợ trần gian

Thú nước non bầu rượu cung đàn

Nghe tiếng hát bay qua mà lòng thêm thương nhớ…”

Những câu hát nỉ non, ma mị nghe như là tiếng vọng của quá khứ đã làm say đắm biết bao tao nhân mặc khách từ xưa đến nay, làm mê đắm biết bao bạn bè quốc tế, để thêm yêu văn hóa và con người Việt Nam. Đó là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể năm 2009 - nghệ thuật dân gian Ca trù. Trong nghệ thuật Ca trù, các nghệ nhân được xem là “báu vật sống” để lưu giữ linh hồn của di sản. Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Mai là một trong những “báu vật” đó.

Nghệ nhân Ngọc Mai tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1967), ở xã Diễn Liên (Diễn Châu ) - vùng quê giàu truyền thống văn hóa, văn nghệ. Ngay từ nhỏ, những câu ca, điệu ví ngọt ngào sâu lắng đã ngấm vào máu nên chị rất đam mê văn nghệ. Khi còn là học sinh, chị đã tham gia các hoạt động văn nghệ trong trường học. Thế nhưng lúc đó chị chưa biết đến Ca trù mà chủ yếu hát dân ca Ví Giặm. Nghệ nhân Ngọc Mai đến với Ca trù muộn, khi chị đã 30 tuổi. Chị cho biết tất cả cũng bởi một chữ “duyên”. Lúc đó, trong những lần đi tham gia phục vụ văn nghệ mừng thọ cho các cụ đầu xuân, chị được nhe các cụ hát Ca trù. Và Ca trù lâu ngày ngấm vào máu, trở thành đam mê trong chị lúc nào không hay. Bên cạnh đó, chị được trời phú cho chất giọng trong trẻo, rền vang là nền tảng tốt để chị có thể hát được Ca trù. Kể từ đó, chị thường xuyên lui tới để học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân trong xã Diễn Liên. Trong đó, Nghệ nhân Trần Hải là người đã phát hiện, khích lệ, giúp đỡ chị nhiều nhất. Đồng thời ở nhà chị thường xuyên mở đĩa của các nghệ nhân Ca trù ra nghe để học cách hát của các tiền nhân.

NNƯT Ngọc Mai (thứ tư từ trái sang) trong một buổi luyện tập cho các thành viên  CLB

Suốt 40 gắn bó với nghiệp ca hát, đặc biệt Ca trù, nghệ nhân Ngọc Mai đã không ngừng học hỏi để trau dồi kỹ năng hát và diễn xướng. Nói tới Ca trù là nói tới một loại hình nghệ thuật dân gian đậm tính “bác học”. Đây là một lối hát vừa “sang” vừa “trọng”. Bởi vậy nên nó rất ‘kén” người hát và “chảnh” người nghe, người hát và người thưởng thức được lối hát ấy không dễ mấy ai. Để có thể hát nhuần nhuyễn được Ca trù thì bên cạnh chất giọng bẩm sinh trời phú, nghệ nhân Ngọc Mai đã phải trải qua một quá trình rèn luyện trong suốt thời gian rất dài. Chị cho biết, hát Ca trù rất khó, từ cách lấy hơi, nhả chữ, gõ phách đều phải tập luyện. Biết hát là một chuyện nhưng hát làm sao để đạt tới độ điêu luyện, mượt mà, có thể ngân, rung, nẩy hột thì không phải ca nương nào cũng làm được. Khi hát, các ca nương miệng thì hát, tay gõ phách, tai phải lắng nghe tiếng đàn của đào kép và tiếng trống chầu của quan viên; phải biết ém hơi, nhả chữ, hát tròn vành rõ chữ. Tất cả đều phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn. Khó nhất là cách đánh phách bởi mỗi một thể là một phách khác nhau, nên học đánh phách không phải ngày một ngày hai mà được. Bên cạnh đó, ca nương phải học cả nghệ thuật múa và phải am hiểu thi ca. Chính vì khó như vậy nên nghệ nhân Ngọc Mai đã không ngừng trau dồi, tham gia học hỏi ở các lớp học nâng cao kỹ năng như: Lớp huấn luyện Ca trù thí điểm Diễn Châu (2004), lớp nâng cao truyền dạy Ca trù tại Viện Âm nhạc Hà Nội (2002). Ngoài ra, chị còn thường xuyên tham gia giao lưu với các CLB Ca trù, các Hội diễn Ca trù toàn quốc. Đó cũng là những dịp để chị học hỏi, giao lưu, và khẳng định thêm vị trí của mình trong làng Ca trù. Với những nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian dài, nghệ nhân Ngọc Mai đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ như: Huy chương Bạc tại Hội diễn Ca trù toàn quốc (2005); giải A Liên hoan Tiếng hát Làng Sen (2006, 2008); giải A và B hát, múa Lắc Sinh (2011), giải A lớp truyền dạy nâng cao Ca trù (2012)… Tất cả những giải thưởng, chứng nhận trên là sự ghi nhận cho những rèn luyện của chị và là nguồn động viên tinh thần để chị tiếp tục gắn bó với Ca trù.

Điều đáng trân quý ở nghệ nhân Ngọc Mai là luôn đau đáu về sự mai một của bộ môn Ca trù truyền thống; và trăn trở làm sao để bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của bộ môn nghệ thuật dân gian này. Bởi vậy, chị đã không ngừng học hỏi để nâng cao kỹ năng hát của bản thân, đồng thời cùng với những người yêu Ca trù thành lập các CLB Ca trù của xã Diễn Liên và của huyện Diễn Châu. Ở trong các CLB, ngoài những sinh hoạt thường niên của các thành viên trong CLB, chị còn truyền dạy lại cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ. Chị cũng tham gia truyền dạy cho các CLB Ca trù ở những xã lân cận: Diễn Xuân, Diễn Hoa, Diễn Yên, Diễn Mỹ… Cho đến hôm nay, chị đã tham gia truyền dạy Ca trù cho khoảng 80 người, trong đó có cháu Võ Thị Mai Anh (SN 1999) nay đã trở thành một ca nương thành danh, được nhân dân yêu thích và mến mộ. Những người chưa thành danh thì được chị truyền cho cái đam mê và tình yêu đối với Ca trù. Chị tâm sự rằng, thế hệ như các chị và các tiền nhân rồi cũng sẽ già và mất đi nên phải làm sao để truyền lại cho con cháu môn nghệ truyền thống cha ông để lại. Bởi vậy, những việc chị làm đều là tự nguyện, làm vì cái tâm. Quá trình gắn bó với Ca trù là một hành trình khổ luyện để thành danh nhưng không ai sống được bằng nghề. Với nghệ nhân Ngọc Mai, cái níu giữ chị với Ca trù chính là đam mê. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là với một người làm nghề nông như chị, nhưng nó không thể ảnh hưởng đến tình yêu và tâm huyết của chị đối với Ca trù. Chị vẫn miệt mài với những lớp học Ca trù, miệt mài tập luyện và đóng góp các tiết mục Ca trù trong những lần liên hoan, những ngày lễ hội. Từ trong làng, xã cho đến huyện, tỉnh ở nơi đâu có lời mời là chị đều tham gia: Hát phục vụ lễ mừng thọ đầu xuân, hát trong lễ hội Đền Cuông hàng năm, hát phục vụ khánh thành Quảng trường Hồ Chí Minh, hát phục vụ học sinh ở trường học… Với chị, còn được hát, được truyền dạy Ca trù là niềm vui, là hạnh phúc, là cuộc sống. Bác Trần Cảnh Yên, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca trù Diễn Châu chia sẻ: “Chị Ngọc Mai là một trong những hội viên đầu tiên, là cánh chim đầu đàn của CLB Ca trù Diễn Châu, là nghệ nhân có năng khiếu và hát được nhiều thể cách khác nhau. Chị có nhiều đóng góp cho CLB Ca trù của xã, huyện; luôn tâm huyết, có tinh thần, trách nhiệm cao, đặc biệt trong việc truyền dạy Ca trù. Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng luôn khiêm tốn, kiên trì học hỏi trau dồi kĩ năng”.

Với những nỗ lực phấn đấu, những thành tích đạt được và đóng góp của nghệ nhân Ngọc Mai cho nghệ thuật Ca trù thì danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú mà Nhà nước phong tặng cho chị là hoàn toàn xứng đáng. Chị rất vui về điều đó và tự nhủ rằng phải cố gắng để làm được nhiều điều hơn nữa cho nghệ thuật Ca trù.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442757

Hôm nay

2271

Hôm qua

2299

Tuần này

2570

Tháng này

217931

Tháng qua

112676

Tất cả

114442757