Điện ảnh
Những bộ phim xem hoài không chán
Bạn có thể xem các bộ phim khác nhau mỗi đêm và vẫn hầu như không thấm tháp gì so với khối lượng giải trí vô vàn mà chúng ta có. Vậy tại sao có quá nhiều người trong số chúng ta chọn xem những bộ phim mà chúng ta đã xem một lần, hai lần hoặc chục lần trước đây?
Trong thời đại luôn đầy ắp các bộ phim như hiện nay, chúng ta không cần phải tìm đâu xa để tìm thứ gì đó mới để xem. Không chỉ có nhiều bộ phim mới được phát hành hơn bao giờ hết, mà việc phát trực tuyến có nghĩa là chúng ta có thể chọn từ hàng ngàn bộ phim mà thậm chí không cần rời khỏi ghế sofa.
Bộ phim nổi tiếng Brief Encounter (1945)
Khi bộ phim “Trở Lại Tương Lai” (Back To The Future) xuất hiện trong lịch chiếu trên TV, tại sao chúng ta lại ngồi xem cho hết lần thứ 43 mặc dù chúng ta đã biết từng dòng kịch bản? Netflix (dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ đã có mặt trên 130 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam), đã tải lên 8.500 phút phim gốc của riêng họ vào năm ngoái, nhưng chính thông báo gần đây rằng phim “Vũ Điệu Hoang Dã” (Dirty Dancing) được phát trực tuyến mới gây ra sự cuồng nhiệt trên Twitter.
Ngay những phim mới thoạt xem ta nghĩ là không hấp dẫn, chẳng hạn như với tác giả,
là phim The Holiday, cũng được nhiều người xem đi xem lại không biết chán
Khi “Avengers: Hồi kết” (Avengers: Endgame) được tung ra trong năm nay, một người hâm mộ đã ghi tên vào sách kỷ lục với số lần xem hơn 103 lần. Nhưng kỷ lục này đã sớm bị đánh bại bởi một người đã đến rạp 116 lần để xem. “Trở Lại Tương Lai” (1985) thường được chọn vào danh sách các phim đáng xem đi xem lại nhiều lần. Mặc dù trên 100 lượt xem trong vòng vài tuần là mức độ cực kỳ nhiều, nhưng một cuộc hội ý nhanh giữa bạn bè cho thấy xem lại những phim mà chúng ta đã xem qua vô số lần là việc phổ biến.
Trở Lại Tương Lai (1985) thường được chọn vào danh sách các phim đáng xem đi xem lại nhiều lần
Một số tên phim đã được nhắc đến nhiều lần, như “Trở Lại Tương Lai” và “Vũ Điệu Hoang Dã” đã được đề cập ở trên, còn có khá nhiều phim kinh điển khác từ thập niên 1980 như “Ngày Nghỉ của Ferris Bueller” (Ferris Bueller's Day Off), “Top Gun”, “Hàm Cá Mập” (Jaws) và “Nàng Dâu Công Chúa” (The Princess Bride).
Nhạc kịch, bao gồm các vở “Grease, Singin 'In The Rain, Mary Poppins và The Sound of Music, cũng rất được ưa chuộng, cũng như các phim về điệp viên “James Bond”, “Bố Già” (Godfather), “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Star Wars) và “Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn” (Lord of The Rings). Các lựa chọn khác mang tính cá nhân hơn như “Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn” (Arrival), “What Lies Beneath”, “Dirty Rotten Scoundrels”, “The Burbs”, “An American Werewolf in Paris”. Ai can đảm sẽ thích xem lại “Quỷ Ám” (The Exorcist) thường xuyên.
Hồi năm 2016, trang dữ liệu FiveThirtyEight đã khảo sát 1.169 người để đưa ra danh sách 25 bộ phim được xem đi xem lại nhiều nhất, trong đó đứng đầu sổ là “Star Wars”, “Phù Thuỷ Xứ Oz” (The Wizard of Oz) và “Giai Điệu Hạnh Phúc” (The Sound of Music).
Danh sách các phim xem lại nhiều lần của một vài người bạn bao gồm: “Khi Harry Gặp Sally” (When Harry Met Sally), “Lạc Lối ở Tokyo” (Lost In Translation), “Gần Như Nổi Tiếng” (Almost Famous) và hầu hết các phim hài hước lãng mạn của thập niên 1990 (có người không chỉ thuộc từng câu thoại trong phim “Người Đàn Bà Xinh Đẹp”, mà cả lời của từng bài hát trong nhạc phim nữa).
Chỉ ra chính xác những phim nào chúng ta xem đi xem lại là rất dễ dàng. Nhưng lý giải chính xác tại sao chúng ta lại thích những phim như vậy là điều khó khăn hơn. Tất nhiên, có một hiển nhiên, chúng ta thích những phim đó, vì nghĩ rằng chúng xứng đáng được chú ý nhiều hơn những phim khác.
Khi các chương trình tìm hiểu trên Facebook hỏi về sự lựa chọn của khán giả, ví dụ đối với phim “Trở Lại Tương Lai”, thì câu trả lời được đưa ra là “đó là một bộ phim gần như hoàn hảo, với kịch bản hoàn hảo, diễn xuất tuyệt với và đạo diễn siêu phàm. Không có một cảnh nào thừa”.
Những phim như “Casablanca”, “Hoàng Đế Cuối Cùng” (The Last Emperor) và “Withnail Và Tôi” (Withnail & I) (phim hay nhất từng được thực hiện về tình bạn) cũng được chọn là những phim thường xuyên xuất hiện trong các cuộc bình chọn về phim hay nhất mọi thời đại.
Một người nói: "Một số phim là thứ mà tôi gọi là 'hoàn hảo' - chúng có câu chuyện hoàn hảo, nhạc nền gần như là thành phần của dàn diễn viên và quen thuộc đến nỗi bạn có thể dừng lại và bắt đầu bất cứ lúc nào. Chúng đem đến cảm giác thỏa mãn sâu sắc và bản thân bạn có thể tan biến trong phim, là tác phẩm điện ảnh chẳng khác gì một món ăn của hoài niệm. Do đó, đối với tôi, đó là những tác phẩm kinh điển như “A Night To Remember” và “Sink The Bismarck”.
Cũng hợp lý khi chúng ta muốn xem lại chúng để nắm bắt những sắc thái mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ trong lần xem đầu tiên. Nhưng trong khi điều đó có thể giải thích cho lần xem thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư, điều gì khiến chúng ta quay trở lại với một bộ phim khi chúng ta đã biết mọi tình tiết gay cấn và chi tiết của cốt truyện, và còn rất nhiều bộ phim khác đang chờ đợi chúng ta xem? Suy cho cùng, điều này không giống như nghe đi nghe lại một bài hát yêu thích. Nên nhớ một bộ phim thường kéo dài đến hai tiếng đồng hồ chứ không phải ba phút như một bài hát.
Một lời giải thích là xem thứ gì đó chúng ta đã quen thuộc dùng ít năng lượng trí óc hơn. Chúng ta không cần phải tập trung để suy nghĩ chuyện gì đang diễn ra bởi vì chúng ta đã biết. Chúng ta chỉ cần ngồi xuống và, kiểu như là, thả trôi. Mà như thế thì 'ít cực nhọc hơn, thư giãn hơn' như cách nói của một người bạn.
Khi phải đối mặt với lựa chọn quá áp đảo như vậy, đôi khi sẽ dễ hơn để thu mình vào những phim mà chúng ta biết sẽ không làm chúng ta thất vọng - cảm giác mà những người dành hàng giờ lướt qua các lựa chọn vô tận trên Netflix hoặc Amazon Prime sẽ nhận ra. Nếu chúng ta tình cờ thấy một bộ phim mà chúng ta yêu thích trên truyền hình mặt đất, sẽ có cảm giác như là lựa chọn đó được tạo ra cho chúng ta.
Một hiện tượng tâm lý được gọi là hiệu ứng 'tiếp xúc đơn thuần' - theo đó chúng ta hình thành tình cảm yêu thích cho những thứ quen thuộc - cũng có thể phát huy tác dụng. Vì vậy, chúng ta càng xem nhiều chừng nào, chúng ta càng muốn xem chừng đó.
Là người đã đi từ việc cho rằng “The Holiday” là một trong những bộ phim tệ nhất mà tôi từng xem cho đến việc xem nó liên tục mỗi dịp Giáng Sinh, tôi có thể liên hệ được lý do.
Các bộ phim trở thành một phần của truyền thống như thế là điều thông thường - đối với nhiều người, mùa Giáng Sinh chỉ chính thức bắt đầu sau khi họ xem “Elf” hoặc “Yêu Thực Sự” (Love Actually) và mùa Halloween khiến chúng ta xem lại các phim kinh dị mà mình yêu thích. Ngay những phim mới thoạt xem ta nghĩ là không hấp dẫn, chẳng hạn như phim “The Holiday”, cũng được nhiều người xem đi xem lại không biết chán.
Một nghiên cứu năm 2012 về 'tiêu thụ lại' văn hóa của Cristel Antonia Russell và Sidney J Levy, giáo sư tiếp thị tại Đại học Arizona, nhận thấy rằng việc xem lại phim cũng có thể khiến chúng ta suy ngẫm về việc chúng ta đã trưởng thành như thế nào, một thước đo tiềm thức để đo cuộc sống của chúng ta đã thay đổi ra sao.
Một phản hồi trên trang Câu lạc bộ Điện ảnh của BBC viết: "Có một số phim tôi thích xem lại vài năm một lần và xem dưới các định dạng khác nhau. Chẳng hạn như: các phim James Bond mà tôi đã xem trong rạp, xem trên TV, mua băng VHS, sau đó là DVD và bây giờ được tải xuống trên mạng."
Có lẽ một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta xem lại là sự hoài niệm, không chỉ về một giai đoạn trong lịch sử mà còn một giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta. Đó là một bản năng tự nhiên, theo như Clay Routledge, giáo sư tâm lý tại Đại học bang North Dakota, người nghiên cứu về sự hoài niệm, dĩ nhiên chúng ta muốn thưởng thức phim mới và có những trải nghiệm mới.
Tuy nhiên, một phần tâm lý con người là muốn có cảm giác liên tục, có cảm giác kết nối với nguồn gốc của mình. Có một số trải nghiệm văn hóa và cá nhân nhất định mà chúng ta muốn quay trở lại như là một cách để neo mình vào.
Cũng không hề có sự trùng hợp ngẫu nhiên là những phim chúng ta xem lại nhiều nhất là những phim chúng ta phát hiện ra lần đầu tiên khi còn nhỏ. Có vẻ như có cái gì đó về sự hình thành bản sắc và về những năm tháng thiếu niên và vị thành niên, khi mà mọi thứ thực sự gây ấn tượng với bạn. Giai đoạn đó là khi bạn vươn lên và nghĩ rằng: Tôi không còn là đứa trẻ trong gia đình nữa, mà là một cá nhân độc đáo đang định hình bản thân và các mối quan tâm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số trạng thái cảm xúc nhất định có nhiều khả năng đưa chúng ta đến những trải nghiệm hoài niệm hơn. Khi chúng ta cảm thấy buồn, cô đơn, hay lo lắng, hoặc không chắc chắn, chúng ta muốn một cái gì đó nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta đến từ đâu, hoặc chúng ta là ai. Lúc ấy chúng ta xem lại những phim cũ.
Chúng ta bị thu hút nhiều hơn vào những thứ quen thuộc và chúng ta biết chúng ta thích. Đó là lý do tại sao nhiều người trong chúng ta có những bộ phim 'thư giãn' mà chúng ta xem khi chúng ta cảm thấy không chắc chắn, căng thẳng hoặc ốm.
Có điều gì đó trong việc tìm về một bộ phim mà chúng ta biết rõ sẽ khiến chúng ta cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, ngay cả khi đôi khi nó nhuốm màu sầu bi. Điều này cũng hợp lý theo quan điểm tiến hóa. Giáo sư Routledge nói: "Nếu bạn cảm thấy lo lắng hay căng thẳng và cơ thể bạn đang nói với bạn rằng có lý do để lo lắng thì đó không phải là lúc để bắt đầu khám phá và chấp nhận rủi ro. Rõ ràng khi có cảm giác không an toàn về mặt thể chất thì đó cũng là lúc chúng ta cảm thấy bất định về mặt cảm xúc, chúng ta muốn điều gì đó đem lại cảm giác an toàn - đó là điều có thể dự đoán được, điều mà chúng ta biết."
Theo cách này, đắm chìm trong một chút hoài niệm có thể là điều tốt. Routledge nói: "Đó dường như là một cách tự nhiên mà nhờ đó con người có được cảm giác ổn định và an toàn."
Vậy những phim đáng để xem lại trong tương lai sẽ như thế nào? Liệu có phim nào trong những phim ra mắt ngày hôm nay về sau sẽ trở thành “Ferris Bueller's Day Off”, “Clueless” (Không Đầu Mối) hay “Star Wars”? Liệu các fan của “Avengers” có ngồi xem hết bộ “Hồi Kết” trong nhiều năm tới, xem đi xem lại cho tới khi đạt 300 lần không?
Dữ liệu Netflix công bố vào cuối năm 2018 cho thấy 50% những người đã xem các phim tình cảm lãng mạn dành cho tuổi teen phát trực tuyến như “Kissing Booth” (Bốt Hôn) và “To All the Boys I Loved Before” (Tặng Tất Cả các Bạn Tôi Đã Yêu Trước Đây) đã xem lại ít nhất một lần - và cả hai phim đều đang được lên kế hoạch phần kế tiếp - nhưng với rất nhiều thứ khác đang giành giật sự chú ý của thế hệ trẻ, có cảm giác không chắc chúng sẽ tạo dựng mình được như vậy.
Đã có những phim mới ra lò gần đây đã xem lại nhiều lần, bao gồm “Vì Sao Vụt Sáng” (A Star Is Born) công chiếu hồi năm ngoái và “Gọi Em Bằng Tên Anh” (Call Me By Your Name) hồi năm 2017. Liệu có ai mở lại những phim này sau 10 năm nữa hay không - bằng bất kỳ phương thức xem phim nào thịnh hành vào lúc đó - đây là điều không chắc chắn.
Tuy nhiên, nếu “Bốn Đám Cưới và Một Đám Ma” (Four Weddings and A Funeral) được chiếu lại trên truyền hình, chắc chắn sẽ có nhiều người muốn được xem đi xem lại.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511553
2216
2336
21927
218426
121356
114511553