Xứ Nghệ ngày nay
Bình đẳng giới: Nhìn từ công tác cán bộ nữ ở Nghệ An
Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2019.
Ảnh An Thư
Mục tiêu số 1 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011-2020 là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm công tác cán bộ nữ, từ tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và chính sách cán bộ.
Trước hết, trong công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, qua thống kê, kết quả phổ cập biết chữ cho nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đã tăng từ 97,8% giai đoạn 2007-2010 lên 99,7% năm 2016; Trong bộ máy hành chính các cấp, số lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới 16,5% (tính đến tháng 12/2018, tỉnh Nghệ An có 43.701/65.703 CB,CC,VC và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước là nữ, chiếm 66,5%). Chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng nâng lên, toàn tỉnh có 108 nữ/649 tiến sỹ (=16,6%); 1.497 nữ/3.088 thạc sỹ (=48,5%); 65.801 nữ/133.336 người có trình độ đại học (=49,3%); có 41.286 nữ/78.117 người có trình độ cao đẳng (=52,85%); có 52.783 (=40,8%)nữ có trình độ trung cấp. Những con số nêu trên cho thấy, phụ nữ đã được tạo cơ hội bình đẳng với nam giới trong học tập, trong tuyển dụng, trong nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở cũng được quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ về nhiều lĩnh vực. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa IX) của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp Hội PN trong tỉnh đã mở được trên 1.000 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và các chuyên đề cho trên 186.000 lượt cán bộ Hội các cấp; 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ cho nữ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ nữ trong quy hoạch chức danh Chủ tịch của 21 huyện, thành, thị Hội và cử 35 chị cán bộ chủ chốt cấp huyện tham gia lớp bồi dưỡng 01 tháng tại Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương,… Tỷ lệ nữ cán bộ công chức, viên chức được cử đi học các lớp Cao cấp lý luận chính trị chiếm 15-18%; 100% cán bộ Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ. Đến nay, 100% cán bộ Hội PN cấp tỉnh có trình độ Đại học; 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội PN các huyện, thành, thị; 99% Chủ tịch Hội phụ nữ cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định.
Từ việc phấn đấu học tập trang bị cho mình một nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao về chuyên môn, về lý luận chính trị, được tạo cơ hội việc làm, phụ nữ Nghệ An đã khẳng định mình trong sự nghiệp và dần nâng cao vai trò, vị thế của mình trong mọi lĩnh vực công tác.
Thứ hai, trong hoạt động chính trị, phụ nữ Nghệ An ngày càng được tạo cơ hội và phụ nữ cũng chủ động tham gia vào đời sống chính trị, đó là tham gia cấp ủy Đảng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, có 8 cán bộ nữ (=11,3%) được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tính đến tháng 9 năm 2019, BCH Đảng bộ tỉnh có 64 người, trong đó có 6 cán bộ nữ (=9,4%). 6 cán bộ nữ này đều có trình độ cao cấp/cử nhân chính trị và có trình độ chuyên môn đại học, trong đó 3 người có trình độ trên đại học (50%), 3 người tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiếm 17.64%. Có 25 nữ (= 19,8%) được đưa vào Quy hoạch cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025;
Ở cơ sở, cấp ủy huyện có 153/928 cán bộ nữ, chiếm 16,48%, trong đó, số lượng Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở là 33/276 người (=11,95%).Cấp ủy cơ sở xã, thị trấn: có 2.281/11.658 là nữ (= 19.5%).
Số lượng cán bộ nữ là Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng tăng qua các nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2016-2021, có 4/13 đại biểu Quốc hội là nữ (= 30,7%), tăng 7,62% so với nhiệm kỳ 2011-2016. Đại biểu HĐND tỉnh có 25/91 là nữ (=27,5%), tăng 9,86% so với nhiệm kỳ liền trước. Đại biểu HĐND cấp xã có 3.478/12.355 là nữ (= 28,2%) tăng 5,83%...
Số lượng cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay cũng khá lớn, chiếm 21,5% (trong đó cấp tỉnh: 6, cấp sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể 30 người (=22,22%), cấp huyện 131 người (=16,21%), cấp xã 1.399 người (=20,24%).
Như vậy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia hoạt động chính trị, được bổ nhiệm vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực.Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở đơn vị, địa phương; phát huy và khẳng định vai trò giới nữ trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Tóm lại, đội ngũ cán bộ nữ tỉnh Nghệ An từng bước được trưởng thành, tăng cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng lên, phụ nữ ngày càng chủ động tham gia vào đời sống chính trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ ở Nghệ An vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là:
i, Số lượng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở một số cơ quan, đơn vị mặc dù đã được tăng lên trong thời gian qua nhưng tỷ lệ còn thấp. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị thiếu tính ổn định và bền vững. Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND các cấp có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng so với mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn một khoảng cách khá lớn (Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ năm 2011-2016).
ii, Nhận thức về bình đẳng giới tuy có chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế xã hội và một bộ phận gia đình vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại, những định kiến giới, sự phân công vai trò giới mang tính truyền thống ở một số nơi vẫn chưa được thay đổi kịp thời, đã tác động tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vẫn còn có những bất cập, đa số CB,CC,VC nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó, chưa xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cho phụ nữ, phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm đến công tác cán bộ nữ, còn biểu hiện thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, đánh giá cán bộ nữ còn khắt khe.
iii, Các chính sách về độ tuổi, chỉ tiêu, quy trình quy hoạch... không tính đến đặc thù giới nên ít thuận lợi hơn với phụ nữ. Trong cơ quan, phụ nữ thường bị nhìn nhận kỹ hơn, những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ, sự thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, cũng như việc lựa chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ nữ đôi lúc còn thiếu khách quan. Một số ngành như y tế, giáo dục có tỉ lệ nữ đông nhưng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ rất ít.
iv, Nguồn cán bộ nữ đưa vào quy hoạch còn thấp, chưa có chiến lược tạo nguồn lâu dài. Nhiều phụ nữ chưa mạnh dạn tham gia vào quá trình quản lý xã hội và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Rào cản chính trong việc phụ nữ tham gia chính trị không phải do bất cập về năng lực hay động cơ mà là các yếu tố về gia đình, quan niệm về vai trò giới. Phụ nữ vẫn đang phải chịu những định kiến như: tư duy phụ nữ hạn chế so với tư duy nam giới, phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho gia đình nên ít có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, tâm lý tự ti của phụ nữ hạn chế sự phát huy năng lực và sở trường... Chừng nào những định kiến đó chưa được gạt bỏ thì điều kiện tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ vẫn còn bị hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau đây:
- Cần tiếp tục tăng cường giáo dục, tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhận thức vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác cán bộ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
- Các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ ở từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các tổ chức Đảng và Nhà nước phải đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ xuyên suốt. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị về xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; đặt yêu cầu chỉ tiêu cụ thể để các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ là nữ, nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; có chính sách khen thưởng, phê bình kịp thời.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng ở Nghệ An hiện nay. Chăm lo công tác này cũng có nghĩa chăm lo một phần quan trọng cái “gốc” của sự phát triển để góp phần thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh Nghệ An. Điều đó đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ nữ.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511610
2273
2336
21984
218483
121356
114511610