Những góc nhìn Văn hoá

Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Lê - Trịnh dưới thời Trịnh Cương

Trịnh Cương là một vị chúa đã để lại một số việc làm có ý nghĩa đối với đất nước dưới thời Lê-Trịnh. Ông ở ngôi chúa 20 năm (1709- 1729). Đây là thời gian cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã kết thúc, nhưng không phải vì thế mà đất nước không còn những biến động.

 

Sau một thời gian ngưng chiến, các tập đoàn thống trị không những đã ít quan tâm hơn tới đời sống xã hội mà ngược lại họ còn tăng cường hơn về sự sa hoa hưởng lạc, dẫn đến bùng nổ của nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, khiến chính quyền nhà nước Lê-Trịnh càng phải lo nhiều tới việc đối phó. Cùng thời gian đó, ở vùng biên viễn của đất nước cũng nổi cộm lên những vấn đề mà chính quyền Lê-Trịnh không thể làm ngơ, như vấn đề biên cương và vấn đề quan hệ Việt-Thanh. Kể từ sau khi nhà nhà Mạc bị nhà Trịnh đánh đổ, vùng biên cương phía bắc lại trở nên căng thẳng hơn. Trong nhiều việc làm nhằm ổn định tình hình chung, thì chính quyền Lê-Trịnh lúc này đã  ý thức rất rõ về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất  nước. ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Lê-Trịnh dưới thời Trịnh Cương thể hiện trên hai phương diện : Bảo vệ vùng biên cương Xác lập chủ quyền lãnh thổ qua quan hệ ngoại giao với nhà Thanh.

1..Bảo vệ vùng biên cương

Dưới thời Lê-Trịnh đơn vị hành chính cấp chính quyền địa phương được chia ra thành các : Trấn, Phủ, Huyện, Châu. Ngay từ buổi ban đầu, nhà Lê-Trịnh đã cho đổi các Đạo trong nước được đặt từ thời Lê Sơ thành các Trấn và các trấn được phân ra thành Nội trấnNgoại trấn. Nội trấn là những trấn ở đồng bằng như : Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc và Ngoại trấn là những trấn ở xa như : Lạng Sơn, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Tuyên Quang, An Quảng. Riêng hai trấn Thanh Hoá và Nghệ An thì triều đình Lê-Trịnh vẫn cho giữ nguyên. Tổng cộng khu vực Đàng Ngoài khi ấy  có 11 trấn. Đứng đầu trấn có các cơ quan: Trấn ty, Thừa tyHiến ty. Trấn ty có nhiệm vụ nắm giữ binh quyền và phụ trách tuần phòng ở địa phương. Quyền hạn đứng trên Thừa ty và Hiến ty. Quan lại đứng đầu Trấn ty là chức: Trấn thủ, Đốc trấn hay Lưu thủ, thường là những võ quan cao cấp do triều đình bổ nhiệm. ở các trấn bình thường thì đặt chức quan gọi là Trấn thủ. Riêng ba xứ Cao Bằng, Lạng Sơn và Nghệ An vì việc biên giới phiền kịch đều được đặt chức Đốc trấn. Thanh Hoá là chỗ căn bản quan trọng thì cho đặt chức Lưu thủ. Tên quan tuy không giống nhau, nhưng chức vụ coi trấn thì vẫn là một[1]. Như năm 1711, triều đình đã bổ dụng hoạn quan Đoàn Hữu Toàn làm Lưu thủ trấn Thanh Hoa[2], năm 1713, đặt hai viên Lưu thủ ở hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hoá[3], năm 1715, bổ dụng Nguyễn Công Hãng làm Đốc trấn Cao Bằng[4]. Từ thời Trịnh Cương, năm 1721, triều đình Lê-Trịnh bắt đầu bổ dụng một chức văn quan là Bồi tụng Đinh Phụ ích giữ chức Đốc trấn Lạng Sơn[5] mà trước đây viên quan Trấn ty các xứ , chuyên bổ dụng quan võ, đến nay bắt đầu cho quan văn giữ chức vụ này.

Vào thời Bảo Thái(1720-1729), Trịnh Cương cho đặt thêm chức Tuần thủ ở các trấn và đều dùng một viên võ quan sung vào làm chức này, trực thuộc Trấn ty, có nhiệm vụ đi tuần các nơi quan yếu. Sau thời Trịnh Cương, vào giữa đời Vĩnh Hựu(1735-1740) lại đổi chức Lưu thủ, Trấn thủ các trấn làm chức Đốc phủ, tên chức khác hẳn xưa[6]. Như vậy, đến đây ở Trấn ty của các trấn chỉ có một chức là Đốc phủ. Còn chức Đốc trấn đặt ở các trấn xa Cao Bằng, Lạng Sơn và Nghệ An thì vẫn giữ nguyên. Ngoài chức Đốc phủ, Đốc trấn, trong Trấn ty triều đình Lê-Trịnh còn đặt các chức Đốc đồngĐốc thị. ở những trấn bình thường thì đặt chức Đốc đồng, coi việc khám xét kiện cáo, lấy quan văn ( hàng Tứ, Ngũ phẩm ) trở xuống vào làm. ở những trấn lớn như Nghệ An thì cho đặt chức Đốc thị, dự coi việc biên cương, cũng lấy quan văn ( hàng Tam, Tứ phẩm) vào làm[7].

Tại cấp chính quyền địa phương, Trấn thủ là chức quan trọng nhất, được nắm mọi quyền hành, nên họ Trịnh đã tìm cách nắm lấy bằng việc bổ nhiệm những người thân thích và tin cậy vào làm. Ngay từ năm 1642, Trịnh Tráng đã cho các con đi giữ binh quyền Tiết chế ở các trấn, như : Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc trấn thủ Sơn Nam; Thái bảo Phủ quận công Trịnh Lịch trấn thủ Sơn Tây; Quỳnh Nham quận công Trịnh Lệ trấn thủ Kinh Bắc và Thiếu uý Hoa quận công Trịnh Sầm trấn thủ Hải Dương[8]. Ngoài việc cử những người thân thích đi trấn trị ở các trấn, Trịnh Tráng còn cử các quan, như : Thái thường tự khanh Phạm Công Trứ, Binh bộ Hữu thị lang Nguyễn Trừng, Công bộ Hữu thị lang Nguyễn Bình, Hộ khoa cấp sự trung Nguyễn Nhân Trừ, đều sung làm chức Tán lý ở bốn trấn trên[9]. Giao cho họ nhiệm vụ sửa chữa thay đổi chính lệnh thối nát, vỗ về yên ủi nhân dân địa phương.

Còn những trấn xa xôi  miền biên viễn thì họ Trịnh cho quan Trấn thủ các Nội trấn kiêm lĩnh hay giao cho một viên cận thần trong triều phụ trách. Những viên quan này thường không trực tiếp làm việc ở các Ngoại trấn, mà họ thường đóng ở các Nội trấn và điều hành công việc thông qua một tầng lớp trung gian giúp việc. Chứng tỏ vào thời gian đầu họ Trịnh chưa có khả năng kiểm soát được các trấn ở xa.

Cho đến thời Trịnh Cương thì triều đình Lê-Trịnh thấy công việc của các Ngoại trấn ở vùng biên cương có nhiều phiền phức nếu cứ để các quan ở Nội trấn hoặc quan trong triều kiêm quản thì khó lòng kiểm soát được khi có  những điều bất trắc xảy ra. Nên ngay từ năm 1712 ( sau khi Trịnh Cương lên ngôi chúa được 3 năm), triều đình Lê-Trịnh đã bắt đầu hạ lệnh cho các quan Trấn thủ ở biên giới phải đến đóng tại Trấn ty. Vì trước kia, các trấn ở xa như Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn… triều đình đã uỷ thác cho các viên quan ở Nội trấn kiêm quản lĩnh hoặc bổ dụng bầy tôi thân cận quản lĩnh, nhưng những viên quan kiêm quản này lại ở yên tại trấn, những viên quan thân cận thì quyến luyến ở kinh sư, chỉ khống chế vắng mặt. Trong khi địa thế giữa Nội trấn và Ngoại trấn cách xa nhau, mà công việc ở biên giới thì không thể nào dự định trước được. Triều đình thấy rằng, nếu quan cai quản không đóng ở trấn khi có biến cố xảy ra thì sẽ khó lòng quản cố. Ngoài ra, còn nhiều việc kiện tụng của dân trong trấn, nếu  quan coi trấn ở xa, mà Lại dịch ở gần cứ sách nhiễu thì khiến cho dân càng khổ cực. Vì vậy, triều đình đã hạ lệnh, từ đây trở đi  các quan trấn thủ ở biên giới đều phải đến làm việc tại lỵ sở như các viên Trấn thủ ở Tứ trấn( Nội trấn)[10]. Còn các trấn khác như Yên Quảng là nơi bãi biển xa xôi, trước do viên Trấn thủ Hải Dương kiêm quản thì đến đây triều đình cũng cử riêng một viên quan có tài năng, chuyên giữ trách nhiệm ngự phòng tại trấn này. Các Trấn thủ thuộc các ngoại trấn như : Tuyên Quang, Lạng Sơn cũng phải nhất luật theo chế độ Trấn thủ đến coi việc tại lỵ sở như các ngoại trấn khác[11].

Chủ trương này của chính quyền Lê-Trịnh đã đưa lại kết quả tốt là giữ yên được những trấn ở biên cương khi hữu sự. Như năm 1714, Lưu thủ Yên Quảng là Văn Đình Nhâm đã đem quân đánh dẹp yên được bọn giặc biển nhiều lần vào cướp bóc nhân dân ở đây[12]. Năm 1722, nhân thổ tù địa phương là  Đèo Mỹ Lâm chiếm Lai Châu, đánh phá châu Quỳnh Nhai, đốt phá nhà cửa của nhân dân và dựa vào thế lực của nhà Thanh để giữ đất, triều đình đã cử Lưu thủ trấn Hưng Hoá là Nguyễn Thành Lý, đem quân đánh dẹp , đất Hưng Hoá trở lại yên ổn[13].

Năm 1721, đối với các Ngoại  trấn xa ngoài biên giới, triều đình còn cho giảm bớt các quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện. Vì, theo lệnh của Trịnh Cương “ dân ở vùng biên giới bị phiêu tán, làng xóm tiêu điều, nếu không giảm bớt số viên chức đi thì sự cung cấp về bổng lộc, sự phiền nhiễu về đưa đón làm thế nào cho đủ được”, nên “ các quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hoá và Lạng Sơn đều tạm bớt đi, công việc của các viên quan ấy giao cả cho ty Trấn thủ nhận giữ. Duy chỉ có hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ Phú Bình cùng bảy huyện Tư Nông, Đồng Hỷ, Bình Tuyền, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ, Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, địa thế liền với Nội trấn, không thể ví như nơi biên viễn khác được, viên chức ở nơi ấy vẫn phải đến lỵ sở giữ chức phận như cũ. Ngoài ra, châu Vũ Nhai huyện Định Hoá, thuộc phủ Phú Bình và phủ Thông Hoá huyện Cảm  Hoá, châu Bạch Thông đều là những địa điểm ở xa, khí hậu phần nhiều lam chướng, đều theo lệnh đình bãi[14].

Để xác định rõ ràng ranh giới của đất nước, năm 1723, triều đình Lê-Trịnh đã cho định lại bản đồ trong nước( khu vực Đàng Ngoài) và cho định lại cương giới các đạo, phủ, châu, huyện, gồm : 13 đạo, 55 phủ, 226 huyện, châu. “Mốc giới chỗ này chỗ khác định lại rõ ràng, giao cho Thừa ty chia ra để cai quản”[15]. Nhờ thế, biên giới đất nước được xác định. Sách Đại việt sử ký tiền biên cũng ghi rõ chỉ dụ của triều đình là : “Cương gíới các quận trong nước hoặc căn cứ vào núi sông, hoặc dựa vào đồng bằng, nên làm cho dứt khoát. Vậy hãy bàn định việc chia vạch, để giới phận bờ cõ được chính xác”[16].

 

2. Xác lập chủ quyền lãnh thổ

Trong quan hệ bang giao với nhà Thanh đương thời, triều đình Lê-Trịnh luôn tỏ thái độ giữ thể diện cho đất nước và nắm vững chủ quyền của quốc gia. Dưới thời Trịnh Cương, vào tháng 12, năm Kỷ Hợi (1719), khi nhà Thanh cử sứ thần là Nội các điển bạ Đặng Đình Triết và Hàn lâm viện biên tu Thành Văn sang sách phong vua Lê làm An Nam quốc vương. Lúc sứ thần nhà Thanh đến, đã yêu cầu vua Lê khi nhận sách phong phải làm lễ 3 lần quì, 9 lần vái( tam quì, cửu khấu lễ) nhưng triều đình không chịu, lấy lẽ theo lễ nghi trong nước chỉ làm lễ 5 lạy, 3 vái ( ngũ bái, tam khấu). Trịnh Cương đã  cho người đưa thư xin làm lễ theo nghi thức của nước ta, cuộc tranh biện qua lại ba bố lần, buộc sứ thần nhà Minh phải chấp thuận[17]. Trước đường lối ngoại giao mềm mỏng của triều đình Lê-Trịnh, khi về nước sứ thần nhà Thanh đã tâu trình với vua Thanh về tình hình của nước ta rằng “ nước ta cảnh thổ bình yên, lễ độ đáng để cho người ngoài quan chiêm. VuaThanh lấy làm khen ngợi”[18].

Về vấn đề đất đai lãnh thổ giành giật giữa ta và nhà Thanh, triều đình Lê-Trịnh cũng có thái độ bền bỉ, lúc thì mềm dẻo và lúc thì kiên quyết. Vùng đất của ta ở Vị Xuyên và Thuỷ Vĩ, thuộc xứ Tuyên Quang, trước đây( năm 1688) bị thổ ty phủ Khai Hoá nhà Thanh xâm chiếm mất 120 dặm.Triều đình Lê-Trịnh cũng đã cử  các viên quan Trấn thủ và Đốc đồng Tuyên Quang là Lê Huyền, Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ đem thư sang Vân Nam biện luận rõ về việc này, nhưng thổ ty Vân Nam không chịu trả lại[19]. Từ đó vùng đất ở biên giới của ba châu nhiều chỗ bị mất về nhà Thanh mà nước ta chưa đòi lại được. Đến năm 1725, tổng đốc Vân Nam của nhà Thanh là Cao Kỳ Trác đã tâu với vua Thanh là cương giới của An Nam có chỗ bị xâm lấn, xin thi hành việc tra xét. Trước sự việc đó, triều đình Lê-Trịnh đã đưa thư sang biện giải. Triều đình đã cử Hồ Phi Tích và Vũ Công Tề giữ nhiệm vụ hội đồng với viên quan phái uỷ của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đến tận nơi để khám xét. Nhưng hai bên vẫn giằng co nhau không giải quyết được. Đến tháng 8, năm 1726, có tờ dụ của vua Thanh đưa sang, triều đình Lê-Trịnh bèn sai Vũ Đình Ân đi hội đồng lập giới mốc ở dưới núi Xưởng Chì. Từ đó, nhà Thanh mới trả lại cho nước ta 80 dặm, còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng, vẫn bị nằm vào phủ Khai Hoá( thuộc tỉnh Vân Nam) của nhà Minh[20].

Vùng đất 40 dặm có xưởng đồng của ta bị quan phủ Khai Hoá nhà Thanh chiếm chính là đất Tụ Long, một xã thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang, giáp giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc ngày nay). Vào thời Lê-Trịnh, Vị Xuyên là xã lớn nhất trong 31 xã của châu Vị Xuyên. Theo Lê Quí Đôn trong Kiến văn tiểu lục thì Tụ Long nằm trải rộng trên một vùng đồi thấp, đất tốt, thuận lợi cho việc trồng trọt. Nước dùng cho người và tưới cho cây trồng được lấy từ khe suối, ở những con suối ấy, nhân dân địa phương còn đặt cối giã gạo. Ruộng ở đây chỉ cấy một vụ mùa, mỗi mẫu thu hoạch được 20 gánh thóc[21]. Tụ Long còn là vùng đất có nhiều lâm thổ sản quí hiếm thời bấy giờ. Lâm thổ sản nổi tiếng là thứ gỗ thông mà người Trung Quốc rất chuộng. Sách Kiến văn tiểu lục cho biết thứ gỗ thông đều do người phương Bắc khai thác… hạng tốt gọi là “ngọc am” cứ 5 phiến trị giá 24 quan tiền, hạng “tứ nhĩ” ( thứ nhì) trị giá 10 quan tiền, hạng “tả nam” ( hạng kém) trị giá 5 quan, người Trung Quốc tranh nhau để mua[22]. Tụ Long đặc biệt là nơi có nhiều khoáng sản quí, nhất là mỏ đồng và bạc. Vào thời Lê-Trịnh những loại khoáng sản này đã được nhà nước tiến hành khai thác và quản lý. Chính do vị thế quan trọng về kinh tế của Tụ Long nên đã thu hút lòng thèm muốn của vua quan nhà Thanh và cũng là lý do mà viên thổ ty phủ Khai Hoá nhất định không trả lại vùng đất này từ những lần trước. Đã thế chúng còn cho đặt quan ải tại đây để đánh thuế. Triều đình nhà Lê-Trịnh thời Trịnh Cương đã nhiều lần làm văn thư gửi sang vua Thanh tâu bày việc này, vua Thanh cũng đã hạ sắc văn, dụ bảo quan địa phương bàn luận riêng về việc lập giới mốc, mặt khác hạ lệnh cho viên tổng đốc Vân Quí ( Vân Nam- Quí Châu) là Ngạc Nhĩ Thái khám xét lại. Nhưng Ngạc Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái uỷ của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn rồi tâu lại với vua Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hoá, không chịu trao trả. Vua nước Thanh tin theo và đã hạ sắc văn, dụ bảo nước ta phải theo lời trả lại. Sau đó Ngạc Nhĩ Thái đã làm tờ tư cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng viên thổ mục giữ quan ải của ta là Hoàng Văn Phác đã dùng lời lẽ kháng cự không chịu tiếp nhận tờ dụ tư đó, kéo dài tới 5, 6 ngày. Viên Ngạc Nhĩ Thái sinh ngờ vực là nước ta sẽ có mưu kế gì khác nên hắn lập tức tư sang tỉnh Quảng Tây chia địa điểm phòng bị nơi biên giới. Mặt khác hắn còn đem việc này tâu báo về triều đình nhà Thanh và xin điều động binh mã 3 tỉnh để phòng bị biên giới, nhưng vua Thanh không chuẩn y. Vua Thanh liền sai viên Tả đô ngự sử Hàng Dịch Lộc và Nội các học sĩ Nhậm Chi Lan  sang thẳng nước ta tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân tiện xem xét sự động tĩnh. Nhưng khi hai viên sứ giả này chưa tới nước ta thì quốc thư của triều đình Lê-Trịnh đã tới Yên Kinh. Trong thư của triều đình Lê-Trịnh lời lẽ mềm mỏng, giãi bày” lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời”. Vua Thanh đọc quốc thư rất vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, lại sai bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố dụ bảo, trong sắc văn nói việc tra ra đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả cả lại. Vào lúc này, biên giới phương Bắc được cảnh giới khá nghiêm ngặt, nên bên nước ta trong kinh ngoài trấn mọi người có ý nghi ngờ lo sợ, nhưng Trịnh Cương quyết đoán cho rằng, có lý nào không hấn khích mà lại sinh sự được, bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới, không được hành động càn rỡ.ỉtong lúc Trịnh Cương cẩn mật như thế, thi đến đúng tháng 6, năm 1728, sứ giả Hàng Dịch Lộc của nhà Thanh đã đến tới kinh đô  nước ta, quả nhiên nhà Thanh trao trả lại đất cũ Tụ Long cho nước ta và lại lập giới mốc ở sông Đổ Chú, biên giới giữa nước ta và nước Thanh khi đó. Lúc tiếp nhận sắc văn của nhà Thanh, Dịch Lộc vẫn yêu cầu ta phải cử hành nghi lễ 3 lần quì 9 lần vái, trước kia triều đình chống lại, nhưng lúc này vì giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia nên triều đình Lê-Trịnh cũng miễn cưỡng phải nghe theo. Triều đình cử Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Nguyễn Công Thái lênTuyên Quang để nhận đất và lập mốc giới. Đến lúc này, mưu đồ xâm chiếm đất đai của quan lại nhà Thanh vẫn chưa hết, viên thổ ty phủ Khai Hoá muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn, nên đã chỉ sai địa điểm sông Đổ Chú. Nhưng viên Tế tửu Nguyễn Công Thái của ta đã sớm phát hiện, tìm nhận ra đúng địa phận sông Đổ Chú, bèn cho dựng bia nơi giáp giới. Từ đấy việc biên giới hai bên mới ổn định[23].

Về việc này, sách Nhất thống chí của nhà Thanh cũng chép rằng : “Năm Ung Chính thứ 6(1728), tổng đốc Vân Nam xin tra xét rõ địa giới nước An Nam, phụng chỉ dụ đặc ân cho nước An Nam 40 dặm đất. Bèn lấy sông Đổ Chú ở vịnh Bạch Mã làm giới mốc”[24].

 

Việc 120 dặm đất ở Vị xuyên thuôc xứ Tuyên Quang thời Lê-Trịnh trong đó có 40 dặm đất của mỏ đồng Tụ Long bị quan lại nhà Thanh chiếm và được vua Thanh lần lượt trả lại cho nước ta vào nửa đầu thế kỷ XVIII đã thể hiện một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, bền bỉ, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết trên mặt trận ngoại giao của triều đình Lê-Trịnh trong việc giữ gìn lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền đất nước mà Trịnh Cương là người đóng vai trò quan trọng. Thắng lợi của công cuộc đấu tranh ngoại giao giành lại những vùng đất bị mất đã khẳng định những giá trị lớn lao của nền ngoại giao Đại Việt trong sự nghiệp bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia mà chính quyền Nhà nước Lê-Trịnh dưới thời Trịnh Cương đã đóng góp một phần không nhỏ.

 Chú thích:


[1]Phan Huy Chú  Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, tr. 29

[2] Việt sử thông giám cương mục, tập II, bản dịch  NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr.400.

[3] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.404.

[4] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.408.

[5] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.428.

[6] Phan Huy Chú  Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, tr. 29-30.

[7] Phan Huy Chú  Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, tr. 30.

[8] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.. 252.

[9] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.. 253.

[10] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.401.

[11] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.401.

    Đại việt sử ký tục biên, Bản dịch NXB KHXH, 1991, tr.66.

[12] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.404.

[13] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.432.

[14] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.426.

     Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr.85.

[15] Phan huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Bản dịch NXB Sử học, 1960, tr. 37.

[16]  Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr.91.

[17] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.416.

     Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr.76.

[18] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.416.

[19] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr..358.

[20] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.457.

    Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr.101..

[21] Lê Quí Đôn Kiến văn tiểu lục, Bản dich NXB KHXH, 1977, tr. 350.

[22] Lê Quí Đôn Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 334.

 

[23] Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.466-467.

      Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr.108.

[24] Theo Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.468.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529566

Hôm nay

232

Hôm qua

2277

Tuần này

21839

Tháng này

216262

Tháng qua

0

Tất cả

114529566