Nhìn ra thế giới

Sống chung với đại dịch đến bao giờ?

Khi nào đại dịch COVID-19 kết thúc và chúng ta còn phải sống chung với nó đến bao giờ? Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông tin Vương quốc Anh có thể "xoay chuyển tình thế" chống lại sự bùng phát trong vòng 12 tuần tới và nước này có thể "tống khứ virus corona".

Người đi dự sự kiện đua ngựa ở Cheltenham rửa tay để tránh lây nhiễm

Thế giới đang đóng cửa. Những nơi từng tấp nập với cuộc sống hối hả hàng ngày đã trở thành những thị trấn ma với những lệnh cấm áp đặt lên đời sống, từ giới nghiêm tới đóng cửa trường học đến hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người. Đó là một phản ứng toàn cầu vô song đối với một căn bệnh. Nhưng khi nào đại dịch sẽ kết thúc và chúng ta còn phải sống chung với nó đến bao giờ? Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông tin rằng Vương quốc Anh có thể "xoay chuyển tình thế" chống lại sự bùng phát trong vòng 12 tuần tới và nước này có thể "tống khứ virus corona". Nhưng ngay cả khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm trong ba tháng tới, thì bệnh dịch vẫn sẽ còn lâu mới kết thúc. Có thể mất nhiều thời gian để tình trạng này lắng xuống, có thể là mất nhiều năm.

Chiến lược thoát hiểm

Rõ ràng chiến lược hiện nay, đóng cửa một phần xã hội, là giải pháp không bền vững trong dài hạn, thiệt hại xã hội và kinh tế sẽ thảm khốc. Những gì các quốc gia cần là một "chiến lược thoát hiểm", một cách để dỡ bỏ các lệnh cấm và trở lại bình thường. Nhưng virus Corona sẽ không biến mất. Nếu gỡ bỏ các lệnh cấm hiện đang kìm hãm virus, thì các ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng vọt. "Chúng ta có một vấn đề lớn trong việc tìm ra 'chiến lược thoát hiểm' là gì và làm thế nào chúng ta thoát khỏi điều này", Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ tại Đại học Edinburgh nói. "Không chỉ ở Anh, không có quốc gia nào có chiến lược thoát thân."

Đó là một thách thức lớn về khoa học và xã hội. Về cơ bản có ba cách thoát khỏi tình trạng hiện nay: Chích ngừa; Đủ người phát triển khả năng miễn dịch thông qua nhiễm bệnh; Hoặc thay đổi vĩnh viễn hành vi/xã hội của chúng ta. Mỗi cách sẽ làm giảm khả năng lây lan của virus. Một loại vắc-xin sẽ cung cấp miễn dịch cho người dân để họ không bị bệnh nếu họ bị phơi nhiễm. Miễn nhiễm đủ số người, khoảng 60% dân số và virus không thể gây ra dịch bệnh. Khái niệm được gọi là miễn nhiễm bầy đàn hay miễn nhiễm cộng đồng. Người đầu tiên đã được tiêm vắc-xin thử nghiệm ở Mỹ trong tuần này sau khi các nhà nghiên cứu được phép bỏ qua các quy tắc thông thường về thực hiện thử nghiệm trên động vật trước tiên.

Nghiên cứu vắc-xin đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ thành công, và sẽ cần tiêm chủng trên quy mô toàn cầu. Dự đoán tốt nhất là mất tới 12 đến 18 tháng nữa mới có vắc xin nếu mọi việc suôn sẻ. Đó là một khoảng thời gian chờ đợi dài trong khi phải đối mặt với những hạn chế xã hội chưa từng có trong thời bình. Còn miễn dịch tự nhiên? Ít nhất hai năm nữa. Chiến lược ngắn hạn của Vương quốc Anh là ngăn chặn số ca nhiễm càng nhiều càng tốt để ngăn chặn việc các bệnh viện bị quá tải - khi hết giường chăm sóc đặc biệt thì số ca tử vong sẽ tăng đột biến. Khi các ca nhiễm bị trấn áp, có thể cho phép một số lệnh cấm hiện nay được dỡ bỏ trong một thời gian - cho đến khi các ca mắc lại tăng lên và một đợt cấm khác lại cần phải được áp đặt. Khi điều này có thể không chắc chắn. Cố vấn Y tế trưởng của Vương quốc Anh, Ngài Patrick Vallance, cho biết "đặt các mốc thời gian tuyệt đối vào mọi thứ là không thể".

“Biện pháp tiếp theo là những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi cho phép chúng ta giữ tốc độ lây nhiễm thấp,” Giáo sư Woolhouse nói. Điều này có thể bao gồm việc giữ một số biện pháp cấm đã được đưa ra. Hoặc xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân để có số người nhiễm ít nhất trong bất kỳ đợt bùng phát nào. "Chúng tôi đã thực hiện lần đầu tiên biện pháp phát hiện sớm và truy tìm người tiếp xúc với người nhiễm nhưng nó không hiệu quả", Giáo sư Woolhouse cho biết thêm. Phát triển các loại thuốc có thể điều trị thành công việc nhiễm Covid-19 cũng có thể hỗ trợ cho các chiến lược khác. Chúng có thể được sử dụng ngay khi người bệnh có triệu chứng trong một quy trình gọi là "kiểm soát truyền nhiễm" để ngăn chặn họ lây cho người khác.

Hoặc để điều trị bệnh nhân trong bệnh viện để làm cho bệnh ít nguy hiểm hơn và giảm áp lực phải chăm sóc tích cực. Điều này sẽ cho phép các quốc gia đối phó với nhiều ca nhiễm hơn trước khi lại cần thực hiện các lệnh phong tỏa. Tăng số lượng giường chăm sóc đặc biệt sẽ có tác động tương tự thông qua tăng khả năng đối phó với các vụ dịch lớn hơn. Cố vấn sức khỏe của Vương quốc Anh, Giáo sư Chris Whitty, giải thích chiến lược thoát hiểm của ông là gì. Ông nói: "Về lâu dài, rõ ràng vắc-xin là một cách và tất cả chúng ta đều hy vọng điều đó sẽ xảy ra nhanh nhất có thể." Và rằng "trên toàn cầu, khoa học sẽ đưa ra giải pháp". Cách thức phòng chống virus corona của từng quốc gia khác nhau, tùy theo tình hình và điều kiện từng nước, với nhiều điểm khác biệt khá thú vị.

Chiến lược “ngửa bài” của Anh

Chính phủ và y tế Anh nói thật và “ngửa bài” với dân. Thứ nhất, về nhận thức về dịch bệnh, thông tin từ các cơ quan y tế Anh đều chỉ rõ Covd-19 là virus nằm trong dải virus cúm nhưng là chủng mới có chung gốc với Virus SARS ngày trước... Vấn đề đặt ra là với các loại virus, y học hiện đại hiện mới dừng ở mức độ sử dụng vắc-xin (vaccine) để phòng ngừa và sử dụng thuốc kháng virus (anti-viral) để điều trị khi cơ thể đã bị nhiễm virus, mà cả hai phương thức này đều chưa có với virus corona. Nói một cách đơn giản, đây là căn bệnh vô phương cứu chữa với một số nhóm dân cư.

Như vậy, nói một cách thẳng thắn, với căn bệnh này thì khỏe sống yếu chết, không phân biệt sang hèn và cũng không đếm xỉa gì đến địa vị xã hội hay vị thế cá nhân. Người nhiễm bệnh nếu cơ thể chống chọi được khỏi sẽ tự khỏi còn nếu cơ thể quá yếu thì sẽ ra đi dù có can thiệp bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) đi chăng nữa, và các bệnh viện sẽ không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ giúp người bệnh kháng cự bằng cách cố gắng duy trì chức năng nhân tạo cho các cơ quan đang kiệt quệ. Sự thẳng thắn đến mức trần trụi này có lẽ tương phản với truyền thông từ phía một số quốc gia khác, khi mà thông tin nhà nước đăng hàng ngày đều nói, các bệnh viện đã chữa khỏi bệnh nhân bị nhiễm virus corona.

Các mạng xã hội của Việt Nam và Trung Quốc thường dẫn rất nhiều nguồn đích danh các bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus Corona tại các bệnh viện, theo đó khẳng định các biện pháp can thiệp của bệnh viện gồm các giải pháp tăng cường thể lực chung như truyền dịch, bù điện giải, giảm sốt... Về biện pháp phòng tránh, Việt Nam dựa vào sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục, theo mệnh lệnh hành chính, với các quy phạm rất cụ thể được đưa vào các văn bản có tính quy phạm pháp luật, mà ví dụ cụ thể gần nhất là Chỉ thị số 13-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020, trong đó yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”.

Quy trình 4 bước

Nước Anh công bố ngay từ rất sớm quy trình chống dịch theo bốn bước (Contain-Delay-Research-Mitigate, tạm dịch là Gói gọn mầm bệnh - Làm chậm lây nhiễm - Nghiên cứu miễn dịch - Giảm nhẹ thiệt hại). Bốn bước này được tiến hành song song, chuẩn bị và hỗ trợ cho nhau. Trên cơ sở chiến lược phòng chống này, Chính phủ Anh tiếp tục đưa ra các điều chỉnh dựa trên các kết quả khoa học, sự phát triển về nhận thức cũng như tình hình phát triển dịch bệnh trên thực tế. Các biện pháp trên thực tế mà phía Anh Quốc áp dụng đều dựa trên cách tiếp cận bình tĩnh và có phần lạnh lùng như nói ở trên, hướng tới việc giảm nhẹ thiệt hại, không chỉ về con người mà còn đỡ tổn thất cho các mặt đời sống xã hội và tránh việc ngừng trệ các dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, phía Anh cũng hướng tới việc sử dụng các biện pháp tác động gây ảnh hưởng “kép” không chỉ giúp khắc phục tình trạng hiện tại, mà còn giúp phục hồi sức sản xuất, phục hồi nhịp sinh hoạt thường nhật khi dịch giảm nhẹ.

Vậy nên các biện pháp đang được sử dụng hầu hết đều mang tính đòn bẩy (giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, chi trả tiền nghỉ ốm theo mức chuẩn quốc gia cho người lao động xin nghỉ tự nguyện để phòng dịch, không gọi trở lại hàng loạt y bác sỹ nghỉ hưu mà phân luồng bệnh nhân từ xa và phát huy triệt để khả năng tự kháng bệnh của cá nhân, không cấm nhập cảnh hoặc đóng cửa biên giới mà kiểm soát người nhiễm trên cơ sở triệu chứng bệnh, không đóng cửa trường học mà cho nghỉ các học sinh ốm và tăng cường khử khuẩn...). Tương phản với Anh, Việt Nam đang áp dụng một chính sách quyết liệt hơn nhiều, theo mô hình “Trung Quốc trừ“, tức là giống như Trung Quốc đã làm nhưng giảm nhẹ hơn một chút. Các trường học đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, các địa điểm có người đã xác nhận mắc bệnh bị cô lập bắt buộc trên diện rộng và những người nhiễm hoặc nghi nhiễm bị cách ly.

Bên cạnh các biện pháp cụ thể mang định hướng y tế, ở tầm chính sách chung, Chính phủ Anh ban hành nhiều văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thông nhất cho việc áp dụng các biện pháp liên quan đến bệnh dịch, trong đó nổi bật là Luật Phòng chống virus corona 2020 (The Health Protection - Coronavirus- 2020). Chính phủ Anh và các cơ quan truyền thông Anh quốc cũng rất nhanh nhạy trong việc mở một cuộc chiến truyền thông, để bảo đảm thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến người dân và kịp thời giải đáp những thắc mắc của họ. Thời lượng chiếm sóng của các chương trình liên quan đến virus Corona trực tuyến trên các phương tiện tương tác cao như mạng internet hay truyền hình việc rất lớn đến mức độ hầu như suốt ngày bạn đều có thể xem môt kênh truyền hình hỏi đáp trực tuyến liên quan những thắc mắc của người dân về virus Corona.

Vài trò của truyền thông

Các nhà lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trực tiếp cập nhật thông tin chính sách có liên quan đến virus Corona cho người dân với tần suất dày đặc. Ví dụ như, với Thủ tướng Anh Boris Johnson, không có ngày nào người đứng đầu chính phủ này không xuất hiện trước ống kính truyền hình về virus Corona. Có ngày, ông trực tiếp thông tin cho đại chúng đến bốn lần. Cách sử dụng ngôn từ của ông Johnson cũng hướng đến sự đồng cảm và thẳng thắn. Ví như trong lời phát biểu của ông trước các phóng viên về virus Corona, ông đã nói: “I have to level with you, I have to level with public, that some family may lose loved ones before their time” (Tạm dịch là: “Tôi phải ngửa bài với các quý vị, tôi phải thắng thắn với đại chúng rằng, vì đại dịch này mà nhiều gia đình trong chúng ta sẽ phải vĩnh biệt người thân của mình sớm hơn lẽ thường").

Tại thời điểm ấy, ông cũng nhắc đến việc, mặc dù lúc đó số người bị nhiễm bệnh ở Anh quốc chỉ hơn 600 người, nhưng các chính sách của chính phủ, dựa trên dự đoán theo mô hình của các nhà khoa học, là thực ra trong cộng đồng hiện nay, số người mắc bệnh sẽ khoảng 10-20 lần hơn như thế. Cách tiếp cận như vậy tuy có gây bức xúc cho một số người nhưng không gây hoảng loạn trong đại đa số người dân và mang lại sự bình tĩnh trong cộng đồng, với ngầm ý là chúng ta đã có sự chuẩn bị cho mọi tình huống. Đây cũng là cách tiếp cận của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, ví dụ như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dự đoán có thể 60-80% dân số Đức sẽ nhiễm virus; còn Văn phòng Nhà Trắng của Mỹ thì dự đoán khoảng 20% dân số Mỹ có thể nhiễm bệnh.

Cách tiếp cận như vậy khác biệt với cách tiếp cận kiểu “đại đoàn kết” của Việt Nam, nơi “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”. Và với sức mạnh ấy, cho tới nay, Việt Nam chưa có ca tử vong nào và số người nhiễm bệnh là trên hai trăm người. Có người nói rằng, chính sức mạnh tổng hợp ấy, chứ không phải thời tiết nóng ấm và khả năng tự kháng của con người Việt Nam - do không khí ẩm ướt, nóng và lạnh đan xen, cộng với nồng độ bụi cao, nên mức độ nhiễm lạnh và cúm mùa của người Việt Nam hang năm có thể đạt mức gần tuyệt đối - sẽ làm nên chiến thắng cho Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh dịch này./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443183

Hôm nay

274

Hôm qua

2305

Tuần này

2996

Tháng này

218357

Tháng qua

112676

Tất cả

114443183