Những góc nhìn Văn hoá

Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam

Lời mở

Internet là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX và có ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ XXI, làm thay đổi căn bản phương thức sinh hoạt, học tập, làm việc cũng như vui chơi, giải trí của người dân từ những đô thị hiện đại nhất đến những vùng nông thôn hẻo lánh nhất. Internet  giúp cho quá trình truyền đạt thông tin, giao lưu, kết nối giữa các cá nhân, tổ chức,quốc gia trên khắp hành tinh diễn ra cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả. Internet cũng góp phần thúc đẩy xu hướng bình đẳng thông tin, tự do ngôn luận và dân chủ hóa trên phạm vi toàn thế giới.

Ở Việt Nam, Internet mới xuất hiện trong khoảng 20 năm gần đây, nhưng tác động của chúng đến văn hóa và con người Việt Nam đã vô cùng mạnh mẽ. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của Internet trong đời sống con người hiện đại, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi mang tới những tác động tiêu cực và những hệ lụy khó lường nếu chúng ta không kiểm soát tốt.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển và sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay, bài viết đi sâu phân tích, làm rõ những tác động tích cực và tiêu cực của nó đến sự biến đổi của văn hóa Việt Nam.

1. Tình hình phát triểnvà thực trạng sử dụngInternet ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam được chính thức hòa mạng Internet toàn cầuvào ngày 19/11/1997. Tuy là quốc gia được hòa mạng muộn, nhưng trong hơn 20 năm quasự phát triển của Internet ở Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng. Hiện Việt Nam được coi là “một quốc gia Internet năng độngvới tỉ lệ người sử dụng tăng liên tục qua các năm,lọt vào top đầu các nước “tương tác cao với Internet”. 

Về số người dùng, theo “Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019”,  tính đến tháng 7 năm 2019, Việt Nam có tới 64 triệu người dùng Internet, chiếm 66% trên tổng số dân số 96,96 triệu người1. Tại các nước phát triển tỉ lệ này là 80-90%, và dự báo Việt Nam có thể đạt con số này trước năm 2020. Các dòng điện thoại phân khúc tầm trung và thấp liên tục ra đời giúp cho nhiều người Việt Nam có thể dễ dàng sở hữu những chiếc điện thoại thông minh và tiếp cận với Internet. Mặc dù dân số chỉ đạt gần 97triệu người nhưng số thuê bao điện thoại di động được đăng ký ở Việt Nam lên tới 143,3 triệu số, cho thấy phần đông người dân đã tiếp cận với điện thoại thông minh và không ít người sử dụng 2-3 chiếc điện thoại cùng lúc để phục vụ cho cuộc sống.

Về thiết bị sử dụng, người dân Việt Nam sử dụng rất đa dạng các thiết bị   truy cập Internet như: máy tính các loại (máy để bàn/desktop, máy xách tay/laptop, máy tính bảng/tablet), điện thoại di động thông minh/smartphone, thiết bị tivi có kết nối Internet...Theo một kết quả khảo sát, năm 2018 smart phone dần trở thành thiết bị truy cập mạng phổ biến nhất với tỷ lệ 72% người dùng;tiếp đến 43% thuộc về desktop và laptop; tablet đạt 13%;5% thuộc về nhóm thiết bị tivi có kết nối Internet 2.

Về thời lượng và tần suất truy cập, theo số liệu mới nhất vào tháng 7 năm 2019, có đến 94% người dân Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày và họ dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet, trong đó trung bình có 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút xem các stream hoặc các video trực tuyến,1 giờ 11 phút để nghe nhạc 3.

Năm 2019, mạng xã hội ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh với 62 triệu người dùng (chiếm 64% dân số, tăng 7% so với năm 2018). Số tài khoản sử dụng mạng xã hội trên điện thoại di động cũng tăng thêm 16% so với năm 2018. Một điểm khác biệt lớn trong năm 2019 là Youtube đã vượt mặt Facebook để trở thành mạng xã hội có hoạt động mạnh nhất tại Việt Nam (với tỷ lệ 96% trong những người sử dụng, trong khi Facebook tụt xuống vị trí 95%). Theo số liệu thống kê từ Google, Việt Nam đứng trong top 5 nước xem video trên Youtube nhiều nhất trên thế giới, đứng trên cả các nước có công nghệ phát triển như Nhật, Hàn, Đài Loan…1.

Từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chủ trương cấp tần số để thử nghiệm công nghệ 5G và đến năm 2020 khi thế giới triển khai 5G, Việt Nam sẽ là nước đi đầu với sản phẩm 5G "made in Vietnam" 2.

2. Đặc điểm của truyền thông trên mạng Internet

Cách thức truyền thông trên nền tảng Internet ngày càng được nhiều người sử dụng nhờ những đặc điểm, tính năng, ưu thế vượt trội so với các phương thức truyền thông cũ/truyền thống như sau:

- Nội dung thông tin phong phú, đa dạng về mọi thể loại, lĩnh vực, trình độ kiến thức nên thỏa mãn được nhu cầu của mọi đối tượng có tuổi tác, nghề nghiệp, sở thích, học vấn khác nhau.Dung lượng thông tin lớn và ngắn gọn, được lấy từ nhiều nguồn đa kênh, không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia.

- Cách truy cập, tìm kiếm rất đơn giản, tiện ích, linh hoạt, có thể sử dụng  mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần có một máy tính hoặc điện thoại nối mạng, thay vì phải đợi chờ, thao tác phức tạp như các cách tra cứu truyền thống. Người dùng có thể tự do lựa chọn tin tức, phim ảnh, các chương trình ca nhạc, tác phẩm văn học, loại hình giải trí… tại chỗ mà không phải đi lại hay tốn kém chi phí.

- Các thông tinđược đăng tải thường xuyên, liên tục, cập nhật. Chẳng hạn, riêng tin tức trên Google News được tự động cập nhật 2 phút/lần với khoảng 1200-1500 tin mới/ngày1.Các tin, bài, nội dung không phải qua các khâu in ấn, phát hành, thao tác công bố đơn giản,luôn cập nhật nhanh nhất những tin tức sốt dẻo, những bộ phim, chương trình ca nhạc “hot”, những sản phẩm mới “ra lò”… Do vậy, thông tin được truyền đạt kịp thời, tức thì, phù hợp với “nhịp sống số” của thời hiện đại.

- Truyền thông trên mạng có tính tương tác, kết nối cao, đáp ứng tối đa nhu cầu giao tiếp, chia sẻ,thể hiện bản thân,nên được người dùng đặc biệt là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận. Sức tác động của thông tin rất rộng, cùng lúc lan toả tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội.

- Truyền thông trên Internet tạo điều kiện cho sự bình đẳng hơn trong tiếp nhận và xử lý thông tin, tính dân chủ hơn trong đánh giá và bình luận thông tin, đáp ứng nhu cầu của một xã hội phát triển.

- Về hình thức, do có thể đồng thời tích hợp truyền thông đa phương tiện (multimedia: văn bản, âm thanh, hình ảnhtĩnh, hình ảnh động, đồ họa, video…) với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, màu sắc phong phú, nên rất sinh động, bắt mắt, hấp dẫn người dùng.

Chính nhờ những đặc điểm đó mà các cách thức truyền thông mới thông qua Internet đã phát triển một cách nhanh chóng và ngày càng chiếm ưu thế trong xã hội đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi có những  mặt trái không mong muốn, mà cụ thể là:

- Quyền tự do đưa tin trên mạng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Nguồn tin tức phong phú,đa chiều,lẫn lộn cả tin chính thống lẫn không chính thống, vì vậy việc chọn lọc thông tin không phải dễ dàng.Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thậm chí lợi dụng môi trường mạng để phát tán các thông tin giả, thất thiệt, độc hại, gây tâm lý hoang mang cho xã hội không phải là hiếm.

- Không có sự giới hạn vềkiểm định và giám sát, nên các trang web được tự do tung hoành, nhiều thể loại phim “đen”, phimsex, phim bạo lực,kinh dị, trò chơi trực tuyếnđược truy cập không hạn chế, kể cả đối với thanh, thiếu niên và trẻ em.

- Do phải chạy đua để đưa tin nhanh, cập nhật, nên không tránh khỏi tình trạng đưa tin “mì ăn liền”, dễ dãi, coi nhẹ tính chính xác, hoặc tập trung vào những chủ đề câu khách, giật gân nhằm câu “view”, câu “like”, miễn là thu hút được tối đa lượng người truy cập. Những thông tin lá cải về giới showbiz, scandal của những người nổi tiếng, chuyện “cướp, giết, hiếp” nhan nhản trên mạng nhiều khi phản ánh không trung thực, khách quan về bức tranh xã hội.

- Tự do thông tin quá trớn tạo điều kiện cho những ứng xử kém văn hóa  hoành hành. Hiện tượng bình luận ác ý, ném đá, nhận xét thô thiển về những chủ đề, lĩnh vực mà người nhận xét không đủ vốn sống, tri thức để tham gia bình luận là khá phổ biến.

3. Tác động của Internet đến sự biến đổi văn hóa ở Việt Nam

3.1. Những tác động tích cực

3.1.1. Tác động ở cấp độ bề mặt

Internet có những tác động mạnh mẽ, toàn diện, đa chiều đến sự biến đổi của văn hóa ở Việt Nam hiện nay trên các cấp độ khác nhau. Ở cấp độ bề mặt, chúng dẫn tới  những biến đổi mang tính ngoại hiện, bề nổi, dễ nhận thấy ở các yếu tố dễ biến động của văn hóa, như các thói quen, nề nếp sinh hoạt, cung cách ăn, mặc, ở, cách thức giao tiếp, ứng xử… Những biến đổi đó vô cùng đa dạng và phong phú, trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung vào các biến đổi như sau:

- Thay đổi cách thức tìm kiếm và chia sẻ thông tin

Internetđanglàm thay đổi mạnh mẽcách thức tìm kiếm, tra cứu và chia sẻ thông tin, phục vụ cho việc học tập, làm việc, vui chơi, giải trí của con người.Chưa bao giờ việc tìm kiếm, khai thác nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại lại dễ dàng và đơn giản đến thế. Chỉ cần một cú kích chuột, mọi thông tinvề các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội,các trithức thường thức và hàn lâm,các tin tức cũ và mới về tình hình trong nước và quốc tế đều hiện ra ngay lập tức. Google là một kho kiến thức vô tận về mọi mặt của cuộc sống. Đại đa số người dùng Việt Nam hiện nay đều thấy khó có thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu sự trợ giúp của Internet.Theo một khảo sát tiến hành với đối tượng là thanh, thiếu niên có đến 95% tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội, trong đó có 55% ở mức độ thường xuyên, 40% ở mức độ thỉnh thoảng, và chỉ có 5% chưa từng tìm kiếm các thông tin dịch vụ thông qua mạng xã hội1.Những tiện ích của việc tìm kiếm kiến thức trên mạngđanglàm thay đổi căn bản cung cách học tập và làm việc của mọi người Việt Nam hiện nay, nhất là đối với giới trẻ.

- Thay đổi cách thức hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa

Internetcũng đang làm thay đổi thói quen đọc, thói quen nghe - nhìn truyền thống, đưa tới những cách thức thụ hưởng và tiêu dùng văn hóa hoàn toàn mới mẻ phù hợp vớithời đạimới.Phương thức đọc của nhiều người đang thay đổi từ đọc sách in sang sách điện tử đọc trên máy tính hoặc các công cụ hỗ trợ khác, từđọc theo chiều ngang và lật qua trang sang đọc từ trên xuống dưới, hoặc đọc theo hình chữ F: từ trên xuống dưới (quan sát), từ trái sang phải (quan tâm)2. Thay vì chỉ đọc tác phẩm, người đọc có thể tìm hiểu những thông tin liên quan qua các đường link về tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời, các bài nhận xét, khác hẳn với cách đọc truyền thống thường tuần tự theo các bước: tìm kiếm, đọc, đồng cảm, phê bình, đánh giá.

Sự tồn tại của các kho phim , kho tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh khổng lồ trên mạng góp phần làm thay đổi cách tiếp nhận và thụ hưởng văn hóa  của công chúng. Nếu trước đây, họ phải đến các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, các cuộc triển lãm để tiếp xúc với tác phẩm, thì hiện nay họ có thể “trùm chăn ngồi nhà” xem phim, nghe nhạc, thưởng thức các chương trình biểu diễn. Nếu trước đây công việc bình luận, đánh giá tác phẩm chủ yếu thuộc về các nhà phê bình, lý luận văn học, thì hiện nay người đọc có toàn quyền tham gia vào quá trình này. Họ cũng có thểtham gia các hoạt động liên quan như viết blog, chia sẻ ảnh, video-clip, trao đổi trêncác diễn đàncủa các hội/nhóm cùng sở thích (fandom). Hiện nay âm nhạc trực tuyến không chỉ tồn tại trong các bài hát, buổi biểu diễn, mà còn tồn tại trong hoạt động giao lưu, chia sẻ và kết nối của các nhóm hâm mộ  khiến cho các sản phẩm âm nhạc như được nối dài.

- Thay đổi cách thức sáng tạo văn hóa

Internet cũng tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi cách thức sáng tạo văn hóa, mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và công chúng. Trước hết, điều đó thể hiện trong văn học mạng. Đólà những tác phẩm được thai nghén, sinh thành và vận động hoàn toàn trên môi trường mạng.Người đọc chính là người thẩm định, đưa ra ý kiến khen chê, định hướng tác phẩm, đồng hành cùng tác giả. Người đọc không còn đơn thuần là người thưởng thức tác phẩm nữa, họ đã trở thành những người đồng sáng tạo.

Đối với các loại hình nghệ thuật khác, sự phản hồi, tương tác của công chúng cũng là một kênh quan trọng đo lường chất lượng và hiệu quả của tác phẩm. Hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, YouTube đều có tính năng đo lường phản ứng của khán giả thông qua số lượng người xem (view), số lượng người thích (like) hoặc không thích (dislike), giúp cho các tác giả có sự điều chỉnh để hoàn thiện công việc sáng tác của mình.

- Tác động đến thị hiếu, thẩm mỹ trong thời trang, ẩm thực

Không gian mạng là nơi phổ biến nhanh nhất các trào lưu, xu hướng thời trang mới của thế giới. Qua đó, người dùng Việt Nam biết đến những phong cách thời trang rất khác nhau, chẳng hạn street (đường phố: đơn giản, tiện lợi), classic (cổ điển: sang trọng, hoài cổ), all black (tuyền đen: đơn giản, cá tính, nội tâm), sporty (thể thao: trẻ trung, năng động, hoạt bát), vintage (lãng mạn, nhẹ nhàng, tinh tế), unisex (liên kết giới tính: dùng cho cả nam và nữ, mạnh mẽ, phóng khoáng, đôi khi “nổi loạn”)… Nhìn chung, người dân Việt Nam ngày càng ăn mặc đẹp hơn, hiện đại hơn, mốt hơn. Điều đó giúp cho họ tự tin hơn trong giao tiếp, làm ăn với các đối tác, nhất là đối tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Người dân Việt Nam cũng dần quen với sử dụng ẩm thực trực tuyến.  Thông qua các trang đặt thức ăn trên mạng, các món ăn nhanh (fasst food) của các thương hiệu mạnh: KFC, Pizza Hut, Burger King, Auntie Annes Pretzel, Jollibee, McDonalds... ngày càng phổ biến, rất tiện ích và phù hợp với nhịp sống hối hả, bận rộn thời hiện đại. Đến nay mô hình này đã lan sang cả các món ăn Việt Nam như các món ăn sáng, đặc sản địa phương và thậm chí là thực đơn bữa ăn hàng ngày. Tình trạng này dẫn tới việc nhiều gia đình bắt đầu giảm bớt thói quen nấu nướng tại nhà, ăn đồ chế biến sẵn hoặc đặt từ các nhà hàng, do đó người phụ nữ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tập trung chăm sóc cho con cái nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các “căn bếp online” trên Internet cũng ngày càng chất lượng, có nhiều food blogger và trang web có uy tín về ẩm thực như: TripAdvisor, Tasting Vietnam, Foodbook, nhacuacoffeholic, Clingme… Từ đó có ảnh hưởng lớn đến ẩm thực Việt Nam, làm đa dạng thực đơn các món ăn và nâng cao kỹ thuật nấu nướng của mọi người.

- Thay đổi văn hóa giao tiếp, cung cách làm việc

Giao tiếp điện tử đang làm thay đổi sâu sắc văn hóa giao tiếp của con người: đó là sự giao tiếp xuyên không gian, xuyên quốc gia, không bị giới hạn bởi các đường biên giới. Kết nối giao tiếp trở nên rất dễ dàng, đặc biệt là giao tiếp ẩn danh, giao tiếp nhập vai. Giao tiếp ẩn danh hiện đang tạo nên một làn sóng bộc lộ con người cá nhân trên mạng. Giao tiếp trên Internet thúc đẩy một kiểu giao tiếp toàn cầu, tạo nên một thứ "văn hóa toàn cầu" hay là toàn cầu hóa giao tiếp. Trên các trang Facebook, Twitter… mọi người đều có thể kết bạn, giao lưu, chia sẻ không giới hạn.

Trong bối cảnh “nhịp sống số” năng động, sự trợ giúp của mạng góp phần tạo nên một tác phong làm việc khẩn trương, nhanh nhẹn. Con người trở nên chủ động, linh hoạt hơn, biết tận dụng thời gian, làm nhiều việc cùng một lúc. Giới trẻ chịu ảnh hưởng rõ rệt của phong cách giao tiếp văn minh: đúng giờ, chỉn chu, lịch thiệp, đàng hoàng. Theo kết quả một nghiên cứu, có 64.8% sinh viên đồng ý và rất đồng ý có những hành vi, cử chỉ học theo các nhân vật trong phim phương Tây trên mạng (Phạm Thị Hằng 2018).  Trên phương diện tích cực, tác phong làm việc khẩn trương, tinh thầnkỷ luật, cách ứng xử văn minh là rất cần thiết đối vớingười Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Tác động đến sự thay đổi ngôn ngữ 

Môi trường Internet đang góp phần tạo nên một loại ngôn ngữ mới thường được gọi làngôn ngữ mạng, "ngôn ngữ thời @". Loại ngôn ngữ này hết sức đa dạng, đầy tính "biến hóa" và sáng tạo, bởi đó là tổng hòa của các "ngôn ngữ chát", "ngôn ngữ tuổi teen", "ngôn ngữ 9X", "ngôn ngữ giới trẻ”,ít chịu sự ràng buộc, gò bó như ngôn ngữ chính thống (Vũ Anh Tú 2018).

Do vậy,tiếng Việt trên không gian mạng là một thứ tiếng Việt tươi mới, sinh động, lấp lánh màu sắc, góp phần làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Những yếu tố mới trong từ vựng, ngữ pháp, cú pháp, việc vay mượn các thuật ngữ khoa học-công nghệ, các từ tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anhgiúp cho tiếng Việt linh hoạt, uyển chuyển, hội nhập tốt hơn với thế giới

3.1.2. Tác động ở cấp độ chiều sâu

Đó là những tác động tới các yếu tố nằm trong tầng sâu của văn hóa như: nhận thức, tư duy, suy nghĩ, tâm thức… Những yếu tố này chậm thay đổi hơn so với các yếu tố bề mặt, nhưng khi đã thay đổi, chúng có thể dẫn tới những biến đổi sâu sắc ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của một dân tộc.

- Thúc đẩy quá trình cá nhân hóa, khuyến khích phát lộ tài năng cá nhân

Trên môi trường mạng các cá nhân có điều kiện tối đađể khám phá, thể hiện và phát huy sở trường, nănglực, sức sáng tạocủa mình. Mỗi người đều có quyền ngang nhaubộc lộ hết “cái tôi”, tài năng cá nhân, thể hiện quyềntự do tư tưởng,tự do hành độngcủa mình.Trên các trang web cá nhân, blog, diễn đàn… ai cũng có quyền nói, quyền phát biểu quan điểm, khẳng định bản thân.

Internet là không gian tự do nhất cho các hoạt động sáng tạo và truyền bá sáng tạo. Tại đây đang diễn ra những thử nghiệm văn học, nghệ thuật đa dạng và táo bạo nhất. Các thử nghiệm này không sợ bị phê phán, lên án hay cấm đoán và chúng nhanh chóng được phát hiện,đánh giá và công nhận trong cộng đồng mạng. Điều đó tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực về chủ đề phản ánh, phương thức thể hiện của văn học, nghệ thuật, kích thích những cách tân trong ngôn ngữ, thể loại, cách biểu đạt, thủ thuật, kỹ xảo làm nghề. Không ít ca sĩ, nhạc sĩ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam được phát hiện thông qua môi trường này.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực văn học, các “nhà văn mạng” đã tạo nên một dòng “văn chương bàn phím”thổi mộtluồng sinh khí mới cho văn học Việt Nam.Trong không gian tự do của mạng, các tác giả được sáng tạo một cáchđúng nghĩa, không bị chế ngự, ràng buộc bởi các khâu biên tập, kiểm duyệt... Xuất hiện những nhà văn mạng có lượng độc giả rất đông đảo như: Trần Thu Trang, Hồng Sakura,Gào, Keng, Kawi Hồng Phương, Hà Thanh Phúc…

Trong lĩnh vực âm nhạc, không gian mạng là lãnh địa của các nghệ sĩ Undergroundvà Indie, những người hát theo niềm đam mê chứ không chạy theo xu hướng thị trường, với các tên tuổinhư:Suboi, Dalab, Đen, Linh Cáo, Thái Vũ, Mr.A, Lynk Lee, Mr.Siro, Lê Cát Trọng Lý, Lil’Knight, Karik, Kimese, Mr.T, Yanbi,  Tourliver, Trang Pháp,  Cường Seven… Điểm chung của họ là sự trong sáng, tự nhiênvà thoải máitrong sáng tác, không hề bị gò ép theo những khuôn phép cứng nhắcthông thường.

Phong trào cover ca khúc, chụp ảnh nghệ thuật, quay video-clip, làm phim ngắnđể chia sẻ trên mạng đang trở nênrất phổ biếnmàYouTube là địa chỉhàng đầu.Nhờ đó làng giải trí Việt xuất hiện thêm nhiều gương mặt trẻ tài năng, cá tínhvà đầy sáng tạo. Nhiều phát minh, sáng chế trên mạng của các bạn trẻ cũng được giới chuyên môn đánh giá cao.Xuất hiện một đội ngũ các nhà phê bình bloger, luôn phát biểu thẳng thắn, công khai những suy nghĩ, chính kiến của mình về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Tiếng nói và hiệu quả của những phê bình đó nhiều khi có sức nặng không kém gì các cây bút phê bình “chuyên nghiệp”và “chính thống”.

-Tạo điều kiện dân chủ hóavà khuyến khích ý thức công dân.

 Với tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện và trực tiếp, lại có sự tương tác cao, môi trường Internet đang kích thích các tầng lớp dân chúng quan tâm đến những vấn đề thời sự của xã hội. Trên cáctrang mạng,diễn đàn mọi người đều có quyền bày tỏ chínhkiến, quan điểmtrướcnhững vấn đề trọng đạicủa đất nước, những sự kiện nóng của xã hội. Các bàn thảo, phản biện công khai, dân chủ trên không gian mạng giúp họ biểu lộ và phát huy tinh thần công dânvàquyền tự do ngôn luận.

Đặc biệt, thường là giớitrẻkhông quan tâmlắmđến đời sống chính trị -xã hội theo kiểu truyền thống, song họ lại tỏ ra đặc biệt gắn bó và có trách nhiệm thông qua môi trường mạng. Trong tay những người trẻ có nhiệt huyết, Internetbiến thành một công cụ rất hữu hiệu để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

- Góp phần gia tăng sự bình đẳng trong xã hội

Bằng nhiều hình thức khác nhau, môi trường mạng đang góp phần làm giảm bớt sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, giữa cha mẹ và con cái, giữa người giàu và người nghèo, giữa người có địa vị và dân thường, giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, giữa người Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.

Đặc biệt, không gianmạngtạo điều kiện cho các nhóm thiểu số, yếu thế, chịu thiệt thòi được cất lên tiếng nói. Nhờ cókhông gian này, các nhóm thiểu số, dị biệt,“ngoài lề” như đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, chuyển giới… đã dám phá vỡ“vòng xoáy im lặng”vốn tồn tại dai dẳng trong lịch sử loài người để tự do thể hiện tình cảm,tình yêu, khát vọng của mình cũng như tham gia vào đời sống xã hội(Từ Thị Loan 2019a).

-  Thúc đẩy sự dung hòa với những khác biệt văn hóa bên ngoài

Các tiếp xúc, giao lưu văn hóa rộng rãi trên môi trường mạngcũng góp phần tăng cường sự hiểu biết và đồng cảm giữa các nền văn hóa, nâng caokhả năng hội nhập của người dân. Internet giúp các cộng đồng, dân tộc, nhóm người  xích gần nhau hơn, cónhững thay đổi tích cực về phong tục, tập quán, khiến họ dễ dung hòa hơn với những khác biệt văn hóa bên ngoài.Không chỉ khôngphản đối cái mới, cái lạ, cái khác biệt, họ còn dám đón nhận nó, xem xét nó và có thể tìm hiểu, học tập, làm theo nó.

Việc nghe các ca khúc tiếng Anh,xem những bộ phim bằng tiếngnước ngoài, theo dõi các sự kiện quốc tế cũng kích thích giới trẻ trau dồi và học tập ngoại ngữ,rèn luyện các kỹ năng sống, trang bị kiến thức đểhọ có thể hội nhập quốc tế tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

3.2. Những tác động tiêu cực

3.2.1. Tác động ở cấp độ bề mặt

- Làm lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến nề nếp sinh hoạt, sức khỏe, tâm lý

Việc đắm chìm trong không gian mạng mọi nơi, mọi lúc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người. Khi suốt ngày “ăn Facebook”, “ngủ Facebook”, lướt web, “on line” thường xuyên, họ có thể sa vào căn bệnh “nghiện Internet” mà tiêu biểu nhất là nghiện mạng xã hộivà nghiện game online/trò chơi trực tuyến, từ đó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, công việc, học tập. Những biểu hiện của bệnh cũng giống như nghiện ma túy: bệnh nhân thèm vào mạng xã hội, thèm chơi game, mất tập trung, luôn nói về nhữngđam mê này và hoàn toàn mất đi các hứng thú khác. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có các biểu hiện như quên thời gian, sao lãng ăn uống, ngủ, nghỉ, dễ nổi cáu, hay tức giận vô cớ, căng  thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng. Ở mức độ nặng thì có thể dẫn tớirối loạn tâm lý, trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt...

Việc tiếp xúc liên tục, ngồi lì quá lâu với màn hình máy tínhvà điện thoại di độngcũng làm ảnh hưởng lớnđến thị lực,giảm sút khả năng vận động, không tỉnh táo trong nhận thức. Nhiều học sinh, sinh viên trở nên thiếu ngủ, xanh xao, học lực kém, cá biệt có những em phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt thểlựcdo vào mạnghoặc chơi game liên tục, ăn uống thất thường.Kết quảkhảo sát cho thấy,có 69,3% người được hỏi cho rằng việc nghiện Internet gây ra Đam mê thái quá, bỏ bê công việc, học hành1.

- Thúc đẩy xu hướng coi trọng hình thức, đề cao thể diện bề ngoài

Lối sống sính ngoại, chạy theo thời trang đang góp phần thúc đẩy xu hướng đề cao hình thức, chú trọngthể diện bề ngoài. Hiện nay, nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ rất sành điệu trong việc tiêu xài, mua sắm mà chưa chắc đã phù hợp với thu nhập của họ. Từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm đến điện thoại, đồ phụ trang đều phải là hàng hiệu, đồ “xịn”, đồ “khủng”. Nhiều thanh niên tuy nhà nghèo cũng cố sắm các thiết bị đắt tiền như điện thoại di động, laptop, Ipad để “khẳng định đẳng cấp”.

Tâm lý giới trẻ là luôn tìm cách đến với cái mới, chạy theo mốt mới. Nhưng nếu tiếp thu thiếu chọn lọc, thiếu bản lĩnh, họ dễ sa vào tình trạng “rối loạn thẩm mỹ”, “loạn chuẩn” khi học đòi những mẫu mốt thời trang lập dị. Hiện nay, các chàng trai Việt dường như ngày càng trở nên “yểu điệu thục nữ”, mất hết đặc tính đàn ông. Trang phục nam gần như bị “xoá nhoà giới tính” với áo ren, áo mỏng xuyên thấu, áo bó, quần bó màu sắc rực rỡ, mix phụ kiện vòng nhẫn rườm rà, kiểu tóc đầy nữ tính và sử dụng cả son phấn trang điểm. Các cô  gái thì mặc váy áo cắt cúp “hở bạo”, thiếu vải, hoặc trang phục “ngầu” đầy nam tính, xăm trổ khắp nơi… Tất nhiên, ăn mặc thế nào là quyền tự do của mỗi người, nhưng cũng phải có giới hạn và tuân những chuẩn mực nhất định của xã hội.

- Ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ

Sự phát triển quá nhanh, quá "nóng" của tiếng Việt trên không gian mạng không chỉ tác động đến cung cách nói năng, giao tiếp của cộng đồng mạng, mà còn lan tỏa rộng rãi ra toàn xã hội. Những "sáng tạo" không giới hạn nhằm thể hiện cái “độc lạ”, cái khác người, cái “độc đáo”dẫn tới sự xuất hiện của nhiều biến thể không đúng chuẩn, làm rối loạn cấu trúc của tiếng Việt. Những hiện tượng thêm chữ, thêm âm tiết, bỏ dấu thanh điệu (trên phương diện ngữ âm, chính tả); lặp từ, bỏ từ, tạo ra từ mới, từ lóng, viết tắt, mã hóa (phương diện từ vựng); viết câu không đầy đủ các bộ phận, dùng sai dấu câu, câu lủng củng, diễn đạt tối nghĩa (phương diện ngữ pháp) ngày càng phổ biến, làm cho tiếng Việt bị xâm hại nghiêm trọng (Vũ Anh Tú 2018).

 Lớp người lớn tuổi hiện nay nhiều khi không hiểu nổi thứ ngôn ngữ của giới trẻ.Tất cả những điều đó góp phần lan truyền trong đời sống xã hội một thứ tiếng Việt "phi chuẩn", gây tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt và về lâu dài có thể đưa tớinhững hậu quảkhôn lườngcho ngôn ngữdân tộc.

3.2.2. Tác động ở cấp độ chiều sâu

- Đề cao cá nhân dẫn đếnnhững quan niệmtiêu cực về giá trịbản thân

Sự đề cao thái quá tự do cá nhân trên không gian mạng cũng góp phần thúc đẩyxu hướng đề cao cái tôi, những thể hiện tiêu cực về “bản sắc cá nhân”. Xuất hiện những quan niệm mới, nhiều khi rất lệch lạcvề giá trị con người, về sự nổi tiếngđang được thế giới mạng cổ xúy. Nhiều người, nhất là người trẻtrở nênngày càng  háodanh và sốc nổi hơntrên không gian mạng.Họ đang biến thế giới nhân văn của các thành tựu khoa học - công nghệ thành nơi thể hiện bản thân, đánh bóng tên tuổi, thỏa mãn cơn khát “hào quang ảo tưởng”. Nhiều người không ngần ngại tung ảnhnóngđể “khoe hàng”, tạoscandal mong trở thành nổi tiếng, sử dụng mọi chiêu trò đểcố gắng chứng tỏ cái tôi“đẳng cấp”, “cá tính” của mình. Hiện tượng livestream hoặc làm các video tự chế, các phim ngắn dung tục, khiêu dâm hay phim bạo lực, giang hồ, chửi bới như trường hợp Khá Bảnh, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền… ngày càng phổ biến (Từ Thị Loan 2019b). Những clip này chủ yếu được đăng tải trên YouTube và thu hút số lượng người xem rất đông. Nguy hiểm hơn là chúng được một bộ phận không nhỏ người dùng tung hô, tán thưởng, hâm mộ, cho thấy một sự nhiễu loạn quan niệm về các giá trị trong xã hội hiện nay .

Hiện nay, căn bệnhám ảnh mạng xã hội”,“anh hùng bàn phím” đang trở thành một loại virus và lây nhiễm trong giới trẻ Việt Nam với một tốc độ chóng mặt.Không ít thanh, thiếu niêncố gắng bằng mọi cáchphô diễn bản thân để tỏ ra mình khác biệt, “thú vị”, độc đáo, nhưng hầu như không quan tâm đến nhữngvấn đềnghiêm túc của cuộc sống, đến tình hình xã hội và đất nước.                                                   

- Hình thành những biểu hiện “lệch chuẩn”, ứng xử vô văn hóa

Dưới tác động củanhững trang web khiêu dâm, những phòng chat sex, chợ tình trên mạng đã dẫn tới nhữngbiểu hiện “lệch chuẩn”, những hành vi phản văn hóa như trào lưu“săn rau”, “sex bầy đàn”, “chợ tình di động”và nhiềuứng xử vô văn hóa khác.“Rau” là từ giới ăn chơi gán cho những cô gái sẵn sàng bước vào cuộc tình một đêm với những người xa lạ không cần bất cứ điều kiện gì. “Trao đổi rau” diễn ra khi các thành viên thông qua những diễn đàn đồi trụy, những trang web “đen” truyền cho nhau ảnh nóng của các cô gái mà họ từng quan hệ thân xác, sau đó trao đổi bạn tình qua nick chat. Những mối quan hệ “rau cỏ” kiểu này thường bắt đầu rất nhanh và kết thúc cũng chóng vánh tùy theo độ “ngon” của “rau” và độ “chảnh” của “em nó”(Từ Thị Loan 2017).

Nhiều thanh niên mới lớn “nghiện chợ tình” đến mức không ngạibỏthời gian, sức khỏe, tiền bạc lang thang trên mạng để tìm các cô gái “khoe hàng”. Vì thức thâu đêm suốt sáng, nhiềuem vốn hiền lành, tử tế, con ngoan trò giỏi dầntrở nên hư hỏng, khó bảo, không từ một thủ đoạn nào từ nói dối đến trộm cắp để có tiền “xem hàng”.

“Săn xác”là trào lưu chụp ảnh xác chết kinh dị,thảm khốc, rùng rợnvề cácvụ chém giết, bạo hànhtung lên mạng đểmọi người chiêm ngưỡng, bình phẩm. Đây là một thú vui khác ngườicủa những “teen” máu lạnhnhằm khiến cho những kẻ yếu bóng vía phải ám ảnh cả đời. Bản chất của trào lưu này là gây sốc để tạo sự chú ý, nhưngthực rađó làmột cách biểu hiệnbệnh hoạncủa cái gọi là “thể hiện bản sắc”.

Mộtbiểu hiện vô văn hóa khác đang làm ô nhiễm bầu không khítrên mạng là"ném đá hội đồng". Đó là hiện tượng phản đối gay gắt trước quan điểm của một cá nhân hay tập thể nào đó thông qua các đăng tải bình luận. Hình thức này có thể bị đẩy lên cao trào khi có sự thổi bùng của các thành viên quá khích, dùngnhững lời lẽ cay độc chỉ trích các ý kiến khác mình,tạo thành phong trào a dua, “đánh đòn hội đồng” đểđối phương không ngóc đầu lên được.Nhiều khi “ném đá” là ảo, nhưng tổn thương là thật và người bị ném đá bị thiệt hại khôn lường về uy tínvà thanh danh.

Nhiềunghiên cứu về truyền thông gần đây đã đưa ra khái niệm lưu manh trên mạng (Internet holigan) để chỉ những kẻ coi Internet như một thứ vũ khí đả thương đối phương, dùng nickname nặc danh hoặc blog giả để bình luận, phỉ báng, chửi bới người khác(Từ Thị Loan 2017: 214).Do các ứng xử trên mạng rất khó kiểm soát, nhiều người không ngần ngại thể hiện “một phần khác” trong con người mình. Có những người vốn nhã nhặn, lịch sự ngoài đời, nhưng trong thế giới ảo họ sẵn sàng tung ranhững lời lẽ cay độc, bẩn thỉu, vô văn hóađể giải tỏa ẩn ức. Trên Facebook còn có hẳn hội sưu tầm “những câu chửi nổi tiếng” của các“Chí Phèo” trên mạng.

Xu hướng bắt chước các hành vi bạo lực trong game online, phim hành động, tiểu thuyết kiếm hiệp cũng có chiều hướng gia tăng. Biết bao vụ án thương tâm đã xảy ra chỉ vì lý do lãng xẹt coi đời thường là thế giới ảo, hoặc nhiều game thủ quen tay giết người chỉ bằng vài nút bàn phím đã dẫn tới những hành vi giết người không gớmtayngoài đời thực.Phần lớn các vụ án dã man, tàn độc, có bài bản do thanh, thiếu niênthực hiệnđều có liên quan đến các trò chơi game, các phim bạo lực trên mạng.

- Ảnh hưởng đến thị hiếu, thẩm mỹ, năng lực cảm thụ nghệ thuật theo hướng tiêu cực

Trong môi trường mạng hiện nay, những tiểu thuyết mạng “đình đám”, những bộ phim thị trường ăn khách, những bài hát “sến” lại có sức hấp dẫn rất lớn đối với đại chúng, hơn cả những tác phẩm, chương trình nghệ thuật tâm huyết, được dàn dựng công phu bởi các văn nghệ sĩ đích thực. Chất “sến” gắn với cái dở, cái sáo, cái dễ dãi, với tình cảm chủ nghĩa vốn luôn tồn tại trong nền văn nghệ Việt Nam ngày càng bị lạm dụng. Trào lưu Bolero đang bùng phát hiện nay là một hiện tượng đáng báo động về sự mất phương hướng của âm nhạc Việt. Trong điện ảnh, các bộ phim có doanh thu cao thường là những phim khai thác được tối đa 3 chữ S:Sốc - Sex - Sến (Từ Thị Loan 2019b: 55). Lợi dụng công nghệ mới, rất nhiều nhạc sỹ nghiệp dư, “nhạc sỹ hội chợ” dựavào các kỹ xảo, kỹ thuật kích âm, phần mềm công nghệ cho ra những sản phẩm rởm rít, phản cảm, cácclip ca nhạc “thảm họa”. Những hiện tượng như Lệ Rơi, Bà Tưng, những "ngôi sao nhạc chợ” hiện không là hiếm trên môi trường mạng.

Tất cả những điều đó góp phần tạo nên một loại công chúng có gu thẩm mỹ xoàng xĩnh, kém cỏi, dễ dãi, những nhận thức sai lệch về chân - thiện - mỹ. Sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mỹ, sự đánh giá về cái đẹp không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bênngoài(chuyện ăn, mặc, trang phục, đầu tóc…), mà đã lan rộng vào thế giới tinh thần bên trong.Loại thẩm mỹ này trở nên nguy hiểm khi nó tạo nên những cơn sốt về thị hiếu, điều khiển mỹ cảm của đông đảo người thưởng thức, nhất là những người trẻ, gây ra “ám thị” rằng đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà chỉ có vậy, và ngày càng làm méo mó năng lực cảm thụ nghệ thuật của các thế hệ tiếp theo.

- Giảm khả năng tương tác thực tế,làm lỏng lẻo các mối quan hệ xã hội

Khi quá sa đà vào cuộc sống ảo trên môi trường mạng, không ít người dùng đang có chiều hướng giảm thiểu các giao tiếp thực ngoài đời. Một nghịch lý đang diễn ra hiện nayl à nhiều người có thể giao tiếp với những đối tượng ở khoảng cách địa lý rất xa, những người họ hoàn toàn không quen biết, nhưng lại rất xa cách với người ở gần kề mình, thờ ơ với những người xung quanh.Việc đắm chìm trong thế giới ảo dẫn tới gia tăng “khoảng cách số trong xã hội”: khoảng cách giữa các thế hệ, khoảng cách giữa các cá nhân với gia đình, nhà trường và xã hội. Khi chìm sâu trong cuộc sống ảo, về lâu dài người dùng sẽ tự cô lập mình, tách biệt với cuộc sống. Có thể, chính điều đó dẫn tớicảm giác cô đơn, không hạnh phúc của không ít thanh,thiếu niên hiện nay. Ở phương diện khác, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước các vấn đề xã hội của nhiều người hiện nay.

- Khuyến khích xu thế hướng ngoại, xa rời bản sắc dân tộc

Trên không gian Internet, người dùng mạng có điều kiện,phương tiện tiếp thu rộng rãicác luồng văn hóa bên ngoài. Nếuthiếu bản lĩnh và sức đề kháng, nhiều ngườidễbị choáng ngợp trong một môi trường đa văn hóa hoặc bị “sốc” văn hóa. Họ vừa thích thú, vừa bị cuốn hút, nhưng cũng rất dễ bị “chết chìm”trong biển văn hóa đó.

Tâm lý hướng ngoại có thể dẫn đến tư tưởng sùng ngoại,  sính ngoại và tự ti dân tộc, xem thường những giá trị văn hóa truyền thống. Một biểu hiện tiêu cực đáng báo động hiện nay là sự ngưỡng mộ thái quá các thần tượng ca sĩ, diễn viên nước ngoài. Những hiện tượng như tranh nhau hôn chỗ ngồi của thần tượng, hoặc “chửi cha mẹ”, “khinh thường kỳ thi quốc gia” khi bị phản đối việc hâm mộ các thần tượng Hàn Quốc1 đã không còn là hiếm.

Lời kết

Bên cạnh các nhân tố tác động khác, Internet đang có những ảnh hưởng lớn lao tới sự biến đổi của văn hóa Việt Nam. Trong mỗi sự biến đổi văn hóa đó đều có những biến đổi tích cực và tiêu cực. Sự tác động của Internet đến văn hóa của người dùng luôn có tính hai mặt song tồn: tốt và xấu, được và mất, ưu điểm và hạn chế, phụ thuộc vào nội lực của từng chủ thể, bản lĩnh của người sử dụngmà nhiều khi khó có thể phân địnhmột cách rạch ròi thành phương diện tích cực và tiêu cực.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, nhu cầu sử dụng mạng của người dân Việt Nam cũng ngày càng tăng cao.Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của Internet trong đời sống con người hiện đại, tuy nhiên, việc sử dụng chúng như thế nào cho hữu ích, hiệu quả và giảm thiểu các tác động tiêu cực là một bài toán khó đang đặt ra cho công tác quản lý truyền thông và quản lý văn hóa hiện nay.

Trong những năm sắp tới, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với vạn vật kết nối (Internet of things) sẽ còn mở ra những chân trời mới cùng với những cơ hội và thách thức lớn lao. Các tác động của Internet đến sự phát triển của văn hóa và con người Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ, phức tạp, khó tiên liệu hơn. Do vậy, công tác nghiên cứu, điều tra, dự báo để có các đối sách, giải pháp ứng phó kịp thời là vô cùng cần thiết và quan trọng.

 

*Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Hằng (2018), Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đến sinh viên Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Qua điện ảnh, thời trang, ẩm thực), Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội.

2. Bùi Thu Hoài (2014), Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ, Luận văn thạc sĩ, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Từ Thị Loan (2017), Các loại hình giải trí trên phương tiện truyền thông mới tác động đến lối sống, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

4. Từ Thị Loan (2019a), Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, 2017-2018.

5. Từ Thị Loan (2019b), Công nghệ mới tác động đến việc cảm thụ và sáng tạo văn hóa của giới trẻ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 7(421).

6. Nguyễn Thị Thu Trang, Tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, 2017-2018.

7. Vũ Anh Tú, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông mới, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, 2017-2018.

Tài liệu trên Internet

 8. https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019

 9. https://www.dammio.com/2018/10/08/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-nam-2018

10. https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/

11. https://baomoi.com/viet-nam-2019-thoi-khac-bung-no-kinh-te-so/c/29577631.epi.

12 http://www.24hdansuneredaction.com/vi/web/8-nhung-nguyen-tac-doc-co-ban/

13. https://vi.wikipedia.org/wiki/Báo_điện_tử

14. https://news.zing.vn/phan-no-vi-phat-ngon-cuong-nhac-han-mang-cha-me-post254199.html.

 


Chú thích:

1 Bùi Thu Hoài (2014), Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ, Luận văn thạc sĩ, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3.  Nguyễn Thị Thu Trang (chủ nhiệm), Tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, 2017-2018.

4. https://news.zing.vn/phan-no-vi-phat-ngon-cuong-nhac-han-mang-cha-me-post254199.html

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521345

Hôm nay

2119

Hôm qua

2303

Tuần này

2119

Tháng này

219284

Tháng qua

121009

Tất cả

114521345