Những góc nhìn Văn hoá

Trương Tửu và những cuộc đi tìm bất tận

 

 

Tuyển tập nghiên cứu, phê bình cùng tậpTuyển tập nghiên cứu văn hóadày dặn của nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu[1], tuy chưa phản ánh đầy đủ hết trước tác của ông, vẫn đem lại cho ta một gương mặt phê bình sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học có tài mà sự đánh giá không hề đơn giản. Cuộc tranh luận văn học và đấu tranh tư tưởng xã hội qua các thời kì, trong khi hướng đến những mục tiêu chính trị nhiều khi đã làm cho sự đánh giá diễn ra một chiều, thiếu một sự đánh giá toàn diện, công bằng. Tôi muốn nói trong phê bình văn học chúng ta, nhà phê bình văn học Trương Tửu cho đến nay sự đánh giá vẫn còn nhiều khắt khe, chưa thật sự thấu tình đạt lí. Hi vọng rồi đây sẽ có các công trình dài hơi nghiên cứu ông toàn diện hơn. Trong bài này tôi chỉ xin nêu một số suy nghĩ.

Trước hết, tôi nghĩ đến Trương Tửu như một nhà phê bình văn học có chủ trương, hoài bão. Ông bước vào hoạt động phê bình văn học từ khi còn rất trẻ. Những công trình tiêu biểu của ông trước 1945 đều viết ở độ tuổi 27 - 33. Bài Một quan niệm về văn chương, chưa biết viết vào năm nào, có thể coi là một bản “Tuyên ngôn”, trong đó ông giải bày rõ lí tưởng của mình. Nhà phê bình không thể chỉ là người đọc thuê viết mướn, kẻ kiếm chác danh lợi mà phải là người có lí tưởng xã hội tiến bộ. Ông Trương Tửu là người đã xác định cho mình một mục tiêu cao cả. “Chúng tôi tôn thờ sự sống, mãnh liệt và đầy đủ, sự sống bản chất ở sức mạnh, phát triển ở tranh đấu, cứu cánh ở tiến bộ, sự sống mà hình thức biểu thị tốt nhất, cao nhất, thuần tuý nhất là xã hội loài người.” “Văn chương phải lấy sự sống ấy làm nguồn, phải tắm gội trong hào quang rực rỡ của nó, phải giúp nó chiếu thẳng đến tim óc mọi người, phải phụng sự nó không rụt rè, không nhu nhược.” Cách diễn đạt “loài người” ở đây tuy có phần to tát, trừu tượng, lời lẽ của một người còn trẻ tuổi chưa đến ba mươi, song rõ ràng ông chủ trương gắn bó văn chương với đời sống xã hội, tranh đấu cho tiến bộ của xã hội theo “theo luật biện chứng duy vật đời đời”, cũng tức là luật “phán ánh” đó. Trương Tửu hiểu rõ sứ mệnh của nhà văn: “Nhà văn chính là tâm thức của thời đại, sứ giả của tiến bộ. Nhà văn là vinh dự của loài người”, từ đó theo ông nhà văn phải là người dũng cảm: “Không có gì giúp người cầm bút đủ tự hào để phấn đấu, đủ can đảm để thắng, đủ để an ủi để ngã, bằng nhận thấy rằng trong các công trình phá hoại và kiến thiết vinh quang nhất của xã hội loài người, bao giờ nhà văn cũng đứng vào hàng ngũ tiên phong”. Ông đã quan niệm nhà văn là “chiến sĩ”, xã hội là “mặt trận”, sứ mệnh của nhà văn là “tiên phong” tranh đấu cho tiến bộ, cho cái mới, là lập trường để cho ông dấn thân. “Nhà văn Việt Nam thế kỉ 20 phải đảm lĩnh cái trọng nhiệm xây dựng tư tưởng Việt Nam trên những nền tảng mới, vun trồng văn chương Việt Nam theo những nguyên lí mới, dìu dắt dân tộc Việt Nam đến một vận mệnh mới”. Rõ ràng ông Trương Tửu mang tâm thế của một người hăm hở theo chủ nghĩa tiên phong đi tìm tư tưởng mới, nguyên lí mới cho đời sống và cho văn học. Nhiều nhà phê bình văn học đời sau, khi dấn thân vào sự nghiệp vị tất đã có được một ý thức rành mạch như vậy. Thiết nghĩ tâm thế ấy sẽ giúp ta hiểu những tìm tòi nổ lực không ngừng, những ý kiến mới lạ của ông về lí luận và phê bình văn học. Ông nắm bắt xu thế thời đại, khẳng định ý thức hệ tư sản vốn là cách mạng, tiến bộ, nhưng đã trở thành bảo thủ, phản động, và “nhóm Tự lực dùng văn chương để phụng sự chế độ tư sản.”[2]Ông đã thấy sự tất yếu có một xã hội khác. “Hiện giờ, xã hội muốn tiến bộ, phải căn cứ vào một luân lí khác, đề xướng bởi một giai cấp khác để đi tới một chế độ khác.” Qua đây có thể nhận thấy lập trường giai cấp và xu hướng xã hội khuynh tả của ông.

Chủ nghĩa tiên phong khuynh tả tìm cái mới trong phép biện chứng có lẽ là nguyên nhân vừa làm cho ông phấn khích, vừa làm cho ông giản đơn trong các kết luận, khiến chúng khó tránh tính chất máy móc, nhưng cũng làm cho ông trở thành một hiện tượng phê bình văn học phức tạp. Ông đề ra nhiệm vụ “chúng tôi sẽ lần lượt bài trừ một cách vô tư, nhưng tàn nhẫn tất cả những ngọn cỏ tai hại trong khu ruộng văn chương để  những nhà văn tâm huyết có đất gieo những hạt giống tốt, thuận với mưa nắng của thế kỉ hai mươi, gây một mùa màng đẹp cho đất nước.” Bốn thứ cỏ độc của văn chương mà ông muốn loại trừ là “Văn chương phóng đãng, văn chương uỷ mị, văn chương bi quan, văn chương xu nịnh”. Kể cũng là rất có lí. Bốn khuynh hướng đó mang tĩnh chất đạo đức tiêu cực hơn là khuynh hướng nghệ thuật. Một người đã chống văn chương phóng đãng kiểu như Đời mưa gió, chống văn chương yếu mềm, bi luỵ, bi quan, văn chương xu nịnh thì phải là một người tích cực, có khí cốt, có dũng khí. Qua đó đủ thấy ông phụng sự một văn chương mạnh mẽ, lạc quan, chính đáng, “thuận theo mưa nắng của thế kỉ”. Quan niệm ấy đã làm ông quan tâm đến các giá trị văn chương lớn của dân tộc như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, hướng ông đi tìm các giá trị trong ca dao, trong truyện nôm bình dân, văn nghệ bình dân Việt Nam, nhưng rồi cũng vì nhu cầu “chiến đấu”, “bài trừ tàn nhẫn” ông đã chỉa ngòi bút phê phán một số khía cạnh “ốm yếu, uỷ mị” trong Truyện Kiều? Giải thích thế nào về hiện tượng vừa đúng vừa sai, vừa sắc sảo, hấp dẫn vừa quá mức, quá đà như thế?

Trong công trình Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (19432) Trương Tửu cho rằng tác giả Lê Thước không hiểu được những mâu thuẩn trong tư tưởng Nguyễn Công Trứ là do ba lẽ: một là không hiểu được sự thống nhất của mâu thuân, hai là hiểu con người cá nhân một cách trừu tượng, không biết nó là một quá trình, ba là quan niệm cũ về tài năng. Phương pháp ấy cũng cần để hiểu bản thân Trương Tửu,

Một người bạn thân của Trương Tửu, từng viết một bài thơ Gửi Trương Tửu rất xuất sắc, ông Nguyễn Vỹ nhận xét rất tinh tế về lối tư duy của ông như sau: “Với rất ít, anh xây dựng rất nhiều. Với một chấm nhỏ nẩy ra từ hình thức của sự vật, anh kéo một đường thẳng tới tư tưởng vô cực. Anh là một nhà toán học chống giáo lí, đi tìm một bài toán cho nhân sinh, với những công thức do tự anh chế biến ra; không theo công thức điển hình nào cả. Và không bao giờ anh làm đúng, ít khi anh nói phải, nhưng luôn luôn anh có lí...Với anh, sai lầm chống chân lí, và luôn luôn sai lầm thắng chân lí.”[3]Tôi đặc biệt chú ý đến mấy chữ “công thức do anh chế biến ra”, “ Với rất ít, anh xây dựng rất nhiều”,  “với anh luôn luôn sai lầm thắng chân lí” Nhà thơ thân thiết Nguyễn Vỹ đã nhìn thấy ở ông Trương một thống nhất của rất nhiều mâu thuẩn.

   Trương Tửu quan niệm rất đúng phê bình là phải đi tìm cái mới, là không lặp lại những điều mà người đi trước đã làm. Mà muốn có cái mới thì phải có phương pháp mới. Trương Tửu là nhà phê bình văn học theo phương pháp khoa học. Nhìn một cách tổng quát có thể nói rằng phương pháp khoa học mà ông theo là phương pháp “biện chứng duy vật”, tức là xã hội học mác xít, nhưng không thuần nhất, khi thì pha trộn với tư tưởng thực chứng của của H. Taine, giải thích văn học bằng chủng tộc, hoàn cảnh, thời đại; khi lại hoà chung với phân tâm học Freud, giải thích văn học bằng bản ngã vô thức. Đến sau năm 1954 ông hoàn toàn theo phương pháp duy vật thì lại rơi vào khuynh hướng xã hội học dung tục. Nét nổi bật ở ông là quan niệm về khoa học, có thể nói ông là người theo “chủ nghĩa khoa học”, tôn thờ khoa học. Đó là “chiến lược” có thể làm cho ông khác với Hoài Thanh và nhiều nhà phê bình văn học truyền thống khác. Theo ông khoa học là dứt bỏ cái chủ quan. “Phải bỏ hẳn thái độ chủ quan khi nghiên cứu nhà văn hay phê bình tác phẩm...Dứt được nó tức là dứt được cái ‘tôi’ của ta”[4]. Dứt cái tôi là quan niệm của khoa học tự nhiên, điểm này cho thấy ông Trương Tửu lệch về chủ nghĩa khoa học, phân biệt với khuynh hướng chủ nghĩa nhân văn, thiên về thể nghiệm. Là người tuyệt đối tin vào các “định luật” nhân quả, các quy luật của đời sống, của tâm lí, sinh lí, của nghệ thuật, ông dựa vào “định luật” như dựa vào cái ‘đạo’ mà cho phép mình nói to, nói chắc nịch những điều ông nghĩ, do đó mà ông lại rơi vào chủ quan, để cho “cái tôi” của ông bộc lộ tự do, không kiềm chế, kết quả là ông lại rơi vào chính cái điều mà ông phản đối. Tôn thờ khoa học, ông dứt bỏ được cái mơ mộng và cái thiêng liêng. Dứt bỏ hai cái đó ông có thể suy nghĩ thuần tuý lí trí và suy luận không kiêng dè, e sợ một điều gì. Điều ông quên là nghiên cứu khoa học một hiện tượng nghệ thuật và thẩm mĩ. Đây là một khoa học nhân văn khác với khoa học xã hội và khoa học tự nhiên mà các vị bậc thầy như Taine, Freud và không ít nhà mác xít tiền bối đều thường nhầm lẫn. Có lẽ cái “tính khoa học”, “tính khách quan” của ông rút lại chỉ là “sự có lí”, sự quy nạp, sự phù hợp với “định luật” mà ông tôn thờ. Nhưng nếu chỉ là “có lí” thì chưa phải là khoa học đầy đủ, ít nhất là trong lĩnh vực văn nghệ.

 Phương pháp duy vật đòi hỏi người nghiên cứu phải chỉ ra nội dung lịch sử xã hội được biểu hiện qua sáng tác văn học. Và những công trình của ông cũng đã chỉ ra được một cách lí thú, thuyết phục không ít nội dung tâm lí, tư tưởng của đẳng cấp xã hội trong một số hiện tượng văn học như bài Tổng luận Văn chương Việt Nam hiện đại, ông đã nêu ra những khái quát có sức thuyết phục. Ông viết: “Văn học Việt Nam hiện đại đã tùy theo hoàn cảnh xã hội mà biến đổi. Văn học Việt Nam hiện đã từ thể giáo huấn, bước qua thể lãng mạn, sang thể tả chân và bắt đầu đi đến thể tranh đấu.” Ông cũng có nhiều nhận định thuyết phục về ca dao trong Kinh Thi Việt nam (1940), trong Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943) và trong công trình nghiên cứu Truyện Kiều. Chính ông đã có những cách đặt vấn đề mới mẻ về Truyện Kiều, chẳng hạn, ông không tán thành cách xem xét Truyện Kiều chỉ như là  tâm sự của Nguyễn Du, không xem xét tư tưởng tác phẩm theo Tài mệnh tương đố, cách đặt vấn đề đó về sau nhiều người kế thừa. Ông là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều theo phân tâm học của Freud. Theo tôi, có lẽ ý niệm cho rằng “tư tưởng căn bản của Truyện Kiều là luật nhân quả”, “cô Kiều tự đào tạo số mệnh cô” trong Triết lí Truyện Kiều[5]của Trương Tửu (1931), đã gợi ý cho Đàm Quang Thiện trong công trình nghiên cứu phân tâm học Ý niệm bạc mệnh trong đời Thuý Kiều.[6]Ông có biệt tài trong việc phân tích về huyết thống, đẳng cấp, xã hội và cá tính của nhà thơ, tạo nên những trang sống động hấp dẫn và thiết nghĩ cũng có nhiều phần chân lí bộ phận mà ta không thể hoàn toàn phủ nhận được. Cái quan niệm cho rằng Nguyễn Du mượn các nhân vật của truyện để tự biểu hiện mình cũng không phải là thiếu cơ sở. Không ít ý kiến của ông đã có gợi ý cho người sau dựa vào mà phát triển lên, chẳng hạn như những ý kiến nói về yếu tố hành đạo và tài tử, hưởng lạc trong tư tưởng, tâm lí Nguyễn Công Trứ.

 Điều đáng tiếc là khi vận dụng phương pháp xã hội học thì ông chỉ khám phá nội dung xã hội, mà không khám phá văn chương, như trường hợp Nguyễn Công Trứ. Còn khi vận dụng lí thuyết phân tâm học vào Truyện Kiều ông đã đồng nhất huyết thống di truyền của đẳng cấp, thân thế, cá tính, xã hội vào tác phẩm, để kết luận “Một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá tính ốm; tất cả Truyện Kiều là ở đó”.[7]Theo Freud ông hiểu “Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để tự giải thoát bằng cách tự thực hiện mình ở các vai trò, ở các cảnh sống của vai trò ở cái sân khấu trên đó tấn trò đã diễn đủ hồi, đủ lớp.” Nhận định ấy thiết nghĩ là có lí nhất định, song khi phân tích ông lại đồng nhất nhân vật với tác giả của nó, phân tích nhân vật như là một con người sống ở ngoài đời để đi đến kết luận: “Kiều là một kẻ ốm yếu thần kinh,... có một căn tính dâm đãng, trầm uất, sầu muộn, hoảng hốt, liều lĩnh, sợ hãi. Căn tính này cộng với cái lí tưởng thấp hèn  về sự sống của nàng, do giáo dục gây nên khiến nàng thành một kẻ hèn nhát, ích kỉ, vụ lợi, vụ nhàn, thèm giầu sang, không chung thuỷ, thiếu đức độ, nhân nghĩa”[8]. Cách hiểu “tàn nhẫn”như thế đã biến cô Kiều thành một vai phản diện, không cho phép tác giả phát hiện được tư tưởng nhân văn sâu sắc trong  tác phẩm của thi hào Nguyễn Du. Ở đây Trương Tửu vừa sắc sảo, tài hoa, vừa hạn chế, sơ lược.

Còn khi vận dụng xã hội học như trong Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, thì ông lại quay ngoắt sang một phía khác, bỏ hết những gì ông đã nghiên cứu trước đó, phân tích chi tiết truyện như một tài liệu xã hội. Chẳng hạn quy thành phần gia đình Kiều là “thị dân bậc trung. Gốc xa xôi là tiểu phong kiến, nhưng đến đời Vương ông thì đã ở đô thị, đã có thể làm nghề thủ công kiêm buôn bán”, căn cứ vào chi tiết khung dệt, gói may, và sau này, Thuý Vân “may thuê” kiếm ăn lần hồi[9]!

Cách phê bình của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã bị phê bình từ trước 1945 với Lê Huy Vân, Đinh Gia Trinh, Vũ Ngọc Phan. Sau 1945 Hoài Thanh dưới bút danh Thời Nhân tiếp tục phê bình Nguyễn Bách Khoa. Từ năm 1957 ông còn bị phê phán triệt để hơn, nhưng lại mang định kiến chính trị nặng nề hơn, ít công bằng hơn, bởi các tác giả Hoài Thanh, Hồng Chương, Trần Văn Giàu và nhiều người khác. Theo chúng tôi, về lí thuyết, nhược điểm của tác giả Trương Tửu là ở chỗ ông quá say sưa với phương pháp phân tích xã hội và tâm lí vô thức mà chưa có quan niệm đầy đủ về tính chỉnh thể của tác phẩm nghệ thuật, phân biệt với thời đại và tác giả của  nó. Lại nữa, ông ít có cảm xúc thẩm mĩ đối với văn học, ông chỉ có cảm xúc của người phát hiện khoa học say sưa. Kết quả là ông hầu như không có ý định phân tích ngôn từ, kết cấu, nhân vật của tác phẩm như là một sáng tạo nghệ thuật, một hiện tượng thẩm mĩ. Trước sau ông chỉ phân tích tác phẩm như một hiện tượng xã hội, một hiện tượng tâm lí, bệnh lí thuần tuý. Vì vậy, các công trình lịch sử phê bình văn học gần đây, trong đó có của chúng tôi, phương pháp của ông, chủ yếu là về nghiên cứu Truyện Kiều vẫn bị phê phán là chủ quan, máy móc, thô thiển, dung tục, gọt chân cho vừa giày, ít có giá trị khoa học[10]. Tuy nhiên phê bình của ông vẫn được một số nhà nghiên cứu đánh giá cao như Thanh Lãng[11]. Nguyễn Văn Trung thừa nhận đánh giá của Thanh Lãng. Lí giải hiện tượng đó như thế nào? Trên kia chúng tôi đã nói tác giả Trương Tửu có những cách đặt vấn đề mới và đúng đắn, đáng được khẳng định. Và mặt khác, trong nghiên cứu văn học cũng không nên quan niệm về tính khoa học một cách giản đơn. Khoa học sẽ đem lại chân lí khách quan, điều đó không có nghĩa là nếu mọi người nghiên cứu một cách thật sự khoa học thì kết quả nghiên cứu của họ nhất định phải đi đến giống hệt nhau, nhưng trong thực tế nghiên cứu văn học thì đó là điều không thể có được. Đọc văn học là đối thoại, là thâm nhập vào tác phẩm, do đó tiêu chuẩn của nó không phải là chính xác, mà là sự hiểu và là chiều sâu của sự hiểu. Đọc văn học là một quá trình kiến tạo chủ quan của người đọc, có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu dị bản của tác phẩm. Phê bình văn học cho dù được quan niệm là khoa học, nhưng xét đến cùng nó vẫn là văn học, nghĩa là đồng sáng tạo. Do đó, dù cho có thiếu sót, thiên lệch, “đọc nhầm” như thế nào thì cách đọc của Trương Tửu vẫn tạo ra “dị bản” của ông, và dị bản đó vẫn tạo ra một sự đa dạng đủ làm cho ta tham khảo, và không ít dữ kiện của ông biết đâu rồi đây sẽ giúp cho ai đó có thể đọc Truyện Kiều theo một hướng khác hẳn. Sẽ rất là ngộ nhận nếu cho rằng chỉ có cách hiểu của Hoài Thanh hay của Phan Ngọc mới là duy nhất đúng. Vả lại, xét một mặt khác, trường hợp “đọc nhầm” dung tục như Nguyễn Bách Khoa đâu phải là cá biệt trong phê bình văn học nói chung và phê bình văn học Việt Nam nói riêng. Việc vận dụng “phương pháp duy vật biện chứng” của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam một thời đối với thơ Mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, đối với tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và với nhiều tác tác phẩm văn học khác cũng dung tục không kém, gây tác hại có khi còn lớn hơn cả Trương Tửu. Nói như thế không phải chúng tôi chủ trương chủ nghĩa tương đối, cào bằng, mà muốn nói không nên xem những cực đoan của ông Trương Tửu là một cái gì cá biệt, mà nằm trong quy luật chung của “mưa nắng thời đại” (Tôi không thích cụm từ này một chút nào). Vì vậy ngày nay, thiết nghĩ ta nên có thái độ độ lượng, khoan dung hơn đối với những trường hợp khác thường của một nhà nghiên cứu. Chữ khoan dung tôi nói đây không phải là khoan hồng của kẻ đúng đối với người sai, mà là khoan dung như là một thái độ chấp nhận trong thế giới tư tưởng đa nguyên. Theo tôi nghĩ, ta nên xem Trương Tửu là nhà phê bình táo bạo xông xáo vận dụng các phương pháp mới, người có nhiều công khai phá, đề ra những giả thiết khác thường, lắm khi “chướng tai gai mắt”  trong phê bình văn học mà người sau có thể tán đồng, tu chỉnh cho hoàn thiện hoặc là hoàn toàn đánh đổ.

Mặt khác, Trương Tửu còn là nhà hoạt động văn hóa, nhà chính luận nồng nhiệt, có nhãn quan rộng và giàu tính chiến đấu. Ông đã lập cho mình một chương trình truyền bá văn hóa, Từ tiến hóa luận đến văn minh luận, phác họa tương lai văn nghệ Việt Nam (9/1945), mơ ước một hội, đoàn văn nghệ mới. Ông đã được Hồ Chủ Tịch tiếp và khích lệ. Từ năm 1956 ngoài cuốn sách phê phán văn học nô dịch Mỹ và phe lũ, viết về chỉnh huấn, ông còn đủ niềm tin để viết những bài tranh luận về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Ông tin tưởng vào một chế độ có chỗ cho tranh luận học thuật, bàn bạc những lẽ đúng sai trong một phạm vi hẹp, nhưng ông đã lầm. Ở đây không có chỗ cho sự nói lại. Ở đây chỉ được nói một chiều. Nhiệt tình tranh luận của ông đã chuốc lấy hậu quả nặng nề.  

Trương Tửu là nhà nghiên cứu có cá tính mạnh mẽ, ông luôn có ý thức nêu vấn đề mới, đặt lại vấn đề một cách độc lập, táo bạo, cho nên các tác phẩm của ông luôn luôn có tính thách thức, đối thoại và tranh luận với người cùng thời để nêu kiến giải riêng của mình. Cách làm đó khiến cho đời sống nghiên cứu luôn náo động và gương mặt ông luôn giữ được nét riêng. Ông không ngại nói những điều gọi là “chướng tai gai mắt thiên hạ”, một điều mà sau này ông Phan Ngọc cũng luôn tự nói ra ở cửa miệng như để thách thức dư luận. Không có bản lĩnh và cá tính mạnh mẽ thì không làm được như thế. Để làm được điều đó ông Trương Tửu đã đọc rất nhiều, học hỏi không biết mệt ở đủ loại sách báo, tìm tòi đủ các nguồn tài liệu. Cái cách kết hợp lí thuyết xã hội học với lí thuyết phân tâm như ông đã làm cũng là rất sáng tạo. Tôi không nghĩ rằng ông do đọc các nhà macxit phương Tây mà nảy sinh ý niệm kết hợp đó. Khuyết điểm của ông một phần cũng do thiếu quan niệm về tính độc lập thẩm mĩ của tác phẩm, điều này phải có chủ nghĩa cấu trúc thì mới làm rõ được, nhưng ở thời của ông lí thuyết đó chưa có được ưu thế, phải từ những năm 60 nó mới thịnh hành ở nước ngoài. Khuynh hướng xã hội học dung tục trong công trình Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, một phần cũng là chịu ảnh hưởng của cái phong khí phân tích giai cấp của những năm tháng tiến hành cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản sau năm 1954. Hối ấy hầu hết các nhà trí thức của ta, từ Minh Tranh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Văn Tân, Hồng Chương và nhiều bậc đàn em khác, các nhà văn như Nguyễn Khải và hàng loạt người phê phán Nhân văn Giai phẩm ... đều rơi vào xã hội học dung tục trong khi phân tích văn học. Đó là hiện tượng phổ biến có tính thời đại, người dung tục này lên án kẻ dung tục khác.

Điều chúng tôi muốn nói thêm là Trương Tửu có một lối viết khá khúc chiết, chặt chẽ và hấp dẫn. Ông có một khí văn mạnh mẽ, lời văn đa dạng, biến hoá, giàu chất hùng biện với một niềm xác tín không lay chuyển đã làm nên sức lôi cuốn để dẫn dắt người đọc vào những lập luận khác lạ, khiến cho không ít người bị mê hoặc, nhiều khi không cảm thấy sự nguỵ biện của ông. Ông Nguyễn Vỹ, một bạn văn của ông nhận xét: “Trương Tửu có khiếu ngôn ngữ và lí luận. Lời nói của anh là một sản phẩm của máy móc, lí luận của anh là một sợi dây chuyền ngôn ngữ phối trí chặt chẽ, liên kết mạch lạc, và rèn giũa với một nghệ thuật tinh vi tế nhị. Anh là một nhà hùng biện bẩm sinh, không do một học đường nào đào tạo cả.”[12]Ông Nguyễn Vỹ có thể nói quá cho vui, song đó là điều khiến cho Trương Tửu là người phê bình có văn, có tư chất văn học.

Cuối cùng chúng tôi không thể không biểu hiện niềm cảm phục ông như một nhà nghiên cứu có nhân cách cao thượng. Đứng trước nghịch cảnh không còn gì để nói, ông thà bẻ bút, chuyển sang nghề khác mà không một tiếng cầu xin. Hơn nửa thế kỉ sau, khi đã mất, ông mới được công nhận lại là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thật quá muộn màng.

Nhân 100 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu, tưởng nhớ đến ông chúng tôi nhớ đến một nhà phê bình có hoài bão, có tư chất, nhân cách, tuy không nhiều may mắn trong khoa học, nhưng luôn luôn táo bạo trong việc vận dụng phương pháp mới và đặt ra những vấn đề mới cho nghiên cứu văn học.

 

Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2013.

                      TĐS.

 

 


[1] Trương Tửu. Tuyển tập nghiên cứu, phê bình, Trịnh Bá Đỉnh tuyển chọn, nxb. Lao động, Trung Tâm văn hoá Đông Tây, Hà Nội,  2007. Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn, nxb. Văn học, Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2013. Tập này có bổ sung một số tài liệu nghiên cứu văn học chưa đưa vào tuyển tập phê bình văn học.

[2] Tài liệu đã dẫn, tr. 172.

[3] Nguyễn Vỹ. Văn thi sĩ tiền chiến, nxb. Hội  nhà văn, Hà Nội, 1994, tr. 183.

[4] Tài liệu đã dẫn, tr. 340.

[5] Tuyển tập nghiên cứu phê bình, tr. 183.

[6] Đàm Quang Thiện.Ý niệm bạc mệnh trong đời Thuý Kiều, Namchi tùng thư xuất bản, Sài gòn, 1965.

[7] Nguyễn Du và Truyện Kiều, tr. 76.

[8] Tài liệu đã dẫn, tr. 225.

[9] Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1956, tr. 158.

[10] Nguyễn Thị Thanh Xuân. Phê bình văn học Việt Nam Nủă đầu thế kỉ XX (1900 -1945), nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 332. Trần Đình Sử. Lí luận phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX, trong sách: Trần Đình Sử tuyển tập, tập 2, nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 664.

[11] Xem. Thanh Lãng. Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hoá xb.,  tập 2, tr. 391; Nguyễn Văn Trung. Lược khảo văn học, Nam sơn xb., tập 3, tr. 191- 192.

[12] Nguyễn Vỹ. Văn thi sĩ tiền chiến, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1994, tr. 183.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528598

Hôm nay

2254

Hôm qua

2291

Tuần này

2871

Tháng này

215294

Tháng qua

0

Tất cả

114528598