Văn hóa và đời sống

Vấn đề "yên nghỉ" sau khi qua đời trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với đời sống con người hiện nay

             

                                      Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh                                                           

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần quý giá để lại cho đời sau, là kết tinh tư tưởng, tình cảm của Người đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, rộng hơn là cả nhân loại.

Trong Di chúc, sau khi nói về những việc chung, Người đề cập đến việc riêng. Chỉ một đoạn ngắn thôi nhưng toát lên một tư tưởng lớn, một thông điệp trao gửi đời sau về việc yên nghỉ sau khi từ giã cõi đời, về thái độ ứng xử đối với môi trường, với tài nguyên. Ngày nay, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những người đang sống không thể bỏ qua tư tưởng, quan điểm của Người về vấn đề yên nghỉ sau khi qua đời.

1. “Về việc riêng” sau khi qua đời - đoạn Di chúc chứa đựng thông điệp đầy tính nhân văn về môi trường và con người

Về việc riêng

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó.

Trên mả không có bia đá, tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp…”[1]

Với đoạn Di chúc này, có thể thấy rõ mấy nội dung thể hiện mong muốn về việc riêng của Người sau khi qua đời, đó là:

Thứ nhất, Người yêu cầu hỏa tang - hoặc điện táng thi hài và không tổ chức phúng viếng linh đình tốn kém tiền của.

Thứ hai, chôn các hộp tro cốt lên những ngọn đồi và trồng cây xanh, khuyến khích việc trồng cây xanh.

Vậy là ở đây dù nói về việc riêng của cá nhân Người nhưng có mối liên hệ và quan hệ tác động đối với lợi ích chung của cộng đồng xã hội:

Một là, hỏa táng hay điện táng để sạch sẽ và vệ sinh, đồng thời cũng tiết kiệm nguồn lực đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Việc yên nghỉ sau khi qua đời theo truyền thống của người Việt chủ yếu vẫn là hình thức thổ táng (hay còn gọi là địa táng). “Sống gửi, thác về”, mỗi gia đình, khi có người mất đi bao giờ cũng đưa ra đồng, chọn một phần đất tốt về mặt phong thủy để chôn cất thi thể. Đó là tập tục ăn sâu trong tâm lý người dân và trở thành một việc đương nhiên không kém phần quan trọng trong đời sống nhân dân ta. Vì thế bao đời nay, ở các làng quê đều có các nghĩa địa/nghĩa trang của làng. Mỗi làng chôn cất thi thể người quá cố của làng mình ở nơi đây, hoặc có một nghĩa trang chung cho nhiều làng.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nguyện hỏa táng và mong rằng nó sẽ trở thành xu hướng trong tương lai thể hiện rõ quan điểm của Người đối với đời sống con người, với bảo vệ môi trường. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, ở nước ta, chắc chắn việc chủ trương hỏa táng là một quan niệm mới mẻ, là một tư tưởng hiện đại, nó khác xa với tập tục mai táng truyền thống của đại đa số người Việt.

Quả thật, trước đây, đất rộng người thưa, việc chôn cất thi thể người quá cố chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp. Đất nghĩa trang được coi như là quỹ đất chung mà mọi gia đình đều có quyền lợi được hưởng, vì ai rồi chẳng sẽ chết. Và trong tâm lí mọi người, việc chôn chất thi thể người đã qua đời là một tập quán phù hợp đã có từ lâu đời. Nhưng dần dần, đất chật người đông, nếu hỏa táng thi thể, thì việc lo yên nghỉ cho người quá cố sẽ nhẹ nhàng hơn và đất đai nông nghiệp sẽ không còn bị thu hẹp.

 Hai là, nếu chôn cất tro cốt lên những ngọn đồi, trồng cây xanh, sẽ có nhiều bóng mát, nhân dân có lên thăm viếng Người sẽ được nghỉ ngơi, thụ hưởng bóng mát đó; đồng thời trồng nhiều cây xanh sẽ có lợi cho nông nghiệp.

 Thông thường ai cũng có nơi “chôn rau, cắt rốn”, bởi vậy, nhiều người tâm niệm “lá rụng về cội”. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đặt lớn vấn đề đó. Đối với Người, nước Việt Nam là Tổ quốc chung. Người muốn hóa thân vào non sông, đất nước. Vì vậy, tro cốt của mình, Người mong muốn được chia đều tro cốt khắp 3 miền Bắc – Trung - Nam cùng chôn cất. Bởi Người hình dung, sau khi chết nhân dân ba miền sẽ đến thăm viếng Người. Đó vốn là nét đẹp của người Việt Nam đối với các bậc tiền nhân, với người đã khuất. Nhưng lo nỗi nhân dân đi lại xa xôi không tiện, nên Người muốn được phân tro cốt làm 3 phần, mỗi phần tro cốt chôn cất trên một ngọn đồi, trên đó xây một ngôi nhà đơn giản, chắc chắn để cho bà con nhân dân khi đến thăm mộ sẽ được nghỉ ngơi. Không những thế, Người khuyến khích việc trồng cây sẽ có lợi cho môi trường, cho khí hậu. Nhiều cây xanh sẽ giữ đất, giữ nước và có lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Nước ta xuất phát điểm là một nước nông nghiệp. Đất đai là tư liệu sản xuất cơ bản và việc trồng cây giữ không khí trong lành, giữ nguồn nước cũng là việc có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một khi đất đai bị xâm hại hoặc thu hẹp, đều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; Một khi khí hậu nóng hạn đều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Sinh thời, Người rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đời sống của người nông dân. Chỉ với một đoạn ngắn trong Di chúc trình bày mong muốn của Người về “Việc riêng”, nhưng đã toát lên tình cảm sâu sắc của Người đối với bà con nông dân, thái độ coi trọng việc giữ gìn nguồn tài nguyên đất đai.

Có thể thấy, qua những dòng Di chúc (được nghiền ngẫm sửa đi sửa lại nhiều lần), Người đã chuẩn bị cho việc qua đời của mình với tâm thái của một bậc hiền nhân, thái độ sự lựa chọn việc an nghỉ sau khi qua đời đầy tính nhân văn và hiện đại. Ngay ở những thời khắc suy nghĩ về cuộc sống của mình sau khi qua đời, Người vẫn nghĩ về lợi ích của người dân, nghĩ tới sự phát triển của đất nước. Điều đó cho thấy tầm vóc vĩ đại của vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.

Tuy nhiên, trước thời khắc Người ra đi, Trung ương đã xin phép Người được lo “việc riêng” của Người không theo ý nguyện trong Di chúc. Lí do chính đáng của Trung ương đưa ra là, đất nước chưa giải phóng, sau này, đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam muốn thăm bác thì thăm ở đâu[2]. Và sau đó, Trung ương đã thảo luận đi đến quyết định ướp thi hài Người và bảo quản vĩnh viễn trong lăng.

2. Ý nghĩa của thông điệp “về việc riêng” trong Di chúc đối với đời sống con người hiện nay

Việc tìm nơi yên nghỉ, hay lựa chọn hình thức ứng xử với thi thể người đã mất là một vấn đề đối với đời sống nhiều quốc gia trong xã hội hiện đại, nhất là các nước có truyền thống văn hóa thờ cúng tổ tiên, tôn thờ đạo hiếu như Việt Nam.

Theo các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn khoa học: “Tập quán mai táng của người Việt Nam- xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra” được tổ chức vào ngày 27/8/2019, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Hà Nội thì tập tục mai táng truyền thống của người Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập gây những ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Nhiều vấn đề có tính thời sự xung quanh chuyện mai táng cần có lời giải[3].

Liên quan đến tài nguyên và môi trường có thể thấy:

Thứ nhất, quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng một thu hẹp[4], khi dân số nước ta ngày càng tăng (hiện tại đã khoảng 97 triệu người), trong khi nhu cầu về đất xây dựng và dân dụng ngày càng lớn. Hiện “Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới”[5].

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông chính thống và cả mạng xã hội, có nhiều ý kiến về việc lạm dụng quỹ đất nông nghiệp cho việc chôn cất người đã khuất. Thực tế, việc kiếm được một phần đất để chôn cất thi thể người đã qua đời không còn dễ dàng, nhất là đối với gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong khi việc hỏa táng thi thể thành tro cốt có thể gửi lên chùa, nơi thờ tự thậm chí thờ tại gia, vì vậy sẽ tiết kiệm đất cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, việc thổ táng ở mức độ nào đó, hiện đang đặt ra những vấn đề có liên quan đến môi trường ảnh hưởng đến đời sống của cư dân cần được quan tâm thấu đáo. Có những nghĩa trang tự phát không nằm trong quy hoạch nhưng lại khó khăn trong việc giải tỏa bởi đụng vào mồ mả là câu chuyện tâm linh khá phức tạp. Những vấn đề xã hội nẩy sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng có liên quan đến đất nghĩa trang cũng không dễ dàng giải quyết đơn giản bằng mệnh lệnh hành chính.

Có thể thấy, hình thức thổ táng truyền thống đang đặt ra như một sức ép đối với quỹ đất và môi trường khiến chính quyền các nơi phải quan tâm giải quyết. Không chỉ ở nước ta mà đó còn là vấn đề đối với nhiều quốc gia châu Á hiện nay như Singapore, Philippines, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản… đều đang có hiện tượng khủng hoảng đất để chôn cất người chết[6].

Về mặt tâm lí, chuẩn bị nơi yên nghỉ sau khi qua đời đó là việc làm bình thường và các gia đình, dòng họ đều có sự quan tâm. Song không hẳn tất cả đã sẵn sàng với việc hỏa táng. Quan niệm “Sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm”, “trần sao âm vậy”. Phần lớn con cháu ai cũng mong muốn cho ông bà tổ tiên được “Mồ yên mả đẹp”. Sự trú ngụ của thể xác khi mất, dù sẽ về cát bụi, vẫn sẽ là điểm để con cháu hương khói, hướng về. Đối với nhiều gia đình có kinh tế khá giả, thậm chí có thể xây những nấm mồ to đẹp cho người đã khuất, với những kiểu cách kiến trúc hoành tráng không kém gì nơi của người đang sống. Bên cạnh đó, với hình thức hỏa táng, không ít người còn tâm lí e ngại cho rằng làm như vậy linh hồn sẽ nóng bức, hay hồn xiêu phách tán. Những nỗi quan ngại về mặt tâm linh cũng khiến nhiều gia đình chưa sẵn sàng với hình thức này.

Ngay cả khi hỏa táng đang là xu hướng chủ yếu ở châu Á, được coi là hình thức “an táng xanh”, song đó cũng chưa hẳn đã là giải pháp tối ưu. Hiện không ít quốc gia có xu hướng hỏa táng đang đau đầu về vấn đề này, bởi theo những nghiên cứu mới, thì việc sử dụng nhiệt độ cao để hỏa táng thi thể trong một thời gian dài có thể gây ra những tác động đối với môi trường, do vậy nhiều chính phủ đang tìm kiếm những hình thức an táng hữu hiệu hơn[7]

Về phương diện quản lí, chính quyền Trung ương và địa phương cũng đã ít nhiều nhận thức được những vấn đề liên quan đến địa táng hay hỏa táng và có những hành động theo hướng phù hợp hơn, đó là:  

Đối với các nghĩa trang đã quá tải, nhà nước không để tiếp tục chôn cất mà xử lí theo hướng chuyển lên vùng rừng núi, hay các vùng xa dân cư. Việc quy hoạch nghĩa trang, lò hỏa táng cũng được chú trọng về yếu tố môi trường. Nhiều nghĩa trang, lò hỏa táng xây mới đã được quy hoạch gọn gàng hơn, hợp lí hơn, giải quyết sự quá tải đất đai mai táng, đáp ứng nhu cầu hỏa táng của người dân. Trong tình huống quỹ đất ở vùng khu dân cư, làng mạc không còn thì việc lựa chọn những vùng mai táng ở rừng núi, với việc trồng cây xanh như quan điểm của Hồ Chí Minh sẽ có lợi. Việc trồng cây, chăm sóc cảnh quan, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến không gian người đang sống, có lợi cho môi trường.

 Công tác nghiên cứu, tuyên truyền về vấn đề này cũng được chú trọng. Quy chế về tang ma theo hướng văn minh lịch sự được phổ biến và đưa vào các quy định tại khu dân cư. Tình hình đó làm ít nhiều tác động đến nhận thức, tư tưởng tình cảm và ứng xử đối với người thân sau khi qua đời và đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình, hoàn cảnh của gia đình.

Nhờ những sự tiến bộ về mặt nhận thức theo xu thế khoa học hiện đại, và những việc tuyên truyền chống mê tín dị đoan, hủ tục, nên ngày nay việc thờ cúng tổ tiên cũng trở nên đơn giản, tiện lợi hơn cho cuộc sống của người sống. Tâm lí, tư tưởng của con người Việt Nam về việc lo yên nghỉ cho người đã khuất đã trở nên cởi mở hơn. Quan điểm về địa táng hay hỏa táng thi thể sau khi qua đời của con người thời nay đã nhiều thay đổi khác với cha ông thời trước. Nhiều người không còn kiêng/kị việc hỏa táng, thậm chí ủng hộ xu hướng hỏa táng và sẵn sàng chuẩn bị việc đó đối với cuộc sống sau khi mất ngay cả khi họ đang sống. Với tro cốt, họ sẽ không phải làm thủ tục bốc mả/cải mả, cát táng, mất vệ sinh. Thêm nữa, đối với những người tha hương, li hương, sau khi qua đời không phải lúc nào cũng có cơ hội trở về chôn cất nơi nghĩa trang làng/xã. Việc hỏa táng thi thể thành tro cốt sẽ tiện cho con cháu trong việc chăm nom phần hồn người đã khuất. Có thể, cuộc sống hiện đại, con người thời hiện đại phải tìm kiếm các giải pháp phải tối hưu hơn cả cách hỏa táng, nhưng trong bối cảnh hiện tại, quan điểm của người về “hỏa táng” thi thể sau khi qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa đối với đời sống của con người hiện nay.

Dù lựa chọn hình thức nào sau khi qua đời thì, cái chết luôn là một tất yếu của đời người. Không một ai có thể lảng tránh được việc đó. Nên việc chuẩn bị cho việc yên nghỉ sau khi khuất núi càng được con người hiện đại quan tâm. Trên thực tế người Việt vẫn đang song song các hình thức: Mai táng thi thể người quá cố theo lối thổ táng ở các nghĩa trang hoặc hỏa táng mang tro cốt gửi lên chùa hay rải trong xuống sông, biển.v.v… Những vấn đề đặt ra xung quanh việc yên nghỉ sau khi qua đời theo hình thức nào là phù hợp, cần tiếp tục được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách.

Lời kếtDi chúc chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản thông điệp đa tầng ý nghĩa đối với các thế hệ người Việt Nam. Ở đó chứa đựng những giá trị nhân văn to lớn. Riêng đoạn Di chúc “Về việc riêng” đề cập việc hỏa táng sau khi qua đời của Người hiện vẫn còn gợi mở cho chúng ta những hướng tìm kiếm hình thức lo liệu việc yên nghỉ đối với người đã khuất sao cho phù hợp, bảo đảm không gây hại cho môi trường, cho sản xuất nông nghiệp, nhằm vì một cuộc sống tiến bộ hơn cho đời sống con người hiện nay./.

 


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.615.

[2] Phút lâm chung, Bác Hồ khóc khi Trung ương xin phép được lo “việc riêng” của Người, https://dantri.com.vn/xa-hoi/phut-lam-chung-bac-ho-khoc-khi-trung-uong-xin-phep-duoc-lo-viec-rieng-cua-nguoi-20190830112650876.htm, truy cập 29/8/2019.

[3] https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/41360302-tap-quan-mai-tang-cua-nguoi-viet-nam-xu-huong-bien-doi-va-nhung-van-de-dat-ra.html, truy câp ngày 29/8/2019.

[4] Theo Quyết định số 3873/QĐ-BTNMT ngày 25/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2017 thì tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước là 27.284.906 ha. Như vậy, đất nông nghiệp chiếm 82,37% tổng diện tích tự nhiên và chiếm 87,99% tổng diện tích đất đã sử dụng.

[5] Đỗ Hoài Nam (2017), “Tích tụ và tập trung ruộng đất để đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11.

[6] Khủng hoảng đất nghĩa trang ở châu Á (2017), https://vnexpress.net/kinh-doanh/khung-hoang-dat-nghia-trang-o-chau-a-3618387.html, truy cập ngày 29/8/2019.

[7]Thách thức môi trường từ vấn đề mai táng và chôn cất truyền thống ở châu Á (2018), https://moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/thuc-trang-moi-truong/thach-thuc-moi-truong-tu-van-de-mai-tang-va-chon-cat-truyen-thong-o-chau-a-18455.htm, truy cập ngày 29/8/2019.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Đức Hạnh (2013), “Về nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (44).

2.  Nguyễn Thị Mai Hoa (2009), “Giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tạp chí Triết học, số 11 (222).

3. TS. Nguyễn Minh San (2018), 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969 - 2019): “Việc riêng” của Bác Hồ trong Di chúc, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Namvanhien.vn, truy cập ngày 30/08/2019.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443522

Hôm nay

280

Hôm qua

2333

Tuần này

21335

Tháng này

218696

Tháng qua

112676

Tất cả

114443522