Những góc nhìn Văn hoá

Lang thang mây trắng xứ Đoài

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên

Những ngày xuân Canh Tý 2020 trời đất bao đổi thay bất ngờ. Mưa gió sầm sầm, sấm nổi. Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) đe dọa sinh mệnh người dân nhiều quốc gia. Lộc mùa xuân thu lại, người ra đường khẩu trang che kín mặt.

Học sinh các cấp nghỉ học, tôi được con cái phân việc trông các cháu, lục tìm lại sách bạn bè đọc giết thời gian. Tình cờ và duyên phận trên giá sách có năm tập thơ và hai tập chân dung văn học của nhà thơ Khuất Bình Nguyên, người bạn đồng niên cùng tuổi Canh Dần. Bạn đã gửi tặng, tôi mới loáng thoáng đọc nay có thời gian đọc kỹ, chậm. Thật vui và bất ngờ những câu thơ, trang văn của Khuất Bình Nguyên mê cảm, tinh tế, hút hồn, cho tôi dịu lắng tâm người trong những ngày chống dịch Covid-19!

Ngọn nến thời gian trăn trở phận con người

(Hoa sứ)

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên tên khai sinh Khuất Văn Nga sinh năm 1950 ở làng Cầu Chò nay là thôn Gia Hòa, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, Hà Nội trong một gia đình nông dân nghèo có bảy người con, cậu út là Khuất Văn Nga. Xứ Đoài, một trong tứ trấn, phên dậu phía Tây của kinh thành Thăng Long. Xứ Đoài vùng đất địa linh nhân kiệt nhiều huyền thoại, sử thi, nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Đây là "Tâm thức tam giác châu" của người Việt: Cổ Loa, Cổ Bi, Cổ Sở. Xứ Đoài đất Cổ Sở nổi tiếng nhiều danh tài võ lược và văn hiến. Võ có hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền và tướng quân Khuất Đả đời Lê. Văn có nhiều Trạng nguyên, Thám hoa, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh... Nhiều dòng họ thi thư nổi tiếng: Ngô Thì, Phan Huy, Bùi Huy. Thời hiện đại xứ Đoài sản sinh nhiều văn tài, ghi dấu ấn trên văn đàn: Tản Đà, Vũ Đình Long, Nguyễn Nhược Pháp, Quang Dũng, Tào Mạt, Tô Hoài...

Tôi nhiều lần ngược Sơn Tây, lên Ba Vì lang thang ngoạn cảnh tìm người của xứ Đoài mơ mộng. Về Nhị Khê thăm quê Nguyễn Trãi, vào Đường Lâm vọng nghe vó ngựa của nghĩa quân Phùng Hưng, Ngô Quyền, lần đến thành cổ Sơn Tây nâng viên gạch đá tổ ong mà cảm sức dân sức nước. Ở đâu cũng làng quê, nhiều giai điệu dân ca, hát cửa đình làm nên địa tầng văn hóa xứ Đoài nghìn năm.

Làng Cầu Chò có con sông nhỏ chảy chia đôi như vận vào số phận: Con trai xa nhà mới lập nghiệp, con gái chăm làm chịu nhịn mà nhiều long đong. Đứng ở cổng làng mái ngói rêu phong cậu bé Nga nhìn về xa mờ Ba Vì mây phủ, nghe dòng sông Tích chảy chậm qua đồi, qua núi. Mảnh vườn đồi đất đỏ, sỏi đá gan gà xen lẫn có giếng đá ong sâu thẳm, trong vắt soi tỏ mặt người, bên cạnh đám rau cần, rau muống mọc loi thoi. Bữa cơm chiều muộn thơm bùi khoai sắn có bát tương bần đằm môi. Tất cả ám vào tâm hồn trẻ thơ, là cội gốc duy cảm sau này của Khuất Bình Nguyên "Làng nghèo quanh năm trầm lắng và buồn như núi Tản Viên" (tự thuật của KBN). Thế núi, hình sông đền chùa, miếu mạo, ghi tạc bao kỳ tích của ông cha, khởi nguồn dòng văn minh xứ Đoài: "Xứ Đoài mây trắng đồng làng/Mây xanh đỉnh núi/Mây vàng tình quê/Lửa thiêng dựng bóng Ba Vì/nghìn năm đứng đợi người đi không về" (Xứ Đoài)

Là con út của gia đình nông dân thuần phác, có truyền thống hiếu học. Bảy anh em của Khuất Văn Nga tự làm, tự học, để vào đời, có anh là đại tá quân đội. Khuất Văn Nga có tố chất yêu văn thơ, ham đọc sách từ nhỏ. Ngày học cấp 3 Sơn Tây và cả những năm tháng học ĐH Tổng hợp Văn, chàng thanh niên Nga đã làm thơ viết văn. Do cá tính khiêm nhường tự liệu mình, Nga chỉ viết cho riêng mình, ít khoe với bạn bè và không dám gửi báo, mãi đến năm 1970 mới có bài thơ in đầu tiên.

Học xong khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng, Khuất Văn Nga không theo dòng mạch văn chương mà rẽ sang làm nghề kiểm sát, để kiếm sống và tồn tại. Công tác ở Viện Kiểm sát tối cao Việt Nam, có hàm có chức, Khuất Văn Nga học thêm Đại học Luật, làm tiến sĩ, theo nghề tư pháp cho đến ngày nghỉ hưu 2010. Dằng dặc thời gian là công chức, miên man trên giấy tờ văn bản, luật tưởng khô khan, xơ cứng nhưng lại thấm thía phận người và nỗi đau đồng loại. "Giữa thời buổi thị trường/cái tâm sao cho sáng/Cuộc đấu cần dũng khí/Luật pháp phải am tường" (Thư gửi người công tố viên)

Nghỉ hưu, rời công sở, thanh thản tự do làm người công dân, Khuất Văn Nga quay lại mơ ước xưa: viết. Ông cầm bút, say mê gõ bàn phím, lật giở lại thời gian lục tìm những hoài niệm tuổi thơ, chiêm nghiệm cuộc sống đời thường hiện tại để khát vọng làm người đúng nghĩa của nó. Từ công chức Khuất Văn Nga thành nhà thơ Khuất Bình Nguyên nở sáng trên văn đàn những năm đầu của thế kỷ 21. Nhà thơ Khuất Bình Nguyên tâm đắc: "Thơ là cứu rỗi và thanh lọc tâm hồn. Thơ là bạn đồng hành của nhân loại trên con đường tìm đến khát vọng tự do để ca hát." Hơn mười năm Khuất Bình Nguyên cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ in đẹp, dầy dặn: Người lữ hành thời gian (2009); Nơi thời gian trở về (2010); Cành tục ngữ hóa đá (2011);  Bỏ quên trong rừng thư (2012); Hoa Hoàng Đàn nở muộn (2012) và 2 tập lý luận văn chương Giọt nước trong lá sen (2016); Giấu vàng trong gió thu (2019). Tập Giọt nước trong lá sen được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 là sự đánh giá bước đầu của công chúng với nhà thơ Khuất Bình Nguyên. Trong một trang viết ông tâm sự: "Cũng như mấy năm đầu tôi rời xa chốn quan trường, có đôi lúc đã rơm rớm buồn tàn thu... Hóa ra đến được nơi ở của nàng thơ chỉ có trời xanh mây trắng để thanh lọc tâm hồn, gạt hết nỗi buồn nhân thế mà có kẻ thi nhân vẫn còn chưa dứt món nợ làm người." (Đi theo kinh tuyến một đời thơ).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi nhà thơ Khuất Bình Nguyên là người lữ hành đi trên con đường nhân loại đang đi và sẽ đến. Tôi muốn gọi thêm Khuất Bình Nguyên người lữ hành Xứ Đoài đến với thế gian. Hồn mạch thơ của Khuất Bình Nguyên dồn hết về miền quê Xứ Đoài ruột thịt. Dù có đi xa, bay xa trên mọi miền trái đất, cánh diều thơ của Khuất Bình Nguyên vẫn neo đậu ở núi Tản, sông Đà. Ông như các bậc thi nhân đàn anh đau đáu một vùng quê đẹp, lộng lẫy nhiều trắc ẩn:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước hãy còn thề xưa

(Tản Đà)

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

... Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm

(Quang Dũng)

Thơ về quê hương, Khuất Bình Nguyên thường lấy thể thơ lục bát hồn điệu dân tộc để nâng cánh cho những suy tư, dễ đọc, dễ hát thành ca:

      Làng tôi sông chảy chia hai

Con gái dệt vải, con trai cày bừa

      Gốc đá lá rụng bốn mùa

Có bà bán nước cổng chùa hắt hiu

(Quê nhà)

Những vần thơ tả thực, như vẽ trước mắt người đọc cảnh sắc thân quen của miền đồi núi trung du Bắc Bộ:

      Lang thang mây trắng xứ Đoài

Chưa ra ngoài ngõ đã vài trăm năm

      Người quê con mắt lá răm

Một đời yếm thủng nuôi tằm dệt tơ

(Hoa mảnh bát ơi)

Đất sỏi đá gan gà, một viên sỏi như một đời người lăn lóc dưới trần gian. Vần thơ như tiếng thở dài của ngọn gió thổi dọc bờ tre, sườn đê lối cũ đi về:

Sắc không mấy kiếp luân hồi

Mỗi viên sỏi một hồn người đơn côi

(Thầm thì đá ong)

Để chuyển tải những ký ức một thời gian khổ đói nghèo, Khuất Bình Nguyên cũng bung phá câu chữ để đựng được hồn cảm. Ngọn đèn chai ấy le lói trong mái tranh, soi bóng xuống lòng giếng sâu trong, dù đi khắp bốn phương trời vẫn rọi sáng hồn thơ:

Lá che kín mùa thu trên vòm trời giếng nước

Đất quê tôi nghèo

Đá ong dâng nước mát

... Cầm chiếc đèn chai ra bờ giếng cũ

Để rơi nỗi buồn vào gầu nước ngày xưa

(Chiếc đèn chai)

Máu thịt với quê hương là hòa hồn cảm với hào khí cha ông hơn 4000 năm dựng nước, giữ nước mà Xứ Đoài là một chứng nhân:

Điều lý giải vì sao xứ Đoài nghìn năm mây trắng

Bởi nỗi u hoài của tiền nhân chưa trọn vẹn gửi đời sau

... Mùa thu xanh chảy hiền hòa trên dòng sông Tích

Viền dải trường tồn quanh ấp nhỏ Đường Lâm

(Sự tích Phùng Hưng)

Gia đình là gốc của mỗi quốc gia, chỗ dựa bình yên của mỗi con người. Ở Đó có hình cha, bóng mẹ, người thân neo đậu suốt đời trong tâm khảm chúng ta. Đó là đề tài muôn thủa của các nhà thơ khi gieo những vần thơ ân nghĩa, hiếu đạo, tình máu mủ. Đây là bóng hình người cha, người mẹ hiện hữu máu thịt trong thơ Khuất Bình Nguyên.

Cha nghẹn cơm buổi chiều

Ngàn ngạt mùa gió thổi

Từ làng ra đồng đã hết tám mươi năm

(Cánh đồng)

Nhớ những buổi chiều mẹ tôi khóc thầm trong mưa

Những trận mưa ngâu dài, những mùa thu dài lắm

Dài hết cả đời người

(Thư gửi một nhà thơ)

Mạch thơ kéo dài như thời gian, hồn thơ rộng bao la như nỗi nhớ. Những câu thơ hiện đại mà cổ điển trong trẻo tình người: "Mẹ già khoác mảnh áo tơi/ Cho tôi mơ tới chân trời mẹ ơi!".

Còn đây nữa câu thơ ngóng chờ, nỗi niềm người em mong anh - người bộ đội Trường Sơn tắm nước giếng trong. Người bộ đội mãi không về.

Mùa xuân của anh

Nắng mưa chân trời góc bể

Cố hương giếng nước đầy vơi

... Giếng xứ Đoài

Chẳng cạn đợi người soi

(Anh tôi)

Yêu cha, yêu mẹ, yêu nhà, là để yêu đất nước, đồng loại, giai cấp cần lao trên trái đất xanh. Khuất Bình Nguyên đi nhiều dọc miền đất nước, bay xa đến thế giới muôn màu. Ông thấm nỗi thăng trầm của dân tộc Việt. Một đất nước nhỏ nhoi bên bờ biển Đông cuộn sóng, một dân tộc can trường có 4000 năm dựng nước giữ nước bằng mồ hôi máu xương:

Đất nước tôi

Như chiếc lá cỏ nhỏ nhoi

... xanh sống thác cho đời

Cho người đỏ ngực, cho trời bình yên

(Lá cỏ)

Cỏ mượt xanh trường tồn, dẻo bền như dân tộc này, như nước non này:

Cỏ mọc theo hình người

Chết không rời khẩu súng

Cỏ cao quá đời người

Ngút ngàn cỏ những vùng châu thổ

Cỏ thầm lặng ngày đêm vùi gió xuống

Nghe rõ trong cỏ mềm

Tiếng đồng đội gọi tên

(Ký thác vào trong cỏ)

Một hình tượng đẹp làm câu thơ vừa mạnh mẽ vừa bao quát được ý tưởng và tầm vóc của người viết. Sự so sánh đột khởi dựng tượng đài đất nước:

Đất nước đi như dáng đi của người gánh thóc

Vẫn lúa, vẫn khoai nhọc nhằn lục bát hai câu

(Thơ và thi nhân)

Hôm nay có những con Lạc, cháu Rồng một thủa cầm cày múa theo bầy chim Lạc, dương súng theo dáng Nỏ thần bươn chải kiếm sống bốn phương trời góc bể để nuôi nhà, nuôi nước. Ở đâu cũng là dân Việt:

Mấy nghìn năm cánh chim không mỏi

Hối hả nhịp chày giã gạo cầm tay

(Vũ điệu trống đồng)

Mấy thế hệ gánh gồng đi kiếm sống

Đồng bạc, bát cơm cuốc đất cùng trời

Tiếng Việt gọi nhường nhau đôi khi nghe đau nhức

Để cuối cùng một ước vọng:

Cánh đòng rộng đang chờ mùa vụ mới

Đi hết đường trái đất đến nhà thôi

(Kiếm sống)

Xứ Đoài và mùa thu là hai sợi chỉ vòng xuyên suốt hồn cảm và tạo lên vóc dáng thơ Khuất Bình Nguyên.

Mùa thu là mùa của thi nhân. Một làn gió nhẹ se lạnh, sương dăng lãng đãng non xa, con sông ngập ngừng trôi lững lờ, cánh đồng trơ gốc rạ bó rơm vang thoảng hương bay. Một chút mơ màng một chút nuối tiếc người thơ sao cầm lòng:

Sương mỏng thế ai mà bình tĩnh được

Lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu

(Hữu Thỉnh)

Mua thu Xứ Đoài vào thơ Khuất Bình Nguyên đắm đuối ký tức tuổi thơ có tiếng mưa rơi nhẹ nhẹ, cổng làng đầy lá vàng bay, tiếng mẹ gọi xa vời giữa chiều cổ tích:

Những cánh chim mỏng

Dẫn tuổi thơ tôi

Qua ngọn gió thu buồn

Tiếng mưa rơi

Tiếng người thân gọi với

... Giữa cổ tích chiều ngâu tháng bảy

Lại qua cầu mỏng nhẹ gió thu

(Tháng bảy)

Khoảng trời mùa thu quê nhà gần gũi, vừa lạ vừa quen:

Nhẹ nhàng mây hát lời ru

Cúc vàng đượm sắc, chiều thu dịu dàng

Heo may se lạnh mỏng tang

Áo mùa thu khoác nửa vàng nửa xanh

 (Lời ru mùa thu)

cảnh sắc nhẹ nhàng mơ màng, còn tình người nặng trĩu ưu tư:

Cành ca dao xưa buồn hơn vũ trụ

Có một mủa thu không ngủ tựa bên thềm

(Sông gọi người xa)

và:

Mây trắng cô đơn chở mùa thu đến hẹn

Bến bình minh lá đọng giọt Thiền

... Bến bình minh giọt Thiền xưa chẳng hẹn

Mùa thu đi qua mây trắng lại xa nhà

(Buổi chiều sen)

Giọt Thiền là giọt gì vậy? Có phải là giọt sương thu đọng trên lá sen bến bình minh đó sao hay là giọt đời trong veo thương cảm của phận người đọng lại trên mặt lá thời gian. Câu thơ đầy ẩn dụ, trắc ẩn. Đó là nguyên nhân để thơ suy tư chiêm nghiệm:

Xao xuyến nở bảo tôi đừng khép cửa

Ngọn nến thời gian trăn trở phận người

(Hoa Sứ)

Mong nghe một tiếng trống thu không, mong hết việc đời mà thanh thản đi cùng nàng thơ, sự cứu rỗi đời người:

Chẳng còn tiếng trống thu không

Cả đời theo chữ nhòe trong bấc đèn

... Xin làm ngọn nến đêm đông

Lửa khêu dậy tiếng thu không cuối chiều

(Thu không)

Chỉ còn thơ thôi, chỉ còn tình yêu cuộc đời, chỉ còn ấm êm gia đình. Khuất Bình Nguyên, người lữ hành đã đi vào siêu thực của thơ ca:

Cha đã già khép cửa làm thơ

(Nói chuyện với con gái)

Dòng mạch văn chương của Khuất Bình Nguyên trong 10 năm có những thành công đáng nể. Ngoài thơ ông còn viết lý luận phê bình chủ yếu là chân dung văn học và đàm luận văn chương, xuất hiện đều đặn trên các báo. Những trang viết lý luận có nghề, minh triết nhiều duy cảm, duy lý, duy mỹ. Cứ đọc hai tập Giọt nước trong lá sen Giấu vàng trong gió thu ta cảm được cái tình, cái tâm của Khuất Bình Nguyên với các nhà thơ, nhà văn hiện đại Việt Nam. Không cao giọng về các phong cách phê bình, không sa đà vào văn bản, Khuất Bình Nguyên với sức đọc, tìm hiểu cặn kẽ để dựng được những gương mặt sống động của các văn tài hiện đại. Từ câu thơ của Chế Lan Viên trong Di cảo, Khuất Bình Nguyên đã bình: "Người ấy còn mang câu hỏi mùa thu mắc nợ thi ca từ buổi theo nhà thơ đi nhặt những chiếc lá vàng năm trước để chắn nẻo xuân về đến tận bây giờ còn chưa xong" (Người muôn năm ở Viên Tĩnh Viên). Viết về Trần Mai Ninh, Khuất Bình Nguyên muốn qua đó tạc tượng đài thế hệ nhà văn chống Pháp "Điều quan trọng là nhà thơ Trần Mai Ninh được đứng bên các danh tài văn chương kiệt liệt của đất nước đã được chính thể mà ông chiến đấu đến hơi thơ cuối cùng vì sự sinh tồn của nó ghi nhận. Trần Đăng, Nam Cao, Trần Mai Ninh... xứng đáng được phong anh hùng trên mặt trận văn nghệ thời chống Pháp" (Để võng ai nằm).

Tôi lại nhớ dạo cuối thu năm ngoái Khuất Bình Nguyên đưa tôi về thăm làng Cầu Chò, đi men theo bờ con sông chia làng làm hai. Con sông khởi nguồn từ một vực thẳm sông Hồng - con sông mẹ huyền thoại của đất Bắc - chảy qua những miền quê xứ Đoài cần lao, nghĩa cả. Con sông đang chảy vào miền mùa thu mây trắng, chảy vào mênh mông, chảy vào hư không, chảy vào siêu thực của thơ Khuất Bình Nguyên. Đó là niềm hư ảo của thơ ca, của người lữ hành gánh mùa thu xứ Đoài mây trắng:

Tôi lang thang trên cánh đồng

Chỉ thấy gió thì thào với cỏ

... Đường trần xa xôi

(Hồi tưởng giấc mơ)

Rồi sẽ có một ngày như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiên đoán: "... và trong cuộc trường chinh không mệt mỏi và đầy khát vọng, sẽ một ngày chúng ta đến được mảnh đất đích thực của CON NGƯỜI".

Có một chiều giác ngộ

Cỏ dẫn đường bất chợt gặp hoa sen

(Hoa sen trắng)

Hà Nội, 2/2020

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529235

Hôm nay

2282

Hôm qua

2334

Tuần này

21508

Tháng này

215931

Tháng qua

0

Tất cả

114529235