Những góc nhìn Văn hoá

Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân với sự nghiệp nhà Tây Sơn

 

Lê Ngọc Hân là con gái út của vua Lê Hiển Tông(1740-1786), thân mẫu của Lê Ngọc Hân là bà Nguyễn Thị Huyền, vốn là một Cung phi, quê ở làng Phù Ninh, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là làng Ninh Hiệp, tên nôm là làng Nành, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Lê Ngọc Hân không chỉ là người con gái út xinh đẹp vào bậc nhất trong những người con của vua Lê Hiển Tông mà hình như bà còn là người con gái giỏi giang nhất và nổi tiếng nhất của nhà vua. Bởi lẽ, trong số nhiều công chúa con vua chỉ thấy sử sách nhắc tới có một mình Lê Ngọc Hân và sử sách nhắc tới bà không chỉ vì bà là vợ của vị vua Quang Trung nổi tiếng mà vì bà còn là một người phụ nữ tài ba trên văn đàn hồi cuối thế kỷ thứ XVIII. Thơ văn của bà đã hết sức ca tụng chiến công đánh giặc cứu nước và sự nghiệp xây dựng đất nước của vua Quang Trung, là tiếng nói quan trọng đối với sự nghiệp vĩ đại của nhà Tây Sơn trong bối cảnh phức tạp của xã hội lúc bấy giờ.

Lê Ngọc Hân sinh năm 1770 và mất năm 1799[1]. Năm Bính Ngọ(1786), khi bà mới 16 tuổi đã kết hôn với Nguyễn Huệ[2], lúc ông đem quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh. Sử cũ cho biết, Nguyễn Huệ sau khi tiêu diệt được họ Trịnh đã vào cung yết kiến, trao sổ sách và quyền bính lại cho vua Lê, cảm kích trước việc làm ấy và để thêm phần gắn bó thân tình, vua Lê Hiển Tông đã đem Lê Ngọc Hân, công chúa cuối cùng của mình gả cho Nguyễn Huệ[3]. Sau đó Lê Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ về Phú Xuân.

Năm Kỷ Dậu(1789), sau khi đại phá 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã cho chỉnh đốn lại chính quyền Nhà nước mới theo cung cách của một chính thể quân chủ. Con đích Nguyễn Quang Toản được lập làm Thái tử, con thứ hai Nguyễn Quang Thuỳ được làm Khang công lĩnh chức Tiết chế các thuỷ bộ ở Bắc Hà và con thứ ba Nguyễn Quang Bàn được làm Tuyên công lĩnh chức Đốc trấn Thanh Hoa, tổng lý mọi việc quân dân[4]. Còn bà Lê Ngọc Hân thì được vua Quang Trung phong làm Bắc Cung Hoàng hậu[5].

Giữa lúc công cuộc kiến thiết đất nước dưới triều đại Tây Sơn đang diễn ra tốt đẹp và cuộc sống của vua Quang Trung cùng Bắc Cung Hoàng hậu đang tràn trề hạnh phúc thì vào năm 1792, vua Quang Trung lâm bệnh rồi đột ngột qua đời, để lại một sự nghiệp dở dang và một nỗi tiếc thương vô hạn cho đất nước, cho gia tộc, trong đó để lại nỗi đau và mất mát lớn nhất cho người vợ trẻ đang độ tuổi 22 và hai con thơ dại.

Nỗi niềm thương tiếc, nỗi đau vô tận về một vị quân vương đang dốc bầu nhiệt huyết vào công cuộc tái thiết đất nước và tâm lực vào việc hun đúc nên tình cảm gia tộc, đã được Bắc Cung Hoàng hậu bày tỏ thật ân tình trong một bài thơ khóc vua, tức bài Ai tư vãn – một bài thơ trường thiên có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam[6].

Bài thơ viết vào lúc vua Quang Trung qua đời, mục đích chỉ là để khóc vua, nhưng nội dung tư tưởng lại nói về toàn bộ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”- Quang Trung Nguyễn Huệ đối với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc ta dưới triều đại Tây Sơn. Bài thơ gồm 166 câu, thể hai bảy, sáu tám ( hai câu bảy, một câu sáu và một câu tám). Chỉ với tác phẩm đó, Lê Ngọc Hân đã xứng đáng là một nhà thơ lớn, đặc sắc của văn đàn thế kỷ XVIII. Nhờ có tác phẩm đó mà hậu thế đã hiểu thêm về những đóng góp của Lê Ngọc Hân trên văn đàn đối với sự nghiệp vĩ đại của nhà Tây Sơn mà nhiều sĩ phu cũng như những thế lực khác đương thời chưa nhận thức hết.

Sự nghiệp của nhà Tây Sơn không dài, nhất là từ khi Lê Ngọc Hân kết hôn với Quang Trung Nguyễn Huệ ( năm 1786) đến khi nhà vua qua đời (năm 1792) thì thời gian lại càng ngắn, chưa đầy 6 năm. Trong 6 năm chung sống với vị vua tài ba ở triều đình Phú Xuân tuy ngắn ngủi, nhưng chắc chắn là một phụ nữ thông minh, có học thức cao, xuất thân Hoàng gia, bà đã hiểu hết được sự nghiệp cứu dân, cứu nước vĩ đại của vị vua Quang Trung trước đó cũng như sự nghiệp tái thiết đất nước mà nhà vua đang tiến hành, nên nhận thức của Lê Ngọc Hân khác nhiều so với những nhân sĩ đương thời. Những sĩ phu đương thời tuy cuộc sống của họ có nhiều cọ sát ở bên ngoài xã hội giữa lúc tình hình đất nước đang rối ren sau thời kỳ hưu chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn, nhưng không phải ai cũng nhận thức được một cách đầy đủ sự nghiệp lớn lao của Quang Trung cũng như triều đại Tây Sơn lúc đó.

Từ sau thời kỳ chiến tranh Trịnh - Nguyễn đến trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn(1673-1774), tập đoàn phong kiến ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã xa rời nhân dân, đi vào cuộc sống ưu du hưởng lạc, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội.

Ở Đàng Ngoài, nền kinh tế nông nghiệp đã bị sa sút khá nghiêm trọng do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài, nhưng triều đình Lê-Trịnh lại không quan tâm tới mà chỉ chăm lo nhiều hơn đến cuộc sống ăn chơi hưởng lạc của mình, mặc cho đê vỡ và lụt lội xảy ra liên miên. Hết đê vỡ, ngập lụt đến hạn hán, hoàng trùng, làm cho mất mùa, đói kém lúc nào cũng thường xuyên rình rập đối với người dân. Đã thế, họ Trịnh lại đặt ra chế độ tô thuế rất nặng nề, nhất là dưới thời Trịnh Tạc và Trịnh Cương, khiến người dân ngày càng lâm vào con đường phá sản. Trong xã hội thì nạn mua quan bán tước đã trở thành hiện tượng khá phổ biến. Nhất là dưới thời Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, nạn mua quan bán tước đã trở thành một chế độ do chính Nhà nước phong kiến đặt ra. Đặc biệt là chế độ khoa cử tuyển chọn nhân tài vào giúp việc triều đình, đến thế kỷ thứ XVIII đã không còn mang đúng ý nghĩa của nó mà đã trở nên hết sức đồi bại. Từ khoảng giữa thế kỷ XVIII trở đi, tình hình học tập thi cử đã thực sự bị sa sút, khoa cử không còn mang tính nghiêm túc như xưa, sĩ tử không còn coi việc học là nền tảng của học vấn mà họ đã biến khoa cử thành nơi buôn bán danh vị. Ngoài xã hội thì như thế, trong triều thì các chúa Trịnh lại thả sức ăn chơi sa đoạ kéo dài suốt từ thời Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh cho đến Trịnh Sâm. Từ sau khi Trịnh Khải được tôn lên ngôi chúa, thì trật tự xã hội càng thêm rối loạn do lực lượng kiêu binh cậy công gây náo loạn và cướp phá khắp nơi.

Ở Đàng Trong, trong thời gian Trịnh-Nguyễn ngưng chiến, bắt đầu từ thế kỷ XVIII, tập đoàn thống trị của các chúa Nguyễn cũng đi vào con đường xa hoa hưởng lạc, sau một thời kỳ dài tích cực mở mang xây dựng cuộc sống. Đến thời Nguyễn Phúc Khoát tình hình này càng trở nên tồi tệ. Không chỉ riêng Nguyễn Phúc Khoát mà các quan lại cũng cùng theo chân Nguyễn Phúc

Khoát bước vào cuộc sống ưu du hưởng lạc. Sau khi Nguyễn Phúc Khoát qua đời, quyền bính của chính quyền các chúa Nguyễn thực tế đã nằm trong tay quyền thần Trương Phúc Loan. Trương Phúc Loan tự xưng là Quốc phó. Phúc Loan không chỉ thâu tóm mọi quyền hành mà còn thả sức vơ vét, bóc lột của cải của nhân dân kể cả thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Đàng Trong đương thời.

Trong bối cảnh xã hội có nhiều sa sút và biến cố như vậy càng làm cho đời sống người dân thêm nhiều khốn đốn, dẫn đến hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra. Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XVIII, trước cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, như khởi nghĩa của Nguyễn Dương Hưng năm 1737 ở vùng Sơn Tây và Thái Nguyên, của Lê Duy Mật ở miền thượng du Thanh Hoá, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Hải Dương năm 1738, rồi tiếp đến những cuộc khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh ở Hải Dương, Vũ Đình Dung ở trấn Sơn Nam, Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương… Chính quyền Lê-Trịnh đã phải nhiều lần cử quân đi đàn áp, nhưng với tình hình xã hội rối ren lúc ấy, dù chính quyền Lê-Trịnh có tìm mọi cách cũng không thể dập tắt được và cuối cùng phong trào còn nổi lên mạnh mẽ hơn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn. Nghĩa quân Tây Sơn lúc ấy, đứng đầu là Nguyễn Huệ, một mặt vừa phân hoá được giai cấp thống trị, một mặt vừa đoàn kết được các lực lượng xã hội nên phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Sau khi đánh đổ được tập đoàn thống trị của họ Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1786, Nguyễn Huệ mang quân ra Phú Xuân, rồi thừa thắng kéo quân ra Bắc Hà tiêu diệt nốt sào huyệt cuối cùng của tập đoàn thống trị họ Trịnh, thống nhất lại đất nước sau hàng trăm năm chia cắt. Và sau đó, phong trào Tây sơn còn đảm đương thêm một nhiệm vụ vĩ đại nữa của dân tộc là phá tan 29 vạn quân xâm lược nhà Mãn Thanh giành độc lập vẹn toàn cho Tổ quốc.

Vào lúc này, Lê Ngọc Hân đã trở thành người bạn đời thân thiết của Quang Trung Nguyễn Huệ- vị lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn và đồng thời cũng là vị quân vương, văn võ song toàn đóng góp khá nhiều công sức cho sự nghiệp dẹp thù trong đánh giặc ngoài, thống nhất đất nước, giành độc lập cho dân tộc.

Tuy trước đó, còn sống trong cung của triều đình vua Lê và còn trẻ tuổi, Lê Ngọc Hân có thể chưa nhận biết hết được việc làm của nhà Tây Sơn nhưng chỉ vài năm chung sống và là Hoàng hậu của vị vua trẻ tài năng Quang Trung, Lê Ngọc Hân đã nhận thức được khá sâu sắc và khá tận tường về sự nghiệp anh hùng của vua Quang Trung đối với dân, với nước. Vì nhận thức được một cách sâu sắc về những sự nghiệp vĩ đại của vua Quang Trung nên bà đã viết nên một bài thơ trường thiên có giá trị, vừa khóc vua, vừa ngợi khen công nghiệp của vua - người bạn đời tri ân tri kỷ với nỗi niềm xót thương vô bờ bến. Trong đó có những câu :

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,

Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi !

Càng trông càng một xa vời

Tấm lòng thảm thiết chín trời biết chăng ?

                                                       ( Ai Tư vãn)

 

Lê Ngọc Hân vốn đứng về phía tiến bộ ( phong trào nông dân do vua Quang Trung lãnh đạo), nên bà là nhà thơ đầu tiên trong những thi nhân ở thế kỷ XVIII công nhiên ca tụng sự nghiệp anh hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ. Thơ của bà trong Ai tư vãn là áng thơ độc nhất, đàng hoàng đề cao công đức của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đối với Lê Ngọc Hân sự nghiệp của Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ có thể đem so sánh với sự nghiệp của vua Thang, vua Vũ, vua Thuấn và vua Nghiêu thời cổ mà thôi.

 

Nghe trước có đấng vua Thang, Võ

Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao.

……

Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn,

Công đức dày ngự vận thêm lâu

Mà nay lượng cả ơn sâu.

Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần.

                                                   ( Ai Tư vãn)

Ai Tư vãn còn là bài thơ duy nhất của thế kỷ XVIII ghi lại sự nghiệp anh hùng “áo vải cờ đào”, “giúp dân dựng nước” của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ mà khi ấy có những phần tử đứng trên lập trường đối địch đã hạ thấp vai trò và những đóng góp của vua Quang Trung cũng như triều đại Tây Sơn. Vì vậy, Ai Tư vãn tuy làm để khóc vua Quang Trung nhưng về nội dung nó đã trở thành thiên trường ca có giá trị tư tưởng đặc biệt lúc bấy giờ. Trong đó có những câu :

 

Mà nay áo vải cờ đào,

       Giúp dân dựng nước biết bao công trình

                                                                          (Ai Tư vãn)

 

Các thi nhân ở thế kỷ XVIII, trong thi phẩm của họ có nói về vai trò của nông dân vào thời kỳ này, nhưng mỗi tác phẩm, mỗi thi nhân lại có một cái nhìn với một góc độ khác nhau. Ví dụ trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, dịch giả là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì nông dân khởi nghĩa mới chỉ thấy loáng thoáng xuất hiện trong bức màn sương dày đặc của :

 

Trống Tràng-thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam - toàn mờ mịt thức mây.

                                                          ( Chinh phụ ngâm khúc)

 

Đến Hoài Nam ca khúc, thì khởi nghĩa nông dân lại viết nên với thái độ đối lập. Tác giả của Hoài Nam ca khúc là Hoàng Quang, một nho sĩ ở Đàng Trong hồi cuối thế kỷ XVIII, ông đứng trên lập trường của giai cấp phong kiến quí tộc Đàng Trong, ra sức bênh vực các chúa Nguyễn khi đã bị Tây Sơn đánh bại và kịch liệt phản đối cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn, tác giả coi quân đội khởi nghĩa do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo là “giặc”, nên những lời lẽ miêu tả về đám “giặc” mà nhà thơ quan niệm ấy với thái độ thù hằn rõ rệt, như những câu:

 

Giặc dân nổi dậy xứ Chiêm[7]

Tây Sơn Biện Nhạc nghĩ cầm Võ Thang.

“ Phù minh diệt ám[8]” tiếng vang,

Đã liều búa sắt ngựa vàng quản chi.

Trong non khói lửa đen sì,

Cờ thì treo áo, binh thì rút cây.

Rủ nhau bè lũ cáo bầy,

Vuốt nanh khách khứa, cánh vai buôn bè[9].

 

                                                ( Hoài Nam ca khúc)

 

Sự căm thù ghê gớm của Hoàng Quang đối với phong trào nông dân Tây Sơn còn lột tả thêm trong hai câu thơ :

 

 

Nếm mật ba dinh[10] thù hãy đắng

Ăn gừng hai xứ oán còn cay.

                                             ( Hoài nam ca khúc)

 

Còn đến Lê Ngọc Hân thì nông dân khởi nghĩa đã trở thành một lực lượng quần chúng vĩ đại đối với sự nghiệp của dân, của nước.

           

Giúp dân dựng nước biết bao công trình

                                                   ( Ai Tư vãn)

 

Trước thái độ khác nhau của những sĩ phu đương thời về sự nghiệp của Quang Trung Nguyễn Huệ cũng như của triều Tây Sơn trong bối cảnh chung của xã hội đương thời thì những tiếng nói của Bắc cung Hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân trên văn đàn thế kỷ XVIII là một đóng góp lớn trong lĩnh vực hệ tư tưởng. Lê Ngọc Hân là công chúa con vua, thuộc tầng lớp trên của xã hội, được rèn luyện từ thuở nhỏ trong khuôn khổ luân lý đạo đức phong kiến nhưng thơ văn của bà trong Ai Tư vãn lại ít ảnh hưởng của lối văn phong kiến thuộc tầng lớp trên. Thơ của bà đều là những lời chí thiết bắt nguồn từ tình cảm yêu thương sâu nặng, nên không sáo rỗng mà nó hết sức lâm ly thống thiết. Tiếng khóc thương của bà thể hiện một sự đau xót không chỉ là nỗi đau xót của bản thân bà và hai con thơ dại mà còn thể hiện sự đau xót cho cả triều đại Tây Sơn nữa. Vì vậy, nước mắt của bà không chỉ đơn thuần là nước mắt của một người vợ khóc chồng, mà còn là nước mắt của người dân bị mất đi một vị lãnh tụ xuất sắc và vô cùng tin yêu.

Tất cả những điều như thế cũng đủ nói lên sự đóng góp đầy ý nghĩa của Lê Ngọc Hân đối với sự nghiệp vĩ đại của Quang Trung Nguyễn Huệ nói riêng và sự nghiệp của nhà Tây Sơn trong bối cảnh xã hội đương thời vào cuối thế kỷ XVIII nói chung.

 

                                                                            Tháng 10 năm 2010

                                                                                    

 

 


[1] Có thuyết cho rằng, khi thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh(sau là vua Gia Long) đã bắt được Lê Ngọc Hân rồi lấy làm vợ. Có thuyết lại cho rằng, sau khi vua Cảnh Thịnh bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Hà, Lê Ngọc Hân cùng hai con nhỏ trốn tránh ở vùng nông thôn Quảng Trị rồi bị bắt và bị giết cùng hai con. Còn thuyết cho rằng Lê Ngọc Hân mất ở Phú Xuân năm 1799 như nêu ở trên là gần với sự thật hơn và được nhiều người chấp nhận nhất trong khi chưa có tài liệu rõ ràng về vấn đề này. 

[2] Đại nam liệt truyện, Chính biên, quyển 30, tập II, Bản dịch NXB Thuận Hoá, 1993,tr. 508.

[3] Đại nam liệt truyện, Chính biên, quyển 30, tập II, Sđd,tr. 508.

[4] Ngô gia văn phái Hoàng lê nhất thống chí, Bản dịch NXB Văn học, tập II, 1987, tr.203.

[5] Đại nam liệt truyện, Chính biên, quyển 30, tập II, Sđd,tr. 526.

[6] Văn Tân, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam , quyển IV, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 133.

[7] Tỉnh Bình Định nơi bùng nổ phong trào Tây Sơn luc ấy gọi là xứ Chiêm, vì trước là đất Chiêm Thành.

[8] Khẩu hiệu của nghĩa quân Tây Sơn, nghĩa là “ ủng hộ cái sáng, diệt trừ cái tối”

[9] Nghĩa quân Tây Sơn tập hợp được cả những thương nhân nư Tập Đình, Lý Tài…

[10] Dinh hay Doanh là đơn vị hành chính thời các chúa Nguyễn.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529616

Hôm nay

282

Hôm qua

2277

Tuần này

21889

Tháng này

216312

Tháng qua

0

Tất cả

114529616