Cuộc sống quanh ta

VỊ SƯ BIỂU LỖI LẠC CỦA THẾ KỶ XX

Theo quy luật Sinh-lão-bệnh-tử, GS. NGND Trần Văn Giàu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 17h20 ngày 16/12/2010. Đương thời và hậu thế có thể định danh ông là nhà cách mạng tiền bối, người đảng viên lão thành - kiên trung với vô số chức vụ quan trọng từng đảm nhiệm cả trước và sau năm 1945 như: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Tổng giám đốc Nha Thông tin…

nhưng với riêng người viết bài này - cùng với Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu, Trần Đức Thảo - ông là một trong vài vị sư biểu lỗi lạc của thế kỷ XX mà “dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta” đã sinh ra.

Sau nhiều năm “dự bị” ở vùng tự do Thanh Hóa, tháng 11/1954 - chỉ 6 tháng khi tiếng súng ở mặt trận Điện Biên Phủ vừa dứt - trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học đã được thành lập. Trần Văn Giàu thuộc thế hệ các nhà giáo khai sáng, trực tiếp đứng lớp nhiều môn, từ Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới đến Chính trị, Triết học. Nhiều bài giảng năm xưa, theo thời gian, đã có thể lạc hậu… nhưng đặt trong bối cảnh “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”, khốn khó muôn phần lúc bấy giờ, mới thấy bản lĩnh, nội lực phi thường của một thế hệ được lịch sử chọn làm “điểm tựa”. Với “Nhà lá ba gian/ Nứa ghép đôi hàng làm bàn học”, những mẻ “hàng nội chất lượng cao đời đầu” đã “ra lò”, “lớn lên trong mùa cách mạng”. Chỉ trong ít năm, chúng ta có đến vài lứa sử gia xuất sắc, hầu hết đều khẳng định được tên tuổi, chỗ đứng trong xã hội mấy thập niên sau đó. Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Văn Kiệm, Trương Hữu Quýnh… vừa ra trường đã thấy Hoàng Văn Lân, Hà Văn Tấn, Đặng Huy Vận chờ tốt nghiệp. Sau Hoàng Văn Lân, Hà Văn Tấn, Đặng Huy Vận lại có Lê Mậu Hãn, Vũ Dương Ninh, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trịnh Nhu, Nguyễn Thừa Hỷ… tiếp nối. Quả là “sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước”. Dưới sự kèm cặp quyết liệt của GS. Trần Văn Giàu, gần như cùng lúc, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn đã trở thành “thương hiệu” lớn trong Sử giới, uy tín học thuật vượt khỏi lãnh thổ quốc gia; còn Đinh Xuân Lâm - vốn xuất thân giáo viên phổ thông được cử đi học đặc cách - cũng nhanh chóng tìm thấy chỗ đứng cho mình: ngoài mảng đề tài về các văn thân - sĩ phu yêu nước thời cận đại, họ Đinh có thêm một “gia tài” không nhỏ là các bài đọc và giới thiệu sách (125 bài) - tiếp bước con đường của sử quan Nguyễn Bính trong thế kỷ XVIII. Mà không chỉ những lớp học trò xác định chuyên môn “tìm về cội nguồn” dân tộc hay “theo dấu các văn hóa cổ” này mới “ơn thầy Giàu”, các anh tài Ngữ văn: Cao Xuân Hạo, Văn Tâm, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Khắc Phi… cũng không quên bài giảng “khai tâm” ông lên lớp gần 60 năm trước mỗi khi nhớ về cái “buổi ban đầu” của giáo dục đại học nước nhà.

Nhiều lúc, người viết bài này cứ tự hỏi: nếu vì lý do nào đó, ngành giáo dục của ta “đứt gãy” mất vài năm sau thời điểm miền Bắc hoàn toàn giải phóng hoặc lúc ấy, GS. Trần Văn Giàu được cấp trên phân công công tác khác, các ngành khoa học xã hội Việt Nam - nhất là Sử học - hôm nay sẽ có diện mạo thế nào? Và không có những Triết học phổ thông, Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử rồi Chống xâm lăng, Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858, Giai cấp công nhân Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng… chúng ta lấy gì dạy cho học sinh trong suốt 2 - 3 năm? Gần đây, PGS. Chương Thâu (Viện Sử học) còn nói với người viết bài này rằng: không ít giáo sư, nhà nghiên cứu từng viết tham luận dự các hội thảo khoa học bằng cách “rút”, “tỉa” những tư liệu và ý tưởng khoa học từng được trình bày trong các cuốn sách của vị giáo sư Đỏ. Thế mới biết giá trị và ảnh hưởng từ những trang viết Trần Văn Giàu là vô cùng lớn!

Nói theo cách của cố PGS. Bùi Duy Tân, ngoảnh lại nhìn toàn bộ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước có ngành khoa học xã hội - nhân văn, những ai lập nghiệp theo cách không bước trên con đường cái quan, nay ở ngưỡng 75 - 85 tuổi, hầu hết là học trò thầy Trần Văn Giàu; người ít tuổi hơn, thuộc loại “học trò của học trò” thầy Trần Văn Giàu. Có đến 4 - 5 thế hệ đã chạy tiếp sức cùng ông.

Sự thực sáng tỏ đó mặc nhiên xác nhận tư thế “sư biểu” của GS. Trần Văn Giàu trong nền giáo dục Việt Nam thế kỷ XX. Còn “đi xa” hơn, gọi ông là “vạn thế sư biểu” như PGS. Phạm Hồng Tung đã viết trên bản tin ĐHQG Hà Nội, tôi e ông Tung không hiểu văn hóa phương Đông truyền thống, như trước đây có lần ông khẳng định thừa tự tin mà thiếu suy nghĩ rằng: Nam Định là quê gốc của… Lê Hoàn.

So với lịch sử dân tộc hàng nghìn năm thì cuộc đời “trăm năm trong cõi người ta” của GS. Trần Văn Giàu (1911-2010) có lẽ vẫn rất… ngắn. Nhưng 100 năm ông đã sống, làm việc, cống hiến cho dân tộc thật xứng đáng là tấm gương lớn cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Lịch sử dân tộc này đẹp hơn khi có những cuộc đời như ông tô điểm. Sao có thể “thống kê” cho hết được sự tri ân, “nỗi kinh ngạc lẫn niềm cảm phục” của các khoa học gia, thức giả trong nước và quốc tế… dành cho một bậc sĩ phu đất Nam Kỳ lục tỉnh?

Vĩnh biệt GS. NGND Trần Văn Giàu, vị sư biểu lỗi lạc của thế kỷ XX, tấm gương lớn của người trí thức Việt Nam thời hiện đại!


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526506

Hôm nay

2158

Hôm qua

2297

Tuần này

21056

Tháng này

213202

Tháng qua

0

Tất cả

114526506