Những góc nhìn Văn hoá

Văn bản DƯƠNG SỰ THỦY MẠT và quan hệ của nó với ĐẠI NAM THỰC LỤC

 Dương sự thủy mạt (dưới đây gọi tắt là Thủy mạt) là một bộ sưu tập sử liệu chuyên đề về quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chưa rõ tên người biên soạn, chủ yếu ghi chép những sử liệu về thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quan hệ Việt - Pháp, Việt Nam trở thành nước thuộc địa... vào nửa cuối thế kỷ XIX. Đối với bộ sưu tập này, trước đây đã có một số học giả Việt Nam, như Trần Văn Giáp, Trần Lê Hữu quan tâm nghiên cứu. Mấy năm gần đây, chúng tôi đã có những nghiên cứu bước đầu và đã công bố bài viết có liên quan(1). Nhân dịp sang nghiên cứu ở Hà Nội mấy tháng, tôi lại có điều kiện tiến hành khảo sát văn bản của bộ sử liệu này và quan hệ của nó với Đại Nam thực lục, nay xin nêu những kết quả đã khảo sát, mong được sự chỉ giáo của các nhà nghiên cứu.

1. Văn bản, niên đại và tác giả của Dương sự thủy mạt

Thủy mạt ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX về sau, có lẽ chỉ được lưu truyền qua bản chép tay và các bản sao, chưa được khắc in, 3 bản đã biết đều không ghi họ tên tác giả, có thể do nguyên bản chép tay đã thiếu các phần tựa, bạt... nên rất khó căn cứ vào bản sao chép hiện còn để đoán định tác giả và niên đại cụ thể của sách. Thủy mạt chủ yếu ghi chép theo lối biên niên, bắt đầu từ sự kiện "Thuyền Tây dương đến nước ta" vào tháng 2, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) đến khi vua Hàm Nghi bị đưa sang Pháp "điều trị" tháng 11, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Việc ghi chép sự kiện trong khoảng thời gian hơn 40 năm ấy, có khi lấy, có khi bỏ, có sự kiện tường tận, có sự kiện sơ lược. Từ niên đại kết thúc ghi chép sự kiện, chúng ta có thể sơ bộ biết được thời gian sách soạn xong là sau năm 1888.

Chúng tôi đã thấy có 3 bản Thủy mạt, tình hình cụ thể như sau:

Một là "Bản Hoàng Hải" của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2373, sao chép trên giấy trắng thông thường, gồm 156 tờ, vốn không ghi số tờ. Mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 18 đến 20 chữ, dòng ghép rất nhiều, chữ viết theo lối thảo. Trang tên sách chú rõ: "Chép xong ngày 26 tháng 2 năm 1962". Dưới ngày tháng, có tên Hoàng Hải và có đóng dấu vuông nhỏ "Hoàng Hải ấn". Từ đó có thể biết, bản sao này vốn là của Hoàng Hải, hoặc do Hoàng Hải sao chép, cho nên chúng tôi gọi là "bản Hoàng Hải". Bản này ở cuối sách ghi: "Ngày mồng 3 tháng 2 năm Việt Nam dân chủ cộng hòa thứ 17", dưới có chú "Ngày 8 tháng 3 năm 1962", dưới nữa có ghi "Kiểm duyệt: Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Tấn Minh". Trần Văn Giáp tiên sinh đã nghiên cứu bản này, cho rằng hai vị kiểm duyệt là Tú tài thời Pháp thuộc, có trình độ Hán văn khá tốt, kiểm duyệt rất thận trọng, "nhưng vẫn có nhiều chữ sai chưa sửa, chấm câu cũng khó tránh khỏi lầm lẫn"(2).

Về bản Hoàng Hải, có 2 vấn đề cần chỉ rõ. Thứ nhất, bản này có một số nhận xét ghi ở bên lề, khái quát nội dung ghi chép của chính văn, như "Thuyền Tây dương bắt đầu đến nước ta", "Thành Gia Định mất", "Lý tướng (Hồng Chương) gửi thư sang", "Quân nhà Thanh tập trung ở các tỉnh phía bắc", "Thắng trận ở Cầu Giấy", "Tướng Pháp đánh bại quân Thanh ở tỉnh phía bắc"... Trong chính văn còn một số chỗ sửa, đính chính lại các chữ sai, chữ tục, chữ thảo, thêm ít chữ sót, chữ mất, và có thêm chấm câu, hình như Trần Văn Giáp cho rằng những công việc này là do hai vị kiểm duyệt làm. Từ tình hình thời gian, họ tên người kiểm duyệt ghi ở cuối quyển đều dùng bút mực và kiểu chữ thống nhất với chính văn, nhưng nhận xét ở lề sách và sửa chữa ở chính văn lại dùng bút son, kiểu chữ cũng khác, thì thấy, nhận xét ở lề sách, sửa chữ chính văn và chấm câu có thể là do người khác làm. Thứ hai, từ dấu tàng thư đóng trên trang tên sách có thể biết, sau khi sao chép vào những năm 60 của thế kỷ XX, bản sao này sớm nhất có thể do Thư viện Khoa học xã hội thu giữ, sau chuyển đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ, vẫn còn mấy dấu niên đại kiểm duyệt của đơn vị tàng thư, sớm nhất là năm 1967. Những dấu tàng thư và dấu niên đại này đã cung cấp thông tin cho người sau khi khảo sát quá trình lưu truyền và thời gian của bản sao sách này, từ đó chúng tôi cho rằng, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể chính là nguyên bản bản Hoàng Hải mà Trần Văn Giáp đã thấy.

Hai là bản của Phòng Tư liệu Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Bản này ký hiệu là Hv.246, sao chép trên giấy kẻ ô dọc để in ván gỗ, lề giữa có 4 chữ "Long Cương tàng bản", trong lề giữa còn ghi niên hiệu các sự kiện xẩy ra ở trang đó, như "Thiệu Trị năm thứ 7", "Tự Đức năm thứ 9"... Bản này viết theo lối hành thảo, chữ viết khỏe đẹp, thanh thoát, nhưng nét chữ không thống nhất, hình như không phải do một người viết. Toàn sách có 146 tờ, 292 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 21 đến 25 chữ. Những điều ước, văn thư thương lượng giữa Việt Nam và Pháp, một số tên người, tên đất và chú thích chép ở bản này đều ghi bằng chữ nhỏ, xen vào giữa dòng. Trong sách có không ít chữ thông tục và chữ kiêng húy, như để kiêng húy Thánh Tổ hoàng hậu triều Nguyễn họ Hồ, dùng chữ "hư" thay chữ "thực", kiêng húy của Nguyễn Phúc Thì (vua Tự Đức), dùng chữ "thìn" thay chữ "thì"... Từ 4 chữ "Long Cương tàng bản" có thể biết, bản này do Thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục sao chép, vốn là tàng thư của Cao Xuân Dục. Cao Xuân Dục là một học giả nổi tiếng, một vị quan ở hậu kỳ triều Nguyễn, có tàng thư rất phong phú. Để giáo dục thế hệ sau, ông đã thuê người sao chép số lượng lớn sách vở, có cống hiến không nhỏ trong việc bảo tồn văn hiến cổ tịch Việt Nam. Bản này chắc là sách do ông thuê người sao chép. Bản này đã được học giả Trẫn Lê Hữu dịch sang tiếng Việt từ rất sớm (dịch xong ngày 20 thánh 10 năm 1964), hiện bản dịch cũng lưu giữ ở Phòng Tư liệu Khoa Sử của Trường này, ký hiệu Vt.30. Nhưng đáng tiếc chỉ còn tập 2. Nếu còn tập 1, chúng ta có thể biết được nhiều thông tin và nghiên cứu tác phẩm này của ông và đồng nghiệp.

Thứ ba là bản sao của Viện Sử học, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, ký hiệu Hv.418/1-2, sao chép bằng bút sắt, chữ viết khá đều đặn, rất dễ đọc. Bản sao này gồm 152 tờ, chú thích ngắn gọn trong đó dùng chữ nhỏ viết xen vào giữa dòng, còn những văn thương thuyết khá dài giữa hai bên Việt Pháp thì chép vào trong dấu ngoặc đơn, cuối sách chú rõ: "Chép theo nguyên bản của Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu VHv.2373" (nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm), "Chép xong tháng 5 năm 1965", không thấy có thông tin họ tên người sao chép. Từ những ghi chép này có thể thấy, bản sao này là chép theo bản của Thư viện Khoa học xã hội, cũng tức là bản Hoàng Hải, nhưng bản này lại không có những nhận xét bên lề như bản Hoàng Hải. Điều này cũng có thể, từ một mặt khác, chứng minh cho suy đoán của chúng tôi về nhận xét và lời chú của bản Hoàng Hải có lẽ do người khác thêm vào. Đương nhiên, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng người sao chép đã lược bỏ lời nhận xét ở lề sách, xét từ thời gian sao chép, đây là một bản sao xuất hiện muộn nhất.

Mấy văn bản này đều có ưu điểm riêng. Lời nhận xét bên lề của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ và bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thực tế là những tiêu đề nhỏ, nêu ra những sự kiện quan trọng được ghi trong sách. Bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ còn dùng niên hiệu triều Nguyễn nêu rõ niên đại xảy ra các sự kiện ghi trong trang ở lề giữa sách. Những điều đó giúp người đọc tra tìm nội dung trong sách. Bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ chép bài sớ xin đánh của Hoàng Tá Viêm, nội dung rối rắm, không dễ đọc hiểu, còn bản của Viện Sử học thì không có sai sót này, sử dụng tiện lợi.

Trong 3 văn bản này, bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, cũng tức là tàng bản Cao Xuân Dục là văn bản xuất hiện tương đối sớm, còn bản Hoàng Hải và bản của Viện Sử học cũ thì là bản sao, xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Chúng tôi cho rằng, Thủy mạt là trích biên từ bộ sử nhà nước của triều Nguyễn - bộ Đại Nam thực lục (dưới đây gọi tắt là Thực lục ). Nếu nhìn nhận như vậy, thì có thể suy đoán rằng thời gian soạn sách này vào khoảng từ năm 1909 đến năm 1962, vì phần ghi chép về thời kỳ Tự Đức đến Đồng Khánh trong kỷ thứ 4, thứ 5, thứ 6 của Thực lục chính biên lần lượt hoàn thành vào các năm 1894, 1900, 1909. Rất có thể Thủy mạt được biên soạn thành sách từ đầu thế kỷ XX đến những năm 60 của cùng thế kỷ.

Chúng ta biết rằng, đầu thế kỷ XX là thời kỳ ý thức dân tộc và phong trào chống Pháp của Việt Nam dâng cao. Đứng trước sự xâm lược của Pháp và ách thống trị thực dân, nhiều học giả và các bậc chí sĩ đã rong ruổi để lo cứu nước, vì thế có người chú ý tới "dương sự" là rất tự nhiên. Chúng ta còn biết, Cao Xuân Dục mất năm 1923, rất nhiều bản sao chép của Thư viện Long Cương được hoàn thành trước khi ông mất. Theo đó, chúng tôi có thể suy đoán thêm một bước là, Thủy mạt được biên soạn khoảng đầu thế kỷ XX đến những năm 20 cùng thế kỷ. Nếu suy luận như vậy, thì có thể cho rằng Cao Xuân Dục có quan hệ mật thiết nhất với Thủy mạt hay không ? Thậm chí là người biên soạn nguyên bản chép tay? Nhưng chỉ vì là trích lục từ Thực lục nên không ghi tên ?

2. Về những ghi chép ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ

Trong nghiên cứu văn hiến cổ tịch, những tự, bạt, đề từ ở quyển đầu và những lời bình, lời phê, chú thích ở quyển giữa đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu biên soạn sách cổ và lưu truyền bản sao. Trong mấy văn bản của Thủy mạt, ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ có 2 trang ghi chép mà ở 2 bản kia đều không có. Những ghi chép này mang tính chất gì, có quan hệ gì với chính văn, có giá trị đối với việc tìm hiểu các bản sao của Thủy mạt hay không? Rất đáng được chú ý.

Dưới đây xin dịch 2 trang ghi chép ở quyển đầu bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ:

Trang 1: "Người giỏi xem ngựa, phải chọn được giống ngựa kỳ ngựa ký, có chạy ngàn dặm mới có thể rong ruổi đường dài. Tuyển cử phải được thực tài, cũng như vậy. Vì sao thế? Vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia và tuyển cử là sự kiện lớn của nhà nước. Chọn kẻ sĩ mà chuộng hư danh là tiểu nhân, trưng tập mà bất tài, không kham nổi chức nhiệm. Chọn kẻ sĩ mà quý trọng tài năng là người hiền, dẫn dắt rồi dần thành tài, có thể sử dụng cho đời. Vì thế, phép tuyển cử không thể chỉ có danh mà không có thực. Xem thế thì những điều kinh điển đã dậy, các bậc đế vương xưa thực hành, đều có thể khảo sát rõ ràng".

Trang 2: "Tự có thể đúng đắn chu toàn, suy thế thì sẽ không tràn lan, không a dua, mà con người sẽ có thực tài để sử dụng, có thành tựu, có căn cơ, kẻ sĩ không chuộng hư danh, chắc là đạo ở đó vậy. Kẻ sĩ may gặp đời thịnh, theo đòi trường văn, cách nhìn hẹp hòi như vậy, chẳng biết có đúng hay không, xin người cầm quyền chọn lựa dâng lên. Kẻ sĩ xin trả lời." "Tổng cộng trong quyển này xóa 2 chữ, móc 1 chỗ, tẩy bổ sung 1 chỗ". Bên phải, trước đoạn ghi chép có viết 3 chữ lớn: "Nguyễn Huy Tuân", phía dưới chú bằng chữ nhỏ: "Thôn Vạn Phúc, tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông". Phía dưới bên phải lại có 4 chữ: "Hàn thập tứ hiệu".

Đoạn ghi chép này nói về việc tuyển chọn nhân tài và ý nghĩa quan trọng của nó đối với quốc gia, nhưng tôi cho rằng 2 trang ghi chép ấy hầu như không có quan hệ gì với chính văn của Thủy mạt, rất có thể là đoạn văn chép lẫn vào, càng không nên cho là lời tựa của sách Thủy mạt. Có người cho rằng, do thực dân Pháp xâm lược, triều đình họ Nguyễn rất cần tuyển chọn nhân tài để chống ngoại xâm, đoạn văn này chính là trình bày vấn đề tuyển chọn nhân tài, nên được đưa vào quyển đầu làm lời tựa(3). Tôi không đồng ý cách nhìn này. Thứ nhất, rõ ràng 2 trang văn tự này có dạng tương tự quyển thi trả lời sách vấn trong khoa cử. Trên quyển thi đã nêu rõ người ứng thi là Nguyễn Huy Tuân, quê quán cũng đã nói rõ, "Hàn thập tứ hiệu" là số hiệu theo thiên tự văn của thí sinh. Xét từ việc chú rõ chữ xóa, chỗ móc... rất có thể là quyển chép lại để phòng ngừa nạn đổi quyển thi. Thứ hai, xét từ nội dung và cách thức hành văn, phần đầu của những ghi chép này có thiếu sót, phần giữa hình như cũng có thiếu sót, do đó không phải là một quyển thi hoàn chỉnh. Điều mà đoạn ghi chép này bàn tới là lựa chọn và sử dụng nhân tài, căn bản cũng không đề cập tới cái mà chính văn gọi là "Dương sự". Thứ ba, đoạn văn tự này không thấy chép ở bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa thấy có ai giới thiệu, cho rằng Thủy mạt có lời tựa thì thiếu bằng chứng. Thứ tư, xét từ văn bản, chính văn sao chép trên giấy kẻ khung của "Long Cương tàng bản", còn văn tự ở quyển đầu lại sao chép trên giấy trắng không kẻ khung, hơn nữa phong cách thư pháp lại khác với chính văn. Cho nên, tôi cho rằng 2 trang văn tự ấy là do người ta đóng nhầm vào, không có mối liên hệ tất nhiên với chính văn.

Chúng ta đều biết, điển tịch Hán Nôm Việt Nam trong quá trình lưu truyền, phần lớn truyền lại bằng những bản sao, hiện tượng sao chép chung, đóng chung thường hay xảy ra. Từ khía cạnh chỉnh lý văn hiến mà nói, hiện tượng này là không thể bỏ qua. Sao chung, chép chung, đóng chung tiện cho việc lưu giữ văn hiến, có giá trị nghiên cứu riêng của nó. Còn về 2 trang văn tự ở quyển đầu bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, dù là chép chung, đóng chung một cách có ý thức, hay vô tình đóng lộn vào, đối với việc nghiên cứu chế độ khoa cử triều Nguyễn, nó có thể còn có giá trị, nhưng đối với việc nghiên cứu sách Thủy mạt thì không có giá trị trực tiếp. Còn Nguyễn Huy Tuân chỉ là một người ứng thi, có thể khẳng định, ông không phải là tác giả của Thủy mạt, có thể cũng không có quan hệ trực tiếp với bản sao Thủy mạt. Người biên soạn Thủy mạt đã khó tra khảo, đương thời Trần Văn Giáp tiên sinh cũng đã nói một cách tiếc rẻ rằng: "Đáng tiếc không rõ họ tên người biên soạn"(4). Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu trước kia và Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu gần đây đều đã giới thiệu sơ lược tình hình bản Hoàng Hải, nhưng cũng không phát hiện được tác giả của Thủy mạt là ai(5).

3. Quan hệ của Dương sự thủy mạt với Đại Nam thực lục

Thủy mạt ghi chép sự giao thiệp và xung đột Pháp Việt, tức cái gọi là "Dương sự" ở Trung kỳ triều Nguyễn. Trong lịch sử cận đại Việt Nam, cũng còn một tác phẩm quan trọng khác bao gồm nội dung ghi chép tương tự - Thực lục. So sánh 2 tác phẩm này, có thể giúp chúng ta nhận thức quan hệ giữa 2 bộ sử tịch đó, tìm hiểu giá trị sử liệu của Thủy mạt .

Thực lục bắt đầu từ thời kỳ Minh Mệnh (1820 - 1840) do Sử quán triều Nguyễn không ngừng biên soạn, kéo dài mãi tới đầu thế kỷ XX. Là một bộ chính sử của nhà nước, nó có nội dung phong phú, số quyển đồ sộ. Phần Tiền biên ghi chép giản lược lịch sử chính quyền họ Nguyễn ở Quảng Nam, là tiền thân của triều Nguyễn. Phần Chính biên thì ghi chép tỉ mỉ lịch sử thời kỳ thống trị của mấy đời quân chủ triều Nguyễn. Nếu tính chung toàn bộ phần Tiền biênChính biên của Thực lục, phần Tiền biênChính biên của Liệt truyện thì tổng cộng có tới 548 quyển. Sự kiện biên chép trong thời gian từ năm 1847 đến năm 1888 (cũng là năm khởi đầu và kết thúc của Thủy mạt) lần lượt thấy ở Kỷ thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, phần Chính biên của Thực lục.

Thực lục căn cứ vào châu phê để biên soạn, đã phản ánh tình hình các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa triều Nguyễn, với nội dung đồ sộ, giá trị sử liệu rất cao. Về "Dương sự", Thực lục cũng ghi chép rất nhiều, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong khuôn khổ của bộ sử. Thực lụcThủy mạt đều đã ghi chép "Dương sự", vậy thì, những ghi chép về "Dương sự" ở 2 tác phẩm ấy có khác nhau gì không, có mối quan hệ nào không? Khi chỉnh lý Thủy mạt, chúng tôi phát hiện số lượng, nội dung, thậm chí lối hành văn, cách dùng từ trong ghi chép sự kiện của Thủy mạt đều giống với Thực lục. Rất rõ ràng, giữa 2 tác phẩm tồn tại quan hệ nhân tập. Chúng tôi cho rằng quan hệ nhân tập này biểu hiện cụ thể là Thủy mạ t trích lục nội dung "Dương sự" ghi chép trong Thực lục mà không thể là Thực lục đã tham chiếu ghi chép của Thủy mạt. Kỷ thứ 3 phần Chính biên của Thực lục hoàn thành năm 1877, khắc in năm 1879, do đó, ghi chép sự kiện về năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) của Thực lục không thể lấy Thủy mạt viết sau năm 1888 làm bản nền.

Chúng tôi đã chỉ rõ, Thủy mạt là sưu tập sử liệu chuyên đề về giao thiệp và xung đột Việt Pháp chép trong Thực lục. Qua so sánh thận trọng, có thể biết, "Dương sự" chép trong Thực lục, nội dung phong phú, nội dung về "Dương sự" ở các năm chép trong Thủy mạt, tuyệt đại bộ phận đều có thể tìm thấy nguyên văn trong Thực lục, nếu có sai biệt, cũng là rất nhỏ, chủ yếu là khi trích lục, Thủy mạt đã giản hóa về mặt văn tự. Còn nội dung về "Dương sự" một vài năm có chép trong Thực lục, lại không thấy ở Thủy mạt thì có thể là do tác giả của Thủy mạt có chọn lựa hoặc bỏ sót.

Trần Văn Giáp nói Thủy mạt "mới xem qua phần nhiều tưởng là trích lược ở bộ Đại Nam thực lục. Nhưng xem kỹ sẽ thấy sách này có ghi chép một số việc lặt vặt không có trong Thực lục"(4). Qua so sánh, chúng tôi thấy những ghi chép về "Dương sự" giữa hai tác phẩm là đại đồng tiểu dị, chỗ khác nhau chủ yếu biểu hiện ở mấy mặt dưới đây.

Thủy mạt có ghi một vài sự kiện lặt vặt mà Thực lục không chép. Tất cả có 5 chỗ:

1/ Mục tháng 2 năm Tự Đức thứ 26 (1873): "Vua theo lời tâu, liền phát giao sắc ấn cho đại thần toàn quyền, cho sứ thần Lê Tuấn làm toàn quyền (khi ấy Lê Tuấn vì ốm nên vẫn ở lại Gia Định điều trị), Nguyễn Văn Tường làm phó, cho được cùng ông định ước".

Câu ghi trong ngoặc đơn không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 4).

2/ Mục tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 1 (1886): "Quan binh Pháp thu phục hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Toàn quyền Pháp điện bảo triều đình nên đặt quan lại như cũ".

Trong đó, câu "Toàn quyền Pháp điện bảo triều đình nên đặt quan lại như cũ" không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 4).

3/ Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ghi: "Tháng Giêng mùa xuân, năm Đồng Khánh thứ 2, quan binh Pháp ở Thanh Hóa đánh tan Phạm Bành ở Ba Đình (thuộc huyện Nga Sơn, bốn mặt là hơn 2 nghìn mẫu ruộng sâu, ở giữa nổi lên gò đất, rộng hơn trăm mẫu, ba thôn Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê ở liền nhau, ba ngôi đình vọng vào nhau, nên tục gọi như vậy), san phẳng đồn ấy".

Cũng nội dung này, Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 6) ghi: "Tháng Giêng, mùa xuân, năm Đồng Khánh thứ 2, quan binh Pháp ở Thanh Hóa đánh tan Phạm Bành ở Ba Đình (đình 3 thôn Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê liền nhau nên gọi như thế), san phẳng đồn ấy".

4/ Tháng 8, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) ghi: "Nhường giao đất các xứ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam (Khố Diện của Hà Nội, Hải Phòng của Hải Dương, Đà Nẵng của Quảng Nam), đều do Toàn quyền kinh lý buôn bán".

Sự kiện này Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 11) không ghi.

5/ Mục tháng 2, năm Đồng Khánh thứ 3: "Tháng 10, mùa đông, Khâm sứ Hạc tô về nước, đến từ biệt. Vua thấy sứ thần có lòng giúp đỡ, cho trích bạc ở trong kho tặng cho (các hạng ngà voi, trà, gấm hoa, đồ vàng ngọc) và mở tiệc tiễn đưa".

Câu "và mở tiệc tiễn đưa" không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 11).

‚ Khác nhau nhỏ trong hành văn, dùng từ

Hiện tượng này có rất nhiều, chiếm khoảng 4/5 trong số 600 mục hiệu chú do chúng tôi làm khi chỉnh lý, ví dụ:

Thủy mạt: Tháng 9, Toàn quyền Pháp ở Ninh Bình là Ha-la-măng-jing đặt tòa Công sứ ở sát tỉnh thành. (Mục tháng 9, năm Tự Đức thứ 36).

Thực lục: Ninh Bình, vào tháng 9, Toàn quyền Pháp là Ha-la-măng-jing đặt tòa Công sứ ở sát tỉnh thành. (Chính biên, Kỷ thứ 5, quyển 1).

Thủy mạt: Bấy giờ, Kinh lược Nguyễn Chính đóng quân ở xã Đặng Xá, (thuộc huyện Mỹ Lộc) không nhận. (Mục tháng 2, năm Tự Đức thứ 36).

Thực lục: Bấy giờ, Kinh lược Nguyễn Chính đóng quân ở xã Đặng Xá (thuộc huyện Mỹ Lộc) không chịu nhận. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 69).

Thủy mạt: Nam Định tâu xin đắp thêm giang đạo, dựng đặt lũy. (Mục tháng 3, năm Tự Đức thứ 35).

Thực lục: Nam Định tâu xin đắp giữ giang đạo, dựng đặt lũy. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 67).

Thủy mạt: Vua cho là nó xảo trá, lời nói không đáng tin. (Mục tháng 5, năm Tự Đức thứ 26).

Thực lục: Vua nói: "Nó rất xảo trá, đã chiếm đất gan ruột của ta, lại còn nói chuyện nộp thành giảng hòa, không thể tin được". (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 49).

Thủy mạt: Quân Tây đánh úp 6 thành Gia Định không được. (Mục tháng 4, năm Tự Đức thứ 12).

Thực lục: Quân Tây đánh úp 6 đồn Gia Định không được. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 20).

ƒ Sự khác nhau về tên người, tên đất, thời gian, và ghi chép một vài sự kiện

1/ Khác nhau về tên người

Như tháng 2 năm Tự Đức thứ 16 (1863), Thủy mạt ghi: "Sứ 2 nước Phú Lãng Sa, Y Pha Nho là bọn Phô Na, Pha Lăng Y Ca (Pháp soái kiêm sứ) đến Kinh sư". Thực lục cũng ghi chép như vậy, nhưng, "Pha Lăng Y Ca" lại viết là "Pha Lăng Ca", "Pháp soái kiêm sư" viết là "giải sư kiêm sứ". Lại như trận đánh ở tỉnh thành Sơn Tây tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Đề đốc Tam Tuyên Lưu Vĩnh Phúc và Thống lĩnh quân Thanh Đường Cảnh Tùng đôn đốc Lưu Vĩnh Thanh ra thành nghênh chiến". Thực lục ghi là "Trương Vĩnh Thanh". Có 5 chỗ khác nhau như vậy.

2/ Khác nhau về tên đất

Như tháng 4, năm Tự Đức thứ 14 (1861), Thủy mạt ghi: "Nay Gia Định, Định Tường đường xá đã tiện, Vĩnh Long, Biên Hòa địa thế trơ trọi cách trở". "Biên hòa", Thực lục ghi là "An, Hòa", tức An Giang, Hà Tiên. Lại như tháng 2 năm Tự Đức thứ 15 (1862), Thủy mạt ghi: "Văn Uyển biết (chúng) định gây mầm loạn, liền nghiêm lệnh cho quan Lãnh binh Tôn Thất, quyền sung lãnh binh Nguyễn Đài, Lê Đình Cửu (đều phái đi trú đồn Vĩnh Long)..." "đồn Vĩnh Long", Thực lục ghi là "đồn Vĩnh Tùng". Có 9 chỗ khác nhau như vậy, có một số chỗ có thể nhìn ra là do Thủy mạt viết sai.

3/ Khác nhau về thời gian chép việc

Mục tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (1864), Thủy mạt ghi: "Sứ thần toàn quyền Phan Thanh Giản trao đổi sắc văn với viên soái Pháp là Ha-ba-li. Sứ Pháp đã trở về, bọn Phan Thanh Khoa dâng sớ xin chịu tội". Cùng nội dung này, Thực lục ghi vào tháng 6 cùng năm, tường thuật khá tỉ mỉ. Có 6 chỗ khác nhau về thời gian như vậy. Trong đó có 3 chỗ thời gian ở Thủy mạt sớm hơn Thực lục 1 năm, tháng cũng không giống nhau; một chỗ số ngày khác nhau, đó là sự kiện tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), quân Pháp tấn công cửa Bắc thành Hà Nội, quân giữ thành cầm cự với quân Pháp, Thủy mạt ghi là "cầm cự nhau 4,5 ngày", Thực lục ghi là "cầm cự nhau 17 ngày".

4/ Khác nhau về tên quan chức

Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Thủy mạt ghi: "Cho viên soái Pháp là Lê-na đặt dinh thự ở bờ nam sông Hương của Kinh thành". Thực lục ghi: "Cho Khâm sứ Pháp là Lê na...". Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Tá Viêm cùng bọn Tán tương Lê Tư Thứ đóng đồn ở ngoài cửa nam La thành". "Tán tương" Thực lục chép là "Tham tán". Chỉ có 2 trường hợp như thế này.

5/ Khác nhau về số người chết và bị thương khi chiến đấu, về số lượng binh dõng, dinh quân, thuyền chiến

Như tháng 10 năm Tự Đức thứ 11 (1858), Thủy mạt ghi: "Vua thấy trận này quân ta chết và bị thương ngang với giặc, nên miễn". Thực lục ghi: "Vua thấy quân ta bị thương (10 người), bị chết (22 người, 2 cỗ voi), nhưng quân Tây cũng chết nhiều (45 tên), nên miễn". Lại như tháng 3, năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thủy mạt ghi: "Bấy giờ soái phủ Pháp bàn trích 6 nghìn lính của tỉnh này, trao cho súng diễn tập để lúc cần sai đi tiễu trừ". Thực lục thì chép là "bàn trích 1 nghìn quân của tỉnh này". Những con số khác nhau như vậy có 8 chỗ.

6/ Khác nhau trong ghi chép sự kiện

Như tháng 4 năm Tự Đức thứ 12 (1859), Thủy mạt ghi: "Gia Định thì số thuyền hiện đậu ít, mà ở xa ngoài biển, tiến sát thực khó". Thực lục ghi: "Gia Định thì số thuyền hiện đậu nhiều, mà ở gần mặt biển, tiến sát rất khó". Chỗ này ghi chép ở 2 sách khác nhau rất lớn. Có những chỗ chỉ là sai khác nhỏ, như tháng 6, năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Tháng 6 (ngày 16 tháng này Hoàng đế nước Anh băng), thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu". Thực lục ghi: "Ngày 6, thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu". Sai khác nhỏ của một vài sự kiện có khoảng hơn 10 chỗ.

Qua so sánh trên đây, có thể thấy, Thủy mạt là trích lục chuyên đề về nội dung "Dương sự" ghi chép trong Thực lục, nhưng 2 sách không hoàn toàn giống nhau, chỗ khác nhau, có thể là do trích lục sai, có thể là do người trích lục gia công giản hóa, có thể là do có căn cứ khác. Xét về mặt nội dung, là sử liệu chuyên đề về "Dương sự", Thủy mạt vẫn có giá trị đáng được coi trọng. Trần Văn Giáp nói: "Vậy ta có thể coi sách này là một bộ dã sử về thời quân Pháp mới xâm lược nước ta"(7).

Là một bộ sưu tập sử liệu, Thủy mạt còn rất ít được chú ý ở Trung Quốc, chỉ có Từ Thiện Phúc qua chuyển dịch Việt văn, đã sử dụng những ghi chép của sách này(8). Cần nói rằng, Thủy mạt còn có giá trị khi nghiên cứu lịch sử chiến tranh Trung Pháp, lịch sử quan hệ Trung Việt. Thủy mạt là trích biên sử liệu có tính chất chuyên đề, tạo thuận lợi rất lớn cho những ai tìm hiểu sự giao thiệp và xung đột Việt Pháp, sử dụng những tư liệu liên quan. Dù trong Thực lục đã ghi chép những sử liệu này, thậm chí nội dung còn nhiều hơn, còn quyền uy hơn Thủy mạt, nhưng Thực lục là một bộ sách của nhà nước, do triều đình nhà Nguyễn biên soạn, số quyển số tập rất đồ sộ, tra tìm rất bất tiện. Còn Thủy mạt chuyên chép "Dương sự", khuôn khổ không đến 10 vạn chữ, viết theo lối biên niên, tra tìm sử dụng rất tiện. Đối với các bộ sử đồ sộ, học giả Việt Nam xưa nay có truyền thống biên tập bản rút gọn kiểu "tiết yếu", "toát yếu". Như sau khi triều Nguyễn biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì đã có Việt sử cương mục tiết yếu. Kiểu tiết yếu này là sự cô đọng, rút gọn toàn bộ nội dung của nguyên tác, nhưng kiểu trích yếu chuyên đề như Thủy mạt đối với Thực lục này thì không thấy nhiều. Do đó, chỉnh lý xuất bản Thủy mạt dù là đối với việc nghiên cứu văn hiến lịch sử Việt Nam, hay là đối với việc nghiên cứu lịch sử cận đại, đều là có ý nghĩa.

V.H.Đ

CHÚ THÍCH:

(1) Đới Khải Lai, Vu Hướng Đông: "Về Dương sự thủy mạt, sử liệu chuyên đề Pháp xâm lược Việt Nam". Tập san Đông Nam Á tung hoành. Số 1, năm 1998, Nam Ninh.

(2) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, H. 1971, tr.167-169.

(3) Lư Tiểu Lợi: "Nghiên cứu bước đầu về Dương sự thủy mạt " Luận văn Nghiên cứu sinh Thạc sĩ Đại học Trịnh Châu, năm 1995.

(4) Xem chú thích 2.

(5) Trần Nghĩa chủ biên: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu. Nxb. KHXH, H. 1993, Tập 1, tr.457. Vương Tiểu Thuẫn chủ biên: Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu. Đài Loan Trung ương Nghiên cứu viện, Trung Quốc Văn triết nghiên cứu sở biên ấn, 2002, tr.45.

(6) Xem chú thích 2.

(7) Xem chú thích 2.

(8) Từ Thiện Phúc: "Lưu Vĩnh Phúc viện Việt kháng Pháp đích quang huy lịch trình" đăng trong Trung Pháp chiến tranh luận văn tập do Trung Pháp chiến tranh sử học hội biên tập. Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1986.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529608

Hôm nay

274

Hôm qua

2277

Tuần này

21881

Tháng này

216304

Tháng qua

0

Tất cả

114529608