Những góc nhìn Văn hoá
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
I. Khái lược về phân tầng xã hội và di động xã hội...
...
5. Khái quát về phân tầng xã hội ở Việt Nam từ truyền thống đến trước đổi mới
Các mục trên đây đã trình bày những kiến thức khái lược về phân tầng và thực tế lịch sử phân tầng xã hội trên thế giới. Vậy còn trường hợp ở Việt Nam thì sao? Bảng 1.5 trình bày tóm tắt về hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam trong lịch sử dựa trên kết quả nghiên cứu ở đề tài cấp Bộ năm 2009-2010 (Đỗ Thiên Kính, 2011a:35~58).
Bảng 1. 5. Những nét đại cương về phân tầng xã hội ở Việt Nam từ truyền thống đến trước đổi mới
Một số nhận xét chung về 3 mô hình ở Bảng 1.5 như sau:
+ Mô hình 1, 2 trong lịch sử thể hiện sự chuyển đổi từ cấu trúc đẳng cấp (với hai đẳng cấp thống trị và bị trị) sang cấu trúc giai cấp (với giai cấp tư sản và địa chủ thống trị, còn lại là giai cấp công nhân và nông dân bị trị). Tiêu chuẩn phân chia các tầng lớp xã hội dựa trên quyền lực và tài sản. Bên cạnh tiêu chuẩn này, mô hình xã hội trong lịch sử luôn tồn tại tiêu chuẩn khác phân chia các tầng lớp xã hội theo nghề nghiệp: “Sĩ - Nông - Công - Thương”. Tiêu chuẩn khác này đã bổ sung, làm phong phú và cụ thể hơn bức tranh phân tầng xã hội trong lịch sử Việt Nam. Một ví dụ nghiên cứu trường hợp về phân tầng xã hội trong lịch sử qua quán Giá của hai làng Yên Sở và Sở Đắc (tỉnh Hà Đông) được trình bày dưới đây là minh họa sống động về cấu trúc xã hội thời kỳ này.
+ Mô hình 3 thể hiện cấu trúc giai cấp công nhân, nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN), hay còn gọi là cơ cấu “hai giai, một tầng”. Hai giai cấp thời kỳ này được quy định bởi cơ sở kinh tếvới hai hình thức sở hữu nhà nước và tập thể đối với tư liệu sản xuất (chế độ công hữu).Các tầng lớp xã hội khác còn lại đều nhằm củng cố và phát triển hai giai cấp chủ chốt của xã hội. Hai giai cấp đều là anh em, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo. Lý luận phân tầng xã hội theo lý thuyết giai cấp của Marx-Lenin giữ địa vị thống trị tuyệt đối. Mô hình “hai giai, một tầng” là có tính phổ biến trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hồi bấy giờ nói chung.
Một ví dụ về phân tầng xã hội ở Việt Nam trong lịch sử
Tài liệu lịch sử trong ví dụ này được trích dẫn chủ yếu từ những công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Huyên (1995): “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” - Tập I. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội. Việc thờ thành hoàng làng được thực hiện ở nhiều làng quê người Việt vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Thành hoàng Lý Phục Man - một viên tướng trung thành của ông vua Lý Bí (503~548) - là một trong những trường hợp như vậy. Lý Phục Man được thờ làm thành hoàng làng trong 20 làng ở vùng ĐBSH. Hình ảnh về ông là hoàn toàn truyền thuyết.
Tại quán Giá - nơi trung tâm thờ Lý Phục Man được thực hiện bởi hai làng Yên Sở và Đắc Sở cùng nhau trông nom việc thờ cúng - đã thể hiện toàn bộ cấu trúc xã hội của hai làng qua hai dãy hành lang trong quán Giá dành cho hai làng này (Hình 1.3). Toàn bộ đàn ông của mỗi làng được chia thành 12 hạng. Mỗi dãy hành lang đều có 11 ô ngăn dành cho các đẳng cấp của mỗi làng. Trong đó, 10 ô ngăn dành cho 10 đẳng cấp và 1 ô ngăn còn lại. Vào những ngày lễ hội Lý Phục Man hàng năm, các đẳng cấp được phân chia theo những ô ngăn đã quy định của hành lang. Tôn ti trật tự cao thấp (ngôi thứ) giữa các ô ngăn được tính từ điện thờ. Đẳng cấp nào ở gần điện thờ hơn, thì có địa vị xã hội cao hơn. Tiếp theo, mỗi ô ngăn lại còn được chia nhỏ thành 3 bậc (bên trên rải chiếu) có độ cao thấp khác nhau (mỗi bậc cao hơn bậc dưới khoảng 10~15 cm) dành cho 3 lớp người cũng khác nhau trong cùng một đẳng cấp (Nguyễn Văn Huyên, 1995:332, 347, 349, 409, 410). Như vậy, mỗi lớp người sẽ ngồi ăn uống cùng một chiếu và có “chiếu trên, chiếu dưới” trong cùng đẳng cấp. Sơ đồ hai dãy hành lang trong quán Giá:
Hình 1. 3. Vị trí các đẳng cấp trong hành lang quán Giá (năm 1937)
Nguồn: Biên tập lại từ tài liệu (Nguyễn Văn Huyên, 1995:312, 343~349)
Dưới đây là miêu tả về hành lang phía tây dành cho làng Yên Sở:
“Thật ra, chỉ có 10 hạng kỳ mục; thập tịch, gọi nôm na là mười nóc. Hạng kỳ mục chỉ tồn tại khi người ta bàn việc làng. Lúc ăn uống, hội hè, các kỳ mục trở về chỗ của họ. Người đứng đầu hội đồng xã có thể là một người nhà binh, hàm ngũ phẩm. Khi ăn uống, người này ngồi ở chiếu đầu tiên của các xã binh. Lý trưởng ngồi chiếu xã dân. Bởi thế trong ngày hội, các chiếu kỳ mục dùng làm nơi tiếp đón. […]
Mỗi đẳng cấp được dành những chỗ ngồi riêng biệt ở ngôi nhà công cộng của làng gọi là quán Giá. Những ngày lễ hội, cả mười đẳng cấp thân hào tập họp ở hành lang, tức là một dãy nhà gạch không cửa ngõ gì, nằm ở phía trái cái sân chính. Dãy hành lang có 11 ô ngăn, trong đó có 10 ô dành cho 10 đẳng cấp thân hào, và một ô dành cho các đại diện chính thức của làng gọi là Kỳ mục. […]
Người ta nhận thấy rằng những ngày có họp bàn việc làng, cái ô thứ ba được dành riêng cho những người Kỳ mục tức là những đại diện chính thức của làng. Nếu không thì đó là nơi tiếp khách long trọng trong những ngày lễ hội.
Mỗi đẳng cấp còn được chia nhỏ làm ba lớp, mỗi lớp có góc chiếu ngồi riêng. Mỗi ô ngăn được chia thành ba phần: lớp thân hào thứ nhất ngồi vào chiếc chiếu trải phần trên ô ngăn thứ nhất ở phía trái, đắp cao hơn hai phần ô ngăn kia 25 cm. Rồi đến lớp thân hào thứ hai. Lớp thân hào thứ 3 ngồi trên chiếc chiếu ở phía sân quán.
Những người thuộc cùng đẳng cấp, cùng tầng lớp, cùng ngồi một chiếu, cùng ăn một mâm. Muốn gia nhập đẳng cấp người ta phải đáp ứng những điều kiện đặc biệt được xác định nghiêm ngặt. Thí dụ: phần thứ nhất của ô dành cho đẳng cấp Tư văn, được dành cho những ai đỗ giải ưu trong kỳ thi văn học. Ở đó ngày nay bị bỏ trống vì chẳng ai trong làng đáp ứng được điều kiện đó cả. […]
Muốn cho thể chế đẳng cấp đó có một cơ sở vững chắc, người ta đã tạo cho nó một tính chất tôn giáo. Những ai thỏa mãn những điều kiện vật chất và đạo đức để gia nhập một đẳng cấp, trước tiên phải hiến một lễ tế Thần Thành hoàng. Do đấy, địa vị xã hội của họ mang tính chất tôn giáo” (Nguyễn Văn Huyên, 1995:349, 409, 410).
Bên dưới các đẳng cấp thuộc hai dãy hành lang trên đây là những dân đinh (hạng thứ 12 - cùng đinh). Chỉ những người thuộc 11 hạng mới có quyền có chỗ ở quán (còn hạng thứ 12 thì không như vậy). Tiếp theo, ta hãy phân tích cấu trúc xã hội của hai làng Yên Sở và Đắc Sở theo những kiến thức khái lược về phân tầng xã hội như trình bày dưới đây:
+ Về đại thể, cấu trúc xã hội của hai làng Yên Sở và Đắc Sở được phân chia thành hai loại hạng người: Những người quản lý xã thôn (thể hiện qua 11 ô ngăn ở hai dãy hành lang) và đa số dân đinh còn lại (hạng 12). Nói theo ngôn ngữ của M. Weber, sự phân chia thành hai loại hạng người như thế này là dựa theo tiêu chuẩn về quyền lực chính trị (đồng thời cũng bao hàm và hội tụ cả về địa vị KT-XH trong đó). Thứ bậc cao thấp rõ ràng là những người quản lý xã thôn ở trên đa số dân đinh.
+ Cụ thể hơn, đối với những người quản lý xã thôn thì mỗi làng Yên Sở và Đắc Sở lại có sự phân chia theo tôn ti trật tự (ngôi thứ) theo hai cách khác nhau. Trong đó, cả hai làng đều sắp xếp hạng thứ 11 (hàng phiên) đứng cuối cùng là do sự di động luân phiên cắt cử từ hạng 12 đưa lên. Hết thời gian luân phiên (thường là một/vài năm) thì họ lại trở về hạng 12, và được thay mới bằng những người khác cũng từ hạng 12. Các đẳng cấp ở bậc trên hàng phiên không giống hoàn toàn với đẳng cấp ở Ấn Độ cổ đại là cha truyền con nối và đóng kín, mặc dù các đẳng cấp này ở làng xã Việt Nam được duy trì địa vị xã hội của họ như vậy khá dài (có thể đến già) và có thể di động lên các đẳng cấp trên. Biểu hiện của đẳng cấp được thể hiện rất rõ ở quán làng qua sinh hoạt ăn uống, đứng ngồi, tế lễ và thờ cúng. Các tiêu chuẩn để phân chia và xếp hạng các đẳng cấp này ở hai làng là sự kết hợp về tuổi tác, chức tước, bằng cấp và địa vị.
+ Cuối cùng là cách phân chia và xếp hạng tổng quát cho toàn bộ dân cư làng xã theo cái gọi là tứ dân: Sĩ - Nông - Công -Thương. Điều này được thể hiện qua các hình trang trí trên những viên gạch đỏ trạm trổ tạo thành đường gờ của bức tường hai bên tam quan (gần hai hành lang) ở quán Giá:
“Các gờ tường ở đây trình bày rồng, phượng, và lân. Sự yên ổn chỉ có thể được thực hiện trong nước bằng lao động và sự tổ chức hài hòa của các giai tầng trong xã hội. Nghệ thuật trang trí thể hiện ý này bằng cách trình bày nhóm tứ dân: sĩ, nông, công, thương; hoặc bốn cảnh của đời sống bình thường: ngư, tiều, canh, mục. Ta thấy bốn cảnh này trong bốn hình trạm khắc ở đây: người đọc sách,... người tiều phu,... người câu cá,…và người làm ruộng […]
Người ta vốn quen phân biệt bốn giai cấp hoặc đẳng cấp trong xã hội người Việt: Sĩ (nho sĩ), Nông (nông dân), Công (thợ thủ công) và Thương (người buôn bán). Đấy là một sự phân biệt hoàn toàn đại khái, phần lớn dựa trên nghề nghiệp của từng người hơn là dựa trên vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều đó rất rõ nét trong làng xã người Việt, nơi mà cách phân biệt đó chẳng có giá trị gì lắm” (Nguyễn Văn Huyên, 1995: 330, 409).
Cách phân chia theo 4 loại hình tứ dân này đã bao hàm thêm cả hạng 12 trên đây (gồm có Nông - Công - Thương). Theo ngôn ngữ của xã hội học hiện đại, thì đó là dựa theo tiêu chuẩn nghề nghiệp đã bao hàm cả địa vị xã hội. Ta có thể tổng hợp lại tôn ti trật tự từ trên xuống dưới các đẳng cấp ở làng xã Việt Nam trong lịch sử (thời kỳ phong kiến) như sau: Quản lý xã/thôn (bao gồm cả Sĩ) - Nông - Công - Thương. Sự phân chia này trước hết là dựa trên quyền lực chính trị, sau đó là dựa theo nghề nghiệp. Theo ý nghĩa của sự phân loại các nhóm nghề nghiệp hiện nay, thì nhóm Quản lý xã thôn cũng là một loại nghề đặc biệt. Do vậy, sự phân loại các tầng lớp xã hội ở làng/xã nông thôn trên đây có thể quy giản về tiêu chuẩn nghề nghiệp.
+ Việc sắp xếp theo tôn ti trật tự ở hai dãy hành lang trong quán Giá đã thể hiện sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc của xã hội. Bất bình đẳng giữa các đẳng cấp ở làng/xã là thuộc tính của cấu trúc xã hội Việt Nam. Sự bất bình đẳng này được thể hiện qua việc phân chia những loại tài sản, nguồn lực, nguồn lợi của xã hội. Cụ thể hơn, đó là những quy tắc trong việc phân chia những nguồn lực, nguồn lợi này theo địa vị xã hội của mỗi đẳng cấp nơi chốn quán làng và đã trả lời cho nửa đầu câu hỏi: “Ai có được cái gì và tại sao?” Dẫn chứng từ lịch sử dưới đây là thể hiện sự trả lời cho nửa đầu câu hỏi này.
“Con vật bị giết (bò, lợn, gà...) thường được quy định thành một “bản đồ khu vực” rất tỉ mỉ, dành cho từng chức tước, đẳng cấp nhất định. […] Sự phân chia các bộ phận con vật làm quà biếu cho các ngôi thứ không chỉ đơn thuần theo một thứ tự ưu tiên, mà là theo một quy định nghiêm ngặt được quy chế hóa trong làng xã” (Nguyễn Thừa Hỷ, 1978:128).
+ Phương thức di động xã hội gia nhập vào các đẳng cấp ở làng Yên Sở bằng nhiều con đường khác nhau: thiên định (hay Xỉ, trọng lão đối với người già), thi cử (đối với Tư văn), đề bạt và chuẩn y (đối với Quan viên chính), mua ngôi (đối với Quan viên mới), và cắt cử (đối với tuần đinh, tức hàng phiên). Phương thức di động xã hội như thế này đã tạo nên địa vị xã hội cho các đẳng cấp. Theo kiến thức khái lược về phân tầng xã hội, có hai con đường để đạt tới địa vị KT - XH: nhờ dựa vào địa vị quy gán sẵn (ví dụ điển hình như đẳng cấp Lão) và địa vị giành đạt được, phải phấn đấu mới giành được (ví dụ điển hình như đẳng cấp Tư văn). Phương thức di động xã hội như thế này chính là đã trả lời cho câu hỏi: “Ai tiến lên phía trước và tại sao?” Dù cho phương thức di động xã hội bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng dẫu sao tất cả các đẳng cấp ở bậc trên hàng phiên đều phải hiến một lễ tế Thần Thành hoàng. Tức là đều phải làm lễ cúng ở quán Giá và sau đó là tiệc tùng khao vọng:
“Một câu ngạn ngữ nói: vô vọng bất thành quan, nghĩa là “nếu không có tiệc tùng khao vọng, thì không thành quan (của làng) được”. Muốn được chấp nhận vào hạng mình có quyền được vào, cần phải có lễ cúng ở quán Giá, tức là cho các kỳ mục của làng ăn uống” (Nguyễn Văn Huyên, 1995: 346).
Như vậy, phương thức di động xã hội trong đời sống hiện thực nơi trần thế đã được bao phủ bởi màu sắc tôn giáo. Tôn giáo đã tạo thêm sự ràng buộc và làm tăng thêm sức mạnh cho thể chế nơi trần tục.
Qua những điểm phân tích trên đây, ta thấy cấu trúc xã hội Việt Nam truyền thống đã thể hiện lý thuyết phân tầng xã hội của xã hội học hiện đại.
6. Một số vấn đề đặt ra từ tổng quan nghiên cứu giai tầng trong thời kỳ đổi mới
Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Việt Nam đã thực hiện nhất quán mô hình kinh tế tổng quát là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Dưới sự tác động tổng hợp của mô hình kinh tế đó, cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta cũng đã có sự thay đổi. Từ chỗ chỉ có một cơ cấu xã hội - giai cấp đơn giản "hai giai, một tầng" đã chuyển sang hình thành cơ cấu xã hội - giai cấp mới đa dạng hơn với nhiều tầng lớp xã hội. Phản ánh hiện thực mới đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng cũng đã cho rằng: "Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế - xã hội" (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001:85). Trong bối cảnh này, những nghiên cứu về biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp hiện đang đứng trước ngã ba đườngvà rẽ theo ba hướng nghiên cứu khác nhau.
Hướng thứ nhất cố gắng thoát khỏi tư duy lý luận cũ thời bao cấp bằng cách tập trung nghiên cứu về sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng mức sống (Tương Lai, 1995; Trịnh Duy Luân, 1992, 2001; Lê Du Phong et al., 2000; Đỗ Thiên Kính, 2001, 2003; Nguyễn Đình Tấn, 2005; Tổng cục Thống kê, 2000, 2006, 2007, 2011, 2014; Ngân hàng thế giới, 2012). Về đại thể, hướng nghiên cứu này khẳng định rằng đang tồn tại khá phổ biến sự phân tầng xã hội theo mức sống (tức là phân hóa giàu - nghèo). Bởi vì hiện tượng phân hóa giàu nghèo diễn ra ở mọi nơi (nông thôn, đô thị và các vùng/miền KT - XH khác nhau) và ngày càng doãng ra. Chẳng hạn, qua cuộc Khảo sát Mức sống Dân cư Việt Nam (VH
Hướng thứ hai vẫn tiếp tục nghiên cứu theo lối tư duy cũ. Chính xác hơn, hướng nghiên cứu này còn chịu ảnh hưởng bởi tư duy lý luận về cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quan liêu bao cấp trước đây, nhưng có thừa nhận hiện thực cơ cấu xã hội mới đa dạng. Do vậy, hướng nghiên cứu này cố gắng khuôn mẫu mô hình cơ cấu xã hội mới trong mô hình cũ“ 2 giai, 1 tầng”; thành phần nào không phù hợp với mô hình cũ thì coi đó là những tầng lớp xã hội mới xuất hiện (Đỗ Nguyên Phương, 1994; Lê Ngọc Triết, 2003; Nam Sơn, 2009; Nguyễn Thanh Tuấn, 2007; Phạm Ngọc Quang - Đinh Quang Ty, 2006; Phạm Quang Trung et al., 2001; Phạm Xuân Nam, 2001, 2008, 2010; Văn Tạo, 2002, 2008; Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, 1992). Về đại thể, hướng nghiên cứu này đưa ra một cơ cấu xã hội - giai cấp mới đa dạng, bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, tầng lớp doanh nhân, tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, chủ trang trại và một số nhóm xã hội khác (Phạm Xuân Nam, 2008, 2010). Về thực chất, đây chính là mô hình cũ mở rộng thành “2 giai, nhiều tầng”.
Từ hai hướng nghiên cứu trên đây, nổi lên một số vấn đề cơ bản đặt ra có liên quan trực tiếp đến lý luận và phương pháp luận nghiên cứu như sau:
1. Tiêu chuẩn phân chia các tầng lớp xã hội như thế nào?
Hướng thứ nhất dựa vào tiêu chuẩn thu nhập/chi tiêu để phân chia thành các nhóm giàu nghèo về mức sống (thường gọi là phân tầng xã hội về mức sống). Thực chất, hướng này không phải là nghiên cứu về phân tầng xã hội, mà chỉ là nghiên cứu sự “khác biệt giàu nghèo”, hoặc “phân hóa giàu nghèo”, hoặc về bản chất đó là “bất bình đẳng xã hội”. Tình trạng nghiên cứu như thế về phân tầng xã hội ở Việt Nam là phổ biến. Do vậy, những người nghiên cứu thường gọi là “phân tầng về mức sống” (mà không phải là “phân tầng xã hội”). Tồn tại tình trạng nghiên cứu về phân tầng xã hội như thế là tất yếu, bởi vì họ gặp phải vấn đề lý luận và phương pháp luận chưa giải quyết được. Hướng thứ hai lại xuất phát từ tiền đềngầm định mặc nhiên rằng, tiêu chuẩn phân chia thành các tầng lớp xã hội ở Việt Nam hiện nay là dựa vào sở hữu tư liệu sản xuất(TLSX), bởi vì hệ tư tưởng nền tảng của lý luận này là chủ nghĩa Marx-Lenin. Theo đó, cách phân chia thành hai giai cấp và một tầng lớp (tức là “2 giai, 1 tầng”: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức) vẫn còn ảnh hưởng lớn đến những nghiên cứu về phân tầng xã hội hiện nay. Mặc dù những nghiên cứu về cơ cấu xã hội - giai cấp hiện nay có những nội dung mới(như cho rằng cơ cấu xã hội - giai cấp không đơn giản là 2 giai cấp, 1 tầng lớp như trước đây nữa, mà có sự xuất hiện những tầng lớp xã hội mới: doanh nhân, tiểu thương - tiểu chủ và các nhóm xã hội khác), nhưng về cơ bản cơ cấu xã hội - giai cấp Việt Nam hiện nay vẫn được cấu thành bởi hai giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức.Nói cách khác, cơ cấu cũ “2 giai, 1 tầng” là cơ cấu “hạt nhân/lõi” của cấu trúc mở rộng thành “2 giai, nhiều tầng”. Sở dĩ tồn tại nhận thức về “2 giai, nhiều tầng”, bởi vì tiêu chuẩn phân chia chủ yếu là dựa vào sở hữuTLSX, trong đó công hữu giữ vai trò chủ yếu. Do vậy, khi chúng ta thừa nhận sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu TLSX khác nhau (ngoài công hữu) thì sẽ dẫn tới thừa nhận sự xuất hiện của những tầng lớp xã hội mới.
Đối với tiêu chuẩn ngầm định mặc nhiên trong hướng nghiên cứu thứ hai ở trên, nhiều người nghiên cứu ở Việt Nam không biết được rằng trên thế giới người ta đã phân tách ra thành quyền sở hữu và quyền kiểm soát đối vớiTLSX. Lý luận về sở hữu TLSX của K. Marx đã được bổ sung thêm mặt kiểm soát đối với chúng. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, có nhiều hình thức sở hữu ở Việt Nam (kể cả sở hữu tư nhân), trong đó công hữu về TLSX giữ vai trò chủ yếu. Do vậy, cái gọi là “quyền sở hữu” những TLSX thuộc nhà nước (công hữu) sẽ không nổi trội bằng “quyền kiểm soát” chúng. Bởi vì quyền sở hữu những TLSX thuộc nhà nước là ngang nhau giữa mọi người trong xã hội, nhưng quyền kiểm soát chúng thì không ngang nhau. Những người lãnh đạo các cấp và các ngành (những người có chức vụ, quan chức) gắn liền với “quyền kiểm soát” tài sản công (tài sản nhà nước) nhiều hơn đa số dân chúng trong xã hội.
Đồng thời với tiêu chuẩn dựa vào sở hữu TLSX trên đây, những người nghiên cứu còn kết hợp thêm cả tiêu chuẩn dựa vào ngành sản xuất (như các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) để phân chia các tầng lớp trong xã hội. Cụ thể hơn, khi xác định một giai cấp (hoặc một tầng lớp), người ta thường đưa ra định nghĩa giai cấp (hoặc tầng lớp) đó là gì. Sau đó xác định những thành viên xã hội nào thỏa mãn định nghĩa đã đưa ra thì gộp chung lại vào một giai cấp (hoặc tầng lớp) đó. Chẳng hạn như định nghĩa về giai cấp công nhân[1]. Trong định nghĩanày, theo tiêu chuẩn ngành sản xuất (chứ không phải là nghề nghiệp), chẳng lẽ người lái xe riêng cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và người lái xe khác cho Bộ trưởng Bộ Công Thương lại thuộc về 2 tầng lớp xã hội khác nhau. Trong khi đó, 2 người lái xe này có địa vị xã hội giống hệt nhau hoàn toàn (và 2 người Bộ trưởng cũng như vậy). Cũng theo tiêu chuẩn ngành sản xuất, chẳng lẽ Bộ trưởng Bộ Công thương thuộc về giai cấp công nhân, còn Bộ trưởng Bộ NN & PTNN không phải là giai cấp công nhân? Hoặc là, cũng theo định nghĩa này, thì Bộ trưởng Bộ Công Thương và tất cả mọi người trong các xí nghiệp, nhà máy công nghiệp (từ giám đốc cho tới nhân viên bảo vệ, quét dọn vệ sinh) đều thuộc về giai cấp công nhân. Trong khi đó, nhân vật Bộ trưởng, giám đốc nhà máy và các nhân viên bảo vệ, quét dọn vệ sinh có địa vị KT - XH khác hẳn nhau hoàn toàn, bởi vì các nhân vật xã hội đó có sự kiểm soát khác nhau đối với TLSX, mặc dù họ đều làm công hưởng lương trong lĩnh vực công nghiệp và không có sở hữu tư nhân bất kỳ loại TLSX nào trong nhà máy đó. Đây chính là cơ sở thực tiễn để người ta phân tách ra thành quyền sở hữu và quyền kiểm soát đối vớiTLSX. Trên cơ sở thực tiễn này, chúng ta không thể áp dụng máy móc và giáo điều lý luận Marx - Lenin về sở hữu TLSX làm tiêu chuẩn phân chia thành các tầng lớp trong xã hội được nữa, mà phải dựa vào quyền kiểm soát đối với TLSX (và quyền kiểm soát đối với các nguồn lực khác) để nghiên cứu những vấn đề thuộc về phân tầng xã hội.
Từ vấn đề đặt ra đối với tiêu chuẩn phân chia thành các tầng lớp trong xã hội như đã phân tích, công trình nghiên cứu này sẽ áp dụng tiêu chuẩn phân chia phổ biến trên thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế. Đó là hệ tiêu chuẩn dựa vào nghề nghiệp và địa vị KT - XH để xác định các tầng lớp trong xã hộinhư đã trình bày ở Mục 2 (Chương I). Phương pháp đo lường này sẽ được áp dụng vào nghiên cứu ở Việt Nam trong Chương II.
2. Hệ thống phân tầng xã hội bao gồm những tầng lớp nào?
Từ tiêu chuẩn phân chiaở hướng nghiên cứu thứ hai trên đây sẽ quy định số lượng các nhóm, tầng lớp trong cấu trúc xã hội. Cụ thể, hướng nghiên cứu này cho rằng cơ cấu xã hội - giai cấp không đơn giản là 2 giai cấp, 1 tầng lớp như trước đây nữa, mà có sự xuất hiện những tầng lớp xã hội mới: doanh nhân, tiểu thương - tiểu chủ và các nhóm xã hội khác. Tức là, từ mô hình cũ mở rộng thành “2 giai, nhiều tầng” như đã đề cập ở trên.Bởi vì tiêu chuẩn ngầm định căn bản của những nghiên cứu về cơ cấu xã hội trước đây là dựa trên sở hữu TLSX (trong đó công hữu là chủ yếu, tiếp theo là sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân . . . ), do vậy về cơ bản cơ cấu xã hội - giai cấp Việt Nam được cấu thành bởi hai giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớptrí thức. Khi phân tách riêng giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát đối với TLSX, kết hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp (đã trình bày ở Mục 2, Chương I), thì ta có thể phân nhóm lại giai cấp công nhân theo cách hiểu trước đây (là cán bộ, công nhân, viên chức) và hiện nay (theo định nghĩa về giai cấp công nhân đã dẫn) đại thể thành 3 tầng lớp xã hội khác nhau: (1) Những người lãnh đạo các cấp, các ngành; (2) Những người thợ công nhân; (3) Những người viên chức, nhân viên. Tiếp theo, sẽ xuất hiện những tầng lớp xã hội mới do cơ cấu kinh tế thay đổi và xã hội phát triển theo hướng công nghiệp. Đồng thời, một số tầng lớp trong xã hội truyền thống (như Công, Thương) đã xuất hiện trở lại trên thực tế theo tiêu chuẩn phân chia dựa vào nghề nghiệp.Như vậy, việc xác định giai cấp công nhân theo cách hiểu trước đây và hiện nay là không thỏa đáng và cần phải thay đổi lại nhận thức lý luận về giai cấp này.
3. Sắp xếp thứ bậc các tầng lớp xã hội như thế nào?
Trong xã hội truyền thống ngày xưa, thứ bậc cao thấp giữa các tầng lớp xã hội được sắp xếp như sau: Vua - quan - địa chủ - Sĩ - Nông -Công -Thương (Mục 5, Chương I). Tiếp theo, trong thời kỳ quan liêu - bao cấp, thứ bậccao thấp (tôn ti trật tự) giữa các tầng lớp xã hội được sắp xếp theo nhận thức chủ quan duy ý chí: Công nhân, nông dân và trí thức (“Công - Nông - Binh -Trí sắp hàng tiến lên” - dân gian). Thứ bậc chủ quan này ở hướng nghiên cứu thứ haivẫn còn ảnh hưởng và tồn tại đến hiện nay (so sánh hai ảnh ở hàng trên trong Hình 1.4). Chuyển sang thời kỳ đổi mới hiện nay, trật tự sắp xếp các giai tầng xã hội dường như đang trở về trạng thái thứ bậc tự nhiên vốn có của nó (ảnh ở hàng dưới trong Hình 1.4). Đó là những hình ảnh về chân dung các tầng lớp xã hội đang thay đổi theo thời gian dưới góc nhìn xã hội học.
Ở Hình 1.4, khi phân nhómlại giai cấp công nhân như phân tích trên đây, thì thứ bậc đầu tiên phải là những ngườiLãnh đạo các cấp, các ngành. Đómới chính là những người lãnh đạo xã hội.Tầng lớp trí thức (Sĩ) ở vị trí cao hơn so với Nông dân (như ảnh ở hàng dưới, chứ không phải như ở hàng trên trong Hình 1.4). Tầng lớp Nông dân sẽ nằm trong nhóm các thứ bậc cuối cùng. Tầng lớp Thương (ngày xưa còn gọi là “con buôn”- không thể hiện trong Hình 1.4) đã vươn lên vị trí xã hội mới cao hơn Nông dân trong quá trình biến chuyển của xã hội. Đây chính là sự thay đổi địa vị xã hội (hoặc là sự thay đổi bảng giá trị) khi chuyển từ xã hội tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.Tôn ti trật tự mới này sẽ được trình bày ở Chương II (Hình 2.2).
Ngoài 3 vấn đề cơ bản đặt ra trên đây, còn tồn tại 2 vấn đề cơ bản nữa mà hai hướng nghiêncứu ở trên chưa đề cập đến. Đó là mô hìnhtổng thể các tầng lớp xã hội như thế nào? Di động xã hội giữa các tầng lớp ra sao? Tất cả 3vấn đề đã đặt ra cùng với 2 vấn đề mới này sẽ được đề cập trong hướng nghiên cứu thứ ba dưới đây.
Hướng thứ ba nghiên cứu về phân tầng xã hội theo hội nhập với xã hội học quốc tế (Đỗ Thiên Kính, 2011b, 2012, 2013, 2014, 2015 b; Bùi Thế Cường, 2010, 2015, 2016; Lê Thanh Sang, 2010, 2013). Hướng nghiên cứu này đề cập đến nhiều nội dung của phân tầng xã hội như các nhà xã hội học trên thế giới thường nghiên cứu về chủ đề này. Do vậy, hướng nghiên cứu này đã áp dụng phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội như đa số các nhà xã hội học trên thế giới sử dụng (Mục 2, Chương I) - tức là dựa vào tiêu chuẩn “phân nhóm” chủ yếu là nghề nghiệp và tiêu chuẩn “xếp hạng” là địa vị KT-XH. Từ nghề nghiệp, tiếp tục dựa vào địa vị KT - XH để tiến hành sắp xếp thứ bậc giữa các nhóm và tạo thành phân tầng xã hội.Kết quả của hướng nghiên cứu này đã đưa ra được mô hình phân tầng xã hội bao gồm 9~12 tầng lớp xã hội (tùy theo mỗi tác giả). Cụ thể, đối với tác giả Đỗ Thiên Kính đã phân chia thành 9 tầng lớp cơ bản trong xã hội Việt Nam từ bộ số liệu VH
(còn nữa)
Tác giả Đỗ Thiên Kính đã tham khảo bài viết của ông Bùi Xuân Đính đăng trên tạp chí vanhoanghean.com.vn ngày 5/9/2020: "Bàn thêm về phân tầng xã hội ở nước ta trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945" - http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/35-dien-dan/14390-ban-them-ve-phan-tang-xa-hoi-o-nuoc-ta-truoc-cach-mang-thang-8-nam-1945, để đính chính một số tư liệu của tác giả Nguyễn văn Huyên. Đặc biệt là sửa chữa bản dịch khái niệm/từ ngữ "đình" chuyển thành "quán Giá".
[1] “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2008)
tin tức liên quan
Videos
Thể loại phim
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Quá trình chuyển biến của một phong cách
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529449
2192
2304
21722
216145
0
114529449