Những góc nhìn Văn hoá
Vì sao nhà Đinh mất ngôi?
Nhà Đinh mất ngôi
Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày Rằm tháng Hai năm Giáp Thân (22/3/924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, thứ sử Châu Hoan. Cha mất sớm, ông theo mẹ về quê ngoại ở Nho Quan nhưng vẫn nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó.
Ngay từ hồi còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã sớm bộc lộ bản tính thông minh và tư chất thủ lĩnh. Sách Việt sử Thông giám cương mục(VSTGCM)chép chuyện ông chơi với đám bạn chăn trâu rằng: “Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ Thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác: đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm;đám thì nộp lương, giúp việc. Mẹ thấy thế, mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách đều bảo nhau rằng: “Chú bé này có độ lượng khác thường, chắc rồi làm nên sự nghiệp”.
Lớn lên, tài năng và bản lĩnh của ông càng bộc lộ rõ ràng hơn.
Năm 951, Ngô Xương Văn truất bỏ Dương Tam Kha, xưng là Nam Sách vương, rước anh là Ngô Xương Ngập trở về lập làm Thiên Sách vương. Đinh Bộ Lĩnh không phục, không chịu làm tôi, cậy ở Hoa Lư có khe núi hiểm trở, khởi binh chống lại. Hai vương nhà Ngô muốn cất quân đi đánh nhưng không thắng. Tự biết thế mình chưa đủ mạnh, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình) và làm con nuôi của ông ta. Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ thêm binh lính. Đội quân Hoa Lư của ông là những hào kiệt của Giao Châu. (Người Tống gọi là Giao Châu thất hùng gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng).
Năm 966, sau khi Ngô Xương Văn mất, chính quyền trung ương suy yếu, quyền lực bị chia sẻ, hình thái cát cứ của các sứ quân chính thức hình thành. Nhu cầu thống nhất đất nước, củng cố nhà nước tập quyền trở nên cấp thiết. Sau khi tiếp quản quyền lực và đội quân của sứ quân Trần Lãm, kéo quân về Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh và và các tướng sĩ, bạn hữu đã bằng vũ trang hay chiêu hàng lần lượt chinh phục các sứ quân, thống nhất đất nước, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.
Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng (924-979) là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh
Năm 968 công cuộc thống nhất quốc gia hoàn thành. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế,tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi.
Về nội trị, vua Đinh Tiên Hoàng chủ trương dùng oai lực chế trị thiên hạ, đặt vạc dầu lớn ở sân, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Hễ kẻ nào vi phạm thì bắt bỏ vào nấu trong vạc, hay cho hổ ăn thịt”. Khiến ai nấy sợ hãi, không dám phạm pháp.
Năm Canh Ngọ [970], đặt niên hiệu Thái Bình năm thứ nhất, Đinh Tiên Hoàng cho lập năm Hoàng hậu gồm: 1) Đan Gia; 2) Trinh Minh; 3) Kiểu Quốc; 4) Cồ Quốc; 5) Ca Ông.
Năm Tân Mùi Thái Bình thứ2 (971), đặt phẩm trật cho các quan văn, quan võ và lãnh đạo các tôn giáo như Phật, Lão: Nguyễn Bặc làm Định quốc công; Lưu Cơlàm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân. Ban hiệu Khuông Việt thái sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu,Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi.
Tháng 2 năm Giáp Tuất Thái Bình thứ 5 (974), chia đất nước làm mười đạo; cũng tổ chức quân đội thành 10 đạo quân, dưới quyền quan Thập đạo, mỗi đạo có mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người, đều đội mũ “Tứ phương bình đính”.
Về ngoại vụ ổn thỏa, vua Đinh Tiên Hoàng thể hiện phí phách, tự mình không đi mà chỉ cử con trai là Đinh Liễn sang giao hảo với nhà Tống. Mặc dù không xin, nhưng với uy thế của nhà Đinh và tài ngoại giao của Đinh Liễn, nhà Tống vẫn phong Vương (Giao Chỉ quận vương) cho Đinh Tiên Hoàng và phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh hải quân Tiết độ sứ An Nam.
Nhà nước Đại Cồ Việt đang yên ổn thì biến cố xảy ra.Tháng Giêng năm Mậu Dần, Thái Bình thứ 9 (978), Đinh Tiên Hoàng lập con nhỏ mới 3 tuổi là Hạng Lang làm Thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Đinh Liễn là con trưởng, từng khó nhọc theo cha đánh đông dẹp bắc, sang tận nhà Tống để giao hảo thành công, có công to, đã được phong là Nam Việt vương ngay sau vua cha lên ngôi, lại đã từng nhận tước phong của nhà Tống nhưng không được lập làm Thái tử. Nam Việt Vương Đinh Liễn vì thế sinh bất bình nên mùa Xuân năm Kỷ Mão, Thái Bình thứ10 (979), sai người giết Thái tử Hạng Lang.
Tiếp đến, ngày Rằm tháng Tám năm Kỷ Mão (979), cả hai cha con, vua Đinh Tiên Hoàng và con - Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại. Sử chép là do Đỗ Thích “Đêm nằm trên cầu, thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết vua”. Sự thật của vụ án này hơn 1000 năm nay vẫn chưa có lời giải xác đáng. Gần đây, giới nghiên cứu đã công khai nghi ngờ ghi chép này. Một mình Đỗ Thích với chức quan nhỏ trong triều, không có lực lượng, không có vây cánh, liệu có thể hành thích cướp ngôi được chăng? Hay là có thế lực nào khác dòm ngó ngai vua và xui, hoặc ép, Đỗ Thích làm việc tày trời này?! Cũng có giả thiết nghi ngờ có vai trò của Thập đạo tướng quân đứng sau vụ này (!?).
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết, Đinh Toàn, lúc đó mới 6 tuổi, được kế vị vua cha, là Đinh Phế Đế. Lê Hoàn làm nhiếp chính, thâu tóm mọi quyền lực. Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạpvà các trung thần của Đinh Tiên Hoàng thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh để bảo vệ Đinh triều. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền chết tại trận, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và các quan tướng khác đều bị giết chết. Trịnh Tú, Lưu Cơ thì bị phục kích và chết ở Bãi Vàng. (Có tài liệu cho rằng Lưu Cơ không bị giết, tiếp tục phục vụ triều tiền Lê và triều Lý). Phò mã Ngô Nhật Khánh đã bỏ vua trốn sang Chiêm Thành, nhân triều đình rối ren cũng dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang. Nhưng qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có vua Chiêm là thoát.
Nhà Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết hại liền động binh để tiến đánh Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua - Lê Đại Hành, mở đầu triều đại nhà Lê (tiền).
Vì sao mất ngôi?
Sự kiện triều đình nhà Đinh tranh giành quyền lực dẫn đến mất ngôi, xưa nay đã có nhiều cách nhìn và bình luận, phán xét khác nhau. Mới đây nhất, theo Hồ Bạch Thảo thì: “Các Sử gia từng trách vua Đinh Tiên Hoàng 3 điều: thứ nhất bỏ con trưởng lập con thứ, dẫn đến cái chết của nhà vua và Đinh Liễn; thứ hai lập 5 hoàng hậu; thứ ba, cai trị quá hà khắc”.
Về điều thứ nhất, việc anh em tranh giành nhau do lỗi bởi cơ chế quân chủ chuyên chế, ngôi Vua trong chế độ này có nhiều đặc quyền đặc lợi nên sinh ra sự tranh giành. Tại nước ta, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê - Nguyễn, đều xảy ra hiện tượng anh em tranh giành ngôi vua. Xét cho cùng mọi đặc quyền đặc lợi trên đời này, nếu không do tài năng bản thân hành xử lương thiện mà có được; đều gây nên thảm họa; hơn nữa việc “Con Vua thì lại làm Vua”, không bảo đảm chọn được người tài ra giúp nước. Cũng vì lý do này phần lớn các nước trên thế giới đều theo chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến.
Điều thứ hai, việc Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu, càng gây sự xáo trộn trong chốn cung đình, tạo ra tiền lệ xấu, đến đời Vua Lê Đại Hành cũng bắt chước lập 5 hoàng hậu. Sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn như sau:“Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mớisinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”.
Điều thứ ba, vua Đinh rút kinh nghiệm từ sự lỏng lẻo yếu mềm dưới thời nhà Ngô dẫn đến loạn Thập Nhị Sứ Quân, nên chủ trương cai trị hà khắc, khiến dân sợ phải tuân theo pháp luật. Thực tế cho thấy chính sách hà khắc khiến dân căm ghét sục sôi, dễ sinh ra biến động; nên các chính trị gia cổ kim chủ trương nghệ thuật cai trị giống như người nấu ăn giỏi, khéo điều hòa nồi canh với các gia vị (điều canh trị quốc), lấy sự khoan nhân hòa hợp với biện pháp mạnh; đó là cách cai trị hữu hiệu”. (Lịch sử Việt Nam thời tự chủ).
Ngoài ra, thiết nghĩ, cũng không nên bỏ qua giả thiết về nguyên nhân Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã có ý đồ tranh ngôi từ trước. Nhân lúc nhà Đinh rối ren, vua và Đinh Liễn cùng bị giết dẫn đến tình trạng khủng hoảng quyền lực, khủng hoảng lãnh đạo; lại cùng lúc nhà Tống khởi sự xâm lăng là cái cớ rất “thuận” để Lê Hoàn (và Thái hậu Dương Vân Nga) thực hiện việc chuyển đổi long bào của nhà Đinh sang cho nhà Lê (tiền).
Tuy nhiên, cũng có thể nhìn nhận sự kiện thay ngôi này là một giải pháp tình thế cần thiết nhằm đối phó với tình trạng khủng hoảng quyền lực và kịp thời giải quyết vấn đề mâu thuẫn dân tộc giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống - Trung Hoa. Và quả thực, Lê Hoàn/Đại Hành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Tiếc rằng, nhà Lê (tiền), mặc dù Lê Đại Hành đã rất nỗ lực ổn định triều chính, giữ gìn bờ cõi, mở mang và phát triển đất nước, nhưng cũng không tránh được những sai lầm tương tự của nhà Đinh và để mất ngôi chỉ sau có 29 năm cai trị đất nước.
Lịch sử đã đi qua nhưng cho thấy rèn luyện phẩm chất lãnh đạo và quản lý quyền lực luôn là bài học đắt giá nhất./.
tin tức liên quan
Videos
Thể loại phim
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Quá trình chuyển biến của một phong cách
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529415
2158
2304
21688
216111
0
114529415