Những góc nhìn Văn hoá

Chủ nghĩa đỉnh cao* và di sản của chủ nghĩa tượng trưng

Đối với độc giả quan tâm, rõ ràng rằng chủ nghĩa tượng trưng đã hoàn tất chu trình phát triển của mình và giờ đây đang suy thoái. Và rằng những tác phẩm tượng trưng hầu như đã không còn xuất hiện, mà nếu có xuất hiện thì hết sức yếu, thậm chí từ quan điểm của chủ nghĩa tượng trưng, rằng ngày càng thường xuyên vang lên những ý kiến xem xét lại các giá trị và uy tín mà cách đây không lâu còn là không thể tranh cãi, cũng như xuất hiện các nhà vị lai chủ nghĩa và những kẻ khác như những con linh cẩu luôn đi theo sau sư tử[1]. Thay thế cho chủ nghĩa tượng trưng là một khuynh hướng mới, như nó được gọi tên - akmeism (từ άχμη nghĩa là bậc cao nhất của cái gì đó, là thời kỳ nở rộ, thịnh vượng), hay adamism (cái nhìn mạnh mẽ chắc chắn và rõ ràng đối với cuộc sống), - nhưng dù là tên nào thì cũng đòi hỏi sự cân bằng về lực lượng và sự hiểu biết chính xác mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể nhiều hơn so với ở chủ nghĩa tượng trưng. Tuy nhiên, để cho khuynh hướng này được khẳng định hoàn toàn và trở thành người thừa kế xứng đáng của chủ nghĩa tượng trưng, nó cần phải tiếp thu di sản và giải đáp tất cả những vấn đề mà chủ nghĩa tượng trưng đặt ra. Phải biết ơn vinh quang của cha ông, mà chủ nghĩa tượng trưng là người cha đáng kính.

Chủ nghĩa tượng trưng Pháp, khởi đầu của tất cả chủ nghĩa tượng trưng như một trường phái đã đặt lên hàng đầu những nhiệm vụ thuần túy văn chương, câu thơ tự do, từ ngữ độc đáo và bấp bênh hơn, ẩn dụ được đề cao hơn cả, và đặc biệt là “lý thuyết những tương giao” lừng danh. Điều cuối cùng đã vạch ra bản chất không mang tính Roman, và vì thế cũng không mang tính dân tộc, ngoại lai của nó. Tinh thần của người Roman rất ưa thích sự rõ ràng tách bạch các sự vật, vạch rõ đường kẻ phân chia; còn sự hòa lẫn tất cả các hình tượng và sự vật, sự biến hóa diện mạo của chúng chỉ có thể nảy sinh trong sương mù của những cánh rừng của người German. Nhà huyền học có thể nói rằng chủ nghĩa tượng trưng ở Pháp là hậu quả trực tiếp của Sedan (ý nói đến trận Sedan trong chiến tranh Pháp - Phổ dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Pháp, hình thành nền đệ tam cộng hòa của Pháp - ND). Nhưng cùng với điều này, nó khám phá khát vọng mang tính chất quý tộc hướng tới cái hiếm hoi khó đạt được và nhờ vậy cứu văn học Pháp khỏi nguy cơ của chủ nghĩa tự nhiên dung tục.

Những người Nga chúng ta không thể không liên quan với chủ nghĩa tượng trưng Pháp, mặc dù xu hướng mới mà tôi đã nói ở trên dứt khoát đề cao tinh thần Roman hơn German. Cũng giống như những người Pháp tìm tòi câu thơ mới tự do hơn, các nhà đỉnh cao mong muốn phá vỡ gông cùm của thi luật bằng việc bỏ qua âm tiết, đặt trọng âm một cách tự do hơn bao giờ hết, và đã có những bài thơ viết theo thi luật âm tiết được cân nhắc kỹ càng. Chóng mặt vì các ẩn dụ tượng trưng đã khiến họ mạnh dạn thay đổi tư duy; sự bấp bênh của ngôn từ mà họ lắng nghe đã thúc đẩy họ kiếm tìm trong ngôn từ dân gian những từ mới với nội dung chắc chắn hơn; và sự hài hước tươi sáng chưa phá vỡ cội rễ đức tin của chúng ta - một sự hài hước không thể không thể hiện dù chỉ thi thoảng nơi các nhà văn Roman - giờ đây chiếm vị trí của sự nghiêm chỉnh vô vọng kiểu Đức mà các nhà tượng trưng của chúng ta đã từng nuôi dưỡng. Cuối cùng, trong khi đánh giá cao các nhà tượng trưng vì họ đã chỉ ra cho chúng ta ý nghĩa của biểu tượng trong nghệ thuật, chúng ta vẫn không thể đồng tình hy sinh tất cả những phương thức tác động nghệ thuật khác vì nó, và tìm kiếm chúng trong sự hòa hợp toàn vẹn. Chúng ta trả lời cho câu hỏi về “khó khăn tuyệt diệu” khi so sánh hai khuynh hướng: làm nhà đỉnh cao khó hơn làm nhà tượng trưng, cũng như xây nhà thờ khó hơn xây tòa tháp. Mà một trong những nguyên tắc của trào lưu mới là luôn đi theo đường có nhiều mâu thuẫn xung đột hơn.

Chủ nghĩa tượng trưng Đức với những ông tổ là Nietzsche và Ibsen đã đặt vấn đề vai trò của con người trong thế giới, của cá nhân trong xã hội và giải quyết nó, tìm thấy một mục đích khách quan hay giáo lý nào đó cần phải phục vụ. Điều này cho thấy chủ nghĩa tượng trưng Đức không cảm thấy giá trị tự thân không cần đến một sự biện giải nào từ bên ngoài của các hiện tượng. Đối với chúng ta, đẳng cấp của các hiện tượng trong thế giới chỉ là một trọng lượng của chúng, hơn nữa lại là trọng lượng của một cái đồng thời được xem là thiếu vắng trọng lượng, của phi tồn tại, và vì vậy trước cái gọi là phi tồn tại, mọi hiện tượng đều là anh em (bình đẳng với nhau).

Chúng ta còn chưa thể khiến cho nguyên tử phải phục tùng Chúa, nếu như nó không có trong tự nhiên. Tuy nhiên, khi cảm thấy mình là những hiện tượng trong các hiện tượng, chúng ta đã tham gia vào nhịp sống của thế giới, tiếp nhận mọi tác động của nó lên chúng ta và đến lượt mình có những tác động của chính mình. Nhiệm vụ của chúng ta, ý chí của chúng ta, hạnh phúc và bi kịch của chúng ta là từng giờ từng phút lo đoán rằng cái giờ tiếp theo sau sẽ như thế nào đối với chúng ta, đối với sự nghiệp của chúng ta, đối với thế giới của chúng ta, để mà làm nó mau đến gần. Và như một phần thưởng cao nhất, là chúng ta không giây phút nào ngừng day dứt với hình tượng giờ cáo chung (tận thế) không bao giờ tới. Nổi loạn vì những điều kiện tồn tại khác ở đây, nơi có cái chết, thì cũng kỳ quặc như một người tù cố sức phá bức tường trong khi trước mắt anh ta là cánh cửa đã mở. Ở đây luân lý học trở thành mỹ học, khi mở ra đến lĩnh vực mỹ học. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân ở mức độ đậm đặc cao nhất lại tạo ra tính xã hội. Ở đây, Chúa trở thành Chúa Sống, bởi vì con người cảm nhận mình xứng tầm với Chúa đó. Ở đây cái chết là tấm màn tách chúng ta, những người nghệ sĩ, với các khán giả, và hưng phấn với màn diễn chúng ta khinh thị cái nhìn hèn nhược, nhưng rồi tiếp theo sẽ là gì? Như những người theo chủ nghĩa Adam, chúng ta ít nhiều giống thú hoang, và bất cứ giá nào cũng không đổi cái chất thú hoang đó trong ta để lấy sự suy nhược thần kinh. Nhưng giờ là lúc để nói đến chủ nghĩa tượng trưng.

Chủ nghĩa tượng trưng Nga hướng những sức lực chủ yếu của mình vào lĩnh vực vô tri. Đồng thời nó mải mê khi thì với huyền học, khi thì với triết lý thần học, lúc thì với thuyết huyền bí. Một số kiếm tìm của chủ nghĩa tượng trưng theo xu hướng này gần như tiến gần đến sự tạo dựng huyền thoại. Và nó có quyền hỏi xu hướng đang đến thay thế cho mình có được hay không những phẩm chất thú hoang, và có thái độ thế nào đối với cái bất khả tri. Thứ nhất, chủ nghĩa đỉnh cao có thể đáp ứng được đòi hỏi đó, chỉ ra rằng cái bất khả tri, theo đúng nghĩa của từ này, là không thể nhận thức được. Thứ hai là mọi thử nghiệm của xu hướng này đều mang tính trần thế. Tất cả cái đẹp, tất cả ý nghĩa linh thiêng của các vì tinh tú là ở chỗ chúng quá xa mặt đất và không thành tựu hàng không nào làm chúng trở nên gần hơn được. Sự nghèo nàn tưởng tượng làm lộ ra người mà sự phát triển cá nhân luôn được hình dung trong những điều kiện thời gian và không gian. Làm sao chúng ta có thể nhớ được những kiếp trước của chúng ta (nếu như đó không phải hiển nhiên là thủ pháp văn học), khi chúng ta đang ở trong vực thẳm vô đáy, nơi có hằng hà sa số những khả năng tồn tại khác mà chúng ta không hề biết gì ngoài việc chúng có hiện diện? Mà mỗi khả năng đó đều bị tồn tại của chúng ta phủ nhận, và đến lượt mình, nó lại phủ nhận tồn tại của chúng ta. Cảm giác khôn ngoan kiểu trẻ con và ngọt ngào đến đau đớn về sự vô tri của chính mình - đó là cái mà cái bí huyền mang lại cho chúng ta. François Villon trong khi hỏi những quý nương tuyệt vời thời cổ giờ ở đâu, đã tự đáp lại bằng tiếng than sầu não:

...Mais оù sont les neiges d’antani?

(Nhưng đâu rồi những bông tuyết năm xưa?)

Và điều này làm chúng ta càng cảm thấy cái “không ở đây”mãnh liệt hơn hàng tập những luận thuyết xem mặt trăng nằm ở phương nào trong linh hồn những người đã khuất... Luôn luôn nhớ về cái bất khả tri, nhưng không làm tư duy mình khổ vì nó bằng những phán đoán đáng tin nhiều hơn hay ít hơn - đó là nguyên tắc của chủ nghĩa đỉnh cao. Thế không có nghĩa chủ nghĩa đỉnh cao chối bỏ quyền được miêu tả tâm tồn vào những thời khắc rung động khi đến gần cái khác; nhưng khi đó nó chỉ rung động mà thôi. Dĩ nhiên, nhận thức về Chúa, nàng tuyệt vời Thần học vẫn ngự trên ngai của mình, nhưng hạ nàng xuống bậc của văn chương, cũng như nâng văn chương tới sự lạnh giá kim cương của nàng thì các nhà đỉnh cao đều không muốn. Liên quan đến các thiên thần, quỷ sứ và linh hồn các loại, thì chúng sẽ đi vào thành phần chất liệu của nghệ sĩ nhưng không phải đeo thêm gánh nặng trần thế của những hình tượng khác được gán cho chúng.

Mọi xu hướng đều trải nghiệm niềm say mê với những nghệ sĩ hay những thời đại khác nào đó. Những ngôi mộ quý giá gắn bó con người nhiều hơn cả. Trong nhóm những người gần gũi với chủ nghĩa đỉnh cao, thường vang lên tên của Shakespeare, Rabelais, Villon và Théophile Gautier. Việc lựa chọn những tên tuổi đó không phải là tùy tiện. Mỗi cái tên trong số họ là một nền tảng cho tòa nhà chủ nghĩa đỉnh cao, là một nỗ lực cao cả của một phẩm chất nào đó nơi nó. Shakespeare cho chúng ta thấy thế giới nội tâm của con người; Rabelais cho thấy thân thể và niềm hân hoan, cái sinh lý khôn ngoan; Villon cho ta biết về một cuộc đời không ít hoài nghi về mình, dù hiểu biết mọi thứ - cả Chúa, cả tội lỗi, cả cái chết, sự bất tử; Théophile Gautier tìm thấy trong nghệ thuật những phục trang hình thức hoàn hảo xứng đáng cho cuộc đời đó. Kết hợp tất cả bốn yếu tố đó là ước nguyện giờ đây đang liên kết  lại với nhau những con người mạnh dạn gọi mình là các nhà đỉnh cao.

Trần Thị phương Phương dịch

Bản dịch đã in trong Trần Thị phương Phương (2018), Văn học nga hiện đại, Những vấn đề lý thuyết và lịch sử, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr. 213-218.

 

(*). Chủ nghĩa đỉnh cao (Akmeism, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp acme- đỉnh cao, cực thịnh) hình thành trong văn học Nga như một sự kế thừa đồng thời cũng là sự phản ứng với chủ nghĩa tượng trưng.

 (*). Nikolai Gumilyov (1886 -1921) là người sáng lập ra phái đỉnh cao. Bài báo này là một trong những tuyên ngôn quan trọng của chủ nghĩa đỉnh cao, lần đầu tiên xuất hiện trên tờ tạp chí Apollon vào năm 1913.

[1] Độc giả đừng nghĩ  rằng với câu nói này, tôi đặt thập giá lên tất cả những khát vọng cực đoan của nghệ thuật hiện đại. Ở một trong những cuốn sách của Apollon sẽ dành hẳn một bài báo riêng phân tích và đánh giá chúng (N. Gumilyov)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529402

Hôm nay

2145

Hôm qua

2304

Tuần này

21675

Tháng này

216098

Tháng qua

0

Tất cả

114529402