Những góc nhìn Văn hoá

J.H.W.Dietz: Một hành trình hoạt động của nền xuất bản - báo chí dân chủ xã hội [Kỳ 2]

Đạo luật của Bismarck

Trong Thư viện Nhà nước và Đại học ở Hamburg hiện nay vẫn lưu lại một bản danh sách liệt kê các tuần báo và nhật báo đã từng có mặt tại Hamburg qua các thời kỳ, trong đó bản danh sách này cho thấy tờ Hamburg-Altonaer Volksblatt tồn tại chỉ có 3 năm ngắn ngủi (từ 1875 - 31/10/1878)[10], lý do cho sự chấm dứt của tờ báo dân chủ xã hội này có nguyên nhân từ người - mà - ai - cũng - biết - là - người - nào. Thật vậy, phái dân chủ xã hội không bao giờ quên những thái độ thù địch và hành động đàn áp của Bismarck đối với họ như trong một bài phát biểu của August Bebel vào tháng 11/1898 tại Berlin (lúc này vị Thủ tướng Sắt của Phổ vừa qua đời 4 tháng trước): “Bismarck đã làm cho chúng được lặp đi lặp lại trên tờ “Hamburger Nachrichten” của ông ta, rằng không còn điều gì để có thể làm ngoài việc kích động sự tuyệt vọng của phái Dân chủ Xã hội, ném chúng ra ngoài đường phố và bắn hạ chúng. (Thật vô cùng nhục nhã !). Xin đừng phẫn nộ. Hơn nữa chúng ta hãy lấy làm vui mừng trước sự ngay thật một cách tàn bạo này từ kẻ thù của chúng ta”.[11]

Vào ngày 11/5/1878 và 2/6/1878, hai vụ ám sát từ những người vô chính phủ đã nhắm vào Wilhem I bằng những phát súng, lần đầu Hoàng đế bình an vô sự nhưng lần thứ hai thì đã bị thương nặng. Bismarck ngay lập tức đã hướng mũi nhọn đối với âm mưu ám sát nhà vua cho những thành viên dân chủ xã hội bất chấp việc có những bằng chứng hỗ trợ cho những cáo buộc đó hay không. Đã có những động thái của Bismarck nhằm kiềm chế ảnh hưởng của SAPD từ trước (những thành viên của SAPD vốn đã tham gia bầu cử vào thời gian này đã có mặt tại Reichstag - tức Nghị viện, Quốc hội). Đối với Bismarck, những chủ trương của phái dân chủ xã hội là một mối lo ngại sẽ đe doạ đến trật tự hiện có; về mặt thể chế chính trị, họ là những người cộng hoà (đối nghịch lại với nền quân chủ); về mặt đối ngoại, họ là những người quốc tế chủ nghĩa, có khả năng sẽ gần gũi với những quốc gia thù địch của nước Đức; về tôn giáo, họ là những người vô thần; hơn nữa, Bismarck đã rất khôn ngoan khi đã cố gắng phân tách rất rõ ràng giữa hai việc là sự thù địch với phái dân chủ xã hội nhưng vẫn sẽ không lờ đi những lời oán thán đến từ giới lao động, đây là một kế hoạch được ví như vụt cây gậy trước với bên nay rồi sẽ chìa củ cà rốt sau với bên khác. Bismarck xem những người dân chủ xã hội là cái gai trong mắt, vụ ám sát Hoàng đế mang lại cho ông ta một cơ hội bằng vàng để dựng lên một chiến dịch chống dân chủ xã hội và điều gì đến cũng đã đến: một Đạo luật chống chủ nghĩa xã hội (Sozialistengesetze) đã được thông qua vào tháng 10/1878. Bắt đầu từ thời điểm này là một giai đoạn khắc nghiệt kéo dài suốt 12 năm trong lịch sử hoạt động của phong trào dân chủ xã hội Đức, cũng như cho công việc xuất bản - báo chí của Đảng Dân chủ Xã hội.

Mặc dù Đạo luật của Bismarck tuy không làm xóa đi vị trí của SAPD trong Nghị viện và đời sống chính trị Đức nhưng đã trực tiếp đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn tại của  toàn bộ những cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức mà SAPD đã gầy dựng tại các khu vực của nước Đức. Ngay từ Điều 1 của Đạo luật đã nghiêm cấm tất cả các hội đoàn, cơ quan báo chí có liên quan đến cộng sản, xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội “[…]có ý đồ lật đổ trật tự chính trị, xã hội hiện hành […]”[12]. Tại những nơi mà khuynh hướng dân chủ xã hội nổi lên mạnh mẽ thì nhà cầm quyền Phổ xem đó là mối nguy an ninh và quyết định thực hiện một biện pháp gọi là một cuộc “bố ráp các tiểu bang” (kleiner Belagerungszustand) với mục đích trục xuất những nhân vật bị cho là nguy hiểm. Tờ Vorwärts, Berliner Freie Press bị dừng xuất bản; tính đến tháng 6/1879, nhà cầm quyền cùng với Đạo luật đã “thanh trừng” đến 127 xuất bản phẩm định kỳ, 278 xuất bản phẩm không định kỳ [13]. Các hiệp hội công nhân không những tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của người lao động bằng những cuộc đình công mà còn có những khoản hỗ trợ mang tính phúc lợi cho họ khi ốm đau, khi thất nghiệp, mất khả năng lao động, tử tuất…giờ đây đều nằm trong tầm ngắm của chính phủ Phổ. Phái dân chủ xã hội đã bị tổn thất vô cùng lớn.

Trong cao trào đàn áp hàng loạt từ Bismarck, nhiều cơ quan sự nghiệp của SAPD ở các tỉnh thành của Đức đã bị tê liệt. Những cơ quan ngôn luận quan trọng của phái dân chủ xã hội bị nhà cầm quyền cấm ngặt, điều này gây ra những hậu quả lớn không chỉ là về mặt lực lượng, tổ chức của SAPD mà hơn hết đó còn là nguồn sống và phương tiện hỗ trợ hoạt động của những con người, những thành viên SAPD, những thành viên của hợp tác xã, những ký giả, những người thợ sắp chữ, những nhân viên toà soạn….

 

Từ “hợp tác xã” sang “doanh nghiệp tư nhân” và bị trục xuất khỏi Hamburg

Tờ HAV và hợp tác xã nhà in ở Hamburg cũng phải chịu những số phận tương tự từ những động thái thù địch của Bismarck. Ngay cả trước khi Đạo luật có hiệu lực thì cũng đã có những đợt khám xét của nhà cầm quyền đối với các thành viên SAPD và tờ HAV tại đây. Tờ HAV cũng không vắng người mua ở nhà in tại phố Amelung thời điểm trước khi Đạo luật có hiệu lực, những thành viên đã cố gắng tránh khỏi sự theo dõi từ tai mắt của nhà cầm quyền. Đạo luật của Bismarck làm ảnh hưởng đến tất cả các cơ sở của SAPD ở mọi khu vực, vì thế trong thời gian này phố Amelung cũng là nơi tụ họp cho một số thành viên từ hợp tác xã ở Leipzig. Trước khi rơi vào tình trạng cấm đoán bởi Đạo luật, những người trong ban lãnh đạo đảng đã lên kế hoạch để chuẩn bị đối phó với những động thái từ chính phủ Phổ để bảo vệ các thành viên và đặc biệt là gìn giữ các cơ quan in ấn và báo chí nhằm duy trì sách báo dân chủ xã hội. Các thành viên SAPD đã tự động giải tán cơ sở đảng tại Hamburg, ban lãnh đạo đảng và những thành viên trong hợp tác xã thậm chí đã cho phép việc bán nhà in nếu cần thiết, việc này đã gây nên một số tranh luận giữa các thành viên nhưng sau cùng thì việc bán tài sản của SAPD tại Hamburg cho tư nhân vẫn được thực hiện. Đây là một kế sách thông minh của SAPD trong tình hình cấp bách khi chuyển từ hình thức sở hữu tập thể của hợp tác xã sang hình thức sở hữu tư nhân để bảo toàn lực lượng nhằm tránh tình trạng tài sản của đảng sẽ bị thanh lý, tịch thu trong những đợt đàn áp gắt gao từ nhà cầm quyền, đồng thời nếu là thuộc sở hữu của riêng ai đó mà không phải là của phái dân chủ xã hội thì nó không còn mang vị thế “bất hợp pháp” theo Đạo luật, và “tư nhân” ở đây đã được các thành viên lựa chọn chính là Heinrich Dietz.

Heinrich “rời” khỏi công việc của SAPD trong khuôn khổ hợp tác xã nhà in trước kia và bây giờ trở thành một chủ doanh nghiệp tư nhân thực sự, thương vụ mua bán tài sản in ấn được nhận định là gắn với hình ảnh những cái nháy mắt từ các thành viên, thực chất ông vẫn chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo đảng trong công việc điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn được giữ lại như là đại diện cho cơ quan tổ chức của đảng và được điều hành bởi một thành viên khác và tiếp tục cho ra đời những sản phẩm mang tính chất “vô thưởng vô phạt”. Nhà in của Heinrich đã hoạt động để tài trợ và xuất bản sách báo của SAPD trong điều kiện mới, với một vị thế pháp lý mới, nhưng vẫn không tránh khỏi những áp bức từ nhà cầm quyền. Tờ HAV vẫn tiếp tục hoạt động với nhà in của Heinrich nhưng sau cùng nó vẫn bị nhà cầm quyền đàn áp (vào thời điểm này báo đã đạt đến số lượng 18000 bản được phát hành vào tháng 10/1878), Heinrich đã có những phản ứng nhằm chống lại lệnh cấm (lúc này bộ phận cảnh sát chính trị đã được thiết lập tại Hamburg), ông thậm chí đã gửi đến nhà cầm quyền những khiếu nại nhưng kết quả vẫn không thay đổi: Hamburg-Altonaer Volksblatt chấm dứt hoạt động.

Trong khoảng từ năm 1878 - 1881, Heinrich với vai trò là chủ nhà in đã dấn mình vào rất nhiều sự vụ của đảng SAPD. Với tư cách là một đảng đại diện cho phong trào công nhân - dân chủ xã hội lúc bấy giờ nhưng bên trong SAPD không phải không có những bất đồng giữa các thành viên, mâu thuẫn nội bộ luôn diễn ra về đường lối kể từ thời chưa sát nhập làm một giữa phái Tổng hội Công nhân theo khuynh hướng của Lassalle và phái Eisenach vốn gần gũi hơn với những tác phẩm của Marx và Engels [14]. Heinrich cố nhiên không nằm ngoài những tranh chấp, mâu thuẫn như vậy, ông thậm chí cũng đã chọn việc ủng hộ những thành viên là một bên trong các bên, cũng “chia sẻ” cái không khí tranh chấp như tất cả các thành viên khác.

Johann Heỉnich Wilhelm Dietz (1843-1922)

Những bất đồng từ các thành viên mang đến cho nhau lại hàm chứa nhiều vấn đề đa dạng liên quan đến những sách lược đối phó với Đạo luật của Bismarck, những vấn đề nhân sự trong các cơ quan hợp tác xã, báo chí, những phê phán về tư cách đại diện của giai cấp công nhân hoặc thậm chí là về sự trung thực của các thành viên làm thủ quỹ (trong hoàn cảnh thặng dư được nảy sinh từ những công tác kinh tài hỗ trợ cho đảng và phong trào công nhân nhưng chúng cũng bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh !). Tuy nhiên, hoạt động xuất bản của Heinrich vẫn tiến hành cùng với các cộng sự (lúc này họ còn được các mật vụ Phổ gọi với cái tên là “Amelunger”, tức là nhóm người ở phố Amelung, mà Heinrich chính là “chủ nhà” - “Hausherr” !), tờ Gericht Zeitung và Wahren Jacob là hai ấn phẩm dân chủ xã hội tiếp nối HAV, ngoài ra trong những đợt đàn áp từ nhà cầm quyền khiến cho công nhân từ các nhà in ở Berlin đã đến Hamburg và Heinrich đã chủ động thu nhận họ về để làm việc cho cơ sở của ông.

Khi cuộc bố ráp các tiểu bang của nhà cầm quyền lan đến Hamburg thì giờ đây chiến dịch đàn áp cũng đã đến với chính cá nhân Heinrich. Nhà cầm quyền Phổ đã gây áp lực với chính quyền Hamburg để ra lệnh trục xuất với người doanh nhân này, không chỉ vậy các tờ báo cũng bị ảnh hưởng, lệnh cấm tờ Gericht Zeitung đã được ban hành vào tháng 10/1880 nhưng may sao những số báo tiếp theo vẫn được phát hành với sự theo dõi gắt gao của các mật vụ. Lệnh trục xuất sau cùng được gia hạn đến 14 ngày, Heinrich dù sao cũng đã kịp nói lời chia tay với khách hàng của mình bằng một mẫu tin hai cột đăng trên Gericht Zeitung ngày 7/11/1880. Sau khi bị trục xuất, Heinrich đã đến Harburg và tiếp tục hoạt động tại đây cùng với những thành viên cũng bị trục xuất khỏi Hamburg như ông. Tờ Gericht Zeitung tuy vẫn ra báo nhưng đến tháng 3/ 1881 thì buộc phải ngừng hoạt động vì một lệnh cấm khác, nỗ lực của các thành viên SAPD tiếp tục cho ra đời tờ Hamburger Bürgerzeitung hoạt động trong 6 năm tiếp theo (tất nhiên  Heinrich hoàn toàn vắng mặt với lần xuất bản tờ báo này), trong khi đó Wahren Jacob lại có một số phận khác biệt : nó vẫn tồn tại với tư cách là một tờ báo hài hước và châm biếm mang phong cách dân chủ xã hội đến tận năm 1933 trước khi phải dừng hoạt động cũng vì sự cấm đoán nhưng lần này là từ Hitler và Đức Quốc xã!

 

Sự thành lập “Dietz Verlag” ở Stuttgart

Heinrich Dietz cùng gia đình sau bao năm cuối cùng cũng trở lại nơi mà ông đã bắt đầu. Ông rời Harburg chỉ một thời gian ngắn sau khi Gerich Zeitung bị cấm, hơn nữa là vì sự bao vây bố ráp cũng đã lấy nốt nơi ẩn náu của ông và các thành viên. Heinrich đã trở về cố hương Lübeck trước khi tham gia vào một nhiệm vụ rất hệ trọng khác gắn liền với tên tuổi của ông.

Thật vậy thời gian hồi hương này của Heinrich cũng sẽ trải qua những hoàn cảnh quen thuộc, một mặt đó là sự trở lại với nghề nghiệp xưa là làm thợ sắp chữ tại nhà in   của Robert Werner, một đồng nghiệp cũ của ông, và tham gia vào hoạt động công đoàn; mặt khác ông còn có những người bạn mới mà không mới tại quê cũ : một số  thành viên của SAPD ở Hamburg lúc trước cũng đã có mặt ở đây như Carl Hielman, Heinrich Oldenburg, Heinrich Grave là những người từng làm việc với ông trong hợp tác xã nhà in và tờ HAV (bạn mới của Heinrich còn có cả cảnh sát Phổ, khi họ đã liên lạc và lưu ý với các đồng nghiệp ở Lübeck rằng phải để mắt tới “kẻ kích động xã hội chủ nghĩa khét tiếng” này).

Vào tháng 2/1880 đã có những sự kiện xảy ra ở Leipzig, nhà xuất bản quan trọng nhất của nền dân chủ xã hội Đức tại đây có nguy cơ bị xoá sổ khi các thành viên buộc phải thanh lý hoạt động kinh doanh của họ theo lệnh từ toà án. Heinrich Dietz như đã biết lúc này vẫn đang bận rộn ở Hamburg nhưng cũng đã có mặt ở Leipzig vào giữa tháng 10 trong một cuộc hội họp với August Bebel, Ignatz Auer để thảo luận về những giải pháp để bảo vệ nhà xuất bản và nhà in khỏi sự đàn áp từ nhà cầm quyền Phổ. Khi đó Carl Höchberg, vốn là thành viên của SAPD từ năm 1876 và là một nhà tài trợ cho các hoạt động của đảng SAPD (vị này thậm chí đã tài trợ cho tờ Der Sozialdemokrat - chính là phiên bản tiếp theo đã được đổi tên của Vorwärts từ năm 1879 - lúc này đang hoạt động bất hợp pháp tại Zurich sau khi Đạo luật của Bismarck có hiệu lực) đã đưa ra những phương án nhân sự cho công việc điều hành kinh doanh cho cơ quan sự nghiệp của đảng tại Leipzig là Louis Viereck và Franz Goldhausen. Tuy nhiên, sau một thời gian thì những người được chọn lại không tỏ ra là những doanh nhân xứng với kỳ vọng khi một người khiến doanh nghiệp in ấn bị thua lỗ, thậm chí người kia thì đã bị chê trách với lãnh đạo đảng là cẩu thả, dối trá. Tất cả những tình hình trên khiến cho Carl Höchberg bi quan và có một khoảng thờj gian vị này gần như bị khánh kiệt khi xảy ra những biến cố về tài chính và tình hình chung bây giờ lại rất nguy cấp khi vào cuối tháng 6, tình trạng bao vây bố ráp đã áp xuống Leipzig.

Heinrich Dietz lúc này ở tuổi 38, là gương mặt sáng giá cho công việc điều hành nhà xuất bản của phái dân chủ xã hội Đức, ông đã từng được các thành viên đánh giá cao về khả năng kinh tài khi còn ở Hamburg, đã có nhiều kinh nghiệm về ngành in ấn - xuất bản lẫn quá trình tham gia vào các hoạt động của SAPD. Cùng với những động thái khẩn trương di chuyển máy móc, nhân viên sang Stuttgart tại mặt sau của một toà nhà ở phố Ludwig thì Heinrich đã được Carl Höchberg chọn làm giám đốc điều hành khi biết chắc rằng Goldhausen sẽ thất bại. Heinrich đã đến Stuttgart cùng lúc với đợt di chuyển của các thành viên Leipzg vào tháng 9/1881 và đến tháng 12 cùng năm Heinrich đã được bàn giao cho trụ sở kinh doanh tại phố Ludwig làm nơi cư trú chính thức với một căn hộ ở tầng trệt thuộc mặt trước của tòa nhà.

Đó là sự ra đời của “J.H.W Dietz Verlag” !

(còn nữa)

                                                                                                                                                                                          

[10] Bản danh sách này có thể xem tại http://www.sub.uni-hamburg.de/hamburg/presse/presse_alpha.pdf

[11] Bebel, August. Assassinations and Socialism. From a Speech by August Bevel, Delivered at Berlin, November 2, translated for Daily People from the German by Boris Reinstein, New York Labour Company, pp. 1 - 2.

[12] Xem bản dịch tiếng Anh của Đạo luật tại đây :http://germanhistorydocs.ghi-dc.org/pdf/eng/713_Anti%20Socialist%20Law_218.pdf

[13] Lidtke L. Vernon. The Outlaws Party. Social Democracy in Germany, 1878 - 1890, Princeton - New Jersey, Princeton University Press, 1966, p. 79.

[14] Xem Social Democracy Reader : History of Social Democracy, Berlin, Friedrich Ebert Stiftung, 2013, p.32.

 

                     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529401

Hôm nay

2144

Hôm qua

2304

Tuần này

21674

Tháng này

216097

Tháng qua

0

Tất cả

114529401