Đất Nghệ

Người Ơ-đu ở Nghệ An [kỳ 3]

 VẪN CÒN ĐÓ, DÁNG NÉT VĂN HÓA Ơ  ĐU                                                                

II. VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

1. Phong tục tập quán

Sinh đẻ, nuôi con

Tục sinh đẻ nuôi con xưa không được nhắc đến trong cuốn sách của Vương Hoàng Tuyên. Các bài viết của Đặng Nghiêm Vạn cho biết một vài thông tin: khi sinh con, chiếc “nhau” được bỏ vào ống tre chôn ngay dưới sàn người mẹ ngồi đẻ (ở góc nhà phía dành riêng cho nữ). Đứa con lớn lên tuổi tính theo ngày có tiếng sấm ra đầu tiên mỗi năm; được một tuổi mới làm lễ đặt tên. Cách tính năm bắt đầu từ ngày sấm ra là một tục lễ rất cổ của các cư dân nông nghiệp ở vùng Đông Nam Á còn thấy ở người Ơ - đu.

Người Ơ - đu có tục nếu ai sinh đôi một nam một nữ thì khi chúng lớn lên, bố mẹ buộc chúng phải lấy nhau, giống như người Khơ - mú và một số tộc ở Tây Nguyên, song được giải thích bằng lý do khác: do tiền định của trời, hồn hai đứa trẻ đã quyện vào nhau từ bé, nên phải lấy nhau; nếu bố mẹ thấy điều đó là trái luân thường đạo lý thì tốt nhất là cầu trời cho một trong hai đứa bé chết ngay từ khi còn nhỏ (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr.60).

Phỏng vấn các bậc cao niên người Ơ - đu đang sống ở bản Văng Môn, chúng tôi thu được thêm một số tư liệu về tục sinh đẻ của đồng bào. 

Người phụ nữ Ơ - đu khi mang thai không kiêng cữ nhiều. Khi sinh, chỉ kiêng ăn các loại cá da trơn trong tháng đầu. Trước cửa nhà hoặc chân cầu thang cắm một cành lá để ngăn người lạ vào, ảnh hưởng đến vía đứa trẻ. Sinh ra được 3 ngày trở lên, đứa trẻ được gia đình làm vía để cầu khỏe mạnh. Nếu khi đó gia đình có việc cưới xin hoặc có người ốm đau nặng khó qua khỏi, thì làm vía và phải tiến hành sớm. Lễ vật nếu không có lợn thì phải có gà, xôi, rượu cần, đặt lễ ở cửa buồng để ông mo cúng; sau đó đặt tên luôn cho đứa trẻ, gồm có tên thường gọi (thường gọi theo thứ tự anh em trong nhà) và tên đi học (tên hành chính). Việc dạy kỹ năng lao động cho con cái được phân chia cho cả bố và mẹ. Bố thường dạy con trai các kỹ thuật làm nương, săn bắn, đan lát. Mẹ dạy con gái hái lượm, gặt lúa, dệt vải cho đến khi trưởng thành, xây dựng gia đình.

Cưới xin

Do từ lâu người Ơ - đu kết hôn chủ yếu với các tộc người khác nên tục cưới xin của đồng bào tùy thuộc vào trai gái việc kết hôn với người dân tộc nào. Con trai Ơ - đu lấy con gái các tộc khác (Thái, Khơ - mú), họ phải theo tục của các tộc này. Còn nếu người Ơ - đu lấy nhau hay con trai các tộc khác lấy con gái Ơ - đu tục cưới xin truyền thống diễn biến ra sao, đến nay không thể điều tra hồi cố được vì hiện ở bản Văng Môn không có bậc cao niên nào lấy vợ (hoặc chồng) cùng dân tộc Ơ - đu. Các đám cưới diễn ra theo lễ thức của người Thái (nhóm Hàng Tổng). Theo Đặng Nghiêm Vạn, cuộc hôn nhân của người Ơ - đu được thực hiện qua nhiều bước như dạm hỏi (lự chiết), đi hỏi (lự pha), cưới nhỏ ở rể (hoong pha), cưới chính thức (kệ kang rai) và lại mặt (mu gua). Trong lễ cưới chính thức, cô dâu chú rể trình diện tổ tiên và hai họ. Đến giờ lành, ông mối làm lễ hợp vía cho vợ chồng trước bàn thờ ma nhà với sự chứng kiến của anh em hai họ. Ông mang một chén rượu nếp và một quả trứng luộc cho hai người cùng ăn và uống, rồi lấy xôi lần lượt vê tóc dâu, rể giống như phong tục của người Khơ - mú và buộc chỉ tay hai người như lễ Baxi của người Lào. Sau đó ông mối mời hai họ uống chén rượu nếp theo tục lễ cổ truyền của người Ơ - đu (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 60).

Theo Vương Hoàng Tuyên, lễ ăn hỏi của người Ơ - đu chia làm ba lần, đầu tiên nhà con trai mang đến 2 bó vỏ và hai bó trầu, nếu bố mẹ cô gái không trả lại đồng nghĩa với ưng thuận cuộc hôn nhân của đôi trai gái.Lần thứ hai đưa vỏ và trầu 4 bó, lần thứ ba đưa 8 bó (lần này có người mối đi cùng và hẹn ngày cưới. Lễ vật thách cưới là 2 con lợn, 1 vò rượu cần, một vò rượu nấu, cùng quần áo, vòng cổ, vòng tay cho cô dâu. Đặc biệt nhà trai phải đưa sang một con chuột đồng nước và một con chim trời phơi khô. Nhà gái nhận hai con này, băm nhỏ, mời mỗi người đến dự một miếng. Dù to hay nhỏ, đám cưới mà thiếu hai con này cũng không được công nhận. Đám cưới còn tốn kém hơn vì có tục gia đình nhà vợ có bao nhiêu người đưa cô gái về nhà chồng thì phải biếu mỗi người, bất kể già trẻ, một con gà luộc. Trước Cách mạng, có đám cưới tốn đến 200 con gà (Vương Hoàng Tuyên, 1963, tr. 66). 

Tang ma

Khi bố hoặc mẹ mất, thi hài được đặt ở gian bên trong, kề cận gian khách, đầu quay vào phía trong (trường hợp con trai chẳng may chết trước bố thì đặt ở gian bên trong kế tiếp), phủ một lớp vải trắng.Con trai cả cầm dao phá bỏ vách nơi thờ ma nhà, phá bỏ vách ngăn giữa buồng ngủ của chủ nhà với gian khách (nếu người chết là bố), nếu là mẹ chết thì phá vách ngăn cửa buồng ngủ và vách đầu hồi. Hạ bàn thờ ông bà xuống với ngụ ý “đuổi ma ông bà đi để thờ bố mẹ mình”. Người con rể phải luôn đốt lửa, mài dao ở chân cầu thang để xua đổi ma tà về lấy mất hồn người chết hoặc những chướng khí làm thối xác người chết.

Sau đó tắm rửa thi hài bằng nước lá thơm (thường là lá bưởi), thay quần áo mới và liệm. Tùy theo người chết có bao nhiêu con (cả trai, gái) mà trải số lớp vải thô (mỗi lớp vải tượng trưng cho tấm lòng của một người con) cùng một đôi chiếu ở dưới và bên trên (trên dưới mỗi bề một chiếc). Đôi chiếu này thay cho áo quan (xưa kia, người Ơ - đu không dùng quan tài), đặt lên cáng, khiêng ra mộ.

Sau khi liệm xong, lập ban thờ cúng cơm cho người chết. Ban thờ chỉ là chiếc mâm đan, đặt trên sàn nhà, ở vị trí chính giữa linh cữu. Lễ vật phải là thịt lợn luộc, gồm đủ các đồ nội tạng, thủ, chân giò, thịt, xôi, rượu cần, lợn. Thông thường một đám tang phải có 3 con lợn, dùng vào 3 thời điểm:

+ Một con mổ ngay sau khi bố (mẹ) mất, liệm xong và làm lễ cúng (ngày nay, người Ơ - đu dùng áo quan bằng gỗ, nên con lợn này để làm cơm trong ngày đóng quan tài, mời dân làng đến giúp). Lợn này do con rể người chết phải góp. Nếu người chết không có hoặc chưa có con rể thì lợn này do anh em đóng góp chung. 

- Một con vừa để cúng cho người chết, vừa để làm cơm đón tiếp những người đến giúp đỡ, chia sẻ, phúng viếng.

- Một con mổ vào ngày chôn người chết để “làm vía” cho dân làng sau khi đi chôn về.

Hai con lợn sau, một con do người con trai nào ở với bố (hoặc mẹ) lo, một con do các anh em trai khác đóng góp. Trường hợp chỉ có một con trai thì đương nhiên người này phải lo liệu.

Ngoài việc cúng lễ bằng 3 con lợn này, con cái còn phải cúng cho người chết vào bữa ăn của gia đình, mỗi bữa cúng một con gà.

Người Ơ - đu chỉ quàn linh cữu người chết trong nhà hai ngày. Ban đêm của những ngày này, các con trai thay nhau canh “hồn” bố mẹ, tay cầm dao khua đi khua lại để đuổi ma quỷ khỏi về bắt hồn người chết.

Đến ngày thứ ba đưa đi chôn. Trước đó, ngay sau nghi thức báo tang bố hoặc mẹ qua đời, người con trưởng ra nghĩa địa chọn khu vực có thể đào huyệt, khấn xin và tung quả trứng xuống đất. Trứng vỡ ở đâu đào huyệt ở đó. Trường hợp gặp đá hoặc rễ cây to cũng phải đào. Mộ đào ngang sườn đồi, rộng 80 cm, sâu 1- 1,2 m, dài 1,8 - 2 m.

Thi hài người chết được đưa qua cửa chính (chân đi trước) và xuống một cầu thang khác mới làm thẳng với cửa chính (không được theo cầu thang gia đình lên xuống hàng ngày). Xuống đến sân, thi hài được quấn vải màn buộc chặt vào cái đòn để các con khiêng. Con cả khiêng phía đầu; con rể khiêng phía chân, không có con rể thì các con khác hoặc các cháu khiêng. Trên đường đi, luôn để chân người chết đi về phía trước, đến mộ cứ thế đặt thi hài, không quay đầu, bất kể hướng đó là hướng nào. Lấy phên nứa lót vào các bề mặt của mộ rồi đặt xác xuống và lấp đất. Con cả bỏ nắm đất đầu tiên xuống mộ. Đất mộ đào lên nếu lấp đầy là tốt, con cháu mới khỏe mạnh, làm ăn bình thường; nếu thiếu đất, thấp hơn mặt bằng, con cháu bị ốm đau, làm ăn sa sút. Vì vậy khi đào huyệt, người Ơ - đu rất chú ý giữ gìn số đất đào lên.

Lắp đất xong, làm một nhà tạm, cột tre, mái nứa hoặc gianh, xung quanh che phên nứa. Do quan niệm chết là tiếp tục sống thế giới bên kia, nên con cái phải chia cho người chết như bát đĩa, nồi niêu, quần áo, thóc gạo và các thứ khác cần thiết. Tất cả các thứ đó người con cả phải làm sứt mẻ, rách, thủng trước khi mang ra đặt trên mộ. Làm “nhà” cho bố (mẹ) xong, đem thủ lợn (chưa cạo lông, chưa luộc chín) đặt lên mộ để mời bố (mẹ) ăn.

Khi đi chôn về, tất cả con cái phải tắm rửa (tắm cả quần áo), rồi giặt sạch sẽ. Sau đó giết lợn làm vía cho dân làng. Ba ngày sau, làm vía cho con cháu trong nhà vào buổi sáng. Lễ vật có gà, xôi, rượu cần.

Sau khi chôn cất, con cháu trong nhà ra thăm mộ và đưa cơm cho bố mẹ ngày đầu tiên. Sang ngày thứ hai chỉ đưa cơm đến đoạn giữa đường ra mộ. Sang ngày thứ ba, mang cơm đến hết khu cư trú của làng rồi quay về và tắm rửa sạch sẽ, làm vía lần cuối cùng. Từ sau đó, không bao giờ ra thăm mộ nữa.

Sang ngày thứ bảy kể từ khi bố (mẹ) mất, dọn dẹp trong nhà, dựng lại các vách đã phá, lập bàn thờ mới, phá bỏ cầu thang dùng để chuyển người chết ra ngoài nhà hôm trước.

 Khi bố mẹ mất, con trai, con gái để tang bằng cách mặc áo vải thô, chít khăn trắng; các cháu đính một miếng vải thô ở lưng. Bộ tang phục này mặc nguyên trong thời gian 7 ngày, đến khi lập bàn thờ mới. Trong 7 ngày tang lễ, con cháu không được ăn các chất có mùi (mắm, ruốc), không ăn chất ngọt, hoa quả; các đồ ăn phải đặt trên lá chuối để trên sàn nhà, hoặc để trong rổ, không cho vào đĩa, không đặt lên mâm. Trong 3 tháng, con gái, con dâu không được mặc váy thêu, gia đình không được tổ chức cưới xin.

Người Ơ - đu kiêng đưa người chết ở ngoài địa phận làng về nhà làm lễ tang. Tuy nhiên, từ khi chuyển đến bản tái định cư, một số gia đình đã không tuân theo quy định này. Bằng cứ là vào năm 2011, có 3 người chết vì đâò vàng ở ngoài địa phận làng, đã đưa thi hài về nhà làm tang.

Theo các bậc cao niên, phần lớn các nghi lễ tàng ma được duy trì ở quê cũ dựa trên các yếu tố truyền thống của người Ơ - đu.

 

2. Các hình thức thờ cúng

Người Ơ - đu theo quan niệm vạn vật hữu linh nên thờ nhiều loại ma : ma nhà, ma bản, ma núi, ma suối, ma sông… Các loại ma này đề có tác động đến cuộc sống của con người.

Thờ tổ tiên (ma nhà)

Là hình thái thờ phụng phổ biến nhất ở người Ơ - đu, song đồng bào chỉ thờ một đời là bố mẹ mình. Bố mẹ sau khi chết, hồn biến thành ma nhà, đi lên trời, song vẫn thường xuyên về giám sát cuộc sống của con cháu nên có thể phù hộ hay trách phạt, tùy theo các hành xử của họ.

Ban thờ tổ tiên là một tấm phên hoặc gỗ được đặt giữa cột đầu tiên (bân trái) của vì kèo thứ hai (hay gian thứ nhất) với hai bên liếp, nên gọi là cột ma nhà. Trên đó để một chiếc bát mẻ, vài khẩu nến bằng sáp ong.Đây là nơi linh thiêng nhất. phụ nữ không được đến khu vực này. Ban thờ chỉ được quét dọn khi có cúng lễ (dịp cúng cơm mới, ngày đầu tiên trong năm có tiếng sấm ra, làm vía khi trong nhà có người ốm đau, bệnh tật hoặc bị tai nạn; ngày nay là vào dịp Tết Nguyên đán). Ngoài các dịp này, dù ban thờ có bụi bặm, mạng nhện chăng đầy cũng không được quét dọn, vì làm động đến tổ tiên.

Trước đây, người Ơ - đu không dùng hương như người Việt. Khi sắm lễ lên ban thờ tổ tiên, chỉ thắp nến sáp ong và chắp tay khấn xin, không vái lạy. Khoảng từ năm 1999, mới học thắp hương và vái lạy như người Việt.

       

Bàn thờ ma nhà ở góc nhà sàn

 

     

Và vẫn ở góc cột ngoài khi chuyển xuống nhà đất

 Thờ ma bản

Ma bản là thần linh của bản, gồm thần siêu nhiên và vong linh những người có công lập ra bản làng. Mỗi bản có một miếu thờ ma bản, đặt tại một gốc cây to đầu bản hoặc trên một đồi gần bản. Miếu chỉ có hai gian, một gian thờ ma bản, một gian thờ những nguời có công lập bản. Miếu do người biết cúng, am hiểu phong tục, có uy tín trông coi.

Miếu thờ ma bản (bản Văng Môn, xã Nga My)

Hàng năm, sau lễ cúng xên mường (ma mường, trước kia do chúa đất Thái tổ chức), dân bản tổ chức cúng ma bản. Vào năm không được mùa, làm lễ nhỏ, cả bản chỉ sửa lễ một con gà, một giỏ xôi, hai vò rượu; ngoài ra còn có cá nướng (do các gia đình trong bản đi đánh về trước ngày lễ chính) và gói lại thành từng đùm hoặc cho vào ống để làm đồ cúng. Sau khi sắp lễ xong, thầy mo khấn xin thần linh phù hộ cho dân bản được khỏe mạnh, mùa màng được tươi tốt; sau đó các bậc cao niên được thụ lộc. Năm nào được mùa, làm lễ to, các gia đình cùng góp gà, rượu, hoặc góp tiền mua lợn sắm lễ. Năm nào thật được mùa hoặc có một sự kiện thật quan trọng (như năm 1988 và năm 2001, ở bản Com xã Kim Đa, cả bản trúng đào vàng) thì mổ trâu, dắt trâu đến trước cửa đền làm lễ xin thần linh cho giết trâu, sau đó làm lễ dâng lên cúng. Người trông coi miếu làm lễ cầu xin ma bản phù hộ cho dân làng năm tới khỏe mạnh, làm ăn khấm khá hơn. Mỗi gia đình cử một người đến dự. Năm đại lễ tất cả các thành viên trong bản được đến dự. Trong ngày lễ chính, tất cả các ngã đường vào bản đều cắm "ta leo" cấm người ngoài bản đi vào và người bên trong đi ra. Nếu đang cúng hoặc cúng gần xong mà có người vi phạm thì phải nộp phạt một con lợn để cúng lại.

Người Ơ - đu sống trong vùng do người Thái nắm quyền kiểm soát nên trước đây phải tuân thủ việc cúng xên mường, tại nơi có đền (miếu) thờ ma mường của từng vùng. Chẳng hạn, ở xã Kim Đa,đền tọa lạc tại một khu đất bằng phẳng cách bản Com chừng 1km. Lễ này được tổ chức khi chuẩn bị vào mùa rẫy mới. Thông thường 2 năm đầu cúng bằng lợn, năm thứ ba cúng bằng trâu. Trong 2 lần cúng lợn, người Khơ- mú không dự, chỉ có người Thái, người Ơ - đu tổ chức. Đến lần cúng trâu thì cả 3 tộc người cùng tham gia. Ngoài thịt lợn hoặc thịt trâu, còn có cá nướng do các gia đình đóng góp.

Chuẩn bị đồ cúng xong, một ông mo người Ơ - đu và một ông mo người Thái dứng trước bàn thờ hành lễ. Bắt đầu ông mo người Ơ - đu cúng mời tổ tiên mình về, tiếp đó ông mo người Thái mời “Chẩu Cành, chẩu Tạt, chẩu Hạt, chẩu Sắn" về dự lễ (theo tiếng Thái, Chẩu là chủ, Cành là thác lớn, Tạt là khe nhỏ, Hạt là tổ tiên người Ơ - đu, Sắn là đỉnh đồi núi). Sau đó, ông mo người Ơ - đu chủ trì lễ cúng. Nội dung bài cúng là cầu mong ma mường, cầu mong tổ tiên người Ơ - đu phù hộ cho tất cả các thành viên trong bản mường khoẻ mạnh, thời tiết yên ổn, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Hành lễ xong có cuộc thi bắn nỏ và uống rượu cần giữa người Thái và người Ơ - đu, ai thắng cuộc họ tin năm đó sẽ gặp may mắn, được mùa.

Lễ cúng xên mường cho thấy người Thái rất tôn trọng vai trò khai phá tạo lập đầu tiên của người Ơ - đu đối với vùng đất sinh sống chung của 3 dân tộc Thái, Ơ - đu, Khơ - mú ở vùng Thượng huyện Tương Dương hiện nay.

Các nghi lễ nông nghiệp

Nghi lễ nông nghiệp chủ yếu của người Ơ - đu làlễ cúng rẫy cúng cơm mới. Theo Nhà nghiên cứu Vi Văn An, các nghi lễ này là của chung người Khơ - mú và người Ơ - đu; còn người Thái vốn là cư dân làm ruộng nước, nhưng vào vùng đất Thượng Tương Dương, không có ruộng, phải làm nương nên cũng thực hiện các nghi lễ này.

- Lễ cúng rẫy (ca bua lang): khi đốt nương xong, dọn sạch một khoảng đất ở vị trí trung tâm, bằng phẳng, cắm một gậy tre ở chính giữa là nơi đặt lễ (Đặng Nghêm Vạn cho rằng, vị trí này ở góc chân rẫy) để làm lễ cúng rẫy và trỉa lúa.

Đến ngày gieo hạt, cả nhà phải dậy thật sớm mổ gà, làm cá, bày một mâm lễ, cùng tất cả các thứ giống thóc mà gia đình sẽ gieo trồng trong năm. Mâm cỗ đó đặt gần nơi thờ ma nhà. Chủ nhà khấn xin ma nhà phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh. Cúng ma xong, khấn hồn lúa, mong hồn lúa lên nhanh lên tốt, không bị chim thú phá, cuối năm cho nhiều bông nhiều hạt. Mâm cỗ để một lúc cho ma nhà, hồn lúa cùng ăn, sau đó cả nhà ăn cơm để đi lên nương. Ăn xong, không dọn dẹp đồ đạc, hoặc rửa bát đũa, mà cứ để nguyên như vậy đến chiều về mới dọn, nếu thu dọn và rửa ngay lúc đó, hồn lúa sẽ đi mất, mùa vụ năm đó sẽ thất thu.

 Khi lên nương, vợ chủ nhà đi trước, bà mặc quần áo mới, đeo vòng cổ vòng tay. Bà đến gốc cây chặt cụt ở giữa nương, lấy 4 que nứa cắm quanh gốc cây, mục đích để bảo vệ cho lúa không bị sâu bọ, chim thú bên ngoài vào phá phách và nhằm giữ hồn lúa ở lại. Sau đó, bà trồng một khóm gừng và một khóm sả quanh gốc cây đó để làm “tình nhân” cho lúa, mong lúa sẽ nhanh tươi tốt, cho thu hoạch cao. Tiếp đó bà lấy thóc giống đã cúng ma nhà buổi sáng gieo vào khu vực quanh gốc cây, động tác gieo phải nhanh gọn, song hết sức im lặng (nhanh với ngụ ý việc gieo hạt sẽ chóng xong, kịp thời vụ; im lặng có ngụ ý để khỏi hồn lúa đi mất).

 Gieo xong bà chủ lại lấy 4 cây nứa, trên đó cột những chiếc lạt uốn cong, cắm ở 4 góc rẫy đã gieo hạt, ngụ ý để che chắn gió bão, bảo vệ cho lúa tốt, trĩu bông sai hạt.

Xong việc gieo trỉa trên nương, mọi người về nhà, dù nóng bức tới đâu cũng không được tắm, nếu tắm hồn lúa sẽ bay mất. Suốt ngày hôm đó, bà chủ phải thực hiện một số kiêng kị như không được nói chuyện với mọi người, không được ăn thịt chó, không được xua đuổi chim thú...).

- Lễ cúng cơm mới: khi lúa chín, “mẹ lúa” tức vợ chủ gia đình, có khi là chủ gia đình bí mật đi gặt một ít lúa ở đám nương gieo lúa đầu tiên để làm cơm mới cúng ma nhà, ma tổ tiên (bua brir). Sau đó cúng “hồn lúa”, cúng ma bịch thóc hoặc lều nương. Lễ phải có gà, gia đình nào có điều kiện thì mổ lợn, đặc biệt phải có món mọc và phải làm cốm (rang thóc hoặc luộc khô rồi đâm, giã, sàng sảy sạch), dâng lên tổ tiên, để cạnh các công cụ, ngụ ý tạ ơn tổ tiên và các công cụ đã làm ra lúa. Sau đó, chủ nhà trộn một ít hạt lúa của các giống khác nhau, ngụ ý mong lúa đua nhau mọc. Chủ nhà khấn, kính báo tổ tiên về mùa vụ, xin tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh để năm sau lại tiếp tục làm ăn, có mùa màng tốt tươi.

 Là cư dân nông nghiệp nương rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết thiên nhiên, người Ơ - đu lo nhất là trời hạn hán. Theo Đặng Nghiêm Vạn, trước giải phóng 1954, khi gặp hạn hán, ngoài cầu mưa như các dân tộc khác, đồng bào còn tổ chức nghi thức trêu chọc trời như tập trung trai gái (không phân biệt anh rể, em vợ, anh chồng, em dâu) cho chòng ghẹo nhau tự do hoặc tìm cách chọc tức ma thuồng luồng như thả thuốc ruốc cá vào vùng cấm nơi thuồng luồng ở để đánh động tới ma, bày trò chơi kéo đôi thuồng luồng vì sợ thuồng luồng đang ngủ quên (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr, 59). Các nghi lễ này đã mất từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Gắn với các nghi lễ nông nghiệp là các kiêng kỵ liên quan đến gieo trỉa, chăm sóc lúa và thu hoạch.

- Kiêng phát nương ở những nơi có hố đất sụt (làm ở đó, mùa màng sa sút, không được thu hoạch; nơi có hòn đá nhọn nhô cao hơn mặt đất khoảng 1m (làm ở đó con cháu hay bị đau ốm, hay bị tai nạn khi làm việc); nơi có cây Chlé (giống cây săng lẻ, làm nơi đó con cháu sẽ bị điên); khu vực có cây dây leo quấn quanh gốc cây to (con cháu sẽ bị bại liệt).

-  Khi trỉa lúa, hạt thóc giống chẳng may rơi xuống đất không được nhặt, vì làm như thế chim thấy sẽ bắt chước, ăn hết thóc đã gieo.

- Trỉa lúa xong, cái lẹ (gậy chọc lỗ) bị cùn lưỡi không được rèn lại để dùng mà phải thay lưỡi mới, vì rèn lại lưỡi cũ, lúa mọc sẽ bị cắt lá, chậm lớn hoặc không lớn.

-  Khi lúa đang trỗ hoặc chín, không được mang vào nước các thứ sau: cây mây (làm cho lúa bị rụng hạt), thịt thối, nước gạo thối, thịt chưa chín, nước nhuộm chàm (hạt lúa sẽ thối hoặc lép).

-  Khi gặt một đám nương phải gặt liên tục trong ngày, nếu đang gặt mà có việc bất khả kháng không thể gặt tiếp, phải nhờ anh em thân thích gặt giúp.

Những kiêng kỵ này vẫn được tuân thủ khi đồng bào chuyển về khu tái định cư ở bản Văng Môn.

Lễ mừng tiếng sấm đầu năm

 

 

Lễ đón tiếng sấm, phục dựng năm 2014

 

Thầy mo mời tổ tiên các dòng họ về  dự  lễ đón tiếng sấm năm 2014

Có lẽ Ơ - đu là một trong số rất tộc người trên đất nước ta quan niệm khi có tiếng sấm đầu tiên trong năm là bắt đầu một năm mới. Người Khơ - me đón năm mới - Tết Chôl Chnan thmây vào tháng Chét (tháng Năm theo lịch Khơ - me), tương đương với tiết Cốc vũ (mưa rào) vào giữa tháng Ba theo lịch của người Việt cũng gắn với khi có tiếng sấm. Trích đoạn bài văn khấn trong lễ đón tiếng sấm đầu tiên cho biết, sự xuất hiện của tiếng sấm là kết thúc một chu kỳ vận hành của trời đất, từ tiếng sấm cuối cùng của năm trước đến khi có tiếng sấm mới: 

Cây lách trổ, trời già,

 Cây lau trổ, trời ốm 

Cây mía trổ, trời chết,

Cây mây trổ, cuống họng trời bị đứt, 

Lá pơ nát lên, trời trở lại[1].

Có thể hiểu từ khi có tiếng sấm cuối cùng vào tháng tám (theo lịch âm của người Việt), sang tháng chín, trời chuyển dần sang lạnh (trời già); tháng mười bông lau nở, trời chuyển sang rét (trời ốm); tháng một (mười một) bông mía trổ, trời rất rét; tháng chạp cây mây trổ trời rét đậm (trời chết), rồi dần dần chuyển tiếp sang tiết Xuân, đến khi có cây pơ nát (một loại cây mọc ở ruộng hoặc các baixddaast thấp ven suối, vào tháng ba), trời trở lại, có tiếng sấm, báo hiệu một năm mới bắt đầu. 

Cây Pơ nát lên xanh vào đầu tháng Ba, báo hiệu có tiếng sấm đầu mùa

Sống bao đời trên mảnh đất cha sinh mẹ đẻ, người Ơ - đu nắm được tương đối quy luật vận hành của trời đất nên dự đoán được một cách tương đối thời điểm có tiếng sấm đầu tiên, để ủ rượu sẵn cần đón năm mới. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên, chủ nhà cầm súng kíp ra giữa sân bắn 3 phát, nếu không có súng thì đấm nắm tay 3 lần vào núm chiêng; hoặc đánh cồng; sau đó, lấy quả trứng gà rửa sạch, cho vào chậu nước lã, rửa tay, rửa mặt rồi đến lượt các thành viên khác trong gia đình (có thể thay nước khác). Công việc mang tình nghi lễ này có mục đích cầu sinh sôi, vẹn tròn (biểu thị ở quả trứng), trời mưa (chậu nước), khỏe mạnh cho toàn gia đình. Tiếp đó, chủ nhà giết gà, làm lễ cúng tổ tiên; sau lễ cúng mời anh em họ hàng đến ăn uống. 

Sau ngày có tiếng sấm, các gia đình tiến hành trỉa ngô, trồng khoai. Sau một tháng trỉa lúa chính vụ. 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Mạc Đường (1964), Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ, Nxb. Khoa học, Hà Nội.

2. Vương Hoàng Tuyên (1963), Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3. Trần Tuấn Thi (2013), Tập tư liệu điều tra về người Ơ - đu, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

4. Đặng Nghiêm Vạn (1973), Vài nét về người Ơ - đu”, Thông báo Dân tộc học số 2/ 1973, tr. 50- 63.

5. Đặng Nghiêm Vạn (1974), “Bước đầu tìm hiểu lịch sử phân bố cư dân ở miền núi tỉnh Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học số 2/ 1974.

6. Đặng Nghiêm Vạn (1978), “Dân tộc Ơ Đu”, trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 113 - 117.

7. Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Quốc hội (2004), Báo cáo kết quả thực hiện dự án Điều tra, khảo sát, nghiên cứu về dân tộc Ơ - đu, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Chú thích:

 

[1] Bài văn khấn đọc tại lễ phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm ngày 22 tháng 4 năm 2014. Bài dịch của Lương Văn Viện, cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

 

Bàn thờ ma nhà ở góc nhà sàn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528462

Hôm nay

2118

Hôm qua

2291

Tuần này

2735

Tháng này

215158

Tháng qua

0

Tất cả

114528462