Những góc nhìn Văn hoá
Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc của Kam Louie và những gợi ý cho việc nghiên cứu các hình mẫu nam nhân trong văn học Việt Nam
Mấy thập niên gần đây, nghiên cứu về giới là một trong những xu hướng nổi bật của khoa học xã hội nói chung, khoa nghiên cứu văn học nói chung. Tuy nhiên, trong khi nữ giới dường như nhận được rất nhiều sự quan tâm, thì phải đến những năm 1990, nam tính và thực hành giới tính của nam giới mới trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập và thu hút sự chú ý của các nhà khoa học với những tên tuổi nổi bật như như J. Hearn, R.W. Connell, M. Kimmel, M. Messner… và các công trình tiêu biểu như Men in the Public Eye, Masculinities, Men’s Lives, Misframing Men: the Politics of Contemporary Masculinities… Trong số đó, không thể bỏ qua Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc (Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China, ĐH Cambridge xuất bản, New York, 2002) của Kam Louie.
Dài 237 trang với 165 trang viết, phần còn lại bao gồm chú thích, thư mục tài liệu tham khảo và bảng tra cứu, Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc thực sự là một công trình đầy tham vọng khi tác giả đặt ra nhiệm vụ lý thuyết hóa về sự kiến tạo nam tính Trung Quốc và cụ thể hóa quan điểm của mình qua việc phân tích những mẫu hình nam nhân Trung Quốc tiêu biểu từ xưa đến nay. Cuốn sách được cấu trúc thành 9 chương:
Chương 1 - Giới thiệu văn - võ: Hướng đến một định nghĩa về nam tính Trung Quốc (Introducing wen - wu: Towards a Definition of Chinese Masculinity)
Chương 2 - Chân dung Võ thần Quan Vũ: Tình dục, chính trị và nam tính võ (Portrait of the God of War Guan Yu: Sex, Politics and wu Masculinity)
Chương 3 - Khổng tử với tư cách thánh nhân, nhà giáo, doanh nhân: Những biến đổi của biểu tượng văn (Confucius as Sage, Teacher, Businessman: Transformations of the wen Icon)
Chương 4 - Kẻ sĩ và trí thức: Những đại diện của nam tính văn xưa và nay (Scholars and Intellectuals: Representations of wen Masculinity Past and Present)
Chương 5 - Người anh hùng thuộc tầng lớp lao động: Các hình tượng võ trong tiểu thuyết truyền thống và sau thời Mao Trạch Đông (The Working-class Hero: Images of wu in Traditional and Post-Mao Fiction)
Chương 6 - Những tiếng nói của phụ nữ: Người đàn ông lý tưởng của đàn bà trong thế kỉ XX (Women’s Voices: The Ideal ‘Woman’s Man’ in the Twentieth Century)
Chương 7 - Tiểu thuyết Nhị Mã của Lão Xá và những người vợ ngoại quốc: Xây dựng nam tính văn cho thế giới hiện đại (Lao She’s The Two Mas and Foreign Wives: Constructing wen Masculinity for the Modern World)
Chương 8 - Lý Tiểu Long, Thành Long và Châu Nhuận Phát: Quốc tế hoá nam tính võ (Bruce Lee, Jackie Chan and Chow Yun Fat: Internationalising wu Masculinity)
Chương 9 - Tái lập Văn - võ:Nam tính Trung Quốc được lai tạo và toàn cầu hoá(Wen - wu Reconstructed: Chinese Masculinity Hybridised and Globalised)
Chương 1, như tiêu đề của nó, giới thiệu mô hình văn - võ để hướng đến một định nghĩa về nam tính Trung Quốc. Kam Louie không phải là người đầu tiên đặt ra vấn đề định nghĩa nam tính Trung Quốc, mà nó đã được khá nhiều học giả, cả phương Tây lẫn Trung Quốc, quan tâm thảo luận. Tuy nhiên, như chính tác giả nhận định, lý thuyết về nam giới nhìn chung khá nghèo nàn và hầu như luôn từ điểm nhìn phương Tây. Cách tiếp cận này hoàn toàn không phù hợp, bởi “Sự kết hợp vô thưởng vô phạt những mẫu hình đàn ông đầy dục tính của phương Tây được áp dụng trước đây đã tạo nên kết luận thiếu thỏa đáng rằng nam nhân Trung Quốc ít “chân nam tử” hơn” (tr.20). Bởi vậy, ông cho rằng cần “phát triển thành những vấn đề và mô hình xuất phát từ bối cảnh châu Á thay vì chỉ mô phỏng lại công trình được viết cho phương Tây một thập kỷ trước và kết luận rằng nam giới Trung Quốc đã bị nữ tính hoá hay trở nên trung tính” (tr.9). Trong khi đó, mô hình âm - dương vẫn được dùng để thảo luận về sự khác biệt giới tính ở Trung Quốc lại cho thấy cả hai giới có thể là âm hoặc dương, hay đều là âm và dương, nên nó “không thể giải thích đủ sâu đặc trưng của nam tính” (tr.21). Nhận thấy “không có cuốn sách nào thử suy nghĩ có hệ thống về nền móng lý thuyết của những nam tính Trung Quốc” (tr.3), tác giả muốn dùng một lăng kính văn hóa thích hợp hơn để xem xét các khái niệm, biểu tượng và ký hiệu - những kiến tạo xã hội có bối cảnh phát triển riêng của chúng, từ đó đề xuất ra một mô hình mang tính bản địa có thể giải thích cho sự trình hiện của nam tính Trung Quốc: văn (các thành tựu về văn chương và văn hóa) – võ (sự vũ dũng, võ thuật, sức mạnh thể chất hay quân sự). Nam tính Trung Quốc có thể được lý thuyết rằng bao gồm văn và võ, hoặc văn, hoặc võ. Như vậy, khác với cách nhìn nhận phổ biến hiện nay, kẻ sĩ/trí thức không thể bị xem là kém “đàn ông” hơn các đấng trượng phu sức dài vai rộng. Thậm chí, như phần “Trọng văn hơn võ” đã cho thấy, “ngay từ buổi ban đầu của tư tưởng triết học Trung Quốc, văn đã được xem trọng hơn võ” (tr.17), và ở nhiều thời điểm trong lịch sử Trung Quốc, võ gắn với loại nam tính không phải là ưu trội, gắn bó hơn với những nam nhân không tinh hoa - những người có ít quyền lực xã hội, trong khi văn rõ ràng là nam tính của nhóm tinh hoa. Tuy nhiên, hình mẫu đàn ông lý tưởng là người kết hợp hài hòa được cả văn và võ ở mức độ cao, và đây là phẩm chất thiết yếu của người lãnh đạo: văn và võ là công cụ quan trọng để hợp pháp hóa và gìn giữ quyền cai trị.
Sử dụng các phương pháp luận của phương Tây như ký hiệu học và phân tâm học và các phương pháp luận của Trung Quốc để tìm hiểu “các văn bản văn học - thứ tạo nên những hình ảnh nam nhân mang tính biểu tượng và tính mô hình” (tr.21), trong các chương kế, Kam Louie lần lượt quan sát những đại diện của nam tính thời cổ trung đại và hiện đại.
Chương 2 của cuốn sách tập trung tìm hiểu cấu trúc của người anh hùng Trung Quốc - đại diện tiêu biểu nhất của nam tính võ thời cổ thông qua hình tượng võ thần Quan Vũ. Trong khi “nghiên cứu của cả Trung Quốc lẫn phương Tây thường gạt bỏ bản năng tình dục của người anh hùng Trung Quốc”, Kam Louie lại cho thấy, từ xa xưa, cách định nghĩa “anh hùng” đã bao hàm cả phương diện tình dục. Theo ông, việc người Trung Quốc so sánh anh hùng với rồng (khi ẩn, khi hiện) đã gợi ra tính chất co giãn giống như dương vật, và do vậy, cũng gợi ra tiềm năng đặc trưng của nam giới. Tuy nhiên, khác với anh hùng phương Tây luôn có bóng hồng bên cạnh, phụ nữ ở bên cạnh người anh hùng Trung Quốc dường như chỉ để “làm nền” - để người đàn ông thể hiện khả năng kháng cự với sức hấp dẫn về mặt tình dục ở phụ nữ. Khả năng này, cùng với vóc dáng cao lớn, tài năng võ thuật hơn người và sự hung bạo - những chỉ dấu của nam tính võ, được xem là phẩm chất thiết yếu của anh hùng. Mặc dù vậy, đằng sau những biểu hiện “quang minh chính đại” có phần phô trương của Quan Vũ - một trong những anh hùng nổi bật nhất thời Tam quốc và được hậu thế sùng kính, Kam Louie lại cho thấy một con người hoàn toàn khác với hình dung phổ biến, thông thường của cả độc giả phổ thông lẫn giới học thuật nhiều thời đại về vị võ thần này. Trong phần viết “Ham muốn phụ nữ và cấm kị loạn luân”, tác giả cho rằng giấc mơ bị lợn đen cắn vào chân của Quan Vũ cho thấy trong tiềm thức, ông có tham vọng chiếm đoạt vương quốc và những người phụ nữ của Lưu Bị. Giấc mơ này cùng với việc Quan Vũ kết liễu Điêu Thuyền để không bị nàng quyến rũ trong một vở kịch đời Nguyên được K. Louie đọc thành nỗi thống khổ ẩn giấu ở một người đàn ông cả đời đè nén những ham muốn của mình. Đồng thời, sử dụng khái niệm “ham muốn giữa những người đồng giới” (homosocial desire) của Eve Kosofsky Sedgwick để đọc cả tiểu thuyết văn ngôn Tam quốc diễn nghĩa lẫn những hình thức dân gian của câu chuyện Tam quốc, Louie nhận định: “Lòng trung thành và sự chung thủy của Quan Vũ với Lưu Bị trong các mối quan hệ của ông với những nam nhân khác là hình ảnh phản chiếu tình dục đồng giới của việc đè nén và kiểm soát những xúc cảm tình dục dị giới ở ông” (tr.38). Như vậy, thế giới của những anh hùng võ không hoàn toàn vô tính, mà hàm chứa các quan hệ đồng giới và phần nào mang hơi hướng tình dục. Ông củng cố luận điểm này bằng việc chỉ ra rằng các đoạn văn miêu tả việc đàn ông ngủ cùng nhau sử dụng cùng một ngôn ngữ với việc miêu tả lúc nam nữ ngủ với nhau, và chuyện đàn ông ngủ “chung giường” cũng dẫn đến sự quyến luyến, say mê, ghen tuông hay những xúc cảm khác ở các mối quan hệ lãng mạn và tình dục. Mặc dù những luận điểm và dẫn chứng này có thể còn cần xem xét, nhưng không thể phủ nhận rằng chương 2 thực sự là những trang viết thú vị với nhiều ý tưởng độc đáo, mới mẻ.
Hảo hán - một đại diện tiêu biểu khác của nam tính võ thời cổ - được thảo luận trong chương 5 của cuốn sách qua hình tượng Võ Tòng ở tiểu thuyết Thủy hử. Nếu như anh hùng là những đấng trượng phu có tham vọng chính trị cũng như ham muốn trở thành “những người đàn ông đích thực”, thì hảo hán phần lớn xuất thân từ những tầng lớp thấp trong xã hội và có mức độ di động xã hội rất hạn chế[2]. Võ Tòng là một hảo hán điển hình từ vóc dáng cho đến khả năng võ thuật, lòng quả cảm, và đặc biệt là thái độ xa lánh nữ sắc. Mặc dù vậy, giống như chương viết về Quan Vũ, ở đây, Kam Louie cũng cho thấy mức độ mãnh liệt của hành động chối bỏ phụ nữ ẩn giấu ham muốn tình dục bị ngăn cấm đối với nam nhân mang tính võ. Bản năng tình dục bị đè nén ở Võ Tòng đã biến thành hành động trả thù tàn bạo đối với xác Phan Kim Liên, và theo tác giả, biểu hiện man rợ này “tiêu biểu cho cách thể hiện của tiểu thuyết truyền thống về người anh hùng thuộc tầng lớp lao động với nhiều tính võ và hầu như không có tính văn - người chỉ có thể kiểm soát vũ trụ đạo đức của mình thông qua sức mạnh bạo tàn và việc kiềm chế ham muốn” (tr.83).
Đối lập với những võ nhân sức dài vai rộng có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh là những văn nhân chân yếu tay mềm. Trong chương 3 và chương 4, Kam Louie lần lượt thảo luận về những đại diện cho nam tính văn Trung Quốc thuở trước: Khổng Tử và kẻ sĩ. Được suy tôn là văn thần, Khổng Tử là hình mẫu lý tưởng để tìm hiểu về vấn đề này. Học vấn uyên bác, sự lịch thiệp, vẻ điển nhã, đạo đức mẫu mực… - những thuộc tính của văn đều là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, và hình mẫu hội tụ đầy đủ nhất những thuộc tính này là quân tử. Và đương nhiên, như K. Louie lưu ý, “những tài năng mà Khổng tử coi là các tiền đề cho bậc quân tử chỉ áp dụng cho nam giới”. Khổng Tử kiếm tìm một tập hợp nam nhân ưu tú và răn dạy họ lánh xa không chỉ bọn tiểu nhân mà cả nữ giới. “Tính chất quan hệ đồng giới và chứng ghét phụ nữ (vốn là đặc điểm của võ thần Quan Vũ) bởi vậy cũng có thể tìm thấy ở vị văn thần này, dù dưới một hình thức khác và theo một phương thức kém ấn tượng hơn. Dường như nó có thể chứng minh rằng học thuyết của Khổng tử lấy đàn ông làm trung tâm”. Như vậy, nếu các anh hùng hảo hán hành xử thô bạo với phụ nữ để không bị họ chinh phục, thì nam nhân mang tính văn cũng phải có khả năng tự kiểm soát để phụ nữ không thể can dự vào con đường đi đến văn hóa của anh ta - thứ trên thực tế là sự thành công trong khoa cử. Khả năng này được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đạt được phẩm chất quân tử. Tuy nhiên, trên thực tế, không hề dễ dàng để tự kiểm soát được bản thân mình, và do vậy, có không ít kẻ sĩ đi chệch khỏi những lời răn dạy của đức Khổng về bậc quân tử. Chọn nhân vật Trương sinh trong tác phẩm Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn và vở kịch Tây sương ký của Vương Thực Phủ để tìm hiểu, Kam Louie giới thiệu một hình mẫu khác của nam tính văn thời cổ: tài tử. Khác với anh hùng, hảo hán và quân tử, người tài tử không cự tuyệt phụ nữ, mà ngược lại, phụ nữ trở thành công cụ để chứng minh tính nam của họ. Thực vậy, như Kam Louie đã chỉ ra, việc Trương sinh chinh phục được Thôi Oanh Oanh về mặt tình dục “đã chứng tỏ năng lực thể chất của chàng. Thứ hai, việc chàng rời bỏ nàng sau khi đi thi thể hiện rằng chàng đã học được một bài học thành công về việc tự kiểm soát của nam tử hán” (tr.63). Không những thế, việc tài tử chiếm được giai nhân còn khẳng định nam tính văn có ưu thế hơn hẳn nam tính võ. Điều này được thể hiện rõ nét hơn trong phiên bản của Vương Thực Phủ, khi Trương sinh, với sự giúp đỡ của sư Huệ Minh (đại diện cho hình mẫu hảo hán), dùng sức mạnh của con chữ để khiến Đỗ tướng quân (đại diện cho hình mẫu anh hùng) giúp mình đánh bại Tôn Phi Hổ - kẻ chỉ giỏi võ công và tên Trịnh Hằng dốt văn.
Số phận của nam tính văn và nam tính võ Trung Quốc ở thời hiện đại được Kam Louie từng bước làm sáng tỏ qua những phần sau của chương 3, chương 4, chương 5 và các chương còn lại của cuốn sách. Các chủ đề được đề cập đến bao gồm hình tượng Khổng Tử trong thời đại mới, trí thức đương đại, người anh hùng thuộc tầng lớp lao động trong tiểu thuyết ở thời kỳ cộng sản, nam tính của người Hoa ở hải ngoại như được khắc họa trong tiểu thuyết Nhị Mã của Lão Xá và nhiều trước tác, phim võ thuật mới đây, cùng việc miêu tả đàn ông trong tiểu thuyết của các cây bút nữ người Trung Quốc. Là những kiến tạo xã hội, văn và võ đã có nhiều biến đổi theo sự chuyển dịch chóng mặt của xã hội. Ngay cả văn thần Khổng Tử cũng được diễn giải theo những cách mới, không chỉ là bậc thánh nhân, học giả, nhà giáo, người theo chủ nghĩa phục cổ mà còn là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh với chủ trương quản lý bằng đạo đức. Theo các định nghĩa truyền thống, văn nhân không nên là thương nhân. Nhưng dưới ảnh hưởng của phương Tây, thành phần văn của nam tính Trung Quốc đang thay đổi, bao gồm cả sự nhạy bén trên thương trường. Điều đó đã được Kam Louie làm rõ hơn trong chương 7 với nhan đề: “Tiểu thuyết Nhị Mã của Lão Xá và những người vợ ngoại quốc: Xây dựng nam tính văn cho thế giới hiện đại”. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho thấy những biến động chính trị cũng có tác động không nhỏ đến nam tính Trung Quốc. Trong phần sau của chương 4 và chương 5, tác giả tập trung tìm hiểu văn nhân và võ nhân hiện đại, qua những đại diện là Trương Vĩnh Lân trong bộ ba tiểu thuyết tự thuật của Trương Hiền Lượng, và Quang Tử trong truyện ngắn Nhân cực của Giả Bình Ao. Cùng lấy bối cảnh là thời kỳ Cách mạng Văn hóa và những năm sau đó, các tác phẩm này đều cho thấy những bất ổn của thời đại đã khiến đàn ông Trung Quốc, dù là trí thức hay nông dân, trở nên bất thường về chức năng sinh lý, và biến thành “một nửa đàn bà” hay “thái giám uy dũng”. Mặc dù vậy, dù có bất kỳ thay đổi nào đi chăng nữa, nhưng như Kam Louie khẳng định, vẫn có những hằng số trong cấu trúc văn - võ. Trước hết là vị thế của văn vẫn được xem trọng hơn võ, ngay cả khi tầng lớp công - nông - binh được ưu ái hơn trong thời đại mới, thì trí thức trên thực tế mới là giai cấp lãnh đạo. Điều thứ hai mà tác giả chỉ ra có thể khiến chúng ta ngạc nhiên, ấy là trong khi nam tính võ vẫn được hiểu là hiếu chiến và bạo lực, nam tính văn có nghĩa là mọt sách và có văn hóa, thì giữa các võ nhân chủ yếu là lòng trung thành, sự đoàn kết và tình anh em, còn nam tính văn dường như lại dẫn đến sự cạnh tranh, thái độ tự phụ và việc coi bản thân là trung tâm. Lý giải vấn đề này, tác giả cho rằng giữa nam tính và quyền lực có mối quan hệ mật thiết, và có thể biểu thị phần nào mối quan hệ này qua công thức đơn giản: “văn = nhiều quyền lực, võ = ít quyền lực, và phụ nữ = không có quyền lực”.
Công trình của Kam Louie cũng dành một chương để tìm hiểu xem phụ nữ xây dựng phẩm tính đàn ông như thế nào. Việc làm này có ý nghĩa khá quan trọng, bởi trên thực tế, các chuẩn mực xã hội - trong đó có nam tính - thường do đàn ông xác lập, và được kiến tạo theo hướng có lợi cho đàn ông. Cố gắng “khôi phục những tiếng nói ‘bị nghẹt lại’ của phụ nữ giữa mớ ồn ào và sau đó lắng nghe họ bình luận về đàn ông” thông qua ba tác phẩm Sa Phi nữ sĩ đích nhật ký (1928), Bách hợp hoa (1958) và Cẩm tú cốc (1987) của ba tác giả Đinh Linh, Như Chí Quyên và Vương An Ức, Kam Louie nhận thấy đã có những thay đổi trong nhận thức của ba nhà văn về các mối quan hệ nam - nữ. Thay vì tập trung vào chủ thể tính nữ của các tác giả như những nhà phê bình khác, ông quan tâm hơn đến các thuộc tính của những nhân vật nam chính, và kết luận rằng “khi phụ nữ Trung Quốc hiện đại sáng tác, đàn ông được khắc họa là những đối tượng của ham muốn. Đàn ông là những đối tượng để người ta nhìn vào và định giá. Bởi vậy, dưới ngòi bút của các nữ nhà văn, nam tính được gắn với cả một chuỗi đặc điểm như sự ngây thơ của tuổi trẻ, vẻ ngờ nghệch quyến rũ, tính dịu dàng và sự kì lạ - những đặc điểm mà trong truyền thống vẫn gắn với nữ tính, chứ không phải với văn - võ” (tr.99). Trong khi lần theo các đặc điểm văn và võ ở những nhân vật nam chính này, ông thấy ở họ thiếu vắng nỗi ám ảnh về việc kiểm soát - thứ vẫn thường biểu thị đặc điểm của cả văn lẫn võ, và liên hệ điều này với việc thiếu đầu tư vào văn và võ về phía phụ nữ - những người mà sự nữ tính được mặc định là nằm ngoài bộ đôi ấy.
Bên cạnh các tư liệu là văn bản văn học, Kam Louie cũng mở rộng đối tượng tìm hiểu ra cả những bộ phim võ thuật của Lý Tiểu Long, Thành Long và Châu Nhuận Phát. Ông nhấn mạnh rằng thế giới của văn và võ không chỉ được lai ghép bởi sự chiếm dụng các thành tố của nam tính phương Tây, mà còn đang trở thành bộ phận của những nền văn hóa ngoài Trung Quốc thông qua các bộ phim võ thuật và việc di cư. Nhờ vậy, tác giả tránh được sự khuôn sáo thông thường đầy vẻ bi quan về sự thống trị của phương Tây và nhận thấy nam tính Trung Quốc đã và đang đóng một vai trò năng sản trong việc hình thành những nền văn hóa toàn cầu mới.
Có thể thấy, trong 165 trang viết, tác giả đã hoàn thành mục tiêu của mình khi khái quát hóa được sự cấu thành nam tính Trung Quốc qua những đại diện tiêu biểu cũng như nhìn nhận sự biến chuyển trong quan niệm của người Trung Quốc về mẫu hình đàn ông đích thực qua các thời đại. Đồng thời, nhờ khả năng kiểm soát phạm vi tư liệu rộng lớn, ông cũng chú ý đúng mức đến sự chi phối, ảnh hưởng của giới tính, tầng lớp, biến động xã hội và việc những nhân tố khác, chẳng hạn như thể loại văn học, tới nhận thức và cách xây dựng các mẫu hình nam tử hán. Công trình của Kam Louie được ca ngợi bởi phạm vi rộng lớn, sự phong phú của tư liệu, phương pháp luận chắc chắn, lý lẽ hùng hồn và hiểu biết sâu rộng của tác giả. Bên cạnh đó, đặt trong bối cảnh những nghiên cứu về giới ở phương Tây thường gạt bỏ, hoặc nhìn nhận tương đối lệch lạc bản năng tình dục của đàn ông Trung Quốc, và mối quan tâm thường trực trong những công trình đã được xuất bản khá hạn chế lại chủ yếu dành cho dòng phụ như đồng tính luyến ái, trong khi việc xem xét bản năng tình dục của dòng chính hiếm khi vượt ra ngoài việc ứng dụng những mẫu hình phương Tây hay khuôn khổ âm - dương, thì cuốn sách này, như Hong Xiao[3] đánh giá, đã “mở ra cánh cửa dẫn đến một vùng đất mới cho việc nghiên cứu nam tính Trung Quốc”[4]. Đưa ra những nghiên cứu trường hợp thú vị về sự kiến tạo nam tính trong bối cảnh Trung Quốc, Kam Louie tránh được cái nhìn phiến diện, chủ quan mà những học giả phương Tây và cả Trung Quốc vẫn áp đặt lên đàn ông Trung Quốc khi vận dụng các khuôn mẫu nam tính phương Tây như thể chuẩn mực để đo lường. Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc quả thực là một cuốn sách “khiêu khích về mặt tư tưởng”[5] khi tác giả hé lộ nhiều thông tin khiến người đọc hiện đại phải ngạc nhiên, chẳng hạn như nam tính kiểu Giả Bảo Ngọc trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng từng được coi là mẫu hình đàn ông đích thực, dù đó là “một thiếu niên thanh nhã, quá đỗi đa cảm với khuôn mặt nhợt nhạt cùng bờ vai thẳng, người đổ bệnh bởi nỗi thất vọng mong manh nhất”[6]; hay nam tính của người có học thức được đề cao hơn sự dũng mãnh của kẻ võ biền, và chính văn nhân mới là người thu hút phụ nữ, chứ không phải là chiến binh quả cảm; hay qua rất nhiều ví dụ trong văn học, ông cho rằng sẽ là sai lầm nếu tưởng nam tính văn bất kể thế nào cũng ân cần chu đáo với phụ nữ…
Tuy nhiên, công trình tham vọng của Kam Louie cũng không tránh khỏi một số nhược điểm. Theo đánh giá của Hong Xiao, “nó chưa đưa ra một thảo luận độc lập thích đáng về những lời dạy về văn của Nho giáo. Mặc dù chương 3 là về chủ đề này, song nó khá đại lược và sơ sài. Là tiêu chuẩn cốt lõi trong truyền thống của nhà nho, văn là thứ thiết yếu để đạt đến tiêu chuẩn đạo đức lý tưởng là nhân, và không thể hiểu văn một cách thích đáng mà không tìm hiểu nó trong mối liên hệ với nhân. Hơn nữa, có thể nói rằng Louie đã diễn giải sai tiêu chuẩn Nho giáo về đức trung và bổn phận giữa những người đàn ông như anh em (tr.36). Tình anh em là sự qua lại, nhưng qua lại không phải là bình đẳng. Trong tiếng Trung, khái niệm “anh em” được biểu đạt bằng hai từ riêng biệt là huynh và đệ. Theo định nghĩa trong tiếng Trung, huynh biểu thị người đi trước và người dẫn dắt, còn đệ có nghĩa là người đi sau và người tòng phục. Quan hệ đạo đức giữa anh em là đễ - có nghĩa là đệ nghe theo huynh. Do đó, mối ràng buộc giữa anh em có thể mạnh mẽ, nhưng cũng là mối ràng buộc có thứ bậc. Điều này áp dụng với cả văn nhân và võ nhân”[7]. Bà cũng lưu ý: “Một số cách dịch thuật ngữ tiếng Trung của Louie đáng xem xét lại. Chẳng hạn, ông dịch ‘khắc kỷ phục lễ’ thành ‘self-control and returning to righteousness’ (tr.91). Là khái niệm then chốt trong triết học Nho giáo, ‘lễ’ trong ‘khắc kỷ phục lễ’ có thể dịch là ‘rite’, ‘ritual’ hay ‘propriety’. Đó đơn giản chỉ là một lỗi sai khi dịch nó thành ‘righteouness’”[8]. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu còn cho rằng: “Cách Louie diễn giải tình dục đồng giới trong thế giới của các chiến binh khá độc đáo và mang tính khiêu khích, nhưng cần thêm bằng chứng để biến nó thành một luận điểm thuyết phục. Còn như hiện nay, không có chứng cứ thực tế nào ngoài sự suy đoán cả”[9]. Một học giả khác, Yao Souchou[10], cũng nhận thấy “cả ở Trung Quốc xưa lẫn nay và cả trong những xã hội của Hoa kiều, phẩm tính đàn ông Trung Quốc có những dạng thức lạ lẫm và đa dạng hơn những gì cuốn sách này đề cập đến”[11]. Quả thực, như chính Kam Louie nhận định, chỉ có người sở hữu các thuộc tính văn và võ ở mức độ cao mới xứng đáng trở thành lãnh tụ, tuy nhiên, trong công trình của mình, tác giả mới chỉ giới thiệu những mẫu hình văn nhân và võ nhân, chứ chưa đi sâu tìm hiểu một vị lãnh đạo hội tụ cả văn lẫn võ cụ thể nào. Yao Souchou cho rằng: “Nếu Lý thuyết hoá nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốcđóng góp lớn cho chủ đề này, thì nó cũng là một lối đọc khiến người khác bực dọc vì sự nghèo nàn trong thực nghiệm và thiếu hụt thứ đã trở thành mặc định phải có với ngành Trung Quốc học, ấy là việc chú ý tới sự phong phú đa dạng về mặt lịch sử/triều đại và những khác biệt vùng miền”[12].
Dẫu có những thiếu sót đó, công trình của Kam Louie vẫn là cuốn sách cần thiết đối với bất cứ ai có hứng thú nghiêm túc về vấn đề giới tính ở Trung Quốc. Không chỉ vậy, như tác giả lưu ý, dù văn và võ là những phạm trù đóng vai trò hệ tọa độ của riêng nam tính Trung Quốc, song “những biến thể của mô hình văn - võ có thể được áp dụng cho các nền văn hóa khác, đặc biệt là các nền văn hoá Đông Á”[13], do đó, các phân tích của ông có thể cung cấp cho chúng ta những gợi ý quan trọng để tìm hiểu nam tính Việt Nam. Trên thực tế, đã có một số nhà nghiên cứu người Việt thử áp dụng bộ khung lý thuyết mà Kam Louie đề xuất, chẳng hạn như Trần Văn Toàn trong bài viết Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật (Trường hợp của Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh)[14]. Ông nhận thấy nhận định về ưu thế của văn so với võ của Kam Louie cũng đúng đối với xã hội Việt Nam thời trung đại: “Cho dù đã có những thời điểm bị khinh miệt bởi những kẻ võ biền thì trong toàn bộ lịch sử (với ảnh hưởng kéo dài của Nho giáo), văn nhân, kẻ sĩ vẫn luôn có một vị trí được trọng vọng đặc biệt (…) hơn thế, ‘năng văn’ thậm chí còn là tiêu chí để xác lập hình ảnh của một hoàng đế lí tưởng. Trong lịch sử Việt Nam, ông vua điển hình của chính thể Nho giáo là Lê Thánh Tông. Vị hoàng đế này như những sử liệu đã chứng thực là người kiêm gồm cả văn - võ nhưng rõ ràng khía cạnh văn vẫn đặc biệt được nhấn mạnh. Trở thành Nguyên súy của Hội Tao đàn ở Lê Thánh Tông không phải chỉ là biểu hiện của sự ham thích nghệ thuật thuần túy mà còn là một động thái chính trị. Sở hữu năng lực văn ở đây là biểu hiện cho nam tính lí tưởng, là tiêu chí quan trọng cho thấy sự chính đáng và hợp thức để ngồi ở ngôi vị hoàng đế. Đề cao ‘năng văn’ không chỉ thu hẹp trong phạm vi của tầng lớp đặc tuyển mà còn thâm nhập vào trong đời sống dân gian mà chứng tích còn lưu lại trong hình ảnh người đàn ông lí tưởng của những cô thôn nữ suốt bao đời”[15]. Đồng thời, Trần Văn Toàn cũng vận dụng quan điểm của Kam Louie về sự kiểm soát bản thân để giải cấu trúc nam tính của nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Ông cho rằng, nếu như sức mạnh hành động và vẻ đẹp vũ dũng ở Dũng là sản phẩm của hoàn cảnh mất nước đầu thế kỷ XX, thì việc nhân vật kiểm soát việc bộc lộ cảm xúc và tình yêu của bản thân mình lại là dấu ấn rất đậm từ quan niệm truyền thống về nam tính, và “vẻ đẹp hành động và khả năng kiểm soát cảm xúc đã kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn để tạo nên một cấu trúc nam tính mới vừa cổ điển vừa hiện đại. Chính điều này đã đem lại một vẻ đẹp rắn rỏi, có phần bí ẩn và đúng là rất lãng mạn của hình tượng người chinh phu trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn”[16]. Việc hướng tới sự kiềm chế và kiểm soát cảm xúc ở nhân vật cũng ảnh hưởng đến phương diện nghệ thuật của tác phẩm với những trường đoạn độc thoại nội tâm như những sự tự - biết, tự - lắng nghe, tự - phân tích chính mình của nhân vật, và theo nhà nghiên cứu, đặc điểm nghệ thuật này không đơn thuần là do chịu ảnh hưởng từ kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây, mà còn có căn nguyên từ quan niệm truyền thống về nam tính, như đã được Kam Louie hé lộ trong Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc.
Bài viết trên đây có thể coi là một thử nghiệm thành công khi áp dụng lý thuyết về nam tính của Kam Louie. Ngoài ra, các quan điểm của Kam Louie cũng có những ảnh hưởng nhất định đến các tác giả Trần Thị Thu Hiền[17], Phạm Thị Thu[18], Vũ Thị Thu Hường[19]. Dù kết quả đạt được ở mỗi công trình, bài viết là khác nhau, song chúng đều cho thấy tính khả dụng của bộ đôi văn - võ trong việc tìm hiểu các hình mẫu nam nhân ở văn học Việt Nam. Với bản thân người viết, cuốn sách này đã gợi lên một số suy tưởng về những hình tượng tưởng chừng như đã quen thuộc với người Việt, chẳng hạn như nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích. Ở Thạch Sanh có đầy đủ các đặc điểm của một anh hùng võ: sức mạnh thể chất, tài năng võ thuật, lòng dũng cảm hơn người, coi trọng tình anh em..., chừng ấy phẩm chất đã khiến chàng nổi bật hơn những nhân vật nam nhân yếu đuối khác trong kho tàng truyện cổ tích của người Việt (chẳng hạn, anh Khoai trong truyện Cây tre trăm đốt). Nhưng không dừng lại ở đó, các tác giả dân gian còn cấp thêm cho chàng những phẩm chất văn nhưsự đa mưu túc trí (khi lừa đại bàng uống thuốc mê, cứu được công chúa, khi đánh bại đội quân của các nước chư hầu) và tài năng nghệ thuật (chàng biết đánh đàn, dù trước đó, tác giả dân gian không hề nhắc đến việc chàng được ai dạy đàn mà chỉ kể có vị tiên xuống dạy chàng võ thuật và phép thuật). Khả năng kiểm soát bản thân trước những cám dỗ về mặt tình dục của phụ nữ cũng được tìm thấy ở nhân vật này, khi chàng vượt qua được cạm bẫy của một cô gái xinh đẹp vốn do Hồ Tinh biến thành. Hội tụ đủ cả văn và võ, Thạch Sanh đường đường chính chính trở thành người xứng đáng nhất để trị vì thiên hạ, và có được người con gái xinh đẹp nhất - công chúa Quỳnh Nga, chiến thắng các hoàng tử và công hầu của mười tám nước chư hầu đã từng cầu hôn công chúa không thành. Cách xây dựng nhân vật Thạch Sanh như trên cho thấy, trong quan niệm của người bình dân, mẫu hình nam tính lý tưởng nhất thiết phải có cả văn (học thức, văn hóa) và võ (sức mạnh, sự dũng mãnh...). Khi tích truyện dân gian này được văn bản hóa, dưới bàn tay của các tác giả bác học, những phẩm chất văn - võ trên của Thạch Sanh càng được tô đậm hơn. Qua các thời đại, ở mỗi thể loại (tác phẩm văn học, tranh dân gian, truyện tranh, hoạt hình...), hình tượng này cũng có những biến đổi nhất định, phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và quan niệm của công chúng về nam tính. Chẳng hạn, thay vì khắc họa một thanh niên cường tráng với gương mặt chất phác như tranh dân gian Đông Hồ, Thạch Sanh trong bộ truyện tranh Thạch Sanh của Nxb Giáo dục Việt Nam và Công ty Truyện tranh Art Sign (2012) lại là một thiếu niên có vẻ ngoài khá giống các nhân vật trong manga Nhật Bản (tóc dựng, khuôn mặt thanh tú, mắt to long lanh, sống mũi thẳng), điều đó phần nào phản ánh khuynh hướng yêu thích vẻ đẹp “mĩ nam” của các bạn trẻ hiện nay. Việc nghiên cứu nhân vật Thạch Sanh trong các văn bản văn hóa này chắc chắn hứa hẹn nhiều khám phá thú vị. Đương nhiên, khi áp dụng mô hình lý thuyết của Kam Louie vào trường hợp Thạch Sanh, cần xem xét cả mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khác như thể loại, type và motif truyện cổ tích... đến cách xây dựng nhân vật.Tương tự như thế, trong khi những luận điểm của Kam Louie về anh hùng, hảo hán, kẻ sĩ… Trung Quốc thời trung đại có thể thích hợp với những đối tượng đó ở văn học Việt Nam cùng thời kỳ, thì việc vận dụng có cân nhắc vẫn là điều cần thiết. Chẳng hạn, nếu hiểu anh hùng võ một cách cứng nhắc là người chỉ gắn bó với không gian chiến trận, sống chết vì lý tưởng và không mảy may có, hay kiểm soát được các xúc cảm bản năng của mình (trong đó có ham muốn tình dục) thì chúng ta sẽphải loại bỏ nhân vật Từ Hải khỏi danh sách này, bởi mối quan hệ nam - nữ giữa chàng và Thúy Kiều được Nguyễn Du mô tả rất tỉ mỉ. Trong khi đó, Từ Hải được tác giả gọi đích danh là “anh hùng”, và việc Từ Hải gắn bó với Thúy Kiều dường như không khiến chàng kém nam tính đi. Thái độ đối với phụ nữ của Từ Hải rất khác với Lục Vân Tiên, dù cả hai đều được xem là anh hùng. Như vậy, mẫu hình “anh hùng”, giống như các mẫu hình nam nhân lý tưởng khác, không phải là thứ “nhất thành bất biến”, mà có những khác biệt nhất định qua từng thời đại, ở từng tác giả…, do đó, cần được tìm hiểu kĩ lưỡng, thay vì áp dụng một cách máy móc mô hình lý thuyết mà Kam Louie đề xuất. Tuy nhiên, những điểm khả thủ và khả dụng của cuốn sách này cũng không vì thế mà mất đi giá trị.
[1] ThS., Viện Văn học.
[2] Di động xã hội (social mobility): Là một khái niệm xã hội học chỉ sự dịch chuyển của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác.
[3] PGS ngành Xã hội học, trường ĐH Central Washington.
[4] Hong Xiao, “Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China (review)”, China Review International, Vol.14, No.1, Spring 2007, tr.407.
[5] Hong Xiao, Bđd., tr.407.
[6] R.H. Van Gulik, Sexual Life in Ancient China, Leiden: E.J. Brill, 1974, tr.296 (Chuyển dẫn theo Kam Louie).
[7] Hong Xiao, Bđd., tr.409.
[8] Hong Xiao, Bđd., tr.410.
[9] Hong Xiao, Bđd., tr.410.
[10] Giảng viên ngành Nhân học ở trường ĐH Sydney – Australia.
[11] Yao Souchou: “Review of Kam Louie's Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China”, http://www.australianhumanitiesreview.org/archive/Issue-September-2002/souchou.html
[12] Yao Souchou, Bđd.
[13] Kam Louie, Sđd., tr. 4.
[14] Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8/2013, http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/LichSuVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=73
[15] Trần Văn Toàn, Bđd.
[16] Trần Văn Toàn, Bđd.
[17] Trần Thị Thu Hiền, 2013, Hình ảnh nam nhi trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ nhìn từ quan điểm giới, Luận văn thạc sĩ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[18] Phạm Thị Thu, 2014, Các nhân vật nam trong Lục Vân Tiên đọc theo lý thuyết giới, Luận văn thạc sĩ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[19] Vũ Thị Thu Hường, 2016, Nam tính bá quyền Đông Á và con đường khúc xạ qua văn học trung đại Việt Nam, Hội thảo Văn học Việt Nam: bản sắc và hội nhập, Viện Văn học.
tin tức liên quan
Videos
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529371
2114
2304
21644
216067
0
114529371