Người xứ Nghệ

Hoài Thanh - Tác giả “Thi nhân Việt Nam”

Mất ở tuổi 73, năm 1982, Hoài Thanh là nhà văn thuộc thế hệ có một sự nghiệp viết đi qua mốc lịch sử Tháng 8 - 1945. Hơn thế, trước 1945, ông còn thuộc số người ít ỏi có sứ mệnh khai mạc nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Trong ngót 15 năm làm công việc phê bình, và cả lý luận (mặc dầu ông không ưa hai chữ lý luận; mặc dầu cũng cứ phải tham gia vào một cuộc tranh luận), ngoài các bài đăng trên nhiều báo, Hoài Thanh đã cho in hai cuốn sách.

Hai cuốn sách, trong hơn 10 năm hoạt động, ở tuổi trong ngoài 30, kể cũng là đáng nói đối với hoạt động phê bình trong buổi đầu hình thành. Tức là ở vào thời kỳ phê bình dần dần tự khu biệt và tách biệt với hoạt động sáng tác để thành một bộ môn riêng, với đối tượng, chức năng và đặc trưng riêng của nó - hoạt động mà từ những năm 20 trở về trước còn chưa có tư cách độc lập, còn lẫn vào trong sáng tác, còn chưa có người chuyên trách, còn là ở chặng cuối cùng của tình trạng “Văn - Sử - Triết bất phân”. Hai cuốn sách - đối với nghiệp phê bình, đó là một kết quả rất đáng kể, nhưng đáng kể hơn là số phận của nó. Một là cuốn Văn chương và hành động in năm 1936, nghiêng về lý luận (cố nhiên theo kiểu Hoài Thanh) bị chính quyền thực dân tịch thu; và một là Thi nhân Việt Nam, in năm 1942, nghiêng về phê bình, rồi trở thành mối băn khoăn suốt đời của ông.

Thi nhân Việt Nam, từ thời Đổi mới đến nay đã được tái bản 34 lần (không kể những lần in chui); với bài Mở đầu Một thời đại trong thi ca; với 45 tác giả được chọn, cùng với những lời bình rất tài hoa chắc chắn là đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc; do vậy mà ở bài này tôi chỉ muốn trình bày một vài điều chung quanh, hoặc có liên quan mật thiết đến nó. Thuộc trong số những tiểu luận văn chương và phê bình văn chương Hoài Thanh viết đầu tiên đăng trên báo là bài Thơ mới (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 31; 29-12-1934). Vậy là mối quan tâm đến Thơ mới chính là sự khởi đầu cho sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh - mối quan tâm có lịch sử dài ngót 8 năm, tính từ tiểu luận Thơ mới đến Hợp tuyển Thi nhân Việt Nam - khoảng thời gian mà ông và Hoài Chân “đã đọc tất cả một vạn bài thơ, và trong số ấy có non một vạn bài dở”. ở bài viết vào cuối năm 1934 này, Hoài Thanh đã nói đến những khởi động quan trọng rồi sẽ phát triển thành một phong trào thơ, một cuộc cách mạng trong thơ, một thời đại của thi ca. Ông đã đứng trên lập trường ủng hộ nó, khẳng định nó và ca ngợi nó, dẫu Thơ mới lúc này còn đang trên đường hình thành giữa một biển thơ cũ, và cố nhiên số người phản đối nó gồm cả những nhà Cựu học có uy tín vẫn đang còn là một lực lượng áp đảo. Trong một buổi giao thời, giao tranh cũ mới, khi cái mới còn rất mong manh và lẻ loi, phải nói là Hoài Thanh đã làm được việc tiên đoán đầy tài năng và dũng cảm.

Một bài viết khác, tiếp ngay sau bài Thơ mới là bài Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 35; 26-1-1935). Trong sự nghiệp viết của Hoài Thanh, bài này theo tôi nghĩ có giá trị một tuyên ngôn. Một tuyên ngôn không chỉ phù hợp với sự nghiệp viết của ông trước 1945 mà cũng có sức chi phối rất cơ bản sự nghiệp viết của ông sau 1945. Một tuyên ngôn rồi ông cũng có lúc tự điều chỉnh cho rộng rãi hơn, và cho thích hợp hơn với những chuyển biến và đòi hỏi của thời cuộc; nhưng trong thực tiễn áp dụng vào nghề nghiệp lại thấy ông chẳng thay đổi bao nhiêu cái định hướng đã được khởi động và xác định từ đầu. Đó là, trong phê bình, gồm phê bình, ông chỉ bình chứ không phê. “Bình thì còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?”(1). Bình có nghĩa là khen. Và khen tức là sự đi tìm và xác định cái hay trong văn chương. Bởi nói như ông, thật là đúng, với văn chương, để được gọi là văn chương, cái hay mới là cái đáng giá, còn cái dở, cái nhảm thì “không tiêu biểu gì hết”(2). ở bài tiểu luận có ý nghĩa tuyên ngôn này Hoài Thanh đã nói cái điều rồi ông sẽ thực hiện và trung thành với nó trong suốt đời viết của mình.

Trước 1945, ở tư cách là người phát hiện và cổ vũ Thơ mới- lãng mạn, và về sau là tác giả Thi nhân Việt Nam, trong sự nghiệp viết của mình, Hoài Thanh còn để lại dấu ấn trong một cuộc tranh luận nổi tiếng mà theo tôi nghĩ, ông đã bị đẩy vào một phía, khiến ông rồi sẽ chịu “tai tiếng” trong một thời dài. Một cuộc tranh luận buộc ông phải thành nhà lý luận; hơn thế, là chủ tướng cho một chủ thuyết - chủ thuyết “Văn chương là văn chương”, nó là sự triển khai chính cái lý thuyết mà ông đã nêu trong bài viết đầu năm 1935. Cái lý thuyết được chia thành hai vế, một cho nghệ thuật và một cho phê bình. Để gộp lại cho gọn, đó là lý thuyết về cái Đẹp, mục tiêu của nghệ thuật và phê bình nghệ thuật là đi tìm cái Đẹp. Và cố nhiên, theo lôgích phân tích của phái vị nhân sinh đương thời - đó là cốt lõi của quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, đi ngược lại lợi ích của Bình dân, cùng là đi ngược với tiến hoá của lịch sử...

Thế nhưng trong suốt cuộc tranh luận, khi chủ trương: “Văn chương là văn chương”(3), Hoài Thanh chưa bao giờ tự xếp mình vào phe Nghệ thuật vị nghệ thuật mà phe vị nhân sinh đang muốn dồn ông vào; khiến ông đã có lúc như nổi nóng lên trong một bài Trả lời: Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: Một lời cu cáo đê hèn (Tràng An, số 80; 3-2-1935). Bởi theo ông, có sự khác nhau rất xa giữa một quan niệm về văn chương như là Văn chương là văn chương, với một chủ thuyết về nghệ thuật - đó là Nghệ thuật vị nghệ thuật (L’art pour l’art). Thuộc thế hệ tinh thông Tây học không thể nói là Hoài Thanh không hiểu Théophile de Gauthier - tác giả lớn trong văn học Pháp thế kỷ XIX, người chủ trương phân biệt văn chương thuần tuý và văn chương có ích (nói theo Tản Đà: “Có văn có ích, có văn chơi”); và cố nhiên cũng sẽ hiểu cái bối cảnh tư bản chủ nghĩa cho sự ra đời chủ thuyết của Gauthier là khác với sinh hoạt văn chương ở một xã hội thuộc địa còn rất nặng nợ với chế độ phong kiến. Một xã hội còn chưa thoát ra khỏi quan niệm văn thơ chở đạo và nói chí; cái xã hội cùng với nền văn chương của nó chỉ vừa mới được báo động cho sự mất giá trong những câu thơ vừa trang nghiêm vừa cười cợt của Tản Đà.

Hoài Thanh muốn văn chương là văn chương, trên cách hiểu như vậy cũng có thể là để cho văn chương dứt khoát bứt ra khỏi tính nguyên hợp của nó đã tồn tại quá lâu trong 10 thế kỷ văn học trung đại. Và đó chính là một bước ngoặt căn bản trước yêu cầu hiện đại hoá. Nhưng nếu điều này là một tiến bộ vượt bậc, thì ở một phía khác, cái quan niệm thiêng liêng hoá, thậm chí thần bí hoá các giá trị văn chương, gán cho văn chương một tác dụng hơn mọi tác dụng khác trong các hoạt động tinh thần của con người thì, xét trong từng hoàn cảnh cụ thể, vừa có chỗ là ổn, vừa có chỗ là không ổn: “Ta nên nhớ rằng, cầm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là vật quý đâu được nhiều thế!”(4). “Nếu ở đời này có một điều nghiêm trọng vì luôn luôn đi bên cạnh những sự huyền bí bao trùm người ta và vũ trụ, điều ấy là văn chương”(5).

Buộc phải là chủ tướng trong một cuộc tranh luận về nghệ thuật; sự đón nhận nồng nhiệt phong trào Thơ mới, và việc tổng kết một cách tuyệt vời về nó trong Thi nhân Việt Nam, cùng với một cuốn tiểu luận bị tịch thu... đó là những lý do làm nên sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh trước 1945; một sự nghiệp vừa khiến ông nổi tiếng, vừa dồn ông vào một tình thế va dập, rồi sẽ không thôi ám ảnh và đi cùng Hoài Thanh trong suốt đời viết của mình, cho đến 1982 - là năm ông qua đời. Nghiên cứu chặng đường sau 1945 của Hoài Thanh ta sẽ có dịp nhìn lại một hành trình có ý nghĩa tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam trong các bước ngoặt và các chuyển động lớn lao của lịch sử.

Điều bất ngờ, nhưng lại dễ dàng cắt nghĩa được, với Hoài Thanh, cũng như với cả một thế hệ các nghệ sĩ đi theo cách mạng sau 1945, đó là sự phủ định rất sớm, và gay gắt phong trào Thơ mới và Thi nhân Việt Nam - bắt đầu từ Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), qua các bài viết khá liên tục trong các năm 1960, 1964, 1977, cho đến 1982 - là năm Nxb. Văn học làm Tuyển tập Hoài Thanh. Trong bộ Tuyển được thực hiện gấp rút khi nằm trên giường bệnh, Hoài Thanh vẫn nhất quyết không cho đưa vào Tuyển bài Một thời đại trong thi ca; có nghĩa là không có sự góp mặt của Thi nhân Việt Nam.

Thế nhưng, một bất ngờ đã xẩy ra và cái gì đến phải đến. Đó là lời tâm sự của ông với người con trưởng Từ Sơn, trước khi qua đời: “Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”(6).

Rõ ràng đối với chúng ta, không phải tất cả văn chương của Hoài Thanh, cả trước và sau 1945, tất cả chỉ là “vầy vậy”; nhưng phải chờ đến chữ “vầy vậy” - cách nói kiểu Hoài Thanh, để khẳng định giá trị nổi trội của Thi nhân Việt Nam, mà tác giả của nó vốn là người đã khẳng định ý tưởng: “Văn chương là văn chương”, đã chủ trương nghệ thuật và phê bình nghệ thuật là đi tìm cái Đẹp. Người có lẽ đã bộc lộ mình rõ nhất trong Thi nhân Việt Nam cốt cách và phẩm chất của một nhà phê bình đích thực và sáng giá nhất (tính cho đến nay); chính phải có phẩm chất đó mới nhận thức và tổng kết được “một thời đại trong thi ca”.

Khẳng định lại giá trị Thi nhân Việt Nam, vào thời điểm 1982, nghĩa là còn hơn 4 năm nữa mới khởi động công cuộc Đổi mới. Và 10 năm sau, năm 1992, mới đến cuộc Hội thảo khoa học - nhân 50 năm Thi nhân Việt Nam. Cuộc hội thảo nhận lại giá trị một cuốn sách “chịu được thử thách của thời gian”, “một trong những cuốn sách có giá trị thế kỷ”, với tác giả của nó là nhà phê bình có uy tín nhất trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Vấn đề đặt ra ở đây là do đâu mà có sự chuyển đổi trong quan niệm, trong thái độ của Hoài Thanh đối với Thi nhân Việt Nam. Đi vào những giải trình về nó chắc chắn ta sẽ tìm thấy những nguyên cớ và động lực đưa tới công cuộc Đổi mới đất nước nói chung và đổi mới văn học nói riêng. Như vậy là ở đây, trong tư cách nhà phê bình, qua trải nghiệm của bản thân, Hoài Thanh cũng đã làm cái việc tiên đoán cho Đổi mới mà giới sáng tác cũng đã có một số người làm được vào đầu những năm 80. Điều khiến ta bâng khuâng là ông đã không sống thêm được đến ngày khai mạc công cuộc Đổi mới để nhận lại đứa con tinh thần được trở về vẹn nguyên trong tiếp nhận của nhiều thế hệ bạn đọc.

x

x    x

Nhìn lại chặng đường dài trong công việc phê bình mà Hoài Thanh vẫn thuỷ chung theo đuổi từ 1945 đến 1982, ta thấy hai cuốn sách quan trọng mở đầu là Quyền sống con người trong Truyện Kiều” (1949) và Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), và cuốn sách cuối cùng của ông là Phan Bội Châu (1978). ở giữa là ba tập Phê bình và tiểu luận gồm nhiều chục bài, chủ yếu viết về đời sống thơ đương đại... Chỉ riêng Thơ mới, và gắn với nó là Thi nhân Việt Nam là bị ông từ bỏ và “cắt đứt” hẳn để nhường chỗ cho việc triển khai khá rộng các mối quan tâm của ông đối với sự phát triển nhiều mặt của nền văn học mới sau 1945 và nền thơ cổ điển của dân tộc. Các mối quan tâm và định hướng viết như thế sau 1945, không phải là không đem đến cho ông không ít “chuyện phiền”; thậm chí, như ông tâm sự, còn “bị vu cáo”, “bị nói oan”, hoặc “ác”... chẳng hạn mấy câu thơ của X.S. Nhưng ông đã ráng chịu, để không quá bận tâm cho sự thanh minh hoặc giải phiền. Nghĩa là ông vẫn kiên trì những gì mình cho là đúng. Là giữ cho mình vẫn được là mình.

Vậy là cả trước và sau 1945, Hoài Thanh vẫn cứ là Hoài Thanh - người viết theo một quan niệm riêng, một chủ kiến riêng. Quan niệm thay đổi, đối tượng quan tâm cũng thay đổi. Tiếp nhận bài thơ của X.S ông chỉ “đau” vì câu thứ hai

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời

Nửa đời sau lại vị người ngồi trên.

Thi nhân còn một chút duyên

Lại vò cho nát lại lèn cho đau...

Thì đúng thế! Ông đã xua đuổi nó suốt từ 1951 đến 1982.

Theo tôi nghĩ, đây chính là một phương diện của nỗi đau, nếu không nói là bi kịch của nghề nghiệp, mà Hoài Thanh đã phải trải nghiệm và chịu đựng. Nói là nỗi đau và bi kịch vì ông không là người cơ hội. Nếu đã là cơ hội thì chẳng có chuyện đau. Không cơ hội có nghĩa là ông đã trung thực với chính mình, với mọi quan niệm và chủ kiến của mình. Một sự trung thực rất cần thiết cho mọi người viết chân chính; và, với sự trung thực đó mà có khi họ bỗng trở thành nạn nhân - nạn nhân của thời cuộc khách quan, hoặc nạn nhân của chính mình, cả hai, thì cũng vậy, sao tránh khỏi được. Đó là ý tưởng tôi đã có dịp trình bày trong Hội thảo khoa học năm 1992: “Có thể nói mà không phân vân: ông đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; và ông cũng đã chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và Thi nhân Việt Nam khi đã nhận ra một chân lý nào đó. Có điều chân lý ông tìm ra có khớp với chân lý khách quan của cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta, cũng như rộng ra khỏi chúng ta (...) Suốt 50 năm hoạt động của đời mình, đối với Hoài Thanh là cả một cuộc tìm kiếm - tìm cái Đẹp của văn chương và đến được với cái đẹp đó; đến được và truyền lại cho nhiều thế hệ bạn đọc những vẻ đẹp mà không dễ ai cũng tìm được và nói được như ông (...) Văn chương, đối với Hoài Thanh, bất luận nó là sáng tạo hay phẩm bình, đó không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Đã đến, là hao mòn về nó, khổ đau vì nó, và hết mình với nó”.

x

x    x

Hoài Thanh Toàn tập, gồm 4 tập, 4374 trang, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1999 cho thấy mối quan tâm chủ yếu của Hoài Thanh trong 50 năm viết của mình là thơ, gồm cả phê bình và tiểu luận về thơ (tôi dùng chữ tiểu luận, chứ không phải lý luận), mượn cách nói của ông đó là Chuyện thơ. Ngoài Thơ mới, đó là thơ cổ điển như Truyện Kiều, Hoa tiên, Chinh phụ ngâm; thơ quần chúng; thơ Hồ Chí Minh; thơ của nhiều tác giả, gồm từ Tố Hữu, Sóng Hồng đến Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Cảnh Trà, Lưu Quang Vũ... Tất cả đều được Hoài Thanh viết trong một thành tâm và thiết tha đem đến cho người đọc, nếu trước 1945 là cái hay, thì sau 1945 là những gì có ích, là có lợi cho cách mạng - theo quan niệm của ông.

Thế kỷ XX là thế kỷ gồm quá nhiều, hơn bất cứ thế kỷ nào trong lịch sử, những sự kiện, những biến cố, những đổi thay, những nhảy vọt, những bước ngoặt, những cách mạng... Chuyển sang thế kỷ XXI, chúng ta đã có một độ lùi cần thiết để có cái nhìn toàn cảnh cả thế kỷ, khi các tên tuổi lớn thời hiện đại đang lần lượt bước vào tuổi 100 năm - trước đây là Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Công Hoan, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Bây giờ là Hoài Thanh. Và sắp tới - kể từ năm sau, là Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Xuân Diệu... Một trăm năm “trong cõi người ta”. Một trăm năm trong quãng lùi lịch sử, đủ cho ta nhận rõ và định vị được giá trị của các bậc tiền bối, mà không còn bị chi phối bởi các sự kiện lớn hoặc nhỏ, cùng với các áp lực - có thể nói là ghê gớm của thời cuộc như Cách mạng, Chiến tranh, Cải cách, Sửa sai, Chỉnh huấn, Cải tạo, Chiến thắng, Đổi mới, Hội nhập... những khái niệm luôn ở trên cửa miệng mỗi người và mọi người, thường làm vênh lệch mọi loại kim địa bàn, hoặc che khuất các tầm nhìn. Bây giờ là thanh thoát cho một cái nhìn xuyên suốt, để cho mọi giá trị đúng- sai, lớn- bé, thật- giả đều được phơi bày. Để nói về Hoài Thanh, kể từ khi ông qua đời cho đến nay, và chắc chắn còn lâu về sau, tôi chỉ muốn chọn một “điểm nhấn” đó là: Tác giả Thi nhân Việt Nam - như tiêu đề của bài viết này. Và qua Thi nhân Việt Nam, cùng với số phận của nó, trong hành trình nghề nghiệp của Hoài Thanh, tôi muốn hiểu đó là một hành trình có ý nghĩa điển hình, với cả hai mặt vinh- nhục, được- mất của nó, cho số lớn những người trí thức chân chính Việt Nam thế kỷ XX./.

                                                                       
___________
(1), (2) Nhỏ to; Bạt Thi nhân Việt Nam.
(3) Được trình bày 2 lần trong 2 bài cùng có tên: Văn chương là văn chương, đăng trên Tràng An số 48 và 62; 1935.
(4) Tràng An, số 48; 1935.
(5) Sách Văn chương và hành động; 1936.
(6) Di bút và Di cảo; Nxb. Văn học; 1993; tr.200.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521163

Hôm nay

2240

Hôm qua

2291

Tuần này

22204

Tháng này

219102

Tháng qua

121009

Tất cả

114521163