Tin tức
Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.
Theo đó, Bộ đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý chia sẻ các nguồn sách (bao gồm sách điện tử) từ đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” và Tủ sách pháp luật theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ như: xây dựng mô hình kết hợp tủ sách pháp luật, tủ sách xã, phường, thị trấn với thư viện cấp xã, thư viện cơ sở; phối hợp với hệ thống thư viện công cộng chuẩn hóa công tác xử lý sách trước khi đưa vào phục vụ, chia sẻ nguồn sách điện tử của dự án góp phần phục vụ người dân truy cập, khai thác và sử dụng thông tin.
Bộ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát đánh giá các thiết chế đang quản lý có tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo như: trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã xây dựng cơ chế phối hợp, kết hợp với hệ thống thư viện công cộng để triển khai các hoạt động khuyến đọc phục vụ nhân dân.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đề nghị ban hành cơ chế, chính sách để các đơn vị phát huy hiệu quả việc sử dụng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công ích; tiếp tục khuyến khích phát triển thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng phục vụ người dân; đa dạng hóa mô hình phát triển thư viện và văn hóa đọc theo hướng lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, kết hợp và phát huy hiệu quả các thiết chế sẵn có phù hợp với thực tiễn; đầu tư trọng tâm cho thư viện công cộng cấp tỉnh để phát triển, duy trì bền vững hiệu quả hoạt động của mô hình thư viện lưu động, đặc biệt xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện tới cùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, những nơi chưa có thư viện công lập.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ an đang phối hợp cùng các ngành liên quan tiến hành rà soát tổ chức lại các nguồn lực thông tin cấp về địa phương để phát huy hiệu quả; phát triển mô hình phục vụ hoạt động thư viện, khuyến đọc theo hướng khai thác và sử dụng hiệu quả trụ sở, trang thiết bị, nguồn nhận lực hiện có, chấn chỉnh, kiện toàn các mô hình hoạt động chưa hiệu quả; phát huy, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương; hướng dẫn chuẩn hóa các hoạt động thư viện, thực hiện phương châm “Sách đi tìm người đọc” thông qua hoạt động luân chuyển sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại thư viện cơ sở; lồng ghép nội dung khuyến đọc trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao quần chúng và nói chuyện chuyên đề; mở rộng phạm vi, tăng số lượng, nâng cao chất lượng công tác phục vụ lưu động, phối hợp chặt chẽ với thư viện cơ sở trên địa bàn khi phục vụ lưu động, chú trọng tính đặc thù từng khu vực; hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, phát triển văn hóa đọc cho người tham gia vận hành, quản lý….
Mục tiêu mà Nghệ An hướng tới là đến năm 2025, Thư viện tỉnh và 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện trường Đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng.
Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10%/năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10%/năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt dộng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.
Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy manh học tập suốt đời.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng ở từng vùng, miền, địa phương. Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đổi mới và phát triển các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522502
234
2325
21276
220441
121009
114522502