Những góc nhìn Văn hoá
Dẫn nhập vào hiện tượng học của Husserl [kỳ 1]
DẪN NHẬP
TIẾP CẬN HUSSERL
Sự bối rối (perplexity) là kinh nghiệm thường thấy đối với những ai tìm hiểu về triết học của Edmund Husserl. Thật vậy, thậm chí ngay cả với những người đã nghiên cứu Husserl lâu năm vẫn còn khá chật vật để có được một cách hiểu hoàn toàn đầy đủ về tư tưởng của ông. Có rất nhiều lý do cho điều này. Lý do chính trong số chúng là sự rắc rối và tính phức tạp nơi tư tưởng của Husserl. Giống như tất cả các triết gia vĩ đại, điều khiến cho Husserl đáng đọc là ở sự phong phú của những ý tưởng độc đáo và sâu sắc mà ông đã tạo ra. Thế nhưng, những ý tưởng độc đáo vẫn thường là những ý tưởng xa lạ, và những ý tưởng xa lạ đôi khi lại rất khó để lĩnh hội, đặc biệt là khi chúng không được sắp xếp một cách ngăn nắp vào những khuôn khổ nhận thức đã được thiết lập trước đây của chúng ta. Do đó, mục đích chính của quyển sách này là để giúp đỡ người đọc Husserl nắm bắt được những ý tưởng chủ đạo trong triết học của ông thông qua một sự trình bày đầy kiên nhẫn.
Cảnh tượng thứ hai mà người học Husserl phải vượt qua là phong cách hành văn khá ngoằn nghèo và cầu kỳ của ông. Các triết gia Đức thường được biết đến vì sự biểu đạt dài dòng và khô khan của họ, do đó chúng ta cũng không loại trừ Husserl ra khỏi khuôn mẫu ấy. Tuy nhiên, cách ông sử dụng hệ thuật ngữ khó hiểu luôn được thúc đẩy bởi một ham muốn không hề nhỏ để có được sự sáng rõ và chính xác. Đồng thời, triết học “hiện tượng học” của Husserl luôn hướng đến việc khai mở và mô tả những khía cạnh kinh nghiệm thường bị chúng ta phớt lờ đi, và vì mục đích này, như đích thân ông đã ghi chú, rằng chúng ta không phải luôn luôn sở hữu được những từ ngữ thỏa đáng để mô tả những kinh nghiệm như thế. Trong những trường hợp ấy, ngôn ngữ hoặc phải được làm mới hoặc phải được tái thẩm định một cách cẩn thận cho nhiệm vụ mô tả đó; và điều này giải thích cho sự xuất hiện của một số những thuật ngữ khá là nản chí đối với người đọc trong các bài viết của ông (ví dụ, “sự hiện hoạt” [presentification], “quy giản siêu nghiệm” [transcendental reduction], “ý hướng tính theo chiều ngang” [transverse intentionality]). Thật không dễ để dịch triết học của Husserl theo một lối hành văn sống động hơn, thế nhưng, ở tác phẩm này tôi muốn ít ra có thể hướng đến việc làm cho một số những thuật ngữ chủ đạo của ông trở nên dễ hiểu hơn.
Nỗi khó khăn thứ ba bắt nguồn từ sự thay đổi dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Husserl. Ông liên tục xem xét lại, sửa chữa và mở rộng những phân tích lẫn những luận điểm của mình. Quả thật, đã có rất nhiều lần, mỗi một tác phẩm chính đã ấn hành của ông được ông thỉnh thoảng tìm thấy lý do để phê phán chúng và bắt đầu xem xét lại một số những vấn đề trong số đó theo cách khác. Tính trung thực trong tư duy và sự tự định giá không mệt mỏi hẳn là hai trong số những điểm nổi tiếng và đáng khâm phục nhất của Husserl. Tuy nhiên, sự bất lợi đối với những ấn bẩn luôn luôn in lại như thế khiến cho người đọc rất khó để tìm thấy đường hướng đáng tin cậy trong thế giới tư tưởng luôn luôn thay đổi của Husserl. Chắc hẳn, người ta đã chọn cách “phân thành giai đoạn” (periodize) các tác phẩm của Husserl, và tôi cũng đã làm như thế ở quyển sách này.
Trước khi tiến hành đem lại một cái nhìn tổng quan về những nội dung của quyển sách, sẽ là hữu ích để cung cấp một chân dung sơ lược về cuộc đời và tác phẩm của Husserl.
Tên tuổi của Edmund Husserl đồng nghĩa với “hiện tượng học”, một hướng tiếp cận triết học đặc biệt đã có ảnh hưởng to lớn lên thế giới triết học trong suốt thế kỷ XX. Husserl sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Prossnitz, Moravia (ngày nay là Cộng hòa Czech) vào ngày 08/04/1959. Thời đại học, lúc đầu ông học toán ở Đại học Leipzig và sau đó là Đại học Berlin. Ở Berlin, ông thụ giáo với Leopold Kronecker và Carl Weierstrass, hai nhà toán học hàng đầu thế giới vào thời điểm ấy. Sau khi nhận học vị tiến sĩ ở Vienna vào năm 1883, Husserl trở thành trợ giảng nghiên cứu cho Weierstrass. Tuy nhiên, sự nghiệp tập sự của ông với tư cách như là một nhà toán học bị gián đoạn bởi giai đoạn tại ngũ. Trong suốt khoảng thời gian này, Husserl dần dần tập trung vào tôn giáo và các vấn đề triết học. Vào năm 1884, ông đã chuyển sang nghiên cứu triết học.
Vào thời gian này, Husserl học với Franz Brentano, những bài giảng và những bài viết của Brentano đã có một ảnh hưởng sâu sắc lên sự phát triển triết học của ông. Đưa ra quyết định để đến với nghiên cứu triết học coi như là lĩnh vực nghiên cứu trong suốt cuộc đời của mình, Husserl đã chuyển đến Halle theo lời khuyên của Brentano vào năm 1886 để làm việc với Carl Stumpf, một học trò trước đây của Brentano và là nhân vật tiêu biểu của “tâm lý học mô tả” [descriptive psychology]. Husserl lập gia đình vào năm 1887, và có 3 người con, một trong số đó đã hy sinh trong Thế Chiến II. Ông nhận bằng sau tiến sĩ (Habilitation) vào năm 1887, và đã dạy ở Halle mãi đến năm 1901. Ông đã bỏ ra 15 năm tiếp theo ở Göttingen, lúc đầu như là phó giáo sư (Extraordinarius) và sau đó như là giáo sư toàn phần (Ordinarius) từ năm 1916.
Vào năm 1916, Husserl kế nhiệm Heinrich Rickert ghế trưởng khoa triết ở Đại học Freiburg. Ở đó, ông gặp và làm việc với người học trò nổi tiếng nhất của mình, Martin Heidegger. Hai người đã không làm việc sâu sát cùng nhau trong suốt những năm họ ở Freiburg. Tuy nhiên, Husserl đã ra tuyên bố với Heidegger rằng “bạn và tôi là hiện tượng học.”([1]) Thế nhưng, lúc Husserl nghỉ hưu vào năm 1928, và sau khi ông đã bảo đảm cho sự kế nhiệm của Heidegger đối với ghế trưởng khoa triết ở Freiburg, cả hai đều nhận thấy có một sự rạn vỡ. Husserl đã bắt đầu nhận ra những sự khác biệt triết học sâu sắc và những sự căng thẳng đang nén lại trong mối quan hệ cá nhân dần đi vào khủng hoảng giữa hai người. Mọi chuyện trở nên không thể hòa giải được nữa khi Heidegger trở thành một thành viên và phát ngôn viên của Đảng Nazi với tư cách là Giám đốc của Đại học Freiburg vào năm 1933. Vào lúc đó, Husserl bị tước quyền ủy viên đại học vì dòng máu Do Thái của ông (mặc dù trước đây, ông đã cải sang cái mà ông mô tả nó như là “đạo Tin Lành không có giáo điều”). Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn bị khai trừ ra khỏi đời sống trí thức ở Đức, Husserl vẫn được mời giảng từ nước ngoài, đặc biệt là ở Vienna và Prague. Ông mất vào ngày 27/04/1938.
Luận án sau tiến sĩ của Husserl “Bàn về khái niệm số: những phân tích tâm lý học” (On the Concept of Number: Psychological Analyses) đã hình thành nên cơ sở cho ấn bản chủ đạo đầu tiên của ông, Triết học của số học (Philosophy of Arithmetic, 1891). Tuy nhiên, tác phẩm đột phá của ông đã xuất hiện trong những năm 1900-1901 với hai tập dưới nhan đề Các nghiên cứu lô-gic học (Logical Investigations). Dựa trên độ nặng ký của tác phẩm này, ông đã bắt đầu lôi kéo được một số lượng lớn các nhà triết học theo ông. Họ được biết đến như là “Trường phái hiện tượng học Göttingen” gồm Roman Ingarden và Alexandre Koyre. Husserl đã thành lập Niên giám triết học và nghiên cứu hiện tượng học (Yearbook for Philosophy and Phenomenological Research) vào năm 1913 với sự cộng tác của Adolf Reinach, các nhà triết học ở Munich, Moritz Geiger và Alexander Pfander, cùng Max Scheler ở Đại học Berlin. Dưới sự bảo trợ của Niên giám, Husserl đã ấn hành Các ý niệm hướng định cho một môn hiện tượng học thuần túy và triết học hiện tượng học (Ideas Pertaining to a Pure Phenomenology and a Phenomenological Philosophy) từ đó thiết lập nên quan niệm hiện tượng học “siêu nghiệm” mới mẻ của ông. Hai tập khác của dự án này đã được công bố là sẽ ấn hành nhưng chưa bao giờ xuất hiện. Chúng đã được tập hợp lại và ấn hành từ những ghi chép của Husserl (thường được biết đến như là “Các ý niệm II” và “Các ý niệm III”).
Chỉ một số lượng nhỏ các tác phẩm khác xuất hiện trong suốt cuộc đời của Husserl: Hiện tượng học về ý thức thời gian nội tại (The Phenomenology of Internal Time-Consciousnes) (do Edith Stein và Heidegger biên tập vào năm 1928); Lô-gic học hình thức và lô-gic học siêu nghiệm (Formal and Transcendental Logic, 1929); Những suy niệm kiểu Descartes (Cartesian Meditations, 1931); và Cuộc khủng hoảng của các khoa học ở châu Âu (The Crisis of European Sciences, 1936). (Nhờ vào công biên tập của Ludwig Landgrebe, Kinh nghiệm và phán đoán (Experience and Judgement) cũng đã xuất hiện không lâu sau khi Husserl qua đời vào năm 1938). Tuy nhiên, Husserl đã giảng dạy liên tục và đã luôn không ngừng có những nghiên cứu hiện tượng học trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. Vì vậy cho nên, ông đã để lại rất nhiều những tập bản thảo, ước tính khoảng 40.000 trang (phần lớn được viết dưới dạng tốc ký). Sau khi ông qua đời, di cảo trước tác đồ sộ của Husserl được một cha dòng Francisco tên là Hermann Leo van Breda mang khỏi Đức đến tu viện ở Bỉ, một thư khố Husserl từ đó đã được thành lập ở Viện triết học Louvain. Ngày nay, thư khố ấy vẫn là trung tâm hoạt động của các học giả nghiên cứu về Husserl đồng thời chịu trách nhiệm (cùng với Thư khố Husserl ở Đại học Cologne) trong việc tiếp tục ấn hành những tác phẩm của Husserl đã được thẩm định nằm trong loạt Toàn tập Husserl (Husserliana).([2]) Phần lớn các bản thảo của Husserl có lẽ sẽ chẳng bao giờ được biết đến nữa, nhưng việc tuyển chọn từ các bản thảo thuộc di cảo của Husserl đã và sẽ tiếp tục được ấn hành trong loạt sách Husserliana này.
Với khuôn khổ của quyển sách này, rất khó để có thể đề ra toàn bộ tư tưởng đã được phát triển bởi Husserl trong sự nghiệp lâu dài và đầy phức tạp của ông. Vì thế tôi đã phải đưa ra những sự lựa chọn. Nói ngắn gọn, tôi đã chọn việc tập trung vào những ý tưởng mà theo đó triết học Husserl được biết đến rộng rãi nhất. Điều này chắc chắn có nghĩa rằng, theo đó việc lựa chọn tài liệu sẽ hướng đến các tác phẩm kinh điển của Husserl và không đề cập đến những bản thảo lẫn những bài giảng rất hấp dẫn vừa mới được ấn hành trong khoảng thời gian gần đây từ các kho lưu trữ (tuy khá nhiều trong số chúng đã được dịch sang tiếng Anh). Một phần của chiến thuật này là để các văn bản được trích dẫn trong quyển sách sẽ dễ dàng tìm kiếm từ phía người đọc; và, về mặt triết học, từ những tranh luận đích thực này người đọc sẽ đồng thời có thể thu lượm được một cách hiểu đàng hoàng về cái mà tên tuổi “Husserl” đã trình bày trong thế giới triết học lục địa thế kỷ XX. Một phần khác mà quyển sách có đề cập đến là những mối bận tâm và tranh luận đang diễn ra giữa các nhà nghiên cứu Husserl hiện nay, chúng chỉ được nhắc đến với phần trọng tâm nhất, còn lại được bỏ qua và không có lời bình luận nào.
Những chương ở trong phần I trình bày các cách trả lời khác nhau về câu hỏi “hiện tượng học là gì?”. Tuy nhiên, bởi vì hiện tượng học, theo Husserl, trên hết là một phương pháp triển khai triết học, do đó, hầu hết những chương mở đầu này đều có hương vị mang tính phương pháp luận. Những chương ở phần 2 sẽ tiến hành nghiên cứu về những chủ đề chính được thảo luận trong những ấn bản chủ đạo của Husserl và nhìn chung chúng được triển khai theo niên biểu sự nghiệp của ông. Từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc quyển sách, chương sau được xây dựng nên dựa trên chương trước đó và cùng hướng đến một mục tiêu chung nhằm để góp phần vào bức chân dung toàn thể của hiện tượng học Husserl. Tuy nhiên, tôi đã chọn tập trung phần thảo luận ở mỗi chương vào một tác phẩm chọn lọc; và điều này có nghĩa rằng mỗi chương cũng có thể được đọc riêng lẻ như một lời bình luận nho nhỏ cho mỗi văn bản có liên quan như thế. Ý tưởng đằng sau thủ thuật này là để hình thành nên một quyển sách có chức năng không chỉ như là một dẫn nhập tổng quan vào triết học Husserl và mà còn như là một tập hợp những bình luận hữu ích đối với bất kỳ những ai đang đặc biệt quan tâm đến những bản văn riêng lẻ nào đó của ông.
Để rõ ràng cho người đọc chuẩn bị những văn bản hình thành nên phần trọng tâm của mỗi chương, vì để dễ quy chiếu, tôi sẽ liệt kê chúng ra ở đây.
Phần 1: Ý niệm hiện tượng học: tâm lý học, lô-gic học và triết học siêu nghiệm
Chương 1: “Sơ luận” (Prolegomena) của Các nghiên cứu lôgic học
Chương 2: Phần 1 của Các ý niệm I (§§1-26)
Chương 3: “Kant và quan niệm triết học siêu nghiệm”
Chương 4: Phần 2 của Các ý niệm I (§§27-62)
Phần 2: Những chủ đề hiện tượng học
Chương 5: Phần 3, Chương 3 của Các ý niệm I (§§87-96)
Chương 6: Nghiên cứu VI của Các nghiên cứu logic học, đặc biệt các tiết §§1-12 và §§36-39
Chương 7: Nghiên cứu VI của Các nghiên cứu logic học, đặc biệt các tiết §§40-66
Chương 8: Hiện tượng học về ý thức thời gian nội tại
Chương 9: Các ý niệm II
Chương 10: Suy niệm thứ năm trong Những suy niệm kiểu Descartes (§§42-62)
Chương 11: Cuộc khủng hoảng của các khoa học ở châu Âu và hiện tượng học siêu nghiệm
PHẦN 1: Ý NIỆM HIỆN TƯỢNG HỌC
TÂM LÝ HỌC, LÔ-GIC HỌC VÀ TRIẾT HỌC SIÊU NGHIỆM
CHƯƠNG 1: PHÊ PHÁN THUYẾT DUY TÂM LÝ HỌC
Husserl đã coi mình như là một triết gia nhờ vào phê phán của ông về “thuyết duy tâm lý học” (psychologism). Phê phán ấy đã được ấn hành như là tập một của bộ công trình gồm 2 tập Các nghiên cứu lôgic học vào năm 1900, có tên “Sơ luận cho một môn lô-gic học thuần túy” (Prolegomena to Pure Logic). Phê phán này đã hướng đến việc thiết lập nên cơ sở cho những nghiên cứu trọng yếu của ông về lôgic học và nhận thức luận. Tuy nhiên, độ hấp dẫn ở trong tập Sơ luận này đã nhanh chóng bị bỏ qua, phần đông các nhà nghiên cứu đều quan tâm đến Các nghiên cứu lôgic học [tức tập 2 của bộ công trình] hơn, vì phần Sơ luận, theo họ chỉ chứa đựng một ít giá trị và có lẽ thậm chí đã rơi trở lại trong những nanh vuốt của thuyết duy tâm lý học([3]). Dẫu sao, tập Sơ luận đã được đọc và được ngợi khen rộng rãi, nó là một phê phán về thuyết duy tâm lý học, đây được coi như là chủ đề của chương này. Những chi tiết trong phê phán của Husserl về thuyết duy tâm lý học khá mang tính chuyên môn, nhưng việc nghiên cứu nó tuy thế sẽ cực kỳ hữu ích nếu chúng ta cố gắng hiểu thấu được ba sự phân biệt chủ đạo làm nền cho toàn bộ quan niệm của Husserl về hiện tượng học: thuần túy/thường nghiệm (pure/empirical), lô-gic/tâm lý (logical/psychological) và ý thể/hiện thực (ideal/real). Tôi sẽ nỗ lực làm nổi bật ba sự phân biệt này theo trình tự của chương.
Thuyết duy tâm lý học và những người phê bình nó
“Thuyết duy tâm lý học” (psychologism) là một mô tả theo nghĩa xấu về quan niệm cho rằng tâm lý học có thể giải thích các quy luật của lô-gic học. Quan niệm này xuất hiện trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của thuyết duy tự nhiên và thuyết duy nghiệm trong triết học suốt diễn trình của thế kỷ XIX. Theo thế giới quan của thuyết duy tự nhiên (naturalism), không thể có các đối tượng không mang tính vật lý (non-physical objects) và vì thế khi tiến hành nghiên cứu về các hiện tượng không mang tính vật lý theo vẻ bề ngoài như con số và ý nghĩ, thì những hiện tượng này chỉ có thể được hiểu như là những đặc tính, những thuộc tính hay những hệ quả của một số các đối tượng vật lý nào đó mà thôi. Và một đối tượng vật lý nào khác có thể từng bước lấp đầy vai trò này ngoại trừ tâm trí của con người? Theo cách lập luận ấy, nói ngắn gọn, nghiên cứu về khái niệm và suy luận, tức nghiên cứu theo hướng lô-gic học, đã được nhìn nhận như là một phạm vi của nghiên cứu theo hướng tâm lý học. Nghiên cứu về lô-gic học, như được nhận định từ quan điểm này, nghĩa là ngành nghiên cứu về các hoạt động tâm lý như phán đoán, nhận biết, suy luận, v.v... Do đó, “thuyết duy tâm lý học” muốn khẳng định rằng những ý nghĩ và những quy luật chi phối những ý nghĩ ấy có thể được hiểu như sau, riêng đối với các ý nghĩ sẽ được giảm trừ thành các hoạt động tâm lý và riêng đối với quy luật chi phối chúng sẽ được giảm trừ thành sự lập luật (lawfulness) cho các hoạt động đó.
Theo Husserl, lập trường duy tâm lý học có hai yếu tố cấu thành chính. Một mặt, nó quan niệm rằng, các đối tượng lô-gic (như chân lý, mệnh đề, ý nghĩa, quan hệ, v.v) có thể giảm trừ thành các trạng thái tâm lý. Mặt khác, nó cũng quan niệm rằng các quy luật lô-gic học là những điển mẫu (norms) chi phối sự vận hành của các hoạt động tâm lý trong quá trình suy luận mà theo sau các hoạt động như thế là những kết luận có cơ sở. Nói ngắn gọn, thuyết duy tâm lý học khẳng định rằng, nếu người ta muốn nghiên cứu về những nền tảng của toán học hay của lô-gic học, người ta phải nghiên cứu về các quá trình kinh nghiệm diễn ra bên trong tâm trí hoặc trong tâm lý. Theo quan niệm này, tâm lý học là “khoa học mà từ đó lôgic học nói chung, và lô-gic học của các khoa học diễn dịch nói riêng, hy vọng có được một sự giải minh theo hướng triết học.” (Các nghiên cứu lôgic học I, 42). Do đó, có vẻ như toàn bộ các ngành được gọi là “các khoa học thuần túy” (pure sciences), không chỉ bao gồm toán học, hình học và lô-gic học mà còn cả chính bản thân triết học, các ngành khoa học này đều tìm thấy nền tảng và sự biện minh sau cùng của chúng nơi tâm lý học. Vị trí của triết học như là nữ hoàng của các khoa học bị soán ngôi bởi tâm lý học.
Dưới sự ảnh hưởng Một hệ thống lô-gic học (A System of Logic, 1843) của John Stuart Mill, và tiếp nối sự gãy đổ của truyền thống duy tâm, các nhà lô-gic học Đức vào nửa sau thế kỷ XIX càng ngày càng hướng đến quan niệm “duy tâm lý học” như thế về lô-gic học. Và, đến cuối thế kỷ XIX, theo ước tính của Husserl, thuyết duy tâm lý học đã trở thành lý thuyết thống trị lô-gic học. Dẫn đầu trào lưu này là Theodor Lipps, Benno Erdmann, Wilhelm Wundt và Christoff Sigwart.
Tuy nhiên, Husserl không chỉ là triết gia duy nhất mà ngoài ông ra còn có các nhà triết học khác cũng nhìn thấy được sự gãy đổ của lô-gic học thành tâm lý học như là một bước chuyển đầy bất hạnh. Ví dụ, Bernard Bolzano đã nhấn mạnh đến “tính không thực” (non-actuality) của các con số trong Lý thuyết khoa học (Theory of Science, 1837) của ông. Tương tự, Lôgic học (Logic) của Hermann Lotze đã trình bày một lối giải thích không vin vào thuyết duy tâm lý học về các đối tượng lô-gic và những quy luật chi phối chúng. Và Gottlob Frege, một học trò của Lotze, cũng đã ấn hành một số tác phẩm tranh luận chống lại thuyết duy tâm lý học.([4]) Thật vậy, Frege đã ấn hành một bài điểm sách vào năm 1894 về tác phẩm đầu tay của Husserl, Triết học của số học (1891). Ở bài điểm sách này ông đã phê phán những khuynh hướng duy tâm lý học của Husserl và qua sự tương tác ấy đã dẫn Husserl đến việc xem xét lại lập trường của mình.([5]) Cùng với Bolzano, Lotze và Frege, còn có trường phái tân-Kant (neo-Kantianism), họ cũng đã phát triển nên một lập trường phản đối thuyết duy tâm lý học một cách mạnh mẽ. Hermann Cohen và Paul Nartorp nhóm Marburg, cũng như Heinrich Rickert và Wilhelm Windelband nhóm Heidelberg của trường phái tân-Kant, họ đã viết các tác phẩm bàn về lô-gic học trong nỗ lực khẳng định và biện minh cho sự độc lập của lô-gic học đối với tâm lý học.
Trong lời tựa của Các nghiên cứu lôgic học, Husserl thú nhận rằng bản thân ông đã ủng hộ lập trường duy tâm lý học trong tác phẩm đầu tay của mình, Triết học của số học. Tuy nhiên, sau đó, dưới ảnh hưởng của Bolzano, Lotze, Frege và những nhà tân-Kant, Husserl đã dần nhận ra rằng ông đã sai, và trong Các nghiên cứu lôgic học,ông hoàn toàn bác bỏ khuynh hướng duy tâm lý học trước đây này của mình. Phê phán của ông về thuyết duy tâm lý học rất cẩn thận và đầy sắc sảo đã khiến ông nhanh chóng trở thành một nhân vật hàng đầu trong số những nhà lôgic học chống lại thuyết duy tâm lý học vào giai đoạn đó.
Những lập luận của Husserl chống lại thuyết duy tâm lý học
Trong “Sơ luận cho một môn lôgic học thuần túy”, Husserl cho rằng lập trường của thuyết duy tâm lý học về cơ bản hiểu sai bản chất của lôgic học và mang lại những hậu quả thê thảm. Nó phá hoại ý niệm về một lý thuyết mang tính khoa học và xa rời không chỉ các khoa học thuần túy mà còn cả các khoa học thực nghiệm khác. Nhưng tại sao, theo cái nhìn của Husserl, những hậu quả thê thảm như thế lại xuất phát từ một lập trường duy tâm lý học? Nói một cách ngắn gọn, tự bản thân thuyết duy tâm lý học đánh mất đi khả năng giải thích tính hợp lệ (validity) của các quy luật lôgic học và vị thế “tiên nghiệm” của các quy luật ấy. Do đó, nó cũng đánh mất đi khả năng giải thích sự thống nhất lôgic (logical unity) thuộc về bất kỳ một nhóm tri thức nào đó. Phân tích của Husserl về những sai lầm này có thể được quy đổi thành 3 phê phán như sau: (1) thuyết duy tâm lý học đem nhập sự lập luật tâm lý học (psychological lawfulness) và sự lập luật lôgic học (logical lawfulness) lại với nhau; (2) thuyết duy tâm lý học đem nhập đối tượng lôgic (logical object) với hoạt động thực hành lôgic (logical act) lại với nhau; (3) thuyết duy tâm lý học không nhận ra các đối tượng lôgic khác biệt với các đối tượng có thực (real object).
(1) Theo quan niệm của thuyết duy tâm lý học (hay ít ra là trong những hình thức còn chưa chín muồi của nó), bởi vì suy luận lôgic là cái xảy ratrong tâm trí của nhà lôgic học, cho nên sự kế thừa dữ kiện trong quá trình suy luận được hiểu dựa trên những quy luật chi phối các sự kiện tâm lý. Ở trường hợp này, những quy luật này là những quy luật chi phối các phán đoán của sự kế thừa dữ kiện. Nói rộng ra, toàn bộ các quy luật chi phối hình thức và sự kết nối theo thứ tự của những sự khẳng định trong bất kỳ một lý thuyết khoa học mạch lạc nào đó đều được giải thích dựa vào các thuật ngữ tâm lý học, nghĩa là, được hiểu theo cách mà người ta thực sự nghĩ đến. Vì thế, để giải thích các quy luật của suy luận (tức là của lôgic học) đồng nghĩa với việc giải thích về sự lập luật của những quá trình tư duy theo hướng tâm-lý-lô-gic (psycho-logical). Theo nghĩa này, lôgic học là một ngành nghiên cứu về “các quy luật của tư duy”.
Tuy nhiên, theo lập luận của Husserl ở chương 4 của “Sơ luận”, có một sự phân biệt cơ bản mà hướng tiếp cận này không lưu ý đến. Đó là nó đem nhập sự lập luật lôgic học với sự lập luật (thường nghiệm) tâm lý học lại với nhau. Đối lập lại với những khẳng định của thuyết duy tâm lý học, giá trị của mệnh đề “A không là không A” có một tính chất phổ quát (universal) và mang tính điển mẫu (normative) khiến nó không thể được suy diễn hay căn cứ vào thực tế. Mỗi khi người ta nghĩ về “A”, người ta đều có thể suy diễn từ nó ra thành “không là không A”. Việc khái quát hóa từ những sự kiện tâm lý của việc suy luận như đã nói ở trên đem lại một sự mô tả thường nghiệm về các hoạt động tinh thần. Thế nhưng, sự khái quát hóa này không đem lại một quy luật cấm mâu thuẫn (non-contradiction) có tính “hình thức” hay có tính “thuần túy” nào cả. Bắt đầu với những sự kiện, người ta chẳng bao giờ đi đến bất kỳ điều gì khác hơn là các quy luật thường nghiệm (Các nghiên cứu lôgic học I, 98 và tiếp). Hơn nữa, các quy luật lôgic học không thể được suy luận từ các vấn đề thực tế. Điều đó cũng đúng đối với các quy luật toán học và các quy luật hình học. Những sự chính xác của các khoa học như thế là mang tính “thuần túy”. Tức là, chúng không tiền giả định một sự thể có thực nào cả và luôn luôn đúng, ngoại trừ trường hợp của cái được trưng ra về mặt thường nghiệm. Ví dụ, khi ta suy nghĩ về định lý Pythagore. Ở đây, định lý này đúng và vẫn có thể được coi là đúng mà không cần đến việc phải có một hình tam giác vuông nào hiện hữu ở trong thực tế cả. Sở dĩ định lý này được áp dụng vào các thực tại thường nghiệm, là vì nó liên quan đến ý niệm “tam giác vuông” được áp dụng đối với toàn bộ các tam giác vuông có thực, chứ không phải vì nó là một quy luật thường nghiệm. Những sự chính xác thuần túy như thế thể hiện được sự xác thực (exactness) và sự chắc chắn (certainty) mà những sự chính xác thường nghiệm (empirical truths) chỉ có thể mãi mãi tiệm cận mà thôi. Sự chính xác của các quy luật thuần túy mang tính hiển nhiên (apodictic) (nghĩa là không thể hoài nghi (indubitable)) chứ không phải mang tính khẳng định (assertoric) (nghĩa là có thể bác bỏ (defeasible)). Những chân lý thuần túy xuất phát từ chính bản thân sự suy luận, trong khi đó các quy luật thường nghiệm có được từ việc khái quát hóa các vấn đề thực tế.
Do đó, nói ngắn gọn, lập luận của Husserl có nghĩa rằng những quy luật của lôgic học và những quy luật (tâm lý học) liên quan đến các hoạt động tư duy là những ví dụ tương ứng với hai loại quy luật khác biệt vừa nói ở trên: quy luật lôgic học là mang tính “thuần túy” còn quy luật tâm lý học là mang tính “thường nghiệm”. Qua việc loại bỏ những cơ sở không mang tính tâm lý, những cơ sở có tính thuần túy dành cho tính hợp lệ của các quy luật lôgic, để rồi sau đó tìm cách gia cố chúng trong những sự kiện thường nghiệm, thuyết duy tâm lý học đã đặt lôgic vào thế đứng “thường nghiệm” chứ không phải là vào thế đứng “thuần túy”. Cho nên, khi làm như vậy, nó đã đánh mất đi tính chính xác hiển nhiên của lôgic.
Ngay đây, theo Husserl, có một thực tế mà ta cần phải lưu ý, và đây cũng được xem như là một lời gợi ý đanh thép qua việc chúng ta không nên nghĩ đến các quy luật của lôgic như là các quy luật thường nghiệm. Một quy luật thường nghiệm đúng là một quy luật áp dụng cho tất cả các trường hợp đã biết của một hiện tượng nhất định và được giả định về mặt quy nạp đối với việc áp dụng cho toàn bộ các hiện tượng khác. Sự khám phá ra trường hợp ngoại lệ sẽ làm mất đi tính hợp lệ của quy luật đó. Vì thế, ví dụ không thuộc trường hợp của quy luật thường nghiệm của tự nhiên, lực hấp dẫn giữa hai vật thể có tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách, dẫu cho, nếu trong một vài trường hợp nào đó, lực hút tỷ lệ nghịch với 2 lần khoảng cách. Tương tự như vậy, ví dụ không phải là quy luật thường nghiệm của tư duy, “không phải không A” có từ “A”, dẫu cho, nếu thực sự đôi khi “không phải không A” không có từ “A”.
Do đó, nhà lôgic theo hướng duy tâm lý học đã biện minh cho việc xem các quy luật lôgic như được gia cố về mặt thường nghiệm như thế nào? Các nhà lôgic theo hướng duy tâm lý học đã nhận ra sự bất ổn này và họ đã thừa nhận một cách chung chung rằng các quy luật lô-gic không mô tả toàn bộ các hoạt động tư duy. Chúng chỉ mô tả và áp dụng vào các hoạt động tư duy “chuẩn xác” (correct) (tức là, các hoạt động tư duy mang tính “lôgic”). Ngoài ra, họ đã duy trì quan niệm cho rằng các quy luật lôgic là các quy luật có thể có được theo hướng quy nạp từ sự quan sát về các hoạt động suy luận chuẩn xác. Bước chuyển này ngỡ như có thể bảo lưu được ảo tưởng cho rằng các quy luật lôgic có thể được gia cố về mặt thường nghiệm. Thế nhưng, làm thế nào để các hoạt động tư duy “chuẩn xác” được xác minh ngay từ lúc ban đầu? Rõ ràng, một ý niệm về “sự chuẩn xác” (correctness) đã được tiền giả định và thực hiện chức năng của nó như là một tiêu chuẩn lựa chọn. Điều này đã làm lộ rõ một sự ngụy biện: để có được một hệ quả như ý muốn, nhà duy tâm lý học phải tiền giả định cái mà anh ta muốn nhắm đến để gia cố về mặt thường nghiệm. Các quy luật lôgic, trên hết, không phải là kết quả của công cuộc nghiên cứu tâm lý của anh ta, mà được anh ta nhận bừa một cách lén lút ở trong các tiền giả định ấy. Điều này minh họa một cách chính xác quan điểm của khuynh hướng chống thuyết duy tâm lý học: để lôgic học và toán học là cái mà chúng vốn dĩ là bản thân chúng, chúng phải có những loại nguyên tắc làm điển mẫu cho tư duy của chúng ta. Vì thế cho nên, điều này xác quyết rằng những nguyên tắc ấy đứng ở trên và bên ngoài con người có thực (nghĩa là, ở bên ngoài đời sống tinh thần) chứ không phải có thể được khám phá ra ở trong con người đó. Vì vậy, nói đơn giản, một quan niệm cho rằng tính hợp lệ của các quy luật lôgic có thể được gia cố thông qua sự nghiên cứu thường nghiệm về các hoạt động tâm lý sẽ mắc phải sai lầm.
(2) Ở đoạn trên, tôi đã khẳng định rằng, theo phân tích của Husserl, các quy luật lôgic là mang tính điển mẫu chứ không phải mang tính mô tả ở trong phạm vi của tư duy. Tuy nhiên, điều này quả thật không hoàn toàn chuẩn xác. Các nhà lôgic theo hướng duy tâm lý học hàng đầu, dù gì đi nữa, cũng đều đã công nhận rằng các quy luật lôgic phải được xem như là mang tính điển mẫu nhờ vào các hoạt động suy luận “đúng” (good). Theo Husserl, điểm mấu chốt chính xác hơn cần phải lưu ý đến ở đây là các quy luật lôgic không áp dụng vào phạm vi tâm lý học nói chung. Chúng hoặc chẳng phải mang tính mô tả hoặc chẳng phải mang tính điển mẫu đối với các hoạt động suy luận. Thay vào đó, các quy luật lôgic áp dụng đối với ý nghĩa (meaning) được khẳng định ở trong các mệnh đề. Ví dụ, chúng áp dụng vào nội dung (content) của một phán đoán, chứ không phải vào bản thân hoạt động phán đoán. Theo nghĩa ngắn gọn này, các quy luật lôgic là mang “tính lý thuyết” (theoretical): chúng chi phối cấu trúc nội tại của chính bản thân các lý thuyết (Các nghiên cứu lôgic học I, 186).
Đây là điểm mà ở đó lập luận của Husserl tách khỏi những phản hồi theo khuôn mẫu của nhóm tân-Kant về phía thuyết duy tâm lý học. Trong khi các nhà tân-Kant nhìn nhận sự hợp nhất của “cái là” (is) và “cái phải là” (ought) thường thấy ở trong thuyết duy tâm lý học (như đã nêu ra trong lập luận 1), họ đã không nhìn thấy rõ ràng rằng các quy luật lôgic, nói thẳng ra, không phải là những điển mẫu nói chung. Một điển mẫu (norm) là một nguyên tắc (rule) có thể áp dụng trong phạm vi hoạt động tự do của con người, một phạm vi mà ở đó bao gồm kể cả các hoạt động tư duy. Thế nhưng, một quy luật lôgic là một quy tắc áp dụng ở trong phạm vi của ý nghĩa. Lô-gic học hoàn toàn liên quan đến những nội dung của phán đoán (contents of judgement), cái được xem như đối lập lại với các hoạt động phán đoán (acts of judgement). Cái được coi là “đúng” không phải là cái đang tư duy mà là sự tư duy, không phải cái đang phán đoán mà là sự phán đoán. Vì thế, quỹ tích của giá trị đúng không phải là hoạt động (ví dụ, khẳng định S là P) mà là nội dung của hoạt động ấy (ví dụ, “S là P”) (Các nghiên cứu lôgic học I, 142; và Các nghiên cứu lôgic học I, 189-92). Ở điểm này, Husserl nối gót Lotze, người đã cho rằng lôgic học gắn với một địa hạt “hợp lệ” phi thời gian (Geltung) cùng với các quy luật chi phối địa hạt đó. Vì thế, lôgic và tâm lý là hai lãnh địa phân lập nhau. “Tính thuần túy” của “lôgic học thuần túy” nằm ở sự phân cách hay sự trung lập với lãnh địa thường nghiệm của tâm lý học. Husserl chẳng bao giờ từ bỏ ý niệm nền tảng này về sự phân biệt giữa suy luận và hoạt động suy luận, tư duy và hoạt động tư duy, phán đoán và hoạt động phán đoán.
Nếu có “các điển mẫu của tư duy”, mà những điển mẫu ấy được áp dụng cho các hoạt động phán đoán để đảm bảo cơ sở cho sự suy luận, thì những điển mẫu này bắt nguồn từ các quy luật lôgic gắn liền với những nội dung lôgic của các hoạt động như thế (Các nghiên cứu lôgic học I, 168-71). Tập hợp điển mẫu hay quy tắc này thuộc về “lôgic học ứng dụng” hay còn gọi là “lôgic học thực hành” (Các nghiên cứu lôgic học I, 75). Tuy nhiên, nói thẳng ra, những điển mẫu như thế chỉ áp dụng ở trong phạm vi tâm lý học chứ ta không nên nhầm lẫn chúng với các quy luật lôgic mà từ đó chúng phái sinh. Về cơ bản, cái khiến cho một phán đoán có cơ sở xuất phát từ thực tế rằng các thành tố ý nghĩa đã khẳng định ở trong phán đoán tự chúng được liên hệ về mặt lôgic theo một dạng thức đã được xác quyết. Sự đảm bảo cơ sở của phán đoán vì thế không thực hiện với quá trình tư duy như thể qua đó ý nghĩa đã khẳng định được phái sinh cả. Vì vậy, những quy luật (thường nghiệm) nào mà các nhà tâm lý học phát hiện là đang vận hành ở trong các hoạt động tâm lý của quá trình suy luận như thế (nghĩa là, các hoạt động liên tưởng, nối tiếp nhau, v.v.), thì các quy luật đó đều không tương thích với việc xem xét bởi tự thân lôgic học. Tương tự, một lập luận lôgic, theo quan điểm này, không phải là một sự nhắc lại của một “chuỗi suy luận” liên tục mà là một sự phơi bày các ý nghĩa cấu thành nên một mệnh đề và những tương quan của chúng, nhờ điều này mà giá trị đúng của mỗi phần tử và của mỗi tương quan mới có thể được nhận ra.
Đối với cách nhìn nhận này, theo quan niệm của Husserl, thậm chí ngay cả quan niệm trứ danh của Kant về lô-gic học thuần túy cũng như của những hậu duệ tân-Kant, đều hoàn toàn không thoát khỏi lãnh địa của duy nhân học (Các nghiên cứu lôgic học I, Sơ luận §28 và §58). Thay vì chấp nhận tính phổ quát tuyệt đối của các quy luật tiên nghiệm của lô-gic học, Kant và những người ủng hộ ông sau cùng đã giới hạn tính phổ quát của chúng qua việc quy chiếu chúng đến với quan năng giác tính, tức một phần tử của chủ thể người. Điều này dần trở nên nguy hiểm khi nó gắn với cái mà Husserl gọi là “chủ nghĩa tương đối theo loài” (species relativism) (Các nghiên cứu lôgic học I, Sơ luận §36). Nó là một “chủ nghĩa tương đối” bởi vì nó liều mạng giới hạn tính phổ quát của các quy luật lôgic đối với loài người và mở ra khả năng rằng một mệnh đề có thể đúng đối với loài người nhưng sai với loài khác (Các nghiên cứu lôgic học I, §140). Tuy nhiên, theo Husserl, một sự hạn định như thế về tính hợp lệ lô-gic sẽ hiểu sai tính chất của tính hợp lệ lô-gic: giá trị lô-gic đúng không dựa trên bất kỳ một sự kiện nào, kể cả các sự kiện tự nhiên của con người. Quy luật cấm mâu thuẫn không đơn thuần là một quy luật chi phối đối với chủng loại người khôn (Homo sapiens). Nếu không có tâm trí nào nghĩ về chúng thì các quy luật lô-gic vẫn sẽ có đó, mặc dù như những khả năng ý thể chúng không được lấp đầy ở trong thực tế. (Các nghiên cứu lôgic học I, §149).
Vậy thì, cái gì làm nền tảng để Husserl khẳng định được giá trị tuyệt đối của các quy luật lô-gic? Lô-gic học có nền tảng của nó, ông nhận định, không phải ở trong bản tính ngẫu nhiên của chủ thể người mà “ở trong “ý nghĩa”, “yếu tính” hay “nội dung” của những khái niệm như Chân lý, Mệnh đề, Đối tượng, Thuộc tính, Quan hệ, Kết hợp, Quy luật, Sự kiện, v.v...” (Các nghiên cứu lôgic học I, 144). Nói cách khác, mọi quy luật lô-gic không vận hành cùng với sự kiến tạo của chủ thể người. Giá trị của chúng được đặt nền tảng trong cấu trúc lô-gic. Đó là lãnh địa của ý nghĩa tự thân, cái đó hoàn toàn độc lập với lãnh địa tâm lý học. Vì thế, nếu có khả năng hình thành nên một phán đoán bất chấp các quy luật của lô-gic (ví dụ, “A là không A”), thì người ta không thể thực hiện điều đó mà không rơi vào phi lý và mâu thuẫn lô-gic.
(3) Trong cuộc đấu tranh chống lại thuyết duy tâm lý học, Husserl dần dần tin rằng người ta phải công nhận sự tồn tại của các đối tượng lô-gic như ý nghĩa, quan hệ, chiểu sự, chân lý, quy luật và yếu tính. Mặc dù những đối tượng này không phải là những đối tượng “có trong thực tế” (real), tuy nhiên chúng là những đối tượng thực sự có (genuine). Một lý do cho việc nghĩ đến các đối tượng lô-gic như là các đối tượng thực sự có và không đơn thuần là những ảo ảnh mà chúng ta nghĩ và nói đến chúng giống như bất kỳ đối tượng nào khác, ví dụ, khi người ta có thể nghĩ về các đối tượng lô-gic và thừa nhận những sự vật trong số chúng là đúng hoặc sai (ví dụ, “số 7 là số nguyên tố”). Nói cách khác, về mặt ngôn ngữ học và về mặt tri nhận, chúng ta đã xem các ý niệm (ideas) như là những đối tượng mặc dù chúng không phải là những sự vật vật lý. Thế nhưng, lý do nặng ký hơn dành cho việc xác quyết các đối tượng lô-gic như là các đối tượng thực sự có chính là ý niệm về tri thức khoa học cần đến nó. Đơn cử như khi dẫu cho bản thân ý niệm khoa học gãy đổ đi nữa thì chẳng thể có một quan niệm nào về “chân lý” vượt thoát khỏi các hoạt động cụ thể mà ở đó chúng được xác quyết cả. Ví dụ, khi một vài người công nhận định lý Pythagore ở vào những thời điểm và địa điểm khác nhau, chúng ta đều xem họ như đang công nhận về cùng một “chân lý”. Mặc dù có rất nhiều các hoạt động tư duy khác nhau đang diễn ra, thế nhưng sẽ không có việc chúng ta sẽ nói đến vô số định lý Pythagore, hay mỗi một hoạt động trong số chúng đều đúng theo từng người một. Nếu điều này diễn ra, nó sẽ phủ nhận tính duy nhất và tính khách quan của chân lý hình học, sau cùng, theo Husserl, sẽ dẫn đến một chủ nghĩa tương đối tệ hại (a vicious relativism) (Các nghiên cứu lôgic học I, Sơ luận, §35). Tri thức khoa học chỉ “hiện hữu” nếu nó được kiến tạo nên từ một mạng lưới tương liên và được trang bị đầy đủ những chân lý độc lập với tâm trí như thế.
Husserl sử dụng những lối diễn đạt như là đối tượng “không thực” (irreal) hay đối tượng “ý thể” (ideal) xem như là những thuật ngữ bao chứa phân lớp đối tượng không thực này. Vì thế, Husserl của Các nghiên cứu lôgic học có thể được xem như là một “nhà duy tâm” theo nghĩa này. Ông cho rằng có các đối tượng ý thể (ideal objects) cũng như có các đối tượng có thực (real objects). Ông mở rộng khái niệm “đối tượng” vượt ra ngoài phạm vi của “một cái gì đó có thực”. Và sự mở rộng khái niệm này được công nhận lại ở trong Các ý niệm I. Ở đó, Husserl cố nhấn mạnh rằng thuật ngữ “đối tượng” (Gegenstand) phải được hiểu theo nghĩa phổ quát nhất có thể, tức là, nó được xem như là “bất kỳ một cái gì đó nói chung”, hay “chủ thể của một phát biểu (khẳng định, quả quyết) chân thật”. Ông diễn giải:
Tôi không phát minh ra khái niệm phổ quát về đối tượng; tôi chỉ khôi phục khái niệm được xác quyết bởi toàn bộ các mệnh đề của lô-gic học thuần túy và cho rằng nó là một cái không thể thiếu được về mặt bản chất và vì thế nó cũng xác định một ngôn ngữ mang tính khoa học phổ quát. Theo nghĩa này, âm đô (c) - một phần tử đơn nhất về mặt số lượng trên thang âm độ, số 2 trong dãy số, hình thù trong thế giới ý niệm của những đồ thức hình học, và bất kỳ một mệnh đề nào đó ở trong “thế giới” mệnh đề - nói ngắn gọn, có rất nhiều những sự thể ý thể khác biệt nhau, chúng đều được gọi là “các đối tượng” (Các ý niệm I, §22, 41)([6])
Thế nhưng, hữu thể học nào làm nền tảng cho “thuyết duy tâm” này? “Có” (there are) nghĩa là gì ở trong trường hợp của các đối tượng ý thể? “Sự thể” được quy cho các đối tượng ý thể ở trong Các nghiên cứu lôgic học, theo ví dụ thứ nhất, là cái thuộc về lãnh địa của tính hợp lệ tuyệt đối. Điều này không có nghĩa rằng một đối tượng như thế “treo ở đâu đó trong hư không”, mà đúng ra nó là “trường hợp mà tính hợp lệ có ở trong lãnh địa vô tận của Các ý niệm (Ideas)” (Các nghiên cứu lôgic học I, 149). Theo những phát biểu này, Husserl ít nhiều lặp lại lập trường của Lotze: các đối tượng ý thể là hợp lệ và thực sự hiện hữu.([7]) Điều đó có thể gây tranh cãi liệu rằng nó đã kiến tạo nên một câu trả lời thỏa đáng đối với vấn đề hữu thể học về tính ý thể (ideality) hay chưa. (Heidegger có lẽ là người đầu tiên đưa ra vấn đề này.)([8]) Tuy nhiên, rõ ràng là việc Husserl thiết đặt các đối tượng ý thể không tương đương với phát biểu cho rằng chúng “hiện hữu” theo cùng một nghĩa như là các đối tượng có thực, tức là chúng có khả năng ở trong một số thế giới khác nào đó. Husserl liên tục gia tăng khoảng cách giữa ông với lập trường như thế, cái mà ông gọi nó như là “thuyết Plato”. Thật vậy, ông hoàn toàn phê phán thuyết Plato vì “sự cụ thể hóa mang tính siêu hình học về cái phổ quát” (metaphysical hypostatization of the universal) của nó, tức là, vì việc xem xét một cách sơ sài các đối tượng ý thể như là không gì khác hơn một phân lớp đặc biệt của các đối tượng có thực, rằng chúng cũng chỉ hiện hữu ở trong một phạm vi thực tại khác (Các nghiên cứu lôgic học I, 350 và tiếp; Các ý niệm I, §22). Vì thế, chúng ta nên cẩn trọng khi dán nhãn cho Husserl là nhà Plato. Tuy nhiên, vượt qua giới tuyến phủ định này, rất khó để ghim lại lập trường của ông, chẳng phải ít ra là ở thời điểm này, mà vì lối giải thích của ông về phương cách “tồn tại” của các đối tượng ý thể luôn thay đổi. Tôi sẽ trở lại vấn đề về thuyết duy tâm của Husserl ở những chương sau. Ở chặng này, điều đó cũng đủ để nói rằng, Husserl thật sự đã xem ý niệm, ý nghĩa, các đối tượng ý thể, v.v... như là các đối tượng. Hơn nữa, sau đó, ông còn nhấn mạnh rằng chúng ta có thể phân tích được chúng, rằng chúng ta có thể nhận thức được chúng mà không cần dựa vào cơ sở của một số tiền giả định siêu hình học nào cả (tức là thuyết duy tự nhiên hoặc thuyết duy tâm lý học).
Tóm lại, những lập luận của Husserl chống lại thuyết duy tâm lý học có thể được xem như là một sự tái thẩm định về chủ nghĩa siêu nghiệm lô-gic kiểu Kant: “lô-gic học thuần túy” phải được đặt đối lập lại với “lô-gic học thực hành” (cũng được gọi là “kỹ thuật lô-gic”) và đối lập lại với các quy luật thường nghiệm chi phối phạm vi tâm lý học, bởi vì thật là “vô ích” nếu ngay từ lúc bắt đầu ta “sử dụng một lý thuyết thường nghiệm làm nền tảng cho một cái gì đó mà tự nó là một tiền giả định cho lý thuyết đó” (Các nghiên cứu lôgic học I, 115, cước chú 1, trích dẫn Windelband). Vì không chú ý đến nguyên lý này, thuyết duy tâm lý học chắc chắn tự nó đã mắc phải những sự không nhất quán lô-gic. Nó kết thúc hoặc qua việc viện dẫn đến vấn đề liên quan đến những nền tảng của tính hợp lệ lô-gic hoặc trở nên sa lầy trong một thứ chủ nghĩa tương đối tệ hại.
Vượt qua thuyết duy tâm lý học: “điều bí nhiệm của nhận thức” và dự án hiện tượng học
Nói một cách ngắn gọn rằng, những lập luận đã đề ra ở trong “Sơ luận cho một môn lô-gic học thuần túy” tự chúng không phải là những phân tích hiện tượng học. Thay vào đó, phần lớn, chúng có đặc điểm của những lập luận theo kiểu triết học truyền thống. Tuy nhiên, chúng đã đặt nền móng cho những phân tích hiện tượng học của Husserl ở tập thứ hai của Các nghiên cứu lôgic học, cho phép ông tiếp tục thẩm tra các đối tượng lô-gic và các hoạt động lô-gic. Ở đó, những phân tích ấy được đem lại mà không dính dáng đến thiên kiến duy tâm lý học và thiên kiến duy tự nhiên. Theo đó, mục tiêu của Sơ luận thực sự không phải để kiến tạo nên một siêu hình học (duy tâm hay gì đó khác nữa) mà là để giải phóng những nghiên cứu theo sau nó khỏi những thiên kiến siêu hình học mà chúng không thể được ngăn chặn ngoại trừ việc “quay trở lại với chính bản thân sự vật”. Ở đây, theo Husserl, các hiện tượng phải được phép cấp nghĩa (dictate) cho những quan niệm giải thích nhắm đến chúng.
Nói rộng ra, phê phán thuyết duy tâm lý học cung cấp cho Husserl một viên đá tảng hữu ích, dựa vào đó để thiết lập nên một cách rõ ràng cuộc giải vây đối với sự phân biệt giữa cái thuần túy và cái thường nghiệm, cái lô-gic và cái tâm lý, cái ý thể và cái có thực. Những sự phân biệt này vẫn làm nền tảng cho toàn bộ tác phẩm của Husserl ở vào thời kỳ chín muồi. Vẽ ra những sự phân biệt này, mục tiêu của phân tích hiện tượng học là để tiến đến việc khám phá ra “điều bí nhiệm của nhận thức”, ở đó cái thuần túy, cái lô-gic và cái ý thể được “đem lại” cho ý thức như là cái thường nghiệm tự thân, cái tâm lý tự thân và cái có thực tự thân. Vậy thì, loại sự thể nào mà qua đó hoạt động suy tưởng nhờ vào nó để có thể nghĩ đến những cái ý thể, những chân lý và những giá trị? “Người ta phải nắm bắt một cách rõ ràng cái gì là ý thể, cả về mặt bản chất lẫn về mặt tương quan của nó với cái có thực, làm thế nào cái ý thể lại đứng cạnh với cái có thực, làm thế nào nó vừa có thể là nội tại tự thân lẫn vừa được nhận thức” (Các nghiên cứu lôgic học I, 193). Nói cách khác, Husserl muốn khám phá ra cách làm thế nào hoạt động suy tưởng (thinking) có thể đang suy tưởng về những cái đã được suy tưởng (thoughts), mở rộng ra theo phong cách truy vấn như thế này, làm thế nào quá trình tri nhận có thể là sự tri nhận về các đối tượng đã được tri nhận, làm thế nào quá trình tưởng tượng có thể là sự tưởng tượng về các đối tượng tưởng tượng, v.v... Như tôi sẽ giải thích ở chương tiếp theo, những điều này thực sự là những vấn đề giúp hình thành nên công cuộc truy vấn hiện tượng học. Ở mỗi trường hợp, “điều bí nhiệm” (mystery) tự nó công bố như nhau: rằng ý thức là ý thức về cái gì đó siêu việt khỏi nó.([9])
Trong Sơ luận của Các nghiên cứu lôgic học, chẳng có câu trả lời nào được đem lại cho những câu hỏi này cả, mà chỉ có một cách giải thích thường thấy dành cho “điều bí nhiệm” này là nó đã bị bác bỏ một cách mạnh mẽ. Các hoạt động tâm lý không hình thành nên các đối tượng lô-gic (ví dụ: ý nghĩa) hay “có được” các đối tượng logic như là những thành phần cố hữu của chúng. Bởi vì các đối tượng lô-gic không phải là những loại sự vật được sinh ra rồi mất đi, hoạt động đang mở ra về mặt thời gian (temporally unfolding act) phải được phân biệt với đối tượng phi thời gian (atemporal object) được hiện diện tự thân. Các hoạt động lô-gic biểu thị (manifest) các đối tượng lô-gic, hay như Husserl sẽ nói, các hoạt động dẫn các đối tượng đến một “sự lập thức trực quan” (intuitive givenness), chứ thật sự thì chúng không tạo ra các đối tượng. Do đó, điều bí nhiệm của nhận thức không thể được giải quyết qua việc xô đổ đối tượng thành hoạt động mà ở đó nó được “đem lại”, tức được lập thức (given).
Vì thế, theo lối giải thích của Husserl, nghiên cứu lô-gic học phải có hai phương diện. Một mặt, nó liên hệ đến các hoạt động tâm lý mà ở đó các đối tượng lô-gic được đem lại. Mặt khác, nó liên hệ đến những sự tương liên giữa các đối tượng đó. Hai phương diện này có thể được gọi là những phương diện “chủ quan” và “khách quan” của lô-gic. Sự thiếu sót của hướng tiếp cận tâm lý học, như chúng tôi đã chỉ ra, nghĩa là đã tìm cách cùng mở rộng phương diện lô-gic với phương diện “chủ quan”. Đồng thời, điều quan trọng là phải thấy rằng Husserl không đơn thuần loại bỏ phương diện “chủ quan” trong sự đối sánh cùng với phương diện “khách quan”. Ông không tránh khỏi việc ưu tiên nghiên cứu về các quy luật lô-gic hơn so với việc nghiên cứu về các hoạt động lô-gic. Thế nhưng, cả hai “phương diện” này đều được xem là cần thiết, với điều kiện là chúng không thể được nhập lại với nhau. Một chiều hướng “tâm lý học” nói chung vì thế sẽ phải được bao hàm ở trong những nghiên cứu “lô-gic” của ông nếu chúng tiến hành nghiên cứu điểm chung hay sự tương kết giữa cái tâm lý và cái lô-gic, và để thực hiện theo cách mà ở đó nó không xô đổ cả hai thứ.([10]) Thật vậy, thậm chí ngay cả ở trong tác phẩm sau này, Husserl vẫn có thể viết:
Lô-gic học, như một ngành khoa học của toàn bộ cái lô-gic như thế và, theo hình thức rộng nhất của nó, bao bọc tất cả những hình thức khác của cái lô-gic, và khi nói nó như là một ngành khoa học của toàn bộ khoa học như thế, nó sẽ tiến hành nghiên cứu theo hai chiều hướng đối lập. Ở bất kỳ đâu, thì đó cũng là vấn đề của những sản phẩm hợp lý, theo nghĩa kép: một mặt, như là huân tập tính và hoạt động tính sản sinh, mặt khác, như là những hệ quả được tạo ra bởi huân tập tính và hoạt động tính, từ đó trở đi đang khắng khít với nhau. (Logic học hình thức và logic học siêu nghiệm, 33)
Trong chừng mực mà chúng bao gồm một phương diện “chủ quan”, Husserl đã có thể mô tả sáu nghiên cứu làm nên Các nghiên cứu lôgic học [tập 2] như là những công việc của “tâm lý học mô tả” (Các nghiên cứu lôgic học I, 262 và tiếp).([11]) Tuy nhiên, biểu thức “tâm lý học mô tả” đã gia tăng ấn tượng về một số cái mà Husserl đã rơi trở lại vào trong thuyết duy tâm lý học ở tập hai của Các nghiên cứu lôgic học.([12]) Và, quả thật, bản thân Husserl đã dần nhận thấy thực tế mà gánh nặng này đặt ra và những sự giải minh mang tính phương pháp luận xa hơn phải cần được triển khai. Như tôi sẽ thảo luận ở chương 3, những sự giải minh này sẽ đưa đến “bước ngoặt siêu nghiệm” (transcendental turn) trong quan niệm triết học hiện tượng học của Husserl trong suốt thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Ở phần giải thích lại này, chủ đề cơ bản của hiện tượng học đã dần được định vị ở trong hoặc chẳng phải phạm vi lô-gic hoặc chẳng phải phạm vi tâm lý mà ở trong “nguồn gốc” (origin) của cả hai. Cho nên, Husserl đã lấy làm tiếc rằng việc lựa chọn “tâm lý học mô tả” là một biểu thức tối nghĩa và ông đã từ bỏ nó, xem lối biểu đạt đó như là “sai lạc” ở trong ấn bản lần thứ hai của Các nghiên cứu lôgic học (xuất bản năm 1913) (Các nghiên cứu lôgic học I, 47, 261 và tiếp; tham khảo thêm Các ý niệm I §61). Tuy nhiên, bất chấp những sự sửa đổi này, “hiện tượng học siêu nghiệm” đã tiếp nối “tâm lý học mô tả” của Husserl như là một sự tiếp biến của cùng một dự án nhằm để triển khai nên những cách thức phức tạp hơn bao giờ hết về “sự bí nhiệm cơ bản của nhận thức”: mối quan hệ giữa “chủ thể tính của cái đang biết và đối tượng tính của nội dung đã biết.” (Các nghiên cứu lôgic học, 142).
CHƯƠNG 2: HIỆN TƯỢNG HỌC VÀ “CÁC NGÀNH KHOA HỌC BẢN CHẤT” KHÁC
Một niềm tin chắc chắn rằng có một khoa học “đứng trong một chiều hướng hoàn toàn mới” và “cần có một điểm khởi đầu hoàn toàn mới lẫn một phương pháp hoàn toàn mới để phân biệt nó với bất kỳ một ngành khoa học ‘tự nhiên’ nào đó” (Ý niệm hiện tượng học 19) là nền tảng cho ý niệm của Husserl về triết học. Ông tiến hành phân biệt triết học với khoa học tự nhiên theo 2 hệ trục và những hệ trục này không được nhầm lẫn với nhau. Một mặt, khoa học mới này của Husserl phải được phân biệt với “khoa học tự nhiên” bởi sự ngưng hãm của nó với “thái độ duy tự nhiên” (natural attitude) để hướng đến “thái độ siêu nghiệm” (transcendental attitude) hay “thái độ hiện tượng học” (phenomenological attitude). Tôi sẽ thảo luận hệ trục này ở chương 3 và chương 4. Mặt khác, hiện tượng học tự nó không bận tâm đến những vấn đề thực tế mà chỉ bận tâm tới những vấn đề yếu tính, nó là một “ngành khoa học về yếu tính” (Các ý niệm I, xx). Hiện tượng học là một trong số “các ngành khoa học về yếu tính” (science of essences). Thế nhưng, một khoa học về yếu tính là gì và làm thế nào nó lại khác với một khoa học về thực tế? Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm ở chương này. Sau khi tôi thảo luận xong về hai loại hình khoa học ấy, tôi sẽ thảo luận về các loại hình khoa học yếu tính và vị trí của hiện tượng học trong số chúng.
Các ngành khoa học về sự kiện và các ngành khoa học về yếu tính
Quan niệm của Husserl về tri thức khoa học khởi đi từ sự quan sát tài tình của Kant: “nhận thức tự nhiên bắt đầu với kinh nghiệm và vẫn ở trong kinh nghiệm” (Ideas I, §1, 5). Ý niệm “kinh nghiệm” (Erfahrung) là ý niệm trung tâm đối với Husserl cũng như đối với Kant. Kinh nghiệm được đánh giá bởi cả hai nhà tư tưởng như là viên đá thử vàng của chân lý khoa học: điều đó có nghĩa rằng kinh nghiệm có khả năng xác nhận hoặc phản đối những lý thuyết và những quan niệm trước đây của chúng ta. Cái mà chúng ta khám phá ra ở trong sự nhận thức duy tự nhiên là “thế giới” (Welt); nghĩa là toàn bộ những đối tượng riêng biệt có thể có khả năng được kinh nghiệm. Thế giới bao gồm toàn bộ các đối tượng như thế được Husserl gọi là “thực tại” (Realität). Các ngành khoa học đã tiến hành phân chia tất cả các đối tượng có thực ở trong số đó. Cho nên, để mỗi ngành khoa học thuộc về một “định khu đối tượng” (anh: object-province; đức: Sachgebeif), chúng phải tiến hành mô tả và nhận biết thông qua kinh nghiệm trực tiếp về chính những đối tượng đó, nghĩa là thông qua quan sát và thực nghiệm. Vật lý học, hóa học, sinh học, tâm lý học, xã hội học, nhân học, v.v..., mỗi ngành đều có một phạm vi đối tượng cụ thể của riêng chúng. Ở đó, chúng tiến hành nghiên cứu và xác định bản thân chúng như là những khoa học nghiêm ngặt trong chừng mực chúng tiến hành xác nhận những hệ quả của chúng thông qua kinh nghiệm trực tiếp. Những đối tượng của các ngành khoa học này là vô số các loại đối tượng được tìm thấy ở trong kinh nghiệm. Vì thế, các ngành khoa học này được gọi là “các ngành khoa học thường nghiệm” hay còn gọi là “các ngành khoa học tự nhiên”. Chúng là những ngành khoa học bàn về “những vấn đề thực tế” (Các ý niệm I, §2, 7).
Tuy nhiên, Husserl nhận thấy rằng, khi thêm các tương quan, các thuộc tính vật lý có thể mô tả, v.v... vào một đối tượng, thì mỗi đối tượng riêng biệt đều có một “khái niệm” (concept), hay chính xác hơn, là một “yếu tính” (essence; Wesen). Tức là, mỗi đối tượng riêng biệt mà chúng ta bắt gặp ở trong thế giới là cái này hoặc cái kia, ví dụ, đây là con mèo Thái-lan, kia là một nguyên tử carbon, đó là một ngọn núi lửa. Yếu tính là cái mà chúng ta đặt tên khi chúng ta trả lời câu hỏi “cái đó là gì?”. Một “yếu tính” đơn thuần được định nghĩa như là “cái gì đó của một cá thể” (Các ý niệm I,§3, 8). (Một “cá thể” (individuum) là một đối tượng cụ thể, nghĩa là một đối tượng đơn nhất, không pha tạp.) Hơn nữa, yếu tính của một vài đối tượng X là như nhau đối với bất kỳ một đối tượng X nào đó khác. Nghĩa là, yếu tính (ngược lại với đối tượng) không mang tính cá biệt mà đúng ra là mang tính “phổ biến” (general) hay “phổ quát” (universal). Do đó, yếu tính cũng có thể được gọi là “những cái phổ quát”. “Những cái phổ quát” như thế là giống nhau đối với một số lượng trường hợp cụ thể hay “những cái đặc thù” thực sự hiện hữu của chúng. Chẳng có chuyện ở đâu, khi nào hay làm thế nào mà những trường hợp đó lại xuất hiện, và dù gì đi nữa thì cái mà chúng nêu ra, tức yếu tính, vẫn luôn được xem là như nhau.
Vậy thì những yếu tính nào không được coi là chủ đề nghiên cứu bởi khoa học tự nhiên. Ví dụ, các ngành khoa học tự nhiên có thể đề ra rất nhiều câu hỏi về những con thằn lằn có lưỡi màu xanh, và thêm vào cho kho tri thức của chúng ta về tập hợp những sự vật ở trong thế giới, nhưng các ngành khoa học tự nhiên không đề ra “nhận thức tiên nghiệm” (a priori knowledge) nào mà chúng ta có về những con thằn lằn ấy cả, tức là tri thức nắm bắt một cách đúng đắn về những con thằn lằn không cần xét đến sự cấu tạo sinh học có tính ngẫu nhiên trên bình diện thực tế của chúng cũng như không gian địa lý, thói quen xã hội v.v... Các ngành khoa học tự nhiên tập hợp một cách riêng biệt tri thức thường nghiệm (empirical) hay tri thức “hậu nghiệm” (a posteriori) về các sự thể có thực. Chúng bỏ qua tri thức về yếu tính hay tri thức “tiên nghiệm” có thể thuộc về những thực thể đó. Vì thế, để nhận thức về tri thức loại sau chúng ta phải chuyển cái nhìn từ các ngành khoa học thực nghiệm sang các ngành khoa học “thuần túy” (pure sciences) hay còn gọi là các ngành khoa học “bản chất” (eidetic sciences). (Ở đây, “bản chất” có nghĩa là “liên quan đến các yếu tính”.)
Lúc đầu, có vẻ như việc quay lưng lại với các đối tượng thường nghiệm để nghiên cứu về các yếu tính của chúng chỉ có thể dẫn đến một kết thúc tồi tệ. Trên hết, giá trị nào có thể xuất hiện từ sự lặng ngắm của chúng ta về ý niệm con thằn lằn có cái lưỡi màu xanh? Chắc hẳn, chúng ta chỉ thu được một cái gì đó về những con thằn lằn khi chúng ta nghiên cứu về những con thằn lằn có thực. Tuy nhiên, Husserl đã biện minh cho giá trị của các ngành khoa học bản chất, và tôi sẽ cố gắng đem lại một vài ý nghĩa cho những lập luận của ông sau đây. Một điểm quan trọng ở đây là các yếu tính được lặng ngắm và được khai mở. Nếu chúng ta thấy được sự kết hợp “về yếu tính” hay sự kết hợp “bản chất” của các đối tượng, thì một tập hợp những sự thật nhất định có thể được thiết lập về chúng thậm chí trước cả khi chúng được nghiên cứu về mặt thực nghiệm. Tập hợp những sự thật này được gọi là “tri thức tiên nghiệm” hay còn gọi là “tri thức bản chất”. Tri thức bản chất bao bọc cái mà chúng ta có thể biết được về bất kỳ một đối tượng X một cách thuần túy nào đó nhờ vào thực tế rằng nó là X. Tri thức bản chất có thể được giải thích và được tổ chức thành một khoa học mạch lạc theo quyền hạn của riêng nó. Husserl gọi khoa học này là “khoa học về yếu tính” hay “khoa học bản chất”. Quả thật, ông đã xác định được một vài ngành khoa học bản chất, tiếp nối ít nhiều những sự phân chia theo truyền thống. Như tôi sẽ thảo luận dưới đây, những ngành khoa học này bao gồm hữu thể học hình thức, lô-gic học hình thức, những môn toán học hình thức, hữu thể học vùng hay hữu thể học cụ thể, và những môn toán học cụ thể khác. Do đó, hoàn toàn tách khỏi các ngành khoa học thường nghiệm, chúng ta có thể theo đuổi một ngành khoa học độc lập khác hay một tập hợp các ngành khoa học khác. Ngoài “những khoa học về thực tế” còn có “các ngành khoa học về yếu tính” tiến hành nghiên cứu phạm vi của các yếu tính một cách độc lập với những vấn đề thực tế ngẫu nhiên.
Các quy luật thường nghiệm và các quy luật bản chất
Dĩ nhiên, có những giới hạn đối với cái mà các khoa học bản chất có thể biểu lộ cho chúng ta. Quả thật, Husserl nhận thấy rằng, nói thẳng ra, nhìn chung chúng không biểu lộ cho chúng ta tính thực hữu (actuality), mà chúng chỉ biểu lộ cho chúng ta tính khả hữu (possibility) mà thôi. Nếu chúng ta muốn biết về tính thực hữu, chúng ta cần thăm dò kinh nghiệm. Chỉ khi thông qua kinh nghiệm, chúng ta mới có thể biết đến “những vấn đề thực tế”. Do đó, thế giới là cách thể hiện của nó, có những sự vật hiện hữu và cũng có các sự vật khác không hiện hữu, đó là một vấn đề thực tế mang tính ngẫu nhiên. Không một khoa học yếu tính nào có thể biểu lộ cho chúng ta biết cái gì hiện hữu và làm thế nào nó xuất hiện. Hơn nữa, chiều hướng mà các sự vật đứng ở trong thế giới thực liên tục đặt vào trong một sự lưu động. “Các quy luật của tự nhiên” chi phối sự lưu động của vật thể, ví dụ, các quá trình sinh, lý, hóa. Thế nhưng, tự thân những quy luật này là ngẫu nhiên, và vì thế chỉ có thể được xác định thông qua nghiên cứu thực nghiệm. Sự lập luật của những vấn đề thực tế là “những nguyên tắc căn cứ trên thực tế (de facto) mà tự chúng có thể hoàn toàn được hiểu theo cách khác” (Các ý niệm I, 7). Ý niệm đơn thuần của một đối tượng vật lý sẽ không sản sinh nên các quy luật vật lý.
Vậy thì, tri thức đúng đắn có phải là tri thức bản chất hay không? Điều này có vẻ rằng toàn bộ tri thức hữu ích một cách chân thật là có tính thường nghiệm. Để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, điều quan trọng cần phải nhận thấy rằng trong khi tri thức “bản chất” hay tri thức tiên nghiệm là tri thức về tính khả hữu, điều này không hoàn toàn đẩy nó ra khỏi phạm vi của tính thực hữu. Mặc dù tri thức bản chất không mang lại cho chúng ta thông tin về tính thực hữu tự thân (per se), nhưng nó mang lại cho chúng ta tri thức về tính thực hữu như thể tính thực hữu là sự hiện thực hóa của tính khả hữu. Có được điều này là bởi vì các quy tắc chi phối phạm vi của tính khả hữu cũng chi phối luôn cả phạm vi của tính thực hữu (sự vật có thực, như nó được nhìn nhận, là một tập hợp con của cái khả hữu). Một minh họa thường thấy về sự kết nối này là hình vẽ hình học. Đối với những trường hợp có thực về các hình vẽ hình học mà hình học tiến hành nghiên cứu những thuộc tính và sự lập luật của chúng có thể hoặc không thể hiện hữu, thế nhưng nếu và khi các hình vẽ hiện hữu, khoa hình học sẽ có thể áp dụng lên chúng. Những hình dạng có thực trong thế giới là những ví dụ của những đối tượng hình học rất giống với những thứ đã được nghiên cứu và được nhận biết bởi nhà hình học theo một kiểu thức tiên nghiệm (tối thiểu là về mặt ý thể). Theo một lối tương tự, các ngành khoa học bản chất khác khám phá ra rằng tính khả hữu có thể hoặc không thể có hình mẫu đang hiện hữu một cách thực hữu; thế nhưng, những sự thật tiên nghiệm thuộc về yếu tính sẽ chi phối những sự thể hiện của các yếu tính đó như là một vấn đề tất yếu rằng lúc nào chúng cũng hiện hữu cả. Mỗi tính thực hữu điều hợp với “những điều kiện tiên nghiệm của kinh nghiệm khả hữu.” (Các ý niệm I, §6; Kinh nghiệm và phán đoán, §90).
Do đó, có hai loại “quy luật” (laws) hay hai loại hình của “tính phổ biến” (generalities) về cơ bản khác nhau tạo nên toàn bộ tri thức khoa học. Các quy luật được khám phá ra thông qua các ngành khoa học thường nghiệm (“tính phổ biến thường nghiệm”) và các quy luật được khám phá ra thông qua các ngành khoa học bản chất (“tính phổ biến thuần túy”) (Kinh nghiệm và phán đoán, §86). Tính phổ biến thường nghiệm có điều kiện dựa vào những vấn đề thực tế và được đặt nền tảng trong kinh nghiệm về sự hiện hữu có trong thực tế. “Tất cả các con gấu ở địa cực đều có màu trắng” là một tính phổ biến thường nghiệm. Nó chỉ xảy ra khi tất cả các con gấu ở địa cực đều có màu trắng. Do đó, nó cũng là một sự khái quát hóa có thể sai về mặt thường nghiệm: có thể một ngày nào đó người ta sẽ tìm thấy một con gấu nào đó ở địa cực có màu tím. Mặt khác, các quy luật có được bởi các khoa học bản chất là đúng một cách vô điều kiện; chúng thuần nhất trong dòng lưu động của sự hiện hữu có trong thực tế. Chẳng thể có một sự thay đổi môi trường nào sẽ xóa sổ chúng cả. Điều này là bởi vì tính phổ quát của chúng xuất phát từ cấu trúc khả hữu tự thân chứ không phải từ cấu trúc ngẫu nhiên của thế giới hiện thực.
Sự nghiêm ngặt về mặt khoa học yêu cầu hai loại hình quy luật này phải rõ ràng. Đấy là một nhiệm vụ phức tạp dựa trên thực tế rằng những nền tảng nhận thức khác nhau triệt để của chúng chẳng để lại dấu vết nào lên các hình thức mệnh đề cả: tính phổ biến thường nghiệm như trong biểu thức “tất cả các cơ thể đều nặng” được biểu đạt theo cùng một hình thức ngữ pháp giống như tính phổ biến thuần túy rằng “tất cả các sự vật vật chất đều có tính triển nở”. Tuy nhiên, cái trước đặt nền tảng về mặt thường nghiệm trong khi cái sau là tất yếu về mặt bản chất. Mệnh đề thứ nhất khái quát hóa từ cái được tìm thấy là đúng đối với các cơ thể riêng biệt, trong khi mệnh đề thứ hai có được thông qua một phép biến đổi quy luật bản chất mà yếu tính của một “sự vật vật chất” (material thing) bao hàm phạm trù của “sự triển nở” (extension). (Các mệnh đề liên quan đến những cái đặc thù mà chúng được phái sinh từ các quy luật bản chất theo chiều hướng ấy được gọi là mang “tính tất yếu”; Các ý niệm I, 14).
Do đó, điều tiếp theo, là bất kỳ một đối tượng cá biệt nào cũng đều có thể được lựa chọn như là một đối tượng khoa học theo một trong hai cách. Nó có thể được nghiên cứu tương ứng với sự lập luật chi phối sự ngẫu nhiên của nó, hoặc nó cũng có thể được nghiên cứu tương ứng với sự lập luật về yếu tính của nó. Vì thế, đối tượng cá biệt là một điểm giao nhau giữa các khoa học về thực tế và các khoa học về yếu tính.
Nhưng có một sự bất đối xứng giữa hai loại hình khoa học này. Các khoa học bản chất, xét đến thành phần của chúng, không dựa vào hay hợp nhất với bất kỳ một hệ quả nào từ ngành khoa học thường nghiệm cả. Các ngành khoa học bản chất không tiền giả định bất kỳ điều gì ngẫu nhiên, dẫu đó là các quy luật thường nghiệm hay các thực thể hiện hữu:
Bắt đầu với việc thiết đặt và nắm bắt trực quan, các yếu tính không hàm ẩn một việc thiết đặt quá đỗi mong manh về bất kỳ một sự hiện hữu kiện tính cá biệt nào cả, những chân lý bản chất thuần túy không chứa đựng sự khẳng định quá đỗi mong manh nào về những vấn đề thực tế. Do đó, thậm chí ngay cả đối với vấn đề bình thường nhất cũng chẳng thể được diễn dịch chỉ từ những chân lý bản chất thuần túy. (Các ý niệm I, 11).
Tuy nhiên, ngược lại cũng không đúng. Các khoa học thường nghiệm phải tiền giả định và điều hợp với các quy luật bản chất. Sự truy tầm tính thực hữu không thể tiến hành một cách độc lập với các quy luật của tính khả hữu: “chẳng thể có khoa học về những vấn đề thực tế nào được phát triển hoàn bị như là một khoa học mà nó lại có thể là thuần túy đối với những sự nhận thức bản chất hay có thể độc lập với các ngành khoa học bản chất cụ thể hoặc các ngành khoa học bản chất hình thức” (Các ý niệm I, 17). Vì thế, nói ngắn gọn, các ngành khoa học bản chất thích tính tiên nghiệm hơn các ngành khoa học tự nhiên, và chắc chắc nhờ vào đó mà nó không thể bị chối bỏ, phủ nhận hoặc khước bác.
Khắc phục những thiên kiến duy tự nhiên
Dễ thấy trong lối giải thích hoàn bị của Husserl về khoa học bản chất là sự thừa nhận rằng nó là một sự hợp thức khi nói về các yếu tính và đưa chúng đến với sự truy tầm khoa học. Husserl đã nhận thức rõ rằng sự thừa nhận này đã vượt qua lập trường “duy tự nhiên” đang thịnh hành của thời đại ông. Thuyết duy tự nhiên (naturalism) là học thuyết cho rằng tính thực hữu cùng mở rộng với việc “tự nhiên được xem như là một tính thống nhất của tồn tại không-thời gian thuộc về các quy luật chính xác của tự nhiên”.([13]) Những khuynh hướng duy tự nhiên vào cuối thế kỷ XIX đã đưa đến một “sự thù địch chống đối lại với các ý niệm”: “ngoài thực thể hiểu theo lối kinh viện, bóng ma siêu hình thì “các ý niệm”, “các yếu tính” là gì?” (Các ý niệm I, 35). Để xoa dịu tình trạng bối rối này, những nỗ lực đã được tạo ra nhằm xô đổ các môn triết học và lô-gic học thành khoa học tự nhiên. Theo đó bằng cách này hay cách khác những ngành khoa học tiên nghiệm hay các ngành khoa học được gọi là “thuần túy” có thể được xếp vào dưới đề mục của khoa học thường nghiệm. Như chúng ta đã thấy ở trong chương 1, một chiến thuật thường thấy là mang lô-gic học vào dưới đề mục của tâm lý học, tức là quan niệm mà Husserl phong cho nó là “thuyết duy tâm lý học lô-gic”. Nhưng thuyết duy tâm lý học chỉ là một sự biểu thị về ham muốn giải thích toàn bộ các hiện tượng theo khuynh hướng duy tự nhiên, bao gồm “các ý niệm.” Vì thế, Husserl muốn xác chứng và biện minh cho “các ngành khoa học bản chất” chống lại cái mà ông đã xem như là những thiên kiến duy tự nhiên.
Vấn đề cần phải được nhấn mạnh ở mối nối này rằng Husserl không phải không thông cảm cho khuynh hướng thực chứng luận (positivistic) của tư tưởng duy nghiệm. Ví dụ, ông viết:
Như chúng ta phải công nhận, thuyết duy tự nhiên kinh nghiệm luận phát sinh từ những động cơ đáng được khen ngợi nhất. Đối lập lại với tất cả “các ngẫu tượng”, với những quyền lực của truyền thống và sự mê tín, với những thiên kiến thô thiển lẫn những thiên kiến đã được tinh lọc của mỗi loại quyền lực, nó là một khuynh hướng thực hành nhận thức cấp tiến nhắm đến việc tăng cường quyền hạn của lý tính một cách tự động như là quyền uy duy nhất đối với những sự tra vấn về chân lý. (Các ý niệm I, §19, 35)
Tuy nhiên, điều mà những nhà duy nghiệm sai lầm là việc xem sự cam kết này có nghĩa rằng toàn bộ phán đoán khoa học phải tự nó hạn định vào một mình kinh nghiệm. “Nhà duy nghiệm, do đó, xem khoa học chân chính và khoa học thực nghiệm là như nhau” (Các ý niệm I, 35). Đây là “thiên kiến duy tự nhiên” (naturalistic prejudice) mà Husserl phản đối. Nó loại trừ một cách giáo điều khả năng của tri thức liên quan đến các yếu tính – dĩ nhiên, các yếu tính không thể được giảm trừ thành các hiện tượng tự nhiên, ví dụ, các trạng thái tinh thần. Do đó, theo nhà duy tự nhiên, nghiên cứu về “các ý niệm” là khả hữu – nếu nó khả hữu – ở trong địa giới của tâm lý học. Thế nhưng, mặt khác, “các ý niệm” lại được xem như là những thực thể huyền bí.
Husserl phản đối quan sát cho rằng trong dòng lưu động thường thức của các sự kiện chúng ta dường như không chú ý đến các đối tượng không phải là “những sự vật Tự nhiên”, và có rất nhiều chân lý không đơn thuần là “những vấn đề sự kiện Tự nhiên” (Các ý niệm I, 36). Ví dụ, xét mệnh đề 3 là số nguyên tố. Mệnh đề này có nghĩa hay không? Mệnh đề này có đúng hay không? Nó có được tính là tri thức hay không? Hầu hết các nhà triết học sẽ trả lời ba câu hỏi này theo cách khẳng định. Thế nhưng nó có thể chứng thực về mặt kinh nghiệm được không? Điều này sẽ không xuất hiện. Nó có thể được đặt nền tảng ở trong tâm lý học không? Một lần nữa, hầu hết các nhà triết học sẽ nói theo Husserl rằng điều đó là không (xem chương 1). Do đó, cái mà chúng tôi nêu ra ở đây là một ví dụ về một mệnh đề có nghĩa đối với các đối tượng không thực (ví dụ số 3) mà chân lý của nó không thể chứng thực về mặt kinh nghiệm. Tức là, chúng tôi nêu ra một sự loại trừ mang tính khẳng định về quan niệm của nhà thực chứng rằng tất cả mệnh đề chỉ có nghĩa khi tìm kiếm một sự hợp thức hóa ở trong kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những chân lý toán học như thế hình thành nên một phân lớp các chân lý mà mỗi nhà khoa học thường nghiệm đã nhận thức một cách hàm ẩn. Khẳng định cho rằng các khoa học tự nhiên có một độc quyền về chân lý bắt đầu nhận ra được, tốt nhất là tính không vững chắc này, và tệ nhất là tính thiên kiến rõ rành rành của chúng.
Hơn nữa, tri thức toán học không phải là “khoa học bản chất” duy nhất mà các nhà duy nghiệm đều công nhận một cách hàm ẩn tính hợp lệ của nó. Husserl cho rằng các ngành khoa học tự nhiên cũng sử dụng hình học, lô-gic học, hữu thể học hình thức và hữu thể học cụ thể (Các ý niệm I, §25). Với nhà duy nghiệm, phủ nhận tính hợp thức của các ngành khoa học bản chất như thế đồng nghĩa với việc cắt bỏ những phân nhánh làm nền tảng cho các khoa học của anh ta. Thêm vào đó, việc cảnh cáo các nhà nghiên cứu khác tiến hành nghiên cứu xa hơn về những môn học bản chất có nghĩa là các ngành khoa học tự nhiên đã tự ngăn chặn chúng ra khỏi việc hưởng lợi từ những nghiên cứu như thế có thể mang lại:
[Sự] thù địch đối với các ý niệm chiếm ưu thế, sau cùng, đã phải gây nguy hiểm cho diễn trình của chính các ngành khoa học thực nghiệm, bởi vì, do bởi sự thù địch này, mà việc khai mở bản chất của các ngành khoa học này vẫn còn dang dở và sự kiến tạo có lẽ cần thiết của các ngành khoa học bản chất mới mẻ không thể thiếu đối với diễn trình mà chúng đã bị ngăn cấm này. (Các ý niệm I, 34)
Những hệ quả lúng túng của thiên kiến duy tự nhiên đối với khoa học thường nghiệm không dừng lại ở đó. Husserl cũng tranh luận rằng chính quan niệm về khoa học được tán thành bởi nhà duy nghiệm tự nó là một khuynh hướng triết học hơn là một khuynh hướng thường nghiệm. (Các ý niệm I, §§19-20). Điều đó để nói rằng, khẳng định “tất cả tri thức là mang tính thường nghiệm” tự nó không phải là một khẳng định thường nghiệm; ví dụ, nó không phải là kết quả được lấy ra từ một cuộc thăm dò về tất cả thành phần của tri thức mà chúng ta thực sự sở hữu. Đúng ra nó là một khẳng định về yếu tính của tri thức được diễn tả dựa theo tính phổ biến; nói ngắn gọn, nó là một khẳng định thực sự mang tính triết học. Những nền tảng của nhà duy nghiệm dành cho việc xem xét tri thức triết học như là mang tính mơ hồ, điều này sẽ làm xuất hiện việc, tự chúng là tri thức triết học. Do đó, nếu nhà duy nghiệm nhất quán, anh ta sẽ cố nhịn không chỉ lối sử dụng các khoa học lô-gic và toán học mà còn cả việc khẳng định nguyên lý duy tự nhiên của anh ta – tất cả những điều này là những lời xác nhận “bản chất” của rất nhiều loại khác nhau. Dĩ nhiên, nhà duy nghiệm có lý do đúng đắn để thực sự không kìm lại việc đưa ra những phán đoán bản chất như thế, nhưng nếu vậy, anh ta đã để lộ mâu thuẫn giữa “thuyết thực chứng” công khai của anh ta và thói quen khoa học của mình. (Các ý niệm I, 45).
Những lập luận như thế chống lại một thuyết duy tự nhiên hẹp hòi hay thuyết duy nghiệm hẹp hòi đang phổ biến hiện nay. Trận đấu này, nó đường như đã chiến thắng. Thế nhưng điều này rõ ràng đã đưa nhà duy nghiệm đến với song luận kinh khủng: tránh nguyên lý minh nhiên hoặc từ bỏ sự trợ ứng của các khoa học bản chất. Rõ ràng là không có con đường nào được chấp nhận cả. Ở điểm này, Husserl đi đến một đề nghị táo bạo: thay vì thiêng liêng hóa hoặc khoa học bản chất hoặc nguyên lý làm nền tảng cho các lý thuyết khoa học về mặt thực nghiệm (tức nguyên lý minh nhiên), chúng ta hãy mở rộng ra cùng một nguyên lý đó đối với các khoa học bản chất. Vì, nếu nguyên lý minh nhiên của nhà thực chứng được áp dụng một cách phổ quát, thì sự truy tầm về các yếu tính cũng vậy, đều có thể được định giá ở cấp độ của một khoa học nghiêm ngặt. Do đó, chúng ta hãy đừng hạn chế sự minh nhiên vào kinh nghiệm mà “thay thế bằng một cái gì đó phổ quát hơn: “trực quan” (intuition)” (Các ý niệm I, 31). Trong mọi trường hợp, chúng ta hãy xem cái có thực duy nhất là cái được đem lại ở trong một trực quan minh nhiên, và cái đúng duy nhất là cái có thể được chứng thực ở trong kinh nghiệm lặp đi lặp lại và có thể kiểm nghiệm về mặt liên-chủ thể. Husserl thẳng thừng tuyên bố:
Chúng ta hãy bắt đầu từ những gì có trước mọi lập trường: từ toàn thể địa hạt của bất cứ cái gì được đem lại về mặt trực giác và có trước mọi sự triển khai lý thuyết, từ cái gì mà người ta ngay lập tức nhận ra đều có thể nắm bắt được, nếu duy chỉ người ấy tự mình không bị các thiên kiến bủa vây và đã đón trước được một sự xác minh từ việc nắm bắt toàn bộ những lớp dữ kiện chân thật. Nếu “thuyết thực chứng” tương đương với một sự thiết lập tuyệt đối không mắc phải thiên kiến nào về tất cả khoa học dựa trên “cái xác thực”, tức là, dựa trên cái được nắm bắt như là cái căn nguyên (originaliter), thì chúng ta là những nhà thực chứng chân chính. (Các ý niệm I, 38 và tiếp).
Sai lầm của các nhà thực chứng (các nhà duy tự nhiên) được nhận định như thế, là do họ chưa đủ duy thực chứng, hướng đi của họ là một thuyết thực chứng rời rạc. Nhà thực chứng chân chính là một người chấp nhận tất cả sự minh nhiên, không chỉ là cái được đem lại ở trong kinh nghiệm, tức là ở trong trực quan cảm tính. Một khi sự hạn chế này được dỡ bỏ, tính hợp lệ của cả các ngành khoa học thường nghiệm và các ngành khoa học bản chất đều có thể được nhận ra. Chừng nào các khoa học bản chất thực hiện theo nguyên lý minh nhiên, thì chúng cũng phải được chấp nhận như là những khoa học chân chính.
Làm thế nào yêu sách về sự minh nhiên ở trong những sự truy vấn về yếu tính lại có thể được bắt gặp về mặt thực hành là một vấn đề khác. Chính xác là làm thế nào mà các yếu tính lại trở thành đối tượng và làm đối tượng của một cái nhìn trực quan? Đây là chỗ giao nhau mà ở đó học thuyết nổi tiếng “cái nhìn bản chất” (Wesenserschauung) hay “ý thể hóa” (ideation) của Husserl từng bước lấp đầy mối bất hòa đó. Việc làm sáng tỏ học thuyết này đòi hỏi phải có được một nền tảng khái niệm, và do đó tôi sẽ hoãn lại điều này để trình bày nó tiếp ở trong chương 7. Tuy nhiên, điểm quan trọng ở đây là học thuyết “cái nhìn bản chất” của Husserl đối lập với tất cả các khẳng định giả mạo của cái nhìn huyền bí về những chân lý mật hiệu. Nó được nhắm đến để mô tả một sự kiện mà ở đó sự minh nhiên đang hợp thức hóa được khám phá ra thông qua các mệnh đề toán học, các mệnh đề lô-gic học hay các mệnh đề triết học – và điều này có nghĩa, như chúng ta sẽ thấy, các mệnh đề đặt nền tảng không chỉ ở trong một “cảm thức về sự minh nhiên” (feeling of evidence) hay một “dấu chỉ kiểm thảo huyền nhiệm” (mystic index veri) mà còn ở trong trực quan minh nhiên (evidential intuition). (Các ý niệm I, 40).
Những loại hình khoa học bản chất
Ở mục này, tôi muốn trình bày chi tiết hơn về những loại hình khoa học bản chất đã được Husserl xác định. Các ngành khoa học bản chất về cơ bản khác với các ngành khoa học thường nghiệm. Các ngành khoa học bản chất gồm có 3 loại: (1) “hữu thể học cụ thể” (material ontology) hay còn gọi là “hữu thể học vùng” (regional ontology) (hai thuật ngữ này là tương đương nhau); (2) “hữu thể học hình thức” (formal ontology) và “lô-gic học hình thức” (formal logic); và (3) “các môn học bản chất” (eidetic disciplines) đặt nền tảng nơi những yếu tính thuộc về hai phạm trù trước (ví dụ, toán học, hình học, lý thuyết tập hợp).([14])
(1) “Hữu thể học cụ thể” hay “hữu thể học vùng”: Như tôi đã nhắc đến ở trên, mỗi đối tượng riêng biệt có một Cái gì đó (What) hay, nói theo thuật ngữ chuyên môn, là một “yếu tính cụ thể” (ein sachhaltiges Wesen). Các yếu tính như thế chẳng bao giờ hoàn toàn đứng một mình. Một mặt, có một số các yếu tính khác luôn được hàm ẩn cùng với một yếu tính cụ thể như chúng có thể áp dụng một cách tương đương về cùng một đối tượng. Điều này luôn theo sau một kiểu mẫu các cấp độ đang nảy sinh của tính phổ biến. Ví dụ, trong việc xác định sự vật này như là một con mèo Thái-lan. Dĩ nhiên trường hợp tương đương với nó mà ta có thể xác định nó là một con mèo, một loài động vật, một sự vật sống, và một sự vật vật lý. Tất cả những sự xác định dần trở nên phổ biến này được xem là thuộc về “sự kết hợp bản chất” của yếu tính “con mèo Thái-lan”. Cái mà chúng ta đang lưu ý ở đây là các yếu tính thuộc về những thứ bậc của “chủng loại” yếu tính (species) và “giống loại” yếu tính (genus). Cái thấp nhất, những yếu tính xác định nhất được gọi là “những tính đơn nhất bản chất” (eidetic singularities); cái cao hơn, những yếu tính phổ biến hơn được gọi là “những giống loại” yếu tính (genera); và những yếu tính cao nhất (ví dụ, ý niệm “bất kỳ một sự vật cụ thể nào đó khác nữa”) được gọi là “các chủng loại [yếu tính] phổ quát” (universal species) (Các ý niệm I, §12).
Mặt khác, các yếu tính cũng có thể được giải thích “theo chiều ngang”, như vừa nêu. Với mỗi giống loại yếu tính được hàm ẩn một tập hợp những vị từ bản chất (essential predicates) hay “các phạm trù” (categories) đặc tả một cách tất yếu các đối tượng của sự đa dạng đó. Ví dụ, nếu chúng ta biết rằng một đối tượng là một sự vật vật lý, chắc chắn điều đó cũng muốn nói đến một thực thể với sự định vị không gian-thời gian, các thuộc tính vật lý như hình dạng, màu sắc, v.v... Mỗi mô tả khả hữu về một sự vật vật lý rơi vào cái này hoặc cái kia của “các phạm trù” thuộc về sự kết hợp bản chất của nó. Ngay đây, như Aristotle đã quan sát, các phạm trù chỉ mãi mãi trình hiện ở trong liên hệ giữa chúng với một vài “chất thể” (ousia); nghĩa là, không thể không có cái đang được tô màu mà không có cái gì đó được tô màu cả. Chất thể có một sự ưu việt (lẫn lộn) hơn các vị từ bản chất của nó: không có nó, các vị từ không thể có được. Husserl phân biệt một cách tương tự các đối tượng “trừu tượng” (ví dụ, màu đỏ) với các đối tượng “cụ thể” (ví dụ, xe hơi) dựa vào đó mà chúng tùy thuộc lẫn nhau. Các đối tượng cụ thể cũng được gọi là “những đối tượng tính nền tảng” (primal objectivity; Urgegenstandlichkeiten) (Các ý niệm I 20). Tương tự, “các phạm trù”, hiểu theo nghĩa rộng, được gọi là “giống loại [yếu tính] trừu tượng” (ví dụ, hình dạng không gian) phân biệt với “giống loại [yếu tính] cụ thể” của đối tượng tính nền tảng (ví dụ, sự vật vật lý) (Các ý niệm I, 29). Bất kỳ một giống loại yếu tính cụ thể nào đó cũng đều luôn mang trong nó một bó các giống loại yếu tính trừu tượng.
Theo Husserl, và ngược lại với cái mà chúng ta có thể kỳ vọng, không có trường hợp mọi đối tượng cá biệt được xếp vào một giống loại bao quát đơn lẻ. Dựa vào mỗi đối tượng cá biệt người ta chọn cách bắt đầu việc trèo lên thang độ của tính phổ biến, qua đó có thể đưa đến một vài chóp đỉnh bất kỳ nào đó. Ở mỗi chóp đỉnh này, người ta tìm thấy một “giống loại cụ thể cao nhất” hay, cái mà Husserl gọi là “yếu tính vùng” (regional essence) (Các ý niệm I, 18). Nói cách khác, có rất nhiều “vùng” (Regionen).([15]) Khoa học khiến cho mỗi một vùng này tương thích với một khoa học bản chất được gọi là một “môn hữu thể học vùng” hay “hữu thể học vùng” (Các ý niệm I, §9).
Hữu thể học vùng làm sáng rõ sự kết hợp bản chất của yếu tính vùng. Theo đúng với các quy luật được mô tả ở trên, hữu thể học vùng xác định những thứ bậc của giống loại yếu tính và chủng loại yếu tính được sắp xếp có thứ tự bên dưới giống loại yếu tính cụ thể cao nhất hoặc “yếu tính vùng” nằm bên dưới “các tính đơn nhất bản chất”, chúng là những cái phổ quát đặc biệt nhất có thể áp dụng đối với các đối tượng cá biệt trong phân vùng. Nó cũng xác định tập hợp duy nhất của “các phạm trù vùng” mà yếu tính vùng mang trong nó, tức là các phạm trù có thể áp dụng một cách phổ quát và một cách duy nhất đối với các đối tượng cụ thể thuộc về phân vùng ấy. (“Các phạm trù” này cũng được gọi là “những khái niệm nền tảng” của phân vùng đó). Theo Husserl, những phạm trù này sản sinh nên tri thức “tổng hợp tiên nghiệm” được đề ra bởi Kant (Các ý niệm I, §16). Do đó, hữu thể học vùng xác định cái có thể được biết đến một cách tiên nghiệm của phân vùng tồn tại đó, và vì thế xác định các khái niệm và các quy luật chi phối (các) khoa học thường nghiệm vận hành trong cùng phân vùng này. Ví dụ, “tự nhiên” là một yếu tính vùng và hữu thể học vùng thuộc về nó. Khoa học bản chất về tự nhiên, nghĩa là hữu thể học về tự nhiên, cung cấp những sự nhận thức “thuần túy” hay những sự nhận thức “hữu lý” làm nền tảng cho các khoa học thường nghiệm về phân vùng tự nhiên. Hữu thể học vùng về tự nhiên làm sáng tỏ các phạm trù “thuộc tính vật lý”, “mối quan hệ vật lý” v.v... áp dụng cho đối tượng tính nền tảng là “sự vật vật lý” (Các ý niệm I, 20).
(2) “Hữu thể học hình thức” và “lô-gic học hình thức”. Như được nhắc đến ở trên, mỗi đối tượng cá biệt có một “yếu tính vùng” đặt nó vào trong một phân vùng này hoặc phân vùng khác. Nhưng, thêm vào đó, mỗi đối tượng cá biệt cũng có một “hình thức” hay “yếu tính hình thức”.([16]) Hình thức của mỗi đối tượng đơn thuần là ý niệm “đối tượng” hay ý niệm “bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa” (Các ý niệm I, 26). Yếu tính hình thức “bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa” không thuộc về bất kỳ đâu cả ở trong vô số thứ bậc của các yếu tính cụ thể.([17]) Các yếu tính hình thức siêu việt khỏi tính phổ biến.([18]) Vì thế, mặc dù trước thực tế rằng yếu tính “bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa” xuất hiện cho một giống loại kiểu như “bất kỳ đối tượng cụ thể nào đó khác nữa”, trên thực tế nó không phải là một yếu tính cụ thể nói chung. Yếu tính “bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa”, do đó, không phải là giống loại cao nhất mang tất cả những phân vùng của sự vật vào dưới một cái đứng đầu cả. Tính đa đạp của các phân vùng vẫn là không thể giảm trừ.
“Hữu thể học hình thức” là khoa học nghiên cứu về những tính khả hữu bản chất và các quy luật liên quan đến “bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa”, tức là, bất kỳ cái gì đó như thể nó là một đối tượng, chẳng hề chịu ảnh hưởng phân vùng của nó. Ngược lại, với “các yếu tính cụ thể” thuộc về hữu thể học vùng, hữu thể học hình thức chỉ bao gồm duy nhất “các yếu tính hình thức” mà thôi. Mỗi khoa học thường nghiệm, Husserl nhận định, bị giới hạn bởi các cấu trúc và các quy luật của “hữu thể học hình thức”, như thể nó bị giới hạn bởi “hữu thể học vùng” tương ứng. Ngay từ lúc đầu thật khó để hình dung cái có thể nói được một cách có nghĩa rằng nó sẽ có thể áp dụng đối với bất kỳ đối tượng nào đó khác nữa cho đến khi người ta nhận ra rằng nó nằm bên dưới phạm trù hình thức “đối tượng” mà các đối tượng cá biệt đi vào trong các quan hệ lô-gic, ví dụ các quan hệ của “giống loại yếu tính và chủng loại yếu tính”, “phổ quát và đặc thù”, “thành phần và toàn thể”, v.v. Nói cách khác, “các yếu tính hình thức” không là gì khác hơn ngoài “các hình thức lô-gic” (logical forms). Vì thế, Husserl xem hữu thể học hình thức và lô-gic học thuần túy là một và như nhau: “hữu thể học hình thức” chẳng có nghĩa gì khác hơn ngoài “lô-gic học thuần túy hiểu theo sự mở rộng hoàn bị của nó như là một khoa học phổ quát (mathesis universalis)” (Các ý niệm I, 21).([19]) Các quan hệ lô-gic vừa được nhắc đến, cùng với các hình thức lô-gic khác như “đối tượng”, “con số”, “thuộc tính”, “chiểu sự”, tạo ra “các hình thức lô-gic” hay “các phạm trù” đã được nghiên cứu dưới đề mục “lô-gic học hình thức”.
Điều cần phải lưu ý ở đây rằng định nghĩa “lô-gic học hình thức” này không tương đương với cách mà thuật ngữ ấy được sử dụng một cách rộng rãi như ngày nay. “Lô-gic học hình thức”, theo nghĩa hiện nay, đã xuất hiện trong phân tích của Husserl về các khoa học bản chất, nhưng dưới một cái tên khác biệt: “lô-gic học tự thân” (apophantic logic). Đây là hệ quả của thực tế rằng, Husserl phân biệt các hình thức lô-gic tự thân với các hình thức mệnh đề qua đó chúng được biểu đạt về mặt ngôn ngữ. Ví dụ, ông tiến hành phân biệt hình thức câu “S là P” từ hình thức lô-gic của đối tượng đã được gắn kết tương ứng, tức là chiểu sự S là P. Khoa học bản chất hiến mình cho cuộc nghiên cứu về các hình thức mệnh đề trong quyền hạn của riêng chúng được gọi là “lô-gic học tự thân”, và đây là cái mà ngày nay chúng ta thường hay gọi bằng thuật ngữ “lô-gic học hình thức”. Trong bất kỳ trường hợp nào đó, Husserl nhận ra rằng (về mặt ý thể) có một sự tương đương giữa tập hợp các phạm trù lô-gic và tập hợp các hình thức mệnh đề hay “các phạm trù biểu nghĩa”; cái này “soi” cái kia (Các ý niệm I, 22 và tiếp). Và, bởi vì lô-gic học tự thân và lô-gic học hình thức cùng chia sẻ một kết nối thân tín như thế nên Husserl đã đặt chúng cùng chung với nhau dưới đề mục “hữu thể học hình thức mang một ý nghĩa đầy đủ toàn diện” (Các ý niệm I, 22).
(3) “Các môn học bản chất”. Hữu thể học cụ thể và hữu thể học hình thức cùng sản sinh nên rất nhiều các môn học “chuẩn xác” hay các môn “toán học” bổ trợ. “Các phạm trù” nhất định thuộc về các hữu thể học cụ thể nhất định tương đương với “các môn học bản chất cụ thể” (Các ý niệm I, §72; tham khảo thêm Các nghiên cứu lôgic I, Sơ luận §70). Ví dụ, liên quan đến yếu tính vùng “sự vật vật lý”, phạm trù “sự xác định không gian” cung cấp một khái niệm nền tảng dành cho khoa hình học bản chất. Tương tự, “các phạm trù” nhất định của phân vùng hình thức tương đương với “các môn học bản chất hình thức”. Ví dụ, phạm trù hình thức “lượng” cung cấp khái niệm nền tảng dành cho khoa số học bản chất. Có rất nhiều những môn học bản chất được phái sinh từ “các yếu tính hình thức” tạo nên một kết cấu được mở rộng cho một khoa học phổ quát. (Các ý niệm I, 18)
Giống như hữu thể học cụ thể bị chi phối bởi hữu thể học hình thức, vì thế các môn toán học hình thức chi phối các môn toán học cụ thể. Do đó, các môn toán học hình thức có thể áp dụng một cách phổ quát vào các môn toán học cụ thể, và các môn toán học cụ thể, cứ thế, có thể áp dụng một cách phổ quát vào phạm vi của các sự thể đặc thù nằm bên dưới phân vùng đó. Theo cách này, về nguyên tắc, tất cả các khoa học được đặt nền tảng nơi những khoa học bản chất nền tảng hơn của hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng. Ở trong các môn học bản chất này khoa học bản chất quyết đáp một cách rõ ràng nhất những sự cáo chung của khoa học thường nghiệm.
Bất kể những sự tương liên bản chất giữa các môn học bản chất và hữu thể học, có rất nhiều môn học bản chất (bao gồm cả lô-gic học tự thân) đã hướng đến việc phân lập và trở thành các khoa học độc lập. Husserl không cần các nhà triết học phản đối lại sự phân chia lao động này (Các nghiên cứu lôgic I, Sơ luận §71). Ông luôn cho rằng, các nhà toán học đều rất thông minh trong công việc kỹ thuật xây dựng và đã xác quyết nên ở trong đó các môn học bản chất. Tuy nhiên, vẫn còn lại công việc của triết học, đó là nghiên cứu và bảo vệ vấn đề của các khoa học bản chất nền tảng, hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng. Do đó:
[Triết học] không tìm cách xen vào công việc của một nhà chuyên môn mà nó tìm cách để có được một cái nhìn thấu suốt về ý nghĩa cũng như bản chất của phương pháp và cách thức thực hiện của anh ta. Nhà triết học không bằng lòng với một thực tế mà ở đó chúng ta tìm kiếm con đường đi của chúng ta trong một thế giới khi nó đã có các công thức được lập định có thể cho phép chúng ta vẽ ra sự lưu động ở trong tương lai của các sự vật, hay có thể kiến tạo lại nguồn gốc quá khứ của chúng; mà anh ta muốn giải minh yếu tính của một sự vật, sự kiện, nguyên nhân, kết quả, không gian, thời gian, v.v... cũng như mối quan hệ kỳ diệu mà yếu tính của sự vật liên đới với yếu tính của tư duy chúng ta, nhờ đó mà nó được đem lại ở trong tư duy, với yếu tính của tri thức nhờ đó mà nó có thể được biết đến, với yếu tính của ý nghĩa nhờ đó mà nó có thể có nghĩa, v.v... (Các nghiên cứu logic I, 245)
Thông qua công cuộc nghiên cứu truy tầm một cách triệt để ở trong hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng, nhà triết học nhờ đó đã tìm cách mang sự rõ ràng, thống nhất và nghiêm ngặt khoa học vào những nền tảng của nỗ lực khoa học xét như một chỉnh thể - bao gồm cả các môn học thường nghiệm lẫn các môn học bản chất – từ đó để hoàn tất những thành tựu của triết học.
Hiện tượng học như là khoa học bản chất của “phân vùng nền tảng” (Ur-region)
Vậy hiện tượng học khớp vào đâu ở trong bức tranh này? Theo Husserl, triết học và hiện tượng học không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Triết học, như tôi đã nói đến, có liên hệ với hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng. Mối liên hệ của nó là để đảm bảo cho các yếu tính và các tiên đề mà công việc của các môn học thường nghiệm có thể dựa vào đó để làm cơ sở. Rõ ràng, điều này đề ra một dự án có hệ thống mang tên “trực quan ý thể hóa” (ideational intuition), một dự án “cái nhìn bản chất”, qua đó tự thân các yếu tính được trực nhận một cách minh nhiên (Các nghiên cứu lôgic I, 238). Nhưng, theo nghĩa dễ hiểu và triệt để hơn, các yếu tính của hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng chỉ có thể được nghiên cứu ở trong bối cảnh của một hiện tượng học xem toàn thể phạm vi của ý thức như là phạm vi nghiên cứu của nó (Các ý niệm I, 32). Chỉ thông qua nghiên cứu hiện tượng học thì các khái niệm cơ bản của hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng mới có thể hiểu được. Vấn đề hữu thể học đưa trở lại địa giới hiện tượng học, tức phân vùng ý thức (Các nghiên cứu lôgic I, 237 và tiếp).([20]) Husserl viết:
Triết học đích thực... đặt nền tảng nơi một hiện tượng học thuần túy; và việc đặt nền tảng nơi hiện tượng học thuần túy này được hiểu theo một nghĩa rất quan trọng rằng việc thực hiện và thiết lập nền tảng nghiêm ngặt một cách có hệ thống về điều kiện tiên quyết của toàn bộ triết học đích thực là điều kiện tiên quyết không ngừng nghỉ đối với mỗi siêu hình học và các triết học khác “để có thể khiến cho sự biểu hiện của nó được coi như là một khoa học”. (Các ý niệm I, xxii)
Trích dẫn trong đoạn văn trên đây lấy từ Phê phán lý tính thuần túy của Kant, theo một dạng tương tự là để chuẩn bị cách thức dành cho các môn học thường nghiệm và các môn triết học chủ đạo tiến hành đề ra một lý thuyết hay một cuộc “phê phán” lý tính. Thế nhưng, Husserl ngay lúc này đây đã nhắm đến nhiệm vụ của một cuộc “phê phán” hiện tượng học về ý thức siêu nghiệm
... khoa học có chức năng duy nhất tạo ra một cuộc phê phán về toàn bộ các khoa học khác và đồng thời về chính nó không gì khác ngoài hiện tượng học... Do đó, hiện tượng học bao gồm toàn bộ sự nhận thức bản chất (nghĩa là hợp lệ một cách phổ quát và vô điều kiện) nhờ đó mà những vấn đề cơ bản của “tính khả hữu” có liên quan đến bất kỳ một khoa học và sự nhận thức nào được nhắc đến cũng đều có thể được giải quyết. Khi áp dụng hiện tượng học, tính tất yếu cốt lõi mà nó tạo ra là một phê phán định giá tối hậu về mỗi khoa học đặc thù riêng biệt; và vì thế, cụ thể, nó xác định ý nghĩa “tồn tại” sau cùng của các đối tượng của nó và sự giải minh nền tảng về những phương pháp của nó. Theo đó, có thể hiểu rằng, hiện tượng học, nói như thế, là một nỗi hoài hương thầm kín của tất cả triết học hiện đại. (Các ý niệm I, 141 và tiếp).
Tôi sẽ bàn kỹ hơn về bản chất của chiều kích “phê phán” này của hiện tượng học ở chương tiếp theo. Tuy nhiên, tóm lại, tôi muốn trở lại với “hai hệ trục” như đã nhắc đến ở phần đầu của chương 2 này.
Từ những lưu ý trên, qua đó việc ý niệm “hiện tượng học” của Husserl xuất hiện có thể khiến người ta nghĩ rằng nó đã đưa ông trở lại khuynh hướng duy tâm lý học mà ông đã rất hăng hái phê phán: nỗ lực thiết đặt nền tảng cho triết học, lô-gic học và toán học theo một khoa học về ý thức. Tuy nhiên, khoa học về ý thức được đề xuất bởi Husserl là một loại hình khoa học mới mẻ, về cơ bản nó có “một điểm khởi đầu hoàn toàn mới”. Do đó, Husserl nhấn mạnh rằng hiện tượng học và tâm lý học là hai ngành khoa học hoàn toàn phân lập với nhau.([21]) Ông phân biệt hiện tượng học với ngành khoa học tự nhiên quen thuộc này về ý thức [tức tâm lý học] ở hai khía cạnh. Thứ nhất, tâm lý học xem xét ý thức như thể nó là một hiện tượng có thực. Ngược lại, hiện tượng học nghiên cứu ý thức như thể nó là một hiện tượng siêu nghiệm, là nguồn gốc của toàn bộ tính đối tượng. Sự phân chia của cái sau so với cái trước là công việc của “quy giản siêu nghiệm” hay “quy giản hiện tượng học” mà tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn ở hai chương tiếp theo. Thứ hai, hiện tượng học và tâm lý học khác nhau theo cùng một cách mà hình học khác với vật lý học: hiện tượng học gắn với các cấu trúc bản chất của địa hạt ý thức, trong khi đó tâm lý học gắn với các quy luật thường nghiệm. Do đó, ngoài việc trở thành một khoa học siêu nghiệm, hiện tượng học tự nó cũng là một khoa học bản chất (Các ý niệm I, xx-xxi): nghĩa là, “một lý thuyết bản chất về các quá trình tinh thần [Erlebnisse]” (Các ý niệm I, 161). Như vậy tự nó liên quan đến một sự giải minh về các ý niệm kiểu như “ý hướng tính”, “đối tượng ý hướng”, “tri giác”, “phản tư”, “trực quan”, “minh nhiên”, “lý tính” v.v. Quả thật, hiện tượng học thậm chí có thể được gọi là hữu thể học vùng của ý thức (siêu nghiệm).([22])
Tuy nhiên, từ cái vừa mới được nói đến, rõ ràng rằng theo Husserl, khoa học (bản chất) của ý thức (siêu nghiệm) không thể chỉ là một hữu thể học vùng của phân vùng đó. Trong một chiều hướng đáng chú ý, khoa học bản chất của phân vùng này làm nền tảng cho một dự án hoàn toàn mang tính triết học, tức hữu thể học hình thức và hữu thể học vùng. Địa hạt của ý thức siêu nghiệm là “một phân vùng mà nhờ đó tất cả các phân vùng tồn tại khác có được cơ sở” (Các ý niệm I, 171). Do đó, phân vùng của ý thức siêu nghiệm đủ tư cách để có được vị thế của một “phân vùng nền tảng” (Ur-region) (Các ý niệm I, 171); và khoa học bản chất của phân vùng này được chào đón như là khoa học nguyên ủy nhất của tất cả khoa học, hay nói đơn giản là: “đệ nhất triết học” (Các ý niệm I, 148).
(còn nữa)
Phạm Tấn Xuân Cao dịch
Dịch từ Husserl: A Guide for the Perplexed, 2006, Continuum
([1]) Dorian Cairns, Đàm luận với Husserl và Fink (Conversation with Husserl and Fink), The Hague: Martinus Nijhoff, 1976, tr.106.
([2]) Husserliana, tập 1 đến tập 26 (The Hague: Martinus Nijhoff, 1950-88); tập 27 đến tập 37 (Dordrecht: Kluwer, 1988-2004).
([3]) Ví dụ, Paul Natorp đã khẳng định như thế trong bài điểm sách của ông về Các nghiên cứu lôgic học trên Kantstudien VI (1901): 270-83. Bản dịch của bài điểm sách này có thể được tìm thấy ở trong J. N. Mohanty (chủ biên), Những cách đọc về Các nghiên cứu lôgic học của Husserl (Readings on Husserl's Logical Investigations), The Hague: Martinus Nijhoff, 1977, tr.55-66.
([4]) Xem Gottlob Frege, Những nền tảng của số học: Một nghiên cứu toán học-lô-gic học về khái niệm số (The Foundations of Arithmetic: A Logico-Mathematical Enquiry into the Concept of Number, ấn bản lần 2), J. L. Austin dịch (Oxford: Blackwell, 1980) và Những quy luật cơ bản của số học: Một sự triển khai có hệ thống (Basic Laws of Arithmetic: An Exposition of the System), Montgomery Furth dịch (Berkeley, CA: University of California Press, 1964).
([5]) Tuy nhiên, J. N. Mohanty trong bài viết “Husserl, Frege và sự khắc phục thuyết duy tâm lý học” (Husserl, Frege and the overcoming of psychologism) khẳng định một cách dứt khoát theo quan điểm của mình rằng những phê phán của Frege không tác động mạnh đến Husserl như người ta thường nghĩ vậy. Quả thật, “thuyết duy tâm lý học” tự chẩn đoán (self-diagnosed) của Husserl chưa bao giờ là đầy đủ ngang với tính đa dạng của thuyết duy tâm lý học mà ông đã phê phán trong Các nghiên cứu lôgic học, in trong Tính khả hữu của triết học siêu nghiệm (The Possibility of Transcendental Philosophy) (Dordrecht/London/Lancaster: Martinus Nijhoff, 1985), tr. 1-11).
([6]) Đây là một tiêu điểm thường lặp đi lặp lại trong các bài viết của Husserl; ví dụ, từ những bài giảng vào năm 1925:
những cái không thực (irreal) như thế, hay người ta cũng nói về chúng như là các đối tượng ý thể (ideal objects), xét theo tính đơn lập đồng nhất về mặt số lượng của chúng, làm cơ chất (substrate) cho các phán đoán đúng hoặc sai ngang với những sự vật có thực; ngược lại “đối tượng” theo nghĩa lô-gic rộng nhất chẳng có nghĩa gì khác hơn ngoài bất kỳ điều gì đó nói chung có liên quan đến cái mà các phát biểu có thể được tạo ra về mặt ý nghĩa và đúng đắn (Tâm lý học hiện tượng học: Những bài giảng, Giảng khóa mùa hè, 7925, John Scanlon dịch [The Hague: Martinus Nijhoff, 1977], tr. 15).
([7]) Về phân tích liên quan đến quan niệm có tầm ảnh hưởng của Lotze về “tính hợp lệ” và mối quan hệ của nó với phê phán thuyết duy tâm lý học, xem Daniel O. Dahlstrom, Quan niệm của Heidegger về chân lý (Heidegger's Concept of Truth), Cambridge: Cambridge University Press, 2001, tr. 29-47.
([8]) Xem Martin Heidegger, Tồn tại và thời gian (Being and Time), John Macquarrie và Edward Robinson dịch (Oxford: Blackwell, 1962), tr. 198 và tiếp, 259 và tiếp, và một vài nơi khác.
([9]) Theo Dallas Willard, thực sự theo cách trình bày về quan niệm này thì Husserl đã đi vào địa giới được nhìn ngắm bởi các nhà lô-gic học trứ danh trong truyền thống triết học “phân tích”. Xem Dallas Willard, Nghịch lý của thuyết duy tâm lý học lô-gic: một Husserl khác (The Paradox of Logical Psychologism: Husserl's Way Out), trong Mohanty (chủ biên), Những cách đọc về Các nghiên cứu lôgic học của Husserl, tr. 43-54.
([10]) Để tránh làm rối rắm hơn ở điểm này, dường như tôi đang bỏ qua lời đáp lại có thể có khác đối với phương pháp của Husserl, xem nó như đang rơi trở lại thuyết duy tâm lý học dựa trên những nền tảng phân lập đã nhắc đến ở trên. Những sự phản đối xa hơn này, liên quan đến vị thế “bản chất” (eidetic) của những phân tích tâm lý học trong bản văn, đã được giải minh ở trong ấn bản lần thứ 2 (1913) của Các nghiên cứu lôgic học. Tôi sẽ thảo luận những điều này ở Chương 7.
([11]) Thuật ngữ “tâm lý học mô tả” (descriptive psychology) xuất phát từ tác phẩm của những người thầy Husserl, Franz Brentano và Carl Stumpf.
([13]) Edmund Husserl, “Triết học như là khoa học nghiêm ngặt” (Philosophy as rigorous science), trong Hiện tượng học và cuộc khủng hoảng của triết học (Phenomenology and the Crisis of Philosophy), Quentin Lauer dịch (New York: Harper & Row, 1965), tr.79.
([14]) Người đọc nào muốn vượt qua được những sự phân biệt khái niệm khó hiểu này sẽ tìm thấy một ghi chú hữu ích về chúng ở trong tác phẩm của Emmanuel Levinas, Lý thuyết về trực quan trong hiện tượng học Husserl (The Theory of Intuition in Husserl's Phenomenology), Andre Orianne dịch (Evanston, IL: Northwestern University Press, 1995), Chương 6, Trực quan yếu tính (The intuition of essences).
([15]) Làm thế nào con số và tính đồng nhất của các phân vùng được xác định là một vấn đề rất phức tạp. Về thảo luận chi tiết liên quan đến những vấn đề này xem Kinh nghiệm và phán đoán, §§92-93. Những phân vùng được nhắc đến gồm: tự nhiên, sự vật vật lý, ý thức, tâm lý, yếu tính, sự biểu nghĩa, động vật, con người, sự hình thành văn hóa (ví dụ, nhà nước, pháp luật, gia đình, nhà thờ). Tuy nhiên, theo cách hiểu của tôi, Husserl chưa bao giờ đề ra một danh sách dễ hiểu về các phân vùng này, và chắc hẳn cũng không ai có được những biểu mục về những phạm trù tương ứng của chúng cả. Đây là một nhiệm vụ chưa giải quyết xong, và người ta tích cực lựa chọn câu trả lời nơi các cộng sự của Husserl. Điều phức tạp hơn cả là cách thức qua đó vô số phân vùng dường như được “thấm nhập” lẫn nhau (Các ý niệm I, §152).
([16]) Sự phân biệt giữa các hình thức và các giống loại yếu tính đã được Husserl thảo luận ở trong Các ý niệm I, §13. Một yếu tính cụ thể (ví dụ, “đỏ”) được coi là “xếp vào” một cái đặc thù/cái cá biệt (miếng vá màu đỏ), là “thuộc về” một giống loại yếu tính (“màu sắc”, “chất tính cảm giác”), và là “sự làm cho trở nên đơn nhất” hay “sự làm cho trở nên cụ thể” của một hình thức (ý niệm “yếu tính”).
([17]) Theo lý do này, nói thẳng ra sẽ không thích hợp để nói đến “phân vùng hình thức”. Tuy nhiên, Husserl liên tục sử dụng biểu thức này: xem Các ý niệm I, §10.
([18]) Về thảo luận chi tiết hơn liên quan đến điểm này, xem Levinas, Lý thuyết về trực quan trong hiện tượng học Husserl, tr.3-4 và tr.77-8.
([19]) Husserl chỉ ra cho người đọc ở trong Các nghiên cứu lôgic I, Sơ luận §§62-72 về một sự mở rộng liên quan đến ý niệm “lô-gic học thuần túy” (đặc biệt xem các tiết §§65-69). Mặc dù rõ ràng ông đặt nó cạnh sự giải thích trước đây của ông về ý niệm “lô-gic học thuần túy”, một so sánh ngắn gọn sẽ cho thấy rằng trong thời kỳ giữa (từ năm 1900 đến năm 1913), sự phân loại của ông về rất nhiều khoa học đã càng ngày càng phức tạp hơn sự phân loại được đề ra trong Các nghiên cứu I, Sơ luận §64.
([20]) Cũng nên xem Edmund Husserl: Các ý niệm hướng định cho một môn hiện tượng học thuần túy và triết học hiện tượng học: Hiện tượng học và nền tảng của các khoa học (Ideas Pertaining to a Pure Phenomenology and a Phenomenological Philosophy: Phenomenology and the Foundation of the Sciences) (Quyển 3) do Ted E. Klein and William E. Pohl dịch (The Hague: Martinus Nijhoff, 1980), tr.65-79. Heidegger đã đưa ra cùng một dự án này dưới tiêu ngữ “cuộc truy vấn về ý nghĩa của tồn tại”, tuyên bố rằng “duy chỉ có hiện tượng học mới có thể là hữu thể học” (Martin Heidegger, Tồn tại và thời gian, John Macquarrie và Edward Robinson dịch [Oxford: Basil Blackwell, 1962], tr.19 and tr.60).
([21]) Husserl trình bày vấn đề về mối tương quan giữa hiện tượng học và tâm lý học này rất dài và ở nhiều nơi. Tuy nhiên, để liên hệ đến với chủ đề của chương này tôi muốn đề nghị người đọc nào quan tâm nên tham khảo thêm Các ý niệm III, chương 2.
([22]) Mặc dù Husserl không nói rằng hiện tượng học là một hữu thể học vùng theo nhiều cách khác nhau, chúng ta có thể giả định điều này từ thực tế rằng ông mô tả ý thức siêu nghiệm như là “một phân vùng mới của sự vật mà trước đó chẳng bao giờ bị giới hạn ở trong tính riêng biệt của nó, một phân vùng, giống như bao phân vùng chân thật khác, là một phân vùng của sự vật cá biệt” (Các ý niệm I, 63 và tiếp) và nhắm đến hiện tượng học như là “môn học bản chất cụ thể” của nó (Các ý niệm I, 164).
tin tức liên quan
Videos
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529371
2114
2304
21644
216067
0
114529371