Những góc nhìn Văn hoá

Những cuộc tiếp xúc với "vua lửa, vua nước" ở Tây Nguyên qua các nguồn sử liệu

Thông qua các nguồn sử liệu của Việt Nam, chủ yếu Đại Nam thực lục (Tập 1 và Tập 2), Đại Nam liệt truyện (Tập 2), và nguồn sử liệu ghi chép trong thời Pháp thuộc cũng như thời kỳ hiện đại, bài viết trình bày sự tiếp xúc giữa người dân Việt và người phương Tây với cư dân Hỏa Xá, Thủy Xá và một số gặp gỡ trực tiếp với Vua Lửa, Vua Nước. Qua mô tả trực tiếp những cuộc tiếp xúc này, có thể hình dung được không gian sinh sống (khu vực nằm giữa Bản Đôn và Kontum), đời sống vật chất và tín ngưỡng của cư dân Hỏa Xá, Thủy Xá thời kỳ Đại Việt, kể từ Lê Thánh Tông và sau này là thời kỳ các Chúa Nguyễn, Vua Nguyễn, cho đến thời hiện đại.

 

Danh xưng “Vua Lửa 火王”, “Vua Nước 水王” hay Hỏa Xá 火舍, Thủy Xá 水舍 đã được đề cập đến trong các cuốn biên niên lịch sử Việt Nam. Ở thời kỳ Cận - Hiện đại số lượng sách vở ghi chép, nghiên cứu về vấn đề này khá nhiều, đặc biệt những cuốn sách liên quan đến các cuộc thám hiểm vùng núi Đông Dương và công trình nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Thủy Xá Hỏa Xá cũng là vấn đề được nghiên cứu trong nhân học, dân tộc học thời kỳ Mỹ chiếm đóng và được một số học giả tiếp tục nghiên cứu, khảo sát cho đến hiện nay. Hai công trình nổi tiếng viết rất sâu về người Jarai và không gian quyền lực của Vua Lửa, Vua Nước là cuốn Rừng người Thượng của Henry Maitre xuất bản lần đầu năm 1912 và Pơtao một lý thuyết quyền lực của người Jorai Đông Dương xuất bản lần đầu năm 1977 của Jacques Dournes đã khảo cứu gần như tất cả những công trình quan trọng nhất viết về vấn đề này cùng những bình luận sâu sắc và cặn kẽ. Trong bài viết này chúng tôi muốn tập trung vào nguồn sử liệu mô tả các cuộc tiếp xúc trực tiếp đối với khu vực sinh sống của Vua Lửa, Vua Nước, qua đó hiểu rõ hơn về nơi cư trú, về đời sống sinh hoạt, và đặc biệt là về mối quan hệ giữa họ với chính quyền đương thời và ảnh hưởng của họ đối với xã hội và các nền văn hoá xung quanh.

 

1. Tiếp xúc giữa người Việt với Thủy Xá - Hỏa Xá thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn

Đại Nam thực lục và Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép rất cụ thể về việc tiếp xúc trực tiếp giữa người Việt với sứ giả của Vua Lửa,Vua Nước hoặc tiếp xúc trực tiếp với hai vị vua này, đặc biệt vào thời Minh Mạng. Vào năm Canh Thìn (1470), vua Lê Thánh Tông cất binh đánh nước Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, đuổi tướng Bô Trì Trì về phía nam Thạch Bi sơn (núi Đá Bia nằm giữa Phú Yên và Khánh Hoà). Chạy vào đến Phan Lung (Panduranga, nay là Phan Rang), Bô Trì Trì biết không chống được, vua Chiêm phải xin hàng, sai sứ sang cống. Vua Lê Thánh Tông y cho. Nhằm giảm bớt thế lực nước Chiêm Thành, vua chia đất Chiêm Thành làm ba: Từ Phan Lung (Panduranga, nay là Phan Rang) vào phía Nam là Chiêm Thành, do Bô Trì Trì cai quản; từ Phan Lung ra đến Thạch Bi sơn là Hoa Anh giao cho em Trà Toàn là Trà Toại cai quản; từ Thạch Bi sơn ra đến Đồ Bàn là Nam Bàn (còn gọi là Nam Phan hay Nam Phiên). Một số sách chép rằng miền thượng du nước Nam Bàn có hai “nước” là Thủy Xá và Hỏa Xá, vua muốn hai nước ấy cũng phải triều cống như Chiêm Thành nhưng vì đường xá hiểm trở, không thể tiếp cận nên việc Nam Bàn vẫn để ngỏ….Sách của chính quyền Pháp xuất bản năm 1931 cũng cho rằng cả ba nước này đều là phiên thuộc của Đại Việt từ thời Lê Thánh Tông (Exposition colonial international, 1931, 87). Như vậy danh xưng Thủy Xá, Hỏa Xá gắn liền với nước Nam Bàn, có từ thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên ở vào thời gian này sự tiếp xúc giữa họ với người dân Đại Việt không được ghi chép cụ thể.

Theo Đại Nam thực lục, vào buổi đầu chúa Nguyễn Hoàng khai khẩn vùng Phú Yên,[1] (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Tập 1, 28) mối quan hệ với Thủy Xá - Hỏa Xá đã thiết lập “Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến. Đến năm 1711, sứ giả của Nam Bàn (nơi có Hoả quốc) đã liên hệ với Chúa Nguyễn Phúc Chu, nhờ Chúa cử binh giúp thu thuế trong địa hạt “[Năm Tân Mão, 1711] Đôn vương và Nga vương ở hai rợ man Nam Bàn và Trà Lai (sau gọi là Gia Lai (Jarai), giáp giới Phú Yên và Bình Định, hình như thuộc về Hỏa quốc, nhưng không lấy làm đích xác) sai sứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu đóng thuế, nên không lấy gì để cống, xin phát quân ra oai. Chúa cho rằng ký thuộc là Kiêm Đức (không rõ họ) đã từng đi chiêu dụ hai rợ Man, quen hiểu thói Man, nên cho đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ, lại lấy nghĩa kẻ trên người dưới khuyên bảo dân Man, định ra thuế lệ, khiến phải nộp cho Man trưởng. Người Man không ai không theo mệnh” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Tập 1, 110).

Đến năm 1751, sự tiếp xúc giữa Đại Việt và Thủy Xá Hỏa Xá đã mang tính thường xuyên, theo ghi chép của Đại Nam thực lục “[Năm 1751], Thủy Xá, Hỏa Xá vào cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn… thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy Xá ở phía đông núi, vua Hỏa Xá ở phía tây núi... Tới đây sai sứ sang cống. Chúa hậu tứ rồi cho về” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Tập 1, 138). Đến thời Tây Sơn việc cống nạp ngừng trệ. Đến đời Gia Long, tỉnh Phú Yên cứ ba năm một lần tiếp sứ hai nước  đến nộp cống phẩm.

Đại Nam liệt truyện dành một thiên ghi riêng về quan hệ triều Nguyễn với hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá. Theo đó, ngay khi Minh Mệnh lên ngôi, Vua Hoả Xá là Ma Ất sai sứ xuống cống nộp ở đồn Phú Sơn. Ma Ất chết, em là Ma Mô lên ngôi sớm bị bệnh qua đời, em kế là Ma Lam nối quyền nhưng không tìm được sứ giả biết đường lên Phú Yên cống nộp (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Tập 2, 622). Năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng thấy hai nước không triều cống sai viên đội tỉnh Phú Yên là Nguyễn Văn Quyền tìm cách đến tận nơi đất Hoả Xá Thuỷ Xá để kiểm tra. Ông Nguyễn Văn Quyền lặn lội qua rừng núi hiểm trở đến được tận nơi. Ma Lam thấy sứ giả của Minh Mạng đến thì mừng rỡ, sai người mang cống phẩm cùng Nguyễn Văn Quyền xuống Phú Yên dâng lên Vua Minh Mạng. Quang cảnh dân Phú Yên đón sứ giả được Tạp chí Tri Tân mô tả như sau: “Sứ giả, tóc rễ tre, da đồng điếu, mình bận áo cụt ngũ sắc, đóng khố, khệ nệ tự mang cống phẩm xuống đồn Phú Sơn (vào quãng miền Thạch Thành huyện Sơn Hà ngày nay (1943). Viên quản đồn cấp cho một con ngựa để sứ thần cưỡi cùng năm tên lính mang cống phẩm cờ quạt rước tự Phú sơn về đến tỉnh thành ở Long Uyên (Tuy An). Sứ giả đi đến đâu là người ta đổ ra xem chật cả đường. Đến Long Uyên, quan Thủ Hiến phái người đại diện bận triều phục ra tiếp rước rất long trọng; đoạn một tên lính mang áo mão quan thất phẩm đưa cho sứ giả bận, rồi viên tỉnh thuộc tập cho sứ giả lễ bái cho hợp phép, đoạn đưa vào bái vọng ở hành cung. Lễ xong, tỉnh quan đặt tiệc hậu đãi sứ giả rồi ban cho ít nhiều đồ vật mang về. Lúc về, hàng cờ quạt trống kèn tiễn đưa sứ giả lên đến tận đồn Phú Sơn mới thôi. Những lễ nghi tiếp rước sứ giả làm rất cẩn thận theo đúng như lời Bộ Lễ tư” (Tri tân, 1943, 454)

Đại Nam liệt truyện đã ghi cụ thể hoạt động qua lại giữa sứ giả của Thủy Xá Hỏa Xá với vùng Phú Yên và đặc biệt, chép lại những chuyến đi của các quan lại nhà Nguyễn tới tận đất được coi là của Vua Lửa. Sách chép rằng năm Tân Mão (1831), năm Giáp Ngọ (1834) sứ giả của Hoả Xá xuống Phú Yên nộp cống, vua Minh Mạng cho triệu về kinh diện kiến. Sứ giả được ban áo mũ quan thất phẩm; quốc vương Hỏa Xá Ma Lam được ban tập tính Vĩnh Bảo. Vĩnh Bảo mất, cháu là Liệt nối quyền được Vua phong cho là tân tự vương và ban chỉ “tỏ lòng nhân đức lễ nghĩa của nước lớn đối với nước nhỏ”. Khi đó, viên quan ở Trấn Tây là Trương Minh Giảng dâng sớ tâu lên rằng ở miền huyện Sơn Tịnh có quốc vương Thuỷ Xá thường sai người tặng đồ vật gồm ngà voi, sừng tê, 1 bầu vừng, 1 bầu gạo trắng, 1 phiến sáp ong to. Trương Minh Giảng cũng đưa đồ vật tặng lại và dụ về hàng thuộc. Vua Minh Mạng nghe tâu, hạ Chỉ sai Trương Minh Giảng cử người khảo sát địa thế diện tích nước Thủy Xá thế nào. Tuy nhiên, Trấn Tây có biến nên Trương Minh Giảng chưa thực hiện được.

Sau đó, Trấn Tây  dâng sớ nói có người tên Kế và Mạt là lái buôn đã từng tới đất Hỏa Xá, Thủy Xá. Đại Nam liệt truyện ghi “Xuất phát từ huyện Sơn Bốc, trải 15 hôm mới tới chỗ Quốc trưởng nước Thủy Xá ở. Đất ấy Đông giáp nước Hỏa Xá, Tây giáp huyện Sơn Bốc, Nam giáp man Đen Đen, Bắc giáp man Lai. Chỗ ở ba mặt có núi ngăn trở, một mặt là cánh đồng rộng, trong có nhà dân ước 100 nóc. Quốc trưởng có 7 gian nhà lợp tranh, ở phía Đông chỗ dân cư, chẳng đặt thành quách gì, trong nhà đóng giá thờ thần, gia quyến và nô bộc độ 14,15 người. Quốc trưởng nước Hỏa Xá ở cách Thủy Xá ước độ 3 ngày đường, về nhà lá và quyến thuộc nô bộc dân cư cùng với Thủy Xá na ná giống. Duy có dựng riêng một cái đền để làm chỗ thờ thần. Đất của nước ấy đều cánh đồng rộng, không có núi sông hiểm trở. Bọn họ khi đến hai nước ấy nộp phẩm vật, thì Quốc trưởng hai nước ấy đều họp dân Man vài chục người, mổ một con trâu, thần thay Phiên vương cúng thần, cầu khẩn, không cho bọn họ dự thấy. Cúng xong, đem thịt trâu cho bọn họ mỗi người đều 1 bát, nói rằng: Không ăn thì có sự đau ốm. Rượu thì đổ lẫn với nước lã cho vào cái chum. Lấy ống trúc hút vào uống. Trong nước không đặt quan chức, cũng không bắt lính đặt hình pháp. Dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì chặt cây đào đất trồng cấy, không có cày bừa. Hàng năm không có nộp tô nộp thuế, Quốc trưởng cũng không trách thu” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Tập 2, 625).

 

Một người tên Liệt, là lái buôn cũng kể chuyện đã tới tận nơi ở của quốc vương Hỏa Xá và Thủy Xá.

“Đất của nước ấy phía Đông giáp Hỏa Xá, phía Tây giáp Man Phủ Nôn và tiếp giáp các huyện: Sơn Phủ, Sơn Bốc, Quế Lâm, phía Nam và Bắc tiếp giáp các Lạc man không rõ đến tận đâu. Nơi ấy dẫu nhiều núi khe nhưng cũng thấp nhỏ, không rõ hình thể to tát. Dân ở súc chỗ Quốc trưởng ở ước hơn trăm nhà, nhà của quốc trưởng ở không dựng đồn lũy để ngăn giữ, nô bộ dưới 20 người; đào đất trồng lúa để ăn, cũng giống như dân trong súc, mà dân suy tôn là Quốc trưởng, là vì tương truyền đời trước có để lại một cái roi mây, thờ làm vật thiêng, Quốc trưởng làm đền ở chỗ gần nhà để thờ cái roi ấy, có việc gì đến cầu khẩn là ứng hiệu, chưa nghe thấy có thuật gì lạ khác. Dẫu có ốm đau mới sắm lễ phẩm đến Quốc trưởng để cầu khẩn cho, không thì suốt năm không từng qua lại. Quốc trưởng thỉnh thoảng hoặc đến các ấp yêu cầu tài lợi thì dân chỉ cấp cho tý chút, nguyên không có lệ phải thường cung cấp. Ngày thường cùng ở với nhau cũng như Man Lào, chưa biết có danh phận vua tôi trên dưới” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Tập 2, 627).

Vua Minh Mạng ra chỉ dụ tiếp tục khảo sát kỹ hơn về hai nước này. Khi đó ở Phú Yên có bá hộ ở đồn Phước Sơn và bọn Lê Văn Quyến mang đủ nhiễu sa áo xiêm, đồng thau, muối trắng mọi thứ đến hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá đưa tặng và mượn tiếng buôn bán để dò hỏi tình hình.

Quyến là người giỏi tiếng dân tộc, thuật lại rằng đất nước Thủy Xá (trước kia vẫn gọi là Hỏa Xá), phía Tây tiếp nước Hỏa Xá, phía Đông tiếp giáp đồn Phước Sơn thuộc tỉnh hạt và giáp thuế Man ở Thạch Thành, phía Bắc giáp hoang Man ở Bình Định; còn đất Hỏa Xá (tức thực là Hỏa Xá), phía Nam và Bắc đều giáp Lạc man. Hai nước ấy có quân trưởng, nhưng không có quân lính, thành quách, tự cày lấy mà ăn, tự dệt lấy mà mặc, cùng với các sách trưởng không khác gì. Duy có nêu tiếng thần thánh để nương nhờ, được mọi người tôn lên, dân Man phụng thờ như bậc thần linh mà thôi. Còn quyền sinh sát, việc tranh đấu đều do ở sách trưởng tự chuyên, Quốc trưởng không dự đến. Tương truyền là khi mưa dầm mà cầu đảo thì mưa, nên gọi là Thủy vương.

Tên Quyến tả lại nơi ở của vua Hoả Xá và cuộc đón tiếp “Nơi ở của vua Hoả Xá mặt đều núi, một mặt cánh đồng rộng, dân cư ước độ hơn trăm nóc nhà, gian giữa đặt cái giường tre hai bên cắm dù lọng, chiêng trống treo ở giá, bên tả để 1 cái đồng hồ lớn, 1 cái bình đất, 2 cái bành voi bành bò, 1 cái hộp sơn khảm xà cừ, 2 cái mâm bồng sơn, gia đình trai gái hơn mười người ra vào, không thấy Quốc trưởng; phút chốc thấy hai người sách trưởng dẫn hơn hai mươi người Man đinh đều cầm dao ngắn cùng đến và bảo rằng: Từ trước tới nay, người Kinh chưa từng đến đây, phải có 1 con lợn, 1 chum rượu và 3 giành muối trắng, mới bảo cho Quốc trưởng ra mắt. Bọn Quyền bèn cậy người mua đủ số bọn sách trướng, Man đinh tức thì giết lợn thái thịt, và chum rượu thì chia đặt ở trên dưới giường tre. Một lát thì Quốc trưởng nước ấy bước ra, trạc người hơn 70 tuổi, đầu bịt khăn vải trắng, mình mặc áo vải trắng, dưới mặc quần vải hở cả đùi và đầu gối, hai tay hơi lốm đốm, đứng ở trước giường mật khấn, rồi lên giường ngồi ăn 3 miếng thịt, cho ống trúc vào một chum rượu uống đầy, hai bên đánh chiêng đánh trống, gia đình 4 người múa kiểu Man, người trong sách quỳ rạp xuống vỗ đùi” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Tập 2, 628).

Cho đến đời Thiệu Trị, Thủy Xá và Hỏa Xá lấy các năm, Tý, Mão, Ngọ, Dậu, lễ triều cống ba năm một lần, mãi đến đời Tự Đức mới thôi. Nước Thuỷ Xá lớn hơn, cống một cặp ngà voi, một cặp sừng tê, còn nước Hỏa Xá nghèo chỉ phải cống một chiếc ngà voi, một chiếc sừng tê  (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Tập 2, 630).

Đại Nam thực lụcmô tả về đời sống trong Hỏa Xá: “Giới hạn Hỏa Xá: đông giáp thuộc man Phú Yên, tây giáp nước Lèo, nam giáp thuộc man Bình Hòa, bắc giáp thuộc man Bình Định; nước ấy không biết văn tự, có truyền báo chỉ lấy móc câu bằng thau chuyển đệ làm tin. Thuế lệ  thì hoặc nộp vải hoặc nộp dao, không có định ngạch. Chỗ ở không có thành quách, voi ngựa cũng ít. ở giữa có một cái nhà sàn, Quốc trưởng ngồi giường bằng tre, mặc áo màu vàng thêu đầy hoa, đội khăn nhiễu màu xanh, mặc quần vải trắng; bên tả hai cái nhà sàn thờ cúng thần kỳ. Khi Quốc trưởng ở thường, sai khiến làm việc, chỉ dùng người thân, không có binh giáp; khi nước có việc thì họp dân làm binh, mang dao, vác nỏ, không việc thì giải tán về ruộng làng. Trị nước không có pháp luật hình phạt. Phàm thuộc man trái lệnh thì Quốc trưởng trù ếm cho dịch lệ và hỏa tai rất ứng nghiệm, cho nên dân man sợ như thần, dân có thịt rượu dâng Quốc trưởng thì đánh chiêng đánh trống, tay múa, chân nhảy làm lễ thờ vua. Phong tục tin ma quỷ, có đau ốm thì chỉ biết cầu đảo mà thôi. Tính quen nắng, giỏi bắn cung, dân cư nhiều mà gạo thì ít, khai khẩn núi rừng, chỉ trồng khoai, ngô, bông sợi, dưa bí để đổi chác cho người buôn” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Tập 2, 823)

Tóm lại, từ thời Chúa Nguyễn, mối quan hệ qua lại giữa Đại Việt và hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá, đặc biệt Hoả Xá đã được thiết lập. Mối quan hệ phiên thuộc (cống nạp) được củng cố và mang tính thông lệ khi Vua Minh Mạng và Thiệu Trị thu phục được Thủy Xá, Hỏa Xá. Một số thuộc quan, nhà buôn, người dân địa phương ở Phú Yên có khả năng giao tiếp với người dân tộc đã đến tận nơi để diện kiến với quốc vương Thủy Xá, Hỏa Xá, có nhiều mô tả cụ thể và rõ nét về đời sống ở “vương quốc” này.

 

2. Những tiếp xúc của người Pháp với Vua Lửa, Vua Nước

Đem lại cho chúng ta nhiều hiểu biết về Tây Nguyên là các nhà thám hiểm, các nhà khoa học, cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Pavie, một nhà thám hiểm và ngoại giao, đã thực hiện bốn cuộc khảo sát  trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1895 trên khắp bán đảo Đông Dương, tập trung vào vùng núi cao Trường Sơn nối liền Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, miền Nam Trung Quốc, trong đó có chuyến đi từ Sài Gòn đến Luang Prabang từ năm 1889 đến 1891, qua nhiều vùng đất Tây Nguyên. Trong đoàn thám hiểm này có đại uý Cupet, người có đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những bản đồ đầu tiên của Đông Dương phục vụ cho công tác địa lý và xuất bản. Chính Cupet là người đã từng tiếp xúc với ngôi làng có Vua Lửa Vua Nước trên con đường đi từ Campuchia đến Kontum (Qua Đà Nẵng, Quy Nhơn). Những ghi chép của Cupet về chuyến đi này đã được xuất bản trong tập 3 trong tổng hợp 9 tập sách của phái bộ Pavie. Dưới đây chúng tôi mô tả khái quát về chuyến viếng thăm ngôi làng Vua Lửa của đại uý Cupet.

Ngày 7/2/1891, từ Ban Don, địa điểm có toạ độ 12độ 53 phút độ vĩ Bắc (Cupet, 1900, 297) Cupet di chuyển đến hội truyền giáo ở Kontum. Bản đồ của chuyến đi này đã được Cupet vẽ lại và chúng tôi kèm theo trong bài viết này. Trên đường đi, người dẫn đường nói rằng Cupet nên ghé qua làng của Vua Lửa và Vua Nước. Bản thân Cupet “không biết nên gọi họ là gì, người Lào thì gọi họ là “Sadete Fai” (Vua Lửa) và “Sadete Nam” (Vua Nước), nhưng có người biết rõ thì nói rằng đó là hai vị pháp sư (phù thuỷ) vĩ đại của dân mọi. Tôi [Cupet] chấp nhận cách gọi đó, và người dẫn đường cứ quả quyết  rằng nếu không có sự bảo vệ của họ, chuyến đi của tôi chắc chắn thất bại… Ai cũng biết, ảnh hưởng của họ lừng lẫy trong vùng này” (Cupet, 1900, 297). Cupet biết rằng trong một số sách của Campuchia đã đề cập đến hai vị này như là “những gì mang tính tâm linh và huyền bí, tất cả các dân tộc Nam Đông Dương đều nói đến xưng danh huyền thoại “Vua Lửa” và “Vua Nước”. Làng của họ cách nhau chừng vài km, ở hai bên của phân lưu dòng sông giữa người An Nam và người Lào. Phía An Nam gọi Vua Lửa là “Patao Pui”, Vua Nước là “Patao Ia”; phía Lào gọi họ là “Sadete Theung” và “Sadete Loum” (Cupet, 1900,297).

Cupet cũng ghi chép lại câu chuyện cho rằng Vua Lửa có một bảo vật là một thứ vũ khí, kiếm hoặc dao, được đặt trong một vỏ bọc. Nếu chỉ kéo lưỡi kiếm ra khỏi bao  vài cm, trời đất sẽ tối sầm, tất cả con người và động vật rơi vào một giấc ngủ không thể cưỡng lại. Nếu ông ta lấy nó ra khỏi vỏ, đó là ngày tận thế. Mọi sinh vật bị diệt vong. Món bùa này luôn kích thích sự ham muốn của các dân tộc láng giềng, đặc biệt là người Campuchia. Vua Lửa đáng sợ và có ảnh hưởng hơn nhiều so với Vua Nước. Tổ tiên của họ có vai trò quan trọng và nhờ vậy họ có tiếng tăm gần như khắp cả Đông Dương. Nhưng mà cho đến nay lịch sử vẫn im lặng về hai vị. Các vị vua của Campuchia đã từng gửi quà tặng có gía trị cho Vua Lửa, người mà họ coi là chư hầu. Đổi lại, vua Campuchia nhận được thanh sáp ong với dấu ấn của một trong những ngón tay của bàn tay phù thủy, gạo, vừng, đôi khi có sừng tê. Nhưng mối quan hệ này đã chấm dứt từ thời Norodom mà không ai biết vì lý do gì (Cupet, 1900,301). Ở vào thời điểm năm 1891, khi Cupet đi qua vùng Vua Lửa, người Xiêm đang nhòm ngó khu vực này và muốn lấn vào, các toán quân Xiêm tổ chức cướp phá và ép buộc dân vùng này phải nộp thuế cho họ. Theo Cupet, ở đây đã có sự phân định ranh giới giữa người An Nam và người Lào từ rất lâu, dù không có chính quyền nào thực sự cai quản họ. Tuy nhiên người châu Âu (người Pháp) đang muốn chiếm nơi này. Nhưng Vua Lửa và người làng sẽ không chịu khuất phục vì họ chưa bao giờ phải trả tiền tiền thuế cho bất cứ ai.

Người dẫn đường hỏi Cupet rằng ông ta có quà gì để tặng các Sadet không và liệu có thể tặng mỗi người một con voi không, bởi vì tất cả những người lạ khi gặp các Sadet đều phải chia 1 phần 5 của cải của mình cho các vị vua (vì đoàn của Cupet sử dụng 6 con voi để di chuyển). Muốn vào trong lều của họ thì phải đưa cho họ một con trâu sống, một con lợn sống; một con trâu chết, một con lợn chết, gà, sắt và đồ trang sức bằng đồng. Gần đến nơi Vua Lửa sinh sống (vùng Ban Khasom theo nguyên văn), người dẫn đường nói rằng cần phải chuẩn bị mọi thứ trước khi gặp Vua Lửa. “Khi tới nơi, người dân sẽ báo với Vua và phải đợi Vua đồng ý mới được vào. Nếu ông ta chấp nhận tình bằng hữu của anh, anh có thể đi bất cứ đâu mà anh muốn; ông ấy sẽ yêu cầu nhiều món quà và đừng từ chối ông ta bất cứ điều gì” (Cupet, 1900, 303). Khi họ đi vào làng, một nhóm người Djiarai vẻ hung tợn, tò mò kiểm tra hết tất cả mọi thứ, cả vũ khí và vật dụng. Họ mặc trang phục đơn giản, chỉ có các đường thêu trang trí là phong phú hơn cả. Ngôn ngữ của họ có nhiều từ giống người Chăm.

Ngày 14 tháng 2, Cupet tới gặp Vua Lửa. Khi đó, Sadet đang nằm trên một loại giường tre, dựa vào vách ngăn. Một tấm thảm đơn giản, trải trên sàn nhà dành riêng cho khách, với một hộp chứa thuốc lá; lá chuối cắt thành hình vuông để bên cạnh để chủ khách có thể cuộn thuốc lá. Trong con mắt của Cupet, thầy phù thủy nổi tiếng, được nói đến rất nhiều trông không có gì là khủng khiếp. Ông ta không có gì nổi bật và điều đó khiến Cupet thất vọng. Sau đó hai người nói chuyện với nhau. Vua Lửa cho rằng người Pháp đang muốn xâm chiếm vùng đất của ông ta[2], vì thế mà các món quà của các vua Campuchia gửi cho Sadet đã chấm dứt. Vua Lửa đã gửi tới đại uý Cupet một “bản cáo trạng”, đe doạ, nói rằng ông ta có thể huy động 500 chiến binh để chống lại những người muốn đến cướp đất của họ. Cupet cho ông ta xem những vật mang theo, chẳng hạn cái la bàn, thứ làm cho họ rất đỗi ngạc nhiên. Tiếp theo là màn trao quà tặng. Vua Lửa nói Cupet có 5 con voi, và ông ta chỉ cần 1 con mà thôi. Cupet từ chối tặng voi cho Vua Lửa, nói rằng voi đó không phải là quà tặng. Sau đó Cupet bày lên thảm các thứ quà gồm vải các màu, đồ thuỷ tinh, gương, đồ đồng, sắt… Vua Lửa hỏi liệu có lụa giống như vua Campuchia đã tặng không, nhưng Cupet không có. Người hầu cận của Vua Lửa cho rằng những đồ vật đó không có giá trị và nói rằng Vua Lửa muốn có bạc. Cupet hỏi Vua Lửa dùng bạc làm gì. Người hầu cận nói để giữ làm kỷ niệm và có thể trao đổi hàng hoá với Campuchia. Cupet đưa cho Vua Lửa 14 piastre. Họ hỏi Cupet có muốn gì không. Đại uý nói rằng chỉ muốn họ chỉ đường cho đi tiếp. Vua Lửa cho Cupet một chiếc vòng đeo tay và một ít gạo. Cupet đeo vào và cho rằng ông ta sẽ được an toàn tuyệt đối trong khu vực này khi ông ta đã là bạn của Vua Lửa.

 

Trong ghi chép của mình, Pavie cũng nhắc đến chuyến thăm làng Vua Lửa của Cupet “[Trên đường đi] anh ta [Cupet] vào thăm làng của hai nhân vật quan trọng được biết đến dưới tên của Vua Lửa và Vua Nước (roi du feu et roi de l'eau)... Anh dừng lại ba ngày ở làng Vua Lửa, kết bạn với ông ta mà không để xảy ra sự cố gì” (Pavie, 1906, 164).

Vào năm 1891, khi Cupet tới thăm làng Vua Lửa, khu vực này là nơi sinh sống của cả người An Nam và người Lào. Ranh giới giữa Lào - Việt Nam dường như được mặc định một cách tự nhiên, như là sự thoả thuận giữa các cư dân của cả hai bên. Trong khi đó, các toán quân Xiêm tìm cách lấn dần vào khu vực này để có thể gia tăng kiểm soát và thu thuế. Vua Lửa có một quyền năng đáng kể, ông ta có khả năng kiểm soát những người lạ ra vào trong vùng với một lực lượng “chiến binh” khá ít ỏi nhưng thạo địa hình và hiểu biết về hoạt động của cư dân trong vùng cũng như của “người ngoài”, nhất là các thương nhân; việc đi lại của người ngoài chỉ có thể thuận lợi khi được sự đồng ý của Vua Lửa.

Tình hình ở khu vực này đã khác vào năm 1904, khi một người Pháp nữa là Odend’hal tới thăm Vua Lửa. Thái độ của Vua Lửa đối với người Pháp cũng đã thay đổi, mà minh chứng rõ nhất là cái chết bi thảm của Odend’hal. Vốn là công sứ Phan Rang, là “thông tấn viên” của Trường Viễn đông Bác Cổ, từng tham gia vào phái bộ Pavie, Odend’hal là người có nhiều kinh nghiệm với vùng người Mọi. Công sứ Phú Yên, người đã từng đọc nhật ký và ghi chép của Odend’hal đã mô tả khá chi tiết về cuộc gặp gỡ của Odend’hal với Vua Lửa và Vua Nước. Tháng 2 năm 1904, Odend’hal được giao phó một sứ mệnh ở Lào, đi qua tỉnh Phú Yên, theo đường qua Cheo Reo. Vị đồn trưởng ở Phú Yên muốn cung cấp cho Odend’hal một toán quân hộ tống vì người Jarai (theo người Pháp là tộc người mà Vua Lửa cai quản) vốn nổi tiếng là tộc người hung dữ và có thái độ chống Pháp quyết liệt. Tuy nhiên, với một thái độ chủ quan cho rằng mình hiểu rõ về con người ở đây, Odend’hal đã từ chối toán lính hộ tống. Thậm chí ông ta còn viết một chứng thư cam đoan “Tôi ký tên dưới đây là quan hành chánh có sứ mạng ở Lào, tuyên bố từ chối toán quân hộ tống do vị chỉ huy quân đồn trú phòng Stenger  cấp để đi đến xứ Mọi. Paleo Chu 25-3-1904, Odendhal” (Laborde, 1929, 398). Theo viên Công sứ Phú Yên Laborde, lý do Odend’hal từ chối là do ông muốn tránh sự hiện diện của những người có vũ trang có thể làm người Mọi vốn đa nghi có thể hiểu nhầm Odend’hal muốn đưa quân xâm lược đất của họ. Odend’hal đã tới nhà của Euil-At (Oi At), được coi là Vua Lửa. Vị “Vua” tặng cho Odend’hal một nửa con gà sau khi đã dâng cúng và rượu. Tuy nhiên, vì không được khoẻ nên Odend’hal đã đưa cho người phiên dịch chỗ gà và rượu mà không tự mình thụ hưởng. Tiếp theo, Odend’hal lại phạm một sai lầm nghiêm trọng nữa là yêu cầu Vua Lửa cho xem cây kiếm thần, thứ mà chưa một ai tận mắt nhìn thấy. Tất cả những điều này đã khiến Vua Lửa và những cận thần của ông ta không hài lòng, thậm chí “các bô lão Djarais lo sợ khi thấy Odend’hal hỏi nhiều câu hỏi về vật linh thiêng mà họ nghĩ là ông ta muốn chiếm đoạt” (Laborde, 1929, 401). Nhưng sau đó, Vua Lửa đã đồng ý trao đổi một số món đồ, trong đó có vòng đeo tay và Odend’hal cho rằng vậy là sự tin cậy giữa hai bên đã được xác lập, tương tự như đại uý Cupet trước đây đã bình an đi qua khu vực này. 7 ngày sau (ngày 7-4-1904), Odend’hal quay lại với các món đồ trao đổi mà không biết rằng ông đã bị phục kích. “Bỗng nhiên ông bị tấn công, bị trói chặt, bị đánh bằng gậy gộc và lao đâm; ba người An Nam đi cùng với ông cũng chịu chung số phận; thi thể họ bị bêu ở bên ngoài làng”[3] Trường Viễn Đông Bác Cổ đã lập một đài tưởng niệm ở Phan Rang để tưởng nhớ Odend’hal, một thành viên mật thiết của cơ quan này, một người chuyên nghiên cứu về tháp Chàm. Sau sự việc bi thảm với Odend’hal, chính quyền Pháp đã nhập vùng này vào lãnh thổ Trung Kỳ, các tỉnh Darlac và Plei-Kou-Dor (Kontum) được thành lập, vùng cao Phú Yên có những đồn binh đặt tại Patao-Pui (người ta đã lấy chính tên gọi Vua Lửa để đặt tên làng) và Ban-Tur, ở Cheo Reo đặt một Đại lý hành chính (Nghị định ngày 12-6-1906). Theo nhận định của Tạp chí Tri Tân, kể từ sự kiện với Odend’hal, “nước Thuỷ Xá và Hoả Xá bị diệt”(Tri Tân, 1943,495)

Báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ tháng 11-1905 cho biết sau cái chết của Odend’hal chính quyền đã tìm cách xoá bỏ ảnh hưởng của Vua Lửa nhưng nỗ lực này gặp rất nhiều khó khăn “chính quyền tìm cách xoá sổ Vua Lửa, để cho tên gọi này chỉ còn là những từ chết. Một đồn phòng thủ được lập ở Ban Tur nhưng dường như không hiệu quả. Tháng 11-1904 có một sự phản kháng trong vùng và tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thanh tra Renard, với 150 lính, nhận nhiệm vụ đến từng làng trong vùng, chỉ sử dụng vũ khí khi thật cần thiết, nếu bị những đồ đệ của Vua Lửa tấn công. Biện pháp này dường như khá hơn. Đến cuối năm 1904, tất cả các đồ đảng của Vua Lửa đã bị loại bỏ, uy tín cũng như tất cả những câu chuyện về bùa hộ mệnh và các truyền thuyết đã  sụp đổ”[4] Trên thực tế, hẳn binh lính Pháp đã dùng bạo lực để tiêu diệt ngôi làng của Vua Lửa, còn báo cáo của Công sứ Darlac tháng 1-1906 thì nói rằng “ngôi làng bị bỏ hoang”, với nghĩa tất cả dân làng đã bỏ đi đâu không rõ “Một làng Djarai trong địa phận tỉnh Darlac, nhưng đúng hơn là thuộc về Kontum vì nằm gần đồn Ban Tour, đã bị bỏ hoang sau cái chết của Odend’hal năm 1904, gia súc gia cầm chạy khắp nơi trong tỉnh Darlac. Tôi phải truy hỏi xem lý do vì sao lại có việc này”[5]

 

Trong công trình nổi tiếng của mình về người Jarai (Jorai), Jaques Dournes, một nhà dân tộc học với 15 năm (1955-1970) khảo sát thực tế về tộc người ở Tây Nguyên, sở hữu một kiến ​​thức bách khoa về các xã hội mà ông nghiên cứu và khả năng ngôn ngữ tuyệt vời trong đó có cả ngôn ngữ Jorai cho rằng sau năm 1904, người Pháp đã tìm cách tiêu diệt các Potao[6] bất trị bằng cách đốt làng của họ, cô lập Potao và đặt ông ta vào tình trạng quản chế, tiến hành các chiến dịch chống lại người Jorai ly khai. Khác với người Việt và người Khmer, vốn không nghĩ đến chuyện đánh nhau với các Potao mà tìm cách liên minh với họ, người Pháp không hiểu được trạng thái ngoại giao giữa người Việt với một số “nước chư hầu” xung quanh là để cho họ tự trị, phụ thuộc nhưng để cho họ được tự do và không bao giờ coi họ là kẻ thù (Dournes, 2013,126). Jacques Dournes nhận xét rằng “Người Jorai, về phần mình, chẳng hề ham muốn quyền uy; họ tìm cách được sống tự do, tránh tất cả những gì làm cho họ nổi bật lên do đó mà họ thích một vương quyền hư cấu, một chế độ linh thiêng... [ở đó] họ có thể tha hồ sống cuộc sống vô chính phủ của họ” (Dournes, 2013,126)

Sau khi sáp nhập vùng Jarai vào Trung Kỳ, chính quyền Pháp đã lập ra những “tù trưởng” lãnh đạo người Jorai giống như Vua Lửa Vua Nước năm xưa nhưng sức mạnh quyền uy của những người này gần như không còn nữa. Năm 1968, Jacques Dournes cùng với Condonmidas lần theo con đường mà đại uý Cupet đã từng đi (từ Kratie, Campuchia, tới Ban Don và Kontum - xem hình 2) qua khu vực các Potao đã từng ngự trị nhưng ở đó không còn lại bất cứ một dấu tích gì của các vị Vua Lửa và Vua Nước (Dournes, 2013, 100-101).

 

3. Tiếp xúc với Vua Lửa, Vua Nước thời Mỹ chiếm đóng và hiện nay

Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam và đặt bộ máy cai trị đối với các tộc người ở Tây Nguyên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực thi một chính sách còn tàn bạo hơn so với chính quyền Pháp trước đó. Theo như đánh giá của Hickey, nhà nhân học người Mỹ đã có nhiều nghiên cứu về khu vực Tây Nguyên “Chính quyền Diệm đã tìm cách đồng hoá họ [người dân tộc ở Tây Nguyên] vào xã hội người Việt khiến cho người dân bất mãn và họ phải nổi dậy chống lại chính quyền. Gần đây những người phát ngôn có thái độ bất mãn đã bị đánh đồng cùng với  FULRO (Front Unifie de Lutte des Races Opprimees - Mặt trận đoàn kết đấu tranh cho những tộc người bị đàn áp - viết tắt là FULRO), một phong trào khởi phát từ năm 1958, khi người dân Tây Nguyên nổi dậy chống lại mối đe dọa với nền văn hóa phi chính phủ của họ” (Hickey, 1967, vi). Để có thể làm rõ hơn vấn đề FULRO Hickey đã đi sâu tìm hiểu lịch sử văn hóa các tộc người Tây Nguyên, và khảo sát khu vực này. Hickey đã thu thập khá nhiều tài liệu về các vị Vua Lửa và Vua Nước, và đã từng gặp Oi Nhot, khi đó được coi là “Vua Lửa” nhằm tìm hiểu xem ông đứng về phía nào trong số các thế lực đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của người Tây Nguyên khi đó là Việt cộng, Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa nhưng Oi Nhot dường như không muốn tham gia vào xung đột chính trị ở khu vực này (Hickey, 1967, vi).

Nghiên cứu thực địa gần đây nhất ở khu vực Vua Lửa, Vua Nước được thực hiện bởi nhà Nhân học Oscar Salemink. Năm 1991, trong Dự án nghiên cứu về Tây Nguyên, Salemink đã có dịp tới khảo sát làng Plei B’rong (còn gọi là Plei P’tau hay Plei Oi), làng của “Vua Lửa” (Salemink 1997, 488), tại huyện Ayun Pa[7]. Theo nhà nghiên cứu, vị “Vua Nước” và “Vua Gió” cuối cùng đã qua đời mà không có người kế vị, còn “Vua Lửa” có tên Oi Nhot hay Oi Tu đã qua đời năm 1987, nhưng người kế vị vẫn còn, chính là người cháu có tên Siu Aluan (Siu Luynh) (Salemink 1997, 492). Khi Salemink tới làng Plei P’tau ở Chu Prong tháng 5-1991, Siu Aluan vẫn chưa được lên vị trí “Vua Lửa” vì Bộ Văn hóa ở Việt Nam khi đó đang cấm các hoạt động mê tín dị đoan và việc làm lễ tấn phong cho Siu Aluan có thể phải giết trâu, bò làm lễ tế thần và điều này gây tổn hại đến việc sản xuất. Nhiều quan chức ở địa phương cho biết quyền lực của các Vua Lửa không phải về mặt chính trị hay kinh tế, mà đơn thuần là về mặt tôn giáo, tâm linh, do đó người ta gán cho các “Vua Lửa” vai trò mê tín dị đoan (Salemink 1997, 497). Làng của Siu Aluan nằm huyện Chu Rong, gần đó là con đường cái nối tỉnh lị Pleiku với thành phố biển Tuy Hòa, qua huyện Ayun Pa. Ayun Pa trước đây được gọi là Cheo Reo, thủ phủ tỉnh Phú Bổn[8] trước năm 1975, là trung tâm của văn hóa Jarai. Nhà của Siu Aluan cũng giống như mọi ngôi nhà trong làng. Điểm đặc biệt có lẽ là ngôi mộ của Oi Nhot đặt gần nhà. Trên mộ có bức ảnh của Oi Nhot. Việc xây mộ gần nhà có lẽ là điều bất thường đối với ngừoi Jarai vì tộc người này thường chôn người chết ngoài làng. Trước khi nói chuyện với Salemink, Siu Aluan làm một lễ nhỏ để xin phép Oi Nhot. Trong nhà của Siu Aluan có nhiều trống to, hai bộ cồng chiêng, các chóe cổ to nhỏ khác nhau. Siu Aluan biết nhiều chuyện về các Vua Nước (p’tau ia), Vua Gió (p’tau angina). Theo ông, Vua Gió cuối cùng đã qua đời vào những năm 1960, và không có người nối dõi. Oi Po, Vua Nước cuối cùng cũng đã chết. Siu Aluan không phải là người vùng Plei B’rong, mà từ làng khác đến. Ông ta theo vợ đến sống ở Plei P’tau. Vào thời điểm Salemink nói chuyện với Siu Aluan, các cấp chính quyền vẫn chưa thông qua việc tổ chức lễ nghi để đưa ông ta lên làm “Vua Lửa”. Salemink nhận xét rằng mặc dù sự can thiệp của chính quyền vào đời sống văn hóa người thiểu số ở Việt Nam là thấp so với nhiều quốc gia khác, việc “Vua Lửa” phải chờ đợi một lễ ‘tấn phong” có thể là do nhà nước chưa thực thi triệt để các biện pháp nhằm bảo tồn tính đa dạng của văn hóa các tộc người, trong đó Jarai là một tộc người có những giá trị văn hóa độc đáo riêng.

 

Kết luận

Qua khảo sát một số văn bản, gồm biên niên sử thời nhà Nguyễn và ghi chép của những người nước ngoài đã từng tiếp xúc với Vua Lửa, có thể thấy sự tồn tại độc đáo của một bộ phận cư dân tộc người thiểu số Việt Nam, người Jarai với việc tôn sùng một biểu tượng mà họ gọi là Pơtao, người Việt dịch là Vua, người Anh gọi là King, người Pháp là Roi, người Lào là Sadet. Họ làm chủ một không gian gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá, được coi là có nguồn gốc từ văn hóa Chăm. Thời kỳ các chúa Nguyễn và Vua Nguyễn đã có sự tiếp xúc trực tiếp giữa sứ giả của Hoả Xá với triều đình. Một số người Việt cũng đã tới tận nơi sinh sống của các vị vua này và mô tả nhà cửa, lối phục sức, nghi lễ của họ. Thời kỳ Pháp thuộc, một số người Pháp đã tới tận nơi để gặp gỡ Vua Lửa và có nhiều ghi chép cụ thể về không gian sống của ông cùng người thân cận. Có thể thấy rằng Vua Lửa, Vua Nước là những người được tôn kính trong một không gian nhất định, do chính những người trong cộng đồng của họ quy ước với nhau. Trước khi người Pháp phân chia giới hạn hành chính và đặt chính quyền cai trị, không ai thực sự biết rõ “không gian quyền lực” của các Vua Lửa có giới hạn ở đâu. Từ thời vua Lê Thánh Tông, người dân đã được nghe đến “uy quyền” của họ. Các vị vua Đại Việt và sau này là các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đều có mối quan hệ tốt đẹp với họ, dù họ là phiên thuộc, phải triều cống đều đặn;  đổi lại, vua Nguyễn, cũng như vua Campuchia, đều đáp trả đầy trọng thị. Ở thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp đã áp đặt quyền lực để phân chia ranh giới hành chính, khai thác kinh tế ở khu vực này mà thiếu sự tôn trọng đối với nền văn hoá độc đáo của họ. Điều này gây nên sự phản kháng mạnh mẽ của người dân ở đây. Thời Mỹ chiếm đóng,  khu vực sinh sống của Vua Lửa Vua Nước bị san phẳng, gần như không ai biết gì về sinh hoạt thực tiễn của họ. Nghiên cứu gần đây nhất của Oscar Salemink cho thấy dấu hiệu phục hồi của biểu tượng Vua Lửa nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền nhằm bảo tồn một đặc trưng văn hóa dân tộc, như nhà văn Nguyên Ngọc viết trong lời giới thiệu tác phẩm đặc sắc Pơtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jorai Đông Dương của Jacques Dournes “Còn họ, lặng lẽ, họ vẫn giữ nguyên nền độc lập riêng của mình, với thiết chế kỳ lạ, đặc sắc của mình, chỉ có họ hiểu, chỉ họ biết với nhau, một nền độc lập dựa trên sự hài hòa của tự nhiên và xã hội, lấy nền tảng văn hóa làm chính. Cũng có thể nói cách khác: đối với người Gia Rai, chính trị chính là văn hóa. Thiết chế Pötao chính là một thiết chế chính trị - văn hóa độc đáo, hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà Gia Rai là dân tộc có tính độc lập và sức đề kháng dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc nhất ở Tây Nguyên”.

 

Tài liệu tham khảo

Cupet, 1900, Mission Pavie Indo-Chine 1879-1895 Geographie et Voyages, Vol III: Voyages au Laos et chez les sauvages du Sud-Est de l’Indo-chine par le Capitaine Cupet, Paris, Ernest Leroux, Editeur

Doumer, Paul, 1902, Situation de l’Indochine 1897-1901, Hanoi: F.H. Schneider Imprimeur-Editeur

Dournes, Jacques, 2013, Pơtao một lý thuyết về quyền lực của người Jorai Đông Dương, Người dịch và giới thiệu: Nguyên Ngọc, Nhà xuất bản Tri thức.

Exposition coloniale Internationale, 1931, L’Annam, Lời giới thiệu của L.Cadiere, Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, Hanoi: Imprimerie d’Extreme-Orient

Hickey, Geral C., 1967, The Highland People of South Vietnam: Social and Economic Development, Nhà xuất bản Rand, tr. vi

Laborde,A., 1929, “Tỉnh Phú Yên”, trong Những người bạn cố đô Huế,tập XVI, năm 1929

Maitre, Henri, 2007, Rừng người Thượng- Vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam (Phần III), Người dịch: Lưu Đình Tuân, Hiệu đính: Nguyên Ngọc, lời giới thiệu của Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp- Bảo tàng Dân tộc học- Nhà xuất bản Tri thức

Pavie, Auguste, 1906, Mission Pavie Indo-Chine 1879-1895, TII, Paris: Ernest Leroux, Editeur

Quốc Sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, Tập 1, Tập 2, Viện Sử học, Nhà xuất bản Giáo dục

Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Đại Nam liệt truyện,Tập 2, Viện Sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hoá

Salemink, Oscar, 1997, “The King of Fire and Vietnamese Ethnic Policy in the Central Highlands”, trong Development or Domestication? Indigenous People of Southeast Asia, (eds. Don McCaskill and Ken Kampe), Silkworm Books, tr.

Tri Tân,1943, “Lịch sử ký sự- Việc thâu phục nước Thủy Xá và Hỏa Xá”, Số 98

Trung tâm Lưu trứ Quốc Gia IV (TTLTQGIV), Đà Lạt, Phông Khâm sứ Trung Kỳ, RSA-2511 “Rapport au Gouveneur General du Resident Superieur p.i. en Annam- Moulie, Hue 15 Novembre 1905”

TTLTQGIV, RSA-2544 “Rapport politique des mois de Janvier et Fevrier 1906 de la Residence du Darlac”

 

 

 

 

(*). TS., Viện Sử học

[1] Đại Nam thực lục chép “Tân Hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy”.

[2] Vào năm 1891, người Pháp vẫn chưa tổ chức quản lý vùng đất của Vua Lửa

[3] Xứ Jorai và Darlac sáp nhập vào Trung Kỳ theo Nghị định ngày 22-10-1904 (Dournes, 2013, 58).

[4] Trung tâm Lưu trứ Quốc Gia IV (TTLTQGIV), Đà Lạt, Phông Khâm sứ Trung Kỳ, RSA-2511 “Rapport au Gouveneur General du Resident Superieur p.i.en Annam- Moulie, Hue 15 Novembre 1905”

[5]  TLTQGIV, RSA-2544- “Rapport politique des mois de Janvier et Fevrier 1906 de la Residence du Darlac”

[6] Jacques Dournes gọi Vua Lửa, Vua Nước bằng cách gọi của người Jarai (Jorai) là Pơtao (P’tau).

[7] Huyện Ayun Pa, nay là thị xã Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai.

[8] Phú Bổn là một tỉnh cũ thời Việt Nam Cộng hòa. Năm 1962 chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Pleiku thành hai tỉnh: Pleiku và Phú Bổn. Từ năm 1976 tỉnh được nhập vào tỉnh Darlac, sau đó phần lớn đất đai lại được nhập vào tỉnh Gia Lai- Kontum.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529368

Hôm nay

2111

Hôm qua

2304

Tuần này

21641

Tháng này

216064

Tháng qua

0

Tất cả

114529368