Những góc nhìn Văn hoá
Vụ án Trần Dụ Châu: 70 năm sau nhìn lại
Vụ án Trần Dụ Châu đã qua 70 năm (1950 - 2020). Lật lại hồ sơ vụ án và quá trình xét xử, vẫn thấy như mới, vẹn nguyên ý nghĩa và bài học thời sự nóng hổi.
Thứ nhất: Có quyền mà thiếu lương tâm là có "cơ hội" hư hỏng
Trần Dụ Châu, còn có biệt danh là “Châu Hổ” (dữ như hổ), sinh năm 1906. Sau một quá trình được coi là năng nổ, tháo vát, có tư duy kinh doanh thương nghiệp, ở tuổi 42, năm 1948, Trần Dụ Châu được phong quân hàm đại tá và được lên chức Giám đốc Nha Quân nhu (Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần hiện nay). Bắt đầu từ đây, với chức quyền, tiền trong tay, đứng đầu quản lý một công việc có tính chất “độc lập”, cung cấp toàn bộ vật chất sinh hoạt quân trang, quân dụng cho quân đội trong điều kiện kháng chiến, đóng ở địa bàn rừng núi, khó khăn trong quản lý, kiểm soát của Trung ương, Trần Dụ Châu độc đoán chuyên quyền, sa vào con đường tham nhũng, đục khoét công quỹ, nhận hối lộ, ăn chơi sa đọa, tha hóa, biến chất.
Bài học rút ra ở đây là thông thường, khi còn là cán bộ, đảng viên thường thì cơ bản là người tốt, có những đóng góp nhất định cho cách mạng và nhân dân. Nhưng khi có một chút quyền hành trong tay - cấp cao quyền to, cấp thấp quyền nhỏ - dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu đạo đức lương tâm, không chịu tu dưỡng, rèn luyện là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Tổng kết này được Hồ Chủ tịch nói nhiều lần ngay từ sau khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đảng viên có quyền hành trong bộ máy nhà nước. Người nói, những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Cán bộ có quyền mà lại xa, thiếu sự kiểm soát, quản lý của cấp trên, không tự tu thân, chính tâm, lại càng có dịp hư hỏng.
Thứ hai: sự hư hỏng của cán bộ thường không chỉ cá nhân mà là nhóm, phải bóc hết đường dây tiêu cực, tham nhũng
Khi có tiền, quyền, Trần Dụ Châu tổ chức ra một đường dây với nhiều tay chân thân tín, mà đắc lực nhất lúc đó là Lê Sỹ Cửu. Lý lịch của Lê Sỹ Cửu cho thấy hắn vốn là một cán bộ công an bất hảo, được tuyển dụng vào quân đội. Từ một nhân viên chạy tiếp liệu, Sỹ Cửu đã leo lên chức trưởng ban vật tư, chủ yếu may quân trang cho bộ đội. Trần Dụ Châu vừa “chống lưng” cho Lê Sỹ Cửu vừa liên kết chặt chẽ thành đường dây ma quỷ trong việc chiếm dụng kinh phí quân trang buôn lậu, rút ruột công quỹ. Tiền buôn lậu của Cửu phải nộp lại một phần cho Trần Dụ Châu. Không chỉ có Lê Sỹ Cửu, mà Trần Dụ Châu còn tạo ra vây cánh che chắn cho những hành động tiêu cực của gã như Bùi Minh Trân (Trưởng ban mậu dịch) và nhiều bọn người khác. Nguy hiểm hơn là Trần Dụ Châu đã dùng quyền lực của mình để đe dọa, gạt bỏ những người tốt khi họ phát hiện và phê bình những hành động xấu xa của hắn; đồng thời tiếp tục tuyển người, sử dụng người theo vây cánh, ê kíp của gã.
Bài học rút ra ở đây là phải lần theo hết đường dây tiêu cực, không để sót một kẻ nào, nhất là kẻ cầm đầu, cái gốc. Đặc biệt, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình, công tác cán bộ. Khi đã phát hiện ra dấu hiệu vi phạm kỷ luật qua ý kiến một số cán bộ tốt, cần phải bảo vệ những nhân tố tích cực. Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị, chi bộ cấp dưới với sự kiểm tra, giám sát của cấp trên. Đặc biệt là sự vào cuộc kiểm tra của cấp trên.
Thứ ba: Phải tin, dựa vào quần chúng nhân dân, báo chí để phát hiện, chống tiêu cực, tham nhũng
Những hành vi xấu xa của Trần Dụ Châu cơ bản là do quần chúng, bộ đội, cán bộ, đảng viên phát hiện và làm đơn tố cáo gửi lên cấp trên. Sau đó báo Cứu quốc trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc chiến trừ tà, viết loạt bài kịch liệt phê phán, phanh phui những hành vi tội lỗi của đường dây Trần Dụ Châu, Lê Sỹ Cửu, nổi lên là việc ăn chơi sa đọa, dùng xe công, du thuyền đặc biệt tới những nhà hàng sang trọng và tiệm hút thuốc phiện.
Bài học rút ra ở đây là phải tin và biết dựa vào quần chúng nhân dân trong chống tiêu cực. Bài học này được Bác Hồ nhiều lần đúc kết. Người nói về một chân lý: dân rất tốt. Họ trăm tai nghìn mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy, cũng biết. Dân chúng thông minh, trí tuệ, sáng tạo, kinh nghiệm, sáng kiến, so sánh. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Chúng ta phải tin dân, gần dân, nghe dân, hỏi dân. Nhân dân chính là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng và chế độ.
Người nói đến biện pháp tạo ra một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc trộm cắp. Đó là biện pháp gây nên một cuộc vận động trong công nông chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chỉ có biện pháp nghiêm ngặt đó mới trừng trị được bọn tham nhũng, làm cho chúng không sống còn được. Người viết: “Chúng ta phải phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu có nơi ẩn nấp”.
Thứ tư: Khi đã có thông tin về những hành vi tiêu cực, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến các bộ, ban, ngành phải sớm vào cuộc, chỉ đạo điều tra rõ ràng, kiên quyết xử lý kịp thời
Khi những bài viết về ăn chơi sa đọa của Trần Dụ Châu và đồng bọn được đăng tải trên báo Cứu quốc đến tai lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các đồng chí Trần Đăng Ninh (Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã báo cáo lên Bác Hồ và Trung ương. Bác Hồ chỉ đạo phải điều tra thật rõ ràng để xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ tham nhũng, bất liêm, bất chính, để loại trừ những kẻ thối nát ra khỏi hàng ngũ cách mạng, làm trong sạch nội bộ, chuẩn bị tốt cho chiến dịch Thu - Đông 1950. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, các cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan Quân pháp vào cuộc điều tra làm rõ những hành vi tham nhũng. Tên Lê Sỹ Cửu bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, làm rõ đường dây tiêu cực.
Khi biết có nguy cơ bại lộ, Trần Dụ Châu tiếp tục dùng quyền, tiền, một mặt viết đơn thư gửi lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thủ đoạn bôi nhọ những cán bộ tốt, tự ca ngợi, đề cao mình nhằm đánh lạc hướng; mặt khác dùng tiền hối lộ chạy tội cho Lê Sỹ Cửu. Nhưng bằng thái độ cương quyết, điều tra rõ ràng, Bộ Quốc phòng có đầy đủ chứng cứ để khẳng định Lê Sỹ Cửu là một mắt xích quan trọng trong đường dây biển thủ công quỹ, tham nhũng của Trần Dụ Châu. Đến lượt Trần Dụ Châu, cuối cùng cũng phải khai trước cơ quan điều tra về những hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ của mình.
Thứ năm: Quân pháp bất vị thân. Trừng trị để giáo huấn. Quang minh chính đại, có bản lĩnh dám tự phê bình, xử lý kỷ luật cán bộ nghiêm minh là tư cách của một đảng chân chính cách mạng, một chính quyền vì dân, được lòng dân
Với sự chỉ đạo chặt chẽ, làm rõ đúng người, đúng tội, giữa tháng 9-1950, tại Thái Nguyên, vụ án Trần Dụ Châu và đồng bọn trong đường dây tham nhũng, hối lộ được giao cho Tòa án binh tối cao xét xử. Đây là phiên tòa đặc biệt, xét xử công khai.
Trước phòng xử án treo khẩu hiệu “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”. Mỗi bên trong phòng xử án có khẩu hiệu “Quân pháp bất vị thân” và“Trừng trị để giáo huấn”. Thiếu tướng Công tố ủy viên Trần Tử Bình nhắc lại quan điểm của Bác Hồ về cán bộ phải Cần Kiệm Liêm Chính, chí công vô tư. Ông đọc bản cáo trạng, yêu cầu tòa dùng luật hình sự để xử Trần Dụ Châu, Lê Sỹ Cửu. Ông đọc Công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định tước quân hàm đại tá và cách chức Giám đốc Nha Quân Nhu của Trần Dụ Châu.
Thiếu tướng Chu Văn Tấn tuyên án Trần Dụ Châu về tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Mức án: tử hình và tịch thu ba phần tư tài sản. Lê Sỹ Cửu can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu, giả mạo giấy tờ, con dấu, tử hình.
Trần Dụ Châu nói lời cuối cùng mong được tha thứ và xin được Hồ Chủ tịch giảm án. Suy nghĩ nhiều, Bác đau lòng vì có những con sâu làm hại cây. Cuối cùng, vì quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, để tạo niềm tin của nhân dân, bộ đội vào Chính phủ, Đảng và Quân đội và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến, Người đã bác đơn xin giảm án của Trần Dụ Châu. Trước đó, Người từng nói: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì. Vụ án được thi hành như Hội đồng xét xử đã tuyên: tử hình.
Sau vụ án, cơ quan báo chí xin ý kiến chỉ đạo của Bác. Bác nói đại ý cho đăng ngay công khai trên báo chí để nhân dân ta và nhân dân thế giới biết chúng ta quang minh chính đại, chân chính cách mạng, không có gì phải giấu giếm. Mấy ngày sau, báo Cứu quốc đăng Xã luận về vụ án. Nội dung bài Xã luận có nói đến suy nghĩ của một số người sợ kẻ địch lợi dụng việc này để nói xấu chế độ, chính quyền ta. Xã luận khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, không sợ phê bình và dám tự phê bình, không che giấu khuyết điểm, sai phạm của cán bộ. Chúng ta công khai vạch rõ những tội lỗi của Trần Dụ Châu và xử đúng người, đúng tội. Việc làm đó khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật cách mạng; làm tăng thêm niềm tin của quần chúng nhân dân vào Nhà nước; khuyến khích nhân dân mạnh dạn phát hiện, phê bình những cán bộ thoái hóa, biến chất; cảnh tỉnh, răn đe những kẻ có ý định đi vào con đường phản dân, hại nước. Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của Đoàn thể, mà là việc chung của cả dân chúng.
Sự nghiêm minh của pháp luật qua xét xử vụ án Trần Dụ Châu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đồng bào và cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực, nguồn lực mới, mạnh mẽ để bước vào chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950, mà sau đó chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang.
tin tức liên quan
Videos
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529369
2112
2304
21642
216065
0
114529369