Những góc nhìn Văn hoá
Khẩu hiệu ngốn gần mười một tỷ - tiền dân đâu phải lá mít!
Gần đây, thông tin nhiều địa phương triển khai các dự án tượng đài, cổng chào với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi trong số đó có địa phương còn nghèo, hàng năm đều phải nhận hỗ trợ, gạo cứu đói từ trung ương; đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước đã và đang phải dồn mọi nguồn lực để phòng chống đại dịch.
Trước phản ứng của báo chí và dư luận, ai cũng nghĩ, “phong trào” dựng tượng, xây cổng chào sẽ sớm dừng lại, ngân sách nhà nước sẽ bớt đi những khoản chi chưa cần thiết, lãng phí. Thế nhưng, nghĩ vậy mà không được như vậy.
Mới đây, dư luận lại “mắt chữ A miệng chữ O” về một dự án có một không hai đang được tỉnh Hòa Bình gấp rút triển khai xây dựng.
Đó là dự án "Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng" (thuộc phường Chăm Mát, TP Hòa Bình) vừa được ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt cách đây vài tháng trước khi ông này nghỉ hưu theo chế độ.
Công trình lắp dựng khẩu hiệu gồm 11 từ, được thuyết minh là nhằm tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi ông Tượng. Toàn bộ chi phí là 10,39 tỷ đồng, mỗi từ xấp xỷ 950 triệu đồng, được lấy từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế của địa phương.
Theo quyết định phê duyệt, dòng khẩu hiệu có chiều cao chữ cái 10m, rộng 1,4m và độ dày 0,6m. Vật liệu xây dựng là khung chữ kết cấu thép tráng kẽm, vật liệu bọc bên thành chữ bằng Aluminium. Mặt chính diện bằng thép tấm sơn tĩnh điện, trên mặt đục lỗ bố trí các bóng đèn led, hệ thống đèn led được điều khiển tự động.
Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành trước ngày 1/10/2020, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII.
Chuyện dựng khẩu hiệu khủng trên triền núi của Hòa Bình khiến tôi liên tưởng đến câu khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trên triền một ngọn núi thuộc dãy Thiên Nhẫn quê tôi thời đánh giặc cứu nước.
Hồi ấy, người ta “khắc” câu khẩu hiệu này vào sườn núi bằng công cụ lao động thô sơ là cuốc xẻng và sức người mà không tốn một xu ngân sách nào. Thế nhưng tác dụng của nó thì khỏi phải nói. Đứng xa hàng chục cây số vẫn thấy rõ dòng chữ nổi bật trên núi cao, nó nhắc nhở, động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sỹ và người dân ở một vùng quê mà không một phút giây nào lại không phải đối mặt với bom đạn, chết chóc do quân thù gieo rắc.
Còn bây giờ, mỗi lần ngắm nhìn câu khẩu hiệu ở đồi ông Tượng, người dân địa phương chắc chắn không ai là không cảm thấy xót xa khi biết dòng chữ ngắn ngủi ấy có giá gần 11 tỷ, mỗi chữ tương đương giá trị 10 căn nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo.
Chẳng biết câu khẩu hiệu ấy có thể tạo điểm nhấn gì và cỗ vũ ai khi nó được “dát vàng” trong lúc ngân sách địa phương eo hẹp, đời sống người dân vùng cao còn lắm nỗi khó khăn?
Nguồn tham khảo: https://www.phapluatplus.vn/
tin tức liên quan
Videos
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529331
274
2304
21604
216027
0
114529331