Những góc nhìn Văn hoá

Phê phán lý tính thực hành [kỳ 8]

PHẦN II: HỌC THUYẾT VỀ PHƯƠNG PHÁP CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

Với “học thuyết về phương pháp” hay “Phương pháp luận” (Methodenlehre) của lý tính thuần túy thực hành, ta không hiểu đó là phương cách tiến hành bằng những nguyên tắc thuần túy thực hành (ở trong việc nghiên cứu hay trong việc trình bày) nhằm đạt được một nhận thức khoa học về chúng. Điều này chỉ đúng với cái được gọi là “phương pháp” ở đâu đó trong triết học lý thuyết (vì lẽ nhận thức thông thường thì cần một kiểu cách (Manier), còn khoa học thì cần một phương pháp, tức cần một tiến trình dựa theo những nguyên tắc của lý tính để chỉ nhờ đó cái đa tạp của bất kỳ lĩnh vực nhận thức nào cũng có thể trở thành một hệ thống). Trái lại, ở đây, ta hiểu “học thuyết về phương pháp” là phong cách làm sao để những quy luật của lý tính thuần túy thực hành có thể đi vào trong tâm thức con người và có ảnh hưởng lên những châm ngôn của tâm thức ấy, nghĩa là, nhờ đó ta biến lý tính thực hành khách quan thành lý tính thực hànhchủ quan.

Nay đã rõ ràng là, những cơ sở quy định của ý chí – chỉ có chúng mới làm cho những châm ngôn có tính luân lý đích thực và mang lại cho chúng một giá trị luân lý, tức, hình dung trực tiếp về quy luật và sự tất yếu khách quan phải tuân theo quy luật như là nghĩa vụ của ta - phải được xem như là những động cơ đích thực của những hành vi, bởi nếu không thế, tuy có thể tạo ra tính hợp lệ (Legalität) của hành vi chứ không tạo ra tính luân lý (Moralität) của ý đồ. Thế nhưng, quả là không thật rõ ràng, trái lại, thoạt nhìn dường như ai cũng thấy thật khó tin được rằng việc trình bày về đức hạnh thuần túy lại có thể có được sức mạnh lớn hơn đối với tâm thức con người, cả về mặt chủ quan, lẫn mang lại một động cơ mạnh mẽ hơn, cả về mặt chỉ tạo nên tính hợp lệ của hành vi, cũng như tạo ra được những quyết định cương quyết ủng hộ quy luật từ lòng tôn kính thuần túy đối với nó thay vì những sự toan tính khác so với mọi sự cám dỗ lừa bịp của khoái lạc hay của tất cả những gì được xem là hạnh phúc, hay thậm chí so với mọi đe dọa của sự đau đớn và bất hạnh. Tuy thế, tình hình trong thực tế lại khác; và nếu bản tính tự nhiên của con người không được cấu tạo như thế, ắt sẽ không có phương cách trình bày nào về quy luật - dù là đi đường vòng và có thêm những lời khuyến cáo gián tiếp - lại có thể tạo ra được tính luân lý cho ý đồ. Tất cả ắt sẽ chỉ là sự đạo đức giả; quy luật sẽ bị thù ghét hay chí ít là bị xem thường, trong khi con người cứ chạy theo cái gì thuận lợi cho riêng mình. Ngôn từ của quy luật (tính hợp lệ) ắt có thể được tìm thấy trong những hành vi của ta, nhưng không hề có tinh thần của nó ở trong tâm hồn ta (tính luân lý); và vì lẽ dù cố gắng đến đâu ta cũng không thể hoàn toàn giải phóng ta khỏi lý tính ở trong sự phán xét của mình, ắt ta không thể tránh khỏi tự bộc lộ trước mắt mình như là những con người không xứng đáng, đồi bại, cho dù ta có muốn tìm cách bù đắp lại cho sự tủi nhục này trước tòa án nội tâm bằng sự hưởng thụ khoái lạc mà một quy luật tự nhiên hay thần linh được tưởng tượng nào đó có lẽ đã nối kết với nó bằng một loại bộ máy cảnh sát điều chỉnh những hoạt động bởi những gì được làm chứ không hề bận tâm đến những động cơ của việc làm.

Tất nhiên không thể phủ nhận rằng, để đưa một tâm hồn còn chưa được đào luyện hay bị thoái hóa đi vào đúng đường ray của cái Thiện luân lý cũng cần phải có một số hướng dẫn có tính dự bị nào đó để lôi cuốn nó bằng sự hy vọng hay đe dọa của việc được, mất; nhưng bao lâu cơ chế này, hay chiếc xe tập đi này đã mang lại một ít hiệu quả, thì ta phải mang lại cho tâm thức động cơ luân lý thuần túy; không chỉ bởi vì động cơ này là cái duy nhất có thể là nền tảng cho tính cách (Charakter) (tức một lề lối tư duy thực hành, chặt chẽ với những châm ngôn bất di bất dịch), mà còn vì nó dạy cho con người cảm nhận được phẩm giá của chính mình, mang lại cho tâm hồn một sức mạnh mà chính nó không ngờ tới để tách mình ra khỏi mọi ràng buộc cảm tính mỗi khi chúng muốn trở thành thống soái, và để tìm ra một sự bù đắp phong phú cho những gì con người đã hy sinh, trong sự độc lập tự chủ của bản tính lý tính của mình và sự lớn lao của tâm hồn mà con người thấy đó là vận mệnh của mình. Vì thế, bằng những sự quan sát mà ai cũng làm được, ta muốn chứng minh rằng đặc điểm này của tâm hồn chúng ta, tính thụ nhận này đối với một mối quan tâm thuần túy luân lý, và do đó, sức mạnh lay động của quan niệm thuần túy về đức hạnh - một khi được đưa vào trong lòng người - sẽ là một động cơ mạnh mẽ nhất, và khi vấn đề là phải tuân thủ thường xuyên và nghiêm chỉnh những châm ngôn luân lý, sẽ là một động cơ duy nhất hướng đến cái Thiện. Song, ta cần phải nhớ rằng nếu những sự quan sát này chỉ chứng minh [tính] hiện thực của một tình cảm như thế, chứ không cho thấy bất kỳ một sự cải thiện nào về luân lý, thì đó không phải là luận cứ để bác lại phương pháp duy nhất có mặt để biến những quy luật thực hành của lý tính thuần túy một cách khách quan trở thành thực hành một cách chủ quan thông qua sức mạnh đơn thuần của khái niệm về nghĩa vụ; và nó cũng không chứng minh rằng phương pháp này là một sự thêu dệt trống rỗng. Nhưng vì lẽ phương pháp này chưa bao giờ được tiến hành, nên kinh nghiệm không thể nói gì về những kết quả của nó; người ta chỉ có thể đòi hỏi những bằng chứng về sự tiếp thu những động cơ như thế, và đó chính là những gì tôi muốn trình bày ngắn gọn sau đây, và, qua đó, phác họa phương pháp về việc thiết lập và vun bồi những ý đồ hay tình cảm luân lý.

Khi ta chú ý lắng nghe diễn trình đàm thoại nơi những cuộc gặp mặt gồm nhiều loại người, không chỉ những người có học và giỏi biện luận mà cả những người buôn bán hay phụ nữ, ta quan sát thấy bên cạnh việc kể chuyện và đùa cợt, còn có một loại giải trí khác nữa tham gia vào, đó là cãi lý, bởi những câu chuyện kể, nếu mới lạ và hứng thú thì cũng sớm cạn, còn đùa cợt mãi thì cũng chán. Trong số đủ loại cãi lý thì không có loại nào thu hút được nhiều người tham gia vào, tuy họ thường sớm ngán ngẩm những cuộc tranh biện, và mang lại chút sinh động nào đó cho buổi họp mặt cho bằng tranh cãi về giá trị luân lý của hành vi này hay hành vi nọ, qua đó phát hiện ra tính cách của một người nào đó. Những người mà trong những trường hợp khác, bất kỳ điều gì tinh vi, phức tạp trong những vấn đề lý thuyết đều bị họ xem là khô khan và chán ngấy, bây giờ hăng hái tham gia thảo luận để vạch ra thực chất luân lý của một hành vi tốt hay xấu có liên quan, và khi ấy, họ bộc lộ một sự chính xác, tinh tế, sâu sắc để tìm ra tất cả những gì làm giảm đi, hay thậm chí chỉ khả nghi là làm giảm đi tính thuần khiết của ý đồ, và do đó, giảm đi mức độ đức hạnh trong những hành vi ấy; điều mà ta khó chờ đợi ở họ nơi bất kỳ loại tư biện nào khác. Trong những cuộc bình phẩm này, người đưa ra phán xét về người khác cũng thường bộc lộ tình cảm của chính họ: một số người, khi phán xét, nhất là về người đã khuất, dường như có xu hướng chủ yếu là bảo vệ cái tốt liên quan đến việc làm này khác chống lại mọi chê trách về tính không trong sạch, và rút cục, là bảo vệ toàn bộ giá trị luân lý của con người trước cáo buộc về sự giả vờ và tính ác giấu mặt, trong khi số khác hướng ý kiến nhiều hơn đến việc công kích giá trị này bằng sự kết tội và bới lông tìm vết. Song, không phải lúc nào ta cũng có thể quy kết rằng những người thuộc loại sau có ý đồ muốn xóa bỏ hết đức hạnh từ những ví dụ điển hình về con người nhằm biến đức hạnh thành một danh hiệu rỗng tuếch, trái lại, thường thấy ở đây một sự nghiêm khắc rất thành tâm để khẳng định thực chất luân lý dựa theo một quy luật không khoan nhượng. Chính việc so sánh với một quy luật như thế chứ không phải với những trường hợp điển hình đã hạ thấp rất nhiều lòng tự phụ trong các vấn đề luân lý, và không chỉ giáo dục lòng khiêm tốn mà còn khiến mỗi người cảm thấy cần tự kiểm mình nghiêm khắc hơn. Còn đối với những người thường bảo vệ tính trong sạch của mục đích thì khi nêu lên những điển hình để cho thấy trong đó có thể phỏng đoán tính ngay thẳng, và không ngần ngại xóa bỏ cả những vết đen nhỏ nhất, họ xuất phát từ động cơ cho rằng: nếu mọi tính trung thực của những trường hợp ấy đều bị tranh cãi và nếu tính trong sạch của mọi đức tính con người đều bị phủ nhận hết, ắt đức hạnh rút cục sẽ bị xem như là một ảo tưởng hoang đường, và như thế, mọi nỗ lực để đạt tới nó sẽ bị xem thường như là óc tự phụ vô lối và sự làm bộ làm tịch mà thôi.

Tôi khôngbiết tại sao những nhà giáo dục trẻ em từ lâu đã không chịu sử dụng chính khuynh hướng này của lý tính vốn luôn rất thích thú khi đi vào việc khảo sát tinh vi những vấn đề thực hành được gợi ra; và tại sao, sau khi đã đặt xong nền tảng cho một bộ quy phạm (Katechism) đơn thuần có tính luân lý, họ lại không tìm tòi trong những tiểu sử ở thời cổ đại lẫn hiện đại những bằng chứng điển hình về các loại nghĩa vụ, nhất là bằng cách so sánh với những hành vi tương tự trong những hoàn cảnh khác nhau để vun bồi óc phán đoán có tính phê phán cho học sinh khi lưu ý chúng về ý nghĩa luân lý ít hay nhiều của những hành vi ấy. Đó là một cách làm khiến người thầy giáo nhận ra rằng ngay cả tuổi ấu thơ - vẫn còn chưa chín muồi cho việc tư biện về những lĩnh vực khác - vẫn sớm trở nên rất sắc bén và không phải không ham thích vì chúng cảm nhận được sự tiến bộ trong năng lực phán đoán của mình; và điều quan trọng hơn hết là, người thầy giáo có thể tin chắc rằng sự luyện tập thường xuyên cho trẻ em để nhận biết và đánh giá hành vi tốt trong tất cả tính trong sạch, thuần khiết của nó, cũng như ngược lại, biết phê phán hay khinh chê việc vi phạm dù là nhỏ nhất, thì, tuy chỉ mới là một trò chơi để trẻ em ganh đua với nhau, nhưng sẽ lưu lại ấn tượng lâu bền về việc yêu quý điều này và ghê tởm điều kia, và như thế, bằng thói quen quan sát đơn thuần những hành vi đáng tán thưởng hay đáng chê trách, ta đã đặt được một nền móng tốt đẹp để có thể dẫn dắt trẻ em đến nếp sống ngay thẳng, công chính trong cuộc sống tương lai. Chỉ có điều tôi mong mỏi rằng thầy giáo nên “tha” cho học sinh tấm gương của những hành vi gọi là “cao cả” (“cống hiến siêu đẳng”) tràn ngập trong các sách giáo khoa luân lý của ta, và nên quy hướng tất cả vào nghĩa vụ đơn thuần mà thôi và vào giá trị mà con người có thể và phải mang lại cho chính mình từ những gì chính mắt mình thấy, bằng ý thức về việc không vi phạm nó, chứ còn bất cứ cái gì chỉ dẫn đến những ước mơ hay khát vọng rỗng tuếch, chạy theo sự hoàn hảo không tưởng thì chỉ tạo ra được những bậc anh hùng trong tiểu thuyết, vì đó là những người, trong khi tự kiêu về tình cảm của họ dành cho cái vĩ đại siêu việt, thực chất là “tự tha bổng” cho mình việc tuân theo những bổn phận đời thường, mà đối với họ, tỏ ra quá bé mọn và vô nghĩa*.

 

Còn bây giờ nếu hỏi rằng: “Vậy đâu là luân lý thuần túy đích thực để làm thước đo cho ý nghĩa luân lý của mọi hành vi?”, thì tôi phải thú nhận rằng chỉ có những triết gia mới có thể làm cho việc quyết định về vấn đề này trở nên đáng nghi ngờ, chứ còn đối với lương thức thông thường, điều này đã được quyết định từ lâu, tất nhiên không phải bằng những công thức tổng quát, trừu tượng mà bằng sự sử dụng quen thuộc hàng ngày, giống như việc phân biệt giữa tay phải với tay trái vậy! Trước hết, ta hãy chỉ ra tiêu chuẩn của đức hạnh thuần túy bằng một ví dụ; và tưởng tượng rằng ta nêu ví dụ ấy cho một cậu bé độ mười tuổi phát xét, thử xem cậu ta có thể tự mình làm được mà không cần đến sự hướng dẫn của thầy giáo hay không. Ta hãy kể cho cậu bé nghe câu chuyện về một người tử tế bị người khác vận động để tham gia vào hàng ngũ những kẻ vu cáo để hại một người vô tội và trong tay không có chút quyền lực nào (chẳng hạn đó là Anna von Boleyn, bị vua Henry VIII của nước Anh kết tội)(82). Người ấy được hứa ban thưởng cho nhiều lợi ích, quà tặng đáng giá hay tước vị cao nhưng đều từ chối cả. Điều này chắc chắn gây được sự tán thưởng và ủng hộ nơi người nghe. Rồi bây giờ là sự đe dọa phải chịu tổn thất. Trong số những kẻ vu khống có những người bạn thân nhất sẽ từ bỏ tình bạn đối với người ấy, còn bà con gần gũi thì dọa tước quyền thừa kế (người ấy không có tài sản gì); thêm vào đó là những kẻ đầy quyền lực sẽ truy bức anh ta ở mọi lúc, mọi nơi; thậm chí một lãnh chúa còn dọa sẽ bỏ tù, vâng, sẽ làm anh ta mất mạng nữa. Để dùng hết mọi biện pháp gây đau khổ, và để buộc anh ta cảm nhận sự đau khổ mà chỉ một người có lòng thiện tâm mới thấm thía sâu sắc, người ta còn dọa đẩy gia đình anh ta vào cảnh khốn khổ cùng cực nhằm khuyên anh ta phải nhượng bộ. | Ta hãy tưởng tượng rằng, dù cương trực đến mấy, anh ta cũng khó mà không sờn lòng trước hoàn cảnh như thế của gia đình, và ngay cả khi không hề muốn sống thêm một ngày nào để phải chịu đựng sự đau khổ đến thế, anh ta vẫn trung thành với mục đích chính đáng của mình, không chút giao động hay nghi ngờ, chắc hẳn người bạn trẻ của chúng ta khi nghe kể chuyện sẽ từng bước đi từ sự tán đồng đơn thuần đến chỗ ngưỡng mộ, rồi từ sự ngưỡng mộ đến sự kinh ngạc, và sau cùng đi đến lòng tôn kính sâu sắc nhất, và tự nhiên nảy sinh lòng khao khát mạnh mẽ là muốn có thể trở thành một con người như thế (dù không phải chịu cùng hoàn cảnh!). | Như thế, ở đây, sở dĩ đức hạnh có giá trị đến như thế chỉ là vì nó phải trả giá rất nhiều chứ không phải vì nó mang lại lợi ích gì. Toàn bộ sự ngưỡng mộ và ngay cả nỗ lực muốn làm theo tính cách ấy đều hoàn toàn dựa trên tính thuần khiết của nguyên tắc luân lý; tính thuần khiết này chỉ có thể được hình dung rõ ràng trước mắt là khi con người tước bỏ hết những gì được xem là thuộc về hạnh phúc ra khỏi những động cơ của hành vi. Vậy, luân lý càng được thể hiện một cách thuần túy bao nhiêu, nó càng có sức mạnh đối với lòng người bấy nhiêu. Từ đó, ta thấy rằng nếu quy luật của luân lý, hình ảnh của tính thiêng liêng và đức hạnh muốn có ảnh hưởng lên tâm hồn ta, thì chỉ trong chừng mực chúng được đưa vào lòng ta trong tính thuần túy của chúng như là những động cơ, không bị pha trộn với bất kỳ mưu cầu nào về sự sung sướng của bản thân, bởi trong sự đau khổ, chúng càng thể hiện một cách rực rỡ nhất. Song vì lẽ bất cứ cái gì khi được dẹp bỏ đi thì làm tăng cường tác động của một lực vận động, cái đó quả là một trở lực. Cho nên mọi sự pha trộn của động cơ có nguồn gốc từ sự mưu cầu hạnh phúc riêng tư là một trở lực không cho quy luật luân lý có tác động lên lòng người. Hơn thế, tôi xin khẳng định rằng ngay cả trong hành vi được ngưỡng mộ, nếu động cơ của nó là sự coi trọng nghĩa vụ, thì chỉ có sự tôn kính này đối với quy luật mới có được ảnh hưởng lớn nhất đối với tâm hồn của người chứng kiến, chứ không phải bất kỳ tham vọng nào về một sự vĩ đại nội tâm có tính tưởng tượng của tâm thức hay những tình cảm cao cả có tính cống hiến; do đó, nghĩa vụ, chứ không phải công đức, mới được phép không chỉ có tác động quyết định nhất mà, nhất là khi được hình dung trong ánh sáng đúng đắn của tính bất khả vi phạm, còn có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tâm hồn.

Ngày nay, việc chú ý đặc biệt đến phương pháp này là cần thiết hơn bao giờ hết, bởi người ta đang hy vọng có thể tác động lên tâm hồn bằng những tình cảm mềm yếu, ủy mị hoặc những tham vọng bay bổng, rỗng tuếch làm khô héo trái tim thay vì tăng cường cho nó, hơn là bằng một sự hình dung khô khan và nghiêm chỉnh về nghĩa vụ, vốn phù hợp hơn nhiều với sự bất toàn của con người và với sự tiến bộ của điều Thiện. Đặt ra trước mắt trẻ em những hành vi được gọi là “cao cả”, “vĩ đại”, “đầy cống hiến” làm khuôn mẫu với ý định khuyến khích chúng làm những hành vi này trong tương lai bằng cách “bơm” vào cho chúng lòng nhiệt tình, là một việc làm hoàn toàn phản-mục đích. Bởi lẽ, chúng còn “tụt hậu” rất xa trong việc thi hành những nghĩa vụ bình thường nhất cũng như trong việc phán đoán đúng đắn về những nghĩa vụ này, nên việc làm trên chỉ sớm biến chúng thành những tay huênh hoang một tấc đến trời. Nhưng, ngay cả đối với những người đã có học và đã từng trải thì động cơ giả tạo này, nếu không gây tác hại, thì ít ra cũng không có tác động luân lý đích thực nào lên tâm hồn như người ta đã mong muốn.

Mọi tình cảm, nhất là những tình cảm tạo nên những nỗ lực phi thường, phải gây tác dụng ở đúng giây phút chúng đạt tới cao điểm và trước khi chúng lắng dịu xuống, nếu không, chúng chẳng tác động được gì hết. | Bởi lẽ, ở đây không có gì để “tăng cường” trái tim mà chỉ “kích thích” nó, nên, một cách tự nhiên, nó quay trở lại trạng thái ôn hòa bình thường và, do đó, rơi vào lại tình trạng bạc nhược trước đó. Những nguyên tắc phải được xây dựng trên những khái niệm, còn nếu được xây dựng trên bất kỳ cơ sở nào khác thì chúng chỉ là những sự bột phát nhất thời, không thể mang lại giá trị luân lý nào cả cho con người, hơn thế, không làm cho con người có lòng tự tin nơi chính mình, mà nếu không có lòng tự tin thì sự Thiện-tối cao trong con người, ý thức về tính luân lý của tâm hồn và tính cách của mình cũng không thể tồn tại được. Bây giờ, nếu muốn những khái niệm này trở thành thực hành một cách chủ quan, ta không được vừa lòng với việc ngưỡng mộ quy luật khách quan của luân lý và đánh giá cao nó về phương diện nhân tính, mà ta còn phải xem xét khái niệm luân lý trong quan hệ với con người với tư cách là một cá nhân; bấy giờ, quy luật này xuất hiện ra trong một hình thức tuy đáng được tôn kính, nhưng không phải là dễ chịu như thể nó thuộc về cái gì vốn quen thuộc một cách tự nhiên với ta, trái lại, thường buộc ta phải rời bỏ yếu tố quen thuộc này – nhưng không phải là tự phủ nhận – để dấn thân vào một yếu tố cao hơn, trong đó ta chỉ có thể bảo tồn chính mình bằng sự vất vả, và không ngừng lo ngại về khả năng thoái bộ. Nói ngắn gọn, quy luật luân lý đòi hỏi sự tuân thủ, xuất phát từ nghĩa vụ chứ không phải từ lòng thiên ái riêng tư, vì lòng yêu thích thiên lệch này tuyệt nhiên không thể và không được phép xem là điều kiện tiên quyết.

Bây giờ, bằng một ví dụ, ta thử xem phải chăng sự hình dung về một hành động được xem là cao thượng và dũng cảm có nhiều sức mạnh tác động chủ quan hơn một hành động đơn thuần như là nghĩa vụ trong quan hệ với quy luật uy nghiêm của luân lý. Hành động mà một người, với nguy cơ cao nhất về sinh mệnh, tìm cách cứu nạn nhân của một vụ chìm tàu, và rút cục phải bỏ mình vì nỗ lực ấy, một mặt được xem như là nghĩa vụ; mặt khác và được hầu hết mọi người ca ngợi là một việc làm đầy hy sinh cống hiến, nhưng sự đánh giá cao của ta về hành động ấy không khỏi bị yếu đi phần nào khi xét đến nghĩa vụ của người ấy đối với bản thân mình, mà trong trường hợp này, tỏ ra ít nhiều bị vi phạm. Còn có ý nghĩa quyết định hơn nữa là việc hy sinh một cách cao cả mạng sống của bản thân mình cho sự bình yên của tổ quốc, thế nhưng ở đây vẫn còn đôi chút băn khoăn phải chăng việc hiến dâng mạng sống cho mục đích này một cách tự phát và tự nguyện có phải là một nghĩa vụ hoàn hảo hay không; và hành động này – trong bản thân nó – vẫn không có được toàn bộ sức mạnh của một mẫu mực và của một động cơ để mọi người mô phỏng theo. Nhưng, nếu vấn đề lại là một nghĩa vụ thiết yếu mà việc vi phạm nó ắt sẽ vi phạm bản thân quy luật luân lý, không xét đến phúc lợi của con người, và như là sự chà đạp tính thiêng liêng của quy luật (ta thường gọi đó là những nghĩa vụ với “Trời”, với Thượng đế, bởi ta quan niệm nơi Thượng đế lý tưởng của tính thiêng liêng ở trong thực chất), thì bấy giờ ta hoàn toàn quyết tâm theo đuổi nó dù phải hy sinh tất cảnhững gì có thể có giá trị nào đó đối với những xu hướng được ta yêu thích nhất, và ta sẽ thấy tâm hồn mình được tăng cường và nâng cao bởi một tấm gương điển hình như thế, một khi ta tự thuyết phục rằng bản tính con người có năng lực lớn lao là tự nâng cao lên trên mọi động lực của bản tính tự nhiên. Juvenal đã cực tả một trường hợp điển hình để làm cho người đọc cảm nhận sinh động sức mạnh của động cơ được chứa đựng trong một quy luật thuần túy của nghĩa vụ, xét như là nghĩa vụ:

Esto bonus miles, tutor bonus, arbiter idem Integer; ambiguea si quando citabere testis Incertaeque rei, Phalaris licet imperet ut sis Falsus, et admoto dictet periuria tauro, Summum crede nefas animan praeferre pudori, Et propter vitam vivendi perdere causas(83).

 [Latinh: Juvenal, Satirae:

“Dù ngươi là một chiến binh giỏi, một thầy giáo tốt, một quan tòa trung thực; nhưng nếu ngươi bị triệu tập như một nhân chứng trong một vụ việc không chắc chắn và đáng ngờ, thì dù Phalaris [một tên độc tài ở đảo Sizilien, Ý] có ra lệnh cho ngươi phải nói sai, buộc ngươi tuyên thệ dối trước con bò thiêng, ngươi luôn nhớ rằng: tội lỗi lớn nhất là yêu mạng sống hơn danh dự, và vì mạng sống mà đánh mất lẽ sống”].

Khi ta có thể đưa một ý tưởng có tính tâng bốc về công đức hay cống hiến vào trong hành vi của ta, thì động cơ đã bị pha trộn một cách nào đó với lòng yêu chính mình và vì thế, có dựa vào sự trợ giúp từ phía cảm năng. Còn nếu đặt mọi thứ vào sau tính thiêng liêng duy nhất của nghĩa vụ, và có ý thức rằng ta có thể làm vì lý tính của ta thừa nhận điều ấy như là mệnh lệnh và bảo rằng ta cần phải làm, thì như thế là hầu như ta đã hoàn toàn nâng mình lên khỏi thế giới cảm tính, và gắn liền với cùng một ý thức về quy luật ấy là một động cơ của một quan năng làm chủ cảm năng; và mặc dù điều này không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhưng sự làm việc thường xuyên với động cơ này, thoạt đầu chỉ từng nỗ lực nhỏ khi sử dụng nó, sẽ mang lại hy vọng rằng hiệu quả này sẽ gia tăng để từng bước tạo ra được trong ta sự quan tâm lớn nhất, nhưng có tính thuần túy luân lý.

Phương pháp được tiến hành theo diễn trình sau đây. Thoạt đầu, ta chỉ quan tâm đến việc phán đoán những hành vi bằng những quy luật luân lý như là một công việc tự nhiên đi kèm theo mọi hành vi tự do của riêng ta cũng như quan sát hành vi của những người khác, và làm việc này như thể một thói quen để mài sắc khả năng phán đoán, trước tiên tự hỏi hành vi ấy có phù hợp một cách khách quan với quy luật luân lý hay không và với quy luật nào. | Sau đó, ta phân biệt quy luật chỉ đơn thuần cung cấp một cơ sở hay nguyên tắc cho bổn phận với quy luật thực sự ràng buộc trong thực tế (latinh: leges obligandi a legibus obligantibus: những quy luật về bổn phận phân biệt với những quy luật bổn phận phải làm), chẳng hạn, quy luật về những gì mà nhu cầu của người khác đòi hỏi nơi tôi khác với quy luật mà họ có quyền đòi hỏi tôi phải làm; cái sau đề ra những nghĩa vụ cơ bản, còn cái trước chỉ đề ra những nghĩa vụ không cơ bản; và như thế, ta học được cách phân biệt các loại nghĩa vụ khác nhau ở trong cùng một hành vi. [Sau đó] một điểm khác cần được ta chú ý là câu hỏi: phải chăng hành vi đã được làm (một cách chủ quan) là quy luật luân lý, khiến cho nó không chỉ đúng về mặt luân lý xét như một việc đã làm (Tat) mà còn có giá trị luân lý xét như một ý đồ, từ châm ngôn hành động của nó. Ở đây, điều không thể nghi ngờ là: việc đánh giá này về hành vi cũng như sự đào luyện lý tính chúng ta khi phán đoán đơn thuần về mặt thực hành phải dần dần mới tạo ra được một sự quan tâm nào đó ngay cả với quy luật của lý tính, và do đó, với những hành vi tốt về luân lý. Bởi vì ta rút cục có lòng yêu thích một sự vật sau khi sự xem xét [lý thuyết] về nó cho ta cảm giác rằng việc sử dụng các quan năng nhận thức của ta đã được mở rộng, và sự mở rộng này lại đặc biệt được thúc đẩy khi ta tìm thấy trong đó sự đúng đắn về luân lý; và chỉ ở trong một trình tự như thế của sự vật thì lý tính – với quan năng quy định những nguyên tắc một cách tiên nghiệm về những gì cần phải được làm [về mặt luân lý] - mới có thể tìm thấy sự thỏa mãn. Một nhà nghiên cứu về Tự nhiên rút cục đi đến chỗ yêu thích những đối tượng mà lúc đầu giác quan họ rất khó chịu, khi ông ta phát hiện trong chúng tính hợp mục đích lớn lao về mặt tổ chức của chúng, khiến cho lý tính của ông ta thấy bổ ích trong việc nghiên cứu chúng. Cho nên, không lạ gì khi Leibniz, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng một con côn trùng dưới kính hiển vi, đã ân cần đặt nó lại trên nhành lá nguyên thủy của nó, vì ông đã tự thấy mình đã được học hỏi nhiều nhờ sự quan sát nó, và hầu như đã được hưởng ơn ích từ nó(84).

Thế nhưng, việc sử dụng này đối với năng lực phán đoán giúp ta cảm nhận được về các năng lực nhận thức của ta vẫn chưa phải là mối quan tâm đối với những hành vi và đối với bản thân luân lý. Việc làm này mới chỉ khiến ta thích thú đi vào sự phẩm bình như thế và nó mang lại cho đức hạnh hay lề lối suy tư phù hợp với những quy luật luân lý một hình thức của vẻ đẹp [thẩm mỹ], được ngưỡng mộ nhưng chưa phải đã được cầu tìm (latinh: laudatur et alget)(85), giống như tất cả những gì được nhìn ngắm đều tạo ra một ý thức về sự hài hòa giữa các quan năng biểu tượng của ta, qua đó ta cảm thấy toàn bộ năng lực nhận thức của mình (giác tính và trí tưởng tượng) đều được tăng cường, tạo nên một sự hài lòng có thể tương thông với những người khác, song sự hiện hữu của đối tượng vẫn là dửng dưng đối với ta, nghĩa là, chỉ được xem như là cơ hội để ta trở nên có ý thức về những năng lực ở trong ta vượt cao hơn bản tính đơn thuần của thú vật mà thôi. Tuy nhiên, bây giờ, một sự thực tập thứ hai xuất hiện, đó là sự trình bày sống thực về ý đồ luân lý bằng những ví dụ điển hình, trong đó sự chú ý được hướng đến tính thuần túy của ý chí, thoạt đầu chỉ như là sự hoàn hảo tiêu cực, trong chừng mực không có động cơ nào của xu hướng có ảnh hưởng quy định đến hành vi đã được làm từ nghĩa vụ. Qua việc này, sự chú ý của người học được tập trung vào ý thức về sự Tự do của mình, và mặc dù sự từ khước [động cơ cảm tính] này thoạt đầu gợi nên một cảm giác đau đớn, song, nhờ sự rút bỏ này, người học cũng được giải thoát khỏi sự cưỡng chế của những nhu cầu có thực, đồng thời cũng báo hiệu một sự giải thoát khỏi những sự không hài lòng do tất cả những nhu cầu này tạo nên nơi người học, làm cho tâm hồn người học đủ sức để đón nhận cảm giác mãn nguyện từ những nguồn khác. Lòng ta được giải thoát và được trút bỏ gánh nặng vốn luôn âm thầm đè nặng lâu nay, khi những trường hợp điển hình của sự quyết tâm thuần túy luân lý phát lộ cho ta biết về năng lực nội tâm mà bình thường ta không biết tới một cách đúng đắn, đó là sự Tự do nội tâm giải phóng con người ra khỏi sự thúc bách dữ dội của những xu hướng, đến một mức độ mà không còn một xu hướng nào trong chúng, kể cả xu hướng được yêu thích nhất, còn có thể có chút ảnh hưởng nào đến sự quyết tâm khi ta từ nay biết sử dụng chính lý tính của mình. Giả định một trường hợp trong đó chỉ một mình tôi biết rõ rằng mình có lỗi, và mặc dù một sự thú nhận công khai và sự hứa hẹn được thanh thản vẫn bị lòng kiêu ngạo, tính ích kỷ và cả mối ác cảm không chính đáng đối với người mà tôi đã phạm lỗi chống cự quyết liệt, tôi vẫn có khả năng kiên quyết gạt bỏ hết mọi cản ngại ấy, thì trong sự việc này, quả có bao hàm một ý thức về sự độc lập của tôi đối với những xu hướng và hoàn cảnh, cũng như về khả thể của việc hiện hữu tự túc tự mãn cho chính mình, là những gì hết sức bổ ích cho tôi cả đối những mục đích khác nữa. Và bây giờ, quy luật của nghĩa vụ – nhờ giá trị tích cực mà sự tuân thủ quy luật làm ta cảm nhận được - mới dễ dàng tìm được lối vào thông qua lòng tôn kính đối với chính bản thân ta ở trong ý thức về Tự do của ta. Một khi điều này đã được xác lập vững vàng, một khi con người không còn e sợ điều gì hơn là, thông qua sự tự kiểm, thấy chính mình không xứng đáng và đáng khinh ngay trong mắt của chính mình, bấy giờ ý đồ luân lý thiện hảo mới có thể thực sự được cấy ghép, bởi đó là kẻ gác cổng tốt nhất, thậm chí, duy nhất có thể đẩy lùi sức ép của những động lực xấu xa và đồi bại.

Ở đây tôi chỉ muốn phác họa những châm ngôn tổng quát nhất cho phương pháp luận của việc đào luyện và thực tập luân lý. Vì lẽ tính đa tạp của những nghĩa vụ đòi hỏi những sự quy định đặc thù cho từng loại, và đó ắt sẽ là một công việc rất dài dòng, nên tôi thành thật cáo lỗi nếu trong một tác phẩm như thế này, vốn chỉ có tính sơ bộ, tôi đành vừa lòng với những nét phác họa cơ bản ấy mà thôi.

 

KẾT LUẬN

Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi(86). Tôi không phải đi tìm chúng hay phỏng đoán về chúng như thể chúng giấu mình trong bóng tối hay ở một nơi cao vời bên ngoài chân trời của tôi, trái lại, tôi nhìn thấy chúng trước mắt mình và nối kết chúng một cách trực tiếp với ý thức về sự hiện hữu của tôi. Cái trước, “bầu trời đầy sao”, bắt đầu từ vị trí tôi đang chiếm chỗ ở trong thế giới bên ngoài của giác quan và nới rộng sự nối kết của tôi ở trong đó với sự Lớn Rộng vô bờ bến của những thế giới chất chồng lên những thế giới và những hệ thống chất chồng lên những hệ thống, và lại ở trong những thời gian vô lượng vô biên của sự vận hành theo chu kỳ của chúng với sự khởi đầu và tiếp diễn. Cái sau, “quy luật luân lý”, bắt đầu từ bản ngã vô hình vô ảnh của tôi, từ Nhân cách của tôi và thể hiện tôi trong một thế giới có sự vô tận đích thực, nhưng chỉ có thể dò tìm bằng giác tính, và, cùng với tính vô tận ấy, tôi nhận ra rằng tôi không hiện hữu trong một sự nối kết đơn thuần bất tất mà là phổ quát và tất yếu (cũng như tôi đồng thời hiện hữu với tất cả những thế giới hữu hình nói trên). Cái nhìn trước về một sự đa tạp của hằng hà sa số thế giới hầu như thủ tiêu tầm quan trọng của riêng tôi, xét như một sinh vật thụ tạo, mà sau khi được ban cho một sức sống ngắn ngủi (không ai biết tại sao), lại phải quay về lại với cát bụi đã hình thành nên nó nơi một hành tinh vốn chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ. Trong khi đó, ngược lại, cái nhìn sau lại nâng giá trị của tôi lên cao đến vô tận với tư cách là một Trí tuệ nhờ vào Nhân cách tôi, trong đó quy luật luân lý khai mở cho tôi một cuộc sống độc lập với thú tính và cả với toàn bộ thế giới cảm giác, chí ít là trong chừng mực có thể suy ra từ vận mệnh được định liệu cho tôi bởi quy luật này, một vận mệnh không bị giới ước theo những điều kiện và ranh giới của cuộc sống hiện tại mà kéo dài đến vô tận.

Thế nhưng, chỉ có điều: sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính tuy có thể kích thích óc ham tìm hiểu nhưng không thể thay thế được sự thiếu thốn về chúng. Phải làm gì đây để tiếp cận được chúng bằng một cách có lợi và tương xứng với tính cao cả của chúng? Những tấm gương điển hình có thể phục vụ cho việc này vừa như một sự cảnh báo, vừa như để mô phỏng. Sự chiêm nghiệm về thế giới đã bắt đầu từ quang cảnh rực rỡ nhất luôn phô bày ra trước giác quan con người và cả giác tính của ta cũng có thể dõi theo chúng trong phạm vi rộng rãi, và rồi đã kết thúc ở… môn chiêm tinh học. Luân lý đã bắt đầu với đức tính cao đẹp nhất của bản tính con người mà sự phát triển và vun bồi nó mang lại triển vọng hữu ích vô tận, thì lại kết thúc trong… thuyết định mệnh hay sự mê tín dị đoan. Như thế, với tất cả những nỗ lực còn thô sơ trong đó phần đóng góp chính yếu vẫn phụ thuộc vào việc sử dụng lý tính, một sự sử dụng không phải tự mình mà có được như việc sử dụng đôi chân mà bằng sự luyện tập thường xuyên, nhất là khi những thuộc tính được bàn ở đây không thể được phơi bày trực tiếp ở trong kinh nghiệm thông thường. Nhưng, sau khi châm ngôn đã trở nên thịnh hành, tuy có muộn màng, để trước hết phải khảo sát cẩn thận mọi bước đi mà lý tính dự định và không để cho nó tiến lên theo con đường nào khác ngoài phương pháp đã được xem xét kỹ lưỡng từ trước, thì sự nghiên cứu về cấu trúc của vũ trụ đã đi theo một phương hướng hoàn toàn khác, và qua đó, đã đạt được một kết quả đáng phấn khởi chưa từng có. Sự rơi của một hòn đá, sự vận động của một vật được bắn đi đã được phân giải thành những yếu tố cấu thành của chúng, và những lực biểu hiện trong chúng được xử lý một cách toán học, rút cục đã tạo ra được một sự thấu hiểu rõ ràng và bất di bất dịch trong tương lai về hệ thống của thế giới mà - nếu sự quan sát được tiếp tục - ta có thể hy vọng rằng sự thấu hiểu ấy ngày càng tự mở rộng chứ không bao giờ cần lo sợ rằng nó sẽ buộc phải thụt lùi.

Tấm gương điển hình này [của khoa học tự nhiên cận đại. N.D] có thể khuyến khích ta đi cùng một con đường khi tìm hiểu các năng lực luân lý của bản tính chúng ta, và có thể cho ta hy vọng về một kết quả tốt đẹp tương tự. Ta có sẵn trong tay những trường hợp điển hình của sự phán xét luân lý của lý tính. Bằng cách tháo rời hay phân tích chúng thành những khái niệm cơ bản, và, tuy không có môn toán học ở đây, nhưng ta lại có một phương pháp tương tự với môn hóa học [xem lại: tr. 165 và tiếp, tr. 291. N.D], đó là tách rời yếu tố thường nghiệm với yếu tố thuần lý ở trong chúng, và bằng những thí nghiệm lặp đi lặp lại đối với lương thức thông thường, ta có thể trình bày cả hai một cách thuần túy, và biết một cách chắc chắn mỗi bộ phận có thể tự mình làm được điều gì, hầu một mặt, ngăn chặn những sai lầm của lối phán đoán còn thô sơ, thiếu rèn luyện, và mặt khác (cần thiết hơn nhiều) phòng ngừa những “trò lên gân của thiên tài”, qua đó, giống như nơi những nhà giả kim sử dụng “viên đá khôn ngoan” - không hề có bất kỳ sự nghiên cứu về phương pháp hay tri thức nào về Tự nhiên - hứa hẹn những kho báu tưởng tượng, còn vất bỏ những kho báu đích thực. Nói tóm lại, khoa học (được tiến hành một cách có phê phán và được hướng dẫn một cách có phương pháp) là khung cửa hẹp dẫn đến học thuyết đúng đắn về sự hiền minh thực hành, nếu ta hiểu sự hiền minh không chỉ đơn thuần là những gì bản thân ta cần phải làm mà còn phục vụ cho những người thầy như bảng hướng dẫn để hình thành một cách tốt đẹp và rõ ràng con đường đi đến sự hiền minh mà mọi người đều cần phải đi qua, và đồng thời để bảo đảm cho những người khác không bị lạc lối. | Triết học phải mãi mãi tiếp tục là kẻ canh giữ cho khoa học này; và mặc dù đám đông công luận ít khi quan tâm đến những công cuộc nghiên cứu tinh vi của triết học, nhưng nó vẫn phải quan tâm đến những học thuyết đã thành tựu; những học thuyết mà chính nhờ một sự khảo sát như thế mới có thể trở nên sáng tỏ được.

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

PHẦN II: HỌC THUYẾT VỀ PHƯƠNG PHÁP CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH (A267-292)

6.1. “Học thuyết về phương pháp” của lý tính thuần túy thực hành được Kant hiểu một cách khá đặc biệt và vì thế, còn giữ nguyên giá trị thời sự trong việc giáo dục về đạo đức và nhân cách.

Nếu nhận thức thông thường cần một kiểu cách (Manier), còn khoa học cần một phương pháp (Methode), tức “cần một tiến trình dựa theo những nguyên tắc của lý tính để chỉ nhờ đó cái đa tạp của bất kỳ lĩnh vực nhận thức nào cũng có thể trở thành một hệ thống” (A269), thì “học thuyết về phương pháp” hay “phương pháp học” của lý tính thuần túy thực hành có nhiệm vụ khác hẳn. Nó không phải là phương pháp tiến hành bằng những nguyên tắc thuần túy thực hành ở trong việc nghiên cứu hay trình bày nhằm đạt được một nhận thức khoa học về chúng. Vậy nó làm việc gì?

Ngay trong phần “Phân tích pháp”, với lý luận về tình cảm tôn kính đối với quy luật luân lý, Kant đã tìm cách cho thấy lý tính thuần túy cũng có thể tác động đến con người một cách chủ quan để hành động. Nhưng, chính trong phần Học thuyết về phương pháp này, Kant mới bàn về các điều kiện cụ thể để làm sao cho lý tính thuần túy thực hành thực sự lay động được trái tim ta và thôi thúc nó hành động một cách luân lý. Theo nghĩa đó, Học thuyết về phương pháp đề ra “những châm ngôn tổng quát nhất […] cho một sự đào luyệnthực tập luân lý” (A288), qua đó “các quy luật của lý tính thuần túy thực hành có thể đi vào trong tâm thức con người và có ảnh hưởng lên những châm ngôn của tâm thức ấy, nhờ đó ta biến lý tính thực hành khách quan thành lý tính thực hànhchủ quan” (A269).

 

Sự quan tâm của Kant đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa việc giáo dục đạo đức và xây dựng động cơ luân lý đã có từ rất sớm. Ngay từ đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XVIII, trong các bài giảng về Nhân loại học, Kant đã đồng ý với triết gia Scotland là Henry Home khi Home bác lại quan niệm của J. J. Rousseau và cho rằng đức hạnh là phải “được dạy dỗ” (xem Kant, Toàn tập, XXV 196). Sau đó, Kant công khai ủng hộ kế hoạch của Bộ trưởng giáo dục nước Phổ là Freiherr Karl Abraham von Zedlitz là cần phải cải cách hệ thống giáo dục công cộng đang suy đồi trầm trọng và đòi hỏi một cuộc “cách mạng nhanh chóng” đối với các cơ sở giảng dạy. Trong suốt mười năm (từ 1776-1786), tại Đại học Königsberg, Kant thường xuyên có các khóa giảng về môn Sư phạm và luôn nhắc lại các vấn đề tâm lý học giáo dục trong các khóa giảng về môn Nhân loại học. Tuy nhiên, chỉ trong quyển Phê phán lý tính thực hành này, Kant mới thực sự bàn sâu về mối quan hệ chặt chẽ giữa một bên là đạo đức học (hay triết học luân lý) thuần túy và bên kia là việc giáo dục đạo đức và xây dựng tính cách.

Ý tưởng cơ bản của “Học thuyết phương pháp” khá đơn giản: quy luật luân lý chỉ có thể phát huy hết sức mạnh làm động lực chủ quan cho con người khi đức hạnh “được đưa vào trong lòng người” (A272). Để đạt được điều này, Kant đề nghị một phương pháp gồm hai cấp độ: đi từ động lực ngoại tại thông qua sự hài lòng thường nghiệm và sự chuẩn y từ bên ngoài, tức tính hợp lệ/Legalität đến động lực nội tâm thông qua sự tôn kính đối với quy luật luân lý, tức tính luân lý/Moralität. Theo Kant, chính lợi ích vị kỷ, tình cảm chia sẻ và thiện cảm là các chiếc “chìa khóa” thường nghiệm để mở ra cánh cửa bước vào thế giới khả niệm (mundus intelligibilis) với ý thức về quy luật luân lý.

Hai “cấp độ” hay hai “bước" trong việc giáo dục đạo đức, nhất là đối với trẻ em, là:

- trong bước thứ nhất, ta phải làm cho trẻ em và thanh niên có thói quen đánh giá về một hành vi tự do, xem nó có tương ứng với quy luật luân lý ở bề ngoài hay không. Rồi ta hướng sự lưu ý của họ đến câu hỏi, phải chăng một hành vi “hợp lệ” như thế có thật sự xuất phát từ lòng tôn kính đối với quy luật luân lý. Các tấm gương danh nhân, các trường hợp nghi vấn trong đời sống luân lý là các ví dụ tốt trong việc đào luyện này. Tuy nhiên, theo Kant, việc tập dượt nhằm đào luyện năng lực phán đoán thực hành này tuy có thể gắn liền với một sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với những hành vi thật sự tốt lành về mặt luân lý, nhưng “sự hài lòng” có thể thông báo một cách phổ biến này (A286) tuyệt nhiên chưa có nghĩ rằng người phán đoán đã thực sự có được một ý đồ luân lý thuần túy.

- vì thế, ở bước thứ hai, những người trẻ tuổi cần được lưu ý về “tính thuần túy của ý chí” dựa vào các tấm gương điển hình. Qua đó, “lòng ta được giải thoát và được trút bỏ gánh nặng vốn luôn âm thầm đè nặng lâu nay, khi những trường hợp điển hình của sự quyết tâm thuần túy luân lý phát lộ cho ta biết về năng lực nội tâm mà bình thường ta không biết tới một cách đúng đắn, đó là sự Tự do nội tâm giải phóng con người ra khỏi sự thúc bách dữ dội của những xu hướng, đến một mức độ mà không còn một xu hướng nào trong chúng, kể cả xu hướng được yêu thích nhất, còn có thể có chút ảnh hưởng nào đến sự quyết tâm khi ta từ nay biết sử dụng chính lý tính của mình” (A287). Chính thông qua “lòng tôn kính đối với chính bản thân ta ở trong ý thức về Tự do của ta” (nt) được gợi lên như thế, rút cục, mới làm cho quy luật luân lý “dễ dàng tìm được lối vào trong tâm thức ta” một cách chủ quan.

 

6.2. Kết luận (A288-292)

Mượn cách nói của Schopenhauer, ba trang “kết luận” (Beschluss) của quyển sách có thể được đánh giá là “viên kim cương trên chiếc vương miện vinh quang” của Kant, bắt đầu với câu viết lừng danh thường được trích dẫn nhất của ông: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến; đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi” (A288). Kant viết thêm: “Tôi không phải đi tìm chúng hay phỏng đoán về chúng như thể chúng giấu mình trong bóng tối hay ở một nơi cao vời bên ngoài chân trời của tôi, trái lại, tôi nhìn thấychúng trước mắt mình và nối kết chúng một cách trực tiếp với ý thức về sự hiện hữu của tôi” (nt).

Ở đây, Kant hiểu chữ “sự hiện hữu” hay “sự hiện sinh” (die Existenz) ở cả hai phương diện: cảm tính và siêu-cảm tính (khả niệm): sự ngưỡng mộ đối với “bầu trời đầy sao” xuất phát từ sự hiện hữu cảm tính của ta như một sinh vật đầy nhục cảm; còn sự ngưỡng mộ và kính sợ đối với quy luật luân lý bắt nguồn từ sự hiện hữu khả niệm, siêu cảm tính của nhân cách. Như để chuẩn bị cho các ý tưởng trong quyển Phê phán thứ ba (Phê phán năng lực phán đoán), Kant bắt đầu xem xét sự hiện hữu siêu cảm tính, khả niệm của con người như là cái gì thật sự “cao cả” giúp cho con người vốn bé mọn ở trong Tự nhiên có thể thấy mình đứng cao hơn và vượt lên Tự nhiên (xem Phê phán năng lực phán đoán, §23 và tiếp). Và theo Kant, chỉ có triết học mới là chỗ thích hợp để nghiên cứu đúng đắn về tố chất luân lý của con người tương ứng với tính cao cả của nó.

Bùi Văn NamSơn dịch

 

 

 

Chú thích:

* (Chú thích của tác giả) Tất nhiên rất đáng ca tụng những hành vi cho thấy rõ ý đồ hay lòng nhân đạo vĩ đại, vô vị lợi và đầy lòng vị tha. Nhưng, trong trường hợp ấy, ta không nên quá chú ý đến việc nâng cao tâm hồn vốn có tính phù du, nhất thời so với việc phục tùng nghĩa vụ tận đáy lòng, vì nó hứa hẹn một dấu ấn lâu bền, bởi việc này bao hàm những quy tắc (trong khi cái trước chỉ chứa đựng những sự sôi nổi nhất thời). Chỉ cần suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy mình mắc nợ đồng loại (cho dù có khi chỉ là do sự bất bình đẳng giữa người với người trong định chế dân sự khiến ta được hưởng những ưu đãi mà người khác không có), điều này sẽ ngăn chặn việc tư tưởng về nghĩa vụ bị đè nén bởi sự tưởng tượng đầy yêu thích của riêng ta về “cống hiến” của cá nhân mình.

(82) Vua Henry VIII của nước Anh kết án và xử tử người vợ thứ tư là Anna Boleyn vì bà đã không sinh được con trai nối dõi mà chỉ sinh được một công chúa (sau này là nữ hoàng Elisabeth). (N.D).

(83) Xem Juvenal, Satirae (Châm biếm), bản dịch tiếng Đức của Ulrich Knoche, München 1951. Xem thêm: Kant, Toàn tập Hàn lâm, tập IV, tr. 49, chú thích và tr. 334. (N.D).

(84)Xem Carl Günther Ludovici: Phác họa chi tiết một lịch sử đầy đủ về triết học Leibniz/Ausführlicher Entwurff einer vollständigen Historie der Leibnitzischen Philosophie, Tập 2, Leipzig 1737, tr. 230-231: “Đáng chú ý là Leibniz không bao giờ giết hại đến một con ruồi cho dù bị nó làm cho khó chịu đến mấy. Khi hỏi tại sao ông lại không làm một điều mà không bộ luật hình sự nào ngăn cấm cả [!], ông thường trả lời: “thật không nên khi đang tâm phá hủy một bộ máy tinh vi như thế”… Kant cũng đã có nhắc đến câu chuyện này trong bài giảng về Nhân loại học năm 1772/1773 (xem Toàn tập Hàn Lâm XXV12). (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

(85) Nguyên văn cả câu: “Probitas laudatur et alget” (latinh: “sự tử tế được ngợi ca nhưng nó đang lạnh cóng” (Juvenal, Sat. I, 74). (N.D).

 (86)Đây cũng là câu nổi tiếng được khắc ghi trên bia mộ của Kant sau khi ông từ trần. (N.D).

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529302

Hôm nay

245

Hôm qua

2304

Tuần này

21575

Tháng này

215998

Tháng qua

0

Tất cả

114529302