Những góc nhìn Văn hoá
Đừng dạy trẻ trở thành những chú robot!
Khi đọc cuốn sách “So that I will roar you gently” tôi đã giật mình, xúc động và đầy hy vọng trước suy nghĩ của những bạn trẻ chỉ mới ở lứa tuổi học sinh. Tôi thấy những tư duy mới mẻ, độc đáo, những cá tính và tài năng mà có lẽ sẽ tạo ra nhiều đổi thay cho tương lai của đất nước. Trong đó, có một bài viết khiến tôi thực sự thích thú, ấn tượng và cũng đầy trăn trở. Đó là bài “Do Vietnamese schools kill creativity?” (Có phải các trường học ở Việt Nam giết chết sự sáng tạo?) của em Nguyễn Duy Quân – một học sinh Trung học cơ sở. Trong bài viết của mình em đã chỉ ra tầm quan trọng của sự sáng tạo, những sai lầm trong phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá ở các trường học tại Việt Nam làm hạn chế sự sáng tạo và đưa ra những điều trường học nên làm để khuyến khích sáng tạo ở học sinh, để lớp học là nơi sự sáng tạo được phát triển chứ không phải bị giết chết. Bài viết như một tiếng chuông mà các giáo viên, nhà làm giáo dục cần lắng nghe.
Sở dĩ tôi thực sự ấn tượng với bài viết ấy bởi câu hỏi đặt ra ở đó cũng là điều bản thân trăn trở từ lâu: Trường học ở Việt Nam có giết chết sự sáng tạo của học sinh hay không? Tôi chắc chắn rằng không chỉ em ấy, tôi mà còn rất nhiều người sẽ trả lời rằng có. Ở đây, tôi xin phép không nói thêm về những sai lầm trong phương pháp dạy, đánh giá năng lực mà bài viết trên cũng như rất nhiều người trăn trở với giáo dục đã chỉ ra trước đây, tôi muốn nhấn mạnh ở một khía cạnh khác mà bản thân lâu nay vốn rất khó chịu. Đó là việc hướng dẫn các kỹ năng trong trường học, thậm chí ở các trung tâm bên ngoài hiện nay cho các học sinh lứa tuổi từ mầm non đến THCS.
Cách thức giáo dục hiện nay đang triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ
Nếu các bạn chưa từng trực tiếp xem một cuộc thi nào của lứa tuổi này thì có thể lên mạng tìm những video giới thiệu bản thân, kể chuyện hay dẫn chương trình của các em để thấy tất cả đều khá giống nhau. Giống từ cử chỉ, tác phong đến cách ngân nga giọng điệu. Các lớp đào tạo kỹ năng mềm, các môn năng khiếu, nghệ thuật đáng lẽ sẽ là môi trường lý tưởng để giúp phát triển tư duy, khả năng, sự sáng tạo cho trẻ thì chúng ta lại đang làm ngược lại. Trung tâm dạy kỹ năng thuyết trình, MC thì gò học sinh vào những khuôn mẫu, tác phong mà người lớn nghĩ là hay và rồi hàng trăm em đều làm y như vậy. Các lớp vẽ thì không khuyến khích sự sáng tạo, tưởng tượng mà dạy các em vẽ giống với những hình mẫu được giáo viên đưa. Lớp khiêu vũ, múa, hát cũng được chỉ cho những tác phong, điệu bộ chẳng khác nhau là mấy. Thậm chí, tại các trung tâm Anh ngữ được mở ra trên địa bàn thành phố Vinh và lân cận, các em cũng được dạy cho một cách giao tiếp, trả lời trước giáo viên nước ngoài rất giống nhau. Mỗi lần nhìn những video kiểm tra bài tập được đưa lên mạng là mỗi lần tôi thực sự khó chịu khi nhìn các bạn nhỏ ai cũng như ai, cứ phải hét lên, vẫy tay kiểu này, đưa tay kiểu nọ cho ra tác phong trò chuyện của Tây phương…
Tôi tha thiết mong mỏi các trường học, các trung tâm hãy chấm dứt việc dạy cho trẻ em cách giới thiệu, kể chuyện, nói năng như hiện nay. Đừng bắt các em trở thành những chú robot chỉ biết bắt chước, làm lại những thứ được người lớn chỉ. Đừng bắt chúng làm những việc, nói những điều không phải là của chúng. Đừng buộc chúng gò mình nói cho ra một kiểu giọng được cho rằng là dễ thương của tuổi nhỏ, đừng bắt các em ngân nga, lên xuống giọng, ngân dài câu chữ một cách khiên cưỡng, không phù hợp. Tôi không hiểu vì đâu và từ bao giờ, người Việt luôn quan niệm tuổi nhỏ là phải nói một cách ngân nga, nũng nịu, dễ thương như cái kiểu hiện nay để rồi bao thế hệ các em đã phải tập làm những điều mà tôi cho rằng là rất…buồn cười! Thay vào đó, hãy dạy các em sự tự tin, làm chủ giọng nói, diễn đạt các vấn đề theo cách của mình. Hãy hướng dẫn các em lắng nghe cảm xúc của mình, phát huy tối đa sức tưởng tượng, khả năng của bản thân và tìm cho mình cách diễn đạt những điều muốn nói một cách thuyết phục và hấp dẫn nhất. Tác phong, ngôn ngữ hình thể phải phù hợp với cảm xúc, với nội dung truyền đạt thì nó mới không trở nên kệch cỡm, không gây khó chịu với người nghe, người xem. Vì thế, hãy giáo dục để các em được là chính mình, được phát huy sự sáng tạo và phong cách riêng.
Thật tai hại khi hiện nay các bậc phụ huynh và môi trường giáo dục đều đang áp đặt suy nghĩ của người lớn cho trẻ nhỏ mà không tìm hiểu tâm lý, tư duy của chúng. Họ cho rằng trẻ em chỉ cần bắt chước và làm theo mà quên đi rằng chúng luôn có tư duy, sức sáng tạo và những suy nghĩ thú vị đến bất ngờ. Phương pháp dạy của chúng ta hiện nay đang triệt tiêu đi tất cả sự thú vị đó, triệt tiêu đi những cá tính để cho ra những khuôn mẫu trăm người như một. Chính bởi thế mà sự sáng tạo không có đất để phát triển, sự khác biệt trở thành một điều gì đó khó chấp nhận.
Đã đến lúc không chỉ những người làm giáo dục mà cả phụ huynh cũng phải nghiêm túc nhìn lại vấn đề này. Hãy để con em mình được là mình. Hãy dạy cho chúng cách khám phá, khai thác những giá trị trong bản thân chúng. Đừng tiếp tục bắt chúng phải mô phỏng hình ảnh của bất cứ ai, đừng bắt chúng làm những thứ mà bản thân nó cũng thấy là ngớ ngẩn, là không phù hợp. Hãy để chúng được tự do phát huy cá tính, sức sáng tạo. Đó mới là cách giáo dục đúng và cần để chúng ta có một thế hệ tương lai tài năng, bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng làm chủ tương lai và hội nhập quốc tế.
tin tức liên quan
Videos
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Thống kê truy cập
114529301
244
2304
21574
215997
0
114529301