Những góc nhìn Văn hoá
Phê phán lý tính thuần túy [kỳ 1]
Baco de Verulamio.
Instauratio magna. Praefatio
De nobis ipsis silemus: De re autem, quae agitur, petimus: ut homines eam non Opinionem, sed Opus esse cogitent: ac pro certo habeant, non Sectae nos alicuius, aut Placiti, sed utilitatis et amplitudinis humanae fundamenta moliri. Deinde ut suis commodis aequi - in commune consulant - et ipsi in partem veniant. Praeterea ut bene sperent, neque Instaurationem nostram ut quiddam infinitum et ultra mortale fingant, et animo concipiant; quum revera sit infiniti erroris finis et terminus legitimus.
ĐỀ TỪ
(Trong lần xuất bản thứ hai - 1787 - Kant mượn câu trên đây trong “Lời tựa” tác phẩm “Instauratio magna” (gọi tắt của “Magna instauratio imperii humani in naturam”: “Cuộc đại canh tân sự làm chủ của con người đối với tự nhiên”) của FRANCIS BACON (1561-1626, còn gọi là BACON, Nam tước ở VERULAM) làm câu đề từ cho “Phê phán lý tính thuần túy”. Xin lược dịch đại ý:
“Chúng tôi xin không nói gì về mình. Tuy nhiên, đối với bản thân vấn đề ta sẽ nghiên cứu, mong rằng người ta không xem đây chỉ là ý kiến cá nhân đơn thuần mà là một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Cũng mong mọi người tin rằng chúng tôi làm công việc này không vì một chủ thuyết hay một học phái nào, trái lại chỉ nhắm đến lợi ích và phẩm giá chung của Con Người. Trong tinh thần đặt cái tối hảo phổ biến * lên trên cũng như cố gắng cao nhất để tự mình góp phần vào mục đích cao cả ấy, mọi người đều chờ đợi điều gì tốt đẹp, chứ không hình dung hay suy nghĩ rằng việc đổi mới các ngành khoa học là việc làm bất tận và vượt quá sức người, bởi lẽ trong thực tế, việc đổi mới này sẽ đánh dấu chấm hết và là sự kết thúc hợp tình hợp lý đối với sai lầm bất tận trước nay”.
{* “Cái tối hảo phổ biến” (das allgemeine Beste): cái lợi ích công cộng tối cao.}
LỜI TỰA
CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ NHẤT (1781) *
(ẤN BẢN A)
Lý tính con người, trong một [chủng] loại (Gattung)** nhận thức của nó, có số phận đặc biệt: nó bị quấy rầy bởi những câu hỏi không thể chối từ, bởi chúng được đặt ra [như một nhiệm vụ phải giải quyết] (aufgegeben) do bản tính tự nhiên*** của chính lý tính, nhưng lý tính cũng không thể trả lời được bởi chúng vượt khỏi mọi quan năng của lý tính
con người.
{Lời tựa (Vorrede) cho lần xuất bản thứ nhất (1781) không được Kant giữ lại cho lần xuất bản thứ hai (1787). Trong ấn bản sau, ông viết lời tựa mới hoàn toàn. Vì tầm quan trọng của nội dung, chúng tôi dịch cả hai bài tựa, được đánh số trang theo nguyên bản bằng số La Mã (A: ấn bản 1781; B: ấn bản 1787).
Xin nhắc lại: Dấu [ ] là phần do người dịch thêm vào để câu văn dịch hoặc ý nghĩa của nó được dễ hiểu. Dấu | là chỗ người dịch tự chấm câu lại cho câu văn dịch gãy gọn hơn. Ở những nơi đó, Kant viết liền một mạch và chỉ dùng các dấu (,) hoặc (;). Dấu * là chú thích của người dịch; các dấu ( ), (1), (2)... là của tác giả.
** “Gattung” ở đây tạm dịch là [chủng] loại. Ở các phần sau, (đặc biệt từ trang 684-688), hiểu theo nghĩa “sinh vật học”, đề nghị dịch thống nhất như sau: “Geschlecht”: giới; Gattung: loài; Art: giống; Unterart: nhánh, đi từ lớn đến nhỏ. Chữ “chủng” (Rasse) không thấy xuất hiện trong quyển này. (N.D).
*** Bản tính [tự nhiên] của lý tính (die Natur der Vernunft): chúng tôi dịch là “bản tính tự nhiên” của lý tính cho rõ hơn, dù “bản tính” tự nó đã có nghĩa là “tính bản nhiên”. (N.D).}
Lý tính rơi vào sự bối rối này không do lỗi của nó. Lý tính bắt đầu từ những nguyên tắc mà việc sử dụng chúng trong diễn trình kinh nghiệm là không thể tránh được và đồng thời được kinh nghiệm này kiểm chứng một cách đầy đủ. Với những nguyên tắc ấy - cũng như do bản tính tự nhiên của mình quy định - lý tính luôn luôn vươn lên cao hơn, đến tận những điều kiện ngày càng xa hơn. Nhưng vì nhận chân rằng bằng cách ấy, công việc của mình lúc nào cũng phải không tồn vẹn bởi các câu hỏi không bao giờ ngưng, lý tính tự thấy phải nương nhờ vào những nguyên tắc vượt ra khỏi mọi sự sử dụng kinh nghiệm có thể có*, và dầu vậy vẫn có vẻ không có gì đáng nghi ngờ đến nỗi cả lý trí con người thông thường** cũng chấp nhận được. Nhưng qua đó, lý tính tự rơi vào sự tối tăm và các mâu thuẫn, khiến nó tuy có thể suy ra rằng ắt phải có những sai lầm nằm ẩn khuất đâu đó tận nền tảng nhưng nó lại không thể phát hiện ra chúng được, bởi vì những nguyên tắc mà nó sử dụng, một khi đi ra khỏi ranh giới của mọi kinh nghiệm, không còn thừa nhận viên đá thử của kinh nghiệm nữa. [tức sự kiểm chứng của kinh nghiệm, N.D]. Đấu trường diễn ra các cuộc tranh cãi bất tận này có tên là SIÊU HÌNH HỌC (METAPHYSIK).
{*“kinh nghiệm có thể có” (mưgliche Erfahrung): cũng sẽ được dịch là “kinh nghiệm khả hữu”. (N.D).
**a) - Chữ “gemeine Menschenvernunft” (“lý trí con người thông thường” thường được Kant dùng đồng nghĩa với “gemeiner Verstand”, “gesunder Men-schenverstand” (“lý trí thông thường”, “lý trí con người lành mạnh”): đều được dịch là “lý trí con người thông thường” hoặc “tâm trí bình thường”, tương tự với chữ “lương thức” (Common sense) của truyền thống triết học Anh và nhất là với “le bon sens” của J.J.Rousseau mà Kant rất tán thưởng và chịu nhiều ảnh hưởng. (Xem: B859).
b) - Hai chữ quan trọng khác là “Verstand” và “Vernunft” sẽ được dịch là “Giác tính” và “Lý tính”. Sự phân biệt giữa “giác tính” và “lý tính” có nguồn gốc xa xưa (giữa nhận thức trực quan và nhận thức suy lý) và trải qua một lịch sử phát triển phức tạp và đầy mâu thuẫn về ý nghĩa, cần cả một bài nghiên cứu dài mới trình bày hết được. Ở thời cổ đại và trung cổ, “giác tính” (lat: intellectus) được xem là quan năng nhận thức tối cao của con người trong chuỗi trình tự: sensatio (tri giác cảm tính); ratio: lý trí và sau cùng là intellectus. Theo đó, “ratio” là nhận thức bằng khái niệm trên cơ sở xử lý chất liệu cảm tính do “sensatio” mang lại, còn “intellectus” là nhận thức về các Ý niệm thoát ly khỏi mọi ràng buộc của cảm năng, thậm chí là nhận thức trực quan về Thượng đế. Từ khi Martin Luther dịch chữ “ratio” thành “Vernunft” (lý tính) trong tiếng Đức thì chính Kant đã đảo ngược ý nghĩa của hai từ này lại. Với Kant, Giác tính (intellectus; Anh: Under-standing; Pháp: entendement) là quan năng hình thành khái niệm, hay nói rộng hơn, là quan năng để phán đoán dựa theo các quy tắc, tức dựa theo các mô thức của tư duy (các phạm trù) hình thành nên nhận thức khách quan về đối tượng (lãnh vực của kinh nghiệm), còn lý tính (ratio; Anh: reason; Pháp: raison) là quan năng suy luận, hình thành các Ý niệm siêu hình học (vượt ra khỏi lãnh vực của kinh nghiệm) và là quan năng nhận thức tối cao, vì có thể “phản tư” về giác tính, tức phán đoán về những phán đoán của giác tính, tập hợp nhận thức của giác tính thành một Toàn bộ cũng như đẩy các suy luận lôgíc đến chỗ trọn vẹn, tuyệt đối. Cách hiểu mới và việc dứt khoát đặt “lý tính” vào vị trí “cao” hơn so với “giác tính” là thành quả đặc sắc của triết học Kant và có ảnh hưởng quyết định đến việc sử dụng hai thuật ngữ này trong triết học Tây phương từ thời cận đại đến nay. Theo nghĩa đó, Hegel xem cuộc “đấu tranh” của lý tính là ở chỗ vượt bỏ những gì do giác tính quy định một cách cứng nhắc để mang lại tính thống nhất biện chứng cho chúng. Kant cũng phân chia lý tính thành lý tính lý thuyết hay tư biện và lý tính thực hành; chúng có cùng bản chất nhưng khác nhau trong lãnh vực áp dụng. Cũng thế, giác tính và lý tính, trong thực tế, không phải là hai quan năng độc lập, tự tồn mà chỉ là hai chức năng khác nhau của cùng một “tư duy” (Denken). Trong triết học hiện đại, chữ “quan năng” (Vermưgen) khá cổ lỗ dần dần nhường chỗ cho chữ “Kompetenz” (“năng lực”) cũng như cả “Verstand” và “Vernunft” nhường chỗ cho chữ “Rationalitt” (Rationality, Rationalité) để nêu rõ tính chức năng của tư duy con người, tránh bị hiểu nhầm theo hướng là các “quan năng” độc lập, tự tồn. Theo nghĩa đó, thiết tưởng chữ “lý tính” cũng sẽ rất phù hợp để dịch chữ “Rationalitt” hiện nay. (“Tính”: thuộc tính, phẩm tính).
Tóm lại, dựa theo cách hiểu của Kant, chúng tôi đề nghị dịch “Verstand” (nghĩa hẹp: quan năng hình thành khái niệm; nghĩa rộng: quan năng để phán đoán, nghĩa là “hiểu”) làGiác tính (Giác: Hiểu) thay vì có cách dịch khác là: “trí năng” và dịch “Vernunft” (nghĩa hẹp: quan năng suy luận; nghĩa rộng: quan năng phản tư về những phán đoán của Giác tính và về cái Toàn thể) là Lý tính thay vì có cách dịch khác là: “lý trí”. (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập: 7; 8; 8.3.6.4 và 10.1.2). (N.D).}
Đã có thời Siêu hình học được mệnh danh là Nữ hồng của mọi ngành khoa học, và nếu xem trọng ý muốn hơn là việc làm thì căn cứ vào tính quan trọng đặc biệt của các đối tượng nghiên cứu của nó, quả Siêu hình học rất xứng đáng với danh hiệu vẻ vang này. Thế nhưng, ngày nay, giọng điệu thời thượng của thời đại chúng ta đổ dồn vào cho nó mọi sự khinh thị, và Siêu hình học giống như một mệnh phụ đang than thở vì bị xua đuổi và bỏ rơi như nhân vật nữ Hecuba: “Modo maxima rerum, tot generis natisque potens - nune trahor exul, inops” [(“Mới vừa là nhân vật trung tâm đầy quyền uy với đông đảo con cái xung quanh…, nay ta lại bơ vơ, bất lực, bị lưu đày ra khỏi quê hương…” (OVID, Metam. - Biến hình - XIII, 508 - 510) N.D]
Thoạt đầu, sự thống trị của Siêu hình học, dưới sự cai quản của những nhà giáo điều, là độc tài chuyên chế. Nhưng, chính do tình trạng lập pháp sơ khai còn mang nơi mình dấu vết của sự dã man trước đây, nên đế chế ấy bị các cuộc nội chiến làm cho suy tàn dần trong cảnh hồn tồn vô chính phủ; và những nhà hồi nghi, một loại dân du mục, khinh ghét mọi việc định cư, thâm canh đất đai, đã thỉnh thoảng làm phân rã sự hợp nhất của cộng đồng dân sự. Nhưng cũng may là số lượng họ còn ít, nên đã không thể ngăn cản được những kẻ cố ra công canh tác lại, tuy không phải lúc nào cũng tái thiết lại từ đầu nhưng đều không theo một phương án được nhất trí chung nào cả. Trong thời gian gần đây, có vẻ như đã có lần mọi sự tranh cãi ấy đã được kết thúc, và tính chính đáng của các yêu sách siêu hình học đã hồn tồn được định đoạt thông qua một môn gọi là “Tự nhiên học” (Physiologie)* của LOCKE* trứ danh).
{* “Tự nhiên học” (Physiologie): thuật ngữ gốc Hy Lạp, chỉ học thuyết về tự nhiên nói chung (Naturlehre) nghiên cứu về mọi loại đối tượng xét như “vật thể”. Thời cổ đại, môn học bao trùm toàn bộ giới tự nhiên; từ thế kỷ 18, chỉ nghiên cứu những hiện tượng sống của thế giới hữu cơ. Người ta phân biệt “Tự nhiên học tổng quát” nghiên cứu những hiện tượng có chung trong phần lớn các loại sinh vật với các môn “Tự nhiên học chuyên biệt” về giới thực vật, động vật và con người. Lại có môn Tự nhiên học so sánh và Tự nhiên học bệnh lý có đối tượng nghiên cứu là các quá trình bệnh hoạn trong cơ thể sống. Ở đây, Kant đang nói đến “Tự nhiên học về giác tính con người” như Locke đã trình bày trong tác phẩm “Thử nghiên cứu về giác tính con người” (An Essay concerning Human Understanding, 1690). Ngày nay, “Physiologie” chỉ có nghĩa hẹp là môn Sinh lý học. (N.D).
*John Locke (1632-1704): triết gia Anh, nhân vật tiêu biểu của thuyết “duy nghiệm” (Empirismus). (N.D).}
| Nhưng ta thấy rằng, dù nguồn gốc xuất thân của cái gọi là Nữ hồng này được [học thuyết trên] rút ra từ giới bình dân của kinh nghiệm thông thường, qua đó tham vọng của bà hồng này đúng là rất đáng nghi ngờ, tuy nhiên, vì trong thực tế, phả hệ (Genealogie) này là tự nghĩ ra và đem gán cho bà hồng này một cách sai lầm, nên bà ta vẫn cứ tiếp tục khẳng định các yêu sách, và qua đó, mọi thứ bị rơi trở lại vào thuyết giáo điều** cũ kỹ, mục nát, cũng như càng bị rơi vào sự khinh thị, là những điều mà người ta đã muốn kéo môn khoa học này ra khỏi. Bây giờ, sau khi mọi con đường (như người ta tự cho như thế) đã được thử nghiệm một cách vô vọng, sự chán chường và chủ trương hồn tồn thờ ơ, dửng dưng (Indifferentism) đang ngự trị, là mẹ đẻ của sự hỗn loạn và của đêm tối trong các ngành khoa học, thế nhưng đồng thời cũng là nguồn suối, hay ít ra là màn dạo đầu cho một sự tái tạo (Umschaffung) và khai sáng về môn Siêu hình học, nhất là khi nó đã trở thành tối tăm, rối loạn [mất phương hướng] và vô dụng bởi những nỗ lực chăm chỉ nhưng bị định hướng sai lầm.
Bởi lẽ thật là vô ích khi muốn giữ thái độ dửng dưng (gleichgültig) đối với việc đi sâu nghiên cứu lại những vấn đề mà đối tượng của chúng không thể nào là dửng dưng đối với bản tính tự nhiên của con người. Ngay cả những người tự cho là theo phái bàng quan, nghĩ rằng có thể ẩn mình bằng cách thay đổi ngôn ngữ trường ốc bằng giọng điệu bình dân, thì khi thực sự suy tư về một điều gì, họ cũng không tránh khỏi quay trở lại với những khẳng quyết siêu hình học mà họ đã chống lại bằng rất nhiều sự khinh thị. Trong khi đó, sự thờ ơ, dửng dưng đang xảy ra trong lòng các ngành khoa học và nhất là lại liên quan đến ngay những vấn đề mà các tri thức về chúng - nếu có thể có được - ắt không ai muốn từ bỏ cả, lại là một hiện tượng đáng lưu ý và suy ngẫm. Rõ ràng thái độ này không phải là hậu quả của sự nhẹ dạ mà là của óc phán đốn đã chín muồi(1) của thời đại, không chịu chấp nhận một tri thức giả mạo nào nữa cả và là một sự kêu đòi lý tính hãy, một lần nữa, làm công việc khó khăn, vất vả nhất trong mọi công việc của nó, đó là công việc tự nhận thức chính mình; và hãy thiết lập một phiên tòa để vừa bảo vệ những yêu sách chính đáng, đồng thời bác bỏ mọi đòi hỏi không có cơ sở, không phải bằng các phán quyết độc đốn mà dựa trên các quy luật hằng cửu và bất di bất dịch của lý tính. Tòa án này không gì khác hơn là sự PHÊ PHÁN BẢN THÂN LÝ TÍNH THUẦN TÚY.
{**Trong sách này, các từ có tiếp vĩ ngữ (suffix) là “ismus” đều được dịch là “thuyết” thay vì là “chủ nghĩa”, Vd: thuyết giáo điều (Dogmatismus), thuyết hoài nghi (Skeptizismus), thuyết duy tâm (Idealismus)... (N.D).
(1)Ta thường nghe các lời than phiền về sự nông cạn trong lề lối tư duy của thời đại chúng ta và về sự suy tàn của khoa học có cơ sở vững chắc. Tôi thấy lời phiền trách này là hoàn toàn không đúng đối với những ngành khoa học vốn đã có cơ sở vững chắc như toán học, khoa học tự nhiên v.v…; chúng vẫn khẳng định được uy tín vẻ vang trước đây về tính vững chãi, thậm chí khoa học tự nhiên còn vượt trội hơn nữa. Tinh thần ấy chứng tỏ cũng có hiệu lực trong cả những loại nhận thức khác, miễn là trước đó cần lo điều chỉnh cho đúng các nguyên tắc của chúng. Thiếu các nguyên tắc này nhất định nảy sinh sự thờ ơ, nghi ngờ và sau cùng là sự phê phán nghiêm khắc, đó càng là các bằng chứng cho một lề lối suy tư thấu đáo. Thời đại chúng ta là thời đại đích thực của sự Phê phán, buộc mọi cái phải phục tùng. Tôn giáo, nhờ tính thiêng liêng của nó,và lập pháp, nhờ tính tôn nghiêm là muốn trốn tránh sự phê phán. Nhưng như thế, chúng chỉ gợi nên sự nghi ngờ chính đáng chống lại chúng và chúng không thể đòi hỏi một sự tôn trọng không suy suyển; sự tôn trọng mà lý tính chỉ dành cho những gì có thể đứng vững trước sự kiểm nghiệm tự do và công khai.}
Nhưng tôi hiểu Phê phán ở đây không phải là phê phán các tác phẩm và các hệ thống triết học mà là phê phán quan năng lý tính nói chung đối với tất cả mọi nhận thức mà lý tính muốn vươn tới một cách độc lập với mọi kinh nghiệm; do đó, là sự quyết định về khả thể hay bất khả thể của một môn Siêu hình học nói chung và là sự xác định không những về các nguồn gốc mà cả về phạm vi và các giới hạn của môn học này; song, tất cả các điều ấy phải được thực hiện từ các Nguyên tắc.
Đây là nẻo đường duy nhất còn lại mà hôm nay tôi thử bước vào, và tự cho rằng theo con đường này, mọi lầm lạc làm cho lý tính cho đến nay đã phải tự phân đôi với chính nó [tự mâu thuẫn] trong khi sử dụng lý tính độc lập với kinh nghiệm, đều được dẹp bỏ. Tôi không tránh né các vấn đề của lý tính bằng cách viện lý do về sự bất lực của lý tính con người; trái lại tôi liệt kê, biện biệt chúng một cách trọn vẹn dựa theo các nguyên tắc, và sau khi đã phát hiện điểm ngộ nhận của lý tính với chính bản thân nó, sẽ giải quyết chúng một cách hồn tồn thỏa đáng. Tất nhiên, sự trả lời cho các câu hỏi này không phải theo kiểu như lòng khao khát hiểu biết đầy tính mơ mộng giáo điều chờ đợi; vì lẽ điều này không thể thỏa mãn được bằng cách nào khác hơn là bằng các nghệ thuật của phù thủy [bằng các phép lạ], điều mà tôi không có chút hiểu biết nào. Chỉ có điều, cách làm đó [giải quyết những vấn đề triết học bằng phép lạ] hẳn đã không phải là mục đích của tính quy định tự nhiên của lý tính chúng ta, và nhiệm vụ của triết học đã từng là: xóa bỏ ảo tưởng nảy sinh từ sự ngộ giải (Miss-deutung), cho dù qua đó bao nhiên ước vọng điên rồ vốn được yêu thích và ca tụng đều phải tan vỡ hết. Trong việc nghiên cứu này, tôi dành cho tính cặn kẽ (Ausführlichkeit) sự quan tâm lớn và tôi dám mạnh dạn nói rằng ở đây, không có một vấn đề siêu hình học riêng lẻ nào không được giải quyết, hoặc ít ra cung cấp được chìa khóa để giải quyết nó. Thực ra, ngay lý tính thuần túy cũng là một thể thống nhất hồn hảo khiến cho: nếu Nguyên tắc của nó tỏ ra không đủ sức để giải quyết một trong tất cả những vấn đề được đặt ra bởi chính bản tính tự nhiên của nó, ta chỉ có thể vứt bỏ luôn nó đi, vì chắc chắn nó cũng sẽ không đủ sức giải quyết bất kỳ câu hỏi nào còn lại một cách hồn tồn đáng tin cậy.
Khi nói như vậy, tôi tin rằng có thể hình dung được vẻ mặt bất bình chen lẫn chê trách của người đọc trước đòi hỏi có vẻ quá tự thị và không khiêm tốn, nhưng thực ra, không cần so sánh, ta cũng thấy chúng là ôn hòa hơn nhiều trước những tham vọng của bất kỳ tác giả nào có cương lĩnh nghiên cứu tầm thường nhất, tự cho rằng có thể chứng minh được bản tính đơn thuần của linh hồn hay sự tất yếu của một sự khởi đầu sơ thủy của vũ trụ. Bởi vì họ hứa hẹn mở rộng nhận thức của con người ra bên ngồi mọi ranh giới của kinh nghiệm có thể có, điều mà tôi đành thú nhận rằng: điều ấy hồn tồn vượt khỏi năng lực của tôi và thay vào đó, tôi chỉ làm việc với riêng bản thân lý tính thôi cùng với tư duy thuần túy của nó. | Để có được nhận thức tường tận về lý tính, tôi không được phép đi tìm ở nơi xa xôi bên ngồi tôi, bởi tôi tìm gặp nó ngay trong chính mình; và cả môn Lôgíc học thông thường cũng đã cho tôi một điển hình tiêu biểu khi mọi tác vụ đơn giản của lý tính đều có thể được kể ra một cách trọn vẹn và có hệ thống; và ở đây chỉ có câu hỏi được đặt ra là, tôi hy vọng sẽ làm được điều gì và làm được bao nhiêu với lý tính, nếu tôi bị tước bỏ hết mọi chất liệu và sự trợ giúp của kinh nghiệm.
Trở lên là nói về tính hồn chỉnh (Vollständigkeit) để đạt được từng mục đích và về tính cặn kẽ (Ausführlichkeit) để đạt được mọi mục đích gộp lại; những mục đích không phải do một ý đồ tùy tiện mà do bản tính tự nhiên của bản thân sự nhận thức đặt ra cho ta; tạo nên chất liệu [nội dung] (Materie) của công cuộc nghiên cứu phê phán của chúng ta.
Còn liên quan đến hình thức của sự nghiên cứu, có hai đặc tính nữa là sự xác tín (Gewissheit)* và sự sáng sủa (Deutlichkeit), được xem như là các đòi hỏi cơ bản mà người ta có quyền đặt ra cho tác giả khi dám đi vào một công cuộc nghiên cứu gian nan như thế này.
{*Sự xác tín (Gewissheit/Anh, Pháp: certitude), còn gọi là sự vững chắc (Sicher-heit), là phán đoán có cơ sở, dựa trên sự hiển nhiên (Evidenz) của nội dung phán đoán. Đó là sự xác tín “khách quan”, trái với sự xác tín “chủ quan” (ý kiến riêng, tư kiến – Meinung) tức sự tin chắc nhưng thiếu cơ sở. Xem thêm mục từ “Gewissheit” trong “Philosophisches Wưrterbuch” (Tự điển triết học) của Walter Brugger, NXB Herder 1976. (N.D).}
Trước hết, về sự xác tín, tôi tự xác định cho mình rằng: trong phương cách xem xét các vấn đề ở đây, tuyệt đối không được phép đưa ra ý kiến riêng [tư kiến, “meinen”] và tất cả những gì trong các xem xét ấy tỏ ra chỉ có vẻ tương tự như một giả thuyết đều là món hàng bị cấm chỉ, không những không được phép bày bán dù với giá rẻ nhất, trái lại, hễ bị phát hiện là phải bị tịch thu ngay. Vì lẽ nhận thức nào muốn đứng vững một cách tiên nghiệm đều tự xác định như thế: nó phải được xem là tuyệt đối tất yếu; và hơn nữa, một sự xác định về mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm lại càng phải như thế, nếu nó muốn là chuẩn mực (Richtmass), để bản thân trở thành điển hình cho mọi sự xác tín hiển nhiên (apodiktisch) (có tính triết học). Liệu tôi có làm được như đã hứa hay không, điều ấy hồn tồn dành cho sự phán xét của người đọc, vì tác giả có nhiệm vụ trình bày các căn cứ nhưng không thể đánh giá tác động của chúng nơi những người phán xét. Nhưng, để cho đôi chỗ nào đó không vô tình làm yếu đi lập luận của tác giả trước người đọc, nên cho phép tác giả tự mình lưu ý ngay những chỗ có thể gây nên ít nhiều hồi nghi nơi người đọc, dù chúng chỉ liên quan đến mục đích thứ yếu, nhằm tránh việc người đọc chỉ từ thắc
mắc nhỏ trong điểm này có thể ảnh hưởng đến đánh giá chung về mục đích chính của quyển sách.
Để có được cái nhìn thấu triệt về quan năng mà ta gọi là giác tính (Verstand)*, cũng như để xác định các quy luật và các giới hạn trong việc sử dụng nó, tôi không thấy có nghiên cứu nào quan trọng hơn phần được tôi trình bày trong Chương 2 của “Phân tích pháp siêu nghiệm” dưới nhan đề “Diễn dịch về các khái niệm thuần túy của Giác tính” [các phạm trù]; đây cũng là phần làm hao tổn tâm sức của tôi nhiều nhất, nhưng tôi hy vọng đây không phải là công sức không được đền bù. Phần nghiên cứu này được tiến hành khá sâu, nhưng lại có hai mặt. Một mặt liên quan đến những đối tượng của giác tính thuần túy nhằm trình bày và làm sáng tỏ giá trị khách quan của các khái niệm tiên nghiệm** của giác tính, vì thế có ý nghĩa cốt yếu (wesentlich) đối với các mục đích của tôi.
{*Xem: Chú thích * của N.D cho AVII. (N.D).
**“Tiên nghiệm” (a priori): còn có thể được dịch là “tiên thiên”, song chúng tôi đều dịch là “tiên nghiệm” để tránh sự liên tưởng đến tính “bẩm sinh” theo kiểu Déscartes mà Kant phản bác. (N.D).}
Mặt thứ hai là xem xét bản thân giác tính thuần túy căn cứ theo khả thể của nó và theo các năng lực nhận thức mà bản thân nó dựa vào, do đó, là xem xét nó trongquan hệ chủ quan; việc khảo sát này tuy cũng có tầm quan trọng lớn đối với mục đích chính của tôi nhưng lại không thuộc về mục đích ấy một cách cốt yếu; bởi lẽ câu hỏi chính yếu vẫn là giác tính và lý tính có thể nhận thức được gì và được bao nhiêu khi độc lập với mọi kinh nghiệm, chứ không phải hỏi: bản thân quan năng để suy tưởng này làm thế nào có thể có được? Vì câu hỏi sau hầu như là đi tìm nguyên nhân cho một kết quả có sẵn, nên trong chừng mực đó, nó có một cái gì giống như trong một giả thuyết (mặc dù trong thực tế không phải như vậy, như tôi sẽ có dịp vạch rõ trong một dịp khác), nên trong trường hợp này, có vẻ như tôi được phép đưa ra ý kiến riêng (meinen) và người đọc cũng tự do có quyền có ý kiến khác. Vì xem xét như vậy, nên tôi xin lưu ý trước đối với người đọc: trong trường hợp sự diễn dịch chủ quan của tôi không mang lại được sự thuyết phục nơi người đọc như tôi chờ đợi, thì sự diễn dịch khách quan, là phần được tôi quan tâm nhiều nhất, sẽ có được tồn bộ sức mạnh [thuyết phục] như những gì được nói từ trang 92 đến 93 sẽ đủ chứng tỏ điều ấy*
{*Trang 92-93 thuộc ấn bản A (lần xuất bản thứ 1) có nhan đề: “Bước chuyển sang sự diễn dịch siêu nghiệm về các phạm trù” tức các trang B125-126 của bản B. Phần chính yếu: “Diễn dịch về các khái niệm thuần túy của giác tính” được Kant viết lại hoàn toàn cho bản B. Cả hai (trong bản A và bản B) đều được dịch đầy đủ. Xem B130-169 và tiếp theo đó là A95-130). (N.D)}
Sau cùng, liên quan đến tính sáng sủa**, người đọc có quyền đòi hỏi trước hết là sự sáng sủa suy lý (lôgíc) thông qua các khái niệm (durch Begriffe), rồi cả sự sáng sủa trực quan (cảm năng) thông qua các trực quan (durch Anschau-ungen), tức là bằng các ví dụ hay các sự giải thích in concreto [trong cụ thể].
{**Tính sáng sủa (Deutlichkeit): có thứ lớp phân minh, theo nghĩa “clair et distinc” (rõ ràng và sáng sủa) của Descartes. (N.D).}
Đối với điểm thứ nhất, tôi đã lo liệu đầy đủ, vì nó liên quan đến bản chất của kế hoạch nghiên cứu của tôi. Đối với yêu cầu thứ hai, tuy không nghiêm ngặt lắm nhưng cũng là đòi hỏi chính đáng, thì do lý do ngẫu nhiên tôi không thể đáp ứng được đầy đủ. Trong suốt quá trình biên soạn, tôi hầu như luôn luôn băn khoăn không biết nên làm thế nào. Các ví dụ và giải thích là cần thiết như tôi đã từng nhận thấy và vì thế trong lần sơ thảo đầu tiên, chúng đã được đưa vào đúng những chỗ có liên quan. Nhưng tôi sớm nhận ra độ lớn của công việc và số lượng những đối tượng mà tôi phải xử lý, từ đó thấy rõ chỉ với cách trình bày khô khan và đơn thuần kinh viện cũng đã làm cho tác phẩm đủ dài và thật không nên làm cho nó dày cộm thêm bằng những ví dụ và giải thích vốn chỉ cần thiết cho mục đích phổ biến rộng rãi. | Vả chăng, công trình này cũng không thể thích hợp cho việc sử dụng có tính phổ biến rộng rãi, còn những chuyên gia thành thạo về khoa học [triết học] thì lại không cần đến sự trợ giúp làm cho dễ hiểu; và tuy các ví dụ bao giờ cũng gây thích thú nhưng ở đây lại có thể dẫn đến cái gì đi ngược lại với mục đích. Tu viện trưởng Terrasson đã nói: nếu ta không thể đo lường tầm cỡ của một tác phẩm căn cứ vào số trang của nó mà vào thời gian cần thiết để hiểu nó, ta có thể nói về một quyển sách như sau: nó có thể ngắn hơn nhiều nếu nó đã không muốn quá ngắn!. Nhưng mặt khác, nếu ta hướng đến mục đích muốn dễ hiểu một tồn bộ dài dòng gồm những nhận thức tư biện nhưng vốn được gắn kết lại trong một nguyên tắc, ta cũng có quyền nói tương tự: quyển sách có thể đã sáng sủa hơn nhiều, nếu người ta đã không cố tình làm cho nó thêm sáng sủa! Bởi lẽ, các phương tiện trợ giúp cho tính sáng sủa chỉ hỗ trợ trong các bộ phận nhưng lại thường làm phân tán trong cái tồn bộ, không để cho người đọc nhanh chóng có được cái nhìn tổng quan về cái tồn bộ, và bằng màu sắc chói sáng, chúng làm dính chặt và không cho nhận ra được sự nối khớp* hay là kết cấu các bộ phận bên trong (Gliederbau) của hệ thống, vốn là điều cốt yếu nhất để có thể đánh giá được tính thống nhất và tính bền vững, đắc lực của hệ thống.
{*Artikulation: có hai nghĩa: - sự lưu loát, rõ ràng; và - sự nối khớp; ở đây chúng tôi hiểu theo nghĩa sau, hợp với ý sau đó: “hay là kết cấu...”. (N.D).}
Tôi thiết nghĩ có thể kích thích được người đọc hãy hợp nhất nỗ lực cùng với tác giả, khi tác giả gợi ra viễn tượng hồn tất một cách trọn vẹn và lâu dài một công trình lớn lao và quan trọng theo đề án đã được phác họa ra ở đây. Thật vậy, theo những khái niệm mà chúng ta sẽ nêu ra, môn Siêu hình học là ngành duy nhất trong mọi ngành khoa học có thể hứa hẹn một sự hồn tất trọn vẹn như thế, và hồn tất chỉ trong một thời gian ngắn, với sự nỗ lực của một số ít người thôi nhưng đồng tâm nhất trí, khiến cho thế hệ sau không còn gì phải làm ngồi việc truyền đạt lại theo các mục đích của họ nhưng không thể gia tăng thêm được gì về nội dung cả. Bởi lẽ, Siêu hình học sẽ không gì khác hơn là việc kết tốn (Inventarium) tất cả tài sản mà ta có được nhờ lý tính thuần túy và được sắp đặt có hệ thống. Ở đây không có gì lọt khỏi mắt chúng ta, bởi lẽ những gì lý tính hồn tồn tạo ra từ chính bản thân nó sẽ không thể ẩn tránh được, trái lại bản thân chúng sẽ được lý tính mang ra trước ánh sáng, một khi ta khám phá được Nguyên lý chung của chúng. Tính thống nhất [chỉnh thể] hồn hảo của phương cách đạt được các nhận thức này, tức là, các nhận thức chỉ đến từ các khái niệm thuần túy không chịu ảnh hưởng của bất kỳ kinh nghiệm nào, hay thậm chí của trực quan đặc thù nào dẫn đến một kinh nghiệm nhất định nhằm mở rộng và gia tăng nhận thức làm cho tính hồn chỉnh vô điều kiện này [của Siêu hình học] không những khả thi mà còn tất yếu nữa. “Tetum habita, et noris quam sit tibi anta supellex” [La tinh: “Hãy trở về ở trong nhà của chính ngươi, ngươi sẽ biết gia sản của ngươi nghèo nàn như thế nào!” Persius, Satirae IV. 52. N.D].
Tôi hy vọng sẽ tự mình mang lại một hệ thống như thế về lý tính thuần túy (tư biện) với nhan đề: “SIÊU HÌNH HỌC VỀ TỰ NHIÊN”*chỉ dài bằng một nửa, nhưng lại có nội dung phong phú hơn nhiều so với quyển Phê phán này, là quyển có nhiệm vụ phải trình bày các nguồn gốc và các điều kiện cho khả thể của Siêu hình học cũng như cần thiết phải dọn sạch và làm cho bằng phẳng miếng đất đã hồn tồn bị cong vênh, gồ ghề.
{* Kant sẽ trình bày trong “Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên” (Metaphysische Anfangsgrnde der Naturwissenschaft, 1786). Nhưng, trong Lời Tựa 2 (1787), Kant vẫn tiếp tục hứa sẽ cho ra mắt “Siêu hình học về tự nhiên” (điều không hề được thực hiện), như thế chứng tỏ quyển trên cũng có thể chưa phải là nội dung mà Kant nhắm đến? (N.D).}
Ở đây, [trong quyển Phê phán này] tôi chờ đợi nơi những độc giả của tôi sự kiên nhẫn và lòng vô tư của một quan tòa, còn ở công việc kia là thiện chí và sự tiếp tay của một người cộng tác, bởi lẽ cho dù mọi nguyên tắc cho hệ thống đã được trình bày một cách đầy đủ trong quyển Phê phán này, nhưng tính cặn kẽ của bản thân hệ thống lại đòi hỏi không được thiếu bất kỳ khái niệm phái sinh* nào, là những khái niệm người ta không thể nhận ra ngay lập tức một cách tiên nghiệm mà phải được tìm ra dần dần. | Sự tổng hợp** tồn bộ các khái niệm sẽ được hồn tất trong quyển Phê phán này, nhưng cũng chính các khái niệm này lại phải được tiến hành về mặt phân tích** [trong Siêu hình học về tự nhiên], nhưng đó sẽ là công việc nhẹ nhàng hơn nhiều, là niềm vui hơn là một lao động nặng nhọc.
[Lược bỏ mấy dòng không quan trọng về kỹ thuật in ấn, sửa lỗi in và về cách xếp trang vốn chỉ có giá trị trong nguyên bản tiếng Đức. (N.D)].
Königsberg, 1781.
{*Phái sinh (abgeleitet): được rút ra (được dẫn xuất, ableiten) từ các khái niệm căn nguyên (ursprnglich). (N.D).
**Tổng hợp; phân tích: Xem Lời dẫn nhập, B11-B14. (N.D).}
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP
(được đánh số theo thứ tự để tiện theo dõi và tra cứu)
Giống như trong phần lớn các tác phẩm triết học cổ điển Đức khác, các “Lời Tựa” lại thường được dành để đọc (và đọc lại) sau cùng vì chúng cô đọng cương lĩnh triết học và kết quả nghiên cứu của tác giả, do đó thường rất hàm xúc, khó hiểu. (Bắt đầu đọc từ “Lời dẫn nhập” có lẽ thuận lợi hơn). Chú giải dẫn nhập có mục đích giúp các bạn đọc mới lần đầu tiên tiếp xúc với Kant đi vào tác phẩm dễ dàng hơn.
0.1. SỰ RA ĐỜI CỦA “PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY”
Kant chỉ cần vài tháng ngắn ngủi để hồn tất tác phẩm đồ sộ này. Nhưng ta đừng vội hiểu lầm: đây không phải là kết quả ngẫu hứng của giây phút xuất thần hay sản phẩm “đẻ non”. Trái lại, tác phẩm kết tinh những suy nghĩ chín muồi của một quá trình lâu dài:
Năm 1770, sau nhiều năm lận đận, nghèo túng, Kant mới bắt đầu “lạc nghiệp” với ghế giáo sư môn lôgíc và siêu hình học tại đại học Königsberg. (Xem: “Niên biểu tóm tắt về cuộc đời và tác phẩm của Kant” ở cuối sách). Suốt 10 năm giảng dạy sau đó (1770-1780), ông không công bố tác phẩm nào, ngoại trừ 20 trang tóm tắt đề cương giáo trình. Nhưng đây chính là 10 năm thai nghén hệ thống triết học sau này.
Mãi đến 5.1781, khi Kant đã 57 tuổi, tác phẩm này mới được xuất bản lần đầu tiên. Kết quả thật đáng buồn: không được ai lưu ý cả vì bị xem là khó hiểu và chán ngắt!
Để cứu vãn, Kant cố viết gọn lại cho dễ hiểu hơn. Hai năm sau, ông mới cho ra mắt: “Sơ luận về bất kỳ môn Siêu hình học nào trong tương lai muốn có thể xuất hiện như một khoa học” “Prolegomena zu einer jeden künftigen Metaphysik, die als Wissenschaft wird auftreten können” (thường gọi tắt là “Sơ luận”) chỉ độ 150 trang. Nhưng không phải nhờ ngắn mà dễ hiểu hơn, trái lại, vì ngắn mà càng thêm khó hiểu!
Mãi đến 1787, khi ấn bản lần thứ hai ra đời mà chúng ta đang có trong tay, bước ngoặt đã thực sự xảy ra. Tác phẩm gây chấn động sâu sắc trong học giới và Kant đột ngột trở thành một “ngôi sao” lừng danh. Nhiều nhân vật nổi tiếng đến nghe ông giảng bài. Các tác gia lớn như F. Schiller và J.W. Goethe vừa đọc ông vừa tha thiết muốn cầu thân. Nhưng cả Schiller lẫn Goethe đều đành chịu thất vọng vì bản tính thích ẩn dật và ngại giao du của bậc triết nhân ở Königberg. Suốt cho đến cuối đời, Kant là một huyền thoại sống, chiếm lĩnh mọi giảng đường đại học châu Âu và ảnh hưởng của ông kéo dài sâu đậm mãi đến ngày nay.
Arsenij Gulyga*- người viết tiểu sử Kant hay nhất trong thời gian qua - đã nhấn mạnh sự tương phản lạ lùng (hay mối tương quan mật thiết?) giữa cuộc đời và sự nghiệp của Kant: (xem: Niên biểu tóm tắt cuộc đời và các tác phẩm của I. Kant ở cuối sách).
{* A. Gulyga: “Immanuel Kant”, Frankfurt 1981. (N.D).}
+ Cuộc sống của ông đơn điệu bao nhiêu thì tư tưởng lại đa dạng và đa diện bấy nhiêu.
+ Cuộc sống giản dị, khiêm tốn nhưng tham vọng học thuật lại rất to tát: muốn lý giải bí nhiệm của Con Người bằng một quy luật phổ quát chi phối mọi tư duy và hành động của bản thân con người.Cuộc sống bình lặng, thiếu vắng mọi biến cố riêng tư hay tình ái lại gây những chấn động chưa từng có trong đời sống tinh thần của Tây phương kể từ thời khai nguyên triết học Hy Lạp.
Tóm lại, đọc Kant là một sự vất vả cần thiết; hiểu biết ít nhiều về Kant là hành trang bắt buộc phải mang theo trong mọi nẻo đường suy tưởng
0.2. Như ta sẽ thấy rõ hơn sau này, Kant phát triển triết học “siêu nghiệm phê phán” của ông như là kết quả của quá trình tiếp thu và phê phán nhiều trào lưu triết học trong quá khứ và đương thời. Bên cạnh những tác giả kinh điển của quá khứ, nhất là Platon, Aristoteles, Epikur, phái Stoa (khắc kỷ) và phái hồi nghi cổ đại, những trào lưu có ảnh hưởng mạnh mẽ đương thời cần phải kể đến, đó là: tinh thần “hồi nghi có phương pháp” và việc đặt nền tảng triết học trong ý thức của chủ thể [cái “Tôi tư duy”: cogito sum] của René Descartes; lý luận về kinh nghiệm của John Locke, nhất là sự phân biệt của Locke giữa “sensation” (tri giác bên ngồi) và “reflection” (tri giác bên trong); lý luận về Tự-ý thức của Johann Nicolas Tetens, chịu ảnh hưởng của Locke; thuyết duy tâm (chủ quan, cực đoạn) của George Berkeley; thuyết hồi nghi của David Hume về cơ sở cho nguyên lý “nhân quả” thường nghiệm; Siêu hình học “đơn tử luận” (Monadologie) và lý luận về “thông giác” (Apperzeption) của Gottfried Wilhelm Leibniz; Siêu hình học “trường ốc”, hệ thống hóa triết học Leibniz của Christian Wolff và các môn đệ (nhất là Georg Friedrich Meier và Alexander Baumgarten); lý luận về “cái Tôi” như là yếu tố kiến tạo nên sự thống nhất trong phán đốn và vai trò quan trọng của “lương thức” (le bon sens) của Jean-Jacques Rousseau. Để hiểu được triết học Kant, ta cần lưu tâm đến ảnh hưởng của những trào lưu trên. Tuy nhiên, triết học phê phán của Kant không phải là một sự “tập đại thành”, một “tổng hợp” đơn giản. Nó vượt ra khỏi những ảnh hưởng ấy và có thể nói, quyển “Phê phán lý tính thuần túy” thực sự bắt đầu một chương mới trong lịch sử triết học Tây phương thời cận đại.
0.3. Quá trình “nung nấu” và thời điểm ra đời tác phẩm
Từ những năm của thập kỷ 1760, Kant đã thực sự quan tâm đến vấn đề “phương pháp của Siêu hình học” (Methode der Metaphysik). Năm 1764, Kant đã bàn về vấn đề này trong một luận văn ngắn, hưởng ứng câu hỏi có trao giải thưởng của Viện Hàn Lâm khoa học Phổ ở Berlin (“Về sự sáng sủa của những nguyên tắc”). Một năm sau, Kant thông báo ý định ra đời một công trình “Phê phán và điều lệnh cho tồn bộ triết học như cho một tồn bộ” (II. 310) (1) và đã gọi công trình này là “Phê phán lý tính” (II, 311). Theo Paul Natorp, đây là sự “báo hiệu rõ ràng và sớm nhất về công cuộc phê phán” (V. 489). Tuy nhiên, “Phê phán” ở đây vẫn mới được hiểu như là bộ phận của phần “học thuyết về phương pháp” (Methodenlehre), được đặt ở vị trí sau cùng của một hệ thống triết học hồn chỉnh. (Hệ thống này dự kiến sẽ bao gồm triết học “lý thuyết và thực hành”, tức gồm Siêu hình học, Lôgíc học, Đạo đức học và Mỹ học).
31.12.1765, Kant viết thư cho Johann Heinrich Lambert, cho biết ông đang soạn một tác phẩm về “phương pháp đặc thù của Siêu hình học và qua đó cũng là phương pháp cho tồn bộ triết học” (X56).
Từ chỗ xem việc “Phê phán lý tính” như là “phụ lục” về phương pháp cho cả hệ thống, Kant dần dần đi đến nhận thức rằng, việc phê phán ấy phải trở thành công việc trung tâm và quan trọng nhất của triết học. Sau này, Kant cho biết hai sự việc đã thúc đẩy ông đi đến nhận định này:
+ Khoảng năm 1770, Kant phát hiện những cặp mệnh đề siêu hình học mâu thuẫn nhau (gọi là “những nghịch lý - Antinomien”, xem: Biện chứng pháp siêu nghiệm) nhưng đều có lý lẽ chặt chẽ về mặt lôgíc (thư gửi Garve ngày 21.09.1798, XII 257). Ông nhận ra rằng: nếu sử dụng lý tính thuần túy một cách “không-phê phán”, nhất định sẽ dẫn tới những mâu thuẫn nan giải.
+ Trong “Sơ luận”, ông cho biết thêm, chính thuyết hồi nghi của David Hume đã làm cho ông “tỉnh giấc ngủ giáo điều” (IV 260). Tuy nhiên, thời điểm chính xác và mối quan hệ giữa hai “sự kiện bước ngoặt” này dẫn đến sự ra đời của “Phê phán lý tính thuần túy” vẫn chưa thực sự sáng tỏ. Lý do là vì: năm 1770, trong luận văn trình cho đại học Königsberg để được đảm nhận ghế giáo sư về Lôgíc học và Siêu hình học (viết bằng tiếng La tinh: “Về thế giới khả giác và thế giới khả niệm, viết tắt là “De mundi...”), Kant đã gợi một số chủ đề quan trọng của quyển “Phê phán lý tính thuần túy” sau này, nhưng nhìn chung về mặt phương pháp, luận văn vẫn còn có tính chất “tiền-phê phán” (vẫn tán thành quan điểm “duy lý” cho rằng có thể nhận thức được “vật-tự thân” bằng những khái niệm thuần lý). Trong khi đó, từ năm 1769, ông đã ghi nhận rằng Siêu hình học phải là “một sự” phê phán lý tính thuần túy chứ không thể là một “học thuyết” [giáo điều] (XVII 368). Đồng thời, trong thư gửi cho Marcus Herz ngày 7.6.1771, X123), ông thông báo sẽ viết công trình của mình dưới nhan đề “Những ranh giới của cảm năng và của lý tính”. Như vậy, đến thời điểm cuối năm 1771, Kant vẫn chưa dứt khốt đặt tên “Phê phán lý tính thuần túy” cho công trình ấp ủ của mình.
+ (1)Các tác phẩm khác của Kant được trích dẫn trong phần “Chú giải dẫn nhập” này đều từ “Toàn tập Kant”, ấn bản Viện Hàn Lâm khoa học Phổ, (Vd: II. 310: tập II, trang 310). (Kant’s gesammelte Schriften. Berlin 1900... Ausgabe der Preussischen Akademie der Wissenschaften).}
Bước ngoặt thực sự thể hiện trong bức thư nổi tiếng của Kant gửi cho Marcus Herz ngày 21.2.1772, trong đó ông thông báo đã có đủ điều kiện để “biên soạn một quyển Phê phán lý tính thuần túy, xem xét bản tính của nhận thức lý thuyết lẫn thực hành, trong đó phần đầu tôi sẽ xét những nguồn suối của Siêu hình học, phương pháp và những ranh giới của nó, rồi sau đó sẽ trình bày những nguyên tắc thuần túy của đạo đức [học]. Về phần đầu, tôi sẽ hồn tất trong vòng độ ba tháng” (X132). Lá thư này được xem là cứ liệu quan trọng nhất cho việc ra đời “triết học phê phán”. “Phần đầu” được Kant đề cập trong bức thư, tức phần xem xét “những nguồn suối, phương pháp và những ranh giới của Siêu hình học” chính là “giấy khai sinh” chính thức cho công trình đồ sộ sau này. Từ đó, suốt trong gần mười năm trời, Kant suy nghĩ, cân nhắc, và như chính ông cho biết trong thư gửi Moses Mendelssohn ngày 16.8.1783, ông đã “hồn thành cấp tốc sản phẩm đã được ôm ấp, suy nghĩ suốt thời gian ít nhất là 12 năm trong vòng 4 đến 5 tháng” (X345) vào nửa cuối của năm 1780 để có thể chính thức cho ra mắt ấn bản đầu tiên vào dịp lễ Phục sinh năm 1781.
Thời gian hồn thành gấp rút một công trình đồ sộ như thế khiến người ta phỏng đốn rằng Kant đã sử dụng lại nhiều phác thảo có từ những năm 1770 và sắp xếp, sửa chữa, nhuận sắc lại văn phong cũng như hồn chỉnh một số phần mới viết sau này.
Đến năm 1786, ấn bản lần thứ nhất (bản A) đã được bán hết. Theo yêu cầu của nhà xuất bản, Kant chuẩn bị cho ấn bản lần thứ hai (bản B). Đây là dịp để ông sửa chữa, viết lại một số đoạn (viết Lời tựa mới, bổ sung thêm cho Lời dẫn nhập, viết lại hoặc bổ sung một số tiết. (Xem: Lời tựa 2 và mục 2 của Chú giải dẫn nhập)). Ấn bản lần thứ hai ra mắt vào tháng 6.1787. Bây giờ, chúng ta bắt đầu đi vào tìm hiểu tác phẩm.
1. LỜI TỰA I (AVII-AXXI): ĐẤU TRƯỜNG SIÊU HÌNH HỌC
1.1. Không rào đón dài dòng, Kant mở đầu ngay bằng thực trạng bế tắc của Siêu hình học: một môn học vừa thiết yếu vừa không thể nào đứng vững được! Vậy, Siêu hình học là gì? và tại sao như thế?
1.1.1. Khoảng năm 70 t.C.N, một nhân vật ít tên tuổi là Andronikos Rhodos làm công việc sắp xếp lại các trước tác mới tìm lại được (tưởng đã bị thất truyền) của Aristoteles theo thứ tự: trước hết là các tác phẩm bàn về tự nhiên (Hy Lạp: physis) và sau đó (meta) là các sách bàn về những gì vượt ra khỏi giới tự nhiên (tức các nguyên tắc đầu tiên và nền tảng của mọi tồn tại), gọi chung là các tác phẩm “sau tự nhiên” (meta ta physika). Danh từ Siêu hình học (Metaphysik) ra đời từ sự kiện ngẫu nhiên ấy. Sự kiện trên có chính xác hay không là điều không quan trọng, nhưng vô tình tên gọi ấy nói lên đúng thực chất của môn học lạ thường này. Từ đó suốt gần hai ngàn năm, Siêu hình học là mô hình cổ điển của triết học Tây phương.
1.1.2. Định nghĩa quen thuộc trong các từ điển về môn học này thường khá bí hiểm: “Siêu hình học là môn học về sự tồn tại của mọi cái tồn tại (hoặc bí hiểm hơn: về “hữu thể tính của mọi hữu thể”! (die Seiendheit von Seienden), bằng cách tra hỏi về nền tảng của mọi cái tồn tại, của tư duy và nhận thức”. Thay vì hoảng sợ, ta thử cố hình dung xem sao: chung quanh ta đều là những cái đang tồn tại: núi sông, hoa cỏ, chim hót, mây bay. Cả bản thân ta cũng là cái tồn tại với nhiều “cái tồn tại” đeo đẳng hàng ngày: vui, buồn, lợi, hại, v.v...
Con người không chịu dừng lại ở những cái tồn tại riêng lẻ ấy mà luôn tự hỏi: đàng sau cái đa tạp ấy, có sự Tồn tại chung nào không? Thay cho chữ “Tồn tại” bằng chữ “Nghĩa lý”, ta dễ hiểu hơn: phía sau tiếng chim hót, mây bay hẳn phải có “sự Tồn tại” của một nghĩa lý. Câu hỏi ấy cũng đặt ra cho tư duy, nhận thức và hành động của chính ta, người đang quan sát những tồn tại bên ngồi ta. Ta đều biết khoa học tự nhiên nỗ lực tìm ra các quy luật nằm đàng sau những hiện tượng tự nhiên; chẳng hạn các quy luật vật lý: nước chảy xuôi, lá rụng về cội chứ không thể ngược lại… Đi xa hơn các quy luật ấy, ta muốn đặt câu hỏi triệt để hơn: Ngồi quy luật trong tự nhiên, phải chăng cũng có quy luật cho Tồn tại nói chung? Siêu hình học còn triệt để hơn nữa: phải chăng không chỉ đàng sau những cái đang tồn tại mà cả đàng sau sự Tồn tại và đàng sau tư duy và nhận thức về sự Tồn tại cũng có tính quy luật, có mối quan hệ nội tại?
Nếu có, phải có câu trả lời thực sự mang tính khoa học. Ở phương Tây, các triết gia cổ đại Hy Lạp xem một yếu tố nhất định nào đó của tự nhiên như nước hay lửa là nền tảng cho mọi tồn tại. Platon thì tìm câu trả lời trong thế giới lý niệm, trong khi Siêu hình học Thiên chúa giáo nhận ra nơi Thượng đế, v.v... (Đó là chưa nói đến phương Đông như ở Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại). Nói như Goethe, đó là câu hỏi nền tảng luôn ám ảnh Faust: “cái gì nối kết tồn thể vũ trụ ở bên trong nó?” (was im Innersten zusammenhängt?). (Kịch Faust, câu 343).
Câu hỏi là “không thể từ nan vì đó là nhiệm vụ đặt ra từ chính bản tính của lý tính” (AVII) và “không phải do lỗi của chính nó [của lý tính]”. Nhưng chính sự khác nhau, “sự tối tăm mù mịt và đầy rẫy mâu thuẫn” trong các câu trả lời khiến Kant nghi ngờ. Ông không đặt câu hỏi mới, mà đặt câu hỏi về bản thân môn Siêu hình học, tức về tính khoa học của nó. Như Kant sẽ chứng minh, Siêu hình học sở dĩ gặp khó khăn nan giải chỉ vì nó muốn là… Siêu hình học!
1.1.3. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhân văn vốn hình thành các hệ thống lý luận từ những định luật và nguyên tắc phổ biến chi phối hàng loạt đối tượng. Chẳng hạn, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh vật học…) nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên vĩ mô, trung mô(1), vi mô, và các quá trình vô cơ, hữu cơ, các vật thể sống. Khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu những hiện tượng thuộc con người và xã hội… Siêu hình học cũng không làm gì khác hơn, chỉ có điều không chịu dừng lại nửa chừng, mà đẩy câu hỏi đến chỗ kỳ cùng, không giới hạn trong một lãnh vực mà muốn bao trùm tồn bộ mọi lãnh vực. Câu hỏi chỉ chịu dừng lại ở những nguyên tắc không còn phục tùng nguyên tắc nào nữa, tức nguyên tắc vô-điều kiện, hay còn gọi là cái Tuyệt đối. Bao lâu lý tính còn dựa vào kinh nghiệm, nó chỉ tìm được các nguyên tắc ngày càng phổ biến hơn, càng “xa” hơn, nhưng chưa phải là cái Tuyệt đối vô-điều kiện. Nhưng nếu đi đến chỗ kỳ cùng, thì cơ sở tối hậu của kinh nghiệm nhất định phải nằm bên ngồi (hay đàng sau - meta -, bên trên: - siêu -) kinh nghiệm. Mức độ khái quát hóa càng cao, tác dụng gây huyễn hoặc càng lớn, nhất là khi Siêu hình học biến các quy luật và các yêu cầu của bản thân tư duy thành các đối tượng có thật. Và đây chính là chỗ có vấn đề.
{(1) Trung mô: tạm dịch chữ “Mesokosmos” của Gerhard Vollmer (*1942) (xem: G. Vollmer: “Evolutionre Erkenntnistheorie”/“Nhận thức luận tiến hóa”, Chương 8, trang 161-165) chỉ thế giới có quy mô trung bình vốn là nền tảng của vật lý học cổ điển, phù hợp với khả năng trực quan của con người. Tuy nhiên, bằng ngôn ngữ và suy tưởng, con người có thể vượt ra khỏi thế giới trung mô để vươn đến thế giới vĩ mô (Makrokosmos) và vi mô (Mikrokosmos) theo nghĩa rộng (kể cả những đối tượng phi-cảm tính và siêu việt). (N.D). }Ở phần sau, Kant sẽ cho thấy: bảo vũ trụ hữu tận, Thượng đế * tồn tại, ý chí tự do, linh hồn bất tử hoặc bảo ngược lại đều có lý lẽ cả, nhưng bên nào đúng thì không thể biết được. Sở dĩ như vậy là vì: các khẳng định trên tự cho là cơ sở, là nguyên lý tối hậu của mọi kinh nghiệm, vậy phải dùng kinh nghiệm để kiểm chứng. Nhưng ta lại không được dùng kinh nghiệm, vì về nguyên tắc, các nguyên lý siêu hình học vốn nằm bên ngồi kinh nghiệm, và đó là lý do làm cho Siêu hình học không thể trở thành một khoa học được. Không có gì cản trở Siêu hình học cả, ngoại trừ chính bản thân nó. Siêu hình học - về nguyên tắc và theo định nghĩa - nhất thiết trở thành “đấu trường tranh cãi bất tận” (AVIII).
{*Trong sách này, chúng tôi dịch “Gott” là “Thượng đế” theo nghĩa trung tính như là “Thượng đế của triết gia” (“Être suprême”: Hữu thể tối cao) chứ không dịch là “Thiên chúa” hay “Chúa Trời” theo nghĩa của một tôn giáo nhất định. (N.D).}
1.2. Sự tranh cãi không chỉ thể hiện ở các câu trả lời khác nhau mà trước hết ở vấn đề muôn thuở: Ta có thể nhận thức được hay không, nhất là nhận thức cái tuyệt đối-vô điều kiện? Và nhận thức bằng phương cách gì? Câu hỏi ấy xuyên suốt lịch sử triết học và không ai, kể cả các đại triết gia, có thể đặt và giải quyết vấn đề độc lập với di sản và bối cảnh tư tưởng của thời đại mình. Kant cũng vậy. Ở thời đại ông, người ta đua nhau hình thành các hệ thống triết học, tranh cãi quyết liệt, nhưng tựu trung chia thành hai phái lớn: phái duy lý (Rationalismus) và phái duy nghiệm (Empirismus).
1.2.1. Phái duy lý (còn có tên là “Apriorismus”: phái “tiên nghiệm”): có truyền thống lâu đời hơn, bắt nguồn từ Platon, Aristoteles và thời Trung cổ. Ở thời cận đại, Siêu hình học duy lý có các đại biểu lừng danh như Descartes (1596-1650), Spinoza (1632-77), Malebrache (1638-1715) và Leibniz (1646-1716). Nhưng Kant chú ý nhiều nhất đến “Siêu hình học trường ốc” của Wolff (1679-1754) đang thịnh hành. Phái này thừa nhận kinh nghiệm cảm tính cũng là một nguồn nhận thức nhưng sơ cấp, không thể là cơ sở và ranh giới cuối cùng của nhận thức được, trái lại chính lý tính mới khắc phục sự hời hợt, hỗn loạn của kinh nghiệm cảm tính để đạt được chân lý. Những chân lý tất yếu này được Leibniz gọi là “những chân lý của lý tính” hay “những chân lý thuần lý” (verités de raison). Chẳng hạn mệnh đề nổi tiếng của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum) chỉ có thể do lý tính mang lại mà kinh nghiệm cảm tính phải phục tùng. Vậy, theo phái duy lý, Siêu hình học - với tư cách là lãnh vực hoạt động của lý tính - có cơ sở vững vàng. Kant xem phái duy lý là “giáo điều” và “độc tài chuyên chế” vì buộc mọi người phải thừa nhận những “chân lý” mà trước đó chưa chịu tiến hành phê phán bản thân quan năng lý tính, chẳng hạn cho rằng linh hồn có bản tính đơn thuần và bất tử, vũ trụ có khởi đầu và Thượng đế tất yếu tồn tại.
1.2.2. Phái duy nghiệm: Sự tranh cãi ngay giữa các “nhà giáo điều” với nhau đã đẩy Siêu hình học vào cảnh hỗn loạn “vô chính phủ” khiến ra đời phái đối lập gồm các nhà hồi nghi muốn “chôn vùi các cơ sở của mọi nhận thức” (B451) và kết liễu Siêu hình học (BXXXVI). Kant xem John Locke (1632-1704) là người ra sức kết thúc cuộc tranh cãi triền miên này, dù triết học của ông cũng bắt nguồn từ một truyền thống khá lâu đời (phái hồi nghi thời cổ đại, phái khắc kỷ, phái Epikur). Bằng môn “Tự nhiên học (Physiologie) về giác tính con người” (AIX), Locke bác bỏ học thuyết về các ý niệm bẩm sinh và các nguyên lý của Descartes, đứng về phái duy nghiệm, quy mọi nhận thức vào kinh nghiệm “bên trong hoặc bên ngồi”, phủ nhận mọi cơ sở nhận thức thốt ly khỏi kinh nghiệm. Mệnh đề nổi tiếng của J. Locke là: “không có gì trong giác tính nếu trước đó không có trong giác quan”. Và vì David Hume (1711-76) với thuyết hồi nghi đã đánh thức Kant khỏi “giấc ngủ giáo điều” cũng thuộc về phái duy nghiệm (B127) nên trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, Kant xem cuộc tranh cãi chủ yếu là giữa hai phái duy lý và duy nghiệm.
1.2.3. Sự tranh cãi giữa hai phái tất yếu dẫn đến thái độ “ngán ngẩm, thờ ơ, dửng dưng” (AX) của những người không hề muốn nêu bất kỳ câu hỏi Siêu hình học nào nữa, thậm chí muốn xóa bỏ hẳn Siêu hình học ra khỏi lãnh vực nghiên cứu triết học. Đó là thái độ của “triết học khai sáng hời hợt” muốn trừng phạt Siêu hình học bằng “sự khinh thị” (AVIII). Nhưng theo Kant, “các nhà chủ trương bàng quan” nhất định sớm muộn cũng lại phải quay về với những khẳng định Siêu hình học vì thái độ “bàng quan” cũng là một thái độ giáo điều tự mâu thuẫn. Do đó, nếu không biết đặt vấn đề một cách khác, họ sẽ làm tái diễn cuộc tranh cãi bất tận.
1.3. Đặt vấn đề một cách khác, đó là công việc của Kant. Ông không tránh né hay khinh thị (trái lại rất quý trọng) các vấn đề của Siêu hình học, đồng thời không tham gia vào cuộc tranh cãi bằng cách đứng về một phía. Ông muốn khai phá con đường mới trước đó chưa ai đi nhằm đưa Siêu hình học (và triết học nói chung) ra khỏi bế tắc: thiết lập một TÒA ÁN.
Thay cho tranh cãi hỗn loạn là một phiên tòa tỉnh táo có đủ thẩm quyền phân xử khả thể của nhận thức thuần lý một cách vô tư, không thiên vị, “vừa bảo vệ những yêu sách chính đáng, có cở sở vững chắc, vừa dứt khốt bác bỏ mọi yêu sách và tham vọng không chính đáng, thiếu cơ sở”.
Hình ảnh so sánh với việc “thiết lập một TÒA ÁN” có ý nghĩa quan trọng và cốt yếu nhất đối với tồn bộ triết học Kant, và trước mắt, cho phép ta hiểu chính xác nhan đề và nội dung tổng quát của quyển sách: Phê phán lý tính thuần túy:
+ “PHÊ PHÁN” không phải là “đả kích” hay “lên án” theo cách hiểu thông thường hiện nay. Martin Heidegger (1) muốn hiểu nó theo nội dung nguyên thủy của từ Hy Lạp “KRINEIN” là “phân biệt”, “biện biệt” giữa cái nhận thức được và cái không nhận thức được. Thật ra, ý nghĩa của từ “Phê phán” ở đây nằm ngay trong bản thân việc “thiết lập tòa án” để“xem xét và xác định nguồn gốc, phạm vi và các giới hạn của nó [lý tính], nhưng tất cả là trên cơ sở của những nguyên tắc” (AXII). Đó chính là công việc phán xử của “tòa án” để khẳng định hay bác bỏ các yêu sách bằng cách “diễn dịch” (Deduktion, dedukzieren), tức rút ra các nguyên tắc từ “cơ sở pháp lý chính đáng” (legitimer Rechtsgrund). Sở dĩ ta thấy Kant rất sính dùng các thuật ngữ “luật học” trong sách này là vì ông muốn dựa theo phương pháp “diễn dịch” pháp lý đương thời. Ở một nơi khác, trong các bài giảng của mình, Kant nhắc lại ngắn gọn: “Phê phán tức là đặt câu hỏi về mặt có hợp pháp hay không” (“Critic also quaestio iuris”) (2)
{(1)M. Heidegger: “Die Frage nach dem Dinge. Zu Kants Lehre von den transzendentalen Grundstzen”/ “Câu hỏi về Sự vật. Về học thuyết các nguyên tắc siêu nghiệm của Kant”, Tbingen, 1962, trang 93.
(2)Các bài giảng, tập XXIV, trang 764. Toàn tập Viện Hàn Lâm. Về “quaestio iuris” và “quaestio facti”, xem B129...}
+ “LÝ TÍNH”: ở đây, hiểu theo nghĩa rộng là “tồn bộ quan năng nhận thức cao cấp” bao gồm cả giác tính (Verstand), năng lực phán đốn (Urteilskraft) và “lý tính” hay “lý trí” (Vernunft) theo nghĩa hẹp, tức là quan năng suy luận khác với giác tính là quan năng phán đốn. Lý tính theo nghĩa rộng này bao trùm hai lãnh vực: lý tính lý thuyết và lý tính thực hành (đạo đức và nhân sinh). Ở đây, chỉ bàn về lãnh vực trước: lý tính lý thuyết, nhưng đồng thời gợi mở lãnh vực lý tính thực hành sẽ được bàn ở nơi khác. (Xem: “Phê phán lý tính thực hành” và “Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý”). (Xem thêm: 10.1.3-10.1.5).
Còn “THUẦN TÚY” là gì? Là loại nhận thức hồn tồn độc lập với kinh nghiệm. Phê phán ở đây cũng tập trung vào loại “lý tính thuần túy” này. Nghĩa là nó không bàn về việc sử dụng lý tính nói chung, chẳng hạn trong việc hệ thống hóa tri thức thường nghiệm hay suy luận từ những tiền đề thường nghiệm, trái lại, chỉ bàn về việc: lý tính dựa đơn độc vào chính mình một cách “thuần túy”, không cần dựa vào kinh nghiệm nào cả mà vẫn tưởng có thể đạt được những tri thức có thực chất về những đối tượng vượt khỏi kinh nghiệm (vũ trụ xét như tồn thể, Thượng đế, linh hồn, tự do...). Như đã thấy trên đây, nhận thức thường nghiệm (dựa vào kinh nghiệm) là không có vấn đề, bao lâu nó tự giới hạn “yêu sách” nhận thức trong phạm vi kinh nghiệm và do đó, được kiểm tra dễ dàng. Ngược lại, tri thức “thuần túy”, tức độc lập với kinh nghiệm không có cách gì kiểm tra được ngoại trừ bằng các quy luật của lôgíc học nói chung. Nhưng, các quy luật lôgíc chỉ bảo đảm được việc không mâu thuẫn về mặt hình thức, chứ không phải về nội dung. Do đó, nguy cơ sai lầm là rất lớn khi tư biện (xem chú thích cho 1.4.2.2) của lý tính thuần túy tự vận hành độc lập: bằng con đường suy luận lôgíc tưởng rằng rất vững chắc, người ta đi đến những luận điểm siêu hình học không có cơ sở. Nguy cơ này, theo Kant, có thể và cần phải ngăn chặn, khắc phục bằng sự “phê phán lý tính thuần túy”: thẩm tra tồn diện các quan năng nhận thức nói chung của con người và nhất là thẩm tra, giới ước phạm vi của loại tư duy “thuần túy”, độc lập với kinh nghiệm.
Trong nguyên tác hay trong cách dịch nhan đề quyển sách bằng các ngôn ngữ Châu Âu (Kritik der reinen Vernunft / Anh: Critique of the pure Reason / Pháp: Critique de la raison pure), giới từ “sở hữu” (Genitivus) “der, of, de” lộ rõ hơn trong tiếng Việt. Từ này mang cả hai ý nghĩa: Hiểu theo nghĩa “bị động” (genetivus objectivus), lý tính là đối tượng bị “phê phán” (phê phán “về” lý tính thuần túy). Hiểu theo nghĩa “chủ động” (genitivus subjectivus), lý tính là kẻ tiến hành phê phán (phê phán của/bởi lý tính thuần túy). Có lẽ Kant hiểu theo cả hai nghĩa: “Phê phán về lý tính thuần túy bởi chính lý tính thuần túy”. Không có quan năng nào cao hơn lý tính để “phê phán” nó ngồi chính nó; và theo Kant lý tính có đủ năng lực và phương tiện để tiến hành và hồn tất công việc tự phê phán này. Vậy, “Phê phán lý tính thuần túy” là cuộc tự kiểm thảo (Selbstkritik) của lý tính theo đúng nghĩa là “tòa án” của lý tính, trong đó lý tính vừa là quan tòa, vừa là bị cáo; và thậm chí, trong công cuộc “Phê phán lý tính thực hành” sau này, lý tính còn là kẻ tự ban bố luật lệ nữa.
Trong “Lời Tựa” của quyển “Phê phán năng lực phán đốn” (“Kritik der Urteilskraft”, 1790), Kant đưa ra một định nghĩa ngắn gọn và chính xác về nhan đề quyển sách ta đang đọc: “Ta có thể gọi quan năng nhận thức từ những nguyên tắc tiên nghiệm là “lý tính thuần túy”, và việc nghiên cứu về khả thể và các ranh giới của lý tính này nói chung là “Phê phán lý tính thuần túy”.(Man kann das Vermögen der Erkenntnis aus Prinzipien a priori die reine Vernunft und die Untersuchung der Möglichkeit und Grenzen derselben überhaupt die Kritik der reinen Vernunft nennen”. Kritik d. Urteilskraft. V. 167).
Trong cuộc tự kiểm này, lý tính chứng tỏ quyền uy của mình và quyền uy đó nhằm mục đích tự chế ước chính mình. Ta có thể hình dung khái quát diễn tiến của “vụ án” như sau: Trong phần đầu của quyển “Phê phán” (Cảm năng học và Phân tích pháp), quan tòa xác định các điều luật sẽ được áp dụng: trái với thuyết duy nghiệm, quả thật có những nhận thức phổ quát và tất yếu, do đó, nhận thức độc lập với kinh nghiệm (tức thuần túy, tiên nghiệm) là có cơ sở. Nhưng đồng thời, trái với thuyết duy lý, nhận thức này chỉ có hiệu lực giới hạn trong phạm vi kinh nghiệm khả hữu mà thôi và chỉ được phép sử dụng trong phạm vi này. Sau đó, trong phần 2 (Biện chứng pháp), phiên tòa chính thức xét xử, định rõ tội danh và tuyên án. Đối với những đối tượng bên ngồi phạm vi của kinh nghiệm, mọi khẳng định của lý tính là không có cơ sở. Nó sẽ rơi vào chỗ tự mâu thuẫn nếu chỉ “đùa giỡn” với các khái niệm của chính mình. Cả hai phái duy lý lẫn duy nghiệm đều phạm sai lầm: quả thật có những ý niệm của lý tính thuần túy, nhưng chỉ như các nguyên tắc điều hành để định hướng và thúc đẩy sự tăng tiến của kinh nghiệm chứ không phải các nguyên tắc “cấu tạo” nên kinh nghiệm. Các đối tượng đích thực của Siêu hình học phải dành cho lý tính thuần túy thực hành, tức của lãnh vực tu dưỡng đạo đức và nhân sinh.
1.3.1. Như ta sẽ thấy, trong quá trình tự kiểm, Kant phản đối phái duy lý, vì theo ông, chỉ với tư duy đơn thuần, không thể nhận thức được thực tại.
Ông cũng bác thuyết duy nghiệm, vì tuy Kant thừa nhận rằng mọi nhận thức bắt đầu từ kinh nghiệm nhưng không phải tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Kant muốn chứng minh rằng kinh nghiệm cũng không thể có được nếu không có những nguồn suối độc lập với kinh nghiệm. Tiền đề của kinh nghiệm như quy luật nhân quả vừa không thể có được nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, vừa không cho phép áp dụng vào lãnh vực bên ngồi kinh nghiệm. Nó cũng không thể bắt nguồn từ thói quen (tâm lý học) như Hume nghĩ mà trái lại có giá trị phổ quát và tất yếu. Vậy, bác cả thuyết hồi nghi, Kant khẳng định nhận thức khách quan là hồn tồn có cơ sở.
1.3.2. Chứng minh rằng có những điều kiện có giá trị phổ quát độc lập với kinh nghiệm làm cơ sở cho kinh nghiệm, Kant sẽ cho thấy Siêu hình học vẫn có lý do tồn tại nhưng chỉ như là học thuyết về kinh nghiệm chứ không phải như là môn học về các đối tượng siêu nhiên, vượt khỏi kinh nghiệm như phái duy lý chủ trương. Đồng thời, trái với phái duy nghiệm, Siêu hình học không phải là môn học thường nghiệm mà phải là học thuyết siêu nghiệm về kinh nghiệm. (Lời Tựa là nơi cô đọng kết quả nghiên cứu, nên Kant đề cập ngắn gọn. Chúng ta sẽ tìm hiểu dần các thuật ngữ và các vấn đề trên đây ở Lời dẫn nhập và ở các phần sau).
1.3.3. Ta vừa lược qua khá vội vàng kết quả của công cuộc Phê phán, của “phiên tòa”. Điều cần hiểu rõ thêm bây giờ là “phương pháp” tiến hành. Chính ở “phương pháp”, ta mới thấy được chỗ độc đáo và mới mẻ thực sự của Kant so với những người đi trước. Như ta sẽ thấy ở mục 1.4.2.1 dưới đây, Kant không phải là người đầu tiên phê phán Siêu hình học. Nói riêng về việc (tự) phê phán lý tính, John Locke được Kant xem là “người đi những bước đầu tiên” và khuyên ta hãy “biết ơn” triết gia “trứ danh” này. Thật vậy, J. Locke đã đề ra mục tiêu giống hệt như Kant “là khảo sát nguồn gốc, sự vững chắc [các ranh giới] và phạm vi của tri thức con người” (“This, therefore, being my purpose - to inquire into the original, certainty, and extent of human knowledge(1).
{(1)J. Locke: “An Essay Concerning Human Understanding”/ “Luận văn về giác tính con người”, 1960, I, i, 2 (Oxford 1975/1979)}
Vậy, Kant mới mẻ ở chỗ nào? Chính ở chỗ làm những việc đó, “nhưng tất cả là trên cơ sở của những nguyên tắc” (AXII). Nói ngắn gọn, điều ấy có nghĩa là phải dựa vào phương pháp “diễn dịch” tương tự như thực tiễn xét xử của tòa án đương thời. Mười năm trước quyển “Phê phán”, Kant khen J. Locke “đã đi một bước quyết định để mở đường cho lý trí (Verstand) [ở đây “Verstand” theo nghĩa chung là quan năng nhận thức của con người theo nghĩa “Understanding” của J. Locke]. Ông [Locke] đã đề ra những tiêu chuẩn hồn tồn mới mẻ. Ông triết lý theo kiểu “chủ quan” trong khi Wolff và những người trước Wolff đều triết lý theo kiểu “khách quan”. Ông [Locke] đã nghiên cứu về sự hình thành, sự thốt thai và về nguồn gốc của những khái niệm” (XXIV 338). Nhưng, bây giờ, khi viết quyển Phê phán (1781), Kant thấy rằng “bước quyết định” ấy không thể thực hiện theo kiểu “chủ quan” mà phải mượn phương pháp diễn dịch “khách quan” của tòa án, tức phải “diễn dịch siêu nghiệm”, phải rút những khái niệm tiên nghiệm hay không-thường nghiệm từ “những nguyên tắc”. Do đó, Kant phân biệt rõ giữa “diễn dịch chủ quan” (theo kiểu Locke) và “diễn dịch khách quan” mà ông gọi đó là “con đường phê phán, con đường duy nhất còn để mở” (B884). Cụ thể hơn, cách tiếp cận “chủ quan” là hỏi: lý tính đi đến với đối tượng bằng cách nào, trải qua những bước đi nào, hay nói ngắn gọn hơn: bản thân quan năng suy tưởng làm thế nào có thể có được. Đó là việc đi tìm “nguyên nhân” cho một “kết quả đã có sẵn”; phương pháp ấy rất bổ ích nhưng không thể tránh khỏi tính chất “giả thuyết” có thể bị bắt bẻ hoặc nghi ngờ. Còn cách tiếp cận “khách quan” là hỏi: “giác tính và lý tính, độc lập với kinh nghiệm, có thể nhận thức được gì và [nếu được thì] được bao nhiêu? (AXVII). Theo Kant, câu hỏi sau mới là “chìa khóa để mở tồn bộ bí mật của môn Siêu hình học vẫn tự giấu mình cho tới nay”. (Thư gửi Marcus Herz, 21.2.1772. X.130). Để giúp ta dễ hiểu hơn, Kant so sánh hai cách tiến hành trên đây với trường hợp phát hiện của Newton: “Hệ thống [lý thuyết] về luật hấp dẫn của Newton phải được khẳng định đã” rồi mới bàn đến việc luật hấp dẫn ấy vận hành như thế nào ở khoảng cách rất xa. Vấn đề sau quả là rất khó, nhưng “khó không đồng nghĩa với khả nghi”. (sđd).
Kant tin rằng bằng phương pháp ấy mới có thể phát hiện được “điểm ngộ nhận của lý tính với chính bản thân nó” và mới đề ra được các biện pháp để “dẹp bỏ mọi lầm lạc”, tức là ngăn ngừa việc lý tính dùng những nguyên tắc chỉ có giá trị và hiệu lực trong phạm vi sử dụng thường nghiệm vào “những đối tượng [thuần lý] của lý tính”, tức những đối tượng-không-cảm tính.
1.3.3.1. Cũng chính “phương pháp nghiên cứu khách quan” “không thể nghi ngờ” ấy đã quyết định cả “phương pháp trình bày” của Kant trong sách này. Ta biết rằng khi Kant mới phát hiện được “chìa khóa bí mật” nói trên - mà nổi bật là ở những “nghịch lý” (Antinomien) của lý tính thuần túy, trong đó người ta sử dụng lý tính thuần túy để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về đủ chuyện “trên trời” và ai cũng tỏ ra có lý cả –, Kant đã định bắt đầu quyển “Phê phán” với phần “Nghịch lý” hấp dẫn, lý thú này để dễ lôi cuốn độc giả. (Xem: X270, 247). Nhưng, cuối cùng, vì yêu cầu nội tại của tính khách quan và tính hệ thống, Kant đã chọn phương cách trình bày kiểu “học thuật nghiêm ngặt” (schulgerecht), không tính tới việc quảng bá rộng rãi (AXV, XVI), đó là: rút ra (Ableitung: dẫn xuất, diễn dịch) mọi bộ phận của nhận thức từ những nguyên tắc (“những nguồn suối”), vạch rõ điểm giới hạn từ đó lý tính bắt đầu bước chân vào lầm lạc (những “ranh giới”) và phối kiểm một cách đầy đủ mọi bộ phận ấy (“phạm vi” hay “quy mô” của nhận thức).
1.3.3.2. Các trang từ AXIII đến AXX, Kant nói nhiều về yêu cầu “đầy đủ” của nội dung, “sáng sủa” của hình thức và đưa ra những lời hứa hẹn. Ta không nên hiểu giản dị như là những lời “rào đón” thông thường của một tác giả trước người đọc. Chúng có “lôgíc” nội tại từ phương pháp nghiên cứu và trình bày trên đây.
+ Thật vậy, yêu cầu “đầy đủ” của nội dung, tức sự đầy đủ, không thiếu sót của những “yếu tố cơ bản” của nhận thức cũng là một tiêu chuẩn về “sự đúng đắn” của công cuộc phê phán, vì “tòa án” hay sự “phê phán” chỉ tập trung một việc là xem xét về lý tính, không viện dẫn bất kỳ yếu tố bên ngồi nào, nên phải trọn vẹn, hồn tất, nếu không muốn “phiên tòa” ấy lại phải “tái thẩm”. Ở một nơi khác, Kant nhấn mạnh: “sự phê phán như thế sẽ không bao giờ đáng tin cậy nếu nó không hồn chỉnh và hồn tất cho đến những yếu tố nhỏ nhất của lý tính thuần túy; và trong lãnh vực quan năng này [lý tính], hoặc ta phải làm tất cả hoặc không làm gì cả trong việc xác định nó”. (IV 263, xem: B790). “Tất cả” hoặc “không gì cả” (Alles oder Nichts) là thách thức lớn đối với Kant và cũng là thách đố không nhỏ đối với độc giả!
1.3.3.3 “Sự xác tín” và sự “sáng sủa” là hình thức phải có của nội dung mang tính tất yếu của mọi nhận thức tiên nghiệm. Nhận thức “tiên nghiệm” thì phải tất yếu, tất nhiên (apodiktisch), khác với nhận thức thường nghiệm là có thể thế này, có thể thế khác. Do đó, trong việc nghiên cứu này, không có chỗ cho “giả thuyết” và “tư kiến” (ý kiến riêng). Phán xét của “tòa án” phải dứt khốt, “tất cả hoặc không gì cả” chứ không được mơ hồ, khả nghi. Cũng không thể trưng ra nhiều ví dụ hay minh họa cụ thể cho dễ hiểu, không chỉ vì lý do kỹ thuật: “làm cho quyển sách dày cộm thêm”, mà chủ yếu và về nguyên tắc là vì: nghiên cứu về những điều kiện khả thể của kinh nghiệm [những điều kiện làm cho kinh nghiệm có thể có được] thì không thể minh họa bằng những ví dụ đến từ kinh nghiệm!
1.3.3.4. Sau cùng, tự hào về ý nghĩa lịch sử của công việc phê phán lý tính thuần túy của mình, Kant tin rằng có thể “dẹp bỏ mọi sai lầm” và khẳng định mạnh dạn rằng: “không một vấn đề siêu hình học riêng lẻ nào không được giải quyết rốt ráo, hoặc ít ra cung cấp được chìa khóa để giải quyết nó”. Hơn thế, ông mở ra viễn tượng “hồn tất” (Vollendung) Siêu hình học, và “hồn tất nó trong một thời gian ngắn”. Về “lôgíc của sự việc” thì đúng vậy: sau khi đã đạt được mục đích phê phán (xác định nguồn gốc, phạm vi, và ranh giới của việc sử dụng lý tính không-thường nghiệm), ta có thể bắt tay “kiểm tốn tồn bộ tài sản ta có từ lý tính thuần túy”; số lượng này là có hạn, không thể thêm bớt, làm một lần cho xong để “truyền lại cho hậu thế”. Trong tinh thần đó, Kant hứa hẹn sẽ công bố“Siêu hình học về tự nhiên”. Nhưng, thật ra, lời hứa này không được Kant thực hiện trọn vẹn. Năm 1785, ông công bố “Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên” (Metaphy-sische Anfangsgründe der Naturwissenschaft) và “Đặt nền tảng cho Siêu hình học về đức lý” (Grundlegung zur Metaphy-sik der Sitten). Nhưng, đến năm 1787, khi tái bản quyển Phê phán (xem: Lời tựa 2 cho ấn bản B tiếp sau đây), ông lại vẫn hứa sẽ cho ra một “Siêu hình học về tự nhiên” như trước. Vậy, so với tồn bộ đề án của ông (xem: trang B873), ta thấy Kant còn nhiều việc chưa làm xong. Bản thân việc không hồn tất hết đề án của mình, và nhất là sự phát triển vô cùng phong phú, phức tạp của triết học sau Kant cho thấy sự việc không diễn tiến đơn giản như ông nghĩ rằng “người đời sau cũng sẽ không còn gì để bổ sung ngồi việc thuyết minh và truyền đạt lại” (AXX).
Tuy vậy, điều không thể phủ nhận là: chính luận điểm của ông cho rằng nhiệm vụ của triết học là phá hủy mọi ảo tưởng, khắc phục sự huyễn hoặc, vì “thời đại chúng ta đích thực là thời đại của sự phê phán, buộc tất cả phải phục tùng tòa án của lý tính” (AXI, chú thích) cùng với đề án phê phán lý tính của ông với các đặc điểm cơ bản như: cuộc cách mạng Copernic về chủ thể siêu nghiệm; sự kết hợp giữa học thuyết về nhận thức và học thuyết về đối tượng; sự chứng minh các yếu tố tiên nghiệm trong nhận thức cũng như sự phân biệt giữa hiện tượng và vật-tự thân (như ta sẽ gặp trong Lời Tựa 2) đã cải biến sâu sắc nội dung của Siêu hình học vốn được xem là môn “Đệ nhất triết học”, qua đó làm thay đổi hẳn bộ mặt của triết học Tây phương, đồng thời khẳng định vững chắc vị trí và công lao lịch sử của Kant.
1.4. Trước khi đi vào Lời Tựa 2, ta có thể bổ sung vài nhận xét cho những ai quan tâm đến lịch sử triết học:
1.4.1. Tùy theo cách nhìn, người ta có thể xem học thuyết của Kant như là một sự “thỏa hiệp tồi” hoặc một sự “dung hòa sáng suốt” giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm, hay cụ thể hơn, giữa Siêu hình học cổ truyền và thuyết hồi nghi của Hume. Dù sao, học thuyết của Kant là một nỗ lực giải quyết những bế tắc về lý luận đặt ra trong một thời kỳ lịch sử nhất định bằng cách thử đặt vấn đề kiểu khác để đi đến một tổng hợp không ít mới mẻ và sáng tạo. Cần xét sâu hơn về mặt ấy để thấy hết công lao lịch sử của Kant.
1.4.2. Một nhận định quen thuộc nhấn mạnh công lao của Kant đã đánh đổ Siêu hình học cổ truyền ở cả ba trụ cột chính: Vũ trụ học thuần lý, Tâm lý học thuần lý và Thần học thuần lý (trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm). Ở đây, cần nhận rõ cả hai mặt: chống và xây của Kant.
1.4.2.1. Kant không phải là người đầu tiên phê phán Siêu hình học. Trước ông đã có các nhà duy nghiệm Anh (Locke, Hume...). Thậm chí có thể nói lịch sử phê phán Siêu hình học cũng cổ xưa như chính Siêu hình học. Aristoteles đã không ngừng phê phán xu hướng siêu hình của Platon. Các nhà tư tưởng quan trọng của thời kỳ Platon mới sau công nguyên, các “giáo phụ” (Patristik) và suốt thời Trung cổ cũng không ai dám tự nhận là nhà Siêu hình học, vì thời ấy bàn về các vấn đề siêu nhiên còn bị xem là thiếu khiêm tốn và tò mò nguy hiểm! Chỉ cuối thời Trung cổ mới dần dần hình thành các chuyên đề Siêu hình học nhằm hệ thống hóa triết học Aristoteles theo kiểu kinh viện, nhưng các tác giả đều thiếu óc sáng tạo và chưa bao giờ được xem là các tác giả kinh điển của triết học.
Khi René Descartes công bố “Các suy niệm về đệ nhất triết học” năm 1641, ông tìm cách tách rời khỏi các triết gia kinh viện đương thời và luôn tránh dùng tên gọi “Siêu hình học”(1). Các nhà “duy lý” sau ông cũng thế. Nội dung “Siêu hình học” thật sự của Spinoza lại núp dưới tên gọi bất ngờ là “Đạo đức học” (Ethica)(2), trong khi Leibniz, tiền bối trực tiếp của Kant và người có đầu óc Siêu hình học nhất trước nay, cũng chưa bao giờ trình bày học thuyết của mình dưới tên gọi “Siêu hình học”.
{(1)J.L. Marion: Sur le prisme meùtaphysique de Descartes, Paris 1986, tr, 34…
(2)Theo truyền thống duy lý, Spinoza gọi tác phẩm Siêu hình học của mình là “Đạo đức học” (Ethica) vì ông cho rằng cái Thiện (das Gute) không cần điều kiện nào khác ngoài nhận thức về cái Chân (das Wahre).}
Thậm chí trong tác phẩm “Các nghiên cứu mới về giác tính con người” (viết năm 1703, công bố di cảo năm 1765), Leibniz vẫn xem Siêu hình học là một “khoa học đang phải tìm kiếm” (1)mượn cách nói của Aristoteles (“Siêu hình học” 996 b3, 32). Vậy chỉ còn trước mắt Kant hệ thống Siêu hình học “trường ốc” đã cằn cỗi của Wolff và Baumgarten trộn lẫn kinh viện Aristoteles và thuyết duy lý của Leibniz. Nhưng trong bối cảnh “khai sáng” đương thời, hệ thống này cũng không còn uy tín và ảnh hưởng gì lớn. Do đó, ta nên lưu ý đến nhận xét của Ferdinand Alquié, một chuyên gia về Kant: “Ta cần dứt khốt từ bỏ ý tưởng cho rằng có một nền Siêu hình học phát triển rực rỡ trước thời Kant và bị thuyết phê phán của ông đánh đổ […]. Kant không cần chống lại một nền Siêu hình học mà trong thế kỷ của ông không còn được ai tin nữa và ông đã phơi bày rõ thái độ thờ ơ, dửng dưng phổ biến thời bấy giờ. Đúng ra, ông đã giải thích sự thất bại của nó, tạo cho tồn bộ mục đích của Siêu hình học các cơ sở mới bắt nguồn từ việc nghiên cứu bản thân lý tính”(2).
{(1)G.W. Leibniz, Kleine Schriften zur Metaphysik, Frankfut/M, 1965, tr. 195: “Rõ ràng môn khoa học nền tảng mang tên Đệ Nhất triết học và được Aristoteles gọi là môn học được mong ước và đang phải tìm kiếm (zetou-mene) thì đến nay vẫn trong tình trạng cần phải tìm kiếm”.
(2)F. Alquié: La critique Kantienne de la métaphysique, Paris 1968, tr. 7… (bản tiếng Đức của J. Grondin).}
Như thế, điều Kant thật sự quan tâm không phải là lao vào một cánh cửa đã mở. Điều khiến ông bất bình không phải là tình trạng bế tắc không thể cứu vãn của Siêu hình học mà là thái độ bàng quan trước tình trạng ấy. Ông chỉ ghi nhận tình trạng của Siêu hình học nhưng ông phản đối (theo nghĩa thông thường của từ “phê phán”) việc khinh thị các vấn đề Siêu hình học. Người ta có thể thờ ơ trước những cuộc tranh cãi tư biện vô vị (và ngày càng trở nên vô duyên) trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học tự nhiên, nhưng không được dửng dưng trước “các vấn đề thiết cốt của bản tính con người” (AX). Những vấn đề ấy tuy mỗi thời có thể đặt ra mỗi khác (thời của ông, đó là: Thượng đế có tồn tại không? Linh hồn có bất tử không? Tự do có ý nghĩa thế nào?) nhưng chỉ có Siêu hình học mới trả lời được. Một Siêu hình học như thế có thể có được không? Đó là câu hỏi then chốt xuyên suốt tác phẩm mà Kant đặt ra cho triết học, một nền triết học đã quên rằng các vấn đề cơ bản ấy không một khoa học thực nghiệm nào dù thành công đến mấy trong lãnh vực riêng lẻ của nó có thể giải đáp hoặc thay thế. Ta sẽ gặp lại vấn đề này một cách cụ thể hơn trong Lời Tựa 2 và Lời dẫn nhập.
1.4.2.2. Nói như trên hồn tồn không có nghĩa xem nhẹ hoặc mâu thuẫn với nhận định rằng Kant đã tiến hành phê phán cặn kẽ, có hệ thống và làm thay đổi sâu sắc Siêu hình học. Khi đặt câu hỏi về khả thể của Siêu hình học, Kant là người đầu tiên tổng kết các nỗ lực suy tư của những người đi trước dưới tên gọi chung là “Siêu hình học” như một mô hình, một kiểu mẫu (Paradigma) tư duy giáo điều. Trong viễn tượng lịch sử, Kant có được cái nhìn tổng quan về Siêu hình học như một tồn khối, cho phép người đi sau lý giải tư tưởng Tây phương như một tổng thể lịch sử chẳng hạn như Hegel xem đó là “lịch sử tự phát triển của Tinh thần” hay Heidegger xem đó là con đường lầm lạc của “nền Siêu hình học lãng quên Hữu thể” v.v... Sau Kant, hiếm có nền triết học nào không lý giải truyền thống dưới tên gọi chung là “Siêu hình học” và tìm cách ly khai với nó. Chính dự báo của Kant về bất khả thể của Siêu hình học - với tư cách là môn học lý thuyết tư biện về cái “siêu vật lý” (hyperphysisch) vượt khỏi bản thân năng lực nhận thức - đã tác động lớn đến hậu thế.
Các triết gia sau Kant tuy ít nhiều tiếp tục tiếp thu các nội dung của Siêu hình học nhưng đều xem Siêu hình học là loại nhận thức mà triết học phải từ bỏ. Ngay các triết gia tự xem là người kế tục trực tiếp của Kant như Fichte, Schelling, Hegel cũng không dám sử dụng khái niệm Siêu hình học theo nghĩa tích cực dù các hệ thống duy tâm của họ cũng có tham vọng tuyệt đối không kém gì Siêu hình học cổ truyền cả! Sau sự “sụp đổ” của các hệ thống duy tâm bị xem là “Siêu hình học chính hiệu” này, phản ứng cực đoan của phái “Kant mới” vào nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 kêu gọi “trở lại với Kant” nhưng lại thiếu chiều sâu và cảm hứng “siêu hình học” của chính Kant nên rơi vào chỗ giản lược, xem tương lai duy nhất của triết học là sự phản tư về khoa học, kéo dài ảnh hưởng trong “lý luận khoa học” (theory of science) đến ngày nay.
Từ đó, các trào lưu mới ra đời (nói riêng ở Tây Âu và khu vực Anh-Mỹ) đều hứa hẹn mang lại một cái gì khác với Siêu hình học. Phác thảo của Dilthey (1833-1911) về một sự “Phê phán lý tính lịch sử” muốn nối gót Kant nêu lên sự đối lập giữa khoa học và Siêu hình học, đặt cơ sở cho “phương pháp luận của các khoa học tinh thần” là nỗ lực cắt đứt với “Siêu hình học giáo điều”(1).
{(1)Xem: K. Lưwith: Diltheys und Heideggers Stellung zur Metaphysik, 1966, toàn tập Lưwith, tập 8, tr. 258-275.}
Khẩu hiệu “Hãy trở về với bản thân sự vật!” (“zu den Sachen selbt!”) của E. Husserl (1859-1938) chắp cánh cho phong trào Hiện tượng học đầu thế kỷ 20 là sự phản đối tư duy siêu hình học bàn về các ý niệm và khái niệm thay vì về bản thân sự vật. Các triết gia như Nietzsche (1844-1900), Heidegger (1889-1976) - cùng các hậu duệ trong phái Derrida hiện nay - có sức thu hút vì hứa hẹn “vượt qua” Siêu hình học. Ở phía đối lập, triết học phân tích (ngôn ngữ) cũng như “trường phái Frankfurt” tuy rất khác nhau, vẫn thống nhất với nhau ở chỗ đều ghét bỏ tư biện siêu hình học. Theo họ, phải thay thế tư biện vu vơ bằng “Ngữ dụng học” (Sprachpragmatik) hoặc “lý luận phê phán xã hội”. Hậu duệ hiện nay của “trường phái Frankfurt” như Jürgen Habermas đề ra các phác thảo cho lối “tư duy hậu siêu hình học” (Nachmetaphysisches Denken); ý đồ và danh hiệu theo chiều hướng này còn có thể kể ra vô số.
Rõ ràng từ Kant và do Kant, Siêu hình học (tư biện, thuần lý)* trở thành “bất khả thi”. Mặt khác, tuy trái với ý định và mong muốn của Kant, sự phê phán của ông đã thực sự đẩy triết học Tây phương vào cuộc khủng hoảng tồn diện và sâu sắc, nhưng đồng thời cũng có sức gợi mở vô tận như vừa lược qua.
{*Tư biện (spekulativ): thuật ngữ được sử dụng nhiều trong tác phẩm này. Với Kant, “tư biện” (lý tính tư biện, Siêu hình học tư biện…) hiểu theo nghĩa tiêu cực: sử dụng lý tính lý thuyết vượt ra khỏi ranh giới kinh nghiệm bằng các khái niệm suông. Trước Kant, tư biện (gốc La tinh: speculari: tìm tòi cái bí nhiệm) được hiểu theo nghĩa trung tính: là nhận thức lý thuyết, không theo đuổi các mục đích thực tiễn, kỹ thuật hay đạo đức (Aristoteles); rồi chỉ loại nhận thức về các nguyên nhân tối hậu, siêu nhiên như Thượng đế… không dựa vào kinh nghiệm (thời Trung cổ). Sau Kant, Hegel lại hiểu “tư biện” theo nghĩa tích cực, gọi là tư duy “tư biện-biện chứng”: Tư biện và kinh nghiệm không loại trừ nhau, trái lại, tư biện hơn kinh nghiệm ở chỗ nhìn ra sự thống nhất giữa các mặt đối lập, tức nhận thức bản thân thực tại trong sự thống nhất của khái niệm. Vì màu sắc “duy tâm tuyệt đối” của triết học Hegel, từ “tự biện” (khác với từ “biện chứng”) bị mất dần uy tín và ngày nay chỉ được dùng theo nghĩa tiêu cực, gần với cách hiểu của Kant. (N.D).}
(Còn nữa)
Bùi Văn Nam Sơn dịch và chí giải
(Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho VHNA)
tin tức liên quan
Videos
Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An năm 2024 sẽ được tổ chức tại huyện Tân Kỳ
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thể loại phim
Bi kịch của Trương Sinh trong "Chuyện người con gái Nam Xương" [Truyền Kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ]
Thống kê truy cập
114529222
2269
2334
21495
215918
0
114529222