Những góc nhìn Văn hoá

Đừng tiêm nhiễm vào trẻ những thói xấu

Hiện nay, trên Youtube, Facebook, TikTok xuất hiện nhiều clip trẻ con đóng giả làm người lớn với phong cách rất sành sõi. Chẳng hạn, clip một bé gái diễn cảnh mắng … chồng té tát qua điện thoại. Mặc dù đây chỉ là đóng kịch, nhưng thật “hết hồn” khi nghe bé nói: “Bây giờ em sẽ ở với chồng khác mà không ở với anh…” (?!). Hình ảnh này chẳng hay ho gì nhưng gia đình cô bé (đang quay clip) lại tán dương nhiệt liệt, còn “chỉ đạo” cho bé tiếp tục diễn. Liệu đây có phải là điều bé nên làm?

 Chắc rằng nhiều người sẽ cho là bé gái này lanh lợi, quá giỏi vì chỉ mới tí tuổi đầu đã làm được điều mà các bé khác không thể. Tuy nhiên, đó chỉ là việc bé bộc lộ được một ít năng khiếu diễn xuất từ nhỏ chứ chưa gọi là giỏi. Tiếc là cha mẹ không biết tận dụng năng khiếu đó để cho bé tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, nhà thiếu nhi, mà ngược lại còn cổ vũ bé theo hướng tiêu cực. Không chỉ trường hợp trên mà hiện nay có rất nhiều video tương tự đưa trẻ em ra làm trò vui một cách phản cảm. Một bộ phận không ý thức được rằng điều đó không tốt, không hay; không ý thức được những hệ lụy nó mang lại nhưng cũng có một số người bất chấp điều ấy để câu like, câu view, thậm chí là kiếm tiền từ các kênh của mình.

Nhiều cha mẹ xem con mình làm những điều như vậy là niềm hãnh diện. Như cách đây vài tháng, đến nhà người bạn chơi, tôi đã được chứng kiến cách dạy con rất tiêu cực. Thằng bé mới 5 tuổi, rất đáng yêu, vậy mà cha nó bảo “chửi thề cho chú nghe đi con”. Nó đã liên tục phát ra mấy câu  nói tục tĩu làu làu như một chú vẹt. Sau đó, cha thằng bé còn phá lên cười rất tự hào, khen: “Con hay lắm!”. Có lẽ, đứa bé đã được cha nó “huấn luyện” từ rất nhỏ, điều đó làm tôi thực sự khó chịu. Hay có nhiều cha mẹ thương con quá mức, muốn tiền có tiền, muốn quà có quà, mà không hiểu những hệ lụy từ đó. Đa số các trẻ cầm số tiền ba mẹ cho đều sử dụng sai mục đích, như: chơi game, mua những trang phục đắt tiền, tụ tập bạn bè,… Chính vì sự nuông chiều đó dẫn đến việc trẻ vòi vĩnh và sẽ phản ứng tiêu cực khi cha mẹ từ chối yêu cầu. Điều đó có thể kéo theo hàng loạt những hệ lụy sau này như: trộm cắp, thậm chí có thể rơi vào tệ nạn xã hội.

Thực tế cho thấy, ngày nay, rất nhiều phụ huynh không nhận ra rằng mình đang dẫn con vào những cạm bẫy của người lớn ngay khi chúng còn thơ dại. Trẻ con như trang giấy trắng, không biết điều gì đúng, điều gì sai, nên khi thấy cha mẹ vỗ tay tán thưởng thì sẽ tưởng đó là điều tốt nên cố gắng phát huy. Và như thế, tư tưởng này sẽ ngấm dần vào đầu trẻ, khiến chúng rất dễ hành động, cư xử như thế trong tương lai.

Giáo dục con cái không hề đơn giản nhưng cũng không quá khó nếu phụ huynh biết quan tâm chu đáo đến trẻ; chịu khó tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của một số cha mẹ khác thành công trong việc dạy con, từ các chuyên viên tư vấn tâm lý. Ngoài ra, phụ huynh có thể nghiên cứu các loại sách dạy con hay hiện được bán rất nhiều trên thị trường. Đặc biệt, với những trẻ trưởng thành sớm, tâm sinh lý thay đổi phức tạp thì cha mẹ phải hết sức quan tâm, thường xuyên theo dõi những thay đổi của trẻ để có biện pháp giáo dục phù hợp. Chúng ta cần phải lắng nghe con, hiểu con nhưng không nuông chiều. Tuyệt đối không làm theo ý thích của con vô điều kiện, không vì những lời “dọa” của con mà vội vàng làm “nô lệ” cho thói xấu của chúng. Phụ huynh cần có chính kiến, khuyên răn con trẻ một cách cứng rắn, dứt khoát và phải phối hợp với nhà trường để dạy con hiệu quả hơn.

Gia đình là môi trường giáo dục rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để có phương pháp đúng đắn. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, đừng tiêm nhiễm vào đầu trẻ những điều không hay mà người lớn cho rằng thú vị.

 

 

 

 

 

 

                

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529220

Hôm nay

2267

Hôm qua

2334

Tuần này

21493

Tháng này

215916

Tháng qua

0

Tất cả

114529220