Những góc nhìn Văn hoá
Phê phán lý tính thuần túy [phần 5]
HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC
PHẦN II: LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM
DẪN NHẬP: Ý NIỆM VỀ MỘT MÔN LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM
I.
VỀ MÔN LÔGÍC HỌC NÓI CHUNG
Nhận thức của ta phát sinh từ hai nguồn suối cơ bản (Grundquellen) của tâm thức: nguồn thứ nhất là quan năng tiếp nhận những biểu tượng (tính thụ nhận những ấn tượng); nguồn thứ hai là quan năng nhận thức một đối tượng bằng các biểu tượng ấy (tính tự khởi* của các khái niệm); thông qua nguồn suối thứ nhất, một đối tượng được mang lại cho ta; thông qua nguồn suối thứ hai, đối tượng ấy được suy tưởng trong quan hệ với biểu tượng trước (vốn chỉ là quy định đơn thuần của tâm thức).
{*Rezeptivitt: tính thụ nhận. Spontaneitt: tính tự khởi, hoặc tính nội khởi. (N.D).}
Vậy, trực quan và những khái niệm tạo nên các yếu tố của mọi nhận thức chúng ta, khiến cho: những khái niệm mà không có trực quan tương ứng bằng một cách nào đó cũng như trực quan mà không có khái niệm đều không thể mang lại nhận thức nào cả. Cả hai hoặc là thuần túy, hoặc là thường nghiệm. Là thường nghiệm khi chúng chứa đựng cảm giác (cảm giác lại phải có sự hiện diện thực sự của đối tượng làm tiền đề); là thuần túy khi biểu tượng không bị pha trộn với cảm giác nào cả. Người ta có thể gọi cảm giác là chất liệu của nhận thức cảm tính. Do đó, trực quan thuần túy chỉ chứa đựng mô thức nhờ đó một cái gì đó được trực quan, còn khái niệm thuần túy chỉ chứa đựng mô thức của tư duy về một đối tượng nói chung. Chỉ những trực quan hay khái niệm thuần túy mới có thể có được một cách tiên nghiệm, còn trực quan và khái niệm thường nghiệm thì chỉ có thể có một cách hậu nghiệm.
Nếu ta đã gọi tính thụ nhận của tâm thức đối với các biểu tượng trong chừng mực tâm thức bị kích động bằng một cách nào đó là CẢM NĂNG, thì ngược lại, quan năng sản sinh ra bản thân những biểu tượng, hay là tính tự khởi của nhận thức sẽ được gọi là GIÁC TÍNH (DER VERSTAND). Bản tính tự nhiên của ta quy định rằng trực quan không bao giờ có thể gì khác hơn là cảm tính, tức là, chỉ chứa đựng phương cách làm thế nào để ta được các đối tượng kích động. Ngược lại, quan năng suy tưởng về đối tượng của trực quan cảm tính chính là giác tính. Không quan năng nào có ưu thế [hay quan trọng] hơn quan năng kia. Không có cảm năng, không đối tượng nào được mang lại cho ta, và không có giác tính, không đối tượng nào được suy tưởng. Những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, những trực quan không có khái niệm thì mù quáng. Vì thế, điều thiết yếu như nhau là phải làm cho những khái niệm trở thành cảm tính (tức thêm vào cho chúng đối tượng trong trực quan) cũng như làm cho những trực quan mang tính tư tưởng (tức đưa chúng vào các khái niệm). Cả hai quan năng (Vermögen) hay hai năng lực (Fähigkeiten) này không thể chuyển đổi các chức năng của chúng cho nhau. Giác tính không thể trực quan và các giác quan thì không thể suy tưởng điều gì cả. Chỉ từ việc chúng hợp nhất lại, nhận thức mới có thể nảy sinh. Vì thế, người ta không được phép lẫn lộn phần tham gia của chúng, trái lại có lý do rất hệ trọng để phải cẩn thận tách rời và phân biệt chúng ra. Vì lý do đó, chúng ta phân biệt môn học về những quy luật của cảm năng nói chung, tức CẢM NĂNG HỌC (ÄSTHETIK) với môn học về những quy luật của giác tính nói chung là môn LÔGÍC HỌC (LOGIK).
Môn Lôgíc học, đến lượt nó, có thể được tiến hành theo hai mục đích khác nhau: Lôgíc học của việc sử dụng giác tính phổ biến và Lôgíc học của việc sử dụng giác tính đặc thù. Môn học trước bao gồm những quy luật tuyệt đối tất yếu của tư duy, mà không có nó sẽ không có việc sử dụng giác tính nào cả và nó chỉ quan tâm đến việc sử dụng này thôi, không kể đến tính dị biệt của những đối tượng mà nó có thể nhắm đến. Còn môn Lôgíc của việc sử dụng giác tính đặc thù lại chứa đựng những quy luật để tư duy đúng về một loại đối tượng nhất định nào đó. Môn Lôgíc trước [phổ biến] có thể gọi là môn lôgíc học cơ bản (Elementarlogik), còn môn sau là Công cụ (Organon) [phương pháp luận] của ngành khoa học này hay ngành khoa học kia. Lôgíc học đặc thù phần lớn được ưu tiên giảng dạy trong nhà trường như là môn dự bị (Propädeutik) cho các ngành khoa học, mặc dù theo trình tự của lý tính con người, nó là sản phẩm ta đạt được sau cùng một khi ngành khoa học đã hoàntất từ lâu [đã trưởng thành] và chỉ cần làm động tác tối hậu để chỉnh đốn và hoànthiện nó. Vì lẽ ta đã phải hiểu biết những đối tượng ở một trình độ khá cao khi muốn đề ra những quy luật làm thế nào để một khoa học về những đối tượng ấy được hình thành.
Môn Lôgíc học phổ biến lại có hai loại: thuần túy hoặc ứng dụng. Trong môn học trước, ta trừu tượng hóa khỏi mọi điều kiện thường nghiệm khi sử dụng giác tính, chẳng hạn khỏi các ảnh hưởng của các giác quan, của trí tưởng tượng, các quy luật của ký ức, sức mạnh của thói quen, của các xu hướng, v.v…, tức là khỏi các nguồn gốc của các định kiến, và nói chung khỏi mọi nguyên do làm nảy sinh hoặc ngụy tạo một số nhận thức nào đó, vì chúng chỉ liên quan đến giác tính trong các hoàncảnh sử dụng cụ thể và để nhận ra chúng, cần phải có kinh nghiệm. Vậy, Lôgíc học phổ biến và thuần túy chỉ bàn đến các nguyên tắc tiên nghiệm và là Bộ chuẩn tắc (Kanon) của giác tính và của lý tính, nhưng chỉ về phương diện hình thức của việc sử dụng chúng, còn nội dung thì tùy ý (thường nghiệm hay siêu nghiệm). Ngược lại, môn Lôgíc học phổ biến sẽ trở thành môn học ứng dụng khi nó hướng đến những quy luật của việc sử dụng giác tính dưới các điều kiện chủ quan thường nghiệm mà môn Tâm lý học dạy cho ta biết. Nó chỉ có những nguyên tắc thường nghiệm, mặc dù những nguyên tắc này có tính phổ biến trong chừng mực áp dụng vào giác tính nói chung, không phân biệt các loại đối tượng. Vì vậy, nó không phải là một Bộ chuẩn tắc của giác tính nói chung, cũng không phải là một bộ Công cụ của các ngành khoa học đặc thù, mà chỉ là phép thanh tẩy (Kathar-tikon) của giác tính thông thường [giúp cho giác tính được tỉnh táo, sáng suốt khi hoạt động].
Vậy, trong môn Lôgíc học phổ biến, phần tạo nên học thuyết thuần túy của lý tính phải được tách biệt hoàntoànvới phần ứng dụng (dù phần này vẫn có tính phổ biến như đã nói). Chỉ có phần trước [thuần túy] mới là môn khoa học đích thực, dù ngắn gọn và khô khan và được trình bày theo phong cách học thuật nghiêm chỉnh (schulgerecht) như đòi hỏi của một Học thuyết cơ bản của giác tính. Trong môn học này, các nhà Lôgíc học luôn luôn phải ghi nhớ hai quy luật:
1.Với tư cách là môn Lôgíc học phổ biến, nó trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức giác tính cũng như khỏi mọi sự dị biệt của những đối tượng và không làm việc với gì khác hơn là với mô thức đơn thuần của tư duy.
2. Với tư cách là môn Lôgíc học thuần túy, nó không có những nguyên tắc thường nghiệm, do đó, không tiếp thu bất cứ điều gì từ môn Tâm lý học (như người ta đôi lúc thường tưởng), vì Tâm lý học không có ảnh hưởng nào đối với Bộ chuẩn tắc của giác tính cả. Lôgíc học thuần túy là môt học thuyết được chứng minh chặt chẽ (demonstrierte Doktrin) và tất cả đều phải có tính xác tín hồn tồn tiên nghiệm trong môn học ấy.
Còn môn học mà tôi gọi là Lôgíc học ứng dụng (ngược với ý nghĩa thông thường của thuật ngữ này, theo đó Lôgíc học ứng dụng phải bao gồm các bài tập ứng dụng dựa theo các quy luật của phần Lôgíc học thuần túy) là hình dung về giác tính và về các quy luật của việc sử dụng giác tính một cách tất yếu trong các trường hợp cụ thể (in concreto), nghĩa là sự sử dụng giác tính dưới các điều kiện ngẫu nhiên của chủ thể có thể gây cản trở hoặc tạo thuận lợi cho việc sử dụng, và là các điều kiện nhìn chung chỉ được mang lại một cách thường nghiệm. Nó nghiên cứu về sự chú ý, những gì cản trở sự chú ý và các hậu quả của nó, về nguồn gốc của sai lầm, của các trạng thái hồi nghi, do dự, tin tưởng,v.v... | Lôgíc học phổ biến và thuần túy quan hệ với Lôgíc học ứng dụng giống như môn Đạo đức học thuần túy chứa đựng những quy luật đạo đức tất yếu của một ý chí tự do nói chung quan hệ với môn học về đức hạnh (Tugendlehre) là môn học xem xét những quy luật ấy trước các trở lực của tình cảm, xu hướng và đam mê là những gì con người bị lệ thuộc ít hay nhiều, và môn học ứng dụng ấy không bao giờ có thể mang lại một môn khoa học thực sự và được chứng minh chặt chẽ, vì nó -cũng giống như môn Lôgíc học ứng dụng - cần đến các nguyên tắc thường nghiệm và tâm lý học.
II.
VỀ LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM
Như ta đã thấy, môn Lôgíc học phổ biến trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức, tức là, khỏi mọi quan hệ của nhận thức với đối tượng và chỉ xem xét hình thức lôgíc trong mối quan hệ giữa các nhận thức với nhau, nói cách khác, chỉ nghiên cứu mô thức của tư duy nói chung. Nhưng, vì lẽ đã có những trực quan không chỉ thuần túy mà còn thường nghiệm (như Cảm năng học siêu nghiệm đã chứng minh), nên cũng có thể có một sự khác nhau giữa tư duy thuần túy và tư duy thường nghiệm về những đối tượng. Vậy, trong trường hợp này, ắt phải có một môn Lôgíc học, trong đó người ta không trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức, bởi vì một môn Lôgíc học chỉ chứa đựng các quy luật của tư duy thuần túy về một đối tượng phải loại trừ mọi nhận thức có nội dung thường nghiệm. Môn Lôgíc học [mới] này sẽ nghiên cứu nguồn gốc (Ursprung) của các nhận thức của chúng ta về những đối tượng, trong chừng mực nguồn gốc này không thể quy cho những đối tượng; trong khi đó môn Lôgíc học phổ biến không hề quan tâm đến việc nghiên cứu nguồn gốc [chủ quan] này của nhận thức, trái lại chỉ xem xét những biểu tượng -dù có nguồn gốc nguyên thủy và tiên nghiệm trong bản thân ta hay chỉ được mang lại một cách thường nghiệm -theo các quy luật mà giác tính sử dụng trong mối quan hệ giữa những biểu tượng với nhau khi giác tính suy tưởng, nghĩa là chỉ nghiên cứu mô thức của giác tính vốn có thể được áp dụng vào những biểu tượng, bất kể những biểu tượng này có nguồn gốc phát sinh từ đâu.
Và ở đây, tôi xin nêu một nhận xét [về từ “SIÊU NGHIỆM” -TRANSZENDENTAL] có ảnh hưởng đến tất cả các nghiên cứu về sau và ta cần phải lưu ý, đó là: Không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm, trái lại, chỉ những nhận thức tiên nghiệm cho ta biết TẠI SAO và BẰNG CÁCH NÀO một số biểu tượng (các trực quan hay các khái niệm) chỉ được hay chỉ có thể được áp dụng một cách tiên nghiệm mới được gọi là SIÊU NGHIỆM (tức là khả thể của nhận thức hay là sự sử dụng nhận thức một cách tiên nghiệm). Vì lý do đó, không gian hay bất kỳ tính quy định hình học tiên nghiệm nào về không gian đều không phải là môt biểu tượng siêu nghiệm, trái lại, chỉ có nhận thức rằng các biểu tượng này không hề có nguồn gốc thường nghiệm và chính khả thể làm thế nào để nhận thức ấy, mặc dù là tiên nghiệm vẫn có thể quan hệ được với những đối tượng của kinh nghiệm mới có thể được gọi là “SIÊU NGHIỆM”. Cũng thế, việc sử dụng [khái niệm] không gian vào những đối tượng nói chung [những vật-tự thân] cũng gọi là siêu nghiệm*, nhưng nếu chỉ giới hạn vào các đối tượng của giác quan, việc sử dụng ấy gọi là thường nghiệm. Như vậy, sự phân biệt cái siêu nghiệm và cái thường nghiệm chỉ thuộc về công việc Phê phán các [loại] nhận thức chứ không liên quan đến mối quan hệ giữa các nhận thức này với đối tượng của chúng.
{*Có thể hiểu là: trở thành một “vấn đề siêu nghiệm” vì không có khả thể như thế. (N.D).}
Với hy vọng rằng có thể sẽ có được các khái niệm có khả năng quan hệ với đối tượng một cách tiên nghiệm, không phải với tư cách là các trực quan thuần túy hay cảm tính nữa, mà chỉ với tư cách là các hành vi của tư duy thuần túy, do đó, là các khái niệm không có nguồn gốc thường nghiệm lẫn cảm năng (ästhetisch), chúng ta hình thành ngay từ trước ý niệm về một môn khoa học của nhận thức giác tính và lý tính thuần túy, để nhờ đó ta suy tưởng về những đối tượng một cách hồn tồn tiên nghiệm. Một môn khoa học như thế - có nhiệm vụ xác định nguồn gốc, phạm vi và tính giá trị khách quan của các nhận thức [tiên nghiệm] ấy - phải được mệnh danh là môn LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM (TRANSZEN-DENTALE LOGIK), vì nó chỉ nghiên cứu các quy luật của giác tính và lý tính trong chừng mực môn học này quan hệ với những đối tượng một cách tiên nghiệm chứ không giống như môn Lôgíc học phổ biến quan hệ với các nhận thức lý tính vừa thường nghiệm vừa thuần túy mà không có sự phân biệt.
III.
VỀ VIỆC CHIA LÔGÍC HỌC PHỔ BIẾN RA THÀNH PHÂN TÍCH PHÁP (ANALYTIK)VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP (DIALEKTIK)
Câu hỏi xưa cũ và nổi tiếng mà người ta hay nêu lên để tưởng lầm rằng có thể bắt bí được các nhà lôgíc học, và tìm cách đẩy họ đến chỗ hoặc phải bào chữa theo cách ngụy biện (Diallete) thảm hại hoặc phải thú nhận sự bất tri cũng như tính khoác lác của toàn bộ môn học này, đó là câu hỏi: CHÂN LÝ LÀ GÌ? Trong câu hỏi trên, người ta đã tán thành và giả định một định nghĩa về chân lý là “sự trùng hợp của nhận thức với đối tượng của nó”*, nhưng điều người ta thực sự muốn được nghe trả lời lại là: đâu là tiêu chuẩn (Kriterium) phổ biến và chắc chắn để biết được chân lý của một nhận thức?
Để biết đặt câu hỏi đúng cách, người ta cũng cần trưng ra bằng chứng đầy đủ và mạnh mẽ về sự khôn ngoan hay sáng suốt. Bởi vì, nếu câu hỏi tự nó đã vô lý và đòi hỏi những câu trả lời không cần thiết, thì ngoài việc làm cho người đặt câu hỏi cũng phải xấu hổ, câu hỏi ấy đôi lúc còn có hại và dẫn dắt người nghe vô ý đáp lại bằng những câu trả lời cũng vô lý nốt và tạo ra cảnh tượng buồn cười như người xưa nói “kẻ lo đi vắt sữa dê, người lại đi lấy rây mà hứng”**.
{*Định nghĩa này về chân lý bắt nguồn từ Aristoteles dù ông không trực tiếp dùng chữ “trùng hợp” hay “tương ứng”: “Cái gì là mà bảo không là, hay, cái gì không là mà bảo là, đó là sai; trong khi cái gì là thì bảo là, không là thì bảo không là, đó là đúng”. (Xem: Aristoteles, Siêu hình học, Q.4, Chương 7, 1011 b26-28). (N.D).
**Ngụ ý tương tự như câu “ông nói gà, bà nói vịt”. (N.D).}
Nếu chân lý nằm ở chỗ trùng hợp của một nhận thức với đối tượng của nó, thì qua đó, đối tượng này phải được phân biệt hẳn với những đối tượng khác; vì một nhận thức là sai, nếu nó không trùng hợp với đối tượng mà nó quan hệ, mặc dù nó vẫn chứa đựng những gì có thể là đúng với những đối tượng khác. Trong khi đó, một tiêu chuẩn phổ biến của chân lý phải là tiêu chuẩn có giá trị cho mọi nhận thức không phân biệt những đối tượng của chúng. Thế nhưng, điều rõ ràng là với tiêu chuẩn đó, người ta trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức (quan hệ với đối tượng), còn chân lý lại chỉ liên quan đến chính nội dung này, nên quả là hồn tồn vô lý và không thích hợp khi nêu câu hỏi về một đặc điểm của chân lý cho nội dung này của nhận thức và thế là, không thể nào mang lại mộtdấu hiệu (Kennzeichen) [tiêu chuẩn] vừa đầy đủ lại đồng thời vừa phổ biến của chân lý. Vì trên đây ta đã gọi nội dung của một nhận thức là “chất liệu” của nó, nên người ta phải nói rằng: “về mặt chất liệu, không thể đòi hỏi có được một dấu hiệu [tiêu chuẩn] phổ biến cho chân lý của nhận thức, vì tiêu chuẩn ấy là tự-mâu thuẫn trong chính nó.
Nhưng, chỉ xét về mặt hình thức (gạt sang một bên mọi nội dung) của nhận thức, điều cũng rõ ràng là: một môn Lôgíc học -trong chừng mực trình bày những quy luật phổ biến và tất yếu của giác tính -phải nêu được trong những quy luật ấy các tiêu chuẩn của chân lý. Cái gì mâu thuẫn lại với những quy luật ấy là sai, bởi như thế giác tính sẽ tự mâu thuẫn với những quy luật phổ biến của tư duy, tức là tự mâu thuẫn với chính nó. Nhưng các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hình thức của chân lý, tức của tư duy nói chung, và trong chừng mực đó, là hoàn toànđúng đắn, song không đầy đủ. Vì dù cho một nhận thức có thể hoàn toànphù hợp với hình thức lôgíc, tức là không tự mâu thuẫn với chính nó, thế nhưng nó vẫn có thể mâu thuẫn với đối tượng. Cho nên, tiêu chuẩn lôgíc đơn thuần của chân lý -tức là sự trùng hợp của một nhận thức với các quy luật phổ biến và hình thức của giác tính và lý tính - chỉ mới là conditio sine qua non [La tinh: điều kiện không có không được], do đó, là điều kiện tiêu cực (negativ) của mọi chân lý, chứ môn Lôgíc học này không thể đi xa hơn được và nó không có hòn đá thử nào để phát hiện sai lầm không liên quan đến hình thức mà liên quan đến nội dung [của nhận thức].
Vậy, môn Lôgíc học phổ biến tháo rời toànbộ các công việc có tính hình thức của giác tính và lý tính ra thành những yếu tố và trình bày chúng như là các nguyên tắc của mọi sự đánh giá về lôgíc đối với nhận thức của ta. Vì thế, phần này của môn Lôgíc được gọi là PHÂN TÍCH PHÁP (ANALY-TIK) và cũng vì thế, ít nhất là hòn đá thử tiêu cực về chân lý khi người ta trước hết phải kiểm tra và đánh giá mọi nhận thức về mặt hình thức căn cứ vào các quy luật này của môn lôgíc, trước khi người ta xem xét về bản thân nội dung để biết các nhận thức có chứa đựng chân lý tích cực (positiv) nào đối với đối tượng hay không. Nhưng bởi vì hình thức đơn thuần của nhận thức dù có trùng hợp với các quy luật lôgíc bao nhiêu đi nữa cũng vẫn chưa đủ để mang lại chân lý chất liệu [khách quan] cho nhận thức, nên không ai có thể chỉ dùng môn Lôgíc học đơn thuần mà dám phán đoánvề đối tượng và khẳng định một điều gì, nếu không tham khảo các hiểu biết có cơ sở về đối tượng mà người ta đã đạt được từ trước và ở bên ngoàimôn Lôgíc, để chỉ sau đó mới thử vận dụng và nối kết các hiểu biết ấy lại thành một cái toànbộ có hệ thống theo các quy luật lôgíc, hoặc tốt hơn nữa, là kiểm tra chúng chỉ theo các quy luật ấy.
Tuy nhiên, có một điều gì đấy hết sức lôi cuốn khi ta làm chủ được một nghệ thuật có vẻ như mang lại hình thức của giác tính cho mọi nhận thức của ta, mặc dù về mặt nội dung của nhận thức có thể còn rất trống rỗng và nghèo nàn, khiến cho môn Lôgíc học phổ biến vốn chỉ là một Bộ chuẩn tắc (ein Kanon) đểphán đoánlại được sử dụng như một Công cụ (ein Organon) nhằm thực sự tạo ra -hay ít nhất cũng có vẻ tạo ra -các khẳng định khách quan, và như vậy trong thực tế, môn Lôgíc học phổ biến đã bị lạm dụng. Môn lôgíc học phổ biến bị hiểu sai như là một Bộ Công cụ, được gọi là BIỆN CHỨNG PHÁP (DIALEKTIK).
Dù ý nghĩa [của từ “biện chứng pháp”] được người xưa sử dụng để đặt tên cho một môn khoa học hay nghệ thuật là rất khác nhau, nhưng người ta có thể căn cứ vào việc sử dụng thực sự của nó để nhận ra rằng đối với người xưa, Biện chứng pháp đã không gì khác hơn là môn LÔGÍC HỌC VỀ ẢO TƯỢNG (LOGIK DES SCHEINS). Đó là một nghệ thuật ngụy biện nhằm mang lại cho sự không hiểu biết, thậm chí cho sự cố ý lừa phỉnh một lớp sơn của chân lý, bằng cách bắt chước phương pháp chặt chẽ mà Lôgíc học nói chung đã đề ra (vorschreiben) và sử dụng Định vị học (Topik) [các thể cách lập luận] của môn Lôgíc để tô điểm cho các trò bịp bợm rỗng tuếch. Cho nên ngày nay, người ta có thể nhận ra một sự cảnh báo chắc chắn và hữu ích là: khi nào môn Lôgíc học phổ biến bị xem như là Bộ Công cụ (Organon) thì bao giờ cũng là một môn Lôgíc học về ảo tượng, tức là có tính biện chứng. Vì lẽ nó không truyền dạy được cho ta điều gì hết về nội dung của nhận thức mà chỉ về các điều kiện hình thức đơn thuần của việc trùng hợp với giác tính; còn ngoài ra hoàn toàn không ăn nhập gì với đối tượng cả, cho nên yêu sách đòi hỏi sử dụng Lôgíc học phổ biến như là một công cụ (Organon) hòng tăng tiến và mở rộng nhận thức - ít ra là theo ý đồ bịp bợm của nó - rút cục sẽ không đạt được gì hơn là sự ba hoa nhảm nhí, dùng một số ảo tượng để tùy tiện khẳng định hay bác bỏ bất cứ điều gì người ta muốn.
Một sự truyền dạy như thế là hoàn toàn không thích đáng đối với phẩm giá của Triết học. Chính vì bảo vệ phẩm giá ấy mà người ta - tốt hơn - nên gọi Biện chứng pháp là một sự PHÊ PHÁN ẢO TƯỢNG BIỆN CHỨNG, xếp việc phê phán này vào trong môn Lôgíc học, và ở đây, chúng ta cũng muốn hiểu nó với tư cách là một môn phê phán như thế.
IV.
VỀ VIỆC CHIA LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆMRA THÀNH PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM
VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM
Trong môn Lôgíc học siêu nghiệm, ta tách riêng giác tính (cũng như trước đây trong Cảm năng học siêu nghiệm, ta tách riêng cảm năng) và rút ra khỏi các nhận thức của ta phần tư duy chỉ có nguồn gốc trong bản thân giác tính để xem xét. Nhưng, việc sử dụng nhận thức thuần túy này phải dựa trên điều kiện là: những đối tượng phải được mang lại cho ta trong trực quan để phần nhận thức thuần túy này có thể được áp dụng vào chúng. Vì lẽ, không có trực quan, mọi nhận thức của ta sẽ thiếu đối tượng và do đó, sẽ vẫn hoàn toàn trống rỗng. Vậy, bộ phận của môn Lôgíc học siêu nghiệm trình bày các yếu tố của nhận thức giác tính thuần túy và các nguyên tắc - mà nếu không có chúng thì không đối tượng nào có thể được suy tưởng, - chính là PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE ANALYTIK) và đồng thời cũng là một môn LÔGÍC HỌC VỀ CHÂN LÝ. [Sở dĩ gọi như vậy] vì không một nhận thức nào có thể mâu thuẫn với nó mà không đồng thời đánh mất mọi nội dung, tức là, đánh mất mọi quan hệ với một đối tượng nào đó, và do đó, đánh mất chân lý. Thế nhưng, vì lẽ vốn hết sức hấp dẫn và dễ bị lôi cuốn vào con đường lầm lạc khi sử dụng riêng biệt các nhận thức thuần túy cùng với các nguyên tắc này, cũng như tự mình vượt ra khỏi các ranh giới của kinh nghiệm là nơi duy nhất có thể mang lại cho ta chất liệu (những đối tượng) để các khái niệm thuần túy của giác tính có thể được áp dụng, nên giác tính rơi vào nguy cơ -bằng các ngụy biện trống rỗng - biến các nguyên tắc đơn thuần hình thức của giác tính thuần túy thành một sự sử dụng có tính chất liệu [nội dung] và từ đó, phán đoán về những đối tượng một cách không phân biệt, [đó là] những đối tượng vốn không được mang lại cho ta và có lẽ cũng không thể được mang lại cho ta bằng bất kỳ cách nào. Vì lẽ Phân Tích Pháp Siêu Nghiệm đích thực chỉ là một Bộ chuẩn tắc (ein Kanon) để phán đoán trong sử dụng thường nghiệm, nó sẽ bị lạm dụng nếu người ta cho nó có giá trị như là Bộ Công cụ (Organon) cho một sự sử dụng phổ biến và vô giới hạn, và dám liều lĩnh dùng riêng giác tính thuần túy để phán đoán, khẳng định và quyết định về những đối tượng nói chung [tự thân] một cách tổng hợp. Việc sử dụng giác tính thuần túy như thế sẽ mang tính biện chứng. Cho nên, phần thứ hai của Lôgíc học siêu nghiệm phải là một sự Phê phán về ảo tượng biện chứng này và có tên gọi là BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE DIALEKTIK), không phải như là một nghệ thuật kích hoạt ảo tượng biện chứng một cách giáo điều (một nghệ thuật tiếc thay rất phổ biến trong đủ loại ngụy biện siêu hình học), trái lại với tư cách là một sự Phê phán giác tính và lý tính xét về phương diện bị sử dụng siêu vật lý (hyperphysisch), nhằm phát hiện ảo tượng sai lầm trong các yêu sách thiếu cơ sở của chúng cũng như nhằm hạ thấp các tham vọng muốn khám phá và mở rộng nhận thức - mà hai quan năng trên tưởng lầm rằng có thể đạt được chỉ bằng các nguyên tắc siêu nghiệm - xuống thành việc kiểm tra các phán đốn của giác tính thuần túy và bảo vệ nó trước những ảo tưởng ngụy biện (sophistische Blendwerke).
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP
7. LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM (B75-B90)
Cuối phần Cảm năng học siêu nghiệm, Kant tỏ ra hài lòng vì đã tìm được các yếu tố tiên nghiệm đầu tiên tạo nên trụ cột thứ nhất của nhận thức: không gian và thời gian. Đồng thời Kant cũng đã đi được bước đầu tiên để trả lời câu hỏi về khả thể của “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” (B19). Nếu không gian-thời gian là những mô thức tiên nghiệm của trực quan cảm tính, thì Kant bắt đầu giải thích được khả thể của những phán đốn vừa tiên nghiệm vừa tổng hợp: là “tiên nghiệm”, trong chừng mực những phán đoán là đúng khi chúng dựa trên mối quan hệ với trực quan tiên nghiệm trong đó mọi dữ kiện thường nghiệm được sắp xếp lại; là “tổng hợp”, trong chừng mực chúng là đúng không phải chỉ nhờ vào việc “phân tích” đơn thuần những khái niệm do chúng kết hợp lại, mà nhờ vào mối quan hệ (tổng hợp) với trực quan thuần túy về không gian và thời gian.
Nhiệm vụ kế tiếp là khảo sát về giác tính (Verstand) để tìm ra các “vật liệu” tiên nghiệm cho trụ cột thứ hai: các khái niệm thuần túy (các phạm trù) của giác tính. Nói cách khác, sau khi xem xét vai trò của những mô thức tiên nghiệm của cảm năng, bây giờ phải xem xét vai trò của những mô thức tiên nghiệm của giác tính để hình thành trọn vẹn khả thể của phán đoántổng hợp tiên nghiệm. Trọng tâm của phần này là nhằm giải thích nguồn gốc, ý nghĩa và phạm vi sử dụng “hợp pháp” của các phạm trù, tức của các khái niệm phổ biến và nền móng vốn là bộ khung cho tư duy siêu hình học nói chung. Do đó, phần “khẳng định” phạm vi hiệu lực của chúng (Phân tích pháp siêu nghiệm) và phần “phủ định” tham vọng “vượt rào” của chúng (Biện chứng pháp siêu nghiệm) là góp phần trả lời câu hỏi chủ yếu của toànbộ công cuộc phê phán: Siêu hình học có thể có được hay không? Và nếu có, chỉ có thể có được như thế nào?
Môn học mới mẻ bao gồm cả hai phần trên đây được Kant đặt tên là “Lôgíc học siêu nghiệm”. Vậy, “lôgíc học siêu nghiệm” là gì? Nó khác với Lôgíc học thông thường ở chỗ nào? Mục 7 này tìm hiểu vấn đề đó, trước khi ta cùng Kant lần theo “các manh mối” để tìm ra những phạm trù ở mục 8.
7.1. Kant dẫn nhập vào phần Lôgíc học siêu nghiệm giống cùng một kiểu như đã dẫn nhập vào phần Cảm năng học siêu nghiệm trước đây (B33), đó là: khẳng định (mà không luận giải) tính hai mặt của các quan năng biểu tượng của con người: cảm năng và giác tính; tính thụ nhận và tính tự khởi. Thoạt nhìn, đây là cách phân biệt quen thuộc của tâm lý học thường nghiệm: quan năng thụ nhận -nhờ đó ta tiếp thu những ấn tượng -được phân biệt với quan năng tích cực, tự khởi nhờ đó ta hình thành những khái niệm. Tuy nhiên, chỗ độc đáo và mới mẻ của Kant là gán cho mỗi quan năng một mô thức riêng biệt, tức phương thức khác nhau để nối kết và sắp xếp những dữ kiện của biểu tượng. Và như thế, những quan năng không còn được xét theo nghĩa tâm lý học thường nghiệm nữa mà theo nghĩa siêu nghiệm (B25, B80, xem: Chú giải 3.5.1): tức xét những điều kiện khả thể của nhận thức tiên nghiệm về đối tượng.
Một mặt, những mô thức của cảm năng (không gian-thời gian) là phương thức để sắp xếp cái đa tạp (Mannigfaltigkeiten B34) của cảm giác thành trực quan về đối tượng (= thành những biểu tượng “trực tiếp và cá biệt”, B377). Mặt khác, những đối tượng phải được suy tưởng mới trở thành những biểu tượng “phổ biến và được phản tư”. Nói cách khác, nhờ những mô thức của cảm năng, cái đa tạp cảm tính được nối kết và sắp xếp vào trong trực quan, còn những mô thức của giác tính sẽ giúp cho những đối tượng nói chung được suy tưởng vào dưới những khái niệm. Theo Kant, bất kỳ nhận thức nào về đối tượng cũng cần sự hợp tác thiết yếu ấy của cả hai loại “mô thức”. Đó chính là lý do phải hình thành môn Lôgíc học siêu nghiệm, tức là môn học về những quy luật tiên nghiệm của giác tính, trong chừng mực sự hợp tác của chúng với những quy luật tiên nghiệm của cảm năng có thể đặt nền móng cho khả thể của nhận thức tiên nghiệm về đối tượng.
Nội dung trên đây sẽ dễ hiểu hơn khi Kant so sánh giữa Lôgíc học siêu nghiệm với Lôgíc học thông thường.
7.2. Kant gọi Lôgíc học thông thường (có từ thời Aristoteles) là Lôgíc học phổ biến (tổng quát); hay Lôgíc học phổ biến và thuần túy và đôi khi cũng gọi là Lôgíc học hình thức (B170).
Lôgíc học được định nghĩa là “khoa học về những quy tắc [hay quy luật: Regeln] của tư duy (giác tính) nói chung” (B76), gồm hai loại: lôgíc học phổ biến và lôgíc học như là phương pháp luận của các khoa học riêng lẻ. Lôgíc học phổ biến, đến lượt nó, lại chia làm hai: “thuần túy” và “ứng dụng” (“ứng dụng” theo nghĩa đặc biệt của Kant là nghiên cứu những vấn đề tâm lý học thường nghiệm, chẳng hạn sự can thiệp của trí tưởng tượng và xu hướng vào việc sử dụng “thuần túy”). Khi phân biệt như vậy, Kant cốt nhấn mạnh hai đặc điểm chủ yếu:
- Lôgíc học phổ biến, thuần túy (= hình thức) “chỉ làm việc với mô thức đơn thuần của tư duy”.
- “không rút ra bất cứ điều gì từ tâm lý học” (B78)
Trước hết, “mô thức đơn thuần của tư duy” là gì? “Mô thức” là cái đối lập lại với “chất liệu” (Materie), tức với nội dung, với đối tượng của tư duy. Mô thức của tư duy thể hiện trên bốn lãnh vực: (xem: Kant, Các bài giảng về Lôgíc học. Tồn tập, tập IX, 91-139).
- “mô thức” của khái niệm là tính phổ biến của chúng.
- “mô thức” của phán đoán là phương thức đặc thù nối kết những biểu tượng (trực quan hoặc khái niệm).
- “mô thức” của suy luận, tức quy tắc rút ra kết luận (consequentia) từ những tiền đề.
- “mô thức” của một môn khoa học là sự thống nhất có hệ thống dựa theo những quy tắc phổ biến của ba lãnh vực trên.
Vậy, khi nói rằng Lôgíc học phổ biến, thuần túy chỉ liên quan đến “mô thức đơn thuần của tư duy”, Kant muốn nói rằng Lôgíc học chỉ nghiên cứu những quy tắc của việc nối kết những khái niệm (trong phán đốn, suy luận, hệ thống khoa học) về mặt đơn thuần “hình thức”, với tư cách là những biểu tượng “phổ biến và phản tư”, trừu tượng hóa “khỏi mọi nội dung của nhận thức, tức khỏi mọi mối quan hệ của nhận thức với đối tượng” (B79). “Trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung” có nghĩa là Lôgíc học không cần biết sự vật nào hoặc đặc điểm nào của sự vật được hình dung trong khái niệm (vì thế, từ thời Aristoteles, khái niệm -trong lôgíc học -có thể được biểu thị bằng ký hiệu hay mẫu tự như S, P, Q...). Trái lại, nó chỉ quan tâm giải thích việc ta phải tư duy như thế nào để tư duy có thể nhất trí với chính nó, nghĩa là, để cho việc nối kết những khái niệm của ta không dẫn đến mâu thuẫn và kết luận được rút ra là có căn cứ, hợp quy tắc lôgíc.
7.3. Trong khi đó, Lôgíc học siêu nghiệm lại quan tâm nghiên cứu nội dung của tư duy, trong chừng mực tư duy “có thể quan hệ với đối tượng một cách tiên nghiệm”, vì thế, còn được gọi là Lôgíc học chất thể (materiale Logik), một nỗ lực bất thành từ F. Bacon qua Descartes tới Leibniz và Lambert:
- Trước hết, khi đã đề ra môn Lôgíc học siêu nghiệm, Kant chỉ còn gọi môn Lôgíc học “phổ biến, thuần túy” là “Lôgíc học phổ biến” thôi (B79, 102) mà không cần dùng chữ “thuần túy” nữa, bởi lẽ cả hai: Lôgíc học siêu nghiệm lẫn Lôgíc học phổ biến, tuy khác nhau cơ bản, nhưng có điểm chung giống nhau là đều “thuần túy” cả, tức “không vay mượn chút gì từ tâm lý học”: cả hai đều trừu tượng hóa khỏi việc mô tả theo kiểu tâm lý học-thường nghiệm về hoạt động của tư duy để chỉ tập trung nghiên cứu những quy tắc phổ biến của việc “ta phải suy tưởng như thế nào”.
- Lôgíc học siêu nghiệm xét về nội dung, vậy “nội dung của tư duy” hay của khái niệm là gì? Theo Kant, “nội dung” (Inhalt) của một khái niệm là “khái niệm bộ phận” (Teilbegriff) được chứa đựng trong biểu tượng về sự vật, chẳng hạn khái niệm “màu đỏ” là một “biểu tượng bộ phận” có chung cho những biểu tượng của ta về màu cờ, màu máu, về quả cà chua, quả dâu... (Lôgíc học §7, IX 95). Đây là những “biểu tượng bộ phận” có được nhờ sự vật tác động đến cảm năng của ta thông qua giác quan. Nhưng, nếu Cảm năng học siêu nghiệm đã chứng minh rằng quan năng cảm tính cung cấp cho ta những phương cách tiên nghiệm để sắp xếp cái đa tạp vào trong trực quan, thì bây giờ câu hỏi là phải chăng trong số những khái niệm của ta cũng có thể có một số khái niệm (bộ phận) không bắt nguồn từ sự tác động của sự vật mà bắt nguồn một cách tiên nghiệm do phương cách của chính riêng ta để suy tưởng về sự vật tương ứng với mô thức tiên nghiệm của cảm năng. Nghiên cứu vấn đề này chính là nhiệm vụ cũng của một môn Lôgíc học, tức của một “môn học về những quy tắc của giác tính” (B76) nhưng có tính cách siêu nghiệm, bởi việc nghiên cứu ấy nhằm chứng minh rằng: “có và bằng cách nào [một số] khái niệm [thuần túy của giác tính] được áp dụng và có thể được áp dụng một cách đơn thuần tiên nghiệm” (B80). (Ý tưởng và đề án về “Lôgíc học siêu nghiệm” này của Kant gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến các triết gia sau Kant. “Khoa học lôgíc” biện chứng-tư biện của Hegel có thể nói là sự tiếp thu và thực hiện triệt để ý tưởng này khi Hegel mang lại cho Lôgíc học siêu nghiệm nền tảng mới: nền tảng bản thể học (ontologisch)).
7.4. Cả hai môn, Lôgíc học phổ biến (hình thức) lẫn Lôgíc học siêu nghiệm đều được chia làm hai phần: Phân tích pháp (Analytik) và Biện chứng pháp (Dialektik) (B82, 87). Sự phân chia này dựa trên căn
cứ nào?
- Kant gọi phần Phân tích pháp của Lôgíc học phổ biến (thuật ngữ “Phân tích pháp” -Analytik -do Kant mượn của Aristoteles) là phần trình bày “những quy tắc tất yếu và phổ quát của giác tính” (B84), còn Biện chứng pháp là sự lạm dụng môn Lôgíc học một cách “ảo tưởng và lừa bịp”. Sự lạm dụng thể hiện ở chỗ: biến những gì chỉ đơn thuần là một Bộ chuẩn tắc (Kanon) - tức một bộ gồm những quy tắc để hướng dẫn việc suy tưởng đúng đắn, trong khi nội dung của suy tưởng phải được mang lại từ bên ngồi giác tính - thành một Bộ công cụ (Organon) để tạo ra nhận thức khách quan bằng cách chỉ sử dụng đơn thuần những quy luật của bản thân môn Lôgíc học (B85). Theo Kant, đó chính là sự “lạm dụng” của Siêu hình học duy lý, chẳng hạn khi Wolff và Baumgarten (trường phái Leibniz) đã “chứng minh” nguyên tắc túc lý (nguyên tắc về nguyên nhân đầy đủ, tức nguyên tắc nhân quả) bằng cách áp dụng nguyên tắc [loại trừ] mâu thuẫn của Lôgíc học vào cho một khái niệm suông là khái niệm “tồn tại” (La tinh: ens) và triển khai tồn bộ hệ thống siêu hình học theo cùng phương pháp ấy. (Xem: C. Wolff: Philosophia prima; Baumgarten: Metaphysica).
- Trong tinh thần ấy, Kant sử dụng thuật ngữ Phân tích pháp và Biện chứng pháp cho Lôgíc học siêu nghiệm. Ở đây, Phân tích pháp sẽ bị lạm dụng để trở thành Biện chứng pháp khi điều kiện cảm tính -chỉ nhờ đó tư duy thuần túy về đối tượng mới có thể có được-bị xem thường và gạt bỏ để lý tính chỉ “phiêu lưu” giữa những khái niệm suông. Chỉ đơn thuần dựa vào những khái niệm thuần túy (những phạm trù) của giác tính (mà không có chất liệu của cảm năng) hòng tạo ra tri thức thì cũng mắc phải sai lầm như trong trường hợp lạm dụng lôgíc học phổ biến. Vạch rõ sai lầm và phát hiện nguồn gốc của sai lầm ở ngay trong bản tính tự nhiên của lý tính là công việc của phần Biện chứng pháp siêu nghiệm (tức phần hai của Lôgíc học siêu nghiệm). Tóm lại, Lôgíc học siêu nghiệm sẽ gồm có hai phần:
- Phần đầu, “Phân tích pháp siêu nghiệm” là “Lôgíc học về chân lý” (B87) gồm hai phần nhỏ: “Phân tích pháp các khái niệm” và “Phân tích pháp các nguyên tắc” làm nhiệm vụ tháo rời (phân tích) các yếu tố tiên nghiệm của giác tính để cùng với các mô thức thuần túy của cảm năng (không gian, thời gian) có thể quan hệ với đối tượng, làm cho nhận thức khách quan có thể hình thành được.
- Phần sau, “Biện chứng pháp siêu nghiệm” là “Lôgíc học về ảo tượng” (Logik des Scheins) (B86) cho thấy lý tính nhất định sẽ rơi vào mâu thuẫn, bế tắc vì chỉ có được những “nhận thức” giả tạo khi nó muốn vượt qua ranh giới của kinh nghiệm khả hữu là phạm vi và mảnh đất “dụng võ” thực sự và duy nhất của các yếu tố tiên nghiệm trên đây. Phần đầu độ 200 trang, phần sau ngót 400 trang.
7.5 . Ta đã biết thế nào là “phân tích” theo nghĩa “tháo rời”, nên sẽ bắt đầu đi vào “Phân tích pháp siêu nghiệm”: bộ xương sống của nhận thức. Những gì Kant đã làm với “Cảm năng”, ông cũng sẽ làm như vậy với giác tính, tức với quan năng suy tưởng, tư duy. Trước đây, ông đi tìm những nguyên tắc tiên nghiệm của tri giác, bây giờ ông đi tìm chúng trong tư duy. Nhiệm vụ là tìm ra các mô thức và các nguyên tắc của giác tính thỏa ứng 4 đặc điểm sau:
a) không lệ thuộc vào kinh nghiệm
b) không thuộc về cảm năng
c) là những mô thức và nguyên tắc nền tảng, căn nguyên chứ không phải là phái sinh (tức được rút ra từ cái cao hơn) và phức hợp (tức do nhiều cái hợp lại), và
d) phải hoàn chỉnh, bao quát toàn bộ lãnh vực của giác tính thuần túy dưới dạng một bảng “danh mục” đầy đủ (B89).
Làm sao phát hiện được các mô thức và nguyên tắc tư duy thuần túy ấy? Phải dò tìm theo các manh mối, tức đi đường vòng thông qua các phán đoán. Kant hỏi: Khi tư duy (suy tưởng), thực chất là ta làm việc gì? Trả lời: là Hiểu và Hiểu tức là phán đoán; muốn phán đoán thì phải thông qua các khái niệm và nguyên tắc. Đó là tóm tắt những công việc của các phần sau đây.
(còn nữa)
Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải
tin tức liên quan
Videos
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An năm 2024 sẽ được tổ chức tại huyện Tân Kỳ
Trần Đình Sử - Người biện hộ cho hình thức nghệ thuật
Thống kê truy cập
114529116
2163
2334
21389
215812
0
114529116