Nhìn ra thế giới

Cái chết của thầy Paty - Thêm một giọt nước làm tràn ly!

 

Người dân thủ đô Paris  tập trung tại Quảng trường Cộng hòa để tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty - Ảnh AFP.

Ngày 16/10, thầy giáo lịch sử Samuel Paty bị chặt đầu ngay bên ngoài trường Trung học Bois d’Aulne tại một vùng ngoại ô nước Pháp. Điều đáng nói, Abdullakh Anzorov - nghi phạm của vụ thảm sát này, kẻ đã bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó, chỉ mới 18 tuổi. Sau cái chết của thầy giáo Paty, hàng chục ngàn người dân Pháp đã xuống đường biểu tình với niềm đau đớn và phẫn nộ. Đây không phải là lần đầu tiên, nếu không muốn nói là đã nhiều lần, chúng ta phải chứng kiến cảnh tượng này xảy ra trên đất nước Pháp cũng như trên thế giới. Vì đâu khủng bố, bạo lực, chia rẽ vẫn luôn tồn tại? Đến bao giờ những nỗi đau này mới chấm dứt?

 

Một “kịch bản” không mới

Thầy giáo Paty bị sát hại vì đã đưa hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Muhammad vào một tiết dạy của mình. Bài giảng này ngay lập tức làm dấy lên tranh cãi trong dư luận. Bên cạnh những người ủng hộ, một số phụ huynh tỏ ra phẫn nộ, yêu cầu trường đuổi việc giáo viên và đưa thông tin thầy lên mạng để chỉ trích. Kết cục, như chúng ta đã biết, là cái chết bi thảm của thầy Paty và một làn sóng căm phẫn, chia rẽ lại bùng lên trong lòng nước Pháp. Sự việc này khiến ta nhớ lại cơn cuồng nộ của người Hồi giáo vào năm 2012 khi bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” được đăng tải và sau đó tòa soạn Charlie Hebdo lại “đổ thêm dầu vào lửa” với hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Làn sóng bạo động ấy đã khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng ba nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Lybia bị sát hại. Năm 2015, thảm cảnh lại xảy ra tại tòa soạn Charlie Hebdo của Pháp. Sau khi tạp chí này cho đăng tải các bức biếm họa nhà tiên tri Muhammad thì các tay súng Hồi giáo cực đoan đã tấn công vào trụ sở tòa soạn, xả súng cướp đi 12 sinh mạng.

Hiện chính phủ Pháp đã bắt các nghi phạm liên quan đến vụ sát hại thầy giáo Paty. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cũng đã cho biết sẽ tiến hành trục xuất 231 người nước ngoài cực đoan. Pháp sẽ tổ chức vinh danh và trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho thầy giáo Paty. Phản ứng này từ chính phủ sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau và cả những căm phẫn trong dòng người biểu tình sục sôi đòi lại công lý trên đất nước Pháp. Đó cũng như một lời tuyên bố mạnh mẽ của Pháp trong cuộc chiến chống lại những hành vi khủng bố tàn bạo. Tuy nhiên, các động thái này cũng có thể đưa đến nguy cơ làm gia tăng mâu thuẫn nội tại. Năm 2012, cơn giận dữ của người Hồi giáo với Mỹ đã nhanh chóng lan rộng trên khoảng 20 quốc gia một phần là do chính sách đối ngoại của nước này. Đó là bài học mà hôm nay Pháp cần phải nhìn nhận thấu đáo.

Việc sát hại dã man là trái pháp luật, trái đạo đức, là hành động đáng bị lên án và phải bị nghiêm trị. Tuy nhiên, xin một phút nhìn lại. Tại sao các nước phương Tây đã quá rõ hậu quả của những hành động liên quan đến phỉ báng đạo Hồi nhưng vẫn không dừng lại để rồi kịch bản cũ cứ lặp đi lặp lại, nỗi đau này chưa lắng dịu đã thêm những vết thương mới? Và, lẽ nào người ta dễ dàng bị kích động chỉ bởi một vài hình ảnh để rồi dẫn đến hành vi tàn bạo như vậy hay sao?

 

Căn nguyên của mâu thuẫn

Để trả lời những câu hỏi đặt ra ở trên, chúng ta phải nhìn sâu vào căn nguyên của vấn đề. Có lẽ, không khó để nhận ra một điểm chung từ các vụ việc gần đây là hầu hết các cuộc bạo động, thảm sát đều được khơi lên từ một vài mâu thuẫn, hành động nhỏ. Điều đó không đơn thuần phản ánh sự cực đoan hay quá nhạy cảm của người Hồi giáo mà còn chứng minh cho một thực tế rằng: sự chia rẽ, bất đồng giữa những tín đồ Hồi giáo và các nước phương Tây là một đám cháy âm ỉ và chỉ cần một vài mâu thuẫn nhỏ thôi cũng đủ để thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ.

Muốn hiểu rõ hơn nguồn gốc của những mâu thuẫn dai dẳng này, chúng ta phải nhìn lại lịch sử để thấy cả hai bên từ lâu đã có cái nhìn thiếu thiện chí và không tốt về nhau. Người Hồi giáo vốn có thói quen nhìn nhận vấn đề theo lăng kính lịch sử và bởi vậy nhìn lại quá khứ là rất cần để hiểu căn nguyên vấn đề. Từ thế kỷ VII, giữa Hồi giáo và các nước phương Tây đã bắt đầu có những mâu thuẫn. Lịch sử đã ghi lại một quá trình mở rộng, bành trướng mạnh mẽ chưa từng có của Hồi giáo trên thế giới vào thời điểm này. Trong đó, họ đã từng chiếm trọn nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, nơi công giáo được tôn sùng bậc nhất lúc bấy giờ. Quá trình mở rộng ấy luôn gắn với chiến tranh, bạo lực và bởi vậy, mâu thuẫn giữa các bên là một điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVIII trở đi, các quốc gia châu Âu dần mạnh lên về mọi mặt và đế quốc Hồi giáo bước vào thời kỳ suy tàn. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nước Hồi giáo hầu hết trở thành thuộc địa của các nước phương Tây như Anh, Pháp,... Trong con mắt những tín đồ đạo Hồi khi đó, lối sống tự do Tây phương là đi ngược lại các giá trị của người Hồi giáo, là gieo rắc chất độc văn hóa, làm kiệt quệ xã hội Hồi giáo. Trong khi Phương Tây lại xem các quốc gia Hồi giáo là một xã hội thất bại chỉ vì sự cuồng tín của họ. Bên cạnh yếu tố lịch sử, mâu thuẫn này đã phản ánh một cách rõ nét sự xung đột giữa các nền văn minh.

Những cái nhìn không mấy tốt đẹp trong quá khứ không những không được xóa bỏ mà ngày lại càng được nhân lên trong xã hội hiện đại. Không nhân lên sao được khi với phương Tây, hình ảnh Hồi giáo bây giờ luôn ám ánh bởi những cuộc tấn công, khủng bố, những vụ giết người dã man do các phần tử cực đoan gây ra. Không nhân lên sao được khi sự phân biệt, sự phỉ báng tôn giáo vẫn diễn ra đây đó trên nhiều quốc gia, qua những đoạn phim, bức tranh, hình ảnh,…và sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội đã giúp lan tỏa chúng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, những toan tính chính trị đằng sau chiếc áo tôn giáo đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn vốn có.

 

Bao giờ mới dừng lại?

Những cuộc biểu tình hôm nay ở Pháp rồi sẽ chấm dứt. Những kẻ liên quan trong vụ việc sát hại thầy giáo rồi sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tức thời, chỉ là cách để làm lành vết thương ngoài da còn những vết thương sâu bên trong thì cần một liều thuốc khác. Nếu những khác biệt ngày càng bị đẩy ra xa bởi hình ảnh của những vụ việc tương tự, nếu người Hồi giáo và các nước phương Tây vẫn tiếp tục duy trì cái nhìn không thiện cảm về nhau thì trong tương lai chắc chắn sẽ còn tiếp diễn những sự việc đau lòng.

Người dân thành phố Toulouse biểu tình trước tòa thị chính vào ngày 18- 10 -  Ảnh AFP.

Người dân mang  ảnh thầy giáo Samuel Paty trong lễ tưởng niệm vào ngày 18-10 -  Ảnh AFP. (1)

 

Chúng ta cần hiểu rằng đối với bất cứ ai có đức tin, đối với bất cứ tôn giáo nào thì việc xúc phạm đến đấng tiên tri, đến những giá trị họ theo đuổi là điều khó có thể chấp nhận. Vì thế, sự nổi giận và phản ứng là điều không tránh khỏi. Các nước phương Tây luôn theo đuổi tự do, dân chủ; coi trọng tự do tôn giáo, tự do ngôn luận vì thế họ phải hiểu hơn ai hết điều đó, họ phải nhận thức được rằng không ai có thể áp đặt suy nghĩ, văn hóa, những giá trị của mình lên người khác. Chính vì thế, để giải quyết gốc rễ vấn đề, để những nỗi đau không tiếp tục bị khơi lên thì các quốc gia, các nền văn hóa phải học cách thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Chỉ khi các bên ngồi lại, tăng cường đối thoại để hiểu nhau hơn, từ đó dần thay đổi cách nhìn về nhau thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai giảm thiểu xung đột.

Cái chết đau lòng của thầy giáo Paty hôm nay cũng như những vụ việc trước đây, chỉ là một giọt nước làm tràn ly, là một đám lửa nhỏ làm bùng lên những mâu thuẫn vốn đã tồn tại âm ỉ từ lâu trong lịch sử. Đáng tiếc là ứng xử của chúng ta sau rất nhiều những đau thương vẫn không có gì thay đổi. Máu, nước mắt và vô vàn nỗi đau chưa nhận lại được bài học đáng giá, chưa khiến chúng ta thức tỉnh và điều chỉnh lại hành vi, suy nghĩ của mình. Lời chỉ trích thầy giáo Paty của những phần tử cực đoan trên mạng với việc nhấn mạnh đã đến lúc phải dừng lại khiến chúng ta cũng không khỏi giật mình tự hỏi: Bao giờ các bên mới biết dừng lại? Bao giờ những chia rẽ mới kết thúc? Tại sao thế giới ngày càng văn minh và dân chủ nhưng việc học cách tôn trọng sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng; tôn trọng sắc tộc, văn hóa của nhau lại luôn khó khăn đến vậy?

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443352

Hôm nay

2243

Hôm qua

2305

Tuần này

21165

Tháng này

218526

Tháng qua

112676

Tất cả

114443352