Diễn đàn

Phát huy dân chủ để hạn chế lạm phát danh hiệu trong xây dựng văn hóa cơ sở

Lễ rước bằng công nhận làng văn hóa ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh Duy Hưng

Sau một thập kỷ thực hiện các chương trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng quan tâm. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó là những thành tích được ghi nhận nhiều từ các danh hiệu. Nó cũng làm xuất hiện một cuộc “lạm phát danh hiệu” ở nông thôn.

Trước hết là quá nhiều danh hiệu. Chỉ tính trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa đã có một hệ thống danh hiệu dày đặc. Từ gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa, làng văn hóa, doanh nghiệp văn hóa…. Trong mỗi danh hiệu lại sinh ra các thể loại khác nhưtronggia đình văn hóa có:gia đình văn hóa tiêu tiểu cấp xã, gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện, gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh… Rồi lại còn gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các loại… Trong xây dựng nông thôn mới, hệ thống danh hiệu cũng nhiều không kém.

Thứ hai là số lượng danh hiệu được cấp cho người dân quá nhiều. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực gia đình, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam (2010-2020), tỉnh Nghệ An đã tăng tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóatừ 77,6% lên 84,5%, tức là từ 550.939 hộ được công nhận gia đình văn hoá lên 689.177 hộ gia đình văn hóa, tăng thêm 138.238 danh hiệu gia đình văn hóa. Trong đó, đạt tỷ lệ cao phải kể đến thị xã Cửa Lò (94%), TP Vinh (91,3%), Nam Đàn (87,6%), Yên Thành (87,09%), Nghi Lộc (86,7%), Thanh Chương (86,2%)…. Danh hiệu thì nhiều nhưng thực tiễn đời sống lại còn nhiềuvấn đề bất cập. Mặc dù vẫn có rất nhiều tấm gương hàng ngày lao động nghiêm túc, nhiệt huyết và đóng góp nhiều cho xã hội nhưng trên bình diện chung về đạo đức thì đúng là có nhiều bất cập từ tham ô tham nhũng, bạo lực, thờ ơ, tệ nạn xã hội,…. Điều đó khiến chúng ta phải nhìn lại những câu chuyện cần quan tâm đằng sau hệ thống danh hiệu ở nông thôn hiện nay.

Phải bắt đầu từ câu chuyện người dân (chủ thể của phong trào xây dựng văn hóa cơ sở cũng như xây dựng nông thôn mới) đang ở đâu trong quá trình phát triển mà các nhà chính sách hoạch định và các nhà quản lý đang thực thi? Tất nhiên, người ta thường nghĩ vấn đề này cũ kỹ và ai cũng đã hiểu rõ. Từ mấy chục năm nay người dân đã làm chủ và trở thành chủ nhân nên đương nhiên, người dân là trung tâm trong quá trình phát triển. Về mặt lý luận, đó là điều đã được công nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa bao giờ có câu trả lời đơn giản cho vấn đề này. Người dân vẫn ở đâu đó lưng chừng mà tùy vào điều kiện cụ thể mới có thể định vị được họ. Trong xây dựng văn hóa cơ sở hiện nay, về lý thuyết, người dân là chủ, là đối tượng và là động lực chính. Về thực tế, thì khá đa dạng, có nơi, có lúc, người dân đang trở thành khán giả của công cuộc xây dựng văn hóa cơ sở. Ở đây, chúng ta thảo luận về vài câu chuyện thực tiễn để hiểu thêm về sự định vị của người dân trong quá trình xây dựng văn hóa cơ sở hiện nay.

Nói về danh hiệu ở nông thôn, trong một cuộc hội thảo cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, một nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Sau một thập kỷ xây dựng nông thôn mới, ngoài sự phát triển về cơ sở vật chất hạ tầng đã được nhắc đến nhiều lần, thì cái được nhiều nhất có lẽ là các danh hiệu. Từ thôn xã đến huyện tỉnh đều có rất nhiềudanh hiệu và tạo nên một cuộc lạm phát danh hiệu, có thể nói nhiều nhất từ trước đến nay. Nhưng chưa có một cơ sở nào để chứng tỏ rằng nếu một cộng đồng khi đạt được những danh hiệu đó sẽ có sự thay đổi khác về văn hóa theo hướng tích cực hơn. Và càng chưa có cơ sở để đảm bảo sau khi hoàn thành các danh hiệu chúng ta sẽ có một nền văn hóa mới hài hòa và tiến bộ hơn. Có nhiều lý giải, nhưng câu chuyện vẫn là khoảng cách giữa các danh hiệu và thực tế cuộc sống còn xa và nhiều khi trái chiều nhau. Danh hiệu, liệu có làm thay đổi cuộc sống của con người hay không? Rất khó khẳng định. Hơn một năm trước, tôi được về dự lễ nhận bằng dòng họ văn hóa của một họ ở quê. Trong buổi lễ, ai cũng vui vẻ, nhất là ông trưởng họ. Để có danh hiệu này, đương nhiên, ông trưởng họ là người vất vả nhất. Nên khi đạt được mục tiêu thì ông rất vui và xem đó là một việc mình làm được cho tổ tiên, cho cả họ. Còn những gia đình khác, họ cũng vui. Nhưng sau khi nhận bằng văn hóa xong, cuộc sống cũng chẳng có gì thay đổi. Những người trẻ tuổi không quan tâm mấy đến chuyện này. Nhiều người tự hỏi không biết nhận tấm bằng này để làm gì? Hay nói đúng hơn, dòng họ văn hóa là như thế nào? Nó khác với dòng họ không được nhận danh hiệu này như thế nào? Tương tự như vậy, vài năm trước gia đình tôi được danh hiệu gia đình văn hóa, rồi gia đình hiếu học, và gần đây còn có danh hiệu gia đình thể thao vì hai cụ thân sinhhàng ngày vẫn đi bộ thể dục. Xóm phải có các gia đình văn hóa, dòng họ cũng phải có các gia đình văn hóa, như vậy thì mới có thể trở thành làng xóm văn hóa, dòng họ văn hóa được. Còn người dân, có lẽ, họ không cần nhiều danh hiệu như vậy, khi mà nó không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Một tấm bằng nhỏ treo trong nhà chưa làm thay đổi cuộc sống gia đình họ. Vậy nên, cần phải tạo điều kiện để người dân thể hiện ý chí làm chủ của mình trong quá trình xây dựng đời sống cơ sở, để các kết quả đạt được đều phải gắn với cuộc sống của họ. Đó cũng là mong muốn bao nhiêu năm nay của Đảng và Nhà nước.

Để hạn chế cuộc lạm phát danh hiệu và đưa quá trình xây dựng văn hóa cơ sở gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của người dân thì cần phải khẳng định và phát huy vai trò dân chủ của người dân. Phải để người dân làm chủ thực sự, giữ vai trò tham vấn trong quá trình xây dựng văn hóa cơ sở. Ở đó, hãy để cho người dân chủ động đặt ra các mục tiêu, lựa chọn con đường thực hiện cũng như giám sát, đánh giá và hưởng thụ các thành quả của xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Như vậy, cần phải đảm bảo được cả quy trình tham vấn của người dân nhằm phát huy giá trị của dân chủ. Cán bộ là những người hướng dẫn cho người dân thực hiện các quy trình chứ không phải quyết định tất cả hay đi làm giúp cho dân. Khi người dân có quyền quyết định trong xây dựng văn hóa cơ sở, thì có lẽ, những danh hiệu không gắn với cuộc sống sẽ bị loại bỏ và cuộc lạm phát danh hiệu sẽ được giải quyết.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445234

Hôm nay

2267

Hôm qua

2306

Tuần này

2843

Tháng này

211493

Tháng qua

120141

Tất cả

114445234