Người xứ Nghệ

Lưỡng quốc Tể tướng Hồ Sỹ Dương

Hồ Sỹ Dương (còn có tên là Hồ Á Ngọc, Hồ Khả Trí), sinh năm 1621, đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 4. Ông quê ở làng Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (nay là xã Quỳnh Đôi). Thân phụ của ông là cụ Giám sinh Thái bảo, Tả thị lang Diễn Thịnh hầu Hồ Hoàng và thân mẫu là bà Hoàng Thị Tâm. Ông là hậu duệ Thái Thủy tổ Hồ Kha. Thủa còn nhỏ, ông thông minh, học giỏi. Năm lên 13 tuổi, ông đã học hết chữ của những thầy đồ có tiếng trong vùng như: Trần Cảnh, Phan Khuê, Dương Tôn. Năm 1639 (Kỷ Mão), đời vua Lê Thần Tông năm thứ 21, niên hiệu Dương Hòa năm thứ 05, ông thi đỗ Sinh đồ. Năm 1645 (Ất Dậu), đời vua Lê Chân Tông năm thứ ba niên hiệu Phúc Thái thứ 03, ông tham dự kỳ thi Hương đậu Giải nguyên trường Nghệ, lúc này ông chưa làm quan. Năm 1646 (Bính Tuất), đời vua Lê Chân Tông năm thứ tư thi Hội trúng tam trường. Năm 1651 (Tân Mão), đời vua Lê Thần Tông năm thứ ba, niên hiệu Khánh Đức thứ 03, ông tham dự kỳ thi Hương, bài thi của ông rất xuất sắc, đáng đậu Giải nguyên nhưng vì giám khảo biết ông từng bị tội sung quân, đổi tên đi thi tại kỳ thi trước đó nên xếp xuống thứ 02. Năm 1652 (Nhâm Thìn), Hồ Sỹ Dương dự kỳ thi Hội, đỗ thứ 9, sau đó vào thi Đình, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ nhiệm giữ chức Lại khoa Cấp sự trung (Theo “Lịch sử Nghệ An” Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, NXBCTQG, 2012). Năm 1659 (Kỷ Hợi), đời vua Lê Thần Tông năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 02, triều đình mở khoa thi Đông Các đầu tiên, vua đích thân ra bài thi. Hồ Sỹ Dương dự thi được xếp bậc hai. Sách “Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục” và “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đã xác định rằng những người thi đỗ Đông các cũng được mang mũ áo, như những người đậu Tam Khôi về vinh quy bái tổ, giữ chức Đông các học sỹ, chức Học sỹ là được trao cho ai đỗ thứ hai khoa thi Đông các.

Năm 1660 (Canh Tý), đời vua Lê Thần Tông năm thứ 12, niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 03 quân của chúa Nguyễn do Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến chỉ huy lấn sang sông Tam Chế đếnsát Hòa Viên (huyện Nghi Xuân ngày nay), chúa Trịnh Tạc cử Hồ Sỹ Dương làm Đốc thị tiến đánh.  Quân của chúa Nguyễn thua to phải rút chạy về Nhật Lệ, quân của chúa Trịnh thu hồi được 7 huyện phía Nam Sông Lam. Tháng 02 năm 1661 (Tân Sửu), đời vua Lê Thần Tông năm thứ 13, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 04, Nghi quốc công Trịnh Căn cử Hồ Sỹ Dương làm Đốc thị dẫn các tướng đóng đồn ở trấn lỵ Hà Trung thuộc huyện Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1662 (Nhâm Dần), đời vua Lê Huyền Tông năm thứ nhất, niên hiệu Vạn Khánh thứ nhất, Chiêu Tổ (Trịnh Căn) đem đại quân vào đánh chúa Nguyễn. Hồ Sỹ Dương khuyên can là không nên đánh vào, nhưng Chiêu Tổ không nghe vẫn tiến đánh, rốt cuộc không đánh được phải lui về cố thủ. Cũng trong năm 1662, phương Bắc cử sứ thần sang Việt Nam. Vua Lê đã cử Hồ Sỹ Dương đi đón tiếp sứ thần. Sự kiện này được Sách Đại Việt sử ký,bản kỷ thực lục chép “Mùa Hạ tháng 5 này sai Bồi tụng Hồ Sỹ Dương lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc, tháng 9 năm 1662 lại sai Hồ Sỹ Dương cùng Hàn lâm đại chế Nguyễn Danh Thực lên cửa quan đợi lệnh, tháng 11 năm Nhâm Dần sai Hồ Sỹ Dương, Nguyễn Danh Thực cùng với Hội khoa Cấp sự trung Gia thọ nam Nguyễn Đình Chính lên cửa quan đón tiếp sứ thần và nhận lĩnh các thứ bạc lụa ban thưởng và tờ sắc dụ của Bắc triều. Tháng 12 đem về kinh sư”.

Mộ và đền thờ lưỡng quốc Tể tường Hồ Sỹ Dương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. nguồn nahr quynhdoi.gov.vn

Do lập được nhiều công lao nên ông được triều đình ban cho nhiều lộc điền (nay thuộc bốn xã: Quỳnh Bá, Quỳnh Hoa, Quỳnh Diễn, Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu). Năm 1663 (Quý Mão), đời vua Lê Huyền Tông năm thứ hai, niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất, tháng 02 Hồ Sỹ Dương được cử làm Đông các đại học sỹ, tước Tử. Tháng 9 năm 1663 cử làm văn bia tại điện Chiêu Sự và văn tế Đàn Nam Giao. Tháng 12 năm 1665 (Ất Tỵ), giữ chức Hữu thị lang bộ Binh, thăng tước Nhuận Duệ Bá (chức Thị lang là chức quan ở các bộ, hàm Chánh tam phẩm). Vì nhiều lần đi lên cửa quan đợi lệnh tiếp được việc, tháng 9 năm 1666 (Bính Ngọ) vua cử làm Đốc thị cùng các tướng lĩnh đánh dẹp Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Tháng 5 năm 1667 (Đinh Mùi), đời vua Lê Huyền Tông năm thứ sáu, niên hiệu Cảnh Trị thứ 05, chúa Trịnh Tạc cử Hữu Thị lang bộ Binh Nhuận Duệ Bá Hồ Sỹ Dương và Đông các học sỹ Bùi Đình Viên lên cửa quan đợi lệnh. Cùng thời gian này ở Cao Bằng, Mạc Kính Vũ vẫn còn chiếm cứ, không chịu khuất phục triều đình, dân tình chịu nhiều khổ cực. Vì thế vào tháng 9 năm này chúa Trịnh Tạc thân chinh cầm quân tiến đánh từ Lạng Sơn đánh sang. Chúa cử Thị lang bộ Lễ Dương Quận công là Nguyễn Năng Thiệu, Hữu Thị Lang bộ Binh Nhuận Duệ Bá là Hồ Sỹ Dương làm Đốc thị chia đường tiến thẳng lên Cao Bằng. Quân Trịnh giành được thắng lợi. Mạc Kính Vũ thua to phải chạy trốn sang Trung Quốc. Đầu năm 1669 (Kỷ Dậu), đời vua Lê Huyền Tông năm thứ tám, niên hiệu Cảnh Trị thứ 07, tháng 8 lấy Hồ Sỹ Dương làm Hữu Thị lang Lại bộ. Đến tháng 12, ông được phong tước Hầu (Duệ Nhuận Hầu) vì có công trong việc đón tiếp sứ thần phương Bắc (theo “ Đại Việt sửkýbản kỷ thực lục”, trang 310).

 Năm 1670 (Canh Tuất), ở vùng Tuyên Quang con của Ma Thúc Trường là Huệ Đĩnh Ma Phúc Lan và em là Sân Thắng Ma Phúc Điện tụ họp bè lũ đi cướp bóc, dân địa phương rối động. Tháng 6 năm đó, Tây Đô vương sai Thiếu úy Hào quận công Lê Thì Hiến làm Thống suất, Hữu Thị lang Lại bộ Nhuận Duệ hầu Hồ Sỹ Dương làm Đốc thị, đem quân đi dẹp cướp tại vùng Tuyên Quang. Hai vị chỉ huy chia đường tiến đánh, thu được thắng lợi lớn, bắt được Ma Phúc Lan đem về chém, Ma Phúc Điện chạy sang đất Trung Quốc. Hai vị vỗ về an dân trong châu rồi rút quân.

Như vậy, trong thời gian 10 năm, từ 1660 đến 1670 Hồ Sỹ Dương đã 04 lần được cử làm Đốc thị để Nam chinh hai lần và Bắc chiến hai lần, cả 04 lần đều góp công lớn giành thắng lợi, chiêu an trong nhân dân.

Năm 1673 (Quý Sửu), đời vua Lê Gia Tông năm thứ ba, niên hiệu Dương Đức thứ 02, ông được cử làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc nhân dịp nhà Thanh mở khoa thi Đông các, với tư cách Đông các Việt Nam, ông xin ứng thí và đỗ Đông các. Cũng trong năm này, ở Trung Quốc có loạn Tam Phiên, cả nước bị chấn động, vua Khang Hy được Hồ Sỹ Dương giúp đỡ kế ly gián, lôi kéo được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh giặc Ngô Tam Quế, loạn Tam Phiên được dẹp yên. Sách “Văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm viết về sự kiện này như sau: “Hồ Sỹ Dương đã đem tài thao lược giúp nước Tàu đánh tan được giặc”. Nhờ công lao của ông mà mối bang giao giữa Việt Nam và triều đình nhà Thanh trở nên tốt đẹp.

 Hồ Sỹ Dương là sứ thần nổi tiếng và lập nhiều công trạng, sáu lần có tài đối ứng, mỗi lần người Thanh (Trung Quốc) thử tài đều tiên liệu biết trước như thần. Do đức rộng tài cao và có nhiều công trạng cho nên Hồ Sỹ Dương được vua nhà Thanh KhangHy phong cho ông là Tể tướng hai nước. Tháng 3 năm 1675 (Ất Mão), đời vua Lê Hy Tông năm thứ nhất, niên hiệu Đức Nguyên thứ nhất, các sứ thần về nước, xét công lao đi sứ, Hồ Sỹ Dương được cử làm Công bộ Thượng thư, tước Duệ quận công, sách Từ điển văn hóa Việt Nam của nhà sử học Hoàng Khôi cho biết “Từ năm 1676 Hồ Sỹ Dương được trông coi việc quốc sử, được bổ giữ chức Tham tụng làm việc trong phủ Chúa,...”.

Làm quan to với tước cao Duệ quận công, ông vẫn sống rất bình dị, hết lòng vì nước thương dân, ông rất quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhiều lần được cử đi xem xét dân tình “Đối với quê hương ông lo việc đắp đập xây cống, cải tạo đồng ruộng”, ruộng đất nhà nước phong cấp ông giành phần lớn vào việc khai cơ lập ấp, ông chiêu mộ dân nghèo lập ra 05 làng, trong đó có 4 làng thuộc huyện Quỳnh Lưu và 01 làng nay thuộc thị xã Hoàng Mai đó là:

- Làng Như bá nay thuộc xã Quỳnh Bá.

- Làng Tiên Đội nay thuộc xã Quỳnh Hoa.

- Làng Nhân Huống nay thuộc xã Quỳnh Diễn.

- Làng Thọ Vực nay thuộc xã Quỳnh Thọ.

- Làng Bảo Yên nay thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai.

Để nghi nhớ công lao to lớn của Hồ Sỹ Dương 05 làng này đều dựng đền thờ và tôn thờ Hồ Sỹ Dương là Thành hoàng. Trong sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao của Hồ Sỹ Dương từ năm 1652 đến năm 1681, kéo dài 30 năm, từ Cấp sự trung đến chức Tham tụng, lần lượt giữ các chức vụ Thị lang hai bộ (Lại bộ và Binh bộ), chức Thượng thư hai bộ (Bình bộ và Công bộ);không bị giáng chức lần nào, chỉ làm ở cấp triều trình; trải qua 05 đời vua:Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và vua Lê Hy Tông. Ngoài những cống hiến trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao ra, ông còn là tác giả để lại cho đời khá nhiều tác phẩm với nội dung và thể loại đa dạng và có giá trị như: Hoan Châu phong thổ ký (Sử địa), Trùng san Lam sơn thực lục - Hồ tộc phổ ký (Sử), “Hồ Thượng thư gia lễ ”, Đại việt Lê triều đế vương Trung Hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền,...

Ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục viết vào những năm cuối thế kỷ 17 (từ quyển 11 đến quyển 15) và hiệu đính bộ “Đại việt sử ký bản kỷ tục biên” của Tham tụng Phạm Công Trứ biên soạn, nhưng việc chưa xong thì ông mất.  Với nhiều cống hiến to lớn đối với quê hương và đất nước của Hồ Sỹ Dương đã được khắc ở văn bia tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và văn bia tại Đền thờ Hồ Sỹ Dương tại xã Quỳnh Đôi. Năm 1681 (Tân Dậu), đời vua Lê Hy Tông năm thứ bảy, niên hiệu Chính Hòa thứ 02, ông được triều đình cho về quê trí sỹ. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã tạ thế, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi mất, ông được truy phong chức Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, phong làm Trung đẳng phúc thần, cấp ruộng đất cho nhân dân địa phương xây dựng đền thờ phụng.

Xét công lao của ông, triều Nguyễn đã phong tặng cho cha mẹ ông chức Viên ngoại lang và phong cho bà vợ cả Trương Thị Thành là Quận phu nhân.

Hiện nay, đền thờ Hồ Sỹ Dương thuộc xã Quỳnh Đôi. Ngoài ra Đình Như Bá, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu cũng là nơi thờ Hồ Sỹ Dương.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434875

Hôm nay

2146

Hôm qua

2349

Tuần này

21525

Tháng này

211923

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434875