Xứ Nghệ ngày nay

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐVH) là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu cao cả là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần nghị quyết TW 5 (khóa VIII) của Đảng.

Để phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào cuộc sống và thực hiện thành công NQ TƯ5 (Khóa VIII) của Đảng, tổ chức Đảng các cấp trong toàn tỉnh đều vào cuộc, gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện phong trào tại địa bàn dân cư ở mỗi địa phương.
Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành được nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng để chỉ đạo thực hiện phong trào như: Chương trình hành động số 03 CTr/TU về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa vùng miền núi đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình hành động số 04 CTr/TU về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (Khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để thực hiện các chương trình nói trên, Tỉnh ủy cũng đa ban hành nhiều chỉ thị, như: Chỉ thị 11/CT-TU về “Đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đồng bộ ở cơ sở”; Chỉ thị số 06, 08 và Chỉ thị 19/CT.TU về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội
Thực hiện các chương trình, dự án, chỉ thị của Tỉnh ủy Nghệ An, 20 huyện, thành, thị ủy trong toàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện phong trào theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá. Đồng thời tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Trong đó, mỗi huyện, thị ủy chọn một số nội dung trọng tâm để chỉ đạo như: Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp, thị xã Cửa Lò chỉ đạo xây dựng mô hình huyện điểm văn hoá; Hưng Nguyên, Diễn Châu chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức cưới theo nếp sống văn hoá. Đô Lương, Diễn Châu và một số địa phương khác xây dựng các mô hình dòng họ văn hoá,... Cấp ủy đảng các huyện miền núi tập trung chỉ đạo thực hiện đề án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng mô hình ăn ở vệ sinh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc... Đặc biệt, cấp ủy đảng các cấp đều đã ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt quy định về quy ước tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Quyết định 308/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Đề án xây dựng thiết chế văn hoá - thông tin - thể thao đạt chuẩn quốc gia, tạo điểm sinh hoạt văn hoá cho nhân dân ở cơ sở.  
Ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở dưới dự chỉ đạo của tổ chức đảng cấp trên đã nhanh chóng tổ chức quán triệt, ra Nghị quyết thực hiện phong trào, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và vận động các tầng lớp, các đoàn thể nhân dân hưởng ứng phong trào. Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện phong trào, các tổ chức Đảng ở cơ sở, thông qua các thành viên trong Ban chỉ đạo đã nêu cao vai trò trách nhiệm của mình, kết hợp, phối hợp và lồng ghép các nội dung, chương trình hành động của các ngành và các đoàn thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Căn cứ vào đặc điểm kinh tế - xã hội và hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, miền, từng địa phương, cấp ủy đảng cơ sở đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng đời sống văn hóa và chỉ đạo thực hiện. Ví như ở vùng miền núi dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, còn nhiều tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, nhất là nghiện ma túy, để xây dựng, giữ vững và phát huy tốt các danh hiệu văn hóa, tổ chức đảng ở các địa phương địa bàn miền núi và dân tộc tập trung lãnh đạo và chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Nhờ xác định đúng nhiệm vụ quan trọng trên đây mà nhiều bản, làng vùng miền núi và dân tộc xây dựng, giữ vững phát huy tốt danh hiệu văn hóa 10 năm liền như bản Đồng Minh (Châu Hạnh, Quỳ Châu), bản Vy (Quỳ Hợp), Bản Chòm Muộng, bản Tờ (Con Cuông), Bản Hoa Thành (Quỳ Hợp)…
Trong quá trình về công tác ở cơ sở, điều mà chúng tôi ghi nhận được là các Nghị quyết của chi bộ cơ sở đều đã bám sát tình hình thực tế của địa phương để có biện pháp chỉ đạo đúng. Ví dụ như Nghị quyết của chi bộ Khe Nằn (Kỳ Sơn) tập trung lãnh đạo và chỉ đạo xóa bỏ tệ nạn ma túy, nghị quyết chi bộ bản Chòm Muộng lại nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào thông qua việc thành lập các CLB dân ca truyền thống. Nghị quyết của chi bộ xóm 4 Long Sơn (Anh Sơn) thì tập trung chỉ đạo công tác khuyến học, Chi bộ các xóm xã Xuân Thành, Lăng Thành (Yên Thành) đều có nghị quyết về gìn giữ, phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống. Nghị quyết của các chi bộ bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Hoa Thành (Quỳ Hợp)… đều nhấn mạnh việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống v.v... Đặc biệt, các chi bộ Đảng cơ sở đều ra nghị quyết về xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện.  
Chi bộ Đảng các cơ sở đều xác định được rằng, chỉ có thể xây dựng được đời sống văn hóa phát triển khi địa phương xóa được đói, giảm được nghèo. Vì vậy, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ đảng cơ sở. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng các cơ sở, ở các địa bàn dân cư đã dấy lên khí thế thi đua đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều hộ gia đình và địa phương đã năng động trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, nâng cao chất lượng sống. Và ở mọi lĩnh vực chỉ đạo của chi bộ đảng cơ sở, các gia đình cán bộ, đảng viên đều tiên phong đi đầu, làm gương cho dân. Nhờ chỉ đạo quyết liệt phong trào xóa đói, giảm nghèo mà chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng, các thiết chế VHTT - TT được đầu tư xây dựng phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Từ đó, niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở ngày càng tăng, mối quan hệ dân với đảng ngày càng chặt chẽ hơn.
Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà các cơ quan đảng (huyện, thành, thị ủy...) đều rất chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa trong cơ quan mình. Tác phong làm việc của cán bộ, công chức luôn văn minh, lịch sự. Cảnh quan môi trường nơi làm việc luôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp.  Nhiều cơ quan đảng được công nhận là đơn vị văn hóa tiêu biểu như: Huyện ủy Diễn Châu, Huyện ủy Hưng Nguyên, Thành ủy Vinh... Nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xây dựng công sở làm việc của đảng ủy, UBND đạt chuẩn văn hóa.
Qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, chúng ta có thể rút ra bài học sâu sắc, nơi nào, địa phương nào có tổ chức Đảng thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền và các đoàn thể quần chúng thật sự vào cuộc thì nơi ấy phong trào phát triển bền vững, có chiều sâu và phát huy rõ tác dụng trong đời sống KT-XH, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, truyền thống, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy. Con người có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và cao đẹp./.
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513144

Hôm nay

2245

Hôm qua

2436

Tuần này

21081

Tháng này

220017

Tháng qua

121356

Tất cả

114513144