Diễn đàn

“Bình thường mới” về văn hóa

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục tác động và làm thay đổi toàn bộ cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh của thế giới. Đặc biệt, nó đã làm thay đổi đời sống văn hóa toàn nhân loại, ở mọi cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, trong mọi không gian là việc, ứng xử.

Quan sát đời sống xã hội trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy đã và sẽ có nhiều chuyển biến, thay đổi quan trọng về văn hóa.

1.Văn hóa ứng xử sẽ trở lại với các giá trị nhân văn truyền thống ở mức độ cao hơn. Cấu trúc xã hội chưa/không thay đổi nhưng mối liên hệ gắn bó hơn ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng. Người với người thông cảm, nhường nhịn và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Những khúc mắc được giải tỏa. Tình đoàn kết thân ái, chia ngọt sẻ bùi được phát huy. Nếu trước đây, trong hoạt động từ thiện vẫn đâu đó có biểu hiện “lấy le” “xây dựng hình ảnh” hoặc trục lợi thì nay rất ít, hầu như không có. Mọi người đến với nhau, hỗ trợ nhau bằng sự chân tình. Trong làng trong xã giúp nhau, trong tỉnh giúp nhau. Khi Bắc Giang, Bắc Ninh rồi đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ bị dịch nặng thì đồng bào cả nước đã sẵn sàng chia sẻ không chỉ tình cảm mà cả nhân lực, vật lực hết sức vô tư và sâu sắc. Mọi suy nghĩ và hành động khác thường đi ngược lại xu thế này đều bị cộng đồng lên án. Chắc chắn khối đoàn kết toàn dân này sẽ tiếp tục được củng cố, nhân lên kể cả sau khi hết dịch.

2.Văn hóa cầm quyền đã và sẽ được điều chỉnh lại các quy chuẩn theo hướng nhân văn và văn minh. Hệ thống quản trị xã hội đã hành động quyết liệt và hiệu quả. Tính minh bạch của chính quyền cao hơn. Tinh thần tự giác của nhà chức trách cũng cao hơn. Trách nhiệm của họ với Nhân dân được nâng cao bằng những hành động thiết thực và chân thành hơn. Người dân chia sẻ với khó khăn của chính quyền và tin vào Chính quyền hơn. Qua đợt dịch này hy vọng mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền sẽ gắn bó, tin cậy nhau nhiều hơn. Mặt khác, về phía chính quyền chắc chắn sẽ có những điều chỉnh quan trọng để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, gắn bó và có trách nhiệm với dân hơn.

3.Cách vận hành xã hội sẽ có sự đổi mới. Cả xã hội sẽ tự điều chỉnh sự vận động của mình. Một lề lối làm việc, học tập mới đã và đang hình thành. Mỗi cá nhân và toàn xã hội sẽ vận hành khẩn trương, tiết kiệm, hiệu quả hơn rất nhiều trên nền tảng số. Học online, họp trực tuyến sẽ nhiều hơn. Vai trò của truyền thông, báo chí được phát huy. Trong tương lai gần chắc chắn các hoạt động truyền thông, báo chí sẽ được cải tiến theo xu hướng nhanh hơn, chính xác hơn và nghệ thuật tuyên truyền sẽ gắn liền hơn thông tin từ cuộc sống và vì đời sống thực tiễn của xã hội.

4.Văn hóa pháp luật đã và đang chuyển biến rõ rệt trong nạn dịch. Ý thức chấp hành pháp nghiêm hơn, cả từ các chức trách lẫn người dân. Đây là một tiền đề tốt để văn hóa pháp luật tiếp tục phát huy và hoàn hiện trong tương lai. Một số kẻ hở hay khoảng trống trong hệ thống luật pháp được phát lộ và chắc chắn sẽ được khắc phục, bổ sung.

5.Văn hóa ý tế và ý thức bảo vệ sức khỏe đang chuyển biến mạnh. Đội ngũ thầy thuốc đã phát huy cao độ trách nhiệm và y đức của mình trong cơn dịch. Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và cộng đồng của mọi người chuyển biến rõ rệt. Những thói quen cũ, lạc hậu như khạc nhổ nơi công cộng, nhậu nhẹt quá mức bị phê phán. Một số thói quen mới và tốt về vệ sinh đang hình thành một cách tự giác như mang khẩu trang, ăn uống hợp vệ sinh, tự theo dõi sức khỏe,  khám chữa bệnh, tập thể dục… Chắc chắn một số thói quen mới và tốt gần đây sẽ trở thành các chế tài trong các cộng dồng.

6.Văn hóa kinh doanh cũng đang và sẽ tiếp tục thay đổi. Buôn bán online nhiều hơn. Thành phần tham gia kinh doanh đa dạng hơn. Quan hệ ứng xử trong kinh doanh online sẽ phải được điều chỉnh bằng các chế tài mới để thiết lập các chuẩn  mực nhằm duy trì các giá trị đạo đức kinh doanh.

7.Các hoạt động văn hóa sẽ có nhiều thay đổi từ thư viện, triển lãm/bảo tàng, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo/tín ngưỡng, luyện tập/thi đấu thể thao. Bán/mua và đọc sách qua mạng sẽ nhiều hơn buộc các thư viện, các nhà xuất bản phải thay đổi phương thức hoạt động. Các bảo tàng cũng phải tìm cách phát huy các hệ thống/nội trưng bày một cách đa dạng, linh hoạt hơn, trong đó có thể là bán/chuyển các “gói” theo công nghệ số cho khách muốn tham quan, nghiên cứu. Các nhà hát, các nghệ sỹ cũng phải điều chỉnh phương thức hoạt động. Khán giả sẽ theo dõi, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật và thể thao qua các phương tiện nghe nhìn điện tử nhiều hơn trong tương lai. Olympic Tokyo 2020 vừa rồi là một ví dụ điển hình. Rất có thể sẽ có các đường truyền/link đến các khách hàng nếu họ không có điều kiện đến nhà hát. Thực hành văn hóa tín ngưỡng/tôn giáo, lễ hội sẽ có nhiều thay đổi, hiện tượng tụ tập quá đông sẽ giảm dần; Nghi lễ sẽ bớt rườm rà. Tương tự, hoạt động thể thao cũng sẽ chấp nhận ít hoặc không có khán giả khi vẫn còn dịch.

8.Văn hóa đối ngoại cũng có nhiều biểu hiện thay đổi, chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm toàn cầu của mỗi quốc gia và hướng nhiều hơn đến các trị nhân văn. Các nước cảm thông, giúp đỡ nhau vô tư hơn trước tai họa chung của thế giới. Hy vọng các giá trị toàn nhân loại trong tương lai sẽ được chấp nhận và phổ biến nhiều hơn.

Cả thế giới đang nỗ lực chống dịch covid19. Cả thế giới cũng đang thay đổi, ít hay nhiều, về văn hóa để ứng phó với tai họa toàn cầu này. Ngoài các biện pháp về y học, quản trị xã hội…, văn hóa của mỗi cá nhân và các cộng đồng cũng là kháng thể mạnh chống lại sư thâm nhập của virus Corona thông qua sự điều chỉnh hành vi của con người trước các thách thức. Nhân loại chắc chắn sẽ vượt qua đại dịch covid19 nhưng nhiều hiện tượng văn hóa mới xuất hiện sẽ tiếp tục được duy trì khi nó đã chứng minh được giá trị và là sự cần thiết với đời sống xã hội. Phải chăng, “bình thường mới” về văn hóa là vậy./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522522

Hôm nay

254

Hôm qua

2325

Tuần này

21296

Tháng này

220461

Tháng qua

121009

Tất cả

114522522