Văn hóa và đời sống

Đọc sách như một nghi lễ

Vào thời đại tốc độ cao việc đọc nhanh được chào đón. Thậm chí đã có cả một số phương pháp chuyên môn giúp cho việc nắm được cách đọc tốc độ. Nhưng đọc để thu nhận thông tin là một chuyện, còn đọc để được vui thích từ quá trình này lại một việc khác.

Đọc sách là một quá trình đơn độc, có thể nói là một “nghi lễ” đòi hỏi phải có sự chuẩn bị, sự tập trung tối đa và sự thận trọng. Khi bị cuốn vào việc đọc ta sẽ nhận được từ nó niềm vui.

Đọc đòi hỏi sự chuẩn bị, sự tập trung và sự thận trọng

Vì sao đọc chậm

Bản chất của kỹ thuật đọc chậm là chủ động tìm cách giảm tốc độ đọc. Điều này cho phép nhận ra tất cả các chi tiết, hiểu sâu hơn văn bản và có được niềm vui trong quá trình đọc. Trong các tài liệu về văn hóa đọc bằng tiếng Anh đọc chậm được gọi là “close reading” và nó được dùng khi phân tích văn chương cổ điển.

Đối trọng của đọc chậm là đọc nhanh: nó cho phép trong khoảng thời gian tối thiểu thu được thông tin tối đa mà không bị mất mát ý nghĩa. Phương pháp này gọi là “skimming” (đọc lướt). Người ta dùng nó trong quá trình học tập: để thực hiện một bài tập cụ thể thì cần phải biết cách nắm được các tư tưởng chủ yếu trong văn bản.

Đọc chậm xuất hiện theo cùng phong trào sống chậm phổ biến trong thế kỷ XX. Những người ủng hộ nó mong muốn làm chậm nhịp độ cuộc sống ở trong tất cả các lĩnh vực - đời sống, công việc, du lịch... Nhưng bản thân hiện tượng đọc chậm đã nảy sinh từ lâu trước đây.

Vào năm 200 của kỷ nguyên chúng ta đang sống đã có phương pháp chú giải bằng miệng đối với các thánh kinh. Người ta tìm kiếm trong chúng những ý nghĩa chính xác mới bằng ngôn từ. Về sau công việc này được gọi là “Midrash” - giải thích Thánh Kinh nhờ vào các biện pháp giải thích văn bản truyền thống. Các nhà Platon Mới tiếp tục truyền thống này: chẳng hạn, nhà triết học cổ đại Damasky đã viết hàng nghìn trang chú giải cho các đoạn đối thoại của Platon.

Kỹ thuật đọc chậm thường được sử dụng để phân tích tác phẩm văn chương và triết học. Điều này cho phép tìm ra được những ý nghĩa giấu kín. Nhà văn Vladimir Nabokov nhận xét: “Không nên nuốt ực văn chương thứ thiệt theo cách uống viên thuốc bổ tim bổ óc, cái “dạ dày” của tâm hồn ấy. Mà cần phải uống nó từng ngụm nhỏ sau khi đã nghiền đã tán nhỏ nó ra - như thế bạn mới cảm nhận được hương vị ngọt ngào của nó ở sâu trong lòng tay”.

Nhà triết học Mỹ, hiệu trưởng và giảng viên Mortimer Adler khẳng định rằng biết và hiểu là hai việc khác nhau: “Có thông tin nghĩa là biết một sự kiện nào đấy. Hiểu nghĩa là nhận thức được thêm những sắc thái bổ sung: tại sao nó lại như thế, mối quan hệ với các sự kiện khác là thế nào, chúng khác nhau ở đâu, trùng hợp nhau ở đâu, v.v…”. Đọc có suy xét thúc đẩy cho sự hiểu, tác giả gọi đó là cách đọc “chủ động, tích cực”. Adler khuyên nên lọc ra những từ mấu chốt, nhận ra sự khác biệt của chúng, quan sát xem nghĩa của câu xuất phát được mở rộng như thế nào.

Đọc chậm ngoài việc giúp cho sự hiểu sâu còn góp phần phát triển tư duy phản biện. Tức là bạn sẽ nhận thấy các quan hệ nhân quả, so sánh các tư tưởng, đánh giá những suy luận của tác giả và đối chiếu chúng với suy nghĩ riêng của mình. Thêm một điểm cộng nữa của kỹ thuật đọc này là nó rèn luyện sự chú ý. Khi chìm đắm vào các tác phẩm văn chương nghệ thuật bạn sẽ có thể cảm nhận tinh tế những gì diễn ra trong chúng và do đó phát triển được khả năng thấu cảm.

Cách đọc chậm

1.Hãy chuẩn bị cho quá trình đọc

Hãy chọn một chỗ tĩnh lặng cho bạn, nơi không có điều gì khiến bạn sao nhãng. Hãy chú ý đến ánh sáng, nhiệt độ thích hợp và chọn tư thế thoải mái để bản thân quá trình đọc đem lại sự thích thú dễ chịu cho bạn.

2. Hãy chọn công cụ để ghi chép suy nghĩ

Đó có thể là quyển vở hoặc cuốn sổ ghi chép, cũng như dùng máy tính bảng. Nhưng trong trường hợp sau thì nên lưu ý là bạn có thể bị sao nhãng vì ánh sáng trên máy tính và các kết nối mạng xã hội.

3. Hãy đọc một trang rồi dừng lại ở một đoạn nhất định.

Suy nghĩ về cái vừa đọc và tập trung vào đoạn bạn thấy là quan trọng để hiểu nội dung. Hãy đọc lại nó và ghi lại những luận điểm chính yếu.

4. Hãy chỉ ra những điều cần tranh luận

Bạn có thể không đồng ý với tác giả - và đó là điều bình thường. Hãy chỉ ra những suy luận đó, mà tốt nhất là ghi lại chúng kèm theo bình luận của mình. Hãy trả lời các câu hỏi: “vì sao tôi không đồng ý”, “cái gì tạo nên nghi ngờ”, “quan điểm của tôi về vấn đề này là gì”.

5. Hãy quan sát cảm xúc của mình

Các cảm xúc nảy sinh trong lúc đọc văn chương nghệ thuật - chúng ta đồng cảm với một số nhân vật này nhưng lại cảm thấy xa lánh với một số nhân vật khác. Khi đọc hết một chương hãy phân tích tình cảm của mình và suy nghĩ xem chúng do cái gì gợi nên. Cách đọc như thế cho phép hiểu rõ hơn không chỉ văn bản tác phẩm mà còn cả chính bản thân mình.

6. Hãy dùng từ điển

Hãy luyện cho mình thói quen kiểm tra nghĩa của tất cả những từ chưa biết, nhất là các tính từ: chúng giúp làm giàu ngôn ngữ của bạn. Hãy dùng từ điển khi bạn cảm thấy một từ nào đó có vẻ quen quen, hãy tìm hiểu nguồn gốc của nó.

7. Hãy tóm tắt cái đã đọc

Ngoài việc rèn luyện trí nhớ thì việc này còn giúp bạn cải thiện khả năng nói miệng. Đầu tiên hãy kể lại những cái có trong văn bản (tức bạn phải nhớ tên nhân vật, ngày tháng, niên đại), sau đó hãy nêu lên ý kiến bình luận, chia sẻ cảm nhận của mình một cách thoải mái.

8. Hãy lập biểu đồ

Một số tác phẩm văn chương khó tiếp nhận vì có quá nhiều tên tuổi, ngày tháng. Có thể làm biểu đồ trình tự thời gian (timeline) để chỉ ra trong đó các ngày tháng và sự kiện, cũng có thể lập các sơ đồ hoặc thậm chí là cây phả hệ.

                                                                 (Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443642

Hôm nay

2200

Hôm qua

2333

Tuần này

21455

Tháng này

218816

Tháng qua

112676

Tất cả

114443642