Những góc nhìn Văn hoá
Học Bác từ chính thanh xuân của Người
(Ảnh tư liệu)
Năm 1911, Một hôm anh Ba - tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:
- Anh Lê, anh có yêu nước không ?
- Người bạn đột nhiên đáp:
- Tất nhiên là có chứ !
Anh Ba hỏi tiếp: Anh có thể giữ bí mật không ?
- Có.
- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không ?
- Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi ?
- Đây, tiền đây – anh Ba vừa nói, vừa giơ hai bàn tay.
Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa.
Ngày 05/6/1911, trên một chiếc tàu buôn của Pháp (Latouche Tréville), Bác bắt đầu con đường vạn dặm, đi ra nước ngoài bằng đôi bàn tay lao động chân chính cùng nung nấu một quyết tâm cháy bỏng, đó là giành “TỰ DO CHO ĐỒNG BÀO TÔI, ĐỘC LẬP CHO TỔ QUỐC TÔI, ĐẤY LÀ TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU TÔI MUỐN, ĐẤY LÀ TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU TÔI HIỂU".
Bản thân Tôi đã rất ấn tượng và cảm phục sâu sắc về chàng thanh niên Văn Ba- Hồ Chí Minh trong câu chuyện "Hai bàn tay" ấy. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước lầm than, nô lệ; không chịu nổi sự đè nén đô hộ của bọn đế quốc, thực dân; chàng trai trẻ 21 tuổi- người con Xứ Nghệ Văn Ba khi ấy với lòng yêu nước thiết tha của mình, với ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, quyết chí đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Bằng sự thông minh, bằng nhiệt huyết mãnh liệt và đặc biệt Lựa Chọn cho mình một lối đi riêng. Chính Bác- tuổi thanh xuân của Bác đã thắp lên ngọn lửa của hoài bão, của ước mơ, của lý tưởng sống cao đẹp để từ đó chúng ta- thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời đại mới, những người con, người cháu của Bác luôn cố gắng noi theo và học tập.
Trước hết chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những năm tháng cực kì vất vả, gian truân trong suốt cuộc hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Đầu tiên khi Anh được nhận vào làm phụ bếp trên tàu Latouche Tréville. Công việc hàng ngày của anh bắt đầu từ 4h sáng: quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn, sau đó đốt lò, đi khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá...Anh làm việc trong môi trường lao động không bình thường: trong bếp thì nóng, dưới hầm thì lạnh; phải vác nặng từ dưới trèo lên những bậc thang khi còn thuyền đang tròng trành trên sóng biển. Xong các việc trên, Anh còn phải dọn cho bọn chủ bếp người Pháp ăn, rồi rửa bát, nhặt rau, đốt lò...Công việc bận rộn, vất vả suốt cả ngày đến 9h tối mới xong.
Khó khăn nhất là thời gian đầu chưa quen lao động chân tay nặng nhọc và môi trường lênh đênh trên sóng biển, nhiều lúc tưởng chừng như Anh không vượt qua nổi thử thách đầu tiên. Rồi những năm tháng đặt chân đến Mỹ (1912), Anh làm thuê tại Brooklyn-ngoại thành New York. Năm 1913 ở nước Anh, Anh Thành nhận quét tuyết cho một trường học, làm đốt lò và nhận việc rửa bát thuê, sau đó là thợ làm bánh cho khách sạn Carlton. Những ngày trở lại Pháp (1917) Nguyễn Tất Thành làm thợ ảnh và nhiều nghề khác như: làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa… tiền kiếm chẳng được bao nhiêu, ăn uống thiếu thốn, tiết kiệm. Những ngày đông giá lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Anh để một viên gạch cạnh bếp lò. Chiều về, Anh lấy viên gạch ra, bọc vào tờ báo cũ lót xuống giường nằm cho đỡ lạnh.
Không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất mà trong cuộc hành trình suốt 30 năm ấy, Nguyễn Tất Thành luôn bị kẻ thù rình rập, giám sát và tìm mọi thủ đoạn hãm hại Anh. Đó là Bản án tử hình vắng mặt (1929) và những ngày bị thực dân Anh bắt giam tại Hồng Kông, Trung Quốc (1931).
Tuy nhiên dù có khó khăn vất vả đến thế nào, dù có lao động cực nhọc ra sao nhưng hễ có thời gian rỗi là Anh say sưa học tập, nghiên cứu. Người thanh niên trẻ tuổi này không chỉ miệt mài học tiếng nước ngoài, nghiên cứu sách báo nước ngoài mà còn tích cực đi tìm hiểu thực tế cuộc sống những nơi mình đã đi qua, tham gia các hoạt động, phong trào ở đó. Bác đã từng kể: "Có lúc công việc tương đối ổn, tiền kiếm được một ngày đủ tiêu dùng cho hai ngày thì Bác làm việc một tuần nghỉ một tuần. Nói là nghỉ nhưng phải suy nghĩ, phải làm việc hơn cả đi làm. Phải tìm hiểu vì sao nước Pháp - đất nước với những khái niệm "Tự Do -Bình đẳng - Bác ái" lại xuất hiện ở Việt Nam xấu xa, hung bạo đến thế? Thực chất những ý nghĩ to lớn đó ngay trên đất nước Pháp là thế nào? Các dân tộc khác nhau nhưng có một lớp người cùng khổ giống nhau trên trái đất này? Ai, lớp người nào sẽ cứu vớt Đông Dương đáng thương hại.?"
Phải chăng chính lý tưởng sống cao đẹp muốn giúp đỡ đồng bào, đất nước thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực đã mài sắc ý chí, gọt dũa nghị lực để Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh vượt qua muôn trùng khó khăn đi tìm lời giải đáp cho số phận đất nước, tìm ra hướng đi cho vận mệnh giống nòi???
Đã gần một thế kỉ trôi qua, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, đất nước Việt Nam đã hòa bình, độc lập, tự chủ và phát triển.Thế nhưng làm sao học tập tấm gương của Bác qua chính thanh xuân của Người? Noi gương Bác về hoài bão, về lý tưởng sống và mong muốn đưa Việt Nam "Sánh vai với các cường quốc năm châu" vẫn là một câu hỏi, là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên thế hệ như chúng ta phải trăn trở, phải nghĩ suy?
Thực tế cho thấy khi nước ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa- thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh những mặt tích cực đem lại, mặt trái của nó cũng đang tác động vào thanh niên - là bộ phận nhạy cảm nhất trong cộng đồng dân tộc, một cách nhanh nhất và nhiều nhất. Biểu hiện cụ thể là có một bộ phận thanh niên hiện nay sống không có lý tưởng, không có mục đích, sống ngày nào hay ngày đó, chưa chuyên tâm vào việc học tập, rèn luyện, tự lực vươn lên và cống hiến cho đất nước, còn bị chi phối bởi lối sống hưởng thụ, đua đòi, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các loại tệ nạn xã hội, sống buông thả, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn nhiều thanh niên theo đuổi mục đích sống tầm thường, đó là chạy theo lợi ích vị kỷ của cá nhân. Họ có thể tích cực trau dồi tri thức, kinh nghiệm nhưng chỉ là vì hạnh phúc, thành đạt của bản thân mà không nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Chính vì vậy việc lựa chọn cho mình một định hướng đúng đắn, để lý tưởng và hoài bão của thanh niên chúng ta phát triển theo gam màu sáng hay tối, cái này phụ thuộc một phần rất lớn vào bản thân và phấn đấu của mỗi người.
Bác Hồ là một tấm gương sinh động, mẫu mực về chí lớn, hoài bão, sự học. Con người của Bác được hiện lên qua lời tự kể: ...mới học hết lớp tiểu học, 17 tuổi lần đầu tiên nhìn thấy ánh đèn điện, 29 tuổi lần đầu tiên được nghe Radio... nhưng chính con người đó đã sớm trở thành Lãnh tụ nổi tiếng khắp Việt Nam.
Soi mình vào tuổi xuân tươi đẹp của Bác, chúng ta học được ở Người rất nhiều điều. Nhưng điều quan trọng nhất chính là lý tưởng, khát vọng sống, một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đổi mới. Dù chỉ một mình bước ra ngoài thế giới nhưng Anh không hề đắn đo. Sự quyết tâm ra đi, đến tận sào huyệt của kẻ thù để khảo sát trực tiếp, để vững tin vào những nhận xét, kết luận của mình đủ cho thấy Nguyễn Tất Thành mang tinh thần cách tân, đổi mới như thế nào. Lao động - học tập và tranh đấu, đó là mục đích và phương thức của đời anh.
Thông qua thời thanh xuân của Bác, chúng ta còn học được ở Người tinh thần học, tự học và vượt gian khó để học. Bác đã từng nói: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng".
Tinh thần học, Tự học đối với Bác không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý mà điều đó đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với kế hoạch cụ thể, chặt chẽ; với ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, với tinh thần sáng tạo, chịu khó. Bác Hồ nhờ tự học mà có một vốn học vấn uyên thâm khiến cả thế giới kinh ngạc. Ví dụ nhỏ như vấn đề học tiếng nước ngoài. Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác cho biết: Để học được ngoại ngữ, phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ. Hằng ngày, trước khi thức dậy, Bác viết những từ mới vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học, đến khi chữ mờ hết thì cũng đã thuộc. Lại cả khi đi đường, Bác cũng nhẩm bài học. Ban đêm, khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi và thế là đã học thêm được vài từ mới. Bác có một nguyên tắc là, học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó, học được chữ nào là tìm cách ghép câu để dùng ngay. Cho nên sau một thời gian ngắn, Bác viết được báo và sách bằng tiếng nước ngoài. Bằng cách đó, chỉ bằng tự học, Bác đã thông thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó nhiều thứ tiếng Bác dùng như tiếng mẹ đẻ.
Là thanh niên sống trong thời đại Hồ Chí Minh, được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp mà ông cha để lại. Tự hào khi được làm việc và cống hiến tại Khu di tích Kim Liên - Nơi lưu giữ những kỉ vật thiêng liêng về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi đoàn viên thanh niên chúng tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” để rồi từ đó nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vai trò, vị trí của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 3 đã về - tháng của mùa xuân, của tuổi trẻ, của ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mỗi một chúng tôi luôn hướng tới tương lai, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, từ đó ra sức phấn đấu, học tập và rèn luyện để trở thành lực lượng xung kích, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhà văn Paven Copsagine trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” đã viết rằng : "Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí.. Và Học Bác từ chính Thanh xuân của Người là động lực để mỗi chúng tôi làm được những điều tưởng chừng không thể... "
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528617
2273
2291
2890
215313
0
114528617