Đất Nghệ
Độc đáo bộ váy tang của các cô dâu Thái ở miền Tây Nghệ An
Từ xưa đến nay, ở các huyện miền Tây Nghệ An, trong giỏ quần áo của mỗi cô dâu Thái - Tày Mường khi về nhà chồng luôn có một bộ trang phục màu đỏ, được gia đình chuẩn bị sẵn, đó là bộ váy tang.
Bộ váy tang được những người phụ nữ Thái nhóm Tày Mường sử dụng khi gia đình bên chồng có người mất như cha mẹ, ông bà, hoặc chồng vừa để thực hiện nghi thức truyền thống của dân tộc mình, vừa thể hiện sự hiếu đạo.
Tập tục này không biết xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trong truyện thơ dân gian “Lai Khủn Chương”, kể về cuộc đấu tranh giữa nhân dân lao động với chúa đất của người Thái ở vùng Phủ Quỳ, đã nhắc đến vấn đề này. Nội dung câu chuyện cho biết: khi Khủn Chương chết, tất cả những người vợ của Khủn Chương đều phải mặc bộ váy đỏ để làm đám tang chồng, bởi màu đỏ là màu máu của Khủn Chương và các binh sĩ đã đổ ra để người Thái có vùng đất rộng lớn mà sinh sống. Có người nói, đây chính là lý do xuất hiện tục mặc váy đỏ trong đám tang của các cô dâu Thái - Mường sau này. Nhưng một số người khác lại cho rằng, tục này trước đây chỉ dành cho các gia đình giàu có, có vị thế trong bản mường, để phân biệt với các gia đình bình thường khác trong bản, về sau, nó trở thành tập tục chung của cả tộc người. Dù là nguyên nhân gì thì đây cũng là một nét văn hóa rất độc đáo, đặc sắc, giúp các dân tộc khác hiểu thêm về phong tục, tập quán của người Thái nhóm Tày Mường, đặc biệt là tục ma chay.
Bộ váy tang của các cô dâu Thái - Tày Mường bao gồm: 01 áo màu đỏ, 01 váy thổ cẩm có nhiều họa tiết màu đỏ và 01 thắt lưng màu trắng. Tuy vậy, tùy mỗi vùng mà trang phục này lại có những nét khác nhau. Ở vùng Quỳ Hợp, chiếc áo tang màu đỏ được may khá đơn giản, đó là chiếc áo ngắn (xửa cỏm), viền tay áo và cổ màu trắng kết hợp với chiếc váy thổ cẩm, thêu nhiều họa tiết hoa văn từ phần thân xuống chân váy. Điểm khác biệt, dễ nhận biết của chiếc váy tang với chiếc váy thông thường là các họa tiết, hoa văn trang trí chủ yếu bằng màu đỏ cùng các tông màu sặc sỡ khác, tuyệt nhiên không thấy có các mảng trang trí bằng màu đen. Khi mặc, áo để buông ra ngoài váy, thắt lưng bằng mảnh vải màu trắng.
Đám ma của một gia đình người Thái ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh NS
Trong tang lễ của người Thái - Tày Mường, có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như một nghi thức truyền thống như ném còn, nhảy sạp, hát lăm… với mong muốn để linh hồn người chết vui vẻ về với mường trời, mà không còn lưu luyến trần gian. Và các cô dâu trong gia đình mặc bộ váy đỏ, các chàng rể mặc trang phục có viền áo màu đỏ trong tang lễ cũng có một phần ý nghĩa như thế. Ai đã từng được chứng kiến một đám tang của đồng bào Thái, đặc biệt người mất là người lớn tuổi đông con, nhiều cháu, sẽ rất ngạc nhiên trước sắc đỏ rực rỡ trong trang phục của các nàng dâu và chàng rể, khác hẳn với cảm giác đau buồn, sầu não trong tang lễ của người Kinh hay của dân tộc khác.
Hiện nay, nhiều phong tục, tập quán của người dân miền Tây xứ Nghệ đã thay đổi, trong đó có tục ma chay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy chính là quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Kinh. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, một số phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Thái và các dân tộc thiểu số khác đã và đang từng bước được phục hồi, bảo lưu và phát huy, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc, trong đó có tục mặc váy tang của các cô dâu Thái - Tày Mường./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528531
2187
2291
2804
215227
0
114528531