Những góc nhìn Văn hoá

Bài học về ứng phó trước thiên tai dịch bệnh của Hoàng đế Minh Mạng

Vua Minh Mạng (1791-1841). Ảnh internet

Vua Minh Mạng (1791-1841) là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, kế vị hoàng đế Gia Long vào năm 1820 khi đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách bởi các lực lượng chống đối, thiên tai, dịch bệnh… Vậy nhưng, sau 20 năm cai trị đất nước, ông đã đưa Việt Nam (từ 1838 là Đại Nam) trở thành một quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á với lãnh thổ thống nhất và rộng lớn nhất trong lịch sử.

Ngày nay, xem lại sử liệu có lẽ bất cứ ai cũng phải nghiêng mình kính phục trước công lao và tài cai trị đất nước của hoàng đế Minh Mạng, bởi trong suốt 20 năm trên ngai vàng, ông và triều Nguyễn đã phải liên tục đối phó với thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt diễn ra gần như hàng năm. Vậy mà đất nước vẫn ổn định và phát triển nhanh về mọi mặt, vị thế của Việt Nam trong khu vực ngày càng được củng cố và nâng cao.

Năm 1820, khi vua Minh Mạng vừa lên ngôi, chính quyền của ông đã phải đối diện với những thử thách rất lớn. Không kể những khó khăn về tình hình chính trị do các lực lượng chống đối, thiên tai, dịch bệnh cũng vô cùng khốc liệt!

Sử sách có ghi: Tháng 6, các tỉnh miền Trung nắng hạn gay gắt, vụ mùa không gieo được, dân đói ăn; nhưng tháng 7 thì kinh kỳ lại bị mưa lũ rất lớn, nước dâng cao hơn mức bình thường đến 5 thước (hơn 2m); sang tháng 10 kinh đô lại bị mưa lũ cuốn trôi mấy trăm ngôi nhà, bờ tường kinh thành mới xây đắp bị sụt lở đến hơn 300 trượng (hơn 1.200m). Nhưng dịch bệnh trong năm này mới là hiểm họa lớn nhất! Đại dịch tả tấn công các địa phương, bắt đầu từ miền Nam, sau đó lan ra cả nước, người chết vô số không kịp chôn. Đại thi hào Nguyễn Du lúc đó là Thị lang bộ Lễ cũng lâm bệnh và qua đời do cơn dịch quái ác này. Thống kê trong năm 1820, đại dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 206.835 người Việt Nam, chiếm hơn 2% dân số lúc đó (dân số cả nước ta chỉ khoảng 10 triệu người)!

Năm 1822, miền Trung từ Quảng Trị vào Quảng Nam hạn hán rất nặng; tháng 9, lũ lụt lớn ở kinh đô, Quảng Trị, Quảng Bình, nhiều nhà dân bị sụp đổ, hay bị cuốn trôi ra biển. Tháng 5 năm 1823, phủ Thừa Thiên bị hạn nặng, nước mặn xâm nhập lên tận thượng nguồn sông Hương, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Vậy nhưng cuối năm lại có lũ lụt lớn khắp các tỉnh từ Quảng Bình vào Quảng Nam, vụ mùa mất trắng, dân bị đói nhiều. Năm 1824, đầu năm kinh kỳ hạn nặng, cuối năm lại mưa dầm, rét lạnh, mặt đất tối đen, không gian xám xịt. Năm 1825, cũng tương tự năm trước, đầu năm hạn hán, cuối năm mưa lũ lớn, nạn đói hoành hành, dân lưu tán rất nhiều, có nơi cả thôn không còn người nào...

Các năm 1826, 1828, 1830, 1832, 1833, 1834, 1835, 1836, 1839, 1840 đều có thiên tai hoặc dịch bệnh tấn công, có những lần rất nặng nề, như trận lũ lụt năm 1828 tại kinh thành, nước dâng cao hơn 10 thước (hơn 4,2m), nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, dân chết đuối hơn 60 người; hạn hán và hỏa hoạn tại kinh thành năm 1830 đã hủy hoại nhiều nhà cửa, công trình, gây thiệt hạ nặng nề cho người dân; mưa bão và lũ lụt năm 1834 ở Quảng Bình, Quảng Trị cuốn trôi hơn 1000 ngôi nhà, hơn 40 người bị chết; dịch bệnh tháng 6 năm 1840 riêng phủ Thừa Thiên chỉ trong một tháng đã làm chết hơn 300 người v.v...

Vậy các giải pháp mà vua Minh Mạng sử dụng để giải quyết vấn đề thiên tai, dịch bệnh là gì? Ông và triều Nguyễn đã ứng phó như thế nào trước các thử thách này?

Trước hết, đối với dịch bệnh, vua Minh Mạng đã sử dụng kết hợp nhiều giải pháp để xử lý. Đó là, huy động lực lượng chữa trị. Năm 1820, trước đại dịch tả hoành hành, nhà vua sai lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa bệnh ban ra cho các địa phương, tại kinh đô thì lấy thuốc viên mới chế ra ban cho đại thần quan viên; huy động lực lượng thầy thuốc, y sinh khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đồng thời, cho mở kho chẩn cấp, cứu trợ cho Nhân dân. Năm 1820, triều Nguyễn chi hết 73 vạn quan tiền cho công việc này, ngoài ra còn cho miễn giảm thuế để khoan sức dân. Về tinh thần, bản thân hoàng đế cũng nói rõ cần phải xem lại bản thân mình, phải sửa đức để hợp ý trời, lòng dân; đích thân hoàng đế cũng chủ trì các lễ cầu đảo để nhờ thần linh phò trợ và để yên lòng dân. Tại các địa phương có dịch bệnh thì đều cho lập đàn tế để cầu phúc cho Nhân dân.

Đối với thiên tai (hạn hán, lũ lụt, gió bão…), các giải pháp khẩn cấp được thực thi bao gồm cứu trợ Nhân dân, mở kho chẩn tế, cứu nạn, cứu đói, hỗ trợ việc chôn cất mai táng người chết… Đồng thời lệnh cho các địa phương lập sổ Nhật ký phong vũ để ghi chép báo cáo tình hình thiên tai kịp thời. Khi giá lúa gạo lên cao, đời sống Nhân dân khó khăn thì triều đình mở kho cứu trợ, cho dân vay không tính lãi, khi nào được mùa thì nộp bù lại. Vua Minh Mạng cũng cho nghiêm trị những kẻ lợi dụng thiên tai dịch bệnh để trục lợi; răn đe, cấm trấp trộm cướp, tội phạm lợi dụng khó khăn để làm loạn; miễn thuế, giảm thuế để giảm nhẹ gánh nặng cho Nhân dân, khoan sức dân...

Về các giải pháp căn cơ lâu dài, nhà vua sai quan lại khảo sát các địa phương thường xuyên xảy ra lụt lội ngập úng, triều cường… để tiến hành đắp đê, khơi thông dòng chảy các con sông, suối, kênh rạch, cửa biển và cao hơn là cho đào sông để giải quyết vấn đề thủy lợi và phòng chống ngập úng. Thời Nguyễn là một trong những thời kỳ cho đào sông nhiều nhất, nổi tiếng như sông/kênh Vĩnh Tế, sông Thoại Hà (tức kênh Long Xuyên - Rạch Giá) ở Nam Bộ, sông Lợi Nông, sông Phổ Lợi và hệ thống sống đào quanh kinh thành Huế, sông Vĩnh Định ở Quảng Trị, sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, sông Cửu Yên ở Hưng Yên…

Điều quan trọng nhất là dù trong bất cứ thảm họa do thiên nhiên hay dịch bệnh gây ra, hoàng đế Minh Mạng và triều đình mà ông điều hành đều không nao núng, luôn nỗ lực để vượt qua, đảm bảo để bộ máy từ trung ương đến địa phương được vận hành thông suốt, đảm bảo để Nhân dân cảm thấy triều đình luôn luôn sát cánh, che chở cho Nhân dân. Nhờ những giải pháp đó, sau mỗi lần bị thiên tai, dịch bệnh tấn công, tình hình nhanh chóng được ổn định, đất nước tiếp tục được phát triển và ngày càng hùng cường.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, đại dịch nào rồi cũng sẽ qua, vấn đề là chúng ta cần phải luôn bình tĩnh, sáng suốt, có những giải pháp phù hợp để ứng phó, giải quyết và vượt qua thử thách để tiến lên. Những bài học để vượt qua khó khăn, dịch bệnh mà hoàng đế Minh Mạng để lại thực sự rất quý báu và có ý nghĩa trong bối cảnh cả nước chúng ta đang nỗ lực phòng chống đại dịch covid 19 hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:

Dương Phước Thu (2006), Thiên tai và dịch bệnh ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (bảy thế kỷ nhìn lại), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 74-89.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528618

Hôm nay

2274

Hôm qua

2291

Tuần này

2891

Tháng này

215314

Tháng qua

0

Tất cả

114528618