Diễn đàn
Có phải danh sĩ Hồ Tông Thốc là người đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta?! (trao đổi với tác giả Hồ Sỹ Hùy)
Trên vanhoanghean.com.vn lúc 15:39 thứ hai, 09/5/2022 đăng tải bài viết “Bản lĩnh Hồ Tông Thốc trong nền văn hóa Thăng Long - Đại Việt”[1] của tác giả Hồ Sĩ Hùy. Hồ Tông Thốc là danh sĩ nổi tiếng thời Trần, tác giả của nhiều tác phẩm văn chương và sử học có giá trị. Bài viết của tác giả Hồ Sĩ Hùy đơn thuần chỉ là chắp ghép thông tin ở một số nguồn khác nhau để tạo thành một bài viết, chứ chưa phải là một bài nghiên cứu thực sự, nên chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy được “Bản lĩnh Hồ Tông Thốc” cụ thể như thế nào. Bên cạnh đó, bài viết có nhiều thông tin không chính xác về lịch sử, chúng tôi mong muốn được trao đổi lại.
Tác giả Hồ Sĩ Hùy viết:
“…Không thấy Ngô Sĩ Liên nhận xét gì về tác phẩm Việt Nam thế chí 越南世誌của Hồ Tông Thốc, nhưng chính ông là người đã đi tiếp con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta. Nguyên bản Việt Nam thế chí đã mất, nhưng may mắn “Lời tựa” tác phẩm này được đại sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) chép lại đầy đủ trong thiên Văn tịch chí 文籍誌 bộ Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌 đồ sộ. Lời tựa này cho ta biết Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng & các đời nhà Triệu. Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa ra danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu; người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương)…”
Ở đoạn trích này, tác giả Hồ Sĩ Hùy khẳng định chính danh sĩ Hồ Tông Thốc là người khai sáng, đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta (và sử gia Ngô Sĩ Liên là người tiếp nối việc đó). Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nhận định này không đủ cơ sở khoa học bởi hai bộ sử Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục đều đã thất lạc, cho nên chúng ta không thể biết được nội dung bên trong viết những gì, cụ thể như thế nào (riêng Việt Nam thế chí chỉ còn lại mỗi bài Tự chép trong Lịch triều hiến chương loại chí)
Phần ghi chép về họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái
Hơn nữa, trước Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục, nước ta đã có nhiều bộ sách đề cập tới thời đại Hùng Vương, cụ thể như sau:
Sách Lĩnh Nam chích quái xuất hiện vào thời Trần, gồm 22 truyện, trong đó có rất nhiều truyện nói về những nhân vật và sự kiện của thời đại Hùng Vương như:
- Truyện tinh Cây: truyền thuyết Kinh Dương Vương diệt tinh cây ở Phong Châu.
- Truyện tinh Cá: truyền thuyết Lạc Long Quân diệt tinh Cá ở Biển Đông.
- Truyện tinh Chồn: truyền thuyết Lạc Long Quân diệt chồn tinh ở “đầm Xác Chồn” (tức Hồ Tây ngày nay).
- Truyện Trầu Cau: sự tích trầu cau và tục dùng cau trầu trong việc cưới hỏi. (Thời Hùng Vương thứ 3).
- Truyện giếng Việt: sự tích vào thời Hùng Vương thứ 3.
- Truyện Đổng Thiên Vương: truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân. (Thời Hùng Vương thứ 6).
- Truyện Bánh Chưng: truyền thuyết bánh chưng, bánh dày. (Thời Hùng Vương thứ 6).
- Truyện Dưa Hấu: sự tích Dưa hấu truyền vào nước ta. (Thời Hùng Vương thứ 17).
- Truyện thần núi Tản Viên: truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh tranh giành nhau lấy con gái vua Hùng là Mỵ Nương. (Thời Hùng Vương thứ 18).
- Truyện Đầm Một Đêm: truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng. (Thời Hùng Vương thứ 18)
- Truyện chim Trĩ trắng: vua Hùng sai bề tôi tự xưng là người Việt Thường, đem dâng nhà Chu chim Trĩ trắng.
- Truyện Lý Ông Trọng: nhân vật cuối đời Hùng Vương, sau làm tướng đánh Hung Nô cho nhà Tần.
Trong số 22 truyện, đặc biệt nhất có truyện Họ Hồng Bàng đã có ghi chép về việc Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi sinh ra Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm người con. Phần ghi về Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang, cụ thể như sau:
Nguyên văn:
嫗姬於五十男居峰州以其雄長尊立為主號曰雄王國號文郎
Phiên âm:
Âu Cơ ư ngũ thập nam cư Phong Châu dĩ kỳ hùng trưởng tôn lập vi chủ, hiệu viết Hùng Vương, quốc hiệu Văn Lang.
Dịch nghĩa:
Âu Cơ đem 50 người con trai ở đất Phong Châu, chọn người hùng trưởng, tôn lập làm chủ, gọi là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.
Sách Việt điện u linh của danh sĩ Lý Tế Xuyên, ra đời vào khoảng năm 1329, trong truyện Tản Viên Hựu thánh Khuông quốc Hiển linh ứng Đại vương có đoạn chép: Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương[2], dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu[3] cản rằng: Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó.
Sách Việt sử lược chưa rõ tác giả, ra đời vào khoảng năm 1377. Đây là cuốn sử biên niên thuộc hàng sớm nhất của Việt Nam còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Trong đó có ghi chép về thời Hùng Vương như sau: …“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên - ND) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương. Việt Câu Tiễn (505-465 trước công nguyên - ND) thường sai xứ sang dụ, Hùng Vương chống cự lại. Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay…”
Như vậy, ngay thời Trần, ít nhất đã có 3 tác phẩm sử học ghi chép về thời Hùng Vương. Lĩnh Nam chích quái cho tới nay vẫn chưa xác định được niên đại, còn lại Việt điện u linh ra đời năm 1329 - thời điểm này Hồ Tông Thốc chưa thể viết Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục được bởi bấy giờ ông mới lên 5 tuổi.
Sách Việt điện u linh (ngoài cùng bên trái) trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với dòng chú thích: “các tư liệu sử học thế kỷ 14-19 viết về lịch sử thời đại các vua Hùng”
Ngoài các bộ sử kể trên, thời Trần cũng có nhiều tác phẩm văn học có nói về thời đại Hùng Vương, như:
Bài văn bia 古跡神祠碑記 Cổ tích thần từ bi ký do Danh sĩ Trương Hán Siêu soạn vào ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312), có chép như sau:
Nguyên văn:
想初天神王祠下粵自雄王六世朱鳶部雒將奉造乾巽向敬天臺每歲初春恭行奉天大禮
Phiên âm:
Tưởng sơ, thiên thần vương từ hạ Việt tự Hùng Vương lục thế Chu Diên bộ Lạc tướng phụng tạo (Càn Tốn hướng) Kính Thiên đài, mỗi tuế sơ xuân cung hành phụng thiên đại lễ.
Dịch nghĩa:
Nhớ lúc xưa, (tại) đền thờ Thiên Thần Vương (ngài) giáng sinh xuống nước Việt từ đời Hùng Vương thứ 6, do Lạc tướng Chu Diên vâng mệnh xây dựng đài Kính Thiên theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Cứ mỗi năm vào đầu xuân đều kính cẩn thực hiện đại lễ tế trời.
Bài thơ Tụng giá tây chinh, yết Tản Viên từ 從駕西征謁傘圓祠 Phò giá nhà vua chinh phạt Ai Lao, cầu đảo ở đền thờ Tản Viên của danh sĩ Nguyễn Sĩ Cố (? - 1312) thời Trần, có câu như sau:
媚娘亦具威儀者
且為書生保此行
Mị Nương diệc cụ uy nghi giả,
Thả vị thư sinh bảo thử hành.
(Mị Nương nếu là vị thần có sự linh thiêng
Hãy phù hộ cho hành trình của kẻ thư sinh này)
Bài thơ Hành quận 行郡 Đi kinh lý trong quận[4] của Danh sĩ Phạm Sư Mạnh có câu như sau:
瀘水藩籬洮聚落
文郎日月蜀山河
Lô thủy phiên ly, Thao tụ lạc,
Văn Lang nhật nguyệt, Thục sơn hà.
(Đi qua biên giới ở sông Lô, xóm làng ở sông Thao
Đi qua tháng ngày của nước Văn Lang, núi sông của nước Thục)
Bài thơ Họa Đại Minh sứ đề Nhị Hà dịch kỳ 3 和大明使題珥河驛其三 Họa thơ của sứ thần nhà Minh đề ở trạm Nhị Hà kỳ 3[5] có câu như sau:
文郎城古山重疊
翁仲祠深雲淡濃
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.
(Thành quách nước Văn Lang thì cổ kính, núi thì trùng điệp
Đền thờ Lý Ông Trọng thì thâm nghiêm, mây thì khi mờ khi đậm).
Chắc hẳn rằng, muộn nhất là thời Trần, nước ta đã có nhiều bộ sử chép về thời đại Hùng Vương. Đặc biệt bấy giờ đã có tín ngưỡng thờ phụng các nhân vật của thời đại Hùng Vương. Cho nên sự xuất hiện của những yếu tố này trong các tác phẩm văn chương lúc bấy giờ cũng là điều dễ hiểu.
Một điều đáng chú ý nữa là việc các bộ sử đời Trần tiếp nối các bộ sử từ thời Lý. Văn bia Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí tại chùa Phúc Thánh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho chúng ta biết khái niệm “Quốc sử” đã xuất hiện từ thời Lý, lại biên soạn riêng từng nhân vật cụ thể như mục “Nhân vật chí” ở những bộ sử sau này.
Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Đại Việt sử ký… cũng đều tham chước và tiếp nối từ các bộ sử khác có từ thời Lý, như bộ Sử Ký của Đỗ Thiện. Chính vì vậy, nhận định của tác giả Hồ Sĩ Hùy cho rằng sử gia Ngô Sĩ Liên tiếp nối “con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta” là hoàn toàn không chính xác.
Bên cạnh đó, tác giả Hồ Sĩ Hùy cũng cho rằng: Hồ Tông Thốc là “người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương)”. Điều này cũng không đủ cơ sở khoa học bởi bộ sách Việt Nam thế chí đã mất, chỉ còn lại bài Tự chép trong Lịch triều hiến chương loại chí trong đó cho rằng sách Việt Nam thế chí có chép thế phả 18 đời vua Hùng và nhà Triệu. Tuy nhiên, chỉ mỗi thông tin như vậy, không một ai có thể dám đánh giá sử gia Hồ Tông Thốc “có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng” như tác giả Hồ Sĩ Hùy được. Hơn nữa, nếu“có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng” thì ở sách Lĩnh Nam chích quái cũng đã có một nhận xét: “Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy”. Cuối cùng, thời Hồng Bàng không đơn thuần chỉ là thời Hùng Vương như tác giả Hồ Sĩ Hùy đã viết, mà thời Hồng Bàng còn là thời trước thời Hùng Vương bao gồm các thời: Đế Nghi, Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân.
[1] http://vanhoanghean.com.vn/k2-categories/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/14985-ban-linh-ho-tong-thoc-trong-nen-van-hoa-thang-long-dai-viet?
[2] Con trai vua Hùng là Quan Lang, con gái vua Hùng là Mị Nương.
[3] Quan văn nước Văn Lang là Lạc Hầu, quan võ là Lạc Tướng.
[4] Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978.
[5] Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978.
tin tức liên quan
Videos
Tắc đường vì không nhường nhịn
Món ăn của người Thái và người Thổ ở huyện Quỳ Hợp
Di tích Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí
Khảo sát xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù tại huyện Quế Phong
Thế Vận hội Tokyo 2020: Liều thuốc khuây khỏa giữa đại dịch
Thống kê truy cập
114496460
2242
2310
21241
213853
120308
114496460